Hôm nay,  

Nhạc Hội “Nỗi Lòng Người Đi” Thành Công Lớn Ở Texas

10/05/200800:00:00(Xem: 10979)

Chương trình Đại nhạc hội bắt đầu bằng phần chào cờ Mỹ Việt kết hợp bởi  quân nhân người Mỹ gốc Việt và cựu quân nhân quân lực VNCH với tiếng hát quốc ca của sinh viên Đại học Texas và ca đoàn Thánh Tâm của NHà Thờ Các Thánh Tử Đạo tại Austin. (Hình của hội VAHF) 

Hơn 600 quan khách và khán giả đã tham dự trong 4 giờ đồng hồ với đại nhạc hội “Nỗi Lòng Người Đi” trong không khí trang trọng nhưng thân mật và cảm động do hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) tổ chức vào đêm 26 tháng 4 vừa qua tại Hendrickson Performing Art Center, tại Pflugerville, một thành phố nhỏ, tiếp cận Austin, thủ phủ của tiểu bang Texas.

Hội trường Hendrickson khang trang và thiết kế tân kỳ. Sân khấu được ban tổ chức trang trí trang nhã. Chương trình đã được bắt đầu bằng phần chào quốc kỳ Mỹ và Việt Nam, kết hợp bởi Trung uý Hải quân Hoa Kỳ Phong Phạm, một hội viên của hội VAHF, người về từ chiến trường Iraq, và thủy thủ Jason Tran, Jason đang đóng quân tại San Diego, California; Hội VAHF đã mời Jason về Austin tham dự và đóng góp với đại nhạc hội với sự bảo trợ của cha em là ông David Trần. Jason đang chuẩn bị sang chiến trường Afghanistan. Người cầm cờ Việt Nam là cựu sĩ quan Hải quân VNCH. Phần hát quốc ca Mỹ do nữ sinh viên Cynthia Nguyễn, và quốc ca Việt Nam do ca đoàn Thánh Tâm thuộc Nhà thờ Các Thánh Tử Đạo VN tại Austin đảm trách.

 Hãnh diện và vui mừng

Ngoài việc gây quỹ sinh hoạt và tường trình về những thành quả của một năm làm việc, hội VAHF đã tổ chức đại nhạc hội “Nỗi Lòng Người Đi” nhằm vinh danh nhạc sĩ Trúc Hồ và Kỹ sư Lê Duy Loan, hai nhân vật đã có những thành công làm vẻ vang cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Hội VAHF đã hợp tác với Hội Văn Hóa Khoa Học VN thực hiện hai đoạn phim giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của hai nhân vật được hội vinh danh năm 2008 thật linh động và súc tích.

Bà Khúc Minh Thơ, chủ tịch hội VAHF đã thay mặt cho hội tặng tấm plaque vinh danh “VAHF 2008 Lifetime Achievement Award” cho nhạc sĩ Trúc Hồ. Người nhận danh dự thay cho nhạc sĩ Trúc Hồ đang dưỡng bệnh sau ca mổ xương vai là phu nhân của người nhạc sĩ tài danh và đầy lòng nhân ái này;

Nhạc sĩ Nam Lộc (trái) đang phát biểu sau khi phu nhân của nhạc sĩ Trúc Hồ, bà Nguyễn Khoa Diệu Quyên (giữa) vừa nhận hoa và tấm plaque danh dự của hội VAHF do Bà Khúc Minh Thơ (phải); Chủ tịch Hội Đồng Quản trị hội VAHF trao tặng, (Hình của hội VAHF)

nhà giáo kiêm xướng ngôn viên đài truyền hình SBTN, Nguyễn Khoa Diệu Quyên. Trong chiếc áo dài hoa may cắt tuyệt đẹp và duyên dáng, bà Diệu Quyên đã đọc lá thư của chồng bày tỏ sự vui mừng và hãnh diện khi được nhận lãnh danh dự này. Nhạc sĩ Trúc Hồ đã cám ơn ban tổ chức đã nghĩ tới ông và những sinh hoạt của ông. Ông xin chia xẻ danh dự này với tất cả các cộng sự viên của ông trong hơn hai chục năm qua.

