Hôm nay,  

Nga Vào Trung Đông

19/02/200700:00:00(Xem: 10771)

- Liên bang Nga thừa thắng xông ra. Vào một vũng lầy khác.

Trong khi Quốc hội Dân chủ muốn cột tay Tổng thống Bush, mắt đăm đăm nhìn vào tấm lịch tranh cử 2008, có hai cường quốc lại bận rộn chuyện khác.

Sau "thượng đỉnh Châu Phi" tại Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, tuần qua, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chu du tám nước Phi Châu. Tại Bắc Kinh năm ngoái, ông đã gặp 45 lãnh tụ Phi Châu. Trong chuyến Phi du lần này, ông thủ vai con buôn, nói chuyện làm ăn với các nước ở một lục địa xa lắc. Xa đến nỗi truyền thông Mỹ coi là chuyện nhỏ.

Họ chú ý hơn đến bài diễn văn Tổng thống Vladimir Putin của Nga đọc hôm mùng 10 tại hội nghị quốc tế về an ninh ở Munich của Thụy Sĩ. Nghe như một bài diễn văn của đảng Dân chủ trong mùa tranh cử Mỹ: "vì Chính quyền Bush can thiệp ở mọi nơi, Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về những bất ổn quốc tế, kể cả việc nhiều nước phải có phản ứng, như chế tạo võ khí nguyên tử chẳng hạn." Tại Bush cả, khi Iran muốn chơi bạo!

Chuyện Putin tấn công Hoa Kỳ không là điều lạ. Nhưng lại chọn diễn đàn Munich để nói với cả Âu châu và Hoa Kỳ, và Minh ước NATO, là một biến cố đánh dấu chuyến thăm viếng Trung Đông của Tổng thống Nga ngay sau hội nghị Munich.

Không kín đáo thâm trầm như Trung Quốc, Liên bang Nga vừa mở ra một trang sử mới: khẳng định thế lực cường quốc của mình.

Cũng phải thôi. Đương khi Hoa Kỳ đang bận thì tội chi mà không xấn tới"

Vladimir Putin đánh đòn ly gián các nước Âu châu với Hoa Kỳ, trò ấy đã xưa. Ông còn muốn tiến xa hơn, là lập thế liên hoành với các nước để chấm dứt vai trò độc bá của Mỹ. Việc Hoa Kỳ có thể thiết trí các hoả tiễn tầm trung tại Ba Lan và Cộng hoà Tiệp là một cơ hội mới, không thể bỏ lỡ. Đây là đòn phản công dễ hiểu khi Hoa Kỳ đã phất cờ dân chủ để thu hẹp ảnh hưởng của Liên bang Nga trong các nước Cộng hoà thuộc Liên bang Xô viết cũ. Năm 2006 là đợt phản công đầu tiên nhắm vào Cộng hoà Ukraine.

Năm 2007 này, Liên bang Nga còn tiến xa hơn, vào tới sân sau và là vùng ảnh hưởng của Mỹ, vào kho dầu lửa Trung Đông.

Đây là một nước cờ mà ngồi ngoài vỉa hè chúng ta cũng có thể hiểu được.

Tại Trung Đông, Hoa Kỳ đang kẹt chân ở Iraq, bị Iran thách đố và chưa biết xử trí ra sao với xung đột giữa Israel và Palestine, bị lúng túng vì lực lượng Hezbollah do Tehran yểm trợ có thể gây loạn cho Lebanon. Nếu có phải chặn chân Hoa Kỳ thì Trung Đông là nơi Hoa Kỳ yếu thế nhất mà Putin có nhiều lợi thế, và nhất là lại nằm ngoài khu vực Đông Âu và Trung Á là những vùng phiên trấn cố hữu của Nga.

Đã thế, Trung Đông còn trực tiếp liên hệ đến quyền lợi kinh tế và chiến lược của Nga.

Tính trung bình, giá vốn của một thùng dầu khí tại Trung Đông chỉ ở khoảng sáu Mỹ kim, tại Liên bang Nga là 15 Mỹ kim, vì phẩm chất rất kém. Là một xứ xuất cảng dầu hỏa nhất nhì thế giới, nước Nga có lợi khi dầu thô lên giá. Chính là bất ổn tại Trung Đông và dầu thô tăng vọt từ mấy năm qua khiến nước Nga có lời nhất, vì có tiền trả nợ và bành trướng ảnh hưởng. Nếu can thiệp vào Trung Đông, và liên kết với hai nước xuất cảng lớn nhất là Saudi Arabia và Iran để giữ giá dầu cho cao, Putin sẽ có thêm phương tiện củng cố thế lực của Nga. Đó là về kinh tế, với giá dầu trên năm chục bạc một thùng là điều tối hảo!

