Hôm nay,  

Giáo Dục Và Mơ Ước Tuổi Thơ

11/01/200700:00:00(Xem: 7268)

Giáo Dục Và Mơ Ước Tuổi Thơ

Em ước mơ được làm tổng thống... -Tại sao"... -Vì em muốn chấm dứt chiến tranh để ba em khỏi xa nhà... (Nguồn: Doc Nguyen)

Năm nay, răng trong miệng rụng nhiều, sắp sửa đi bằng ba chân, chạy bốn cẳng, và chậm rãi lò mò vài ba cấp nữa cũng tới tuổi xưa nay hiếm. Người viết ngồi nghĩ lại những ước mơ khi còn mài đũng quần ở ghế nhà trường, vào thời đó tuy là chiến tranh, dưới một thể chế mang danh độc tài gia đình trị, nhưng thầy cô giáo không bao giờ áp đặt cho học sinh một ước mơ hay hoài bão gì cho tương lai cả, mỗi người được độc lập suy nghĩ xây dựng một góc trời riêng tư của mình. Thầy cô giáo chỉ nhẹ nhàng nhắn nhủ học trò hãy sáng suốt chọn lựa hướng đi làm sao đừng để phải hối hận sau này qua hai câu thơ mà lâu quá người viết quên mất tên tác giả:

Sách vở ích gì cho buổi ấy,

Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân mình.

Thế rồi mỗi người mỗi ngã, có đứa nằm xuống, có đứa còn bơ vơ không bến đậu, có đứa vẫn đi cày không thấy bóng mặt trời vì lở ham vui cho đến khi trời hừng sáng choàng tỉnh dậy, tóc đã bạc, mấy chú nhóc còn nhỏ dại biết cậy nhờ ai, thôi thì đành sống kiếp con trâu vậy... có đứa lại khác chiến tuyến, nhưng mỗi khi có dịp ngồi lại bên nhau để ôn lại kỷ niệm thời đó, tất cả đều ngậm ngùi và nói: Phải chi mình... Phải chi mình... Sự hối tiếc đã muộn màng, mỗi khi đem so chiếu với hiện tại.

Bài viết này không dự tính lạm bàn về ước mơ tuổi trẻ Việt Nam nhất là giới sinh viên, vì vấn đề này đã có đảng cọng sản lo toan chu đáo rồi. Này nhé, theo qui đinh của bộ giáo dục, sinh viên bắt buộc thi bộ môn chính trị Mác Lê nin, phải đủ điểm đậu mới được tính tiếp các môn còn lại để ra trường. Ngoài ra bộ giáo dục còn ưu ái “hạ cấp” môn học Mác Lê nin để cho sinh viên dễ dàng vượt qua hòn đá tảng này bằng một biện pháp hy hữu là trong thi cử sinh viên được quyền mang sách vở công khai vào phòng thi, chứ không như các môn thi khác phải làm phao hay dùng các phương tiện gian lận khác. Thực tế sinh viên khỏi cần học hành gì cả, đến ngày thi chỉ có việc tìm mua một bộ đề giải sẵn và công khai mang vào trường thi chép lại là dư sức qua cầu Mác Lê. Vậy cho nên có câu đối rằng:

Nhà nước làm luật bắt thi Mác,

Sinh viên học lệ vượt cử Hồ.

hay là

Thiện Nhân ồn ào xây đổi mới,

Học giả lặng lẽ mắc kê nô.

Theo chương trình học này sinh viên được trang bị ước mơ tương lai qua một môn học gọi là Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học hay còn có tên gọi khác nữa là chủ nghĩa Cọng Sản khoa học. Từ nội dung môn học này sinh viên tha hồ xây dựng mơ ước về một xã hội văn minh tiến bộ và hạnh phúc, “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu ” một xã hội không có chính quyền, không có luật pháp. Phải chăng khi đó đảng csvn trở thành dư thừa". Đây là sáng kiến vĩ đại của đảng cs, một loại sáng kiến “Ước mơ của ước mơ về tương lai”. Thật vậy theo các nhà lý luận kinh điển Mác Lê cho rằng Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa đến một giai đoạn nào đó sẽ tiến đến được “Chặng đường đầu của XHCN” sau đó là “Bước quá độ tiến lên XHCN” rồi xây dựng XHCN hoàn chỉnh và cuối cùng là dắt tay nhau tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội khoa học. Đây là một quá trình dài mà các nhà khoa học ưu tú Việt Nam không biết dùng đơn vị thời gian nào để tính cho chính xác. Thôi thì cứ tạm gọi là phải nhiều chục đời con cháu mới đạt được ước mơ “không tưởng” này(").Đảng cs cũng báo trước cho sinh viên Việt nam biết học những ước mơ này không phải thực hiện trong cuộc sống hiện tại. Thế mà bắt sinh viên phải học và biết để đến khi chết, viết di chúc để lại cho nhiều thế hệ sau biết đời cha ông chúng đã sống và ước mơ về CNXH khoa học.