Theo thông cáo báo chí trước đó của hội VAHF, nhạc sĩ Trúc Hồ đã được chọn vì những thành tích liên quan đến việc góp phần gìn giữ và phát huy văn hoá Việt Nam qua những thành quả của Asia Entertainment, dùng phương tiện truyền thông qua đài truyền hình SBTN để tạo sự thông cảm và thắt chặt mối liên lạc giữa các cộng đồng người Việt khắp nơi nhằm hỗ trợ cho những công tác xã hội, văn hoá, giáo dục, và những nhu cầu phát triển khác cuả cộng đồng. Đặc biệt là sự đóng góp tích cực của ông vào nền âm nhạc hải ngoại bằng những sáng tác giá trị phản ánh được tâm tư, tình cảm của người Việt trong thời đại.

Mẫu người Mỹ Gốc Việt cho giới trẻ

Kỹ sư Lê Duy Loan đã nhận giải vinh danh “VAHF 2008 Humanitarian Achievement Award” từ vị cố vấn của hội, Dân Biểu Hubert Võ.

Với gương mặt tươi, đôi mắt sáng, trong bộ Âu phục trắng mềm mại, kỹ sư Lê Duy-Loan đã phát biểu về sự ngạc nhiên cuả bà khi nhận được tin bà được hội VAHF chọn để vinh danh trong năm nay. Vì theo bà, từ trước đến nay, bà nhận được rất nhiều giải thưởng, nhưng chưa bao giờ có từ một tổ chức người Việt. Bà cám ơn ban tổ chức, và chia xẻ với quan khách về những khó khăn, và thách đố của một phụ nữ thiểu số thành công trong lãnh vực kỹ thuật tại Hoa kỳ. Bà cho rằng sự chăm chỉ, lòng kiên trì, và sự liên hệ tốt với mọi người chung quanh là những điều căn bản phải có. Theo bà, sự thành công của một người cần thể hiện trong cả ba lãnh vực: nghề nghiệp, gia đình, và cộng đồng. Vẫn theo bà thì người trẻ Mỹ gốc Việt dù thành công cần phải biết rõ và hãnh diện về nguồn gốc của mình. Riêng bà, dù có thành công tới đâu, bà luôn nghĩ rằng: “Tôi là một người Việt Nam”.

Từ trái; Kỹ sư Lê Duy Loan nhận plaque vinh danh của hội VAHF từ Dân biểu cố vấn Hubert Võ, MC Thiên Thùy, và trưởng ban Phối trí thiện nguyện viên Bích Châu Trần. (Hình của hội VAHF)

Quan khách đã thật cảm động vào phút cuối cùng cuả phần phát biểu, bà Lê Duy Loan đã giơ bó hoa và tấm plaque lên cao và nói rằng: “Papa, this is for you!” (Ba ơi, niềm hãnh diện này xin gửi đến cho ba!). Cha cuả Kỹ sư Lê Duy Loan là cựu tù nhân chính trị đã đến định cư tại Hoa Kỳ sau khi kỹ sư Duy Loan đã thành đạt. Ông đã qua đời mấy năm trước đây.

Cũng nên nhắc lại, kỹ sư Lê Duy Loan cư ngụ tại Houston, Texas, bà là một trong những kỹ sư sáng giá nhất của công ty Texas Instruments với 22 bằng sáng chế. Bà đã được hội VAHF chọn vì những thành quả về nghề nghiệp bà đã đạt được làm vẻ vang cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và bà đã dùng khả năng và ảnh hưởng của bà để khuyến khích và giúp đỡ giới trẻ và những người kém may mắn qua các tổ chức bà đã lập ra hoặc đang điều hành như Sun Flower Mission, Mona Foundation…

Bảo Tồn Một Lịch Sử Đã Mất

Hội VAHF sau đó đã cho trình chiếu phim tài liệu: “The Mission of Preserving a Lost History” tạm dịch là “Công Cuộc Bảo Tồn Một Lịch Sử Đã Mất” do hội thực hiện để nói lên sự cấp thiết của việc sưu tầm, gìn giữ và biểu dương lịch sử của người Mỹ gốc Việt. Ngoài việc sưu tầm những hình ảnh, văn bản về sự có mặt của gần hai triệu người Mỹ gốc Việt tại Hoa kỳ, đặc biệt hội đang thực hiện chuơng trình “lịch sử thâu thanh” (oral history) dùng kỹ thuật thu thanh cuả hôm nay ghi lại tiếng nói của các chứng nhân thời đại cho thế hệ mai sau.

