Hôm nay,  

Khai Phá Sản: Một Giải Pháp?

02/03/201000:00:00(Xem: 18301)

Khai Phá Sản: Một Giải Pháp"

Vũ Linh

Trước hết phải nói đây thực sự phải là giải pháp tối hậu...

Lời nói đầu: Tuần vừa qua, cột báo này đã trình bày một vài vấn đề liên quan đến bán tháo và sai áp nhà để thoát nợ ngân hàng. Một số độc giả viết thư nêu ý kiến rằng không biết họ có thể lấy một giải pháp khác, là giải pháp khai phá sản không. Bài viết này sẽ giúp phần nào trả lời câu hỏi đó.
Trong thời gian qua, cuộc khủng hoảng gia cư đưa đến tình trạng một phần tư nợ nhà ở nước Mỹ gặp khó khăn, một phần do nhà mất giá quá mau chóng, và một phần vì suy trầm kinh tế tiếp theo đưa đến nạn thất nghiệp nặng nề, dây dưa cả năm trời.
Trong thành phần các gia chủ bị rắc rối, có nhiều người bị nạn vì đã vung tay quá trán, làm bừa mua nhà quá khả năng tài chánh của mình, hay cố tình hành động liều lĩnh có mục đích trục lợi. Nhưng đó là thiểu số, còn lại đa số là những người thật sự lương thiện, hành xử có suy nghĩ tính toán, chỉ muốn có một mái ấm gia đình, nhưng chẳng may tình trạng suy đồi quá mức dự tính của họ. Thật ra tình trạng suy đồi quá lớn đã vượt qua mọi sự tính toán của các chuyên gia kinh tế tài chánh, các đại gia ngân hàng, các học giả với đủ thứ bằng tiến sĩ, thạc sĩ…, thành thử những người dân bình thường như chúng ta đây, có tính lầm rồi bị kẹt cũng không là chuyện lạ.
Vấn đề là bây giờ ta đang mắc nạn, làm sao thoát"
Bài viết trên cột báo này tuần trước có đề cập đến vài giải pháp như điều đình bán tháo nhà, hay để cho ngân hàng sai áp nhà. Cả hai giải pháp đều không phải là những con đường tắt để thoát nợ một cách gọn gàng, mau chóng. Trái lại, nếu không cẩn thận về vấn đề pháp luật, sẽ có thể bị nhức đầu nặng hơn nữa.
Trên căn bản, ta có thể gặp hai loại “tai nạn”.
Chúng ta vẫn có công ăn việc làm, vẫn có lợi tức như cũ, vẫn có khả năng tài chánh để trả tiền nhà, nhưng gặp vấn đề là nhà mất giá quá nhiều, khiến số nợ đã lên cao hơn giá nhà nhiều. Người Mỹ gọi đây là tình trạng “underwater”, chìm dưới nước.
Tình trạng này là tình trạng tai nạn nhất thời, có thể ta chẳng cần làm gì hết. Cứ coi như chẳng có chuyện gì xẩy ra cả. Ta cứ “nín thở qua cầu”, hy vọng cuộc khủng hoảng gia cư rồi sẽ qua, và giá nhà sau này sẽ lên lại. Biết đâu năm mười năm nữa thì giá nhà sẽ lại lên cao hơn số nợ rất nhiều.
Thực tế là ta đã đi vay mượn để mua một mái ấm gia đình cho lâu dài, và như vậy có bổn phận pháp lý và tinh thần là phải trả nợ. Khi vay mượn, không có điều lệ là sẽ trả nợ tùy theo giá nhà: như giá lên cao thì ta tiếp tục trả nợ, giá xuống thấp thì sẽ khỏi phải trả. Mà thật ra, nếu ta dự tính mua nhà để ở lâu dài hay để đầu tư lâu dài, thì chuyện giá nhà tăng sụt nhất thời chẳng ảnh hưởng gì đến việc sở hữu nhà của ta, và do đó ta vẫn cần trả nợ đầy đủ để tiếp tục giữ căn nhà.
Chuyện giá nhà tăng sụt chỉ quan trọng khi ta có ý định bán nhà lấy lời thôi, tức là chỉ quan trọng cho những người đầu tư, mua đi bán lại ngắn hạn. Trường hợp này, nhà mất giá thì chỉ là một tai nạn đầu tư, có ăn có thua thôi.
Dĩ nhiên có trường hợp tai nạn thứ hai là khi ta mất công ăn việc làm, hay mất lợi tức, không còn tiền trả tiền nhà nữa. Chuyện bán nhà trở thành một nhu cầu thực sự quan trọng chứ không phải để lấy lời như trường hợp đầu tư trên.
Và đây là lúc phải nghĩ tới hai giải pháp bán tháo và sai áp như đã bàn đến tuần qua. Thế nhưng cũng có khi hai giải pháp đó vẫn không giải quyết được vấn đề. Do đó, một số độc giả đã hỏi thêm về giải pháp khai phá sản.
Luật phá sản thật ra là một bộ luật thực sự hữu ích, có thể giúp ta thoát khỏi một đại họa tài chánh bất kể vì bất cẩn hay vì xui xẻo, để có cơ hội làm lại cuộc đời. Nhưng cũng phải nói ngay luật đó không phải được lập ra để mọi người có thể dễ dàng lạm dụng, làm bậy rồi trốn tránh trách nhiệm.
Trước hết phải nói đây thực sự phải là giải pháp tối hậu, cuối cùng, khi không còn cách nào khác nữa, vì giải pháp này không dễ dàng mà còn có nhiều hậu quả tai hại.
Đầu tiên, việc khai phá sản đúng ra phải gọi là “xin được khai phá sản” (petition for bankruptcy), phải được tòa cho phép phá sản, chứ không phải mình muốn phá sản là phá sản. Phải theo đúng luật lệ và thủ tục. Và luật phá sản cũng thay đổi tùy theo mỗi tiểu bang.
Trước hết, ta bị bắt buộc phải đi qua cái gọi là credit counseling, tức là tham khảo ý kiến chuyên viên về tín dụng để họ tìm cách giúp ta giải quyết khó khăn tài chánh một cách có trật tự, ổn thỏa, trong vòng sáu tháng trước khi khai phá sản. Nếu không có cách giải quyết ổn thỏa thì họ sẽ khuyến cáo ta phải làm gì, bán tháo, sai áp, hay phá sản; mà phá sản theo kiểu gì vì có nhiều loại phá sản như sẽ bàn đến dưới đây.
Bước thứ hai là phải nói chuyện với luật sư chuyên về khai phá sản (bankruptcy lawyer). Đây không phải là vấn đề đi kiếm một mẫu đơn rồi về nhà ngồi điền vào, mà phức tạp hơn nhiều. Bắt buộc phải có luật sư vì đây là hình thức “xin phép tòa cho ta khai phá sản”, và quyết định cuối cùng cho phép hay không, phải làm gì, trách nhiệm và bổn phận như thế nào, là quyết định của ông tòa (bankruptcy judge), dựa trên sự khai báo về tình trạng tài chánh của chúng ta.