Về an ninh, Liên bang Nga cũng có mối lo Hồi giáo trong xương tủy.

Trung Quốc thì có thể vừa tận diệt mọi lực lượng Hồi giáo ly khai tại Tân Cương trong khi dở trò mị dân cấm dân chúng nhắc đến con heo trong năm Hợi để khỏi làm dân Hồi giáo buồn lòng, chứ Liên bang Nga của Putin còn mạnh tay mạnh miệng hơn vậy. Lý do là cuộc chiến tại Chechnya chưa ngã ngũ, xứ này mà ly khai thì một chuỗi các nước Hồi giáo từ Trung Á về tới vùng Caucasia sẽ đổ theo.

Mà Putin biết là Saudi Arabia có kín đáo yểm trợ quân kháng chiến Chechchen. Giải quyết cái gai Chechnya bằng cách nói chuyện thẳng với Hoàng gia Saudi là nước cờ sáng. Nhân đó, chiếu bí Hoa Kỳ lại càng hay!

Bên cạnh đó, một đối thủ của Hoa Kỳ là Iran lại rất cần sự yểm trợ của Putin ở cả hai mặt âm dương. Chính thức là trước diễn đàn Liên hiệp quốc, hay ở ngả sau, bằng loại hỏa tiễn địa không S300PMU mà Tehran muốn mua của Nga để phòng ngừa bị Israel hay Hoa Kỳ tấn công. Càng hà hơi cho Iran, Putin càng nuôi hy vọng làm Mỹ bị sa lầy tại Iraq nên sẽ cuốn cờ dân chủ rồi chạy về nguyền rủa nhau ở nhà.

Nhìn như vậy, Vladimir Putin xứng mặt Kỳ vương ở nước cờ có thể nói là "công thủ hài hòa" - trên một vùng đất chạy dài từ Địa trung hải qua Ấn Độ dương. Chuyện ấy càng đáng chú ý vì Putin lại vừa cải tổ nội các để thủ cho chắc hệ thống chỉ huy của Nga, nếu như ông có ra đi sau cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới, hoặc... lại hy sinh thêm một nhiệm kỳ để củng cố lại tư thế của Liên bang Nga cho vững vàng hơn.

Khốn nỗi, sự đời lại không đơn giản như vậy.

Trong khu vực ấy, hai cường quốc cấp vùng là Saudi Arabia và Iran lại như nước với lửa. Saudi là xứ Á Rập theo phe Sunni (hệ phái "Wahhabis" của Saudi và Osama bin Laden hay al-Qaeda là thuộc khối Sunni) trong khi Iran là một xứ Ba Tư (sắc tộc Persia) theo phe Shia. Saudi Arabia là một xứ phú hơn cường và cần sự yểm trợ bên ngoài để bảo vệ an ninh cho mình, còn Iran là một xứ cường hơn phú, nhưng có tham vọng lớn lao hơn.

Mục tiêu chiến lược của hai cường quốc địa phương ấy có mâu thuẫn với nhau và vì vậy cũng trái ngược với mục tiêu của Liên bang Nga.

Khi Saddam Hussein tấn công Kuweit và đe dọa an ninh của Saudi Arabia, chiến dịch "Bão sa mạc" của ông Bush cha đã cứu được Hoàng gia Saudi nhưng gây khó cho xứ này trước dư luận Hồi giáo vì việc Mỹ đóng quân tại Saudi Arabia. Và là một nguyên nhân trực tiếp được al-Qaeda minh danh khi tấn công nước Mỹ năm 2001. Hoàng gia Saudi rất lúng túng với lá chắn của Mỹ và thực tâm chẳng muốn ông Bush con mở chiến dịch Iraq năm 2003. Nhưng, chuyện ấy đã xảy ra. Saddam Hussein không còn thì Iraq trở thành vùng tung hoành của Iran. Rốt cuộc, ngày nay Riyadh muốn gì"

Muốn nước Mỹ bị cầm chân tại Iraq và lính Mỹ lập vùng trái độn cho Saudi Arabia trước sự hoành hành của Tehran và tay chân theo hệ phái Shia. Miễn là đừng đóng quân trên lãnh thổ Saudi là được!

