Hôm nay,  

‘tâm Pháp Khí Công’ Của Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh Được Trên 400 Người Đón Nhận Nồng Nhiệt

30/01/201000:00:00(Xem: 8669)

‘Tâm Pháp Khí Công’ Của Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh Được Trên 400 Người Đón Nhận Nồng Nhiệt

* Lần đầu tiên trong nhiều năm qua có một buổi ra mắt sách thành công ngoài sự ước đoán: 480 quyển đã bán hết tại chỗ cộng với số sách đã gởi qua bưu điện cho độc giả đặt mua trước, 1,000 cuốn sách hoàn toàn tiêu thụ hết
* Đang chuẩn bị ấn bản lần thứ hai với khoảng thêm từ 30 đến 40 trang phụ đính những vẫn đề giá… MƯỜI MỸ KIM
SAN JOSE (TVNs) - “Tác giả, khi được giới thiệu, thì hơn 400 người ở trong hội trường, đồng loạt đứng dậy vỗ tay chào mừng và tràng pháo tay vang dội hội trường đã kéo dài khoảng một phút”. Đó là hình ảnh độc đáo, chưa từng có ở bất cứ một buổi ra mắt sách nào từ trước đến nay, được ghi nhận đã diễn ra trong buổi ra mắt tác phẩm “Tâm Pháp Khí Công” của bình luận gia, nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh (SĐNVK) vào cuối tuần qua.
Buổi ra mắt được tổ chức tại Hội Trường Học Khu Trung Học East Side, số 830 North Capitol Avenue, San Jose, CA 95133 từ 1:00PM đến 4:30PM Chủ Nhật, ngày 24-2-2010.
Buổi ra mắt được khai mạc chính thức vào lúc 1:30PM với Alfa Hoàng Thưởng, Tổng Thơ Ký Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức QLVNCH Bắc California phụ trách phần nghi thức khai mạc với chào cờ Mỹ Việt và một phút mặc niệm.
Sau đó, nhà báo Thư Sinh, một thành viên của Ban Tổ Chức đã lần lượt giới thiệu thành phần tham dự gồm: Ông Lân Nguyễn, Ủy Viên Giáo Dục Học Khu Trung Học East Side, người bảo trợ danh dự cho buổi ra mắt; Thẩm Phán Chánh Án Tòa Di Trú Liên Bang Phan Quang Tuệ và phu nhân; cụ Võ Toàn, cụ Nguyễn Hữu Hãn, cụ Trương Đình Sửu, ông Nguyễn Lực, ông Nguyễn Hữu Lục, Ngô Xuân Đức, Hội Đồng Cư Dân Việt Nam Thành Phố San Jose; ông Bùi Hữu Vị, nhà văn Chu Tấn, ông Trần Chánh Tùy, ông Đỗ Minh Hưng, Hội Người Việt Cao Niên Vùng Vịnh Cựu Kim Sơn; cựu Đại Tá Trần Trúc Long, luật sư Nguyễn Hữu Thống, nhà thơ Đông Anh Nguyễn Đình Tạo, Chủ Tịch Văn Thơ Lạc Việt; nhà văn Song Nhị, Trưởng Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn và tạp chí Nguồn;  Bà Trần Diệu Chân, ông Phạm Phi Long, ông Nguyễn Toàn, bà Ngô Trọng Đức, Việt Trần, Nguyễn Thanh, Đảng Việt Tân Bắc Cali; tiến sĩ Nguyễn Hồng Dzũng, Việt Nam Quốc Dân Đảng; Alfa Ngô Tôn, Alfa Nguyễn Văn Cư,  LL/SQTĐ/QLVNCH; cô Huyền Trân và Á Hậu Áo Dài 2009 Nguyễn Thùy Trang; Vũ Thị Minh Thùy, Hoa Khôi và Nguyễn Ánh Kim, Á Khôi 1 Hoa Khôi Liên Trường Bắc Cali 2010 (Cũng cần nhắc lai, vào tối Thứ Bảy ngày 16 tháng 1 năm 2010 cuộc tuyển lựa Hoa Khôi Liên Trường Bắc Cali 2010 do Tổng Hội Sinh Viên Bắc Cali tổ chức tại San Jose State University diễn ra với 16 thí sinh được chọn lựa từ 25 thí sinh đến từ nhiều trường đại học miền Bắc California.
Kết quả, cháu Vũ Thị Minh Thùy Caroline, sinh viên khoa Dental Hygiene Đại Học San Jose City College được chọn là Tân Hoa Khôi Liên Trường Bắc Cali 2010 và cháu Nguyễn Ánh Kim, Sinh Viên ngành Social Work Đại Học San Jose Sate University đoạt Á Khôi 1.
Hôm nay, hai cháu Vũ Thị Minh Thùy Caroline và Nguyễn Ánh Kim có mặt trong buổi ra mắt sách, đây là lần tham gia sinh hoạt đầu tiên và ra mắt cộng đồng của tân Hoa Khôi và Á Khôi Liên Trường Bắc Cali 2010); ông bà MĐ Phạm Kim Bằng, MĐ Phạm Nhi Tuấn, MĐ Trần Mạnh Quỳnh, MĐ Nguyễn Tấn Cử, ông bà Bác sĩ Phạm Hoàng Tánh, Ông Nguyễn Văn Phụng, cựu Sinh Viên Nhật Bản, chủ nhân Nha Trang Restaurant; họa sĩ Phạm Bách Phi, họa sĩ Hải Triều, Ông Nguyễn Giá, Hội Cựu SVSQ Chiến Tranh Chính Trị; Ông Đào Ngọc Tứ, IRCC, ông Nguyễn Mộng Hùng, Ủy Viên Giám Sát Cộng Đồng Việt Nam Bắc Cali; ông bà Phạm Bằng Tường, Hội Phụ Huynh và Giáo Chức Hạt Santa Clara;  Bác sĩ Trần Công Luyện, ông Nguyễn Cao Thăng, Hội Cà Mau; ông Trần Ngọc Ảnh, Nguyễn Hinh, Nguyễn Ngọc Cống, Hội Đồng Hương Quảng Ngãi Bắc Cali; ông Lê Duy San, Hội Trưởng và Phạm Nguyên Khôi, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An; ông Nguyễn Hồng Đức, Hội Cựu Sinh Viên Đại Học Van Hạnh Hải Ngoại và phái đoàn CSVĐH/VH Nam Cali; ông Nguyễn Phước Đáng, ông bà Trần Văn Ngà, nhà văn Trần Trị Chi, nhà thơ Ngọc Bích, thi sĩ Mạc Phương Đình, chủ nhân Phở Ý, ông Uông Tiến Thắng, ông Phạm Hữu Độ, Ông Cao Hiền, nguyên Phó Chủ Tịch CĐVN/BC; ông Võ Trường, Hội Thiết Giáp Bắc Cali…
Về phía truyền thông báo chí ghi nhận sự tham dự của Bà Cao Ánh Nguyệt, Phụ Nữ Cali; Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Lê Bình, Tường Linh Việt Tribune; Anh Sỹ, Việt Nam Nhật Báo; Phạm Lễ, CM Magazine; Hạnh Dương, Việt Báo San Jose; Thanh Vũ, TNT San Jose;  nhà văn Đỗ Vẫn Trọn, Hệ Thống Truyền Thông Viên Thao; Diệu Chân, TNT Sacramento; Phạm Diễm Hương, cô Lưu Thanh Phương, dại diện Đài Voa; bà Trần Tghị Thu, ký giả Cao Sơn, Tin Việt News; Trần Củng Sơn, Thời Báo; Lý Minh Hào, Thời Báo Oakland;  Phương Thúy, Ngọc Thủy, anh Phúc, Đài SBTN và Quê Hương, nhà báo Kiêm Ái, Tiếng Dân.