Thanh niên sinh viên hội nhập thế giới với hành trang “Ước mơ của ước mơ” như vậy, mà Việt Nam không “cắt cánh” mới là chuyện lạ.

Bài này cũng không có chủ đích viết về ước mơ cơm áo của thầy cô giáo vì chuyện này đã có ông bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân nghiên cứu lên kế hoạch cả rồi. Ông ta đã dũng đảm, tự tin vào trình độ thạc sĩ kinh tế của mình để tuyên bố một câu để đời: “Đến năm 2010, thầy cô giáo có thể sống bằng đồng lương của mình”. Nghe đến đây thầy cô giáo cảm động rưng rưng nước ... cảm ơn ông Nguyễn Thiện Nhân là bộ trưởng giáo dục đầu tiên sau hơn 30 năm hòa bình mới đưa ra được lời hứa hẹn cuộc sống no đủ cho giáo giới. Sau một hồi xúc động, thầy cô giáo chợt tỉnh cơn mê đặt câu hỏi rằng không biết có phải ông bộ trưởng dối trá, giả vờ không biết hay cố tình không biết hai điều cơ bản sau đây:

1)- Khi đặt vấn đề đồng lương đủ sống ở năm 2010, ông bộ trưởng dựa trên căn bản mức sinh hoạt của xã hội ở thời điểm nào trước một xã hội hứa hẹn nhiều đổi thay sau khi hội nhập với cộng đồng thế giới. Nếu dựa trên mức sinh hoạt của năm 2006, thì chính điều này ông bộ trưởng đã công khai phủ nhận tất cả những nỗ lực của đảng csvn cải tiến xã hội trong thời gian tới chăng"

Nếu dựa trên mức sinh hoạt của năm 2010 theo phỏng định, chẳng khác gì một sự đoán mò vô căn cứ về một xã hội Việt Nam sau WTO vậy. Vì tất cả còn tùy thuộc vào thái độ lột xác hội nhập của đảng csvn ở mọi lãnh vực trong thời gian sắp tới như thế nào, đây là một ẩn số chưa có lời đáp nhất là vào lúc này.

Một khía cạnh thực tế khác, đến năm 2010 thầy cô giáo mới có lương đủ sống, vậy thì từ bây giờ đến thời gian đó thầy cô giáo phải sống bằng gì" Thầy cô giáo đang bụng đói lấy hết sức tàn của mình để phấn đấu “hai không”. Thầy cô giáo cũng đang bụng đói trố mắt nhìn ông bộ trưởng đập bể “nồi cơm dạy thêm” của họ mà không có một nồi cháo loãng nào thay thế cả, liệu họ còn có sức tiếp tục con đường xây dựng đổi mới giáo dục. Ông bộ trưởng không dám đập bể “nồi cơm tại chức” của các trường đại học, thế mà chủ trương đập bể nồi cơm dạy thêm của giáo giới vốn đã đói rồi lại còn phải đói thêm. Đây là một nghịch lý giữa lòng giáo giới vậy"

2)- Điểm thứ hai ông Bộ trưởng có tính được chỉ số lạm phát hay nói một cách khác là sự trượt giá của đồng lương giáo viên trước cuộc sống thay đổi đến chóng mặt của xã hội hay không"

Do vậy phải chăng ông bộ trưởng giáo dục đã xây dựng kế hoạch lương bổng theo kiểu “Khúc xương treo trước đầu mõm chó” chăng" Giáo viên hôm nay đói hãy ráng nhịn, ngày mai (2010) sẽ có lương đủ sống. Và ngày mai đủ sống chỉ là mãi mãi ngày mai của đợi chờ.

