Hôm nay,  

Buổi Nói Chuyện Thân Mật

17/02/200800:00:00(Xem: 5918)

- Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Chuyển ngữ: H.T.Thích Trí Chơn (Trích từ cuốn sách: “Universal Responsibility and the Good Heart”)

Khi lần đầu tiên đặt chân đến Tây Phương, tôi nhận thấy một số sự việc tại đây không giống ở Đông Phương, và đặc biệt nhất là đối với đất nước Tây Tạng chúng tôi. Tuy nhiên, điều dễ dàng để hiểu những sự khác biệt bên ngoài này hoàn toàn liên quan đến nền tảng văn hóa, lịch sử và địa dư mà chúng đã tạo thành nếp sống và phong tục tập quán đặc thù của mỗi quốc gia dân tộc. Nhưng trong ý tưởng của tôi, lúc nào tôi cũng nghĩ rằng các bạn là con người giống như tôi, cho nên trên căn bản tất cả chúng ta đều giống nhau là những con người. Sự khác biệt rất ít, vì điều cốt yếu tất cả chúng ta là con người, do đó mọi người chúng ta đều giống nhau. Tôi muốn có hạnh phúc và không thích khổ đau, các bạn cũng vậy. Tôi ước mong thành đạt sự hạnh phúc đó, các bạn cũng có quyền giống như tôi vậy.

Cho nên, không có điều sai khác căn bản giữa những dân tộc Đông và Tây Phương hay giữa các bạn và tôi. Những sự khác biệt ấy chỉ là bề ngoài và giả tạo cho nên chúng không thể phân cách tách rời giữa con người với người. Khi gặp “những khách ngoại quốc” tôi cảm thấy không có sự ngăn chia giữa họ và chúng tôi. Đối với tôi, những cuộc gặp gỡ đó là mối quan hệ thân thương giữa người với người và sự tiếp xúc giữa hai con tim.

Mối giao hảo, liên quan giữa người với người rất khẩn cấp cần thiết. Ngày nay thế giới con người ngày càng thu nhỏ lại và tương quan, lệ thuộc với nhau nhiều hơn. Tất cả chúng ta đều phải nương nhờ vào nhau để sống còn. Thời xưa, mọi vấn đề khó khăn phần lớn giới hạn trong gia đình, cho nên phương cách giải quyết cũng ở mức độ gia đình, nhưng bây giờ hoàn cảnh không còn giống như trước. Ngày nay chúng ta ngày càng chặt chẽ phụ thuộc liên hệ với nhau mà nếu thiếu nhận thức trách nhiệm toàn cầu, chúng ta rất khó tồn tại và sống còn.

Chẳng hạn, những vấn đề của một quốc gia không thể tự mình đơn phương giải quyết hoàn toàn và trọn vẹn cho có kết quả, bởi lẽ còn tùy thuộc vào thái độ và sự hợp tác của nhiều nước khác. Cho nên, tôi tin rằng muốn tìm hạnh phúc cho con người, hành động của con người cần đặt nền tảng trên sự quan tâm, và giúp đỡ cho những kẻ khác. Qua nhiều thời đại, một số vị giáo chủ các tôn giáo đã cố gắng thuyết giảng cùng một giáo lý và tôi nghĩ ngày nay có thể chúng ta cần đến tín ngưỡng nhiều hơn trước đây.

Trừ phi chúng ta ý thức được trách nhiệm phổ quát, có chung cảm nghĩ sự đau khổ của tha nhân là của chính mình, hay nói khác là hành động với tâm hồn vị tha, thực khó có thể thành đạt hạnh phúc cho nhân loại và nền hòa bình thế giới. Tôi nghĩ mối liên hệ chân tình giữa con người, vượt qua những hàng rào ngăn cách như màu da và tôn giáo, có thể giải quyết nhiều vấn đề đang gây khó khăn cho chúng ta hiện nay. Nhờ vậy, chúng ta có thể thông cảm và hiểu biết nhau hơn, một sự hiểu biết thành thực, không còn đối xử vô nhân đạo giữa con người với nhau nữa.