Sau phần giới thiệu quan khách, nhà báo Thư Sinh đã giới thiệu MC chính của chương trình, vốn là một thẩm phán trẻ tuổi của VNCH trước năm 1975. Hiện nay là một nhà kinh doanh ngành địa ốc, là giám đốc một văn phòng địa ốc tên tuổi, một khuôn mặt rất quen trong cộng đồng, đó là ông Khổng Trọng Hinh.
Tiếp lời, MC Khổng Trọng Hinh đã giới thiệu vài nét về Trưởng Ban Tổ Chức: Anh Lê Văn Hải, Chủ Nhiệm hệ thống Tuần Báo Thằng Mõ, một tờ báo có uy tín và thành công hàng đầu của người Việt hải ngoại. Ngoài ra, anh Lê Văn Hải  còn là một nhân vật sinh hoạt trong cộng đồng qua nhiều lãnh vực thuyền nhân tị nạn, công tác xã hội và thường đứng ra tổ chức trong sinh sinh hoạt. Bên cạnh đó, anh Hải  còn cộng tác (vẽ, viết) cho nhiều tờ báo gần 30 năm nay: Chủ Nhiệm Nguyệt San Cờ Lau, dành cho Thiếu Nhi (từ 1985 đến 1991), đồng tác giả, tác phẩm: Hí Họa Đỏ Mõ Mít (1993), một trong những tác phẩm chống cộng bán chạy nhất tại hải ngoại (tái bản 3 lần) trong phần phát biểu chào mừng quan khách.
Trong lời chào mừng với tư cách Trưởng Ban Tổ Chức, anh Lê Văn Hải đã trình bày:
“Thật là một điều vinh hạnh cho tôi, được thay mặt các anh chị em trong ban tổ chức gồm: Hội Cựu Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh, Văn Thơ Lạc Việt, Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, các cơ quan truyền thông gồm: Thời Báo, Cali Today, Phụ Nữ Cali, Việt Tribune, Thằng Mõ và Tin Việt News để nói lên lời chào mừng nồng nhiệt nhất từ tác giả và ban tổ chức đến với tất cả quan khách tham dự buổi ra mắt sách này.
Quý vị vì tình thương mến tác giả và anh chị em trong ban tổ chức chúng tôi, đã dành thì giờ quý báu trong buổi chiều cuối tuần, để đến đây tham dự buổi chào đón thêm một đứa con tinh thần nữa của nhà báo lão thành SĐNVK.
Sự hiện diện đông đảo của quý vị hôm nay, thời tiết thì mưa gió, lại còn trùng hợp với 5 sinh hoạt cộng đồng khác, mà vẫn còn đầy hội trường này,  đủ nói lên lòng thương mến của quý vị đối với tác giả và cũng là niềm hãnh diện cho ban tổ chức chúng tôi.
(Trước khi vào lời phát biểu của tôi, xin một tràng pháo tay thật lớn, cho sự hiện diện của tất cả chúng ta.)
Kính thưa toàn thể quý vị,
Nói về nhà báo, bình luận gia, Gs SĐNVK,  có lẽ tôi phải đứng đây nói hoài cho đến ngày mai, chưa chắc đã xong! Vì ông làm báo hồi tôi còn chưa có mặt trên cuộc đời này, 60 năm làm báo của ông, hàng trăm chuyện để nói, không thể kể hết trong thời hạn 5 phút phát biểu mà ban tổ chức đã dành cho tôi.
Tôi chỉ xin được vắn tắt lời phát biểu ngắn gọn, đã được nhiều cơ quan truyền thông khắp nơi  đăng tải những ngày qua.
“Gs SĐNVK năm nay gần 90 tuổi, nhưng thể chất vẫn còn tráng kiện, trí óc vẫn còn minh mẫn tuyệt vời. Bài bình luận Trước Thời Cuộc hàng tuần của Ông đã là một trong những bài được phổ biến trên các cơ quan truyền thông của người Việt hải ngoại nhiều nhất, sâu rộng nhất, đặc sắc nhất.
Hàng tuần, Ông còn giữ thói quen, ngồi uống cà phê với các học trò, đồng nghiệp, nói chuyện thoải mái, hút thuốc lai rai, không thấy kiêng cữ gì cả.
60 năm làm báo và qua 15 năm định cư tại Hải Ngoại, tuần tự không tuần nào thiếu bài nhận định thời cuộc đặc sắc của Ông cả. Chưa kể Ông còn viết sách, viết bài, với nhiều đề tài khác nhau, nhất là về lãnh vực khoa học. Giọng nói của Ông trên các sóng phát thanh còn oang oang, rõ ràng! Những điều này cho thấy, tuy Ông là người lớn tuổi, nhưng sức khỏe rất tốt, sức làm việc sáng tác bền bỉ.
Nên nhớ, Ông là một trong những ngòi viết bị cộng sản VN trù dập giam giữ lâu nhất: Trên 12 năm tù, gần 2 năm cùm xích trong xà lim. Nhiều người đã không qua khỏi những cơn thử thách kinh sợ này, ngược lại, Ông vượt qua dễ dàng và vẫn sống khỏe, sống mạnh như ngày hôm nay.
Hỏi bí quyết tại sao Ông có sức khỏe và trí óc vẫn còn minh mẫn kỳ diệu như thế" Ông trả lời: “Tất cả nằm trong tác phẩm Tâm Pháp Khí Công”.
Xin cám ơn tác giả, với tuổi cao như thế, vẫn còn cống hiến cho đời, cho người, một món quà thật quý báu, tuyệt vời. Thế mới biết, đây là một tác phẩm quý báu không phải lý thuyết sông, tác giả đã mang mạng sống mình ra để thí nghiệm và đã thành công.
Tôi đã nhận làm Trưởng Ban Tổ chức trên hàng chục buổi ra mắt sách, qua gần 30 năm làm báo, điều hành một nhà xuất bản, đây có lẽ là buổi ra mắt sách thích thú nhất, ý nghĩa nhất, sung sướng, và hân hạnh nhất đối với tôi...”
Và đúng như tôi dự đoán, tác phẩm chưa phát hành, ban tổ chức chúng tôi đã nhận được hàng chục Quý mạnh thường quân yểm trợ, hàng trăm độc giả đặït mua sách trước, điều này nói lên tên tuổi tác giả uy tín ra sao. (Anh Hải vừa phát biểu vừa đưa cao một xấp thơ của quý đồng hương ủng hộ gởi đến Thằng Mõ để đặt mua Tâm Pháp Khí Công).
Trước khi dứt lời, kính mong  quý vị đáp ứng lời yêu cầu của tôi là: Tất cả chúng ta đứng lên, xin mời nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh cùng đứng lên, tất cả chúng ta cùng nhau gởi đến cho tác giả một tràng pháo tay thật lớn, thật dài, như một lời cám ơn, cho một đời người đã tận tụy với chữ nghĩa, với tuổi đã cao, vẫn không ngừng biếu chúng ta những món ăn tinh thần quý giá. (Hưởng ứng lời đề nghị của diễn giả, mọi người trong hội trường đã đứng dậy đồng loạt tay thật dài)
Và một lần nữa anh chị em tổ chức chúng tôi, chỉ là những đàn em đồng nghiệp, những học trò, bằng hữu của tác giả, không phải là những nhà tổ chức chuyên môn, nên chắc chắn có nhiều điều sơ sót, kính xin quý vị niệm tình tha thứ cho”.
Tiếp tục, MC đã giới thiệu nhac sĩ Ngọc Loan trình bày sơ lược tiểu sử về 60 năm làm báo của Nhà Báo SĐNVK:
“Tuổi đời xấp xỉ chín mươi, (sinh năm 1921 tại Bắc Giang - Bắc Việt)
Nếu vào thời sơ sinh buổi đầu thế kỷ, báo Việt Nam đã có được những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh... thì hiện nay, vào lúc bước sang thêm một thế kỷ mới, báo chí Việt ngữ, cả trong nước lẫn hải ngoại, có thể hãnh diện đã có Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.
