Hôm nay,  

Khủng Hoảng Thái Lan Rộng

13/04/200900:00:00(Xem: 5779)

Khủng Hoảng Thái Lan Rộng

Nguyễn Xuân Nghĩa


Hoàng gia Thái sẽ đi  về đâu"

Thượng đỉnh của khối ASEAN đã tan vỡ hôm 11 vì một vụ biểu tình. Quốc thể của nước đăng cai tổ chức là Thái Lan bị suy sụp... Kinh hoàng nhất, chế độ quân chủ lập hiến của xứ này có thể tiêu vong...
Thái Lan đang là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm có Brunei, Cambốt, Lào, Mã Lai Á, Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tháng 12 năm ngoái, đáng lẽ ASEAN đã có hội nghị mà đành hủy vì một số người biểu tình phá rối và bao vây cả phi trường quốc tế. Họ mặc áo vàng, như để tượng trưng cho Hoàng gia, và xuống đường chống lại Chính quyền của Thủ tướng Samak Sundaravej.
Kết cuộc, Toà Bảo hiến Thái Lan ra phán quyết truất bãi Thủ tướng Samak - một trong mấy lý do có thật mà như diễu, là vì ông lên truyền hình dạy nấu ăn để quyên tiền cho một công tác xã hội. Kết cuộc, ông Abhisit Vejjajiva thuộc đảng PPP (Đảng Dân Quyền - People Power Party) lên làm Thủ tướng và phong trào "Liên minh Nhân dân cho Dân chủ" (People's Alliance for Democracy PAD) trở thành bình phong cho các cuộc xuống đường biểu tình ủng hộ chính phủ với áo màu vàng.
Lần này, đến lượt lực lượng mặc áo đỏ xuống đường biểu tình đòi Thủ tướng Abhisit phải từ chức. Họ là những người ủng hộ chính quyền cũ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh rể của Thủ tướng Samak, và tranh đấu dưới chiêu bài "Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống Độc tài", gọi tắt là UDD. Nhiều tài xế taxi đã tham gia biểu tình và dùng xe chặn đường giao thông vào nơi hội nghị.
Nói vắn tắt, phe áo vàng biểu tình lật đổ một ông Thủ tướng, phe áo đỏ cũng xuống đường để khôi phục lại chính quyền đã bị án lệnh của tòa truất bãi. Cả hai phe đều nhân danh nhân dân và dân chủ. Lâu lâu lại có một nhóm áo xanh xuất hiện, gồm du đãng và thổ phỉ để đốt nhà, ohá phách. May là lực lượng thứ ba này không có nhiều!
Kết cuộc thì Thượng đỉnh ASEAN tan vỡ hôm 11, nhiều vị nguyên thủ tham dự phải trốn ra về, kể cả Thủ tướng Nhật, Úc, Trung Quốc, nhiều người  thì chưa kịp tới vì bị chặn dọc đường.
Chuyện chính là Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người tham dự Đại hội đồng Liên hiệp quốc hồi tháng Chín năm 2006 thì bị đảo chính ở nhà và phải sống lưu vong từ đấy.
Không, chuyện chính nằm ở chỗ khác...
***
Năm 1997, khủng hoảng hối đoái bùng nổ tại Thái Lan vào ngày hai tháng Bảy rồi lan rộng khắp Đông Nam Á (Nam Dương, Phi Luật Tân và Mã Lai Á) lên tới Đông  Bắc Á (Nam Hàn, Hong Kong) và chạy khắp địa cầu tới Liên bang Nga, Brazil rồi dội về Mỹ. Sau vụ khủng hoảng Đông Á 1997-1998, các nước trong cuộc đều rút tỉa kinh nghiệm và vừa cấp cứu vừa cải tổ.
