Hôm nay,  

Ngoại Thương Bị Nội Thương

13/10/200700:00:00(Xem: 8583)

Hoa Kỳ tháo chạy khỏi thị trường ngoại thương quốc tế...

Khi nguyên Phó Tổng thống Al Gore được Giải Nobel Hoà Bình, một số nhà bình luận Hoa Kỳ lập tức kết luận, rằng ông Gore đã thắng trận phục thù và Tổng thống Bush là người bị thua đậm. Thật ra, Hoa Kỳ còn thua đậm hơn vì bị mất uy tín trong phương cách đối phó với nạn nhiệt hoá địa cầu, trong khi tương lai của Nghị định thư Kyoto nhằm giải quyết vấn đề ấy vẫn còn mờ mịt.

Tuy nhiên, chuyện khí hậu địa cầu có thay đổi và ông Gore có lý hay không là vấn đề còn gây tranh luận và vẫn chưa có giải pháp dứt khoát được mọi quốc gia cùng áp dụng. Một chuyện cận kề hơn và trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi Hoa Kỳ mới là đề tài đáng quan tâm, đó là sự thoái trào của nguyên tắc tự do ngoại thương.

Hoặc là sự thắng thế của trào lưu bảo hộ mậu dịch.

Trong nhiệm kỳ duy nhất của mình, Tổng thống George H. Bush (Bush 41) không vận động nổi Quốc hội chấp thuận Thỏa ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) để thiết lập chế độ tự do ngoại thương giữa ba nước Bắc Mỹ là Canada, Mỹ và Mexico. Qua triều đại Clinton, thỏa ước này mới thành hình, với sự ủng hộ rất mạnh của phe Cộng hòa để vượt qua được đa số Dân chủ trong Quốc hội. Đấy là một thành tích đáng nhớ của ông Clinton.

Ngày nay, một người đang đặt lại vấn đề về thỏa ước trên là bà Clinton, ứng cử viên sáng giá nhất bên đảng Dân chủ trong cuộc đua vào tòa Bạch Cung.

Khi đảo ngược lập trường của đức phu quân, Nghị sĩ Hillary Rodham Clinton chỉ ngả theo sức ép rất mạnh của các nghiệp đoàn và tổ chức môi sinh, thành phần cử tri có ảnh hưởng bên đảng Dân chủ. Mà bà không là ứng viên duy nhất bên đảng Dân chủ đang đi ngược trào lưu tự do mậu dịch do Tổng thống Clinton từng theo đuổi. Chẳng những vậy, ngay trong đảng Cộng hoà, các ứng viên Tổng thống cũng dè dặt khi phải nêu quan điểm bảo vệ tự do mậu dịch, nhất là các ứng viên hạng hai, không thuộc danh sách dẫn đầu như Giuliani, Romney, McCain hay Thompson.

Có một lý do rất đáng chú ý trong hiện tượng đó bên đảng Cộng hoà, xưa nay nổi tiếng là ủng hộ kinh tế thị trường và tự do mậu dịch. Một cuộc khảo sát ý kiến gần đây của Nhật báo Wall Street Journal tiến hành cùng hệ thống truyền hình NBC cho thấy là sáu trong 10 cử tri Cộng hoà tin rằng tự do mậu dịch là có hại cho kinh tế Hoa Kỳ. Đa số thành phần này là những người trong phe bảo thủ về đạo đức và tôn giáo, là giới công nhân áo xanh đang thấy quyền lợi của mình bị tự do mậu dịch đe dọa.

Cách đây sáu tháng, cũng trên cột báo này, người viết đã phân tách các xu hướng bảo thủ trong đảng Cộng hoà với dự đoán là đảng này sẽ mất đa số còn nặng hơn trong cuộc bầu cử Quốc hội năm tới ("Đảng Cộng Hoà Gãy Cánh Hữu" - Ngày 13 tháng Tư 2007). Với lập trường chống tự do mậu dịch của phe thủ cựu về tôn giáo, đảng này sẽ còn hoạn nan hơn nữa. Nhưng thắng lợi của đảng Dân chủ chưa chắc đã là thắng lợi của Hoa Kỳ.

