Hôm nay,  

Đà Nẵng Và Những Diễn Biến 35 Năm Trước (i): Tt Thiệu: Phải Tử Thủ Đà Nẵng

01/04/201000:00:00(Xem: 8689)

Đà Nẵng Và Những Diễn Biến 35 Năm Trước (I): TT Thiệu: Phải Tử Thủ Đà Nẵng

Nguyễn Tiến Hưng

...TT Thiệu: Phải tử thủ Đà Nẵng, rồi nếu không được thì cố cứu dân đã...
Lời Giới Thiệu: Để đánh dấu "30 năm nhìn lại" sau biến cố 1975, Giai phẩm Việt Báo Xuân Ất Dậu năm 2005 đã giới thiệu cuốn "Khi Đồng Minh Tháo Chạy" của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng. Sau đó, cuốn sách đã gây tiếng vang trong người Việt khắp nơi vì nêu ra nhiều uẩn khúc ít được dư luận biết tới... Năm nay, tác giả sẽ lại cung cấp cho chúng ta một cuốn sách mới, có nội dung tập trung vào Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và những quan hệ với Hoa Kỳ.
Là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Howard của miền Đông Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã là Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng Hoà trước 1975. Sau khi tỵ nạn tại Mỹ, ông duy trì liên lạc với Tổng thống Thiệu và vị Đại sứ sau cùng của Hoa Kỳ tại Saigon là Graham Martin. Quan trọng hơn thế, ông tiếp tục nghiên cứu và sưu tập thêm nhiều tài liệu liên quan tới số phận Việt Nam Cộng Hoà trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, đã viết cuốn "The Palace File", được Cung Thúc Tiến phiên dịch sang Việt ngữ là cuốn "Hồ sơ mật Dinh Độc lập", rồi cuốn "Khi Đồng Minh Tháo Chạy".
Năm nay, ông sẽ cho ra mắt cuốn "Tâm Tư Tổng thống Thiệu", dày hơn 700 trang với rất nhiều tài liệu mới được Thư khố Hoa Kỳ giải mật sau này. Đặc biệt là 150 tài liệu Anh ngữ của nguyên bản để giới trẻ tham khảo và tra cứu.  Riêng tựa đề cuốn sách cũng đã khiến tác giả đắn đo vì Nguyễn Tiến Hưng vừa muốn trình bày những dữ kiện lịch sử về miền Nam, về Tổng thống Thiệu và về chánh sách Hoa Kỳ với Việt Nam, nhưng cũng đề cập tới tâm lý và con người của ông Thiệu, một nhân vật ông có nhiều chia sẻ rất riêng tư trước khi ông Thiệu tạ thế vào năm 2001.
Bố cục cuốn sách gồm bốn phần và một lời kết về thân phận Việt Nam.
Trong phần một, tác giả trình bày một số diễn tiến dẫn tới việc Tổng thống Thiệu phải từ chức và rời Việt Nam. Độc giả có dịp tìm hiểu những uẩn khúc trong các quyết định rút quân, nào Đà Nẵng, Huế, Pleiku, hay những hy vọng le lói sau trận Xuân Lộc, rồi những vận động bên trong để cố cầm cự cho tới khi miền Nam thực tế bị bức tử. Rồi bị giao nộp gần như nguyên vẹn cho Cộng sản Bắc Việt.
Phần hai mới truy nguyên lên chánh sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam từ thời các Tổng thống Lyndon Johnson đến Richard Nixon. Lồng bên trong là những tính toán của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Con đường đối thoại giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh thực ra mở đầu tại Việt Nam và Hoa Kỳ đóng cửa Sàigon để mở cửa vào Bắc Kinh! Kết luận là bốn năm hoà đàm để đưa tới Hiệp định Paris năm 1973 chỉ là hư vô - vô ích!
Trong phần ba, tác giả Nguyễn Tiến Hưng tập trung vào con người Nguyễn Văn Thiệu, một nhân vật đa nghi và những nguyên nhân sâu xa của sự đa nghi, đặc biệt với Hoa Kỳ! Ông Thiệu đã dự tính rồi lại bỏ ý định viết hồi ký. Ông không quan tâm đến dư luận Mỹ, cũng chẳng muốn phân bua giải thích với người Mỹ về những lập luận hàm ý đổ lỗi cho Việt Nam Cộng Hòa và bản thân mình. Nhưng ông chú ý đến dư luận của người Việt Nam, nhất là của các chiến binh trong quân đội, và muốn giãi bày cảm nghĩ của mình với họ. Có lẽ đây là lần đầu mà một cách gián tiếp độc giả có thể nhìn ra tâm tư của ông Thiệu.
