Hôm nay,  

Lao Động Giao Động Tại Trung Quốc

17/06/201000:00:00(Xem: 8623)

Lao Động Giao Động Tại Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long RFA

...mặt trái của phép lạ kinh tế Trung Quốc được phơi ra ánh sáng...

Sau hàng loạt đình công tại các hãng xưởng của họ ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp quốc tế, như Honda của Nhật hay Mercedes-Benz của Đức, lần lượt tăng lương cho công nhân Hoa lục. Quyết định ấy nối tiếp việc 11 tỉnh Hoa lục phải tăng lương tối thiểu pháp định cho thợ thuyền, và việc tăng lương này sẽ còn tiếp tục ở nhiều tỉnh khác.... Vì vậy, giới quan sát quốc tế bắt đầu tính là Trung Quốc có còn lợi thế nhân công rẻ hay chăng, và áp lực về lương bổng có gây ra nguy cơ lạm phát không. Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa lại đề nghị một cách nhìn khác về biến động lao động tại Trung Quốc qua phần trao đổi cùng Việt Long trên mục Diễn đàn Kinh tế hàng tuần...
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau các đợt biến động lao động tại Hoa lục, giới đầu tư quốc tế đang theo dõi vụ tăng lương công nhân viên và tự hỏi là nếu Trung Quốc mất dần ưu thế nhân công rẻ thì đấy có là cơ hội cho các thị trường khác, như Ấn Độ, Bangladesh, Mexico hay Việt Nam chăng" Nhìn vào khía cạnh vĩ mô, giới kinh tế thì e là việc tăng lương đó sẽ thổi bùng nguy cơ lạm phát. Diễn đàn Kinh tế xin đề nghị ông trình bày bối cảnh của vấn đề và đưa ra một số phân tích về các nguyên nhân và hậu quả của những biến động trên.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ chuyện này nghiêm trọng hơn những gì mà nhà đầu tư hay kinh tế có thể kết luận vì nhiều yếu tố bất ổn sâu xa trong hệ thống kinh tế chính trị của Trung Quốc. Đấy là điều mà Việt Nam nên theo dõi và học hỏi, trước khi ước mơ chiêu dụ được đầu tư quốc tế nhờ nhân công rẻ hơn Trung Quốc.
Trước khi trình bày các yếu tố bất ổn này, tôi xin trả lời ngay hai câu hỏi ông vừa nêu ra. Thứ nhất, việc 11 tỉnh của Trung Quốc đồng loạt tăng mức lương tối thiểu cho công nhân viên và thợ thuyền xuất phát từ một quyết định sau nhiều đắn đo của lãnh đạo ở Bắc Kinh. Cho đến tuần qua, mức tăng bình quân là 17% là kết quả chung của đà gia tăng rất thấp như chỉ có 5% tại Hồ Nam với số rất cao là 27% tại Ninh Hạ. Rồi đây, nhiều địa phương khác cũng sẽ tăng lương, mà đây chỉ là chuyện bù đắp sau khi Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội quyết định trì hoãn tăng lương kể từ cuối năm 2008 do nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
- So với các nước tân hưng Đông Á, và cũng là chủ đầu tư mạnh nhất vào Trung Quốc thì mức tối thiểu này vẫn thấp, và nói chung còn thấp hơn tỷ lệ mà Ngân hàng Thế giới đề ra cho các nước đang phát triển, là không quá 40% mức lương trung bình của toàn quốc. Thuần về kinh tế vĩ mô, mức gia tăng này chưa mạnh để gây nguy cơ lạm phát như người ta có thể e ngại.
- Thứ hai, yếu tố quyết định cho giới đầu tư quốc tế không chỉ là nhân công rẻ mà còn phải là năng suất lao động cao và môi trường kinh doanh thông thoáng. Nghịch lý ở đây là Trung Quốc thiếu thợ có tay nghề và hiệu năng cao, nên doanh nghiệp phải tăng lương để tìm hay để giữ người giỏi như vậy, trong khi xứ này lại thừa người thiếu khả năng ở nông thôn hay các địa phương lạc hậu, mà họ gọi là "dân công". Và sự khác biệt này về phẩm chất và số lượng lao động mới là thách đố lớn cho Bắc Kinh. Từ đó ta mới phải nhìn ra nhiều chứng tật rất nguy ngập của kinh tế, xã hội và chính trị Trung Quốc.