Người viết có đứa cháu nội ba tuổi vào học mẫu giáo Hoa Kỳ, từ những học hỏi tại nhà trường, cháu về nhà đã có những ứng xử đáng để chúng ta quan tâm.

Vào một buổi họp mặt sinh nhật của cháu, người lớn ăn ké bằng một tiệc nhậu ở cái nhà để xe sát cạnh nhà. Trong lúc trà dư tửu hậu, người bạn già thèm quá, hút điếu thuốc, nhằm lúc đứa cháu nội đi ra thấy, nó đến kéo chân ông bạn già nói:

- Ông ơi, đừng hút thuốc ông ạ!

Người bạn già biết chuyện nhưng làm bộ hỏi: Sao lại không được hút thuốc hả cháu"

- Dạ! hút thuốc sẽ bị bịnh, và hút trong nhà gia đình cháu cũng bị lây bịnh, cô giáo con dạy như vậy ạ! Đứa cháu trả lời.

Ông bạn già phải cười xòa; Ông xin lỗi cháu nhá, để ông ra ngoài vườn hút thuốc vậy.

Cả bàn tiệc chúng tôi nhìn nhau trong sự cảm thông lẫn nhau, mà không có một lời phàn nàn hay trách mắng là “Cháu hỗn láo, dám xen vào chuyện của ông bà người lớn hay là trứng khôn hơn vịt” như thường thấy ở quê nhà trong quan hệ đối xử giữa người lớn và trẻ em vậy.

Lại một hôm cháu học tô màu ba cái vòng tròn xanh, đỏ,vàng và cô giáo dạy như thế nào không biết, mà hôm đó tôi đi rước cháu về ngang qua cái ngã tư gặp đèn vàng, xe đang có đà, nên tôi chạy luôn. Đèn bật đỏ ngay khi xe tôi chạm ranh giới bên kia đường. Theo luật giao thông, cũng đúng thôi không có lỗi gì cả. Thế nhưng đứa cháu nội đã nhắc nhở:

- Ông ạ! mình đi xe, đèn vàng phải chậm lại, đèn đỏ đứng lại (stop), đèn xanh mới được chạy. Sao ông thấy đèn vàng mà không chậm lại còn chạy luôn vậy. Ông chạy như vậy cảnh sát phạt sao"

Tôi thầm cười cháu còn nhỏ mà được cô giáo dạy rất tốt, tôi không thể nạt ngang cháu mà từ tốn giải thích cho cháu hiểu là đến ngã tư đèn vàng nếu xe đang chạy lỡ trớn, có thể chạy luôn. Nhưng thôi lở rồi ông xin lỗi cháu, lần sau đến ngã tư ông chạy chậm lại được không cháu"

- Dạ! Cô giáo của con dạy vậy đó.

Luật giao thông tại các quốc gia tiến bộ đã được dạy dỗ phổ cập từ cấp mẫu giáo, còn ở Việt Nam được dạy dỗ ở cấp nào nhỉ" Câu chuyện vẫn còn dang dở, chờ tranh thủ nhân dân hiến kế để các đỉnh cao trí tuệ thời đại bàn cãi rồi quyết định vậy.

Một điểm đặc biệt trong sự giáo dục ở Mỹ là thầy cô giáo không được quyền nói dối với học sinh và có trách nhiệm trả lời những câu hỏi của học sinh dù là những câu hỏi dây dưa dông dài, người viết ghi nhận một mẫu đối thoại giữa cô giáo và một học sinh:

- Ba của em đâu rồi mà không thấy đưa rước em đi học"

- Dạ, ba em đi lính xa nhà ạ!

- À...

- Thưa cô tại sao ba em đi lính, mà những bạn khác có ba không đi lính vậy cô"

- Đó là tại ba em tham dự chiến tranh

- Khi nào hết chiến tranh hả cô"

- Chỉ có tổng thống mới quyết định được.

- Làm nghề gì mới lên chức tổng thống hả cô"

- Làm nghề nào cũng được, miễn là ra ứng cử được dân bầu.

- Vậy em muốn làm tổng thống, để ba em ở gần nhà được không cô"

- Được, em cố gắng học cho giỏi để thực hiện ước mơ của mình.

