Hôm nay,  

Trên Những Đỉnh Cao

25/12/200700:00:00(Xem: 6106)

Tu viện nằm trên một đỉnh đồi khá cao. Nói là tu viện nhưng thực ra chỉ là một trang trại nhỏ vừa được mua lại, dự kiến thiết lập một tu viện Phật giáo. Đất rộng trên mười mẫu tây, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng mười lăm phút lái xe với vận tốc nhanh trên xa lộ.

Xe chúng tôi leo tới đỉnh đồi vào ban đêm. Trời vào thu, khá lạnh. Chỉ có thể từ chỗ đậu xe, đứng nhìn bao quát thành phố từ trên cao trong vài phút rồi vội vã vào trong, tâm tưởng không quên ghi đậm hàng triệu ngọn đèn điện lớn-nhỏ của thành phố tỏa chiếu như một biển ánh sáng bao quanh ngọn đồi.

Sau khóa lễ ngắn, chúng tôi có vài giờ đồng hồ ngồi uống trà, đàm đạo, cho đến hai giờ khuya. Những người tuổi trẻ của hơn hai mươi năm trước, nay đã xấp xỉ trên dưới năm mươi, vẫn còn cơ hội để ngồi bên nhau. Tóc ngả hai màu mà hoài bão và nhiệt huyết năm nào vẫn còn cháy sáng, lặng lẽ, nhưng bền bỉ.

Không đủ phòng ngủ, chúng tôi chia nhau, hai hoặc ba người chung một phòng. Giường của tôi là chiếc giường không bình thường vì có hai tấm nệm dư chồng lên trên, khá cao, ngang với thành cửa sổ. Cửa sổ kính, không màn che, nhìn về hướng tây của thành phố. Nằm nghiêng, không cần rướn người, không cần ngoái cổ hay cất đầu lên, vẫn có thể nhìn thấy một vùng rộng lớn ánh điện thành phố trình hiện ngang tầm mắt. Chưa bao giờ trong cuộc đời lại có một đêm nằm ngắm đèn phố thị đẹp và thơ mộng đến thế!

Đèn phố thị nhìn từ xa, đẹp và huyền ảo như những vì sao. Đã từng có những lúc ngủ ngoài vườn hay sân thượng cao ốc, ngắm sao trời; nhưng chưa bao giờ được nằm trong phòng ngắm sao phố như đêm nay.

Chập chờn giấc ngủ ngắn trên đồi sao, mỗi khi mở mắt là thấy cả một trời ánh sáng lấp lánh giữa đêm đen. Có khi mơ màng không rõ mình đang lạc vào cảnh giới nào, cung trời nào. Đây là trời hay đất" Đây là núi hay biển" Đây là sao hay đèn, là đom đóm hay châu ngọc" Là mây trắng hay sương mù giăng ngang" Sắc vàng, sắc trắng, sắc đỏ, sắc xanh… ngàn sao trên trời cao, thậm chí những giải ngân hà xa xăm huyền nhiệm không hẳn đã đẹp và đa dạng như ánh điện thành phố nhìn từ đồi cao, nhất là trong tư thế nằm nghiêng, quấn mình trong chăn ấm… thú vị vô cùng! Bởi lẽ con người, dù với kỹ thuật tân tiến hiện đại, vẫn chưa thể khám phá, hoặc có thể hình dung được những gì đã và đang xảy ra nơi những vì sao và các giải ngân hà xa cách hàng triệu triệu năm ánh sáng; trong khi đó, nơi những ánh đèn lớn-nhỏ của phố thị, người ta có thể cảm nhận được đời sống của con người, với những hỷ-nộ-ái-ố, những thăng-trầm vinh-nhục, những biến thiên đổi dời, những sinh hoạt rất thực, rất gần gũi của kiếp nhân sinh. Kìa, nơi kia, ánh đèn kia, có thể là từ thư phòng của một văn nhân đang cố gắng viết nốt một đoản văn trước khi đi ngủ; nơi kia, ánh đèn từ một văn phòng của cao ốc, có thể đang có những người dọn dẹp, hút bụi, thay bao rác; nơi kia, ánh đèn mờ, có thể có cặp tình nhân đang âu yếm thương yêu nhau; nơi kia, có người đau khổ đang khóc vì mất mát; nơi kia, có những người đang lo nấu nướng chuẩn bị thức ăn cho nhà hàng ngày mai; nơi kia, có những người bạn thâm giao đang ngồi chuyện trò thâu đêm bên những chung trà hay cốc rượu; và nơi kia, nơi kia, nơi kia, trong những căn phòng và căn nhà đèn điện đã tắt, là những con người, từ người già đến bé sơ sinh, đang chìm trong giấc ngủ đêm thu…