Có lẽ Thái Lan là quốc gia hiếm hoi trong vùng đã rút tỉa bài học đúng đắn: chuyển hướng kinh tế để xã hội không lệ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất nhập cảng bằng cách kích thích và phát triển thị trường nội địa. Cụ thể là nâng đỡ nông gia và người dân ở các tỉnh nghèo thay vì tập trung vào các thành phố và những ngành nghề hướng vào thị trường quốc tế. Vì vậy, trong vụ khủng hoảng 2008-2009 hiện tại, Thái Lan ít bị hậu quả khi các thị trường quốc tế đều co cụm.
Nhưng, Thái bị khủng hoảng chính trị!
Người đã tránh cho Thái khỏi bị khủng hoảng kinh tế mà lại gây ra khủng hoảng chính trị là Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Là người gốc Hẹ, tổ tiên xuất phát từ Quảng Đông, Thaksin vẫn còn có tên chữ Hán là Khưu Đạt Tân, và là doanh gia tỷ phú sau khi là sĩ quan cảnh sát cấp trung tá. Ông lên làm Thủ tướng từ tháng Hai năm 2001.
Được ông thành lập từ năm 1998 - sau vụ khủng hoảng kinh tế - đảng "Thái Yêu Thái" (Thai Rak Thai - TRT) theo xu hướng đại chúng populist - một định nghĩa tiêu cực khác của chữ này là mị dân. Áp dụng chánh sách kinh tế "hữu vi" - nhìn cách nào đó thì không mấy khác chủ trương của Barack Obama ngày nay tại Mỹ - Chính quyền Thaksin can thiệp vào thị trường và tăng chi để tranh thủ hậu thuẫn dân nghèo, nông gia, hay thôn quê qua nhiều chương trình tái phân lợi tức và phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế từ thành thị về nông thôn. Tất nhiên là trong chuyện tăng chi thì cũng có chọn lọc, chi nơi nào, cho ai, là một quyết định chính trị, có khi là... kinh doanh.
Đường lối kinh tế của Thaksin bị một số người diễu là "Thaksinomics", nhưng ông trở thành "anh hùng của dân nghèo" và là Thủ tướng duy nhất hoàn tất một nhiệm kỳ. Đầu năm 2005, đảng TRT của ông tái thắng cử vẻ vang - với số ghế kỷ lục trong lịch sử bầu cử Thái - với lá phiếu nông thôn tại các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc.
Nhưng, Thaksin phải trả giá nặng cho việc đó.
***
Sau đây là những vấn đề của Thaksin Shinawatra:
Thứ nhất, ông gây bất mãn trong thành phần khá giả ở thành phố, kể cả trí thức thiên tả lẫn doanh giới và người hành nghề tự do vì thu hẹp ảnh hưởng hay quyền lợi của họ. Thứ hai, ông gây khó chịu cho quân đội và một số tướng lãnh xưa nay vẫn - nhiều khi lộ liễu - chi phối chính trường Thái, nhất là Tướng Prem Tinsulanonda, một nguyên Thủ tướng và người có ảnh hưởng với Hoàng gia Thái vì đứng đầu nhóm Cố vấn của Cơ mật viện bên Quốc vương Thái.
Thứ ba, Thaksin đụng vào cái vảy ngược của con rồng. Ông được lòng dân nghèo - và chăm chút việc đó - tới độ bị nghi ngờ là lấn lướt uy tín của Quốc vương Bhumibol Adulyadej (Rama IX), năm nay đã 82 tuổi. Ông là vị vua xưa kia anh minh, nay đã luống tuổi sau khi đã trị vì lâu nhất thế giới - từ hơn 60 năm nay. Dân Thái coi ông vua là quốc phụ và "khi quân" - khinh thường nhà vua - là một tội hình. Và một sai lầm chính trị không thể tha thứ.
Đã thế, trong Hoàng gia, Thaksin tỏ ý coi thường Thái tử (sẽ lên ngôi) Maha Vajiralongkorn, một sĩ quan 57 tuổi trong Quân đội Hoàng gia và một tay chơi bị nhiều tai tiếng, trong khi lại rất quý trọng Công chúa Maha Chakri Sirindhorn, nhân vật kế nhiệm đứng hàng thứ ba và rất được lòng dân. Chỉ nội việc có cảm tình nghiêng lệch ấy cũng đã là vấn đề, vả lại, Thái Lan chưa chuẩn bị để có một công chúa lên ngôi vua như Hoàng gia Anh. Thaksin đánh cá lầm ngựa.
