Hôm nay,  

Cái Dũng Của Vị Hòa Thượng

18/10/200700:00:00(Xem: 8239)

"Ngục thất dầu sôi thành cam lộ

Lao tù lửa bỏng hóa hồng liên

Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi

Đạo pháp suy vi: bởi lẽ trời

Thấy kẻ phá chùa: khoanh tay đứng

Nhìn người đập tượng: nhắm mắt ngồi

Bắt bớ Tăng Ni: thây mẹ nó

Giam cầm Phật tử: mặc cha đời

Miễn được yên thân là khôn đấy

Can chi ậm oẹ để thiệt thòi"

Tôi đọc những dòng thơ tù của Hòa thượng Thích Quảng Độ thấy xót xa cho quê hương ngày hôm nay, vào thế kỷ 21 này trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã theo định chế tự do dân chủ, tôn trọng nhân quyền thì Việt Nam vẫn còn bị một thiểu số người ôm giữ quyền lực theo cung cách luật rừng khi cai trị đất nước. Vì đất nước không có tự do nhân quyền thì người thất phu trong xã hội phải đứng lên tranh đấu dành quyền sống cho nhân dân, thi huống hố chi những vị tu sĩ, họ có trách nhiệm với lương tâm và đạo pháp là phải xả thân bảo vệ, cứu lấy con chiên, đạo hữu hay phật tử của họ. Với Phật giáo, người tu sĩ phải sống với 3 yếu tố của đạo pháp: Bi, Trí, Dũng.

Tôi đọc nhiều bài viết, nhiều tài liệu về Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Ngài đã chia sẻ những quan tâm đến nỗi cơ cực của người dân như những nạn nhân của thiên tai bão lụt, những người dân oan khiếu kiện bị mất nhà cửa, mất đất đai vì những tham lam, những nhũng lạm của cơ cấu nhà cầm quyền bất tài, bất lương. Ngài xả thân đến với những người dân nghèo khổ, những người dân thấp cổ bé miệng chịu thiệt thòi trong xã hội. Con tim ngài bao dung, quảng độ như pháp danh mà ngài mang. Ngài chính là một dũng sĩ trên những mặt trận của khổ đau.

Đầu năm 1995, Hòa Thượng Thích Quảng Độ lên tiếng phản đối việc bắt giam trái phép phái đoàn cứu trợ đồng bào nạn nhân lũ lụt của Giáo hội. Vì việc này mà Ngài đã bị bắt giam từ ngày 4/1/1995. Sau hơn 8 tháng bị giam giữ, ngày 15/8/95 Hòa Thượng Thích Quảng Độ bị CS kết án 5 năm tù ở, trong một phiên tòa không có luật sư biện hộ, không có báo chí quốc tế tham dự, và không có thân nhân chứng kiến. Sự kiện này đã gây ra một làn sóng bất mãn phản đối mạnh mẽ trong dư luận ở trong và ngoài nước. Đứng trước những thảm cảnh lũ lụt tàn phá thiên nhiên, người dân điêu đứng, nhà cầm quyền lơ đãng, Giáo Hội Phật Giáo qua Hòa thượng Quảng Độ dang tay ủy lạo, cứu tế, để rồi ngài bị kết án hành động không có phép của nhà cấm quyền.

Lời buộc tội vô lý của CS Việt Nam không chùn bước chân ngài, hình như nơi đâu nhân dân kêu cứu là nơi đó có những tiếng gọi đáp ứng của ngài. Ngài đứng lên vì lương tâm và công lý, ngài chấp nhận những oan khiên, những lưu đày, những tù đày, những quản thúc như tù giam lỏng. Tôi đọc thơ ngài sáng tác với sự chia sẻ dạt dào, với nỗi ray rứt cảm thông:

"Những lúc trầm tư nếm vị thiền

Lâng lâng không bợn chút ưu duyên.

Ngục thất dầu sôi thành cam lộ

Lao tù lửa bỏng hóa hồng liên.

Gông cùm giam hãm ngoài tam giới

Xiềng xích buộc ràng với cửu thiên

Sống chết vui buồn tâm tự tại

Cành dương rửa sạch nghiệp oan khiên."

(Mùi Thiền, trang 79, tuyển tập "Thơ Tù", H.T.  Quảng Độ, 2006)

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ủng hộ người dân lành trong cuộc khủng hoảng lòng dân, vì nhân tâm khiếu kiện tài sản, những chống đối của dân oan bé miệng bị cướp nhà, cướp đất ngay từ khi CS thống trị đất nước bằng vũ lực, bằng bạo ngược răn đe, và bằng sắt máu khủng bố. Họ khước từ quyền tư hữu của người dân, họ nhẫn tâm cướp của trắng trợn đất đai để bán cho thương nhân ngoại quốc đầu tư xây hảng xưởng. Trước những oan khiên điêu đứng của Dân oan, Phật Giáo đến với Dân oan là nhu cầu quan yếu, là tất yếu lịch sử. CS quy kết cho PGVNTN đã khích động Dân oan, họ lên án Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Trên tờ báo Công An Thành Phố, số 1575, thứ năm 06, tháng, 2007, tác giả Gia Phúc đã hỗn xược, mạ lỵ bêu xấu ngài trong liên tiếp 3 số báo, bài mang tựa "Thích Quảng Độ - người hám lợi, tham danh":