Phần thứ tư có thể khiến ta ngậm ngùi vì đề cập tới những thành tựu của Việt Nam Cộng Hoà và những cơ hội bỏ lỡ cho một nước Việt Nam phú cường và tiến bộ. Có lẽ đây là một niềm an ủi muộn màng: ông Thiệu không toại nguyện, phải sống lưu vong tại Anh rồi tại Mỹ. Ông lâm bệnh tại Hawaii ngay khi Mỹ bị vụ khủng bố 9-11. Sau khi phi trường Boston được giải tỏa sau vụ khủng bố thì ông mới được trở về  nhà. Và sau đó tạ thế....
Tổng kết lại về con người Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng số phận của miền Nam, tác giả Nguyễn Tiến Hưng đưa ta về hiện tại, về đối sách của Hoa Kỳ tại Iraq hay Aghanistan...
Từ nhiều năm nay, Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng đã nói chuyện rất lâu với Việt Báo về cuốn sách. Đây là một tài liệu hấp dẫn và hữu ích, cho chúng ta hiểu thêm về Hoa Kỳ và có một cách đánh giá trung thực về ông Nguyễn Văn Thiệu, một người mà thảm kịch cũng phần nào là số phận bi thảm của miền Nam.
Trong tháng Tư này, Việt Báo trân trọng giới thiệu một phần của cuốn sách, bắt đầu từ chương Bốn về vụ Đà Nẵng, xảy ra đúng 35 năm trước... 
CHƯƠNG 4
Trăn Trở Về Đà Nẵng
“Thưa Quý Vị, một vì sao sáng vừa lặn mất trên nền trời sao của VNCH,” Tướng Nguyễn Duy Hinh đọc bài phúng điếu, tóm tắt sự nghiệp và đức độ của Trung tướng Ngô Quang Trưởng trong buổi lễ Phủ Quốc kỳ và Quân kỳ vào sáng ngày 25 tháng 1, 2007. Thiếu tướng Hinh là Tư lệnh Sư đoàn 3, người đã cộng tác và quen biết tướng Trưởng từ lâu. Chúng tôi đứng cuối nhà quàn, ngậm ngùi thương tiếc một vị tướng lãnh có tài lại đức độ, và cũng là một người bạn quen biết trong nhiều năm kể từ sau 1975.
Tuy là rất ít nói, đôi khi ông cũng đã hàn huyên với chúng tôi về những biến cố lịch sử, và vào năm 1985, tôi cùng Jerrold Schecter có chính thức phỏng vấn ông khi chúng tôi viết cuốn sách The Palace File (Hồ Sơ Mật dinh Độc Lập). Thế nhưng chưa bao giờ nghe ông tâm sự về một câu mà Thiếu tướng Hinh nói tới trong bài điếu văn buổi sáng hôm ấy: “Có một lần tôi hỏi Ông: ‘Nếu như Trung tướng có thể xóa ván bài, làm lại ở Đà Nẵng thì Trung tướng sẽ làm như thế nào"’ Và cũng có lần ông đã trao đổi và đặt câu hỏi với một sĩ quan tham mưu cao cấp cũ của Quân đoàn như sau:
“Nếu khi ấy ta giữ Đà nẵng thì có thể làm được không"’ Các câu trao đổi này cho thấy ông vẫn mang nặng một niềm đau gậm nhấm tâm can.”
Tôi hơi giật mình về câu này, vì nếu như vậy thì tâm tư của Trung tướng Trưởng và của Tổng thống Thiệu đã giống nhau. Cả hai đều ưu tư, u uẩn về cái địa danh Đà Nẵng. “Ví thử ông ấy ở lại Đà Nẵng mà tử thủ thì đâu đến nỗi nào,”Tổng thống Thiệu phàn nàn về Tướng Trưởng trong buổi họp ngày 1 tháng 4, 1975 tại Dinh Độc Lập. Mọi người có mặt nhìn nhau im lặng. Tôi ghi xuống trong cuốn sổ: 'thật bi đát.'
Lại một cái cầu nữa!