Ngay ở tuổi đôi mươi, Nguyễn Viết Khánh đã tới với làng báo chuyên nghiệp. Năm 1948, ông viết cho tuần báo Thanh Niên ở Hà Nội do Trần Triệu Việt (tức Trần Việt Sơn) sáng lập, khởi sự bằng những truyện ngắn với bút hiệu Tùng Khanh.
Năm 1949, Nguyễn Viết Khánh thực sự bước vào nghề hàng ngày: Ông là Chủ nhiệm Nhật Báo Quyết Sống, ấn hành tại Hà Nội. Vào thời kỳ này, chiến tranh Việt Pháp bắt đầu lan rộng, và cả miền Bắc chỉ có dăm ba tờ nhật báo.
Năm 1951, cùng với nhà báo Hồ Văn Đồng, một kiện tướng của làng báo từ miền Nam ra Bắc, Nguyễn Viết Khánh tổ chức chi nhánh Hà Nội của Việt Nam Thông Tấn Xã, tức Việt Tấn Xã (VTX), trụ sở ở Sài Gòn, và đảm nhiệm phần phiên dịch Anh-Pháp cho các bản tin VTX tại Hà Nội.
Năm 1952, chiến tranh lan rộng khắp Đông Phương. Sau khi xuất bản tại Hà Nội tập truyện ngắn đầu tiên với bút hiệu Tùng Khanh, Nguyễn Viết Khánh lên đường ra... chiến trường miền Trung, làm đặc phái viên chiến trường cho VTX tại Huế.
Năm 1954, ông Khánh là phái viên toàn quốc của VTX tại Sàigòn.
Năm 1955, Nguyễn Viết Khánh trở thành nhà báo đầu tiên Việt Nam cùng các ký giả thế giới tường thuật tại chỗ Hội Nghị Thượng Đỉnh Á-Phi tại Bandung (Indonesia). Trong chuyến đi này, ông đã được Thống Chế Tưởng Giới Thạch, Tổng thống Đài Loan tiếp kiến và đã trực tiếp phỏng vấn Đại tướng Trần Thành, Phó Tổng thống.
Năm 1956, Nguyễn Viết Khánh là phái viên VTX, đặc trách phủ Thổng thống.
Năm 1958, ông Khánh hợp tác với tờ Thần Chung của nhà báo Nam Đình trong các mục phóng sự đặc biệt.
Năm 1961, Nguyễn Viết Khánh là trưởng ban Pháp ngữ tại Việt Tấn Xã.
Năm 1964, ông Khánh đặc trách các bản tin quốc nội, quốc tế của VTX. Đồng thời ông chuyên viết về các vấn đề khoa học không gian và vũ trụ cho báo Dân Chủ Mới, và dịch thuật tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Nghê Khuông, Gia Cát Thanh Vân từ nguyên bản chữ Hán cho một số nhật báo Sàigòn.
Năm 1965, Nguyễn Viết Khánh chính thức là Tổng Thư Ký Tòa Soạn Việt Tấn Xã. Xin mở một ghi chú: Việt Tấn Xã vào thời này đã thành Thông Tấn Xã chính thức của Việt Nam Cộng Hòa, được tổ chức như một Tổng Nha tự trị. Cạnh các nha sở kỹ thuật, hành chánh tài chánh, thường xuyên có hàng trăm biên tập viên, phóng viên, phiên dịch viên làm việc. Cơ quan này được điều hành bởi một Tổng giám đốc do người đứng đầu hành pháp trực tiếp cử. Tổng Thư Ký là người điều hợp toàn bộ công việc chuyên môn về biên tập.
Cũng từ năm 1965, cùng tổng giám đốc Việt Tấn Xã Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Viết Khánh mở lớp huấn luyện phóng viên nhà nghề tại Việt Tấn Xã. Đây là lớp dạy nghề báo chính quy đầu tiên tại Việt Nam trước khi có phân khoa báo chí truyền thông thực sự thành hình tại các đại học.
Sau tháng Tư 1975, cùng hàng trăm đồng nghiệp, nhà báo, nhà văn tại Miền Nam, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh bị Cộng Sản bắt đi tù đầy suốt 12 năm.
Năm 1992 tháng 2, ông bà Nguyễn Viết Khánh rời Việt Nam sang đoàn tụ với các con tại San Jose, và vẫn tiếp tục nghề báo cho đến hôm nay”.
Tiếp tục, MC Khổng Trọng Hinh đã trình bày những nét đặc biệt về tiểu sử nhà báo lão thành SĐNVK như sau:
- Điểm qua cuộc đời làm báo của nhà báo SD NVK, ta thấy có 2 yếu tố nổi bật: kiến thức và đạo đức.
Kiến thức ở đây, ngoài những điều hiểu biết tổng quát, còn phải kể đến có những hiểu biết chuyên môn của nghề làm báo. Về mặt này, quý vị có thể nhận thấy dễ dàng khả năng của nhà báo SD qua những tác phẩm, những bài nói chuyện trên các đài phát thanh và những bài bình luận hằng tuần của ông.
Nhưng điểm làm ông được mọi người kính mến chính là cái đạo đức, cái phẩm cách của nghề viết báo. Thật vậy, suốt qua trình 60 năm viết báo, ta không thấy ông viết một giòng chữ nhằm mạ lỵ, chưỉ bới, bôi nhọ cá nhân này hay đoàn thể nọ. Chí đến đối với nhà cầm quyền Cộng Sản, những người đã đầy đọa ông suốt 12 năm lao tù, ông cũng chỉ phê phán phải trái một cách công bằng, đôi khi nghiêm khắc nhưng ông không hề có những lời chửi bới hận thù. Giữ được tác phong ấy suốt 60 năm, phải có một tấm lòng.
- Có người đã hỏi anh em Vạn Hạnh chúng tôi, yếu tố nào đã khiến các anh, mà hầu hết đều đã quá tuổi lục tuần, nhiều anh đã có những vị thế khá cao trong xã hội từ mấy chục năm về trước, mà cho đến bây giờ đối với Gs SĐNVK lúc nào cũng “thầy thầy, con con”.
Thưa quý vị, học trò VN theo thầy không phải chỉ vì để thu thập kiến thức mà còn ngó vào tấm gương đạo đức của thầy. Cho đến khi nào thầy còn giữ được đạo đức, thầy còn sống theo cái tâm, thầy còn lấy chữ tâm làm thầy, thì thầy vẫn là thầy và trò vẫn là trò. Cả thầy lẫn trò đều có chung 1 ông thầy. Ông thầy đó chính là cái tâm của chính mình. Tây Du Ký kể chuyện Hầu vương từ bỏ ngai vàng, từ bỏ đời sống an lành, sung túc ở núi Hoa Quả, chấp nhận bao gian gian khổ vượt muôn dặm đường xa tìm thầy học đạo. Cuối cùng mới tìm được và nhận Bồ Đề Tổ Sư làm thầy. Thế ai là thầy của Tổ Sư" Thưa quý vị, Tổ Sư ở trên núi cao, trong một cái động lớn có tên là “Tàn Nguyệt Tam Tinh Động”. Tàn Nguyệt Tam Tinh là hình tượng của chữ Tâm, là “nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời” trong Đoạn Trường Vô Thanh lúc nàng Kiều hoặc ngồi nhớ Thúc Kỳ Tâm hoặc đang tự hỏi lòng mình về tình cảm của cô với cái anh chàng vừa sợ vợ, vừa ham muốn đèo bồng này. Kính thưa quý vị, mỗi người trong chúng ta, kể cả các vị thầy của chúng ta cũng đều cần có một ông thầy chung, là chữ Tâm, là chính tấm lòng mình. Anh em chúng tôi một điều thưa thầy, hai điều xưng con, anh em chúng tôi kính trọng thầy chính là kính trọng cái tâm của chính mình.