"Cũng qua việc này, HT Quảng Độ cũng muốn dùng tiền để gây thêm thanh thế cho tổ chức GHPGVNTN, một tổ chức về mặt lịch sử, pháp lý đã không còn tồn tại. Ngày 18-7-2007, những người khiếu nại do đã được đại diện các cơ quan chức năng giải thích thỏa đáng nên tự giải tán, trở về các địa phương. HT Quảng Độ đã không thực hiện được âm mưu dùng tiền gây rối của mình, vì thế ông ta sắp đặt một kế hoạch mới. Ngày 23-8-2007, lại cử một đệ tử khác là Thích Không Tánh, mang 300 triệu đồng ra phân phát và xách động bà con tập trung khiếu kiện tại trụ sở tiếp dân trên đường Cầu Giấy, Hà Nội. Nhưng âm mưu này đã sớm bị các cơ quan chức năng phát hiện, vô hiệu hóa. Không Tánh bị đưa trở lại TPHCM. Hoạt động gây rối xã hội của HT Quảng Độ và các đệ tử đã được lên kế hoạch rất công phu; có phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phản động ở nước ngoài."

Người dân trong nước biết những luận điệu bịp bợm, mánh lới rẻ tiền kiểu bồi bút Tố Hữu này. Ông Quốc Bảo, một Dân oan đã phẩn nộ về những gì Gia Phúc viết như sau:

"Tôi cay đắng vì nhận thấy lòng tôn kính và đức tin của một phần tử bị xúc phạm thô bạo bởi một ngòi bút tầm thường bị bẻ cong. Thủ phạm chính là nhà báo mang bút danh Gia Phúc. Từ những dòng suy nghĩ bình thường của một Dân oan đang đi khiếu kiện tại thành phố này. Tôi thấy có trách nhiệm và mạo muội viết đôi dòng xin phản biện từng phần của bài báo nêu trên, mà tác giả Gia Phúc đã nhằm mục đích bêu xấu một nhà sư có tấm lòng cao cả như Hòa thượng Thích Quảng Độ. Một nhà sư đang được toàn thể phật tử trong nước và lương tri tiến bộ trên thế giới tôn kính, hết lòng ca ngợi."

Một người khác viết bài đả kích những sai lầm của chế độ CS, và ông buộc CS phải xin lỗi Hòa thượng Quảng Độ trong bài "Việt Cộng phải xin lỗi Hòa thượng Thích Quảng Độ":

"Rõ ràng là Cộng sản Việt Nam đang hành xử tư cách của một tập đoàn "vừa ăn cướp vừa la làng" một cách bỉ ổi. Thứ nhất, vấn đề dân oan khiếu kiện không chỉ mới xảy mà đã có từ nhiều thập niên vừa qua, nhưng Cộng sản Việt Nam đã không hề giải quyết hay chỉ giải quyết lấy lệ. Có hai lý do mà đảng Cộng sản Việt Nam không thể nào giải quyết vấn đề dân oan. Một là những ruộng đất của dân đã bị cán bộ sang đoạt một cách trắng trợn trong thời kỳ Cộng sản Việt Nam bắt mọi người phải tham gia vào hợp tác xã. Sau khi hợp tác xã giải tán, cán bộ đã lấy những ruộng đất tốt chia cho thân nhân. Hai là những ruộng đất bị nhà nước giải tỏa với giá rẻ mạc để trao cho các công ty liên doanh khai thác và thiết lập các khu công nghiệp, khu giải trí nên không thể nào lấy trả lại cho dân. Chính vì vậy mà Cộng sản Việt Nam đã chọn thái độ làm ngơ. Miệng thì nói phải giải quyết, nhưng thực chất, cán bộ đã không làm bất cứ điều ngoài việc ngồi nhận đơn hay bác đơn. Dân chúng rất bất mãn và đã rủ nhau lên khiếu kiện tập thể tại các văn phòng chính phủ trong cảnh màn trời chiếu đất...

Do đó, nếu Hà Nội thực tâm muốn giải quyết vấn đề dân oan khiếu kiện thì hãy chấm dứt các bài báo tấn công Giáo Hội và công khai xin lỗi Hòa Thượng Thích Quảng Độ. (Trung Điền)"

Bồi bút Gia Phúc làm tôi nhớ lại văn hào lãnh giải Nobel 1958 là Boris Pasternak đã lớn tiếng chỉ trích nhà cầm quyền lãnh đạo bởi Josef Stalin về những âm mưu kết án ông rất hèn hạ, đê tiện do bộ máy cầm quyền CS: "Sát nhân ư " Tội nào người ta đã kết án tôi " Có phải chỉ vì tôi đã vạch trần cho thế giới thấy những giọt nước mắt oan khiên rơi trên quê hương đáng yêu của tôi".

