Hôm nay,  

Phóng Sự Đặc Biệt Về Ngày Tù Nhân Chính Trị Tại Texas: Mây Trắng Bay Ngang Trời Dallas

10/10/200800:00:00(Xem: 5791)

 

<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

Hình ảnh đặc biệt trong Đại Hội cựu TNCTVN.

 

Đinh Yên Thảo thực hiệnTrong lời kết thúc diễn từ phát biểu của mình vào ngày thứ nhì của cuộc hội ngộ Gia Đình cựu Tù Nhân Chính Trị (TNCT), tiến sĩ Jim Reckner, cựu Giám đốc Trung tâm Việt Nam và Kho Trữ Liệu về chiến tranh VN tại Lubbock, Texas, đã kêu gọi mọi người cùng đóng góp những tài liệu, chứng tích về  cuộc chiến cho trung tâm, nhằm lưu giữ lại cho hậu thế một cái nhìn trung thực về một giai đoạn lịch sử của Việt Nam và của cả Hoa Kỳ. Ông phát biểu rằng:  "Lịch sử không có tài liệu, lịch sử sẽ bị bóp méo". Quả vậy, còn có một  tài liệu hay chứng nhân lịch sử nào sống thực hơn về một giai đoạn hào hùng,  bi thương để rồi hồi sinh, của một thế hệ những cựu quân nhân cán chính  Quân lực VN Cộng Hoà oai hùng ngày nào. Họ về từ khắp mọi miền, để cùng tham gia cuộc  họp mặt cựu TNCT được tổ chức một cách long trọng và cảm động trong suốt ba ngày 3, 4 và 5 tháng 10 năm 2008 vừa qua tại thành phố Dallas, Texas. Theo con số chưa đầy đủ từ BTC, đã có trên một ngàn cựu TNCT ghi tên tham dự ngày hội ngộ, trong đó rất nhiều người từ các tiểu bang xa hay từ Canada và Úc Châu đã về trước đó một đôi ngày. Bên cạnh đó không ít văn nghệ sĩ đã từng là cựu TNCT và đông đảo các ký giả giới truyền thông báo chí hải ngoại như đài RFI,  đài truyền hình SBTN trung ương, đài LA18, Người Việt, Việt Báo, Thời báo USA, Đài phát thanh Quê Hương..., cùng các cơ quan truyền thông tại địa phương DFW cũng đã liên tục theo dõi để đưa tin và làm phóng sự về cuộc họp mặt lịch sử này.  Ngày thứ sáu, trong chủ đề chung "Trở về", Hội Quảng Đà DFW đã phụ trách một buổi sinh hoạt và văn nghệ tại một toà nhà khang trang thuộc khu vực công viên White Rock Lake, Dallas. Dù vẫn còn nhiều cá nhân hay các nhóm phương xa vẫn đang trên đường đổ về Dallas, đã có trên 1000 cựu TNCT cùng gia đình đến tham dự. Cờ vàng ba sọc đỏ được cắm làm bảng chỉ đường dài theo con đường ven hồ thật đẹp, dẫn đến toà nhà họp mặt đông kín những người tham dự, đứng ngồi cả bên trong và phía ngoài. Phía bên trong là không khí náo nhiệt, ồn ào của những mái tóc bạc đang tay bắt mặt mừng,  ôm nhau nhận diện những bạn tù thửa nào. Cái ồn ào náo nhiệt của những mừng vui và của cả những giọt nước mắt còn được gặp nhau.  Tên từng trại tù được xướng lên từ sân khấu để những người tham dự đã trải qua những năm tháng bị giam cầm tại đây có cơ hội gặp lại những người bạn đồng tù và chụp ảnh cùng nhau. Phía bên ngoài, những tấm bảng ghi  địa danh các trại tù cũng được BTC Hội Quảng Đà cắm dọc phía mặt tiền toà nhà để những bạn tù đồng trại có thể dễ dàng đến nhận mặt nhau. Có tấm bảng ghi tên trại tù có đến hàng chục người ngồi chung quanh đang hàn huyên, trò chuyện. Có bảng chỉ dăm đôi người hay không có ai. Đập vào mắt tôi là hình ảnh một cựu TNCT đang ngồi trầm tư bên tấm bảng ghi trại tù. Mái tóc bạc, đôi