- Đã nói chữ Tâm trong nghề làm báo, đã bàn chữ Tâm trong nghĩa thầy, trò, bây giờ hãy nói chữ Tâm trong việc tập luyện Khí Công. Tôi tin chắc rằng trong số quý vị ở đây, rất nhiều vị đã biết, đã học, đã tập nhiều môn thể dục, nhiều môn luyện khí khác nhau. Tôi cũng tin rằng hầu hết những môn đó đều tốt cả. Không tốt hoàn toàn thì cũng tốt được đến tám, chín phần. Nhưng hầu hết chúng ta không thành công trong việc tập luyện. Tại sao vậy" Vì chúng ta thiếu chuyên cần, vì chúng ta thiếu kiên nhẫn, chúng ta chỉ hăng say lúc đầu. Ít bữa sau, lơ lơ và cuối cùng, bỏ luôn.
Không vị thầy nào có thể tập luyện thay cho chúng ta nếu chúng ta không kiên quyết, không chuyên cần. Phương pháp có hay cách mấy cũng vất đi nếu chúng ta không quyết tâm, Chính vì vậy, đề tựa của cuốn sách này là “Tâm Pháp Khí Công” theo đó, chữ Tâm, là cái lòng mình phải đi đầu, sau đó mới là chữ Pháp, là cách thức tập luyện.
Thế thì trong việc làm báo, trong cái nghĩa thầy trò  và cả trong cách thức tập luyện khí công, chữ Tâm luôn luôn đi đầu.
Xin quý vị hãy cùng chúng tôi kính cẩn cúi đầu trước ông thầy chung của chúng ta: chữ Tâm”.
Sáu đó MC đã long trọng giới thiệu tác giả Tâm Pháp Khí Công, nhà báo SĐNVK mà tác gia bước lên bục diễn đàn, một lần nữa, trong tiếng vỗ tay tràn ngập hội trường. Tác giả đã trình bày:
“Cám ơn quý vị đã đến dự buổi Ra Mắt Sách của tôi hôm nay. Vào dịp này tôi muốn thưa cùng quý vị về một câu hỏi thắc mắc từ mấy tuần qua: Tại sao một người suốt đời chỉ biết viết văn viết báo, bây giờ lại viết về nghề võ, vì khi nói về Khí Công thời nay ai cũng biết đó là lãnh vực của võ học. Tôi xin trả lời dứt khoát trong một câu: Khí công có quan hệ mật thiết với nghề làm báo ở một điểm then chốt: luyện Khí công trước hết cần phải tập trung tư tưởng và nghề làm báo khi viết bài cũng đòi hỏi trước hết sự tập trung tư tưởng. Bởi vậy những người làm báo có thể dễ tập Khí công hơn.
Tập trung tư tưởng cũng là khởi điểm phép luyện Thiền của Phật giáo. Về cuốn sách Khí Công tôi đã muốn viết từ lâu nhưng vì bận nhiều công việc nên vào mùa thu năm ngoái tôi mới có thời giờ tìm lại những tài liệu về nguồn gốc của môn học này.
Quá khứ - Thật ra tronq những năm trước đây tôi thỉnh thoảng cũng đã viết những bài liên quan đến Khí Công. Năm 1999 tôi viết về Khí công trong cuốn sách “Những Mùa Xuân Trở lại” để nói đến hai cột trụ của nghề làm báo là “Kiến thức và Đạo đức”. Đạo đức là tấm lòng, cái “tâm” của con người. Tâm là tâm thức, lòng bác ái, vị tha, đức độ. Còn kiến thức nằm trong chữ “trí” như đã có danh từ kép trí tuệ. Trí tuệ là sự sáng suốt của bộ óc. Bởi vậy từ kép “tâm trí” có ý nghĩa thật quan trọng.
Vì có tâm đức độ bác ái chưa đủ mà còn phải có bộ óc sáng suốt phân biệt rõ trắng đen phải trái, để khỏi mắc lừa những kẻ lợi dụng tôn giáo làm chuyện xấu. Năm 2004 tôi nhắc đến mối tương quan giữa Văn học và Võ học với tựa đề “Văn ôn Vũ luyện”. Năm 2005, tôi viết một bài Bình luận về “Truyền thông cắm Khí Công” để trình bầy ngắn gọn sự tương tác giữa Khí công và nghề làm báo.
Về mặt cụ thể, nghề làm báo là một nghề tốt nhất cho việc trau dồi kiến thức, vì một biên tập viên ngồi ở Tòa Soạn luôn luôn phải đọc những tin tức cập nhật hóa hàng ngày, những diễn biến mới nhất xẩy ra ở địa phương cũng như ở cả trên thế giới. Trong thời kỳ gần đây chúng tôi đã gọi đó là một sự “Bùng nổ” (Big Bang) của kiến thức.
Hiện tại - Thế nhưng một khi người ký giả đã xem được, nhìn thấy hay nghe được cả đống tin tức dồn dập đến mỗi ngày thì làm sao nhớ cho hết" Trước hết tôi muốn nói đến con người nói chung là một loài sinh vật cao cấp nhất trên hành tinh này. Môn Sinh hóa đã cho chúng ta biết trong bộ óc của con người có một bộ nhớ chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay nằm giữa óc, giống như bộ nhớ của máy computer. Đặc biệt bộ nhớ của chúng ta còn biết tự thảo chương (self-programming) để giúp chúng ta cần nhớ cái gì lâu hay mau, hoặc chỉ cần nhìn qua một thoáng rồi có thể quên đi.
Chính nhờ Khoa học hiện đại, môn pháp Khí công cũng được cập nhật hóa, khiến người luyện Khí công cảm thấy phấn khởi vô cùng. Tâm pháp Khí công chỉ ra ba huyệt liên quan đến bộ nhớ của óc chúng ta:
1) Huyệt mi-tâm ở trán giữa hai lông mày,
2) Huyệt Bách hội ở đỉnh đầu và
3) Huyệt Ngọc chẩm ở sau gáy.
Việc luyện những huyệt này cũng như các huyệt khác sau khi đả thông Kỳ kinh Bát mạch ghi trong cuốn Tâm Pháp Khí Công, sẽ giúp ta có một trí óc sáng suốt trong một cơ thể lành mạnh.
Về việc luyện Khí công trong sách tôi đã có ghi chỉ nên tập trong khi bụng đói. Tiện đây tôi muốn có lời nhắn nhủ thêm: Không được tập luyện Khí công ngay sau khi làm chuyện ái ân ở phòng the. Ít nhất sau đó 3 tiếng đồng hồ mới được luyện Khí công để tránh khỏi bị..."tẩu hỏa nhập ma”.
Tương lai - Tôi viết cuốn Tâm pháp Khí công vì tôi nghĩ tôi là một người viết báo có nhiệm vụ truyền đạt tin tức, sự hiểu biết và những nhận xét của cá nhân tôi về những sự kiện đó. Tôi đã biết từ thuở thiếu thời, việc tập luyện khí công có ích cho mọi lứa tuổi, bất cứ ai cũng có thể luyện được, thành đạt được kết quả mau hay chậm là tùy ở hoàn cảnh mỗi người.
Nhưng tôi muốn nhìn đến thế hệ tương lai nhiều hơn. Những thế hệ đó, không phải chỉ nói riêng về cộng đồng người gốc Việt chúng ta ở hải ngoại mà nhằm cả các thế hệ ở các nước khác trên thế giới, không phải chỉ những thế hệ ngày nay mà cả các thế hệ kế tiếp.


Vào đầu thế kỷ 21 đã có những dấu hiệu giảm bớt sự phân hóa giữa đức tin tôn giáo (tức là tâm) và khoa học (tức là trí). Tôi mong trong các thế kỷ tới, con người sẽ phát huy được đồng đều hai lãnh vực chữ “tâm” và “trí” để thế giới tránh được tai họa chiến tranh. Tuy nhiên tôi không nghĩ loài người có thể hợp nhất tâm và trí để biến thành một loài sinh vật duy nhất có trí thông minh trên Trái Đất này.