Với văn hào Alexander Solzhenitsyn 1970 có kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản Liên Xô, nhà văn được giải Nobel này nhấn mạnh: "Chế độ độc tài ngày nay không thể chỉ dùng bạo lực để tồn tại. Bạo lực không đủ. Độc tài phải luôn luôn kèm theo dối trá. Vì vậy các chế độ độc tài luôn tìm cách kiểm soát các phương tiện thông tin."

Trong Thông Bạch Vu Lan 2549, Ngài Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã viết:

“Thế giới mênh mông, địa ngục cũng mênh mông. Ở đâu có khổ đau, ở đấy có địa ngục; ở đâu có ác tâm, ở đấy có địa ngục; ở đâu có đàn áp nhục hình, ở đấy có địa ngục; ở đâu ý chí và ngưỡng vọng con người bị vùi dập, ở đấy có địa ngục. Trong ý nghĩa về địa ngục như thế, người Phật tử biết rằng nếu không có tâm Đại Bi, thì không thể nào giải thoát chúng sinh ra khỏi loại địa ngục... Trong xã hội đầy dẫy tệ đoan ngày nay, đơn vị gia đình đang bị hủy hoại. Lòng hiếu thuận biến thành niềm tham kuyến hiếu lợi. Tiền tài, danh vọng làm thước đo cảnh sống trăm năm hư ảo. Cha mẹ, tổ tiên, tổ quốc... đang là những chiếc bóng mờ thiên di ra khỏi trái tim và trí não con người. Đây chính là địa ngục thường trực vây kín con người xã hội ngày nay... Phải sống và chết trong Hiếu hạnh thì mới thánh hóa những kiếp đời và tịnh hóa nhân gian. Hiếu hạnh với Đức Thế Tôn là truyền thừa chánh pháp; hiếu hạnh với tổ tiên là bảo vệ con người của nòi giống; hiếu hạnh với cha mẹ trong hiện tại, quá khứ hay vị lai là phục vụ chúng sinh. Bằng Hiếu hạnh mà Phật tử Việt Nam góp phần tích cực đòi lại Nhân quyền cho người sống và Linh quyền cho người chết. Thực hiện Hiếu hạnh tức đem tâm Đại Bi mà che chở, đem tâm Đại Từ  mà làm lợi ích, đem tâm Vô Úy mà bảo vệ con người và chúng sinh trong thời đại hiếu sát, bức hiếp ngày nay ...”

Tôi đọc bản tin trên nhật báo thì để thăm hỏi đồng bào Dân oan khiếu kiện, lần thứ nhất, 13.7, sáng thứ ba ngày 17.5, đích thân Hòa thượng Thích Quảng Độ đã dẫn đầu Phái đoàn Viện Hóa Đạo đến thăm, ủy lạo và tiếp tế cho tập thể Dân oan khiếu kiện tại tiền đình Văn phòng Quốc hội II ở số 194 đường Hoàng Văn Thụ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Hòa thượng Viện trưởng cùng chư Tăng xuất phát từ những ngôi chùa khác nhau, đi riêng lẻ và cùng trực chỉ đến nơi hẹn là Văn phòng Quốc hội II vào lúc 10 giờ sáng. Được thông báo Hòa thượng Thích Quảng Độ đến thăm, đồng bào Dân oan khiếu kiện tập trung đông đảo hàng trăm người tiếp đón, đứng chật sân tiền đình Quốc hội. Qua loa phóng thanh cầm tay, Hòa thượng dõng dạc thay mặt Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội ngỏ lời thân ái chào hỏi tâm tình cùng đồng bào Dân oan khiếu kiện tập trung về từ 19 tỉnh và 9 quận thành phố Sài Gòn. Những trích đoạn quan trọng Hòa thượng phát biểu với đồng bào trong cuộc nói chuyện nửa giờ đồng hồ là:

"Tôi đến đây ngỏ lời thăm hỏi sức khỏe đồng bào, để chia sẻ nỗi thống khổ, tủi nhục của đồng bào. Vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng là nạn nhân của chế độ như đồng bào. Giáo hội chúng tôi cũng bị cướp đoạt tất cả mọi cơ sở, từ giáo dục, từ thiện cho đến chùa viện. Ngay ở thành phố Sài Gòn này, ngôi chùa gọi là Việt Nam Quốc tự, gồm mười một hecta đất, họ đã lấy từ sau năm 75 rồi. Họ lấy hết, bây giờ chỉ còn ngôi tháp trên mảnh đất vài nghìn thước mà thôi. Họ xây lên đấy một rạp hát rất lớn, rồi hồ bơi, v.v... làm nơi du hí, người ta phóng uế khắp nơi trên ấy. Tôi thấy đây là sự tủi nhục cho văn hóa Việt Nam.". Ngài nói tiếp:

"Giáo hội chúng tôi cũng đã từng khiếu kiện suốt ba mươi năm qua. Cho đến nay đã có cả nghìn bức văn thư khiếu kiện, mà họ không hề phản hồi một văn thư nào, không giải quyết gì cả. Họ coi dân như cỏ rác. Cho nên Giáo hội chúng tôi cũng đồng cảnh ngộ với đồng bào đi khiếu kiện ở đây. Vì vậy mà chúng tôi đến đây chia sẻ nỗi thống khổ đó. Chúng tôi mong rằng tình trạng như thế này sẽ không còn tồn tại ở trên đất nước này.”.

