Hôm nay,  

Trung Quốc Với Quan Hệ Kinh Tế Mỹ-việt

04/07/200700:00:00(Xem: 8871)

...VN có lợi khi giao dịch với Mỹ hơn... VN nhập siêu nặng với Trung Quốc mà được xuất siêu gấp 8 với Mỹ...
Sau chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - mà dư luận đánh giá là có ít thành công về kinh tế nhưng thất bại về chính trị - người ta đã nêu câu hỏi là vì sao Hoa Kỳ có vẻ như cố nâng đỡ kinh tế Việt Nam" Phải chăng vì Trung Quốc" Do Việt Long thực hiện, Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ tìm một số giải đáp qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa. 
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nói về quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, hầu như ai cũng nhắc đến vai trò của Trung Quốc. Qua chương trình kỳ này, chúng tôi đề nghị là chúng ta sẽ thử tìm hiểu về vai trò đó của Trung Quốc trong mối hợp tác kinh tế Mỹ-Việt.
Trước hết, vì sao Trung Quốc lại có ảnh hưởng tới quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ khiến người ta cứ phải chú ý như vậy"
Thưa ông, về bối cảnh chung trong quan hệ giữa ba quốc gia, có lẽ dư luận bị ảnh hưởng vì nhiều nhận thức xuất phát từ lịch sử xa xưa nên còn suy nghĩ như thế về chuyện hiện đại và tương lai.
Nói chung, thế giới vẫn còn nghĩ rằng Trung Quốc là đại cường lục địa có thể chi phối quan hệ của các lân bang nhỏ yếu với các nước khác, nên cũng có tiếng nói trong mối quan hệ quốc tế của một nước láng giềng như Việt Nam. Đây là một quán tính của quá khứ mà Bắc Kinh cố gắng duy trì trong khi lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa gỡ bỏ được - có khi còn không dám gỡ bỏ.
Dù đã qua thế kỷ 21, lãnh đạo Việt Nam vẫn giữ phản ứng truyền thống là vừa ưa vừa sợ Tầu. Xưa nay, dù có thắng các đợt ngoại xâm từ phương Bắc thì sau đó lãnh đạo nước ta vẫn thiết lập chế độ giáo dục và cai trị theo Bắc phương. Giờ đây, tình hình còn tệ hơn vì sự đồng dạng giữa hai chế độ, gọi là “xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Quốc” hay “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam,  nên Hà Nội mới vẫn dành cho Bắc Kinh tư thế đó.  
Hỏi: Thế còn Hoa Kỳ, họ nghĩ gì về mối quan hệ Việt-Hoa đầy nghịch lý mà cũng rất lâu đời ấy"
Hoa Kỳ là quốc gia quá trẻ và nói chung thì lãnh đạo xứ này thiếu am hiểu về các vấn đề văn hoá sâu xa của thế giới. Nhờ vậy, họ dám có loại sáng kiến táo bạo hơn - với kết quả thiếu đồng bộ.
Trong quá khứ, Hoa Kỳ muốn yểm trợ miền Nam để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc từ miền Bắc. Tới khi gặp khó khăn thì lại rơi vào phản ứng cố hữu của Tây phương là nói chuyện thẳng với Bắc Kinh để mưu tìm một giải pháp với Hà Nội. Giờ đây, vẫn do sự hiểu lầm cố hữu ấy, một số người Mỹ cứ tưởng rằng truyền thống chống Trung Quốc của Việt Nam có thể phần nào chặn nổi ảnh hưởng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á. Họ muốn tái diễn chiến lược cũ, với cả nước Việt Nam đã thống nhất và có dân số 85 triệu thay vì một nửa ở miền Nam với 24 triệu dân như trước 1975.
Hỏi: Nhưng trước hết, Hoa Kỳ lượng định ra sao về Trung Quốc mà lại nghĩ tới chiến lược ấy"
Tôi nghĩ rằng quan điểm khả dĩ gọi là lưỡng đảng của Hoa Kỳ, vì được cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ cùng tiến hành, là vừa hợp tác để chuyển hoá Trung Quốc, đồng thời vừa cảnh giác để ngăn ngừa bất ổn có thể xảy ra vì Trung Quốc nay đã là một cường quốc và lãnh đạo Bắc Kinh lại theo đuổi những giá trị khác và có thể thách đố cái thế độc bá toàn cầu của mình. Vì vậy, Mỹ mở rộng hợp tác kinh tế và cố gắng kết giao hành động trên một số lãnh vực, nhưng vẫn thường xuyên canh chừng hoặc nêu vấn đề với Bắc Kinh theo lối vừa dụ vừa ép.