mắt xa xăm, dường như những người qua lại hay tiếng trò chuyện râm ran chung quanh đã không ngăn được những cảm xúc đang dẫn ông trở về cùng quá khứ. Tôi hơi rụt rè khi sợ rằng mình đã cắt ngang dòng suy tưởng của ông. "Xin lỗi bác, bác đã từng bị giam tại nơi đây"". Ông ngước lên, giọng trầm lại, như tự nói với chính mình hơn là để trả lời: "-Tôi đã đi qua nhiều trại tù,  nhưng đây là nơi những bạn tù của tôi đã bị chết nhiều nhất", giọng ông run  và nghẹn lại. Im lặng. Cả ông và tôi. Phải thật lâu sau tôi mới có thể tiếp  tục câu chuyện để biết được tên ông là Phấn, đến từ Boston, MA. Và chỉ  chừng ấy, vì tôi biết rằng ông đang cần sự tĩnh lặng. Có lẽ không chỉ  riêng ông đang lặng lẽ nhớ lại những bạn tù, những người không còn một cơ hội để gặp mặt người thân, con cái từ bao năm trước đây, chứ không phải cho đến cuộc họp mặt hôm nay. Bởi vì phía bên trong, cũng trước đó, qua giọng ông  Nguyễn Hân, Hội Quảng Đà đang điều hợp chương trình, tôi nghe không rõ được tên trại tù khi ông xướng lên "Xin những ai đã từng ở trại tù ..., mời lên sân khấu cho một chị có chồng chết tại đây gặp mặt". Có lẽ chính vì vậy, bên cạnh mục đích về họp mặt, không ít người cựu tù đã  lặn lội từ phương xa về để có cơ hội gặp gỡ, hàn huyên với những người bạn đồng ngũ hay đồng môn, đồng khóa tại các quân trường và các trại tù năm xưa. Có lẽ đó cũng là tâm tình của rất nhiều người về dự cuộc họp mặt, mà chúng tôi ghi nhận được khi gặp gỡ, đưa đón hay trò chuyện với những người về đây từ phương xa. Và cũng cần phải ghi nhận thêm một nghi thức khá ý nghĩa tại buổi họp mặt trưa nay khi những quả bong bóng đỏ vàng gắn theo những lá cờ vàng ba sọc đỏ được Hội Quảng Đà chuẩn bị để thả bay vút lên trời cao, rực rỡ cả một khoảnh trời, như thả lên những ước vọng tự do đến những người con dân tại VN và lời tưởng niệm đến những anh linh các chiến sĩ VNCH đã nằm xuống, trong chiến tranh hay lao tù CS. Bác sĩ Nguyễn Văn Hào, Hội trưởng Hội Quảng Đà DFW cùng tất cả những hội viên chung sức lo cho buổi họp mặt trưa ngày "Trở về" quả xứng đáng khi nhận được không biết bao lời tán dương và cảm ơn từ hầu hết những người tham dự và từ cả BTC, mà chúng tôi đã nghe được khá nhiều lần trong suốt 3 ngày hội ngộ. Từ việc tổ chức chu đáo, các nghi thức ý nghĩa và cảm động, cho đến việc chọn địa điểm thật đẹp hay phần thết đãi ẩm thực ngon miệng cho hàng ngàn người đã góp phần tạo một kỷ niệm đẹp cho những người cựu tù. Đêm thứ sáu, "Đêm Tâm Giao" được tổ chức tại hội trường Giáo xứ Thánh Phê-rô, Dallas được dự tính bắt đầu từ 6 giờ chiều, nhưng đã có khá đông người đến từ rất sớm. Lễ chào quốc kỳ và khai mạc chương trình bắt đầu từ 7 giờ tối, thì hội trường đã nghẹt cứng người, không còn đủ ghế cho những người chậm chân. Có đến khoảng hơn 1500 người đã tham dự chương trình đêm thứ sáu (vì khi không ước lượng chính xác được số người tham dự, khi gần cuối chương trình chúng tôi vào tận nhà bếp, tìm gặp cô Hà Đặng, được giới thiệu là trưởng nhóm các anh em nhóm Việt-Mỹ đã tình nguyện phụ giúp BTC bữa ăn tối cho  đêm