Trích đoạn cuối:

"Muốn cho tình trạng này không còn xẩy ra nữa, thì chúng ta phải đòi hỏi cho bằng được nhân quyền, công lý và công bằng xã hội. Buộc họ phải trả lại cái quyền sống và quyền làm người cho ta, là vấn đề quan trọng nhất. Muốn như thế, thì phải chấm dứt cái nạn độc quyền cai trị. Bởi vì độc quyền nó đưa đến bao nhiêu thối nát và bất công như thế này đây... Phải đòi hỏi một chế độ đa nguyên, đa đảng, đại diện đầy đủ cho 80 triệu dân. Chứ chỉ có một đảng thì không thể giải quyết được gì cho 80 triệu dân.Mỗi người góp một phần, chúng ta tiếp tục đòi hỏi cho bằng được tự do, nhân quyền và công lý".

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã nhận định về nạn Dân oan và Hòa Thượng Thích Quảng Độ như sau:

"Về điểm 2: Việc các vị chân tu tham gia trợ giúp những cảnh đời lầm than của dân oan không chỉ thể hiện một trách nhiệm công dân mà đó cũng chính là thể hiện tấm lòng từ bi của Đạo Phật, thể hiện phẩm hạnh đầu tiên của Phật tử là tấm lòng Hiến tặng. Không kể đến những người tu hành, là một người bình thường cũng phải biết rung động, xót xa trước những cảnh thiệt thòi, oan khuất của đồng bào, đồng loại. Thể hiện một thái độ ủng hộ "một chế độ đa nguyên, đa đảng, đại diện đầy đủ cho 80 triệu dân" (trích lời Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ) là việc làm cần thiết của mọi người yêu chuộng tự do, lo lắng cho cuộc sống chung của cả cộng đồng, đó cũng chính là tinh thần Đạo Bát chính của Phật pháp trên con đường diệt trừ "Vô minh". Trong khi nhiều phật tử khác của Nhà nước hiện nay luôn phải xưng tụng khẩu hiệu "Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội", đó có thể là tâm niệm của một số phật tử, chúng ta tôn trọng trên tinh thần tự do, nhưng đáng tiếc nếu ai đó vẫn còn ủng hộ cho một chủ nghĩa phi khoa học đã bị thực tế loại bỏ thì con đường diệt trừ "Vô minh" sẽ phải dài thêm ra thôi...

Về điểm 4: Việc nói những người đi giúp đỡ dân oan là kích động dân chúng gây rối là một âm mưu vu khống nhằm đe dọa những tấm lòng từ thiện và cô lập, đẩy những người dân oan vào bước đường cùng. Chúng ta hãy xem lại những lời tâm tình của Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ khi đến với hàng trăm dân oan tại Sài gòn ngày 17/07/2007: "Yêu cầu chính phủ phải giải quyết cho đồng bào thỏa đáng, đừng để cho đồng bào phải tiếp tục sống trong khổ cực. Xin đồng bào đừng vì quá bức xúc mà làm những chuyện quá khích". Ông viết tiếp,

“Bất kỳ một Nhà nước văn minh nào cũng phải đảm bảo cho người dân thể hiện những bức xúc, bất bình của cá nhân hoặc tập thể một cách công khai, ôn hòa và phải coi đó là một cơ chế cảnh báo sớm các sai lầm trong quá trình vận hành của xã hội. Những người giúp đỡ về tinh thần, hiểu biết, tạo điều kiện về vật chất và phương tiện cho những người muốn thể hiện bức xúc (nhân dân khiếu kiện chẳng hạn) cần phải được khuyến khích và bảo vệ... Việc Viện hóa đạo thuộc Giáo hội phật giáo Việt nam thống nhất có một "quĩ cứu tế dân oan" tới vài trăm triệu đồng cũng cho thấy khi một Hội đoàn hay một cá nhân không được Nhà nước ủng hộ, nhưng có tấm lòng quảng đại cứu giúp những dân oan thiệt thòi vẫn có thể nhận được sự ủng hộ, đóng góp từ đồng bào Việt nam ở khắp nơi. 300 triệu đồng Viện hóa đạo thuộc Giáo hội phật giáo Việt nam thống nhất dự định gửi giúp tới những dân oan tại Hà nội ngày 23/08/2007 vừa qua là một số tiền lớn so với gia sản của một cá nhân bình thường, nhưng chỉ là con số rất nhỏ so với những thiếu thốn, nhu cầu của những người dân đang khiếu kiện và cũng là nhỏ so với số tiền "lót tay" hay "giải trí" của một số đảng viên cộng sản đã phải hầu tòa trong thời gian gần đây, nhưng việc chuyển số tiền đó tới đồng bào đã bị chặn lại ngay trước những bàn tay đang cần giúp đỡ. Chính những người dân oan sẽ là người hiểu hơn ai hết ai là người vì dân ai là người đang có những hành động "phản dân hại nước".