Hỏi: Và ngược lại, ông cho rằng lãnh đạo Trung Quốc nghĩ sao về Hoa Kỳ"
Họ đánh giá cao kỹ thuật nhưng coi thường chính trị của Mỹ. Trung Quốc cần Hoa Kỳ trong ba lãnh vực chính là thương mại, đầu tư và công nghệ - mà không quốc gia hay khối kinh tế nào có được như Mỹ. Nhưng, trong việc vận dụng và thậm chí lợi dụng Mỹ, họ vẫn khéo tranh thủ được nhiều ưu thế với thế giới để giải quyết mục tiêu lâu dài là trở thành một cường quốc có cái thế đối đầu hay đối thoại ngang hàng với Hoa Kỳ. Về mặt tiêu cực, lãnh đạo Bắc Kinh biết rõ nhược điểm về cơ cấu của mình và e sợ là nội bộ mà bị khủng hoảng thì sẽ bị các nước, nhất là Mỹ, gây thêm phân hoá như Trung Quốc đã từng bị trong lịch sử. Nhìn trên đại thể như vậy thì ta có thể thấy ra động lực hợp tác tay ba trong tương quan bất ổn thường trực.
Hỏi: Từ bối cảnh chung mà nói riêng về địa hạt kinh tế, ông nghĩ sao nào về quan hệ tay ba đó"
Trên đại thể, tôi cho là vì sức mạnh kinh tế của mình, trong ba nước, Hoa Kỳ là quốc gia giữ thế chủ động và có khi đang khai triển cái thế ấy hầu đạt mục tiêu chiến lược lâu dài hơn. Nhưng sức năng động của doanh giới Mỹ cũng có thể làm đảo lộn những tính toán chiến lược đó.
Hoa Kỳ mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sáu năm trước Việt Nam. Kể từ đấy, Trung Quốc có bàn đạp vươn lên thành một đối tác kinh tế đáng kể và đạt xuất siêu rất cao với Mỹ. Nhìn trên bề mặt, người ta cứ tưởng rằng Trung Quốc thắng thế với khối dự trữ ngoại tệ rất lớn và trở thành một chủ nợ mới của Mỹ. Thật ra, kinh tế Trung Quốc cũng bị lệ thuộc nhiều hơn vào thị trường Mỹ và mâu thuẫn về quyền lợi tự nhiên đã gia tăng giữa đôi bên, là loại vấn đề trước đây không hề có.
Hỏi: Bây giờ, đến lượt Việt Nam nhập cuộc chơi với tấm vé vào của WTO từ đầu năm nay. Liệu Việt Nam có nhờ bàn đạp WTO mà tái diễn thành tích xuất siêu của Trung Quốc hay không"
Từ sáu năm nay, ngoại thương Mỹ-Việt tăng gấp sáu, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng gấp tám, với mức xuất siêu đã vượt quá tám tỷ Mỹ kim. Vì vậy, quan hệ đôi bên bắt đầu chuyển động, nhưng WTO không là tất cả và đây là điều Việt Nam vẫn chưa nhìn ra.
Nhìn từ Hoa Kỳ thì từ năm năm qua, Chính quyền của Tổng thống Bush muốn đa diện hoá quan hệ mậu dịch với các nước Đông Á, nhất là Đông Nam Á vốn kém phát triển hơn Đông Bắc Á. Họ sở dĩ cần đa diện hoá vì không muốn đặt quá nhiều trái trứng kinh tế trong một cái giỏ là thị trường Hoa Lục. Nhờ vậy mà quyền lợi Hoa Kỳ vẫn hiện hữu tại Á châu với những rủi ro phân tán hơn. Và cũng nhờ vậy mà họ càng có thế mạnh hơn khi cần gây sức ép với Trung Quốc.


Nói cho dễ hiểu, Hoa Kỳ ngày không xây dựng cơ sở quân sự quy mô để ngăn chặn Trung Quốc mà phát triển cơ sở kinh doanh để có giao kết đa phương về quyền lợi. Vì chiều hướng đó, ngoài Nhật Bản và Nam Hàn, Mỹ đã mở nhiều vòng đàm phán với Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á là tổ chức ASEAN.
Hỏi: Mà trong khối ASEAN đó cũng có Việt Nam" 
Với ASEAN, từ năm ngoái, Mỹ đã ký hiệp định khung về ngoại thương và đầu tư mà ta gọi tắt là TIFA, mãi tới ngày 21 tháng trước Hà Nội mới ký văn kiện này, chỉ trước có Lào và Myanmar thôi. Đây là khuôn khổ cần thiết để hai nước cùng theo dõi, kiểm tra hoặc tranh tụng về khả năng tôn trọng những cam kết với tổ chức WTO.