Trên căn bản, có hai hình thức phá sản. Ở đây, ta chỉ nói đến chuyện khai phá sản cá nhân (personal bankruptcy), chứ phá sản công ty thì lại là chuyện khác, tuy cũng tương tự.
Hình thức thứ nhất, nhẹ nhàng hơn, dưới cái gọi là Chapter 13 (Chapter 11 cho công ty), là hình thức có tính điều đình xin thêm thời gian để thanh toán nợ nần. Nợ vẫn còn đó và vẫn phải trả đầy đủ, chỉ là được triển hạn, mỗi tháng trả ít đi, kéo dài thời gian trả nợ ra, thông thường là từ ba đến năm năm. Tránh cho người mắc nợ khỏi bị các chủ nợ sai áp tài sản.
Đây là trường hợp của những người bị khó khăn nhất thời, chẳng hạn như nhất thời mất việc làm hay mất lợi tức, nhưng có nhiều triển vọng sẽ có lợi tức lại.
Ta sẽ phải thành thật khai báo tất cả mọi dữ kiện về tình trạng tài chánh như tài sản nổi cũng như chìm, tại Mỹ hay tại Việt Nam hay tại bất cứ đâu khác…, tất cả lợi tức chính thức hay bán chính thức hay chui… tất cả các món nợ lớn nhỏ,… Dựa trên những tin tức chi tiết đó, ông tòa sẽ quyết định một chương trình trả nợ trong trật tự, mỗi tháng sẽ trả bao nhiêu cho chủ nợ nào. Nếu cần, một phần lương cũng có thể bị tòa giữ lại, để trả nợ. Không nói thì ta cũng có thể hình dung được là các chủ nợ sẽ không ngồi yên, và sẽ tìm cách đòi ta trả nợ tối đa, càng nhanh càng tốt. Nhưng họ cũng có thể nhân nhượng để gỡ gạc được phần nào hay phần nấy, còn hơn là dồn con nợ vào đường cùng, không trả được gì hết. Ông tòa cũng sẽ nghe lời trình bày của các chủ nợ khi lấy quyết định.
Sau khi thanh toán được hết nợ nần theo chương trình ấn định, thì ta sẽ thoát ra khỏi tình trạng phá sản (discharged), và sẽ sinh hoạt lại bình thường.
Tài sản ta phần lớn sẽ còn được giữ nguyên, kể cả nhà đang ở.
Hình thức thứ hai, có tính nặng nề hơn nhiều, là khai phá sản dưới cái gọi là Chapter 7. Tức là thực sự phá sản, khánh tận, thanh lý tất cả nợ nần và tài sản luôn.
Tất cả nợ không thế chấp (unsecured credit) sẽ được xóa bỏ. Nhưng quan tòa sẽ buộc con nợ phải trả nợ càng nhiều càng tốt, bằng cách bắt con nợ phải chuyển giao cho quan tòa tất cả tài sản của mình. Tài sản này sẽ được quản lý bởi một người được tòa chỉ định. Người này (trustee) sẽ phải thanh toán, tức là bán tài sản đó của chúng ta, kể cả nhà, xe, tiền trong trương mục ngân hàng, của cải đáng giá trong nhà như nữ trang, đồng hồ Rolex, dàn máy karaoke, bàn ghế tủ giường, đồ trang trí, đồ cổ, áo lông, collection tem hay tiền cũ, v.v… Dĩ nhiên, những tài sản không có giá trị nhiều hay khó bán thì có thể sẽ không ai đụng đến. Số tiền thu được sẽ dùng để trả cho các chủ nợ. Tóm lại, không giữ được gì hết, kể cả cái nhà đang ở. Tuy nhiên, tùy theo luật của mỗi tiểu bang, sẽ có một vài thứ tài sản được miễn, tức là ta được giữ lại.
Cho dù khai khánh tận tuyệt đối thì cũng vẫn có loại nợ không thể xoá được như thuế thiếu Nhà Nước, tiền cấp dưỡng cho vợ hay con trong trường hợp đã ly dị…