Ông kết thúc bài viết: "Một chính quyền có thể dùng các biện pháp mạnh để giấu bớt đi những bức xúc, bất công của xã hội trong một thời gian, nhưng điều đó chưa bao giờ là giải pháp làm cho xã hội ổn định hơn. Một hệ thống truyền thông do chính quyền kiểm soát có thể tạo ra một làn sóng thông tin sai lệch, nhưng sẽ chỉ làm gia tăng hiệu ứng ngược khi chính quyền đó đã mất tín nhiệm nơi dân chúng. Những người dấn thân đứng về phía những nạn nhân của một chính sách, một chính thể có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng phía sau họ luôn là đông đảo đồng bào họ và những người yêu chuộng tự do, công lý."

(Theo “Những Luận Điệu Vẫn Ấu Trĩ, Phản Tiến Bộ”, BS Phạm Hồng Sơn)

BS Nguyễn Đan Quế viết bài "Nông Thôn Vùng Dậy". Tôi xin trích đoạn như sau, về diễn tiến nội vụ:

"Tình trạng một số người dân tập trung về Sài Gòn và Hà Nội khiếu kiện vượt cấp diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Mới đây ngày 22 tháng 6, 2007, bà con ở các tỉnh miền Nam từ Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Bình Long, Bình Phước đến Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng gồm khỏang 19 tỉnh cùng nhiều quận ngoại thành Sài Gòn lại kéo nhau đến Văn Phòng 2 Quốc Hội ở số 194 đường Hoàng Văn Thụ, Quận Phú Nhuận, Sài Gòn căng lều bạt nhất quyết ngồi lì khiếu kiện dài ngày, đòi chính quyền trung ương phải giải quyết những khiếu nại bức xúc của dân oan. Cuộc biểu tình kéo dài gần một tháng, không một ngày ngừng nghỉ, ít là 300- 400 người, có lúc cả ngàn người, trương nhiều bích chương, biểu ngữ phản đối nhà cầm quyền địa phương cướp đất và tố đích danh các tham quan. Lực lượng công an chìm nổi khá đông, vây quanh vòng đai. Người dân Sài Gòn mang mì ăn liền tiếp tế cho đồng bào bị công an chặn lại không cho. Ngày 17-7-2007 Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã hướng dẫn một phái đoàn chư tăng đến thăm hỏi và ủy lạo dân oan một số tiền lớn."

Nạn Dân Oan là khối ung nhọt của chế độ CS, tác giả phân tích về nguyên nhân như sau:

"Chín mươi phần trăm các vụ khiếu kiện là do chính sách sai lầm về đất đai của nhà cầm quyền, chính sách đền bù khi đất đai bị thu hồi không công bằng, không hợp lý và nhất là nhiều cán bộ địa phương tham lam, tham nhũng và dùng cường quyền bắt nạt, cướp đất của người dân thấp cổ, bé miệng. Dân oan đã khiếu nại hàng chục năm nay, chính quyền địa phương không giải quyết, buộc họ phải vượt cấp đến khiếu nại với trung ương. Nhưng trung ương lại cương quyết trả họ về cho địa phương giải quyết, và còn đe dọa tỉnh nào để dân về Sài Gòn hay Hà Nội biểu tình, thì những cán bộ cầm đầu sẽ không được bầu vào trung ương kỳ tới.

Nguyên nhân chính của vấn đề là do quyền tư hữu của người dân bị nhà nước tước đoạt. Tất cả đất đai được quy định là thuộc quyền sở hữu của nhà nước, còn người dân chỉ có quyền thuê xử dụng mảnh đất đó mà thôi. Nhà nước Cộng Sản có thể thu hồi bất cứ lúc nào, đền bù với gía rẻ mạt, thấp hơn gía thị trừng rất nhiều, cả vài chục lần cũng có, và trong nhiều trường cướp trắng không đền bù, lấy cớ giải tỏa để xây dựng chương trình có lợi ích công cộng, nhưng sau khi phù phép các đất đai trưng dụng lại lọt vào trong tay cán bộ hoặc gia đình cán bộ. Nỗi bức xúc đã chồng chất từ nhiều năm đến nay bộc phát mạnh."