Trên đường triệt thoái từ Pleiku, đoàn quân, dân đã chịu những trận pháo kích nặng nề tại Hậu Bổn vào chiều ngày 18 tháng 3 vì công binh chưa làm xong chiếc cầu nổi qua sông Ea Pha. Đại tướng Viên cũng cho rằng “Sư đoàn 320 của Cộng sản sẽ không bao giờ truy kích kịp đoàn quân nếu chúng ta có được cầu thiết lập qua sông đúng lúc, và giữ được trật tự trong đoàn dân quân di tản” (Cao Văn Viên - CVV-, trang 152).
Bây giờ trên đường triệt thoái từ Huế (ngày 25 tháng 3) về Đà Nẵng thì lại một cái cầu nổi khác gây thảm họa. Đó là cái cầu nổi giữa cửa Tư Hiền và đường bộ. Theo ĐT Viên thuật lại thì “Sáng ngày 26 tháng 3, biển có sóng to làm đình trệ cuộc vận chuyển và cầu nối giữa Tư Hiền và đường bộ vẫn chưa hoàn tất... Đến lúc đó, cộng sản đã đoán được ý định triệt thoái của quân ta, và bắt đầu nã pháo vào Tư Hiền và các địa điểm tập trung quân để di tản. Hỗn loạn xảy ra; quân kỷ không còn kiềm giữ được. Cuộc triệt thoái chỉ đem về Đà Nẵng 1/3 tổng số quân. Nhưng...vừa đến thành phố, nhiều binh sĩ tan hàng để đi tìm thân nhân của họ đang thất lạc. Trong các đơn vị di tản chỉ có sư đoàn TQLC còn giữ được vẹn toàn quân kỷ” (CVV, trang 171-172).
Nếu như Tướng Phú đã cho rằng con đường 7B là lối duy nhất để rút về Tuy Hòa thì Tướng Trưởng cũng chỉ còn một đường bộ qua cửa Tư Hiền để dùng phương tiện hải quân rút về Đà Nẵng. Nhưng lối thoát duy nhất ấy cùng với khả năng vận chuyển có giới hạn của hải quân là một vấn đề lớn đã được Tướng Trưởng lo lắng từ trước đó.
Khi chúng tôi đọc báo cáo của Tướng John Murray đệ trình Bộ Quốc Phòng Mỹ (Hè 1974) thì thấy ông đã đề cập tới sự việc này. Ông cho rằng việc thiếu loại LSTs (Landing Ships Tank - Dương vận hạm) và phụ tùng do cắt viện trợ đã đặt quân đội VNCH vào tình trạng nguy hiểm về chiến thuật, và rời rạc về tiếp vận (Tactical jeopardy, logistic lethargy). Ông bình luận: 
“Về chiến thuật, vì QĐ I dễ bị chọc thủng ở Đèo Hải Vân, nên cả ba sư đoàn của họ có thể bị kẹt vì chỉ có một lối chuyển quân duy nhất là qua cái cửa khẩu nông cạn ở Tư Hiền (ông viết lộn là Tân Mỹ - lời tác giả). Vì đối phương có 6 sư đoàn tại phía Bắc và 3 sư đoàn tại vùng Quảng trị - Thừa Thiên nên 3 sư đoàn VNCH thuộc QĐ I đóng tại phía bắc có thể bị 9 sư đoàn Bắc Việt tấn công nội trong một đêm.”
Ông còn báo cáo thêm rằng trong chuyến đi Đà Nẵng cuối cùng trước khi ông rời Miền Nam, ông có hỏi Tướng Trưởng xem “những vấn đề gì là quan trọng nhất đối với ông ta” thì:
“Tướng Trưởng đã không ngần ngại mở ngay tấm bản đồ ra và chỉ vào cái cửa biển duy nhất cho ba sư đoàn của ông ở phía bắc đèo Hải Vân - đó là cái cảng Tư Hiền nông cạn và đầy bùn. Nó là cái huyết mạch cứu sống của ông ta, và nếu không có đủ loại LSTs để vận chuyển thì chẳng có bao nhiêu mạng sống có thể cứu…
“Sau đó nếu Bắc Việt đưa thêm một sư đoàn nữa vào QĐ III thì cán cân quân sự sẽ lệch hẳn và quân đội Bắc Việt sẽ có thể từ Mỏ vẹt (Tam giác sắt) chĩa mũi nhọn thẳng về Sàigòn chỉ cách đó 25 dậm.”
Thật như những lời tiên tri.