Hỏi: Xin được hỏi ngay một câu là vì sao hai hội viên của WTO lại còn phải thành lập một cơ chế phụ trội để theo dõi việc tuân thủ những quy định của WTO"
Thưa đấy là một câu hỏi chí lý! Đấy là cái thế chủ động hiển nhiên của Hoa Kỳ với các nước Đông Nam Á và riêng với Việt Nam sau khi hai bên đã ký Hiệp định Thương mại Song phương năm 2001. Hiệp định TIFA là điều kiện cần thiết để Việt Nam đạt thêm hai thỏa ước kinh tế về ngoại thương và đầu tư với Hoa Kỳ hầu có thể tiến tới Hiệp định Thương mại Tự do - Free Trade Agreement hay FTA với Mỹ. Vì vậy, WTO không là tất cả mà chỉ là bước đầu và qua TIFA còn  FTA mới là mục đích vì từ đó hai bên sẽ trao đổi hoàn toàn tự do như đồng minh chiến lược.
Hỏi: Theo lối phân tích ấy, Hoa Kỳ đang muốn lôi kéo Việt Nam nếu chưa phải ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc thì cũng là một đối tác chiến lược về kinh tế trong khu vực Đông Á"
Vì quyền lợi của mình, Hoa Kỳ có thể muốn giúp Việt Nam được giàu mạnh hơn. Một ẩn dụ bắt mắt là Cam Ranh không cần là một căn cứ hải quân Mỹ nhưng có thể là một khu công nghiệp lớn cho toàn khu vực. Các nước Đông Á như Nhật Bản, Đại Hàn hay Đài Loan cũng thấy vậy và đang muốn đầu tư thêm vào Việt Nam như một giải pháp kinh tế bổ xung, và an toàn hơn là để bị lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Hoa Lục. Vấn đề ở đây là lãnh đạo Hà Nội muốn gì"
Hỏi: Thế câu trả lời của ông là thế nào"
Tôi thiển nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam tưởng là mình khôn nên muốn bắt cá hai tay mà vẫn chưa thoát khỏi lối suy nghĩ lỗi thời là đu dây. Sở dĩ như vậy vì họ vẫn bị hệ thống Trung Quốc chi phối từ tư duy đến cơ chế, và yếu tố then chốt là quyền lợi tối thượng của họ chỉ là sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự bảo vệ của đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ chưa bước ra khỏi cái bóng rợp của Trung Quốc và thật ra chưa có khả năng suy nghĩ độc lập theo hoàn cảnh mới.
Hỏi: Thế còn quyền lợi tối thượng của người dân Việt Nam"
Nói về quyền lợi thì trong quan hệ kinh tế tay ba với Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam có lợi khi giao dịch với Mỹ hơn là với Trung Quốc. Trước mắt thì chưa kể hàng nhập lậu, Việt Nam bị nhập siêu nặng với Trung Quốc mà lại được xuất siêu gấp tám với Hoa Kỳ. Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là từ Trung Quốc, tới gần 16% tổng số, mà xuất khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ, đến hơn 18% số xuất khẩu. Trước mắt đã vậy, về đầu tư và nhất là kỹ thuật hay công nghệ thì Việt Nam có lợi nhất là qua giao thương với Mỹ nhờ đó học thêm quy cách tổ chức và sản xuất tiên tiến thay vì học lại những gì Trung Quốc đã học từ Hoa Kỳ, hoặc tiếp nhận hàng hoá Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ từ chối vì thiếu vệ sinh, như trường hợp đang xảy ra ngày nay.
Hỏi: Thưa đấy là mối lợi về kinh tế, chứ còn mối lợi nào khác nữa chăng" 
Thưa về mặt chiến lược, khi Hoa Kỳ không có liên hệ hay cơ sở đầu tư gì ở tại Việt Nam thì tất nhiên chẳng có lý do gì bênh vực quan điểm của Việt Nam, thậm chí bảo vệ Việt Nam nếu có tranh chấp với Trung Quốc. Nhưng nếu Hải quân Trung Quốc uy hiếp khu công nghiệp Đà Nẵng Cam Ranh thì có thể là một vấn đề của Việt Nam mà cũng là vấn đề của Mỹ nếu họ có cơ sở đầu tư tại đó. Vả lại, Hoa Kỳ là nước ở xa và không thể có một ý đồ chiếm đóng Việt Nam hoặc để bành trướng lãnh thổ, là trường hợp khác hẳn Trung Quốc ngày xưa và ngày nay.