Việt Long: Nghĩa là ông bắt đầu trình bày về bối cảnh chung của vấn đề, có phải vậy không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy vì ta cần nhìn ra bức tranh toàn cảnh, từ văn hoá tới xã hội, của môi trường sinh hoạt kinh tế thì mới cân nhắc cho đúng các quyết định kinh tế. Và ở trên cùng là các quyết định chính trị.
- Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói ra điều ấy khi xác nhận Trung Quốc có nhiều "lý do sâu xa" vì hàng loạt những vụ bạo hành và thảm sát trẻ em vừa bùng nổ từ đầu năm và hung thủ là những kẻ hoặc thất tình, thất nghiệp hay vừa bị mất nghiệp. Ngay sau đó lại có hiện tượng lạ là công nhân trong một xưởng Foxconn của doanh nghiệp Đài Loan ở Thâm Quyến thuộc Quảng Đông ào ạt tự tử. Tính đến cuối Tháng Năm thì có 13 vụ tất cả, làm 10 người thiệt mạng. Khi chuyện này vừa xảy ra, hãng Foxconn lập tức cấp tiền bồi thường cho tang gia thì chính chế độ ấy càng khiến nhiều người tự tử để gia đình có hy vọng lấy được một số tiền tử tuất. Nhìn vậy, ta phải đoán ra hoàn cảnh tuyệt vọng của công nhân thợ thuyền Trung Quốc.
- Cũng nỗi tuyệt vọng ấy có thể đã dẫn tới hàng loạt những vụ đình công tự phát - do công nhân tự động quyết định và bất chấp chủ trương của tổng công đoàn quốc doanh. Các vụ đình công ấy chủ yếu xảy ra trong các hãng xưởng của Đài Loan, Nhật Bản, Ham Hàn, xảy ra từ Thượng Hải đến các tỉnh duyên hải miền Đông như Giang Tô, Chiết Giang, hay Quảng Đông. Nổi bật nhất là trong một xưởng sản xuất của Honda tại thị trấn Phật Sơn ở Quảng Đông hôm 31 Tháng Năm khiến ba xưởng ráp chế khác của Honda bị tê liệt vì thiếu cơ phận, làm cổ phiếu Honda tuột giá trên các thị trường tài chính quốc tế. Sau đó, mùng chín vừa rồi, công nhân Honda cũng bất ngờ lãn công bỏ sở ở nhiều nơi khác. Chính là sau làn sóng đình công ấy mà các doanh nghiệp đầu tư quốc tế tại Hoa lục đã đồng loạt tăng lương như ta đang thấy.
- Nếu nhìn sâu xa hơn vào xã hội và kinh tế Trung Quốc, người ta có thể thấy ra tâm lý bất an của người dân và cũng là nỗi lo của lãnh đạo khi Ôn Gia Bảo công nhận những "lý do sâu xa" hoặc phát ngôn nhân của Bộ Công An nói đến "những mâu thuẫn không kịp khắc phục". Ta không quên rằng Lực lượng Công an Võ trang được cấp thêm ngân sách gần bằng Quân đội, tương đương với 75 tỷ đô la Mỹ, để gia tăng khả năng kiểm soát và bảo vệ ổn định, vậy mà họ vẫn không đối phó nổi với các biến động xã hội và lao động này. Vấn đề không chỉ là đồng lương.
Việt Long: Như ông vừa trình bày, thì vấn đề không chỉ là đồng lương mà cũng chẳng thu gọn vào các doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc mà có thể còn có nguyên do sâu xa hơn"


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nguyên do sâu xa khách quan nằm trong địa dư hình thể, và chủ quan thì nằm trong chiến lược kinh tế của lãnh đạo Trung Quốc. Chiến lược ấy nay đã hết công hiệu và đấy là một bài học cho Việt Nam. Tôi xin được lần lượt giải thích vì là một chuyện rắc rối.