“Thử tưởng tượng nếu kỹ thuật thu thanh có từ 300 năm trước đây và có người thực hiện “lịch sử thu thanh”, phỏng vấn vua Quang Trung, thì hôm nay chúng ta có cơ hội để nghe tiếng nói của vua Quang Trung và biết được vị anh hùng dân tộc này đã nói gì, và nghĩ gì khi ông đại phá quân Thanh đem lại độc lập cho đất nước”, anh Nguyễn Chính Trực, hội phó hội VAHF đặc trách ban nghiên cứu, đã trả lời câu hỏi vì sao phải làm “lịch sử thu thanh” như trên.

 Phim tài liệu “Bảo Tồn Lịch Sử Đánh Mất” còn cung cấp những hình ảnh về sự hợp tác của Đại học Texas tại Austin, Viện Bảo tàng Lịch sử của Texas, và hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam (VCSA) đối với hội VAHF trong việc thu thập những dữ kiện lịch sử qua những nhân chứng sống. Những hình ảnh của những sinh viên đại học UT, những thành viên của hội VAHF, và hội VCSA đang làm việc chăm chú với một số người được phỏng vấn trong khuôn viên đại học UT cũng như nhiều địa điểm khác nhau cho khán giả thấy một nỗ lực rất lớn của cả hai thế hệ; già và trẻ trong việc bảo tồn kho tàng lịch sử truyền thống mà chúng ta đã bị mất tại quê nhà và lịch sử cuả gần hai triệu Mỹ gốc Việt chưa được giới học gỉả và sử gia mấy chú tâm.

Nam Lộc, “Người nhạc sĩ của 30 tháng tư”

Và lời hứa “sẽ không bao giờ” của ca sĩ Nguyên Khang

Một chương trình văn nghệ chủ đề “Nỗi Lòng Người Đi” sau đó đã được MC chuyên nghiệp nhạc sĩ Nam Lộc và MC cuả hội VAHF Thiên Thùy điều khiển nhịp nhàng, đầy duyên dáng. Đặc biệt, nhạc sĩ Nam Lộc cũng đã góp tiếng hát điêu luyện và truyền cảm với hai ca khúc đã mang cho ông danh hiệu: “Nhạc sĩ của 30 tháng 4”; đó là “Sài gòn ơi! Vĩnh biệt” và “Người Di Tản Buồn”.

Nhạc sĩ Nam Lộc sau đó cũng chia xẻ ưu tư của ông trước sự bơ vơ của giói trẻ Mỹ gốc Việt tại các đại học qua kinh nghiệm của người con gái lớn của ông, cô Nam Phương đang theo học tại đại học Brown, và qua thư từ của các sinh viên gửi tới ông từ các đại học Yale, Brown, Columbia, Cornell, Harvard, UPenn… yêu cầu ông hướng dẫn trong việc tìm hiểu văn hóa VN. Ông cũng báo động rằng ngoài việc sách vở giáo khoa không trung thực, trong khuôn viên đại học trên toàn quốc Hoa Kỳ cũng đang tràn ngập sinh viên du học từ VN. Một số đông những sinh viên này ngưỡng mộ, yêu chuộng tự do và tiến bộ của nước Mỹ, nhưng một số không ít có những tư tưởng khác biệt hoặc ngoài việc học, họ còn mang nhiệm vụ tuyên truyền cho chế độ CSVN. Do đó, theo ông, nhu cầu cần trang bị một kiến thức vững vàng về lịch sử và văn hoá Việt Nam chính thống để đối đầu với những tuyên truyền nói trên của các sinh viên người Mỹ gốc Việt là cấp thiết. Nhạc sĩ Nam Lộc kêu gọi tất cả mọi người, mọi hội đoàn trong cộng đồng nên đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này. Và ông phát biểu thêm “Nếu chúng ta không làm tốt công việc này thì đừng nên trách giới trẻ không hiểu biết về lịch sử và văn hóa cuả chúng ta”.