Quyết định khai phá sản dưới Chapter 7 hay 13 tùy thuộc vào tình trạng tài chánh của con nợ, cũng như tùy luật tiểu bang.
Dưới cả hai hình thức, ta phải khai báo chi tiết tất cả tài sản, nợ nần, và lợi tức, bất kể lớn nhỏ, từ nguồn gốc nào. Điều hiển nhiên là mọi lời khai báo không đúng sự thực hay thiếu sót, nếu tòa biết được bất cứ bằng cách nào, sẽ bị coi là trọng tội, có thể bị phạt rất nặng, hoặc đi tù như không, nếu bị kết tội là cố ý lừa dối quan tòa. Đây là cách ta chứng minh cho ông tòa và thuyết phục ông ta là ta thực sự gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ của ông. Không phải là chuyện dễ đâu. Không phải là ta muốn nói trăng nói cuội gì là ông tòa sẽ đồng ý giúp ta trốn tránh trách nhiệm đâu.
Trong cả hai trường hợp, điểm tín dụng (credit score) sẽ bị hạ xuống rất nhiều. Và tình trạng phá sản sẽ được ghi vào lý lịch tài chánh trong 10 năm nếu là Chapter 7, và trong 7 năm nếu là Chapter 13. Trong thời gian này, gần như là không thể vay mượn bất cứ gì, nợ mua nhà hay mua xe, nợ thẻ tín dụng… Thậm chí sau khi khai phá sản mà ta đi kiếm việc làm, có nhiều công ty cũng không mướn nữa, nhất là những công ty có dịch vụ tài chánh như ngân hàng, tín dụng. Có cả các công ty ta đang làm việc mà ta khai phá sản, cũng có thể sa thải ta được. Cần phải hỏi cho kỹ lưỡng.
Điều quan trọng nhất quý độc giả cần nhớ là bài này chỉ có mục đích đưa ra một khái niệm để độc giả hiểu thêm về vấn đề khai phá sản một cách tổng quát, không phải là một sự chỉ dẫn tường tận và chính xác. Hơn thế nữa, mỗi trường hợp đều có hoàn cảnh riêng. Quý độc giả cần phải tham khảo ý kiến luật sư cho chắc chắn (28-2-10).
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi Thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1975, VNCH thua trận. Ít lâu sau đó MTGPMN cũng tiêu vong, không kèn không trống, không Cáo phó, Thiệp tang gì cả
Doanh nghiệp phải đảm bảo là không đồng lõa với nạn chà đạp nhân quyền... Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và được hưởng quan hệ kinh tế
Tân-Tư-Bản Đại-Địa-Chủ-Đỏ, Big New Red Capitalist Landlords, ở Việt Nam đã, đang và sẽ thu gom tích tụ ruộng đất canh tác của người Nông Dân Việt Nam Nghèo
Cuộc biểu tình khiếu kiện suốt 26 ngày đêm (từ 23-6 đến 18-7 năm 2007) của nông dân miền Nam trước Văn Phòng 2 Quốc Hội
Dân Mỹ là một dân tộc rất mê thể thao. Từ football đến baseball, bóng rổ, hockey, v.v… Thể thao trong quan niệm Mỹ không những rèn luyện thể xác
Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, trước khi chính thức rời Hà Nội vì đã mãn nhiệm, hôm 30/7 vừa qua
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm"
San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc
Nhà giàu, học giỏi, mà thành khủng bố tự sát" Sao không ứng cử tổng thống" Vụ khủng bố hụt tại London và phi trường Glasgow
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.