Tổng thống Bush có ý thức được nguy cơ ấy nên đã trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal hôm Thứ Sáu 12 và sẽ đi Florida tiếp tục vận động dư luận.

Đầu đuôi câu chuyện ra sao"

Ngay trước mắt, Hoa Kỳ đã ký hiệp định tự do thương mại FTA với Nam Hàn và ba nước Nam Mỹ là Panama, Peru và Colombia. Các hiệp định này đang bị Quốc hội do đa số Dân chủ kiểm soát nêu thành vấn đề và có thể chặn đứng. Song song, từ tiền lệ là Thỏa ước Bắc Mỹ NAFTA, Hoa Kỳ cũng vận động một thỏa ước tự do mậu dịch Trung Mỹ (CAFTA) để lôi kéo các nước Trung Nam Mỹ đi theo trào lưu kinh tế tự do, và kết hợp gắn bó với Hoa Kỳ vì quyền lợi kinh tế. Hiệp định CAFTA này cũng sẽ bị Quốc hội Mỹ chặn đứng, thậm chí khai tử. Nghị sĩ Hillary Clinton là người đã bỏ phiếu chống CAFTA tại Thượng viện và còn đòi cứ năm năm một lần là xét lại mọi thỏa ước tự do mậu dịch Hoa Kỳ đã ký kết với các nước!

Một xứ Trung Mỹ là Costa Rica đã thận trọng đưa thỏa ước CAFTA này ra trưng cầu dân ý vào ngày mùng bảy tuần qua, và được đa số 51% dân chúng ủng hộ (48% chống). Đây là biến cố đáng kể vì trong khi Hoa Kỳ bị mất uy tín vì vụ Iraq và trào lưu thiên tả hay chống Mỹ đang nổi dậy từ Venezuela tới Cuba hay cả Brazil, Chile, Mexico... thì người ta nhận thấy một hiện tượng khác: người dân Trung Nam Mỹ thất vọng với khuynh hướng thiên tả bao cấp và chuyển về lập trường trung dung, ủng hộ kinh tế thị trường và tự do mậu dịch, nôm na là thân Mỹ hơn.

Cho nên, sau NAFTA, CAFTA có thể là cái neo để giữ các nước Trung Nam Mỹ trong quỹ đạo hợp tác với Hoa Kỳ. Một vấn đề có ảnh hưởng chiến lược và vượt ra khỏi những tính toán thuần túy về ngoại thương hay kinh tế.

Đúng vào thời điểm sinh tử ấy, chính Quốc hội và dư luận Mỹ lại chống tự do mậu dịch, hoài nghi thành quả toàn cầu hoá và muốn lui về chủ trương tự cô lập hay kiểm soát ngoại thương. Chính quyền Bush thì muốn giàng các quốc gia trong khu vực - hay cả Nam Hàn tại vùng Đông Bắc Á - vào cái thế đối tác chiến lược, với ảnh hưởng tốt đẹp hơn cho quyền lợi của Mỹ trong trường kỳ. Đối lập Dân chủ và thậm chí một thành phần đáng kể bên đảng Cộng hoà lại cản trở nỗ lực đó vì sự hơn thua lời lỗ trong buôn bán.

Trên doanh trường quốc tế hay trong trao đổi kinh tế giữa các nước với nhau, người ta thường lý luận rằng về dài thì đôi bên đều có lợi. Nhưng về dài là chuyện chưa thấy, ngay trước mắt thì luật chơi thay đổi khiến cho có người được kẻ mất.

Một thí dụ gần gũi là trước khi Hoa Kỳ ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam, nhiều cơ sở người Việt tại Hoa Kỳ có thể bước vào lãnh vực may mặc gia công, với nhân viên là người Việt. Sau khi có hiệp định thương mại song phương với Hà Nội, nhiều nhà đầu tư đã đóng cửa "shop may" tại Mỹ mà trở về lập cơ sở trong nước để tuyển dụng người Việt với lương bổng rẻ hơn và may mặc gia công cho các nhà phân phối Hoa Kỳ. Hiệp định ấy khiến có người Việt tìm ra việc làm trong nước và nhiều người Việt mất việc tại Mỹ. Cũng vậy, thỏa ước NAFTA có thể làm nhiều người Mỹ mất việc khi cơ sở dọn xuống miền Nam, vào đất Mexico để sản xuất ngược về Mỹ với giá rẻ hơn...