Trong dịp hè vừa qua, người viết đã tham dự buổi lễ ra trường của các cháu mẫu giáo để các cháu chuyển trường tiểu học (lớp một). Buổi lễ rất đơn giản vui tươi nhưng không kém phần ý nghĩa. Trong hội trường trang trí nhiều bông hoa và bong bóng với màu sắc sặc sỡ, có bục gỗ cao để các tân khoa “nhí” trình diện. Không có khẩu hiệu hô hào, không có hình lãnh tụ, không có diễn văn “nâng bi” của quan chức địa phương, và cũng không có biểu thị của các quan lớn. Buổi lễ diễn ra đúng giờ qui định, sau mục chào cờ tổ quốc, cô hiệu trưởng trình bày trước phụ huynh thành quả học tập của các em, kế đến là lời cảm tưởng của đại diện mỗi lớp học trước khi từ giã thầy cô giáo.

Các cháu đều được mặc áo mão của các vị tiến sĩ tương lai trong màu sắc trẻ trung, lần lượt đi lên bục gỗ nhận giấy chứng nhận học tập và được tự do phát biểu về ước mơ tuổi xanh của mình.

Các cháu rất thoải mái, tự do phát biểu ước mơ rất trong sáng, phong phú, đa dạng và bay bổng lên cao không bị một giới hạn hay ràng buộc nào. Này nhé:

- Có cháu ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bịnh cho bà ngoại và giúp đời.

- Có cháu muốn bay lên không trung như những siêu nhân để giúp người hoạn nạn.

- Có cháu thích làm người lính cứu hỏa xông pha vào đám cháy như một người anh hùng,

- Có cháu mơ ước làm linh mục hay giáo hoàng để tha tội cho bạn em thường hay nói dối.

- Có cháu muốn làm một vị tướng chỉ huy ngoài mặt trận như trong các phim truyền hình vậy.

- Cũng có nhiều em ước mơ được làm một nhà chính trị, làm tổng thống, vì các em muốn chấm dứt chiến tranh, để ba khỏi đi lính xa nhà.

Tất cả đều được thầy cô giáo và phụ huynh vỗ tay hoan hô và khích lệ, không chấp trách hay phân biệt đối xử.

Biết bao giờ tuổi trẻ Việt Nam có được giấc mơ của chính mình nhỉ"

*

* *

Một buổi sáng đầu mùa hè tháng 5 - 2016 sau 10 năm cải cách giáo dục theo kế hoạch của ông bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đến.

- A lô! Dạ thưa anh Ba, trường tiểu học kiểu mẫu chúng em đã chuẩn bị xong xuôi buổi lễ mãn khóa rồi. Xin mời các anh đến khai mạc!

- Sao vấn đề an ninh có bảo đảm không" Bọn phản động có len lỏi phá đám không"

- Dạ thưa! An ninh bảo đảm 100%. Không có bọn phản động nào cả. Người tham dự chỉ có toàn là cán bộ và các em học sinh thuộc thành phần trung kiên cách mạng thôi ạ!

- Được! Tốt lắm! Khi lãnh thưởng cho các em được tự ý phát biểu ước mơ của mình theo tinh thần giáo dục đổi mới vậy.

- Dạ! Các em được tự do phát biểu không cần thầy cô kiểm tra hay hướng dẫn trước"

- Đúng thế! Bộ muốn trắc lượng lại thành quả đổi mới giáo dục từ mơ ước trẻ thơ vậy.

Trong buổi lễ trang trọng mãn khóa một trường tiểu học thí điểm giữa lòng thủ đô Hà Nội, cờ xí và khẩu hiệu treo khắp nơi nào là sự nghiệp trăm năm trồng người, nào là đảng csvn quang vinh, nào sự nghiệp chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng chúng ta. Thảm đỏ trải ra thầy cô giáo và học sinh làm dàn chào từ 7 giờ sáng chuẩn bị cho lễ khai mạc dự trù bắt đầu từ 8.30 sáng theo chương trình. Thực tế 10 giờ quan khách chính mới tới. Sau những cái bắt tay đầy ấn tượng và nghi lễ, ông hiệu trưởng trịnh trọng trình bày kết quả học tập của học sinh đạt thành tích 99.99% , tất cả đều lên lớp và tốt nghiệp. Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương “hai không” của ông bộ trưởng giáo dục (Không tiêu cực trong thi cử và không tiêu cực trong thành tích thi đua)....