Mục tiêu ấy chưa chắc đã đồng quy với những tính toán của Putin.

Hoàng gia Saudi cũng biết rằng kinh tế Iran lệ thuộc vào dầu khí và giá dầu rất cao. Với thế lực của mình, Saudi Arabia có thể bơm thêm dầu cho giá dầu bị tuột, là điều có lẽ họ đã thực tế tiến hành. Dù giá hạ có thể làm mình bị thiệt hại, nhưng mức thiệt hại cho Tehran còn sinh tử hơn! Mà mục tiêu ấy cũng ngược với những mong ước của Putin!

Với Iran, Tổng thống Vladimir Putin có thể tìm ra nhiều điểm tương đồng hơn, nhưng không hẳn là "nhất trí"! Đã đành rằng Iran cần Putin để bênh vực mình trước Liên hiệp quốc hoặc tiếp tế chiến cụ cho mình chống Mỹ, nhưng, Iran cũng muốn đánh cho Mỹ cút và cho Saudi bị nhào khỏi sân chơi Iraq của mình. Putin chưa chắc đã muốn vậy. Mỹ càng lún sâu tại Iraq thì Liên bang Nga càng có thời gian củng cố ảnh hưởng.

Với Putin, Iraq là chuyện Việt Nam cho Liên Xô thời Brezhnev: làm cho nước Mỹ bị bận tâm và hao của trong một khu vực không phải là chiến lược của mình. Với các Giáo chủ Tehran, Iraq là vùng oanh kích của mình nếu Hoa Kỳ tháo chạy.

Mà nếu Tehran làm quá khiến Bush nổi đóa, Iran có khi hết là một xứ bán dầu! Mất sản lượng dầu thô của Iran, giá dầu quốc tế sẽ vọt lên trời, và rơi vào két bạc của Nga. Thành thử, Iran gây hấn với Mỹ là điều có lợi cho Putin, và được giúp đỡ trong chừng mức đó. Nhưng chỉ trong chừng mực đó mà thôi!

Chưa kể là xưa nay, Iran luôn luôn e ngại con gấu Nga với móng vuốt đã có lúc vươn dài tới biên giới Đông Bắc của mình, trong vùng Caucasia. Khi Liên Xô tan rã, các nước trái độn trong khu vực có thể giúp Tehran nhìn về nước Nga như một đồng mình. Nhưng chỉ một phần nào thôi! Đánh Mỹ cho Nga hưởng lợi không phải là một nước cờ sáng của các Giáo chủ Tehran. Vì vậy, Vladimir Putin có thể đã đi nước cờ đầu để chiếu bí Hoa Kỳ tại Trung Đông. Nhưng chưa chắc đã toàn thắng.

Trong lịch sử cận đại, chính nước Nga mới bị nhiều lần sa lầy tại Trung Đông. Lần này, khi phải vận dụng hai con cờ trái khoáy là Iran và Saudi Arabia, chưa chắc Putin đã sáng nước như người ta tưởng.

Ngày xưa, Bắc Việt đã mở cuộc tương tàn để, nói theo người Hà Nội, làm đẹp lòng phương Bắc. Nhờ vũng lầy Việt Nam và xương máu hai miền đổ ra mà Richard Nixon đã mở nước cờ Hoa du, cách đây đúng 35 năm, để dắt tay Trung Quốc ra thế giới văn minh bên ngoài. Và trở thành cường quốc kinh tế đang làm Việt Nam điêu đứng.

Các nước Hồi giáo có lẽ cao cờ hơn người Hà Nội.

Liên bang Nga có thể du dương với Saudi Arabia và Iran để cột tay Hoa Kỳ, nhưng có khi sẽ lại sa lầy như đã từng bị trong quá khứ. Lý do: dù là Á Rập hay Ba Tư, dân Hồi giáo đều biết thế nào là bị dân da trắng vận dụng, sai khiến.

Họ chờ đợi Liên bang Nga ở đấy... khi ông Bush đã về Texas viết hồi ký.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.