- Về địa dư hình thể, Trung Quốc có ba khu vực địa dư với điều kiện sinh hoạt kinh tế khác biệt dẫn tới ba tốc độ tăng trưởng khác nhau. Cao nhất là khu vực duyên hải miền Đông, thấp nhất là khu vực phiên trấn, vùng trái độn quân sự ở ngoại biên, và ở giữa là các tỉnh đông dân, cực nghèo mà bị khoá trong lục địa ở hướng Tây.
- Về chiến lược thì từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách ba chục năm trước, Trung Quốc có đạt tăng trưởng cao nhờ các tỉnh duyên hải được mở cửa làm ăn với bên ngoài, lấy xuất khẩu làm đầu máy. Nhưng, chiến lược ấy càng đào sâu dị biệt về lợi tức và nhận thức giữa các địa phương, và giữa thành thị với nông thôn. Trên cùng là hệ thống chính trị độc đảng, dù độc tài vẫn bất lực trong quốc kế dân sinh vì quyền lực và quyền lợi quá lớn của các đảng bộ địa phương và đảng viên cầm đầu các tổng công ty quốc doanh.
- Sau Đặng Tiểu Bình thì thế hệ lãnh đạo thứ ba, như Giang Trạch Dân hay Chu Dung Cơ, có thấy ra mâu thuẫn địa phương và tìm cách đầu tư nhiều hơn vào các tỉnh nội địa miền Tây mà không thành. Khi lên cầm quyền từ năm 2003, thế hệ lãnh đạo thứ tư là Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo cũng biết rõ vấn đề và muốn tái phân lợi tức cho các tỉnh ở trong, nhưng vẫn gặp sự cưỡng chống của nhiều tỉnh duyên hải vốn tập trung chạy đua cùng các thị trường quốc tế và có khi còn khai thác nguồn nhân lực dồi dào của các tỉnh ở trong để chiếm lợi thế nhân công rẻ.
- Nguồn nhân lực này là lực lượng họ gọi là "dân công", dân thôn quê hay các tỉnh nghèo đi kiếm việc ở thành phố hay vùng duyên hải để gửi tiền về nhà cho thân nhân đủ sống. Hôm Thứ Hai 14 vừa qua, khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi doanh nghiệp Bắc Kinh đối xử tử tế hơn với dân lao động từ nơi khác vào kiếm việc thì chính là ông nhắc đến số phận của cả trăm triệu "dân công".
Việt Long: Nhắc tới hàng loạt vấn đề từ địa dư tới kinh tế xã hội, ông nói là lãnh đạo Bắc Kinh có thấy ra vấn đề mà chưa thể giải quyết nổi. Thế quyết định tăng lương vừa qua có nằm trong chiều hướng ấy không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa nhớ lại như vậy, ta hiểu quyết định tăng lương tối thiểu vừa được ban hành nhằm đáp ứng một yêu cầu xã hội là nâng mức sống của thành phần nghèo túng nhất và một yêu cầu kinh tế là mở rộng sức tiêu thụ của thị trường nội địa khi các thị trường xuất khẩu cố hữu của Trung Quốc đang co cụm dần. Và sau cùng cũng là để đối phó với một vấn đề chính trị là nguy cơ động loạn của người dân cùng khốn. Thành phần này đã thấy ra sự trù phú của thành thị và ý thức được sự bần cùng của họ, khi lại chẳng có chế độ an sinh thối thiểu về gia cư, y tế, giáo dục mà cũng chẳng có được quy chế sinh hoạt bình thường vì chưa có hộ khẩu!
- Lãnh đạo Bắc Kinh có dự tính cải tổ chế độ hộ khẩu mà chưa xong và rất lo ngại làn sóng dân công phiêu dạt từ nơi này qua nơi khác để đi tìm việc làm và có khi tuyệt vọng mà sát hại học sinh để trả thù, hoặc đành phải tự tử.