Về mặt giai cấp nông dân tại Việt Nam ông lý luận tiếp:

"Những vụ tranh chấp khiếu kiện về đất đai và tài sản ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và phát triển kinh tế của đất nước. Thật thế, nông dân chiếm khoảng 85% dân số và chiếm 75% lực lượng lao động (43 triệu) của cả nước. Hiện có 10 triệu lao động nông thôn thất nghiệp, đa số là nam nữ thanh niên. Trong chiến tranh, lợi dụng những chiêu bài.như chính quyền của giai cấp vô sản, nông dân, công nhân là lực lượng tiên phong của đảng...đảng đã bắt nông dân, công nhân chịu đựng gian khổ, hy sinh xương máu nhiều nhất. Trong hòa bình, họ lại một lần nữa bị hy sinh và chịu thiệt thòi hơn cả. Sau khi gia nhập Tổ Chức Giao Thương Quốc Tế (WTO), đầu tư và buôn bán với các nước trên thế giới gia tăng mạnh, nhu cầu lấy đất nông nghiệp cho các công ty ngoại quốc xây nhà máy là rất lớn... Hậu WTO, nông dân bị thiệt hại nhiều nhất và bị bỏ lại đằng sau, không được hưởng ích lợi gì trong tiến trình hội nhập. Bất mãn sôi sục trên khắp các vùng nông thôn cả nước, tiềm năng bùng nổ một cuộc cách mạng về quyền sở hữu đất đai là rất lớn. Những cuộc biểu tình khiếu kiện của dân oan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Kinh tế Việt Nam đang trên lò lửa, hoàn toàn không có chuyện ổn định như nhà cầm quyền Cộng Sản vẫn tuyên truyền mời gọi giới đầu tư.". (BS Nguyễn Dan Quế, Cao Trào Nhân Bản Việt Nam)

Trong một cuộc phỏng vấn ký giả Nguyên Khôi trên Đài Quê hương trong chương trình phát về Việt Nam đã hỏi Linh mục Phêro Phan Văn Lợi nói về Lời kêu gọi cho Dân chủ đa nguyên của Hòa thượng Thích Quảng Độ, LM. Lợi bình luận như sau:

"Về thái độ của Hòa Thượng Thích Quảng Độ thì tôi xin bày tỏ sự cảm phục của tôi về sự can đảm của Hòa Thượng, về ý chí sáng suốt và về ý thức trách nhiệm của Hòa Thượng. Sự can đảm là cho dù đã trải qua bao nhiêu năm tháng ngục tù quản chế, và hiện cũng đang nằm trong tình trạng quản chế, nhưng mà Hòa Thượng vẫn không ngừng lên tiếng, lên tiếng không mỏi mệt cho tự do tôn giáo và tự do dân chủ tại quê nhà, dù biết rằng bao nhiêu nguy hiểm có thể rình chực mình. Đó là sự can đảm đáng làm gương cho mọi người. Tôi cảm phục ý chí sáng suốt của Hòa Thượng. Hòa Thượng đã nhận rõ tình thế và truy nguyên được tất cả mọi tệ nạn xã hội tại Việt Nam. Hòa Thượng đã cho thấy rằng tất cả sự tụt hậu về kinh tế, suy đồi về đạo đức, xuống cấp về giáo dục và về mọi mặt, không phải là hậu quả của chiến tranh, không phải là do quản lý chưa được chặt chẽ, do những thế lực ngoại thù và nội thù, hay là do chưa có đường lối đúng đắn như các nhà lãnh đạo Cộng Sản thường đưa ra để trốn tránh trách nhiệm. Hòa Thượng thấy rằng tất cả cái tệ hại trong xã hội Việt Nam bây giờ chỉ phát xuất từ một chỗ mà thôi, đó là sự độc đảng, độc tài toàn trị mà đảng Cộng Sản Việt Nam đang thực thi, đang tự cho mình là người có quyền quyết định vận mệnh của dân tộc, đưa ra mọi đường lối và bắt tất cả phải theo dù rằng những hậu quả trước mắt cho thấy đã hoàn toàn sai lầm và tai hại. Chúng tôi cũng rất cảm phục ý thức trách nhiệm của Hòa Thượng. Ngài thật là một vị lãnh đạo tinh thần rất xứng đáng, Ngài đã nói rằng các vị tu sĩ không làm chính trị, nhưng phải có lập trường chính trị. Điều đó chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Các tu sĩ Phật Giáo, Công Giáo hay của mọi tôn giáo khác dù không tham gia vào chính trường nhưng mà cũng phải có một thái độ chính trị, phải thực thi chức năng là làm công việc giáo hóa cho mọi người, nhất là phải giáo hóa cho những nhà cầm quyền. Bởi vì tự bản chất, các tôn giáo là nhà giáo dục của quần chúng, là lương tâm của xã hội. Hòa Thượng đã thử nghiệm truyền thống, nối tiếp truyền thống của bao nhiêu vị quốc sư Phật Giáo rất là thời danh trong lịch sử Việt Nam để mà góp tiếng xây dựng cho đất nước, dân tộc qua chuyện đưa ý kiến với nhà cầm quyền, nhất là nhà cầm quyền Cộng Sản hiện nay."