Vì đó là sự hòa đồng như sự “Cộng sinh” (Symbiosis) đã ghi trong môn Sinh-Hóa. Cộng sinh sẽ làm mỗi phần tử cá thể mất hết căn bản, gốc rễ của mỗi chủng tôc, của mỗi ngành tư duy như tín ngưỡng và khoa học. Mất hết các gốc rễ đó, con người sẽ hết là con người mà thành một loại sinh vật khác. Còn những gốc rễ đó, con người vẫn là con người để tiến lên nũa. Tôi nghĩ đến từ “Cộng năng” (Synergy) nhiều hơn, vì đó là sự hợp tác giữa Khoa học và Tôn giáo, sự cộng tác giữa các chủng tộc ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, để rồi hàng ngàn năm tới, loài người có thể vươn lên làm chủ cả các bầu trời trong vũ trụ).
(Ghi chú của tòa soạn: Đây là bài nói chuyện được soan sẵn của tác giả, tại buổi ra mắt TPKC, vì thời gian cho phép trong việc xử dụng hội trường, tác giả đã phải cắt phần nói chuyện mình nữa chừng, theo yêu cầu của ban tổ chức. Thể theo yêu cầu của bạn đọc, tòa soạn xin đăng tảinguyên văn bài nói chuyện của tác giả - Tin Việt News).
Sau đó là phần trao quà lưu niệm đến tác giả, mà MC đã nói “hôm nay thầy “thu hoạch” khá nhiều” với lần lượt các tặng phẩm:
 - Ns Ngọc Loan và Hoa Khôi Liên Trường Vũ Thị Minh Thùy Caroline tặng hoa đến tác giả.
- Nhà báo Lê Văn Hải, Chủ Nhiệm tuần báo Thằng Mõ và Á Hậu Áo Dài 2009 Nguyễn Thùy Trang tặng chân dung tác giả do nhà báo Lê Văn Hải vẽ. 
- Anh Nguyễn Hồng Đức Hội Trưởng Hội Cựu Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh và Á Hậu Áo Dài 2009 Nguyễn Thùy Trang trao tặng món quà mang ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần làm báo chuyên nghiệp và trong sáng cũng như là một nhà giáo gương mẫu.
- Bà Trần Thị Thu, Chủ Nhiệm tuần báo Tin Việt News tặng quà lưu niệm của  các cơ quan truyền thông trong Ban Tổ Chức.
- Á Khôi Liên Trường Bắc Cali 2010 Nguyễn Ánh Kim trao tặng chân dung hí họa của nhà báo Phan Tấn Hải, Tổng Thơ Ký hệ thống Việt Báo vẽ. Bức chân dung này được nhà báo Phan Tấn Hải từ Nam California gởi lên cho Ban Tổ Chức. 

- Nhà thơ Song Nhị tặng quà lưu niệm của Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn .
 - Nhà thơ Đông Anh tặng quà lưu niệm của Văn Thơ Lạc Việt .
Kế tiếp là phần tặng hoa và tặng quà lưu niệm của BTC đến bảo trợ danh dự của buổi ra mắt, Ông Lân Nguyễn Ủy Viên Giáo Dục Học Khu Trung Học East Side. Á Hậu Áo Dài 2009 Nguyễn Thùy Trang đã trao hoa đến ông Lân Nguyễn và anh Lê Văn Hải và Hoa Khôi Liên Trường Vũ Thị Minh Thùy Caroline đã trao khung ảnh lộng Thiệp Mời buổi ra mắt.
Nhân dịp này, trong phần phát biểu ông Lân Nguyễn đại diện Học Khu East Side đã chúc mừng đến tác giả và ban tổ chức về sự thành công tốt đẹp của buổi ra mắt tác phẩm Tâm Pháp Khi Công. Ông Lân Nguyễn cũng khẳng định là Học Khu East Side luon luôn mở rộng cửa để đón chào các sinh hoạt mang tính chất văn hóa, giáo dục, xã hội của cộng đồng.
Ở phần cảm tưởng của quan khách, người đầu tiên là Thẩm Phán, Chánh Án Tòa Di Trú Liên Bang Phan Quang Tuệ. Tuy nhiên trong buổi ra mắt Chánh Án Tuệ được mời phát biểu với tính cách một người đã có một thời gian làm việc chung với tác giả để trình bày đề tài “nhân buổi ra mắt “Tâm Pháp Khí Công”, đánh dấu “60 năm làm báo” của Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, một cái nhìn về tác giả” đã trình bày:
“Tôi vinh dự được mời phát biểu ý kiến nhân dịp kỷ niệm “60 năm làm báo” của nhà báo SĐNVK.  Để đánh dấu đoạn đường dài đã qua, chúng ta lại được nhà báo kỳ cựu lão thành này gởi đến tác phẩm “Tâm Pháp Khí Công”, một cuốn sách mà ông cho biết đã có ý định viết từ khi đặt chân lên miền đất này 18 năm trước đây.
Tôi thực ra, như quý vị biết, không thể là đồng nghiệp của nhà báo SĐNVK. Tôi cũng không có may mắn đứng trong hàng ngũ môn đệ của ông.  Dẫu tuổi đời giữa tôi và ông cách nhau hơn 20 năm, cuộc đời đã đưa đẩy tôi gặp ông cách đây cũng được gần 50 năm.
Năm 1964  tôi vào làm thông dịch viên bán thời gian cho Việt Tấn Xã.  Lúc ấy tôi là sinh viên năm thứ ba Đại Học Luật Khoa Saigon, đi làm thêm để kiếm tiền đi học. Theo ký ức của tôi, thời bấy giờ mỗi ngày Việt Tấn Xã phát hành hai bản tin Việt Ngữ, một bản tin Pháp Ngữ, và một bản tin Anh Ngữ vào buổi chiều.  Tôi làm thông dịch viên trong ban Pháp Ngữ.  Lúc đó ông SĐNVK là Trưởng Ban của Ban Tin Tức Quốc Tế, Quốc Nội của Việt Tấn Xã.  Công việc của tôi là công việc của một “thợ dịch”, dịch ngay ra Pháp ngữ các tin quốc nội từ Ban Tin Tức đưa qua.  Tôi gặp ông Nguyễn Viết Khánh thường xuyên tại Việt Tấn Xã nhưng rất ít khi trò chuyện với ông.  Tôi chỉ nhớ ông là một người hoà nhã và ít nói.  Sau một năm làm việc tại Việt Tấn Xã, tôi nghỉ việc sau khi tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa. Tôi nghe ông Khánh lên làm Tổng Thư Ký Việt Tấn Xã sau đó. Và cũng từ đấy, cuộc đời của chúng tôi rẽ hai ngã khác nhau.
Mãi cho đến hơn 30 năm sau khi giòng đời đưa đẩy tôi về California tôi lại thấy tên ông xuất hiện qua những bài bình luận thời cuộc trên các báo Việt Ngữ.  Mỗi khi có cơ hội là tôi tìm đọc bình luận thời cuộc của SĐNVK. Hằng ngày tôi đọc báo ngày, báo tuần bằng Anh ngữ.  Nhưng cái thú đọc bình luận thời cuộc của ông Khánh viết là vừa đọc tiếng Việt, vừa cảm mến cái văn phong điềm đạm, khách quan của một nhà báo chuyên nghiệp.  Bài ông viết thuộc loại bài mà khi đọc xong ta không cảm thấy bị xúc phạm, lợi dụng.  Tôi không có thể nhớ một bài nào của SĐNVK đả kích một cá nhân, đoàn thể hay tôn giáo nào. Tôi cũng không nhớ được một bài nào của ông với lời văn khiếm nhã, đâm chọc. Qua những bài bình luận của ông, độc giả cảm thấy được tôn trọng, được mở mắt thêm với thế giới và những biến chuyển bên ngoài. 