tâm giao, hỏi về số dĩa nhựa sử dụng để phục vụ bữa cơm tối. Tám bao dĩa nhựa 175 cái, tức 1400 dĩa thức ăn đã được phục vụ cho  những người  tham dự, không kể một số người chỉ đến để tham dự chương trình mà không dùng  bữa cơm tối). Không như sự náo nhiệt, rộn ràng với những tiếng cười vì những mừng vui gặp mặt của buổi ban trưa, "Đêm Tâm Giao" mang một không khí lắng đọng và cảm động. Ở đây, không ít những giọt nước mắt đã chực trào trên khoé mắt biết bao những người đang ngồi bên nhau để ôn lại những tháng ngày bi thương trong lao tù CS. Như lời Bà Nguyễn Thị Lập, thuộc Hội Quảng Đà khi giới thiệu vũ khúc mở màn chương trình văn nghệ rằng "...Ai là người đã từng trải qua những giây phút tận cùng tuyệt vọng" Ai là người đã từng đón nhận được tin vui đến từ thế giới tự do" Ai là người đã mở rộng vòng tay, góp một bàn tay đưa tin vui tới" Ai là người đã từng canh cánh trong lòng hai tiếng cảm ơn mà chưa từng nói được" Chuyện dài của chúng ta, nói mãi bằng lời hay bằng vạn ngàn trang giấy cũng không dễ chi cạn hết nỗi niềm. Đêm nay, đêm tâm giao, chúng ta hãy dành những giây phút đầu tiên này để cùng nhau  yên lặng hay lắng lòng, hướng về khoảng không gian nhỏ bé này. Hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm lại được chính mình". Và những người tham dự đã lắng lòng qua những tiếng đàn thùng và giọng ca của nhạc sĩ Phan Văn Hưng đến từ Úc Châu, của nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh cùng các cựu tù khác, những hợp khúc hay các màn kịch cảm động của Ban tù ca Xuân Điềm. Và đặc biệt là vũ khúc mang đầy tính suy tưởng và thật ý nghĩa, mở màn cho chương trình văn nghệ "Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng" do nhóm các em thuộc gia đình Phật tử chùa Liên Hoa và Hương Đạo trình diễn, dưới sự dàn dựng và đạo diễn của một sư cô chùa Hương Đạo và anh Trương Minh Ẩn, Liên Đoàn Trưởng chùa Liên Hoa. Vở kịch "Đợi chờ" của ban tù ca Xuân Điềm cũng thật xúc động, đã làm rơi nước mắt không ít người tham dự. Tái hiện lại trên sân khấu là hình ảnh những ngày bi thương của người cựu tù với chén cơm tù hẩm hiu, với những giọt nước của những người mẹ thăm con, người vợ dắt díu con thăm chồng, thăm cha. Tôi chắc rằng rất nhiều người đã nhìn lại chính mình của những ngày 30 năm trước, kể cả chính tôi của những ngày theo mẹ thăm cha. Những tấm hình tôi chụp bị nhoè đi, không phải vì tay run, mà có lẽ vì không cầm được cảm xúc. Cũng trong đêm tâm giao, không ít lần một số đại diện các cựu TNCT từ xa về, đã bước lên sân khấu để bày tỏ cảm xúc và cảm ơn về những nỗ lực tranh đấu của bà Khúc Minh Thơ cùng Hội Gia đình TNCT cho gia đình của mình. Sáng thứ bảy, trong chủ đề "Tạ ơn người, tạ ơn đời", một buổi lễ thật trang trọng, với những diễn từ đầy ý nghĩa đã được tổ chức tại Special Events Center thuộc thành phố Garland, TX với sự tham dự của hơn 1500 quan khách Việt, Mỹ cùng một số khách đại diện các quốc gia đồng minh quân lực VNCH như Phi Luật Tân, Nam Hàn, Đài Loan ... kéo dài trong suốt 4 tiếng đồng hồ. Qua sự điều hợp của ông Nguyễn Quý