Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến: Mưa Ơi Sao Khổ Thế
“Mưa ngày nay như lệ khóc phần đất quê hương tù đày…”
(Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội)
Khi khổng khi không, sáng nay, tôi hơi bị nhức đầu. Đối với đàn ông, chuyện nhức đầu (nếu không vì những đêm quá chén) xưa nay hiếm. Mà đêm qua, nói có đất trời làm chứng, tôi chỉ uống (sương sương) có mấy chai bia thôi – chớ không nhấp thêm một giọt rượu nào ráo trọi.
Trong khi loay hoay tìm mấy viên Asprin, tôi chợt thấy Chuyện của một nguời di cư nhức đầu vừa phải. Cuốn sách này tôi được ký tặng đã lâu nhưng chưa đọc dòng nào, nửa dòng cũng không luôn.
Lý do: không phải vì tôi ghét chuyện nhức đầu mà chỉ vì tôi không ưa tác giả. Tôi đã long trọng tự hứa là sẽ không bao giờ đọc thêm một câu chữ nào – bất kể là bằng văn vần, văn xuôi, hay văn dịch – của nhà văn (kiêm nhà thơ và dịch giả) Nguyễn Bá Trạc.
Nói như vậy (nghe) dễ gây án mạng nên xin được giải thích đôi lời, dù có hơi lôi thôi và dài dòng chút đỉnh. Chuyện bắt đầu từ hồi cuối thế kỷ trước – vào mùa hè năm 1984 – khi tôi vừa từ Santa Clara, di chuyển đến thành phố kế cận (có tên là San Jose) thuộc tiểu bang California.
Nơi đây, tôi đã có dịp được quen biết với danh sĩ Nguyễn Bá Trạc. Chúng tôi không “gần” nhau mấy dù cả hai đều thất nghiệp, và đều thuộc loại “tứ cố vô thân”.
Bởi rảnh nên hàng ngày Nguyễn quân vẫn đều đặn ghé qua tệ thất của tôi, dù tôi chưa bao giờ tỏ ý mời – kể cả mời lơi. Thêm một điều đáng phàn nàn khác nữa là đây (chả may) lại đúng vào lúc mà ông đang thai nghén một tác phẩm văn thơ tổng hợp: Ngọn cỏ bồng.
Sáng tác (thường) là một việc làm thầm lặng. Với họ Nguyễn thì khác, hoàn toàn khác. Do đó, trước khi cuốn Ngọn cỏ bồng được Nhà xuất bản Người Việt đem in, tôi đã phải nghe tác giả đọc đi đọc lại bản thảo (cỡ) một… tỉ lần! Riêng tiểu truyện “Ông Khó Tính” thì tôi phải nghe đến nhập tâm luôn:
Bạn tôi, ông Khó Tính, lúc còn ở Sài Gòn vốn làm nghề mô phạm. Kể cả trường công lẫn trường tư, sĩ tử theo học kinh nghĩa có đến mấy nghìn. Gặp lúc can qua, học trò thì đông mà chả mấy ai hiển đạt: cứ học nủa chừng lại bị gọi đi lính, ba phần chết tiệt mất hai. Số còn lại trở về chống gậy, đi xe lăn. Thầy trò nhìn nhau nghẹn ngào chửi thề những câu tục tĩu…
Khi cộng sản từ Bắc tiến vào Nam, xe tăng vừa ì ạch đến sát cửa Dinh Ðộc Lập thì ông Khó Tính quyết định dắt vợ cõng con xuống tàu lánh xa bạo ngược. Cuối cùng trôi dạt đến Mỹ. Ðất lạ quê người, tiếng Anh ăn đong, kinh nghĩa nói không ai hiểu…
Từ ngày xa nhà, tính tình lại càng khó chịu hơn. Mặt mày hầm hầm, mồm lúc nào cũng lẩm nhẩm nói chuyện một mình. Chiều chiều đứng chống nạnh bắt con tập võ ta. Ðứa đi quyền, đứa dang chân đứng tấn. Người bản xứ cho là lạ, tò mò rủ nhau nhìn trộm qua hàng rào như đi xem xiếc. Ban đêm bắt con học Việt sử. Ðứa nào không thuộc bài thì co giò mà đá, đến nỗi bị cảnh sát còng cả tay.