Chúng ta đã nghe ông nhắc đến hai yếu tố cột trụ của nghề báo: kiến thức và đạo đức. Ông Nguyễn Viết Khánh không chỉ rao giảng hai điều này, mà đã thể hiện cả hai trong 60 năm làm báo của ông.
Tôi xin có một lời về cuốn “Tâm Pháp Khí Công” để kết luận.  Ở trang chót, tác giả đã viết một cách hết sức thân tình như sau:
“Bạn ơi, tất cả chỉ ở một chữ Tâm.  Ở cái Tâm đó chưá toàn bộ năng lượng của con người”.
Chữ Tâm của nhà báo SĐNVK làm tôi nhớ đến chữ Tâm trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du:
“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Xin cám ơn sự chú ý của quý vị”.
Đặc biệt, khi diễn giả đề cập đến phong cách làm báo chuyên nghiệp của tác giả, trong hội trường đã vang lên tiếng vỗ tay như đồng ý với sự nhận xét của diễn giả.
Cuối cùng, anh Nguyễn Hồng Đức, Hội Trưởng Hội Cựu Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh Hải Ngoại, đã trình bày:
“Trước năm 1975 thầy Sơn Điền dạy anh em chúng tôi tại phân khoa Báo Chí , đại học Vạn Hạnh và sau này ra nước ngoài thầy vẫn liên lạc gắn bó, sinh họat thường xuyên với anh chị em Cựu SV VH tại hải ngọai. Tuy nhiên, những điều Thầy dạy bảo chúng tôi không chỉ dừng lại trong giảng đường mà lan rộng ra ngoài đời sống thường nhật, không ngừng lại từ sau 30/4/75 mà còn kéo dài mãi đến bầy giờ và sau này.
Thầy đã là tấm gương sáng cho chúng tôi về tinh thần hiếu học, cầu tiến. Học ở mọi nơi, mọi lúc. Học ở mọi người và ở mọi lứa tuổi . Quý vị đã từng nghe nói nhiều đến nhà báo Sơn Điền, nhà giáo Nguyễn Viết Khánh, nhưng chắc quý vị chưa nghe nhiều về Thầy SĐNVK. Hãy tượng tượng hình ảnh một ông già 90 tuổi mà vẫn say mê học về nhu liệu điện toán, về kỹ thuật computer, về liên mạng WWW, về cách sử dụng chữ Việt Unicode để mỗi ngày truy cập Internet thu thập những tức cập nhật nhất xảy ra trên thế giới, tổng hợp, phân tích và viết ra  những bài bình luận thật xúc tích, giá trị được đăng tải trên hầu hết những cơ quan ngôn luận người Việt ở hải ngọai.
Những tác phẩm sách báo giá trị đó đã làm nên tên tuổi SĐNVK suốt 60 năm qua là thành quả của một sức làm việc bền bỉ nhưng đầy tinh thần trách nhiệm. Chúng tôi nhớ có một chuyện đã xảy ra cách đây không lâu. Trong một bài bình luận Thầy có viết lại một tin tức quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đã được loan truyền trên Internet và được rất nhiều website Tôn giáo rất có uy tín đăng tải trước đó. Tuy nhiên sau khi kiểm chứng chúng tôi khám phá ra được đó là một tin bịa đặt, xuất phát từ một địa chỉ không có thật. Bài viết thì Thầy đã gởi cho các cơ quan báo chí khắp nơi rồi. Tuy nhiên Thầy đã ngay tối hôm đó tức tốc gọi điện thọai đến các tòa soạn để chận bài lại, “tự ý đục bỏ” đoạn bài có cái tin thất thiệt kia. Đó là bài học trách nhiệm, tinh thần phục thiện biết nhận lỗi, biết sửa sai mà Thầy luôn nhắc nhở anh em chúng tôi vậy.
60 năm và còn tiếp tục bền bỉ làm việc, tên tuổi Sơn Điền, chỉ có TIẾNG chớ không có TAI, phải xuất phát từ một tài năng trí tuệ không phải ai cũng có được. Tuy nhiên, vượt trên cả cái TÀI đó, chính là cái TÂM của một ngòi bút chân chính, của một người tự mang cho mình một sứ mệnh, cái sứ mệnh đem gieo trồng những hạt giống tinh hoa vào trong thửa ruộng trên đỉnh núi trí tuệ. Kính thưa quý vị , đó cũng là ý nghĩa của hai chữ SƠN ĐIỀN mà Thầy Nguyễn Viết Khánh đã chọn làm bút hiệu vậy.
Kính thưa Thầy, hôm nay học trò cũ của Thầy tụ họp nơi đây để chúc mừng sức khỏe Thầy vì chặng đường 60 năm tuy có dài nhưng Thầy vẫn tiếp tục cất bước. Tập sách Tâm Pháp Khí Công này là thêm một điều hay tốt nữa Thầy truyền dạy cho chúng con, những thế hệ đi sau. Chúng con tri ơn Thầy. Chúng con TÂM PHỤC và KHẨU PHỤC Thầy”.
Xen kẻ giữa chương trình là phần trình bày văn nghệ với Hoàng Nguyên trong nhạc phẩm “Phiến Đá Sầu” của Diệu Hương, Ái Lan “Anh Cho Em Mùa Xuân” Thu Nga và Lê Minh Hiền với nhạc phẩm mang tính chất thiền “Rồi ĐếnRồi Đi” của Lê Minh Hiền, Phương Thúy “Câu Chuyện Đầu Năm” và Song Sơn “Vì Đó Là Em” với phần đệm nhạc của ban nhạc Music For All Occasions của Qua Toàn và âm thanh của Sang Trần.
* Dù “đụng hàng” nặng ký nhưng vẫn thành công tốt đẹp
Buổi ra mắt đã thành công tốt đẹp hoài sự mong đợi của chính tác giả cũng như ban tổ chức. Trong một ngày Chủ Nhật cuối tuần, cùng một thời điểm có đến 5 sinh hoạt khác nhau: kỷ niệm ngày Hoàng Sa với phụ diễn văn nghệ hùng hậu của Ban Hưng Ca, ra mắt tác phẩm “Hell In An Lộc” của cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi bởi Hội Ái Hữu Bạc Liệu Bắc Cali, Hội Cựu SVSQ trường VBQGVN Bắc Cali, Hội cựu Học Sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ, kỷ niệm 4 năm hoạt của Hội Từ Bi Phụng Sự thầy Hằng Trường nói chuyện và hướng dẫn về Khí Công và 2 trận football then chốt để bước vào vòng chung kết giải football năm nay.
Tựu trung, cả 4 sinh hoạt “đụng hàng” với buổi ra mắt Tâm Pháp Khí Công đều là những sinh hoạt “nặng ký” thế nhưng buổi trình làng tác phẩm của cây đa cổ thụ làng báo Việt Nam cũng may mắn gặt hái thành công tốt đẹp. Qua buổi ra mắt, người ta nhìn thấy, hầu hết những người hiện diện, dù ở lại đến cuối chương trình, hay chỉ là tham dự với tính cách “lai vãng”, đến để mua sách và ở lại một khoảng thời gian ngắn rồi ra về, tất cả đều vì  tấm lòng quý mến đối với tác giả, một nhà báo chuyên nghiệp, chân chính. Bên cạnh đó, ghi nhận các khuôn mặt hiện diện, tuy có nhiều chính kiến dị biệt, phe phái khác nhau nhưng khi một sinh hoạt hoàn toàn thuần túy văn hóa đều được mọi người đón nhận, mọi dị biết, xung khắc đều “ngã nón ra đi”. Đó chính là hình ảnh nhà báo Thư Sinh, với tư cách một thành viên trong ban tổ chức, đã vui vẻ bắt tay nhà báo Kiêm Ái, báo Tiếng Dân hay Thư Sinh vẫn trang trọng giới thiệu cựu Trung Tá Nguyễn Mộng Hùng, MĐ Phạm Kim Bằng và những khuôn mặt vốn có những “dị biệt” về chính kiến. Khi một sinh hoạt thuần túy mang tính chất văn hóa, thì mọi bất đồng chính kiến sẽ bị đẩy lui.   