Người “Nhạc sĩ của 30 tháng 4” nói một cách say sưa, người ông như được thắp sáng khi ông nói về giới trẻ, về việc bảo tồn và phổ biến lịch sử và văn hoá VN. Ông cũng mong ước hội VAHF có thể phát triển tới các tiểu bang, và thành phố khác hoặc bất kỳ một hội đoàn nào có hoạt động giống như hội VAHF có mặt khắp nơi để việc bảo tồn lịch sử và văn hoá VN được đảm bảo. Là một MC chuyên nghiệp, được trả thù lao ít nhất mỗi tuần một lần, có tuần nhiều đến 3, 4 lần, đứng trên đủ loại sân khấu để giới thiệu nhiều chương trình khác nhau nhưng có lẽ chưa có mấy khi nhạc sĩ Nam Lộc lại nói một cách thiết tha và chân tình như hôm nay, tại đây, nơi mà ông đã đến chỉ vì tấm lòng, và vì muốn đóng góp một bàn tay, ông đã không hề nhận một phí khoản thù lao nào cả.

Ca sĩ Thái Hà, người ca sĩ cũng có một biệt danh thật dễ thương, đó là “Người ca sĩ của tình thương” vì trên 10 năm qua, chị không những đi hát mà còn tổ chức rất nhiều buổi trình diễn ca nhạc để gây quỹ cho trẻ mồ côi, thương phế binh còn ở VN. Hôm nay chị cũng đến đây để góp một bàn tay và không nhận thù lao. Tiếng hát của Thái Hà nhẹ nhàng, thanh thoát như vóc dáng và tấm lòng của chị. Hội VAHF đã may mắn có chị là thành viên đại diện tại vùng Bắc California.

Nguyên Khang đến với khán giả Austin lần này sau một cơn lốc của cuộc đời. Tiếng hát của Nguyên Khang vẫn còn ấm, truyền cảm và mang một nỗi buồn man mác khó tả đến khán giả mộ điệu qua các nhạc phẩm: “Nỗi Lòng Người Đi”, “Đêm Nhớ Về Sài Gòn”, “Nếu Không Có Em”, “Dòng Đời”, “Cõi Mộng”, “Khúc Thụy Du”...

Đặc biệt, trong dịp này,  Nguyên Khang đã đứng trước trên 600 khán giả nói lời xin lỗi về việc đã làm cho những người thân yêu và khán giả từng yêu mến Nguyên Khang phải lo lắng. Theo Nguyên Khang trong lúc quá căng thẳng với đời sống và công việc, Nguyên Khang đã làm việc mà người ngoài gọi là “tự tử”, nhưng đối với Nguyên Khang đó chỉ là “tìm một giấc ngủ dài” để quên đi. Nguyên Khang tâm sự:

“Chuyện đã xảy ra là sai, là không đúng. Nguyên Khang chỉ có thể hứa là sẽ không bao giờ làm như vậy nữa để không phụ lòng những người thân yêu và khán giả mến mộ...”

Khán giả đã bày tỏ sự thông cảm bằng tràng pháo tay dài không dứt.

Phần trình diễn của Diễm Liên thật sôi nổi nhưng thật cảm động. Tiếng hát Diễm Liên mạnh, truyền cảm như xoáy vào lòng người với những ca khúc: “Nghìn Trùng Xa Cách”, “Anh Còn Nợ Em”, “Thuyền Viễn Xứ”, “Kiếp Nào Có Yêu Nhau”, “Đời Đá Vàng”…

Đôi bạn thân Nguyên Khang và Diễm Liên cũng đã cùng nhau song ca hai nhạc phẩm luôn được khán giả yêu chuộng: "Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không" và "Khi Xưa Ta Bé".

Hai ca sĩ trẻ địa phương Thanh Nhàn - Tuấn Duy, và cây ghi ta độc tấu của sinh viên Văn Huỳnh cũng được những tràng pháo tay khen ngợi không dứt.

“Cơn Mưa Bất Chợt” và “Những Con Tim Khao Khát”

Đoàn Thanh Thiếu Niên Phật Tử Chùa Linh Sơn và màn múa “Cơn Mưa Bất Chợt”. (Hình của hội VAHF)

Màn vũ “Cơn Mưa Bất Chợt” của gần 20 vũ công thiếu nhi thuộc Đoàn Thanh Thiếu Niên Phật Tử Chùa Linh Sơn dưới sự hướng dẫn của Vũ Đoàn với những chiếc áo mưa và dù màu vàng để diễn tả những cơn mưa chợt đến, chợt đi như thời tiết vùng Austin. Các vũ viên tươi trẻ trong những điệu nhảy vui nhộn, nhịp nhàng đã được khán giả hưởng ứng bằng nhiều tràng pháo tay dài.