Tuấn, nghi lễ khai mạc, chào quốc kỳ và tưởng niệm các chiến sĩ trận vong VNCH và Hoa Kỳ trong cuộc chiến đã diễn ra thật oai nghiêm và cảm động với các toán quân kỳ do các cựu quân nhân VNCH, cảnh sát Garland và đoàn Hướng đạo địa phương diễn hành. Thiếu tướng Đỗ Kế Giai, hiện đang ngụ tại Dallas đã cùng đại tá Marquette Belcher, đại diện cho Trung tướng Tư Lịnh Lực lượng Phòng Vệ Quốc Gia và các cựu quân nhân các quốc gia khác đã lên khán đài đặt vòng hoa tưởng niệm cho các chiến sĩ vị quốc vong thân trước tấm bảng "Tổ Quốc Ghi Ơn". Tiếp theo là lễ Tế tử sĩ do nghệ sĩ Thanh Hùng cùng các bô lão địa phương trong trang phục áo dài khăn đóng cử hành thật trang nghiêm. Các phát biểu của bà chủ tịch Hội Gia đình TNCT Khúc Minh Thơ, của khoa học gia Dương Nguyệt Ánh và nữ tài tử Kiều Chinh và các vị khách Hoa Kỳ đã liên tục nhận được nhiều tràng pháo tay từ người tham dự. Đặc biệt là khi cựu đại tá Ken Cordier, một cựu tù binh CS với 6 năm tù, mời tất cả những cựu TNCT đồng đứng dậy để ông tuyên dương và chia xẻ tâm tình với những người đồng cảnh ngộ. Không về tham dự được, tuy nhiên ông Robert Funseth, cựu phụ tá Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, người đã đàm phán cùng chính quyền CS nhằm đạt được thoả thuận trả tự do và đưa các cựu TNCT VN sang định cư tại Hoa Kỳ, cũng đã gởi chào mừng tất cả người hiện diện qua những thước phim thu sẵn. Trong phát biểu của mình, một lần nữa ông lại ghi nhận công lao của những người như bà Khúc Minh Thơ, bà Trịnh Ngọc Dung và bà Xuân Lan cùng những hội viên Hội GĐ TNCT. Trong buổi lễ, ký giả Huy Phương cũng đã giới thiệu những cựu tù nhân cuối cùng, các quả phụ của những vị tướng VNCH như Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và Chuẩn tướng Lê Trung Trực.  Ông cũng đã kêu gọi mọi người cùng vinh danh và cảm ơn tất cả những người vợ các cựu TNCT đã hy sinh và trải qua biết bao vất vả  để thay chồng phụng dưỡng cha mẹ và nuôi dạy con cái trong những tháng ngày đắng cay kia. Cựu dân biểu Nguyễn Lý Tưởng cũng đã thay mặt BTC để  tuyên dương sự đóng góp cùng các sự thành công của một số anh chị em Mỹ-Việt và con cái các gia đình cựu TNCT.  Đêm thứ bảy, cũng tại Special Events Center này, một nhạc hội qui mô với sự trình diễn của hầu hết các ca sĩ gốc Mỹ-Việt như Vân Anh, Randy  và các ca sĩ là con cái các cựu TNCT như Như Quỳnh, Diễm Liên, Nguyên Khang, Thế Sơn, Trần Thái Hòa ... dưới sự điều khiển chương trình của hai MC Nam Lộc và Việt Dũng. Có đến hơn 4000 quan khách tham dự, theo như ước tính từ các nhân viên  làm việc tại trung tâm này cho biết. Các nhạc sĩ Phan văn Hưng, Huỳnh Công Ánh, Việt Dũng, Nam Lộc và Ban Tù Ca Xuân Điềm cũng tham gia trình diễn trong chương trình này. Sáng Chủ Nhật, một số cựu TNCT cũng đã đến tham dự thánh lễ cầu nguyện cho những người quá cố tại Thánh đường giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và một số khác dự lễ Cầu siêu cho các quân nhân cán chính và các cựu tù đã mất tại chùa Đạo Quang. Cả hai cơ sở tôn giáo này đều cùng toạ lạc tại thành phố Garland, Texas. Tại