Hỏi: Như vậy, nếu suy đi tính lại thì việc mở rộng và tăng cường giao hảo với Hoa Kỳ là điều có lợi hơn là chỉ cố gắng vun trồng quan hệ với Trung Quốc chứ"
Thưa vấn đề là "có lợi cho ai"" Dân Việt Nam có lợi nhất, nhưng lãnh đạo Hà Nội lại nghĩ khác. Trong quan hệ với Trung Quốc, họ không bị áp lực phải cải cách chế độ chính trị cho tự do hơn. Ngược lại, vì Hoa Kỳ là một xứ dân chủ đa nguyên, Hành pháp hay doanh giới có thể tạm nhắm mắt trước những khiếm khuyết chính trị hay xã hội của Việt Nam, chứ giới tiêu thụ, dư luận và Quốc hội lại không chấp nhận khuyết tật ấy. Và họ sẽ lên tiếng như đã lên tiếng.
Phải nói thêm là nếu sự hiện diện đông đảo của người Việt tại Mỹ có thể là đầu mối cho Việt Nam dễ tiếp cận vào thị trường Mỹ thì cũng là thế lực khiến chính quyền Mỹ phải lưu ý khi muốn xí xoá cái tội đàn áp nhân quyền của chế độ hiện hành. Chuyến đi vừa qua của ông Triết có cho thấy điều ấy khi lãnh đạo Hoa Kỳ phải nói chuyện với cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Một số người cho là Chính quyền Bush chỉ tiếp xúc với cộng đồng người Việt theo lối biểu kiến, nhưng nếu thực sự coi thường cộng đồng này thì việc gì họ phải trình diễn như vậy" Và ngoài Hành pháp thì Quốc hội Mỹ cũng là sức mạnh đáng kể mà người ta khó vượt qua được.
Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, nếu như vậy, Việt Nam nên làm gì trong thời điểm này"
Dân Việt Nam nên biết cân nhắc quyền lợi lâu dài của mình. Thứ hai, nhân cơ hội Hoa Kỳ đang muốn mở ra một hướng khác cho Việt Nam, lãnh đạo Hà Nội nên đẩy mạnh việc cải tổ bên trong và nâng cao tay nghề hầu khai thác được lợi thế về kinh tế hơn là chỉ tranh thủ bằng lương bổng thấp. Nhưng muốn như vậy, họ cũng cần cải tổ mối quan hệ với chính người dân để xây dựng một xã hội cởi mở và tự do hơn. Điều ấy tất nhiên có lợi về kinh tế mà còn giúp Việt Nam củng cố được nền độc lập đích thực nếu thoát khỏi nếp tư duy đậm mùi Trung Hoa. Chúng ta đã qua thế kỷ 21 rồi với quy luật bang giao cũng đã đổi khác trên thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một cường quốc của thế giới. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 4 thế giới
Tổng Thống William Jefferson "Bill" Clinton, sinh ngày 19/8/1946, là Tổng Thống thứ 42 của Hoa Kỳ, phục vụ 2 nhiệm kỳ từ 1993 đến 2001.
Non sông Việt Nam từ ải Chi Lăng cho đến mũi Cà Mâu, bao gồm đất đai, vùng trời, vùng biển và hải đảo, là di sản của tiến nhân để lại sau hàng ngàn năm
Có những mối nhục dùng gươm mà rửa Có những thương đau rồi sẽ mờ phai Có những cắt chia, mai mốt nối dài Có những phẫn nộ, tương lai sẽ tỏa
Tối nay tôi cùng Minh Bình, bác Diệu Phụng, Diệu Phượng, Diệu Thuận và Đức Trang Nghiêm đến tụng kinh Dược Sư cho Viên Bảo Mỹ.
Mấy ngày qua trên Internet đã có nhiều hình ảnh và tin tức về các cuộc biểu tình của thanh niên Hà Nội, thanh niên Sài Gòn, xuống đường phản đối Trung Cộng
Thư này được viết cho những người trẻ, những trí thức văn nghệ sĩ và tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước thuộc bất cứ giai tầng xã hội nào.
Trong những ngày tháng qua, có những con người quên ăn quên ngủ nóng lòng hướng về miền Trung, nơi mà thiên tai hàng năm vẫn không tha
New Orleans được dân Việt gọi là Ngọc Lân, thủ đô nhạc Jazz với những đại hội và những nhạc sĩ tên tuổi cỡ Louis Amstrong, Bessie Smith, Duke Ellington
Vũ khí tang vật xuất hiện trong hành lý ký gởi qua đường hàng không quốc tế là một trong những yếu tố tội phạm quan trọng liên quan đến nhiều lãnh vực
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.