Càng cay đắng, càng chửi, càng chê. Chê người gì mà nhiều lông lá, chê nhà chọc trời nhìn thêm mỏi mắt, có ngày động đất nó đổ xuống đầu cho mà khốn. Lại chửi trời nhiều hơn, chửi tục hơn, gọi trời là thằng không kiêng nể gì nữa…
Bạn khen biển, ông chê lạnh, tắm cóc sướng bằng Long Hải, Vũng Tàu. Bạn khen núi, ông bĩu môi: “Tôi lấy làm ngờ về cái thẩm mỹ của anh. Núi trọc thế này so sao được gót chân Đại Lãnh"”
Bạn ngượng, không còn dám mở mồm khen điều gì. Bụng bảo dạ: “Bọn Đông Dương ta khối đứa bị bịnh tâm thần.” Có ý thương xót mà lui tới thăm viếng nhiều hơn…
Một hôm nhận được bao trà từ Việt Nam gửi sang, bạn thân ái mời ông Khó Tính đến. Nước đun sủi tăm, trà trút vào bình, chủ khách ân cần đối ẩm. Được đôi tuần, bạn lên tiếng hỏi:
“Trà uống được không"”
Ông Khó Tính:
“Cũng được. Nhưng thua Đỗ Hữu”. Bạn cười giòn:
“Bố ơi! Chính hiệu trà Đỗ Hữu Bảo Lộc vừa gửi sang.”
Ông Khó Tính:
“Thảo nào. Có điều cái nước máy chát quá!”
Bạn chồm lên:
“Biết tính bố thích trà Bảo Lộc, phải hứng nước mưa pha trà đây. Không phải nước máy đâu.”
Ông Khó Tính tuột giày gãi nách ngáp:
“Nước mưa ở Mỹ, uống vào đắng cả mồm!”
Tôi đã nghe rất nhiều danh gia tán thưởng sự duyên dáng (quá cỡ) của Nguyễn quân khi viết về Ông Khó Tính. Ai cũng thích thú, buột miệng xuýt xoa khi đọc đến câu nói cuối cùng: “Nước mưa ở Mỹ uống vào đắng cả mồm!”
Tôi thật chết được chứ chả bỡn đâu, Giời ạ! Ai mà ngờ Nguyễn Bá Trạc (nói riêng) và cả đám những danh sĩ Việt Nam ở hải ngoại (nói chung) lại kém hiểu biết về vấn để môi sinh đến thế.
Ông Khó Tính không phải là một nhân vật hư cấu. Ông ấy sống (rành rành) ở thành phố San Jose một thời gian rất dài. Người vốn họ Trần, lấy tên thật làm bút hiệu: Trần Lam Giang.
Trần tiên sinh thích làm thơ, làm văn, làm báo… Đôi lúc, ông cũng làm luôn thợ điện hoặc thợ sơn [dù (hình như) không hào hứng gì cho lắm] nhưng riêng thời gian ở San Jose thì người tuyệt đối không làm gì hết trơn hết trọi. Nói cách khác: thằng chả (cũng) thất nghiệp luôn!
Bởi dư thì giờ nên chúng tôi có rất nhiều dịp hội kiến và mạn đàm về thế sự. Nhân sinh quan và vũ trụ quan Trần quân ra sao, phận kẻ hậu sinh, tôi (tuyệt nhiên) không dán lạm bàn nhưng nhận xét của ông là “nước mưa ở Mỹ uống vào đắng cả mồm” – theo thiển ý – vô cùng chính xác.
Tôi bắt chước cổ nhân, làm bộ ăn nói cầu kỳ cho nó ra vẻ khiêm cung. Chứ “nước mưa ở Mỹ uống ngang phè” là một sự kiện khách quan, chả có dính dáng (con bà) gì đến “tôn ý” hoặc “thiển ý” của bất cứ ai.
Những hóa chất như sulfur dioxide, nitrogen oxides… từ chất đốt của xăng dầu than củi trong không khí, khi gặp môi trường không khí ẩm thấp sẽ góp phần tạo thành mưa hay tuyết với nồng độ acid cao – có thể làm ô nhiễm nước uống, hư hại nhà cửa, mùa màng và ảnh hưởng đến sinh hoạt của của nhiều sinh vật – là một tiến trình tự nhiên.
Khói xe, khói nhà máy phun tùm lum ở Mỹ vẫn được coi là nguyên nhân chính tạo ra nồng độ acid cao trong nước mưa. Uống vào đắng cả mồm là phải.