* Cùng nhìn về chữ Tâm của tác giả
Từ một chữ tâm ở phần kết luận của tác giả trong sách Tâm Pháp Khí Công mà từ nhà báo Thư Sinh trong bài tản mạn tuần qua, MC Khổng Trọng Hinh, Thẩm Phán Phan Quang Tuệ và Hội Trưởng Vạn Hanh Nguyễn Hồng Đức, tất cả cùng nhắc đến. Phải chăng sự thành công rực rỡ của buổi mắt, tất cả cũng chỉ vì một chữ... TÂM.
Tại miền Bắc Cali, khi nói đến việc ra mắt sách, từ trước tới giờ chỉ có ba buổi ra mắt thành được ghi nhận thành công tốt đẹp về số người tham dự và số sách bán được. Đó là:
- Buổi ra mắt tác phẩm “Đất Nước Tôi” của Cố Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn.
- Buổi ra mắt tác phẩm “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” của Nguyễn Tiến Hưng.
- Buổi ra mắt tác phẩm “Tôi Phải Sống” của linh mục Nguyễn Hữu Lễ.
Người viết, với cương vị là một nhà báo, chúng tôi đã tham dự cả ba buổi ra mắt sách nói trên. Nay,với cương vị là một thành viên trong Ban Tổ Chức buổi ra mắt tác phẩm “Tâm Pháp Khí Công” của SĐNVK, chúng tôi không so sánh buổi ra mắt cuối tuần qua với buổi ra mắt nào trước đây. Vì sự so sánh chỉ tự làm giá giá trị của buổi ra mắt vừa qua.
Người viết chỉ nêu lên sự kiện mà chúng tôi ghi nhận:
Với 480 quyển sách TPKC được mang đến, khi chấm dứt buổi ra mắt, chỉ còn lại 2 cuốn. Hai cuốn này, nếu tác giả không dành lại để tặng vì đã lỡ hứa, thì cũng không còn. Có lẽ nhờ ở khi bàn tác giả ký tên trên tác phẩm vừa được bắt đầu thì người mở hàng, chủ nhân Phở Ý đã mua một lúc... 10 quyển.
Hiện tại, Ban Tổ Chức còn giữ hàng trăm order của thân chủ đã gởi tiền đến địa chỉ tòa soạn báo Thằng Mõ để mua sách qua đường bưu điện. Trước ngày ra mắt, BTC đã giải quyết được gần 200 trường hợp. Hiện nay còn trên 200 order chưa được giải quyết vì... sách không còn nữa.
BTC và tác giả đang chuẩn bị thực hiện ấn bản lần thứ hai với phần phụ đính, sửa chữa những sai lầm về chính tả và kỹ thuật cùng phụ đính thêm nhiều tài liệu chung quanh việc vận động cho buổi ra mắt cũng như bài nói chuyện của tác giả, những bài phát biểu của một số quan khách và hình ảnh buổi ra mắt sách.
Phần phụ đính này, theo ước tính dự trù phải tăng khoảng từ 30 đến 40 trang nhưng ấn bản thứ hai vẫn đề giá... $10 Mỹ kim. Vì tâm nguyện của tác giả và BTC việc thực hiện ấn bản lần thứ hai là nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của độc giả, chứ không nhằm mục đích kinh doanh, theo tinh thần chữ TÂM của nhà báo SĐNVK.
Quý khách có nhu cầu xin gởi chi phiếu hoặc money order đề: Lê Văn Hải, gởi về: 918 S. First St., San Jose, CA 95110. (sách sẽ được nhận ngay sau ngày phát hành).
Tuy không so sánh, nhưng phải công nhận, chưa có một cuốn sách nào từ trước đến nay khi phát hành đã tiêu thụ hết mau và phải thực hiện việc ấn bản thứ hai nhanh như cuốn TPKC của SĐNVK. Ấn bản thứ hai sẽ phải hoàn tất trước tiệc Tân Niên của Cựu Sinh Viên Van Hạnh tại Nam Cali và để tác giả có thể tổ chức trình làng tại miền Nam.
Nét đặc biệt kế tiếp cần phải đề cập buổi ra mắt sách vừa qua thật sự tạo một sự thoải mái đối với trên 400 người tham dự. Vì từ các MC, rồi tác giả và đến các quan khách phát biểu trong chương trình đều tôn trọng khán giả, không có việc “ôm” micro “nói dai, nói dài”. Vì hầu như những nhân vật này hiểu và biết một điều quan trong trong sinh hoạt: “những người nói dai, nói dài là những người vốn tự mình mê tiếng nói của mình hơn là hiểu đến tâm trạng của người những đang ngồi ở bên dưới là cần nhu cầu thoải mái khi tham dự một sinh hoạt văn hóa và muốn sinh hoạt đó điđúng mục đích đã đề ra”.
Đúng như trong nổ lực vận động cho buổi ra mắt, BTC nhấn mạnh tác giả dù ở tuổi 90 nhưng vẫn còn minh mẫn, lanh lẹ và tiếng nói vẫn hùng hồn cho nên trongt buổi ra mắt, khi có thắc mắc của một số khán giả, BTC đã để tác giả trả lời “live” không micro mà giọng nói của tác giả vẫn sang sảng vang trong hội trường, mọi người đều nghe rỏ.
Tuy là một buổi ra mắt sách như những buổi ra mắt sách khác nhưng sự thành công ngoài ước đoán của mọi người, đã thể hiện sức mạnh của truyền thông. Hầu như trước ngày ra mắt, không kể sự ủng hộ hùng hậu của truyền thông, báo chí miền Bắc Cali, từ Nam Cali đến các tiểu bang xa xôi khác cũng như kể cả Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), đều có đưa tin về buổi ra mắt.
Để kết luận cho bài  tường thuật, tòa soạn xin được mời độc giả đọc bài giới thiệu của Ký Còm trong mục Thiên Hạ Sự với tựa đề “Việc Tốt, Việc Xấu” được đăng trên nhật báo Thời Báo San Jose số Thứ Bẩy, Chủ Nhật ngày 23 và 24-1-2010 và bài tường thuật của phái viên Phạm Diễm Hương, đại diện Đài VOA tại miền B ắc Cali đã tường thuật về buổi ra mắt nói trên dưới đây:
* Việc Tốt theo Ký Còm
Việc tốt có thể làm ngay vào ngày mai, lúc 1 giờ trưa Chủ Nhật 24-1-2010 xin mời quý đồng hương đến tham dự buổi ra mắt sách TÂM PHÁP KHÍ CÔNG của bác SĐNVK được tổ chức tại hội trường Học Khu Trung Học East Side, số 830 N. Capitol Ave. San Jose CA 95133.
Theo ký Còm, đây là cơ hội tốt dành cho quý vị có tí tuổi hơi cao, quý vị đang ở tuổi trung niên bắt đầu quan tâm đến chuyện sức khỏe của mình. Xin cứ chịu khó đến đây, chỉ cần chiêm ngưỡng dung nhan của bác Sơn Điền, một vị huynh trưởng, một bậc trưởng thượng đáng kính của chúng tôi năm nay đã xấp xỉ 90 mà vẫn còn khỏe mạnh, tỉnh táo, minh mẫn, vẫn làm việc bằng chân tay và trí óc. Chân tay thì cứ ngắm thế đi đứng thoải mái của bác, bước đi vững chãi, nói thật, xem ra bác còn chỉ huy được gân cốt chứ không xiêu vẹo, nghiêng ngả như Ký Còm (dù Ký "trẻ " hơn bác đến 20 tuổi). Về trí óc, hàng tuần bác vẫn đều đặn viết bài nhận định thời sự để cho chúng ta biết rõ chiều hướng về nhiều vấn đề thời sự quốc tế, Việt Nam và cộng đồng. Với số tuổi chồng chất trên vai, nếu quý độc giả từng theo dõi ngòi bút phân tích thời cuộc của bác thì nhất định phải công nhận một điều là càng cao tuổi bác viết càng sắc bén, trung thực và chính xác.