 Hoạt cảnh “Những Con Tim Khao Khát” do Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể chi hội Don Bosco thuộc Nhà thờ Các Thánh Tử đạo VN tại Austin dàn dựng từ cốt truyện đến phân cảnh và diễn xuất. Hoạt cảnh đưa ra một đề tài táo bạo nói về một người trẻ khao khát muốn được biết về nguyền gốc của mình trong khi ngưòi thân duy nhất cuả em là mẹ em vẫn giấu kín. Trong lần hai mẹ con đấu khẩu kịch liệt, người mẹ đã bị kích động dến tột độ và trả lời: “Cha con là người đã giết chồng mẹ, con mẹ và phá tan gia đình của mẹ !” Bà mẹ sau đó đã kể chuyện vượt biên của gia đình bà. Chồng con bà bị hải tặc giết, bà bị hiếp và sau này sinh ra em.

Sự đau khổ được chôn giấu trong lòng người mẹ bây giờ đã truyền sang người con. Nỗi đớn đau về nguồn gốc của người thiếu niên dù phũ phàng nhưng phải chăng sự thật cũng cần nói ra trong một lúc nào đó để giới trẻ hiểu được những dau khổ, những hy sinh của các bậc cha anh" Được dàn dựng khéo léo và nhất là các diễn viên đóng rất thực, lột tả được tâm trạng các nhân vật thật xuất sắc, hoạt cảnh đã cho khán giả những giây phút thật cảm động và nhiều suy tư.

Tìm lại chính mình

“Thật cảm động! Được xem  những hình ảnh đau thương về người Việt tị nạn, và những sinh hoạt của hội VAHF trong nỗ lực sưu tầm lịch sử được trưng bày trong cuộc triển lãm mini của hội trong hành lang hội trường, rồi khi vào chương trình, ngay phần chào cờ với hai người lính Hải quân Mỹ gốc Việt, một với bộ lễ phục sĩ quan màu trắng, mũ trắng và găng tay trắng, người lính trẻ còn lại cũng với bộ thủy thủ trắng, mũ và găng tay trắng cầm cờ Mỹ và người cựu quân nhân VNCH với bộ binh phục Thủy Quân Lục Chiến rước cờ vàng 3 sọc đỏ. Họ đi theo nhịp diễn hành thật trang trọng và uy nghiêm. Khi tiếng hát quốc ca Hoa kỳ cuả cô sinh viên lên cao vút và tiếng đồng ca quốc ca VN của ca đoàn cất lên nhịp nhàng và hùng tráng thì giòng nước mắt của em đã ứ đọng trong mắt từ những giây phút đầu đã tuôn rơi. Em đã khóc vì cảm động và vui sướng. Cảm động vì hình ảnh oai hùng của hai thế hệ quân đội đã hy sinh, chiến đấu cho chúng ta đang trước mắt em. Sung sướng vì thấy lòng mình vẫn còn đủ mềm để rung động trước những hình ảnh nói lên ý nghiã cao đẹp của cuộc sống.

Bận rộn và mải mê với cuộc sống ở Mỹ và những năm tháng dài sống cơ cực tại VN, em nghĩ  rằng mình đã chai lì và không còn nước mắt để khóc thương cho bất cứ điều gì! Và rồi khi tiếng hát của nhạc sị Nam Lộc cất lên: “Sài gòn ơi! Tôi đã mất người trong cuộc đời…”  thì em đã không còn gì để ngăn nổi giòng nước mắt oà xuống, nhạt nhoà khiến em phải tháo bỏ cặp kính cận cho nước mắt tuôn rơi và thả hồn theo tiếng nhạc, lời ca.” 

Trên đây là lới phát biểu của cô Helen Vũ, một sinh viên Y khoa đã phát biểu sau khi tham dự Đại nhạc hội. Helen đã theo gia đình qua Mỹ theo diện HO trên 10 năm qua. Cô đang đi học và đi làm, lại có gia đình nên rất bận rộn với cuộc sống. Đến với Đại Nhạc Hội “Nỗi Lòng Người Đi” là một trong những dịp hiếm hoi để cô có sự liên hệ với cộng đồng người Việt và có những giây phút tìm lại chính mình.