Nếu chúng ta có thể phát triển sự hiểu biết giữa chúng ta, rồi trên căn bản của sự hiểu biết đó, chúng ta có thể chia xẻ và cố gắng diệt trừ nổi đau khổ, cũng như sẽ mang hạnh phúc lại cho kẻ khác. Tôi nghĩ số ít nên phát tâm hy sinh cho nhiều người. Hãy so sánh giữa chúng ta, các bạn và tôi, rõ ràng quý vị là số đông trong khi tôi chỉ là một cá nhân. Cho nên, tôi nghĩ các bạn (thính giả) là quan trọng hơn tôi, vì quý vị là đa số.

Lòng từ bi cứu giúp kẻ khác (quên bản thân mình) là một trong những giáo lý căn bản của nền Phật giáo Đại thừa. Trong ý nghĩa này, tôi muốn trích dẫn lời Phật dạy sau đây diễn tả ý tưởng đó:

“Nếu các bạn không thể đánh đổi hạnh phúc của mình,

Cho nỗi khổ đau của những kẻ khác.

Quý vị không hy vọng thành đạt quả vị Phật,

Cũng như sẽ không có hạnh phúc trong đời hiện tại”

Nghĩa là nếu chúng ta có thể hành động ngược lại tư tưởng của lời dạy này, các bạn không những chỉ đạt được mục đích tối thượng là thành Phật, mà sẽ còn có thể khắc phục những khó khăn hằng ngày để có tâm an lạc qua sự thực hành lời Phật dạy trên. Điều căn bản của tông phái Đại thừa mà chúng ta cố gắng tu tập là thể hiện lòng từ bi. Theo Phật giáo Bắc Tông, các bạn cần hy sinh quên chính bản thân để đạt được sự giải thoát qua hành động cứu độ mọi chúng sinh.

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là hiện thân của “Đấng Đại Từ Đại Bi”, nhưng ý nghĩa chính của từ “Quán Thế Âm” (Avalokitesvara) là lòng từ bi. Nói khác, đức Quán Thế Âm là biểu tượng cho đức hạnh cao quý nhất của dân tộc Tây Tạng. Đây là đức tính chúng ta nên cố gắng tu tập hành trì từ mức độ giới hạn đến vô hạn. Tâm đại bi không phân biệt, không tính toán và không hạn cuộc dành cho tất cả này rõ ràng không phải là tình thương thông thường đối với bạn bè, thân quyến hay gia đình của các bạn.

Tình thương chỉ giới hạn trong phạm vi các người gần gũi và thân yêu sẽ bị chi phối bởi vô minh và lòng tham đắm. Tình thương bao la chân thực là lòng từ bi mà quý vị có thể ban bố đến ngay cả người đã gây tai hại cho mình. Đây là tâm từ bi được gửi đến mọi người và bao trùm khắp tất cả chúng sanh.

Sự phát triển tình thương, thân mến gần gũi mọi người không can dự với bất cứ loại tình cảm nào của tôn giáo mà chúng ta thường liên hệ. Tình thương đó không chỉ dành cho kẻ có tôn giáo, mà cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng hay đảng phái chính trị. Nó được dành cho bất cứ ai tự nhận mình trước tiên và trên hết là một thành viên trong đại gia đình của nhân loại, với cái nhìn mọi vật trong ý nghĩa rộng rãi hơn.

Có ai trong chúng ta, ngay vừa lúc mới chào đời, không nhờ tình thương của cha mẹ nuôi dưỡng" Chúng ta có ai không đồng ý rằng tình thương đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người" Nó an ủi khi chúng ta buồn khổ và không ai giúp đỡ. Nó vỗ về khi các bạn đến tuổi già và cô đơn.