Về ý kiến thứ 2 là nội dung lời kêu gọi của Hòa Thượng Thích Quảng Độ thì LM Lợi nói tiếp: "Về lời kêu gọi này ta thấy có 3 điểm. Đó là lời kêu gọi rất đúng lúc. Thứ 2, lời kêu gọi rất hợp lòng người, thuận lòng trời. Và thứ 3 là lời kêu gọi mang đầy tính nhân đạo, nhân bản. Lời kêu gọi đó đúng lúc là bởi vì đất nước lúc nầy hơn bao giờ hết cần có dân chủ đa nguyên, đa đảng để có thể hội nhập vào cộng đồng thế giới, để có thể đi vào trào lưu dân chủ tiến bộ của khắp hoàn vũ, để có thể tham gia những tổ chức quốc tế như là Tổ chức Thương mại quốc tế chẳng hạn như vậy. Chính vì thấy thái độ, lập trường độc đảng, chính sách độc tài đã làm cho đất nước ra tụt hậu. Vì vậy mà lời kêu gọi của Hòa Thượng rất đúng lúc. Lời kêu gọi đó rất hợp lòng người và thuận lòng trời, bởi vì nhân dân Việt Nam đã quá chán ngán, đã quá phẫn nộ khi thấy tình trạng đất nước bây giờ, đặc biệt sau 30 năm mà đảng Cộng Sản không làm được một cái gì gọi là tiến bộ ích lợi thực sự về mặt tinh thần, về mặt kinh tế, về mặt giáo dục cho đất nước Việt Nam. Mọi sự như lời Hòa Thượng nói trong lời kêu gọi của Ngài đều đi xuống dốc, biến nước Việt Nam chúng ta đang ở trong một thời kỳ đen tối và sa sút nhất trong lịch sử của dân tộc. Vì vậy mà toàn dân đều mong muốn phải có một sự thay đổi tận căn, phải dẹp bỏ chế độ độc tài toàn trị nầy. Tất cả mọi người đều mong muốn như vậy, mặc dù số người lên tiếng không phải là nhiều nhưng chắc chắn đó là lòng trời và lòng người đều cùng chung một nhịp là mong muốn đất nước phải có dân chủ đa nguyên, đa đảng. Lời kêu gọi đó mang một đặc tính thứ 3 là mang tính nhân đạo. Hòa Thuợng đã lấy từ tâm bi của một vị chân tu để mời gọi người Cộng Sản, chính quyền Cộng Sản phải làm theo đạo lý trường cửu của dân tộc là nước nâng thuyền chứ đừng để nước lật thuyền. Nước tức là dân. Phải để cho dân ủng hộ mình, để cho dân thực sự tin vào mình. Và muốn như vậy thì chỉ có thể xảy ra trong một cuộc bầu cử tự do đa đảng. Muốn cho dân tín nhiệm thì người dân phải có tự do để chọn lựa những người tài đức, những đảng nào có đường lối đứng đắn. Hòa Thượng không muốn đất nước chúng ta có những cuộc đảo chính đổ máu. Hòa Thượng nói với người Cộng Sản rằng, "đừng tuởng có công an cho nhiều, súng ống cho nhiều, nhà tù cho nhiều thì sẽ giữ được đất nước". Đó là hoàn toàn sai lầm, chỉ có một điều giữ được đất nước và làm cho đất nước tiến lên là lòng dân mà thôi. Phải có một thế trận nhưng thế trận đây không phải là thế trận của công an, của quân đội, của Mặt trận luôn bao vây người ta, nhưng mà thế trận lòng dân, phải làm cho lòng dân thật sự yêu mến nhà cầm quyền. Cho nên đó là lời kêu gọi mà Hòa Thượng đã nói lên cái gì mà tất cả chúng ta đều ao ước. Và cuối cùng, tôi thấy ngài Hòa Thượng Thích Quảng Độ thật là một tấm gương cho tất cả mọi nhà lãnh đạo tinh thần, nhất là các nhà lãnh đạo tinh thần tại Việt Nam. Lãnh đạo tinh thần chính là hướng dẫn cái tâm tư, tình cảm của người dân đi theo lẽ phải, nói lên sự thật, đòi hỏi công lý bằng tiếng nói can đảm của mình, thái độ bất khuất của mình. Hòa Thuợng Thích Quảng Độ thật sự là một tấm gương mà đáng cho tất cả mọi vị lãnh đạo tinh thần phải noi theo. Tôi cũng nguyện noi theo tấm gương của Hòa Thượng Thích Quảng Độ,...".