Không phải là kẻ độc hành

Đại nhạc hội “Nỗi Lòng Người Đi” hội tụ đông đảo các đoàn thể, tổ chức, và cá nhân tha thiết với công việc bảo tồn lịch sử và văn hóa Việt đã hy sinh thì giờ và công sức để tổ chức một buổi đại nhạc hội đầy ý nghĩa này. Kể có đến hơn 10 hội đoàn, tổ chức Mỹ, Việt tại Texas trực tiếp tham gia vào chương trình, với trên 100 thiện nguyện viên, chưa kể đến Ban tổ chức hơn 30 người, từ trưởng ban tổ chức anh Đỗ Thanh Bình với cố vấn Thụy Phan còn là chủ tịch tổ chức cộng đồng người Việt tại Austin, ban triển lãm anh Nguyễn Chính Trực, trang trí sân khấu anh Cường Trần, ban tiếp thị và phổ biến cô Jeanne Nguyễn và ông Phong Nguyễn, ban ấn loát cô Ann Phạm, ban âm thanh anh Phil Hoàng, ánh sáng anh Hùng Lâm, ban điều hành sân khấu gồm các cô Louise Hoàng, Cẩm Vân Nguyễn, Michele Trần, ban chiếu phim anh Toàn Trịnh, ban phối trí thiện nguyện viên cô Bích Châu, Kim Duyệt Jamar, Kiều Phạm, ban nhiếp ảnh cô Bảo Trân Gia Phạm, ban tài chánh bà Tuyết Trần, ban ẩm thực bà Cẩm Đoàn, bà Thơ Nguyễn, bà Yvon Hồ, và ông bà Bi Nguyễn.

Buổi đại nhạc hội còn được tiếp tay bởi những người từ xa đến như chị Giang Thanh từ Nam California, nhà văn nữ Trùng Dương từ Oregon. Ngoài ra, chương trình còn có sự hỗ trợ và tham dự của trên 10 cơ quan truyền thông gồm hai đài truyền hình Việt Mỹ: đài SBTN Houston, Đài KVUE Austin; bốn đài phát thanh Việt gồm đài Saigon Houston 900 AM, đài VNHN Austin, đài VAB 1320 Houston, VAB 1600 Dallas; hai đài phát thanh Mỹ gồm đài 98.5 FM, và 99.3 FM KLGO Austin; báo Ngày Nay, Báo Sài gòn Cuối Tuần Houston, Nhật Báo Người Việt Cali… và trên 20 nhà bảo trợ trong đó có nhiều nhà bảo trợ đóng góp từ 1,000 đô la trở lên như Vina Plaza, Southwestern National Bank, Wilcare, Inc. Lunex Telecom..

Ngay sau đại nhạc hội hoàn tất, một số quan khách và khán giả khác cũng đã gửi email, gọi điện thoại tới ban tổ chức để cám ơn các anh chị em trong hội. Trước đó, hội VAHF cũng đã nhận được thư và điện thoại của một số các bậc trưởng thượng như nhà thơ Phương Triều, nhà thơ Huy Lực Bùi Tiến Khôi, cựu Đại tá Phạm Huy Sảnh và một số quý vị khác đã thương mến gửi lời nhắn nhủ:

“Hãy tiếp tục cố gắng, mọi người rất biết ơn công việc mà các anh chị em trong hội VAHF đang làm. Xin nhiệt liệt tán thưởng và đừng bao giờ nản lòng vì bất cứ lý do gì! Đã có chúng tôi! Các anh chị không phải là những kẻ độc hành!”