Tình thương là năng lực chủ động mà chúng ta nên phát triển và thực hành, nhưng chúng ta thường hay xao lảng quên nó, đặc biệt vào thời kỳ khi tuổi còn trẻ. Lý do chính đáng khiến chúng ta yêu thương kẻ khác vì mọi chúng sanh đều có quyền và ước muốn sống trong hạnh phúc và không thích khổ đau. Hơn nữa vì nhận thức rằng bạn, như một cá nhân cũng là một phần tử của sự sống khi so sánh với nhiều vô số kẻ khác đang không ngừng đi tìm hạnh phúc.

Theo Phật giáo Đại thừa, các bạn không những chỉ nên thương xót con người mà là tất cả chúng sanh. Và cuối cùng thì chúng sanh nào cũng có khả năng thành Phật. Cho nên, chú ý đến ba điểm chúng tôi đã trình bày trên gồm có sự ước mong, có quyền cũng như có thể đạt được hạnh phúc và tránh khổ đau của con người. Chúng ta cũng luôn luôn nhớ rằng mình liên hệ cứu giúp một người không quan trọng bằng giúp đỡ cho nhiều người. Do vậy, có thể nói rằng chúng ta nên hy sinh quyền lợi cá nhân mình cho phúc lợi của những người khác. Khi bạn hành trì tu tập trong tinh thần ấy, thì ý nghĩa đích thực của tình thương, lòng từ bi và kính trọng mọi người sẽ trở thành một điều có thể làm và thực hiện được.

Hành động với cái nhìn tĩnh thức không mang ý nghĩa của một tập quán luân lý hay tôn giáo; nó không những chỉ tốt đẹp cho người mình muốn giúp đỡ mà cũng có lợi  ích cho chính bản thân quý vị. Kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta xác nhận rằng người  ích kỷ gặp khó khăn không những chỉ gây tai hại cho xã hội mà còn chính cá nhân họ nữa. Họ không giải quyết được vấn đề mà còn làm gia tăng sự khó khăn thêm. Ví dụ, khi chúng ta gặp một việc rắc rối, nếu chúng ta tự biết do lỗi của mình chứ không phải người khác, nhờ đó chúng ta có thể kiềm chế giữ được tâm thanh tịnh.

Trái lại, khi gặp một điều bất hạnh, chúng ta quy trách nhiệm và khiển trách những người khác, rồi chúng ta sanh tâm giận dữ, oán thù và ganh ghét họ. Tất cả những ý tưởng xấu này tăng trưởng dẫn đến kết quả là, chúng ta cảm thấy đời sống không có hạnh phúc. Chẳng hạn khi chúng ta buồn phiền, chúng ta sẽ ngủ không yên giấc, rồi chúng ta đau khổ. Các bạn bè và những người hàng xóm cũng không mấy gì vui.

Ngược lại, nếu khi gặp những điều không may, chúng ta biết tự chê trách lấy mình cũng như kính trọng và yêu thương mọi người khác; nếu hành động được như vậy, chúng ta có thể mang lại sự an lạc cho chính mình và tha nhân. Đây là lời dạy căn bản của Đại thừa Phật giáo.

Tôi sẽ chứng minh cho điều tôi nói bằng cách trích dẫn các lời dạy trong Phật giáo dưới đây:

“Tôi xem tất cả chúng sanh, còn quý hơn ngọc như ý.

Với quyết tâm thành đạt mục đích cao cả nhất.

Cho nên lúc nào tôi cũng nghĩ đến việc cứu giúp cho họ.”

Lời khuyên thứ hai cũng rất hữu ích cho cuộc sống hằng ngày của tôi là:

“Bất cứ ai tôi gặp gỡ tiếp xúc,

Tôi luôn luôn nghĩ rằng họ có đức hạnh hơn tôi”

Cho nên khi gặp kẻ nào có ác tâm muốn làm hại hay gây đau khổ cho quý vị, chúng ta nên nghĩ đến các đức tính tốt của họ, nhờ đó các bạn có thể phát tâm từ bi xót thương họ.