Trong hoàn cảnh mà có kẻ được người mất, các nghiệp đoàn tại Hoa Kỳ đã lên lưới bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và dồn tiền dồn phiếu cho đảng Dân chủ. Ngoài các nghiệp đoàn, nhiều tổ chức bảo vệ môi sinh cũng ráo riết vận động chống toàn cầu hoá hay tự do mậu dịch với lý do là luật lệ quá lỏng lẻo của các nước nghèo - nơi tiếp nhận đầu tư Mỹ - khiến môi sinh các xứ này bị hủy hoại. Song song, nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi lao động hay thiếu nhi cũng nhập cuộc để đòi hỏi các thỏa ước tự do mậu dịch phải có những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn hầu không xảy ra nạn lạm dụng sức lao động tại các nước nghèo.

Nhìn từ quan điểm của họ, ở các nước giàu có như Hoa Kỳ, trẻ em mà đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình là điều khó chấp nhận được: chúng phải được đi học! Nhưng, làm sao đi học khi gia đình không có lợi tức hay địa phương thiếu trường ốc, là loại vấn đề ai đó phải giải quyết.

Ngay sau khi khai mạc, Quốc hội khoá 110 của Hoa Kỳ (được bầu lên từ tháng 11 năm ngoái) đã minh định lập trường của đa số Dân chủ: phải nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ lao động và môi sinh tại các nước nghèo và phải duyệt xét lại nội dung các thỏa thuận Hoa Kỳ (Chính quyền Bush) đã ký kết với các nước. Hai ứng viên Dân chủ đang thúc đẩy việc này một cách ráo riết nhất là Hillary Clinton và John Edwards.

Luật sư John Edwards là người thiên tả và phản chiến nặng nhất, còn hơn Nghị sĩ Barack Obama. Bà Clinton thì đang tràn trề hy vọng trở thành Tổng tư lệnh quân đội nên không cần chiều theo áp lực phản chiến rất mạnh ở cơ sở. Nhưng cũng chính vì vậy mà phải mua chuộc lá phiếu nghiệp đoàn và môi sinh nên đã đảo ngược lập trường cố hữu của Tổng thống Clinton.

Vì ngần ấy lý do, người ta đang chứng kiến một hiện tượng bất thường, đó là sự thắng thế của chủ nghĩa "đại chúng", populist, nôm na là mị dân, chiều theo quan điểm ăn khách của quần chúng trong nhất thời, mặc dù thâm tâm đều biết rằng quan điểm ấy không có lợi cho Hoa Kỳ trong trường kỳ, về cả ngoại thương lẫn quyền lợi chiến lược.

Cho nên người ta có thể kết luận rằng quan niệm về tự do ngoại thương của Hoa Kỳ đang bị nội thương, ngay trong xã hội và chính trường Mỹ. Là một quốc gia xưa nay vẫn đề cao tự do mậu dịch và kinh tế thị trường, nước Mỹ đang lui về chế độ bảo hộ mậu dịch và kiểm soát kinh tế thị trường.

Hậu quả của tình trạng ấy là gì" Chẳng những vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sẽ bị khựng sau khi được đề xướng từ tháng 10 năm 2001, mà còn có thể bị chìm xuồng. Vòng Doha bế tắc chủ yếu là vì chế độ bảo hộ nông phẩm của các nước giàu (Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu) bị nhiều nước đang phát triển kịch liệt đả kích. Với sự thắng thế của đảng Dân chủ và tình trạng suy yếu của Chính quyền Bush, quyền lợi nông gia Mỹ - một thiểu số rất nhỏ - sẽ tiếp tục được bảo vệ bất chấp lời phản đối của các nước đang phát triển như Ấn Độ hay Brazil.