Rút khỏi Đà Nẵng
Ngày 28 tháng 3 là ngày rút khỏi Đà Nẵng. ĐT Viên thuật lại:


“Ngày 28 tháng 3 tướng Trưởng họp khẩn cấp các chỉ huy trưởng, một số biện pháp được áp dụng để vãn hồi trật tự và tái trang bị các đơn vị có mặt trong thành phố. Nhưng chúng ta không còn đủ quân tác chiến để thi hành kế hoạch trên …
"Cộng quân pháo kích vào phi trường và căn cứ hải quân khi trời sụp tối…Tướng Trưởng lập tức báo cáo cho tác giả biết về tình hình đang xảy ra. Ông cũng gọi cho TT Thiệu xin di tản bằng đường biển. Nhưng trong cuộc điện đàm, TT Thiệu không cho tướng Trưởng lệnh rõ ràng. Tổng thống Thiệu không nói thẳng là ông muốn tướng Trưởng rút quân hay nằm lại tử thủ. Ông chỉ hỏi tướng Trưởng có thể rút bao nhiêu quân về nơi an toàn được trong trường hợp phải di tản…" (CVV, trang 172-173).
Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (HVKT) là người có mặt ngay cạnh Tướng Trưởng lúc ấy có viết trong cuốn 'Can Trường Trong Chiến Bại' về ‘Báo cáo cuối cùng của trung tướng Trưởng lên Tổng thống Thiệu’ như sau: 
“Tôi không nghe được những gì ở đầu dây bên kia…Phía đầu dây bên này thì Trung tướng Trưởng đề nghị Tổng thống cho ông toàn quyền quyết định. Trung tướng Trưởng lập lại lời đề nghị này và dùng chữ “tùy nghi” và “mềm dẻo” nhiều lần cho tôi có cảm nghĩ là Tổng thống không muốn bỏ Đà Nẵng… Đây là lần liên lạc cuối cùng của tư lệnh chiến trường với vị tổng tư lệnh trước khi vị tướng rời bỏ chiến trường” (HVKT, trang 243).
Theo ông Thoại thì “Trưa ngày 28 tháng 3 sau buổi họp với các tướng lãnh ở Quân Khu 1, tướng Trưởng vẫn chưa có ý định bỏ Đà Nẵng.” Và mãi tới chiều ông mới có ý định này (HVKT, trang 279, 289).
Về lệnh tan hàng ngày 28 tháng 3, ông Thoại kể lại là sau 9 giờ tối ngày 28 tháng 3, tướng Trưởng họp với các tuớng Thi, Lân, Hinh và Thoại tại Hầm Chỉ Huy trong căn cứ Hải Quân Tiên Sa, và ra các lệnh liên hệ tới việc rút quân. Cuộc họp chấm dứt lúc 10 giờ 30 đêm 28 tháng 3, 1975 và “Đây là buổi họp cuối cùng của Tướng Trưởng với các tướng lãnh tại chiến trường và là giây phút quyết định rút lui toàn diện của quân lực VNCH khỏi lãnh thổ QK I” ((HVKT, trang 248).
Ông Thoại kết luận: “Theo tôi số phận miền Trung được định đoạt vào 5 giờ chiều ngày 28 (tháng 3), khi tướng Trưởng cho trực thăng đón tôi sang Non Nước và cho tôi biết ông quyết định rút tất cả Sư đoàn TQLC ra chiến hạm…"  Sáng ngày hôm sau (29 tháng 3) khi tướng Trưởng đã lên hải vận hạm Hương Giang (HQ 404), ông nhận được một công điện tối mật từ trung ương: “Lệnh của Tổng thống: lệnh tử thủ vẫn còn hiệu lực. Mọi sự bỏ tuyến đều sẽ quy trách cho Tư lệnh và đơn vị trưởng” (HVKT, trang 289, 257).
***
Tại Dinh Độc Lập, cùng sáng ngày 29 tháng 3 (lúc 9 giờ), vì không biết gì đến việc rút quân khỏi Đà Nẵng nên trong một cuộc họp riêng với TT Thiệu, chúng tôi có nhắc tới vấn đề tìm phương tiện gấp rút cung cấp thực phẩm và thuốc men cho Miền Trung, rồi hỏi ông:
--“Tình hình ngoài Đà Nẵng thế nào, thưa Tổng thống"”
--“‘Out of hand’ (ra ngoài tầm kiểm soát),” ông trả lời, “ông Trưởng confused (lẫn lộn), mất liên lạc, không giữ được trật tự nữa!”