Nhưng điều tuyệt vời nhất là không khí tịch mịch lặng lẽ của biển ánh sáng bao quanh. Trong khi muôn triệu ngọn đèn đồng lúc tỏa chiếu ánh sáng của chúng, không có thứ âm thanh nào được cất lên. Tất cả những ồn ào huyên náo của phố thị hầu như đã bị bỏ lại từ khi chúng tôi lên đến đỉnh đồi; và giờ đây, khi thành phố chìm vào giấc ngủ, lại qua lớp kính trong thật kín của cửa sổ, sự im lặng còn sâu lắng và mênh mông diệu kỳ hơn.

Âm thanh là sóng của im lặng. Ồn ào, thịnh nộ như thế, nhưng rồi sẽ tan biến thật nhanh. Chỉ có sự im lặng là ở lại lâu dài.

Ánh sáng là sóng của bóng tối. Tỏa chiếu, rạng ngời như thế, nhưng nếu không liên tục thắp lên và gìn giữ, bóng tối sẽ tràn ngập.

Con người vẫn chuộng âm thanh và ánh sáng, luôn có khuynh hướng khuếch đại chúng lên ở mức tối đa mà họ có thể làm được. Nhưng nỗ lực ấy của họ thường khi chỉ tạo những mâu thuẫn, xung đột thay vì là sự chan hòa, tương giao. Lẽ ra nên im lặng thì lại nói thật nhiều. Lẽ ra nên thắp sáng thì lại vùi trong bóng tối và phá hủy ánh sáng của kẻ khác.

Nhìn gần, những ngọn đèn thắp sáng bên nhau, tỏa những sắc màu dị biệt; có khi tỏa cho riêng nó, có khi giao thoa với những đèn khác. Ngọn đèn nào cũng có cõi riêng của nó, không cái nào giống cái nào. Mỗi điểm sáng là một viên ngọc, không tự biết rằng nó đan kết với hàng triệu điểm sáng khác trong vũ trụ tịch mặc u huyền.

Chỉ khi nào nhìn từ đỉnh cao và nhìn từ xa, tất cả điểm sáng đều như nhau, như những đợt sóng vươn dậy từ nền của đêm, từ biển của bóng tối. Trên chóp đỉnh của tôn giáo, triết lý, học thuật và nghệ thuật, tất cả âm thanh và ánh sáng, tất cả những náo động, vọng động, loạn động, manh động, kích động, bạo động… đều trở về với nỗi bình yên, lặng lẽ.

Trong Lời Mở Đầu cho thi phẩm mới nhất của mình, nhà  thơ Phạm Công Thiện có trích một câu thơ của Goethe (Ueber allen Gipfeln Ist Ruth) và dịch như sau:

“Trên tất cả những đỉnh cao là bình yên.”

Câu thơ ấy gợi ý để đặt nhan đề cho thi phẩm của ông, “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im.” Tôi rất thích nhan đề ấy. Một nhan đề đầy triết lý. Có thể từ đó mà nghiệm ra nhiều lý lẽ, từ trừu tượng cao thâm đến thực tế gần gũi.