các buổi lễ, linh mục chủ tế hay hòa thượng trụ trì đều ngỏ lời chào mừng các cựu TNCT đã về tham dự ngày hội ngộ và nhắc nhở đến công lao của những người đã hy sinh trong cuộc chiến, chiến đấu cho sự tự do của đất nước VN. Di ảnh các vị tướng VNCH đã tuẫn tiết đã cũng đã được đặt tại bàn thờ chánh điện chùa Đạo Quang, để Thượng tọa trụ trì Thích Tịnh Đức cùng các sư và hàng trăm khách dự cùng làm lễ cầu siêu cho các anh linh. Cảm tạ tại buổi lễ, ông Huỳnh văn Phú một sĩ quan trinh sát đến từ Philadelphia mang theo di ảnh của vị tư lịnh của mình, người theo ông đã bị quên lãng suốt 33 năm qua, là Chuẩn tướng Nguyễn văn Điềm, Tư lịnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Ông đã xin để lại di ảnh của Tư lịnh Nguyễn văn Điềm tại chùa.Ba ngày hội ngộ rồi cũng qua đi thật nhanh. Những áng mây trắng lững lờ bay ngang bầu trời thu Dallas thật an bình. Dù có thoáng hiện dăm đốm mây đen vẩn đục từ đâu đó, vẫn chẳng làm bận tâm những tấm lòng tử tế, những giọt nước mắt, những mừng vui gặp gỡ và những đêm trắng trò chuyện của bao người. "Thương hải biến vi tang điền", biết bao những đổi thay của cuộc bể dâu, hơn ba chục năm qua cũng chỉ là chớp mắt. Những hiên ngang oai hùng  của một thuở thanh xuân, những bi thương của các năm tháng tù tội, những người cựu tù giờ tóc đã bạc, hay lắm người đã không còn cơ hội tham dự ngày hội ngộ. Nhưng họ đã gọi nhau tìm về.Xin cảm ơn Ban Tổ Chức, cảm ơn những người thiện nguyện thầm lặng đã góp sức cho cuộc hội ngộ lịch sử này. Và xin cảm ơn những chú bác, những anh chị, là những người cựu tù chính trị đã cùng hiện diện để nhắc nhở cho thế hệ trẻ tiếp nối về một trang sử đã qua. Và để đón nhận di sản hào hùng này, khi nhìn về một tương lai tươi sáng với những ước vọng tự do cho dân tộc Việt. ĐYTDallas, tháng 10 năm 2008.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Luật Sư Nguyễn Quang Trung hôm nay đã tuyên bố nhìn nhận trách nhiệm về một tấm hình có sửa đổi
Đặc Khu Vệ Sinh Midway City chuyên lo về hệ thống cống rãnh, hệ thống thoát nước
Lúc đầu người ta ăn lá cây, sau đó đến thịt chó và mèo, một số đã trở thành những kẻ ăn thịt người
Tướng Ngô Quang Trưởng, người được tôn trọng là vị tướng liêm khiết và có tài điều binh khiển tướng giỏi nhất
Ngay sau khi Tổng thống George W. Bush đưa ra chiến lược mới tại Iraq, tình hình Trung Đông đã chuyển
Hoa Thịnh Đốn. Hội nghị Trung ương 4, Khóa X của Đảng Cộng sản Việt Nam chấm dứt sau 9 ngày họp tại Hà Nội từ 15 đến 24-1-2007
Những năm 1970 sang 1971, Quân khu 4 được coi như bình định gần hoàn toàn.&nbsp; Các đơn vị lớn của địch chạy sang Cam-Bốt
Trong Thượng đỉnh vừa qua tại Philippines của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN, lãnh đạo
Mộ bia ghi ngày tử trận của những người lính VNCH. Nghĩa Dũng Đài bỏ dở xây cất từ tháng 4.1975. Cổng vào nghĩa trang còn nguyên vẹn,
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa là một chứng tích lịch sử của quân lực VNCH còn sót lại sau cuộc chiến tranh Việt Nam
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.