- Nhân đây, xin nói thêm một khía cạnh khác của Trung Quốc: xứ này có tỷ lệ tự tử thuộc loại cao nhất thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới là WHO thì bình quân có 15 người tự sát cho một dân số 10 vạn người. Nhiều báo cáo khác còn nói tới tỷ lệ từ 20 đến 30 người. Công ty Foxconn - hay Phú Sĩ Khang - của tập đoàn Đài Loan Hon Hai - hay Hồng Hải - tuyển dụng tới 800.000 thợ Trung Quốc và riêng ở xưởng tại Phật Sơn có tới 42 vạn nhân công, là nơi có chục người tự sát. Vì Foxconn sản xuất linh kiện điện tử cho các tổ hợp cao kỹ quốc tế như Apple, Hewlett-Packard, Dell, Nokia, v.v... nên họ sợ mang tiếng cho thương hiệu và lập tức trả tiền tử tuất và tăng lương nhân viên, từ 30 đến 70%. Nhưng ta nên nhìn xa hơn vậy vì tình hình thợ thuyền của nơi khác còn bi đát hơn và, nói ra thì kỳ, nhưng tỷ lệ tự sát tại Foxconn chưa là cao nhất!
Việt Long: Nếu vậy, liệu có thể kết luận rằng lãnh đạo Bắc Kinh đang cố đáp ứng đòi hòi của tình hình và rằng việc tăng lương ấy là chính đáng mà cũng không gây nguy cơ lạm phát như ông đã vừa mới phân tích không" Kết luận ấy đúng hay sai"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sự thật lại không lạc quan như vậy vì nhiều lý do.
- Thứ nhất, việc tăng lương tối thiểu không đáp ứng yêu cầu sinh hoạt tối thiểu của thành phần "dân công" và khi thấy việc đình công lại đạt kết quả ở nhiều doanh nghiệp ngoại quốc, họ càng muốn đấu tranh mạnh hơn theo hoàn cảnh của họ.
- Thứ hai, lãnh đạo Bắc Kinh có thể kín đáo cho báo chí loan tin đình công tại các doanh nghiệp Đông Á với hàm ý đổ lỗi cho tư bản nước ngoài theo lý luận đấu tranh giai cấp, nhưng hậu quả trước mắt là các doanh nghiệp này sẽ tính toán lại việc lời lỗ và nhìn ra thị trường khác như ông vừa nêu câu hỏi ban đầu. Trong khi ấy, và đây mới là vấn đề chính, bài toán nó nằm ở nơi khác.
- Bài toán ấy là cả triệu doanh nghiệp loại nhỏ và xí nghiệp gọi là "hương trấn" thi đua gia công cho các cơ sở sản xuất và ráp chế cho thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp này có quan hệ khắng khít với đảng viên cán bộ địa phương và nhận mức lời cực thấp để giật hợp đồng và tạo việc làm cho địa phương khỏi loạn. Chính là nhu cầu lấy được hợp đồng cung cấp bằng mọi giá mới khiến cho sản phẩm Trung Quốc thiếu phẩm chất và an toàn về vệ sinh mà vẫn cứ được nhắm mắt bỏ qua vì đem lại việc làm. Bây giờ quyết định tăng lương tối thiểu khiến nhiều cơ sở địa phương sẽ phá sản và thải người nên càng dễ gây loạn. Kết quả là các địa phương sẽ xoay trở cách khác để khỏi thi hành chỉ thị của trung ương, như trì hoãn tăng lương hoặc đòi điều kiện lao động khắc nghiệt hơn, để gạn ra một chút lời. Chúng ta đang thấy mặt trái của phép lạ kinh tế Trung Quốc được phơi ra ánh sáng, và biến động lao động rất dễ đưa tới động loạn...
Việt Long: Vì thời giờ có hạn nên chúng ta phải chấm dứt ở nơi đây, nhưng chúng tôi mong là vào một kỳ sau, ông sẽ rút tỉa ra những bài học cho Việt Nam. Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
Tại sao lại gọi đó là “cái gọi là Hiến Pháp” " Bởi vì đây không phải là một bản hiến pháp hiểu theo quan niệm phổ quát – một văn kiện pháp lý có gía trị tối ca
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.