Chúng ta nên ghi nhớ lời Phật dạy thâm thúy nhất như sau:

“Nếu có người mà ta đã hết lòng giúp đỡ,

Và từ một kẻ mà ta mong chờ sẽ đối xử tốt với mình,

Nhưng trái lại, người đó đã làm hại gây nhiều khổ đau cho ta.

Ta vẫn xem họ như một bậc thầy cao quý nhất của mình.”

Người này là vị thầy vĩ đại của chúng ta vì lúc ta vui vẻ hay không bị các bạn thân chỉ trích thì ta khó tìm thấy những thói hư tật xấu của mình. Nhưng khi có người phê bình, vạch chỉ lỗi lầm của ta, lúc ấy ta mới biết điều sai quấy mà sửa đổi.

Cho nên kẻ thù của chúng ta là người bạn lành của ta vì nhờ họ giúp ta tu tập kiềm chế được nội tâm, phát khởi lòng từ bi và đối xử tốt với mọi người. Do đó, họ là vị thầy chân chính của ta. Thay vì oán giận hay thù ghét, ta nên kính trọng và biết ơn họ.

Mặc dù trên đây tôi trình bày các ví dụ trích dẫn từ nền giáo lý Phật giáo Đại thừa, nhưng mục đích phát triển tình bạn, anh em chân thật, cũng như lòng từ bi và yêu thương mọi người là điều căn bản được tìm thấy trong tất cả những tôn giáo. Các tín ngưỡng đều giúp tâm con người đạt đến sự thanh tịnh và an lạc, nhưng không nhất thiết một người cần phải theo một đạo giáo để có điều hạnh phúc trên.

Người ta có thể dùng phương pháp tu tập của Phật giáo nhằm rèn luyện các đức tính tốt để có tâm an lạc mà không cần trở thành một Phật tử. Tôi nghĩ những thiện tánh này vốn tự nhiên sẵn có nơi con người. Nếu chúng ta có lòng từ bi, tình thương biết kính yêu mọi người, thành thực và khiêm cung, được vậy chúng ta có thể tự gọi mình đích thực là một con người. Các tính xấu như giận hờn, tham lam, sân hận, ganh ghét và kiêu căng là những kẻ thù chung của chúng ta. Nếu chúng ta muốn trở thành những con người toàn hảo, chúng ta cần phải tu tập, rèn luyện các thiện tính, nhờ đó mà chúng ta tránh khỏi bớt phiền não và khổ đau.

Ngày nay, nhân loại đang phải đối đầu với nhiều vấn đề. Riêng các thiên tai thì chúng ta đành phải chấp nhận và nên tích cực đối phó. Nhưng có những khó khăn do chính con người tạo ra vì các ý nghĩ và hành động xấu ác, thì chúng ta nên cố gắng ngăn tránh. Một vài rắc rối phát xuất từ sự tranh chấp về ý thức hệ hay tôn giáo rồi con người bắn giết lẫn nhau và xem đó như là phương tiện để đạt cứu cánh gây tổn hại cho những kẻ khác.

Mọi tôn giáo và chủ trương chính trị chỉ là các phương tiện để đạt mục đích mang lại hạnh phúc cho con người trong cuộc đời này. Cho nên chúng ta không nên đặt phương tiện lên trên cứu cánh và luôn luôn nghĩ đến quyền lợi của con người vượt trội hơn hẳn vật chất. Những ý thức hệ, đảng phái chính trị và tôn giáo của thế giới đều nhằm giúp nhân loại thành đạt hạnh phúc cho con người.

Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ các bạn thân quen trong những chuyến đi du thuyết của chúng tôi. Về phương diện vật chất, Tây Tạng là một quốc gia vô cùng lạc hậu. Trong quá khứ, dân chúng Tây Tạng chưa bao giờ được hưởng cuộc sống đầy đủ tiện nghi và xa hoa như các bạn tại những nước tân tiến có nền khoa học và kỷ thuật văn minh tiến bộ. Nhưng về mặt tinh thần Tây Tạng rất giàu. Ngoài Phật giáo vốn bắt rễ sâu xa trong lòng dân tộc, nhiều nền khoa học, nghệ thuật và tư tưởng vĩ đại thời cỗ tại các quốc gia láng giềng cũng đã tìm thấy sự phát triển của chúng ở Tây Tạng mà dần dần nó trở thành nơi tụ cư của các nền văn minh Á Châu. Trước khi du hành thuyết giảng, chúng tôi vẫn nghĩ rằng kho tàng tâm linh của Tây Tạng là vĩ đại, và phần đông không ai biết đến sự lạc hậu về đời sống vật chất của chúng tôi.

Điều gây kinh ngạc cho tôi trong chuyến đi khi nhận biết rằng nhiều người Tây Phương đều lo âu về sự tiến bộ vật chất mà quý vị đã có được. Một số đông các bạn đã than phiền chống lại sự phát triển vật chất và trong khi ấy, điều nghịch lý mâu thuẩn là thế giới Tây Phương lại rất hãnh diện vì điều ấy. Tôi thấy không có gì sai lầm khi con người ưu tiên nghĩ đến sự tiến bộ vật chất. Thực vậy, tôi tin tưởng chắc chắn rằng để giải quyết những vấn đề khó khăn của con người trên mọi khía cạnh, chúng ta có thể kết hợp và hòa hợp những tiến bộ vật chất bên ngoài với sự phát triển tinh thần ở nội tâm.

Theo tôi, sự tiến bộ vật chất rất cần thiết, và là một việc tốt vì nó giúp ích cho nhân loại. Điều căn bản và để đạt nhiều lợi ích hơn là chúng ta nên làm cho cân bằng giữa tiến bộ vật chất với sự phát triển tâm linh. Tại các buổi nói chuyện trong những ngày vừa qua với đông đảo thính giả thuộc đủ mọi thành phần, tôi đã nhấn mạnh rằng con người cần được đặt lên trên duy vật chủ nghĩa và chúng ta phải nhận thức rõ về chân giá trị của hạnh phúc con người. Chủ nghĩa vật chất nên phục vụ cho con người chứ con người không phục vụ cho tiến bộ vật chất.

Khi còn nhỏ, tôi đã thích khoa học và kỹ thuật. Tôi nhận thức rằng hơn lúc nào hết hiện nay sự tiến bộ vật chất rất cần thiết cho nhân loại. Cùng lúc tôi cũng tin rằng vật chất giúp đời sống con người thêm tiện nghi, nhưng không mang lại sự an lạc ở nội tâm. Như tôi đã trình bày trên đây, những đức tính tốt của con người như ngay thẳng, thành thực và lòng từ bi không thể dùng tiền bạc để mua hay sản xuất bằng máy móc, mà chỉ phát xuất từ chính nơi tâm của quý vị. Chúng ta có thể gọi đó là ánh sáng tâm linh, phúc lành của Thượng đế hay đức hạnh của con người. Đây là điều thiết yếu của nhân loại.

Nhằm phục vụ lợi ích cho con người, các tôn giáo đã đóng một vai trò rất quan trọng. Mặc dù khác biệt quan niệm về vũ trụ, hay đời sống sau khi chết vân vân, nhưng điều căn bản của các tôn giáo đều giống nhau trong mục đích nhằm phát triển các đức tính tốt nơi tâm các bạn hầu giúp chúng ta có thể trở thành những con người tốt hơn. Nếu muốn nghiên cứu sự khác biệt giữa các tín ngưỡng, dĩ nhiên, quý vị sẽ tìm thấy có rất nhiều vấn đề. Nhưng điều căn bản của tôn giáo là mở rộng tâm hồn, phát triển tình anh chi em ruột thịt, kính mến và yêu thương tất cả mọi người.