--“Tôi nghĩ Tổng thống nên gửi (Hoàng Đức) Nhã ra Đà Nẵng để phụ lực với Phó Thủ tướng Đán lo việc tiếp tế cho dân di tản, vì Nhã còn trẻ, năng động;”
--“Không được, cần phải có một tướng lo về ‘logistic’(tiếp vận) như ông (Đồng Văn) Khuyên;”
--“Hình như ông Khuyên vừa đi Tokyo vì ông cụ đau nặng,” tôi nói.
TT Thiệu không nói gì, nhìn lơ đãng, suy nghĩ, rồi ông xoay sang chuyện khác, hỏi tôi về thành phần phái đoàn Tướng Weyand. Ông rất sốt ruột muốn biết mục đích thực sự của phái đoàn này, vì ông đã viết thư cầu cứu Tổng thống Ford vào mấy hôm trước (25 tháng 3). Và cũng có thể là vì đang khi chờ đợi phản ứng của Tổng thống Ford nên ông đã ra lệnh tiếp tục tử thủ Đà Nẵng.
Họp ngày 1 tháng 4 tại Dinh Độc Lập
Vào lúc 9 giờ sáng, một cuộc họp được triệu tập tại Dinh Độc Lập. Có mặt tại buổi họp: ngoài TT Thiệu, Phó TT Hương, Thủ tướng Khiêm, về phía quân sự: có ĐT Viên, Trung tướng Quang, Trung tướng Khuyên (và hai sĩ quan của Bộ TTM). Về phía dân sự: Ngoại trưởng Bắc, và chúng tôi.
Trước hết Bộ TTM báo cáo tình hình chiến trường tại bốn quân khu; và sau đó
bàn tới việc tái tổ chức lại các đơn vị quân đội (xem Chương 5) và việc lấy dự trữ còn lại của VNCH đi mua đạn (xem Chương 6). Về Quân Khu I, Bộ TTM báo cáo: “Các ông Trưởng, Lạc, Tỉnh trưởng Thừa Thiên đã về tới Sàigòn; tổng số quân và dân khoảng 30,000 đã về tới Cam Ranh, nhưng chưa kiểm kê được. Tinh thần sa sút, cần về Cap (Vũng Tầu) để tái phối trí…” Sau khi báo cáo về tình hình tại Quân Khu I và II, TT Thiệu nói:
-- “(Tại) Pleiku, Kontum: tôi cho tái phối trí. Còn Huế, Đà Nẵng: tôi ra lệnh tử thủ mà không tử thủ! Như vậy người ta có thể cho là ‘grave’ (trầm trọng). Còn như Quy Nhơn: Sư Đoàn 22 đánh tới chết (Từ Phú Cát), dù Tư Lệnh bị bệnh cũng cứ đánh.”
TT Thiệu chau mày nhìn bản đồ, không ai nói gì. Rồi ông hạ giọng xuống, phàn nàn: (tôi ghi xuống 4 hàng):
“Mình họp sáng 23 (tháng 3): quyết định tử thủ;
"Sáng 24: tử thủ;
"Sáng 25: tử thủ,
"Chiều 28: ông Trưởng cho xếp khăn gói ra đi, không báo cáo nữa!”
Một bầu không khí im lặng rùng rợn bao trùm căn phòng họp.
-- TT Thiệu phàn nàn: “Tôi nói phải tử thủ, rồi nếu không được thì cố cứu dân đã. Rồi sau đó ổng bảo là có thể giữ được Đà Nẵng. Ví thử ông ấy ở lại Đà Nẵng mà tử thủ thì đâu đến nỗi nào! ”
Tới đây, tôi viết vào quyển sổ tay : ‘Tổng thống depressed.’
Tại sao tử thủ Đà Nẵng"
Sau này, khi tôi hỏi TT Thiệu là sau Pleiku thì tình hình đã quá khó khăn mà tại sao TT còn ra lệnh tử thủ Đà Nẵng" Theo ông giải thích là vì ba lý do: thứ nhất, đứng về phương diện địa thế và quân sự, thành phố này có thể giữ được (ông dùng chữ ‘tenable’); thứ hai, phải giữ để mua thêm thời giờ tái phối trí các sư đoàn đã bị tan rã; và thứ ba, là vì “Trong một kế hoạch tối mật để yểm trợ Miền Nam trong trường hợp bị tấn công, Hoa Kỳ đã đặt ra một điều kiện là quân đội VNCH phải giữ được tối thiểu là hai tuần. Bởi vậy ta phải giữ được một cái base (căn cứ) để thỏa mãn điều kiện Hoa Kỳ đặt ra." Một trong những kế hoạch để yểm trợ là có thể đổ bộ vào Đà Nẵng như ở Normandy, ông nói.