Mà chuyện Doha vẫn chưa đáng lo ngại nhất. Trong vòng bốn năm năm tới, Hoa Kỳ sẽ mất dần ảnh hưởng và đồng minh tại lục địa Nam-Bắc Mỹ (hay "Tây bán cầu" nếu nhìn từ Âu châu). Đây lại là nơi mà Trung Quốc đang tung tiền mua cuộc đồng minh và đối tác kinh tế. Và trào lưu bảo hộ mậu dịch trong Quốc hội Mỹ lại không đủ mạnh để gây sức ép với Bắc Kinh khiến Trung Quốc phải cải sửa luật lệ kinh tế hay kinh doanh của họ, nhưng thừa sức gây khó cho... các nhà xuất cảng Việt Nam! Việc Việt Nam đạt được một thỏa ước tự do ngoại thương (FTA) để trở thành đối tác chiến lược với Mỹ tương tự như Nam Hàn sẽ bị trì hoãn - và những mánh khoé kinh doanh của Hà Nội có thể gặp nhiều trở ngại hơn.

Trong suốt giai đoạn khó khăn ấy, mọi hiệp định thương mại do Hoa Kỳ ký kết với các nước khác đều có thể bị xét lại và tu chính với những điều khoản chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân thợ thuyền Hoa Kỳ (tăng lương tối thiểu, dự phòng quỹ an sinh xã hội, mở rộng quyền đình công hay thương thảo), v.v.... Nghĩa là sức cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp Hoa Kỳ bị suy yếu trong khi cơ chế luật lệ kinh doanh sẽ thêm rườm rà, công chi ngân sách sẽ gia tăng. Gánh nặng thuế khoá cũng vậy.

Chúng ta nên chờ đợi tình trạng này sẽ kéo dài nhiều năm, ít ra cho tới cuộc bầu cử 2012.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Các lý thuyết về sự hâm nóng toàn cầu phát sinh từ cuối thế kỷ 19 do những nhà khoa học Thụy Điển trong khi quan sát sự thay đổi nhiệt độ của không khí bị ô nhiễm để rồi từ đó
Là nước thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân Việt Nam chịu nhiều đau khổ do thực dân Pháp đô hộ và giai cấp phong kiến áp bức bóc lột. Các tầng lớp nhân dân
Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự chui đầu vào thòng lọng cửa quyền quyền lãnh đạo bằng các giải pháp dân chủ giả tạo mà cứ nghĩ đó là cách tốt nhất để đưa Việt Nam thoát khỏi đói nghèo
Một ngày phiên chợ, u tôi mua về đôi gà nhỏ. Hai con gà: một trống, một mái, dáng còn bé tí teo, như vừa mới lìa đàn. Suốt ngày chúng cứ rúc vào một góc sân
CSVN âm thầm đem tượng Hồ Chí Minh vào trong chùa, tưởng rằng để cho dân chúng thờ lạy như cúng Phật. Dân chúng Việt Nam nghĩ khác. Đồng bào nói với nhau rằng Hồ Chí Minh
Chúng ta biết rằng đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN lúc đầu lấy tên gọi là đảng CS Đông Dương) ra đời ngày 3 tháng 2 năm 1930 đến nay đã 76 năm. Nhưng do các quan điểm sai lầm như
Đây là một chủ trương lớn vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc…tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
Dù chế độ VN hiện giờ là một chế độ "pháp quyền" (chứ không phải "pháp trị" như ba tên phản động ở hải ngoại đòi), ta vẫn có thể phớt lờ đi chuyện BCT không có trong Hiến pháp vì
Quan niệm đúng đắn về phát triển bền vững cũng như nhu cầu năng lượng cần thiết cho phát triển là hai vấn đề cấp thiết mà nhân loại cần phải lưu tâm trong những năm sắp đến
Khi Việt Nam bắt đầu bước ra sân chơi toàn cầu, nhiều người đều vui mừng nói đến triển vọng kinh tế của sự hội nhập ấy. Tuy nhiên, có một lãnh vực lại ít được chú ý, đó là lao động
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.