Sau cùng, thầy giám thị trưởng ban tổ chức tuyên bố: theo sáng kiến tuyệt vời của bộ giáo dục, nhà trường năm nay lần đầu tiên tổ chức phát giải hoàn toàn sáng tạo và đổi mới, các em học sinh được tự do phát biểu ý kiến mà không cần phải theo bài soạn sẵn hay sự mớm lời của thầy cô giáo như những năm trước. Đây chính là điểm son sáng chói của nền giáo dục tiên tiến XHCN nói chung và của nhà trường nói riêng trong lá cờ đầu điển hình để cả nước học tập noi theo. Xin tất cả quý vị quan khách cũng như phụ huynh học sinh vỗ tay khen thưởng khích lệ cho mỗi em lần lượt nhận giải và phát biểu ý kiến.

Càng vỗ tay lớn, càng động viên được đức tính tự tin và dũng cảm của các em nói lên ước mơ tuổi thơ chính đáng của mình.

Vỗ tay hoan hô! Hoan hô! Buổi phát giải bắt đầu:

Người dẫn chương trình: Xin giới thiệu đây là em Nguyễn Minh Công Nông thuộc thành phần cơ bản của cách mạng XHCN, cả gia đình 5 đời đi theo đảng, là học sinh xuất sắc nhất trường lên lãnh giải, phát biểu ước mơ và nói rõ lý do tại sao"

Sau khi lãnh giải, em Công Nông phát biểu:

- Dạ, em ước mơ được một lần đi thăm bác Hồ.

- Tại sao"

- Để em hỏi rõ: chúng em đã quàng khăn đỏ lại phải thi đua học tập giấc mơ bác Hồ, thì còn đâu là giấc mơ tuổi thơ hả bác"

- ...

Vỗ tay, cười ...

Xin giới thiệu tiếp em Nông Đức Cô Cậu, thuộc thành phần con cháu cán bộ cao cấp là một trong những triển vọng nối nghiệp sự nghiệp cách mạng cha ông. Em hãy lên nhận giải và phát biểu:

- ... Em ước mơ được rong chơi thoải mái nhiều hơn đi học.

- Tại sao"

- Vì thực tế chúng em quậy phá, bỏ học cũng chẳng có thầy cô giáo nào cho chúng em ở lại lớp cả. Vậy chúng em dại gì học cho mệt.

- Em không học, chịu ngu dốt hay sao"

- Dạ, cha chú em suốt mấy đời cày ruộng cũng làm được chức bí thư, chủ tịch, người nào tệ lắm cũng cử nhân, tiến sĩ, mà đâu cần phải đi học.

Cười! Vỗ tay...

(Phụ huynh ở dưới xầm xì,

- Giáo dục đã đổi mới, tại sao như vậy hỉ"

- Có gì đâu, cha chú nó làm bên cấp ủy, thầy cô giáo đâu dám cho chúng ngồi lại lớp. Nếu không cha chú nó nổi giận cắt ngân khoản, làm trễ lương bổng, cắt khen thưởng thi đua, thầy cô giáo chẳng những đói thêm mà tương lai chính trị cũng tiêu tùng luôn.

- À! Ra vậy.)

Người kế tiếp là học sinh Nguyễn Thiện Cải Cách là con nhà tông của ngành giáo giới, là thành phần nòng cốt của cải cách giáo dục hiện nay. Với thành tích học tập xuất sắc, em hãy lên lãnh thưởng và phát biểu:

- Dạ, em có mơ ước mà không dám trình bày ạ!

- Tại sao"

- Tại em sợ thầy cô không cho em ra trường!

- Em cứ nói, nếu đúng sự thật thì thầy cô chẳng những không phạt mà còn khen thưởng.

- Dạ, Em ước mơ được ứng cử chức vụ bộ trưởng giáo dục Việt Nam (Giống như trường hợp ông Cù Huy Hà Vũ vậy)

- Tại sao"

- Em chủ trương xóa bỏ nghề dạy học trên đất nước XHCN vậy.