•Về việc có thể giữ được Đà Nẵng (tenable):
Ông Thiệu cắt nghĩa là Đà Nẵng giống như một cái túi, bên ngoài đã được biển bao bọc, ở đó hải quân đủ sức giữ, chỉ còn một tuyến nhỏ trong đất liền thì lực lượng còn lại có thể giữ được.
Về điểm này thì ông Thoại cũng ghi lại:
"Đối với các đại đơn vị trưởng…ai cũng có cảm tưởng là giữ Đà Nẵng. Việc di dân bằng phi cơ và tầu buôn được các đơn vị trưởng xem như thuận lợi cho trận chiến sắp xẩy ra. Tất cả các đơn vị cơ hữu của Hải Quân Vùng 1 từ phía Bắc cũng như phía nam Đà Nẵng đều rút về Đà Nẵng thay vì đi về hướng Nam với ý nghĩ là Đà Nẵng không thể nào mất…" (HVKT, trang  287).
"Về phía không quân, thì "Khi tướng Khánh rời phòng họp với các tướng lãnh khác, sáng ngày 28, và khi ông họp ban tham mưu cao cấp của ông thì chỉ thị vẫn là “tử thủ...” (HVKT, trang 282-283).
"Khi Thiếu tướng Hinh được lệnh rút Sư đoàn 3 ra vùng “Horseshoe’ gần Thu Bồn, ông “rất ngạc nhiên vì ông không nghĩ rằng ông được gọi đến để nhận lệnh rút quân vì trong thâm tâm ông nghĩ là sang để bàn về việc phòng thủ Đà Nẵng.” (HVKT, trang  247).
•Thời gian cần thiết để phối trí lại những đơn vị tan rã:
Sau khi rút khỏi Pleiku TT Thiệu duyệt xét số quân còn lại và quyết định xử dụng ngay một số liên đoàn Địa Phương Quân để trang bị thành sư đoàn TQLC. Vì số quân mất đi đã quá nhiều, bây giờ ông cần thành lập ngay một vài sư đoàn mới để thay thế. Nhưng muốn sắp xếp như vậy thì cần phải có thời giờ, ít nhất cũng phải mấy tuần. Bởi vậy điều thật cần là phải giữ cho được tuyến Đà Nẵng, nếu không thì như nước vỡ bờ, một điều đã xảy ra trong thực tế. Sau Đà Nẵng tuy là muộn nhưng việc sắp xếp vẫn tiến hành. Chúng tôi được chứng kiến việc tái tổ chức quân đội trong cuộc họp ngày 1 tháng 4 tại Dinh Độc Lập như sẽ đề cập tới trong chương sau (Chương 5).
•Về khả năng Mỹ đổ bộ như ở Normandy:
Tôi hỏi ông rằng dù đã có dấu hiệu chắc chắn là Hoa Kỳ đang phủi tay rồi, và chính ông cũng đã nói với tướng Trưởng trong buổi họp ngày 19 tháng 3 là "rất khó mà Hoa kỳ sẽ can thiệp lại vào Việt Nam,” thế mà sao ông vẫn còn nghĩ tới Normandy, thì ông nói là tuy không còn hy vọng gì nhưng thực sự đã có những cam kết rõ ràng để Mỹ tái can thiệp khi cần thiết, rồi lại có sẵn một kế hoạch mật cho việc này. Bởi vậy "Tôi không muốn để người Mỹ dùng cái cớ (“pretexte”) là họ muốn đổ bộ để cứu nhưng không còn đầu cầu (“beachhead”) nào để đổ bộ.”
Nói tới “pretexte” tôi nhớ lại là ngày 20 tháng 3, 1975 trong bữa ăn sáng với chúng tôi để bàn về việc ông muốn viết thư yêu cầu Tổng thống Ford tiếp viện như đã cam kết. Ông nói tôi phải làm những gì cần phải làm, không cho họ cái 'pretexte' để đổ lỗi. “Vấn đề là mình có quyền đòi nợ. Tôi chỉ có thể đòi ông trả nợ thôi. Trách nhiệm là của ông ta.” (xem KĐMTC, trang 250-251). Như vậy có thể là đang khi chờ đợi ông Ford phản ứng, ông đã muốn giữ Đà Nẵng như một đầu cầu. Thảo nào đã có vài lần ông nói: “Dù phải bỏ tất cả các căn cứ tại Vùng I và Vùng II, ta phải giữ Đà Nẵng bằng mọi giá.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.