Quý vị đồng hương có muốn tương lai của mình khi sắp bước vào tuổi 90 mà còn khỏe mạnh, tỉnh táo như bác SĐNVK không" Nếu muốn, xin hãy chịu khó bớt chút thì giờ đến tham dự buổi ra mắt sách, gặp bác Khánh, nhìn ngắm bác, nghe bác nói chuyện, hỏi bác và nghe bác trả lời, sau đó bắt một cuốn TÂM PHÁP KHÍ CÔNG về nhà văn ôn võ luyện. Thế nào rồi cũng đem lại kết quả trông thấy, có khi anh em ta sẽ khỏe mạnh và tỉnh táo, minh mẫn còn... hơn bác Khánh nữa!
Để kết luận việc tốt nên làm ngay, Ký Còm xin trích một câu trong Bài Tựa của cuốn sách: "...Khí công là một môn thể dục, tập luyện để bồi dưỡng cơ thể, bảo vệ sức khỏe, có thể chữa hay phòng bệnh, gia tăng tuổi thọ theo các phương pháp của Đông Y. Chính vì thế trong cuốn sách này tôi đưa ra một số những điểm tương đồng giữa Đông Y và Tây Y chỉ riêng trong lãnh vực tập luyện Khí Công. Ngoài việc trình bày các phương pháp huấn luyện cơ thể, cuốn sách còn chú trọng đến việc bồi dưỡng trí tuệ, để có một trí óc sáng suốt trong một cơ thể lành mạnh".
* Vào tuổi chúng ta mà được như thế thì còn gì quý bằng" Tuổi già mà trí óc sáng suốt cơ thể lành mạnh bố ai mà không muốn, không thích. Vậy, ta hẹn nhau ở 830 N. Capitol Ave, lúc 1 giờ trưa ngày mai nhá.
* Phạm Diễm Hương với Đài VOA
 “Chiều Chủ Nhật, 24-1-2010, cuốn Tâm Pháp Khí Công của nhà báo lão thành SĐNVK đã được ra mắt tại Hội Trường Học Khu Trung Học East Side, Số 830 N. Capitol Ave., thành phố San José, miền Bắc California.
Mặc trời mưa và gió lạnh, khách đến tham dự vẫn đông nghẹt hội trường với sức chứa trên 200 người, không còn ghế trống, khách phải đứng, không phải 1 hàng, mà nhiều hàng trước mặt nhau.
Khách đến từ khắp nơi, San José, Oakland, San Francisco, Sacramento, Nam Cali. …Khách thuộc nhiều thế hệ, nhiều ngành nghề. Có khách mua 1 cuốn, có khách mua nhiều cuốn kiên nhẫn xếp hàng dài, chờ tác giả ký tên vào cuốn sách vừa mua. Nhìn tác giả gần 90 tuổi, thần khí tinh anh vừa ký tên vừa ngẩng chào và cảm tạ người mua sách, mới hiểu được sự huyền diệu của môn khí công mà tác giả đã dành nhiều thì giờ tập luyện.
Đó đây, phó nhòm của các cơ quan truyền thông báo chí, truyền hình  hoạt động ráo riết, nhìn ngắm mọi góc cạnh để có những bức ảnh đẹp nhất khiến không khí rộn rã, ấm áp.
Sau phần chào Cờ khai mạc, buổi lễ ra mắt cuốn Tâm Pháp Khí Công đã được bắt đầu với cách thức thật đặc biệt, và cũng thật trang trọng. MC không chỉ là 1 người, 2 người mà là nhiều người, họ lần lượt thay phiên nhau chào mừng quan khách, giới thiệu tác phẩm và tác giả. Họ là những cựu sinh viên khoa Báo Chí của Đại Học Vạn Hạnh Sàigòn trước năm 1975, là những người đã chịu ơn chỉ dạy của nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.
Danh xưng “Thầy và chúng con” được xướng lên nhiều lần trong buổi lễ, khiến người tham dự cảm nhận được cái phẩm thanh khiết và giá trị của nền giáo dục tại miền Nam Việt Nam trước năm 75. Một nền giáodục với những bực Thầy vĩ đại lấy kiến thức và đạo đức làm hành trang cho người làm báo và đào tạo một thế hệ những người cầm bút có nhân cách và lỗi lạc.
Giữa phút giây hồi tưởng thiêng liêng, người viết chợt rưng rưng, ước gì mình được hòa nhập vào dòng sinh viên xưa để có được vị Thầy cao cả.
Sau cùng, thì cũng đến lúc tác giả lên diễn đàn. Dáng đi nhanh nhẹn, tia nhìn sáng thẳng, lấp lánh chút diễu cợt, nhưng thật từ bi, nhà báo SĐNVK đã chia xẻ tâm tình với quan khách đồng hương, vì sao ông viết cuốn Tâm Pháp Khí Công, nó liên quan thế nào đến người làm báo, mà ông phải nhọc công tìm tòi... và ghi chép lại, như một công trình biên khảo khác hẳn những gì ông đã cống hiến cho ngành báo chí trong suốt gần 60 năm qua.
Tiếp theo, là phần tặng hoa và những tác phẩm hội họa, điêu khắc từ học trò gửi đến Thầy. Chưa có buổi ra mắt sách nào mà phần tặng hoa lại kéo dài đến như thế.
Người viết không thể ở lại đến cuối buổi lễ, nhưng biết chắc phần chấm dứt sẽ có nhiều hoan hỉ và xúc động. Phải như thế thôi, vì sự đối đãi ngay từ đầu đã an nhiên nằm trong khuôn phép”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo đã lên tiếng trên một số làn sóng phát thanh Quận Cam sáng Thứ Hai 7-1-2008, báo nguy về tình hình Thầy và chùa Phổ Đà,
Nhân dịp Lễ Giỗ Hoà Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực vào ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Từ Ân Thiền Đường thành phố Santa Ana Hoa Kỳ
Sáng Thứ Bẩy đầu tiên của năm mới 2008, Nam California bỗng khoác một bộ mặt ảm đạm
Trong năm 2007, những người Mỹ gốc Việt đã tạo thời cuộc phải kể đến hai nhân vật nữ
Năm 2007 vẫn là năm tiếp nối tình hình nhân quyền đen tối và tồi tệ tại Việt Nam dưới thể chế độc tài toàn trị cộng sản ngự trị tại Việt Nam hơn 60 năm qua
Để phản đối hành động này,  tù nhân chính trị như luật sư Trần Quốc Hiền, luật sư Nguyễn Bắc Truyễn, bác sĩ Lê Nguyên Sang và nhiều tù nhân khác
Không quản ngại thời tiết băng giá, tối ngày 3 tháng Giêng vừa qua cử tri bang Iowa đã rủ nhau đến những địa điểm hội họp để bắt đầu tiến trình
Tôi đang ở vùng Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, sắp đến Tết  Mậu Tý 2008, ở đây  Mùa Đông thật lạnh lẽo, nước mưa đông lạnh thành nước đá đóng mặt đường
John Wu đã diễn tả thật khéo trong cuốn "Đông Gặp Tây" về ba đạo sĩ theo dấu sao lạ tìm đến Bê-Lem dâng vàng, nhũ hương và mộc dược cho Đấng Cứu Thế
Thoạt nhìn bên ngoài người ta chỉ trông thấy một cơ sở rất khiêm tốn, không nguy nga đồ sộ như những ngôi chùa lớn
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.