Trên tất cả những đỉnh cao là Lặng Im. Trên tất cả những đỉnh cao là Bình Yên. Trên tất cả những đỉnh cao là Dung Hợp. Trên tất cả những đỉnh cao là Đồng Nhất. Trên tất cả những đỉnh cao là Vĩnh Cửu.

Từ suy nghiệm như thế, tôi ước mong tất cả ánh sáng có được của trần gian hãy được thắp lên, dù là ngọn hải đăng rực sáng hay chỉ một que diêm le lói, hãy cứ thắp lên. Đừng nguyền rủa bóng tối mà hãy thắp sáng lên. Ngạn ngữ tây phương và đông phương đều có chung ý tưởng đó. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm để thắp sáng cho trần gian u tối. Ánh sáng của từ bi, bác ái, nhân từ, khoan dung. Ánh sáng của Chân, Thiện, Mỹ. Ánh sáng của minh triết, nghệ thuật, văn hóa, giáo dục, từ thiện… hãy cùng thắp lên, dù yếu ớt hay rực rỡ, hãy cứ thắp lên. Mỗi người, bằng khả năng và từ vị thế của mình, hãy sáng lên như một ngọn đèn. Không ngăn cản, không lấn lướt, không đối chọi hay cố ý hủy diệt ánh sáng của kẻ khác. Chức năng thực sự của ánh sáng là xua đi bóng tối (của tham lam, thù hận, và cuồng si đang phủ trùm cuộc đời), chứ không phải là triệt hủy ánh sáng khác. Ánh sáng không loại trừ nhau. Từ xa và trên cao, sự giao thoa của muôn triệu ngọn đèn tạo nên cả một biển ánh sáng rực rỡ, diễm lệ. Các loại ánh sáng đều có thể cùng lúc sáng lên, hoặc nối tiếp nhau sáng lên, không gì ngăn ngại.

Bạn hãy cứ nói, cứ thắp lên ánh sáng của bạn, đừng lo sợ ánh sáng của kẻ khác có thể làm lu mờ mình đi; cũng đừng cố gắng trùm lấp ánh sáng của kẻ khác. Bởi vì, dù cho bạn sáng rực như đèn pha thì ánh đèn nhỏ trên lối đi hành lang vẫn cứ tỏa ánh sáng khiêm nhường của nó để giúp kẻ khác thấy đường; hoặc cho dù ánh sáng của bạn chỉ như ánh sáng của đom đóm, thì đó vẫn là ánh sáng của bạn, không ai có thể phủ nhận được. Ánh sáng nào cũng có giá trị và cái đẹp riêng của nó. Điều quan trọng là tự thân của mỗi người chúng ta, hãy tự thắp lên ngọn đuốc của mình, hãy sáng lên bằng tất cả năng lượng hàm tàng của mình để dâng tặng cuộc đời.

Buổi sáng thức dậy, vẫn trong tư thế nằm nghiêng, tôi thấy thành phố tràn ngập ánh mặt trời, dù đâu đó mây và sương mù vẫn còn giăng phủ. Thành phố hiện rõ nét với những cao ốc và những ngôi nhà, công viên, đường xá, xe cộ nườm nượp, và những trụ đèn... Những nơi không cần đèn, sẽ không cần phải thắp. Không phải lúc nào cũng cần phải cất lên âm thanh, cũng không phải lúc nào cũng phải đốt sáng. Âm thanh, ánh sáng, đều vô thường. Chúng xuất hiện và tan biến theo nhân duyên và theo nhu cầu của con người, và cuộc đời.

Dù vậy, nơi đỉnh cao này, hàng triệu con người trong thành phố bao quanh, vẫn chỉ hiện hữu trước mắt tôi trong nỗi bình yên, lặng lẽ.

Trên tất cả những đỉnh cao đều như thế, là như thế.

San Jose, California, 15 tháng 12 năm 2007.

(Nguồn: Pháp Vân, http://phapvan.ca; Vĩnh Hảo, www.vinhhao.net.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.