- Tại sao"

- Tại em thương thầy cô, không muốn thầy cô đói rã ruột mà phải mãi mãi chờ lương đủ sống, lại còn dối trá trước mặt chúng em.

Á... Á... Cười! Vỗ tay!

Ông bộ trưởng giáo dục tái mặt kêu học sinh này lại hỏi:

- Nền giáo dục đã đổi mới 40 năm nay, Bộ đã chủ trương chấm dứt việc học vẹt, dạy vẹt (http://www.nld.com.vn/tintuc/giao-duc/175795.asp)

Các em được học đến nơi, hỏi tới chốn, các em có quyền tự do tư duy sáng tạo hội nhập thế giới. Sách giáo khoa hoàn toàn đổi mới, thì còn điều gì dối trá mà các em phải than phiền" Em phải chứng minh cho bộ biết là nền giáo dục dối trá chỗ nào"

- Dạ, em cũng không dám nói, em sợ trình bày thực tế đau lòng thầy!

- Nói, thầy bảo đảm cho em được nói.

- Dạ, em nói. Như thầy giám hiệu dẫn nhập chương trình xác nhận đây là lần đầu tiên các em được nói mà không có sự hướng dẫn hay kiểm soát của thầy cô. Như vậy trong suốt những năm học ở nhà trường các em chỉ có việc cúi đầu học mà đâu có quyền hỏi hay nói đâu. Phải không thầy". Dối trá là chỗ đó vậy.

- Á! Á!

Đến đây, một vị giáo sư già khả kính giải vây cho ông bộ trưởng bằng câu hỏi:

- Vậy, ngoài ước mơ trên, em còn mơ ước gì nữa cho em"

- Dạ! chúng em chỉ mong được tự do mơ ước về tương lai riêng mình thôi ạ!

Các em muốn gì"

Chúng em mong được tự do mơ ước tương lai của riêng mình.

Nguồn: thiếu niên tiền phong online

Toàn thể hội trường rúng động vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Người viết bật tỉnh dậy, mồ hôi lạnh khắp người ... À chỉ là giấc mơ giáo dục đổi mới!

Một nền giáo dục tự hào tiên tiến lại đi sợ những giấc mơ tuổi thơ thì còn giá trị gì để không làm một cuộc cách mạng toàn diện nhỉ"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những người nhận được trợ cấp an sinh xã hội (social security beneficiaries) có nhận được tiền trợ cấp kinh tế của chính phủ (economic stimulus payments) hay không"
Tôi rời Việt Nam sang Mỹ cách đây hơn mười năm. Ngày đó tôi không hề nghe bố mẹ tôi kể về cuộc chiến tranh Việt Nam và Mỹ.
Hiện tượng ngày càng có nhiều người dân Việt nam thuộc nhiều nghề nghiệp, thành phần khác nhau, bất chấp những đe dọa
Kinh tế quốc gia, ở đâu cũng vậy nhưng nhất là ở Mỹ, không phải là một thứ máy có một người –Tổng Bí Thư Đảng- bấm nút lên xuống
Năm 1950, Trung Cộng bắt đầu xâm chiếm nước láng giềng Tây Tạng. Ngày 10 tháng 3 năm 1959 dân Tây Tạng đứng dậy đánh đuổi quân xâm lược Trung Cộng
...Cái đầu nào ngóc lên bị đập bằng cuốc... Bạn tôi, chị Tâm Tuý cũng đã bị chôn sống...
Cuối tuần trước đó, sau khi những đoạn video chiếu MS Wright diễn thuyết xuất hiện trên trang web youtube.com, TNS Obama đã tự ý gọi các đài truyền hình
Báo chí và truyền hình vùng New Orleans trong dịp lễ Phục Sinh mấy năm trước đây đều nói tới một chuyện lạ xảy ra trong nhà thờ Chúa Lên Trời ở La Place
Sáng 28/03/2008, CSVN đã xử án Ký giả Trương Minh Đức tại toà án huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) với mức án 5 năm tù vì một tội danh rất mơ hồ
Tôi từng thuyết giảng rằng tất cả chúng ta đều muốn có hạnh phúc, hạnh phúc chân thực có đặc tính là an lạc và sự an lạc chắc chắn chỉ thành đạt
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.