Vấn đề thứ năm, sau vụ khủng bố 9-11 tại Mỹ, Thaksin thẳng tay đàn áp các nhóm Hồi giáo quá khích đòi ly khai tại các tỉnh miền Nam - tiếp giáp với Mã Lai Á - trong khi ráo riết truy lùng các tổ chức buôn bán ma túy. Vì vậy ông cũng mang tiếng độc tài trước một số dư luận quốc tế.
Sau cùng và đây là chuyện thứ sáu, Thaksin có những quyết định kinh doanh đáng nghi ngờ khi bán doanh nghiệp viễn thông của gia đình cho tổ hợp đầu tư quốc doanh Singapore (Temasek) lấy về hai tỷ đô la và được miễn thuế. Ông bị công kích về tội tham nhũng và về sau bị điều tra về vụ này mà chưa có kết quả dứt khoát. Do chánh sách tăng chi có chọn lựa, Chính quyền của ông cũng mang tiếng là tham ô và bao che tham nhũng, v.v...
Oan hay ương, ngần ấy vấn đề tích lũy đã huy động nhiều thế lực cùng tập trung mũi dùi vào Thaksin.  Ngày 19 tháng Chín năm 2006, một số tướng lãnh đã đảo chánh Thủ tướng - với sự biểu đồng tình của nhà vua nếu không thì chuyện đã chẳng thành - và hủy bỏ Hiến pháp mà vẫn không có giải pháp ra hồn để ổn định tình hình. Nhưng dù Thaksin bị lật đổ nhưng cơ sở quyền lực của ông vẫn còn, đảng của ông vẫn thắng cử sau đó - và Thái Lan đi vào khủng hoảng.


Trong khi vua Bhumibol vẫn im lìm.
Cũng cần nói thêm rằng nhiều nhà báo, học giả và tạp chí quốc tế (tờ The Economist hay Far Eastern Economic Review) đã phân tách nội tình chính trị Thái, tư cách của Thái tử và gần đây nhất, vai trò của nhà vua lẫn Hoàng gia trong vụ khủng hoảng này. Kết quả là họ bị ngăn chặn, truy tố, trừng phạt hoặc các số báo có nội dung phê bình bị tịch thu - từ năm 2002 đến năm ngoái đã có nhiều vụ như vậy. Tất cả là vì tội khi quân. Giới chính trị còn khai thác tội đó làm khí giới đấu tranh: ai cũng nhân danh Quốc vương, nhân dân hay dân chủ để đả kích lẫn nhau.
Hoặc xuống đường biểu tình.
Bây giờ, nguyên Thủ tướng Thaksin Shinawatra thì bị điều tra rồi truy tố về tội khác, tài sản gia đình bị tịch biên, bản thân bị án lệnh đòi dẫn độ về nước để ra tòa nhận tội. Phi Luật Tân và Anh từ chối nhận ông vì có hiệp ước dẫn độ với Thái, nhiều xứ khác cũng vậy. Nhưng, ở một nơi nào đó bên ngoài, Thaksin tiếp tục gửi thông điệp về huy động đám biểu tình và thực sự vẫn là một lãnh tụ có ảnh hưởng!
Từ nay mọi sự sẽ ra sao"
***
Trên bình diện quốc tế, uy tín Thái Lan tuộc dốc thê thảm vì không tổ chức nổi hội nghị ASEAN vào cuối năm ngoái. Đến năm nay, lần này, thì Thượng đỉnh tan vỡ: Thái ban bố tình trạng thiết quân luật ngay tại nơi tổ chức hội nghị. Thủ tướng Thái, Miến và Hà Nội cùng Tổng thống Phi phải trổ nóc bám trực thăng ra khỏi hội trường Pattaya. Thủ tướng Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn ở khách sạn gần bên thì lên xe ra phi trường sớm. Đại diện cho Úc, Tân Tây Lan hay Ấn Độ và Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu thì chưa kịp tới đã quay về.