• Triều Giang

Tháng 5/08

(Bài do nghệ sĩ Nam Lộc gửi tới Việt Báo. Nhan đề được VB đặt rút ngắn lại.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cách đây hơn 100 năm, có một thanh niên, mới ngoài 20 tuổi, sinh tại Nghệ An đã tới Anh để tìm kế mưu sinh sau khi gia đình gặp hoạn nạn. Theo một nguồn tin chính thống của Hà Nội, đó là thanh niên có tên Nguyễn Tất Thành tới Luân Đôn bằng đường biển vào khoảng giữa năm 1914...
Đố ai chứng minh được ”Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta” như đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền? Càng mơ hồ hơn khi nghe nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 10 năm 2023 đã làm một việc mà chưa từng làm bao giờ trước đây trong lịch sử của nước này: Truất phế chức Chủ Tịch Hạ Viện. Kevin McCarthy, đảng viên Cộng Hòa tại California, đã mất chức trong cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 216/210. Để nhìn sâu hơn vào vấn đề này, The Conversation U.S. có cuộc trò chuyện với giáo sư chính trị học Charles R. Hunt tại Đại Học Boise State University.
Nếu Mỹ duy trì các liên minh, đầu tư cho riêng mình và tránh các khiêu khích không cần thiết, Mỹ có thể giảm xác suất lâm vào một cuộc chiến tranh lạnh hoặc nóng với Trung Quốc. Nhưng để xây dựng một chiến lược hũu hiệu, Mỹ sẽ phải tránh những phép loại suy luận quen thuộc trong lịch sử nhưng gây hiểu lầm.
Nếu vụ tấn công ngày 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ đã thay đổi tình hình ở Trung Đông và toàn thế giới, thì "ngày 7 tháng 10" cũng có thể ảnh hưởng đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo, bởi tuy hoàn toàn không có một chút liên hệ trực tiếp nào với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nhưng trên thực tế, sự quan tâm đang xoay qua cuộc chiến Hamas-Israel lại có thể là một lợi thế cho Nga. Việc Hamas có thể tấn công bất ngờ vào Israel không chỉ là một thất bại đối với tình báo Israel, mà ngay cả Mỹ cũng đã hoàn toàn bị ru ngủ. Chỉ một tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tuyên bố rằng "khu vực Trung Đông ngày nay yên bình hơn so với nhiều thập kỷ trước".
Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng lớn nhất Đông Nam Á thì chắc chắn là một “kỳ quan” của thế giới rồi. Không được xem (qua) quả là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, theo báo chí thì dù mới khánh thành nó đã bị bong gạch hết trơn rồi. Thôi thì đi chỗ khác chơi cho nó lành. Tôi quyết định sẽ đi thăm Địa Đạo Củ Chi. Trước khi tới nơi tưởng cũng nên ghé Wikipedia coi qua chút đỉnh:
Theo Hội Thư Viện Hoa Kỳ (American Library Association), nỗ lực cấm sách ở các trường công lập và thư viện công cộng trong năm 2022 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, và có rất ít dấu hiệu sẽ giảm bớt vào năm 2023. Phong trào cấm sách trong thời gian qua có vẻ như là một chiến dịch phối hợp diễn ra ở cả cấp tiểu bang và địa phương; những cuốn sách bị nhắm mục tiêu thường là những cuốn có nội dung đề cập đến chủng tộc, giới tính hoặc cả hai. Thậm chí một số nỗ lực còn dẫn đến việc ban hành luật đe dọa tống tù các thủ thư.
Ít nhất cũng còn hơn 2 năm nữa mới đến ngày bầu nhiệm kỳ XIV của đảng Cộng sản Việt Nam, 2026-2031, nhưng tiêu chuẩn để được chọn đã bộc lộ tư duy giáo điều, bảo thủ và chậm tiến của đảng CSVN...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với 2 người Chăm: Ông Thông Thanh Khánh (Khanh Pham), nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. Sinh trưởng tại Ma Lâm huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận, hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn và Cambodia. Và Ông Lưu Quang Sáng (Amuchandra Luu), sinh tại Phan Rang, hiện sống và làm việc tại California, Thạc sĩ toán và có gần 20 năm giảng dạy ở trường đại học cộng đồng tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Tổng Thư Ký hội Bảo Tồn Văn Hóa Truyền Thống Champa USA, qua 7 nhiệm kỳ chủ tịch...
Để khẳng định đối trọng với các cường quốc phương Tây, khối BRICS đặc biệt tìm cách củng cố vị thế trong các cơ quan quốc tế và trọng lực của đồng Nhân dân tệ trong hệ thống tiền tệ. Tự thoát ra khỏi ảnh hưởng của các cường quốc phương Tây và tạo thành một lực lượng kinh tế và địa chính trị mới, đây là mong muốn được khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) bày tỏ tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15, được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi, từ ngày 22-24/8/2023. Đây cũng là những gì nổi lên tại Hội nghị G77 được kết thúc vào ngày 16/9 tại Havana.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.