Những bạn nào hâm mộ Phật giáo và đã trở thành Phật tử, bởi nhận thấy nó phù hợp với mình, mong quý vị cứ giữ niềm tin như vậy. Vì quyền lợi vật chất hay lý do không còn ưa thích tín ngưỡng bạn đang theo, chúng ta cũng không nên thay đổi tôn giáo. Tôn giáo là phương tiện tốt nhất giúp chúng ta thúc liểm thân tâm để làm các việc lành. Tôn giáo tồn tại không ngoài mục đích hướng dẫn con người kiểm soát tâm của mình nhằm cải đổi những ý tưởng xấu ác như giận hờn, tham lam, ngã mạn, ganh ghét và hận thù trở thành các đức tính tốt. Khi nhận thức bản chất tai hại của những ác niệm, chúng ta cần thực hành tôn giáo để chế ngự, diệt trừ chúng, và theo Phật giáo đại thừa, chúng ta tu tập như vậy không những chỉ lợi ích cho chính mình mà còn cứu giúp được nhiều người khác.

Trong tôn giáo không có biên giới quốc gia hay do con người tạo ra. Bất cứ dân tộc hay cá nhân nào cũng có thể theo tôn giáo khi nhận thấy có lợi ích cho họ. Điều quan trọng của mỗi tín đồ là tự chọn lựa cho mình một tôn giáo thích hợp nhất. Tuy nhiên tôi tin rằng khi một người theo tôn giáo đặc biệt như Phật giáo không có nghĩa là họ chống đối lại tín ngưỡng khác hay quay lưng với chính cộng đồng của họ.

Thực vậy, những ai đã theo Phật giáo, việc chủ yếu là họ không nên cắt đứt liên hệ với đoàn thể của mình mà quý vị nên tiếp tục chung sống với cộng đồng và các thành viên trong đó. Hành động như thế không những chỉ có lợi cho chính bản thân mà còn giúp cho nhiều người khác, bởi lẽ khi từ chối quay lưng với cộng đồng, chúng ta không có cơ hội giúp đỡ cho họ, mà đó chính là mục tiêu căn bản của tôn giáo.

Ở Tây Tạng, có số ít người theo Thiên chúa giáo, nhưng họ vẫn luôn luôn bảo vệ nếp sống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc bản xứ. Một nhà sư Tây Tạng thời xưa có nói câu tục ngữ như sau: “Bạn thay đổi trong tâm, nhưng cố gắng giữ bản chất bên ngoài của mình”. Chúng ta nên kính trọng các tôn giáo. Như tôi đã nói trên mục đích căn bản của những tín ngưỡng đều giống nhau, là thể hiện ý nghĩa chân thực của tình huynh đệ anh em, mở rộng tâm hồn và kính mến mọi người. Nếu từ trong tâm, các bạn phát triển được những đức tính tốt này, tôi nghĩ chúng ta có thể thành đạt sự an bình chân thực.

Trên hết, quý vị nên tưởng nghĩ đến mọi người, và hãy quên bản ngã cá nhân mình đi. Mọi việc làm và suy nghĩ của chúng ta cần hướng dẫn bởi tâm từ bi xót thương những kẻ khác. Để thực hiện tinh thần này, chúng ta phải chấp nhận sự việc đơn giản là bất cứ điều gì các bạn muốn thì người khác cũng ước mong như vậy. Mọi cá nhân đều thích có hạnh phúc chứ không ưa gặp cảnh khổ đau. Trong cuốc sống nếu quý vị ích kỷ với ý đồ lợi dụng kẻ khác nhằm phục vụ cho quyền lợi cá nhân mình thì chúng ta có thể thành công trong nhất thời, nhưng về lâu dài các bạn sẽ thất bại không bao giờ có được hạnh phúc chân thật.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đảng CSVN đang rối beng lên về tình trạng cán bộ tham nhũng quyền lực, nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến dân te tua. Tình trạng này được báo của Trung ương đảng “vạch áo cho người xem lưng” cả trong hai lĩnh vực...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.