Chưa một quốc gia nhược tiểu hay lạc hậu nào trên thế giới lại chứng tỏ khả năng tổ chức và bảo vệ rất tệ như vậy, trước sự đột nhập của chừng 100 người biểu tình không có võ khí ngoài tấm áo hay manh cờ đỏ. Phá xong hội nghị thượng đỉnh, đám biểu tình gọi nhau về thủ đô Bangkok để đòi Thủ tướng từ chức...
Trước đó mấy ngày, xe hơi của Thủ tướng Thái đã bị đám đông chặn lại la ó, phá hoại mà không làm được gì: Cảnh sát và an ninh Thái giữ thái độ thụ động, thậm chí dung túng vì nhiều viên chức có cảm tình với dân biểu tình! Đấy là một cách giải thích. Một cách khác là Chính quyền Thái bị tê liệt vì quân đội ngần ngại ra tay trong khi cảnh sát thì thiếu kinh nghiệm dẹp loạn hoặc không muốn làm công cụ dẹp loạn cho các chính khách.
Trong khi ấy, cả thế giới đang bị khủng hoảng kinh tế.
Sau Thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn vào 10 ngày trước, 10 nước ASEAN họp với ba đối tác quan trọng là Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn và các quốc gia liên hệ khác là Ấn Độ, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan cùng các định chế quốc tế để tìm biện pháp cứu nguy kinh tế Á Châu. Nghị trình gồm có việc  bơm 120 tỷ đô la để ổn định hệ thống tài chánh, bảo vệ tự do mậu dịch, thảo luận về hợp đồng đầu tư giữa ASEAN với Trung Quốc và vai trò yểm trợ của các định chế tài chánh quốc tế, v.v...
Vậy mà hội nghị tan vỡ vì biểu tình.
Chính quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva bị mất mặt và phải dẹp được đám biểu tình, ngăn ngừa được sự can thiệp hay xúi giục của ông Thaksin và khôi phục được uy tín cho Vương quốc. Nói thì dễ hơn làm vì phe Thaksin có quần chúng và tổ chức không thua gì phe áo vàng của Abhisit và bất cứ ai nặng tay, hoặc gây bạo động và đàn áp thì sẽ bị dư luận đả kích nặng nề. Thủ tướng Abhisit khó tồn tại được lâu trong hoàn cảnh đó.
***
Nhưng tin mới nhất cho biết là ngày 12, ông Abhisit ra lệnh bắt giữ một người được gọi là lãnh tụ của nhóm biểu tình áo đỏ và ban bố thiết quân luật. Chiến xa và quân đội đã xuất hiện tại thủ đô Bangkok, bao vây để bảo vệ các cứ điểm quan trọng, kể cả hoàng cung Chitralada, trụ sở quốc hội, các phủ bộ và tư thất của ông Tướng Prem cầm đầu các cố vấn của nhà vua.
Trong khi ấy, dân biểu tình vẫn xuất hiện bao vây và đột nhập bộ Nội vụ, một viên chức cấp Tá, phụ trách an ninh cho Thủ tướng Abhisit, bị đám biểu tình bắt giữ. Ông Thủ tướng kịp trốn thoát vụ bạo động nhưng súng đã nổ và có tin là... lãnh tụ nhóm áo đỏ vừa bị bắt đã được giải cứu. Giữa những tin tức dồn dập và thật ra vẫn khó kiểm chứng, người ta thấy là quân đội đang thay thế lực lượng cảnh sát để tái lập trật tự tại Thủ đô.