Theo Karl Mark cho là tôn giáo là thuốc phiện, nên tôn giáo cần phải loại trừ. Nếu CS cố tình làm nhục nhà tu hành thì ý dồ đó không xa quan niệm của Karl Mark. LM Phan Văn Lợi, BS Nguyễn Đan Quế và BS Phạm Hồng Sơn đã cho nhận xét về ngài Thích Quảng Độ. Họ nói tiếng nói chung là sức mạnh của nhân dân. Cuối cùng rồi ước muốn Tự Do-Dân Chủ và Nhân quyền sẽ vượt qua nạn độc tài toàn trị. Trên khắp đất nước Việt Nam ngày hôm nay đã xuất hiện rất nhiều những phản kháng, những chống đối của các giới từ trí thức đến người công nhân, nông dân, họ muốn có Tự Do-Dân Chủ và Nhân Quyền, những quyền mà lý ra là đặc miễn bẫm sinh tự nhiên của Trời đất, chứ không phải van xin, van nài mới có được. Một khi người dân đứng lên như từ Ba Lan, Lổ Ma Ni hay Miến Điện thì chế độ cầm quyền sẽ khốn đốn. Cuộc cách mạng dân chủ thường thử thách sự quyết tâm thay đổi và sự hy sinh đến cùng vì những uất ức, những phẩn nộ của người dân. Nếu vượt qua nỗi sợ hãi, những người dân hiền bị áp bức, những người dân lành khốn khổ có thể tràn xuống đường, để đòi hỏi quyền làm người, quyền đạt được hạnh phúc dân sinh, quyền được sống trong một thể chế tự do, dân chủ và công bằng. Luật công bằng của Trời đất xác định người dân phải làm chủ đất nước, đất dai của mình và nếu nhà cầm lạm dụng quyền hành thì chính họ tự đào mồ chôn mình. Nhân dân chính là người làm nên lịch sử của đất nước. Tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi với nhân dáng mảnh mai và nét mặt trông rất nhân hậu yếu đuối, nhưng vũ khí chiến lược chính của bà là tình yêu thương quê hương, đất nước. Bà Aung San Suu Kyi lãnh giải Nhân Quyền Rafto 2007 và cũng như Hòa thượng Thích Quảng Độ đã nhận giải thưởng này 2006. Họ yêu quê hương và dũng cảm đấu tranh bất bạo động cho quyền làm người. Bà San Kyi là tác giả của tác phẩm "Tự do khỏi nỗi khiếp sợ" bà viết: "Không phải quyền lực làm cho tha hóa, mà chính là sự khiếp sợ. Sự khiếp sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa những kẻ đang nắm trong tay quyền lực và sự khiếp sợ bị quyền lực trừng phạt làm tha hóa những người đang nằm dưới tay quyền lực".

Trong khi Hòa Thượng Thích Quảng Độ nhắn nhũ người dân:

“Thế giới mênh mông, địa ngục cũng mênh mông. Ở đâu có khổ đau, ở đấy có địa ngục; ở đâu có ác tâm, ở đấy có địa ngục; ở đâu có đàn áp nhục hình, ở đấy có địa ngục; ở đâu ý chí và ngưỡng vọng con người bị vùi dập, ở đấy có địa ngục". Ngài chấp nhận chia sẻ những khổ đau với chúng sinh như lý tưởng xả thân của ngài.

Trong tác phẩm mà tôi đã xem về đề tài "Chiến tranh và bất bạo động", mang tên Anh ngữ là "Cuô"c khu"ng hoa"ng hiê"n ta"i", ta´c gia" là S. Radhankrishnan, chuyển ngữ do Hòa thượng Thi´ch Qua"ng Đô". Bài viết nói rằng chúng ta hiện đang ở trong một giai đoạn quyết liệt nhất của đời sống nhân loại: "Chưa bao giờ trong lịch sử loài người lại có quá nhiều người phải mang những gánh nặng đau đớn dày vò tâm can đến như thế. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những thảm trạng đã trở thành phổ biến. Mọi truyền thống và tập tục đang bị lung lay tận gốc rể. Những tư tưởng cho đến hôm qua vẫn còn là “khuôn vàng thước ngọc”, đã có thể hướng dẫn và quy định hành vi con người hàng bao nhiêu thế kỷ, thì hôm nay đã bị quét sạch... Muốn cứu một nền văn minh khập khễnh bằng bất cứ giá nào, tất cả những thứ đó đang thức tỉnh một tinh thần, mà bản chất là cách mạng, trên khắp hoàn cầu. Danh từ “cách mạng” không phải luôn luôn chỉ các cuộc bạo động của quần chúng và tàn sát giai cấp thống trị. Bất cứ sự đòi hỏi cấp bách nào về sự thay đổi triệt để nền tảng của đời sống văn minh đều là đòi hỏi cách mạng. Tiếng cách mạng dùng theo hai nghĩa: Một là sự nổi dậy đột nhiên và bạo động, kết quả đưa đến một cuộc chính biến, chẳng hạn như cuộc Cách Mạng Pháp, cuộc Cách Mạng Nga. Và hai là sự chuyển tiếp dần dần qua một thời kỳ từ một chế độ xã hội này qua một chế độ xã hội khác, chẳng hạn như cuộc Cách Mạng Kỷ Nghệ Anh.".

 Trong bối cảnh của Việt Nam ngày hôm nay thì yếu tố thích hợp là một cuộc cách mạng nông thôn hay cuộc cách mạng vì lòng dân oán ghét sự đè nén, bất mãn sự áp bức quá độ, và kinh tởm chế độ CS đến tận cùng, mà hai yếu tố Dân oan và Tôn giáo cũng đã đóng góp như thực thể chính trong diễn trình giải thể chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam. Hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Độ đến với người Dân oan khiếu kiện cho thấy một thái độ bất khuất và dứt khoát, hay một ý chí thẳng thắn không van xin, cương quyết không cúi đầu trước bạo quyền. Tôi yêu quý và kính trọng cái ý chí đó, bởi vì nó chính là cái "Dũng" của thánh hiền vậy.

Los Angeles

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.