Thủ tướng Abhisit đặt ra một bài toán nan giải cho các tướng, là phải ra tay đủ mạnh để ổn định tình hình, mà không quá nặng tay để tránh đổ máu. Ông mà không khéo xử hay các sĩ quan tham gia việc dẹp loạn mà thiếu bình tĩnh thì tất cả sẽ loạn to và Chính phủ sẽ đổ.
Nhưng, sau khi đã đảo chánh một Thủ tướng và hủy bỏ Hiến pháp mà không giải quyết được vấn đề từ tháng Chín năm 2006, có thể các tướng lãnh còn gặp rủi ro lớn hơn.
Quân đội đã đảo chánh để dàn dựng một giải pháp chính trị bấp bênh và vô hiệu với nhiều Thủ tướng bị đổ từ năm 2006. Vì vậy trong gần hai năm liền, quân đội ngần ngại nhảy vào dẹp loạn chính trị. Lần này, nếu các lực lượng quân đội mạnh tay hơn - thí dụ như để bảo vệ Hoàng gia và chế độ quân chủ - quân đội có thể gây đổ máu như hồi tháng 10 năm 1976 và tháng Năm năm 1992. Và sẽ làm mất lòng dân, uy tín sa sút từ lần đảo chánh năm 2006 sẽ khiến xứ này hết xương sống.
Giải pháp sau cùng là Quốc vương Bhumibol phải xuất hiện, lên tiếng và dàn xếp.
***
Là người khéo léo và có từ tâm, vua Bhumibol đã từng ra khỏi hoàng cung dàn xếp nhiều vụ hỗn loạn trong quá khứ. Chỉ cần ông xuất hiện lên tiếng là mọi việc đều đổi khác. Nhưng nay ông đã quá già, lâm trọng bệnh và có lẽ hết minh mẫn nên mới để chuyện đáng tiếc như vậy xảy ra. Thực ra, cùng với Cố vấn là Tướng Prem, vua Bhumibol cũng phải chịu trách nhiệm về vụ khủng hoảng kéo dài. Dân Thái không muốn truất phế ông, nhưng nhiều người có thể thầm hỏi về khả năng hoà giải của một vị quân vương quá suy nhược khi đã để quân đội đảo chánh và hủy bỏ Hiến pháp mà không ổn định được tình hình.
May ra, việc vua Bhumibol thoái nhiệm và để cử Thái tử lên ngôi có thể phần nào giải quyết tai ách hiện tại, nếu như Thái tử là người có uy tín và được dân chúng thương yêu. Chuyện ấy không có. Bhumibol mà lui là loạn. Công chúa Maha Chakri là người được dân lòng dân, nhưng Thái Lan đã dễ gì chấp nhận một phụ nữ lên ngôi vua, trong lúc này"
Thành thử, xứ Thái đang lâm bế tắc, ngần ấy lực lượng đều ở vào cảnh tiến thoái lưỡng nan và tình hình không chỉ thu gọn vào Thủ đô Bangkok vì còn nhiều tỉnh khác, chưa nói tới các nhóm Hồi giáo đòi ly khai....
Nếu khủng hoảng kéo dài, có khi dòng Rama chỉ trị vì được có chín đời như nhiều người - kể cả các thày bói ăn tiền - đã tiên đoán.
Ngày xưa, năm 1782, dòng Rama lên ngôi sau một vụ nội loạn ở nhà khiến viên tướng họ Chất Tri (Chakri) đang cầm quân viễn chinh tại Việt Nam vào thời Tây Sơn-Nguyễn Ánh phải lật đật giải hòa với quân Nguyễn Ánh trở về bình định rồi lên ngôi, và mở ra dòng Rama (Việt Báo Xuân Bính Tuất 2006 có loạt bài rất dài về chín đời Vua Thái và những liên hệ đến Việt Nam). Giờ đây, vụ khủng hoảng và những đảo chính liên tục có thể làm rung chuyển ngai vàng, một kịch bản tai hại nhất cho xứ này.
Cùng một lúc, bảo vệ nền quân chủ và dân chủ trong khi vị quân vương lại suy yếu... là cơn ác mộng cho mọi người (090412).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.