Hôm nay,  

Tiêu Thụ Là Dân Quyền

06/05/201000:00:00(Xem: 7191)

Tiêu Thụ Là Dân Quyền

Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

...quyền tiêu thụ gia tăng cũng cho người dân có tiếng nói trong các quyết định kinh tế...

Một mức tiêu thụ quân bình với đầu tư và xuất nhập khẩu có thể là yếu tố ổn định cho sự tăng trưởng bền vững. Tiêu thụ còn gia tăng được quyền hạn của người dân trong mọi sinh hoạt của một quốc gia. Diễn đàn Kinh tế đài RFA tìm hiểu khía cạnh này qua phần trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện sau đây.
Vai trò của tiêu thụ
Việt Long: Trong chương trình chuyên đề vào tuần trước của chúng ta, khi đề cập tới nguy cơ của một trận chiến mậu dịch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ông có nêu lên một chi tiết đáng chú ý. Đó là vai trò của tiêu thụ trong sinh hoạt kinh tế. Ông còn nói rằng tiêu thụ gia tăng thì cũng có thể nâng cao quyền hạn của người dân. Vì vậy, kỳ này chúng tôi xin đề nghị ông triển khai khía cạnh ấy cho thính giả cùng rõ. Như thường lệ, xin ông bắt đầu trình bày về bối cảnh của vấn đề.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, từ nhân vật có thể là thủy tổ của môn kinh tế tự do là Adam Smith và cũng từ Karl Marx, ta đều thấy ra sự gắn bó giữa kinh tế và chính trị và "kinh tế chính trị học" là một bộ môn thống nhất. Điều ấy có nghĩa là chính sách kinh tế cho quốc gia cũng là những quyết định chính trị cho quốc dân.
- Thứ hai, có nhiều cách đo đếm khả năng sản xuất của một quốc gia qua khái niệm gọi là Tổng sản lượng gộp nội địa hay Tổng sản phẩm nội địa, gọi tắt là GDP. Cách đo lường phổ biến là tính theo kết cấu của các khu vực sản xuất, như công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Một phương pháp khác là tính theo mức chi tiêu. Theo phương pháp chi tiêu này, sản lượng mà một quốc gia sản xuất thêm trong một khoảng thời gian nhất định nào đó cũng bằng với tổng số chi tiêu các loại hàng hóa và dịch vụ cuối cùng.
- Theo công thức chuyên môn thì đấy là tổng số chi tiêu của tư nhân và chính phủ cộng với số đầu tư và cộng với sai số của cán cân thương mại, tức là xuất khẩu trừ đi nhập khẩu. Nói cho dễ hiểu dễ nhớ thì tổng sản lượng là tiêu thụ cộng đầu tư và cộng xuất khẩu. Ba thành tố chi tiêu, đầu tư và xuất cảng này là một cách nhìn khác về tổng sản lượng mà quốc gia sản xuất thêm. Cách nhìn này gián tiếp cho thấy khả năng hưởng dụng của người dân trong nền kinh tế hàng hóa và khả năng đó cũng là một quyết định chính trị của lãnh đạo.
Việt Long: Chúng tôi xin được tóm lược lại là sản lượng kinh tế một nước hay một địa phương trong một thời khoảng nào đó cũng bằng với tổng số chi tiêu cộng với đầu tư cộng với xuất khẩu và trừ đi nhập khẩu. Xin ông giải thích vì sao ông tin rằng con số ấy có bao hàm một yếu tố chính trị bên trong.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin lấy một thí dụ có lẽ ai cũng nhớ là một năm Hoa Kỳ sản xuất ra chừng 14.200 tỷ đô la thì phần tiêu thụ của tư nhân chiếm tới 10.000 tỷ, tức là 70%. Đấy là một sắc thái văn hoá và chính trị của xứ này và cũng giải thích vì sao Mỹ nhập khẩu rất mạnh để phục vụ thị trường nội địa và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới cho các nước khác.
- Tình hình đó không thể kéo dài và nước Mỹ đang phải điều chỉnh thói quen tiêu thụ và muốn đẩy mạnh xuất khẩu để quân bình lại cơ cấu kinh tế, là chuyện chúng ta đã đề cập trong kỳ trước.
- Ở bên kia Thái bình dương có các quốc gia Đông Á đã dốc sức sản xuất để xuất cảng và dùng xuất khẩu như một đầu máy cho tăng trưởng. Khi các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới là các nước công nghiệp hoá, như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu, đều co cụm sau trận tổng suy trầm vừa rồi, xứ nào mà càng lệ thuộc vào xuất khẩu sẽ càng khốn đốn. Khi ấy, ta mới chú ý đến hai đầu máy tăng trưởng còn lại, là đầu tư và tiêu thụ.
- Xứ nào mà có cơ cấu sản xuất quân bình giữa ba thành tố là tiêu thụ, đầu tư và xuất khẩu thì càng dễ vượt qua sóng gió trong ổn định. Trung Quốc là nơi mà tiêu thụ lại chiếm tỷ lệ quá nhỏ và khi xuất khẩu sút giảm đến nỗi tuột xuống số âm thì chính quyền phải gia tăng đầu tư, có lúc lên tới 90% đà tăng trưởng của tổng sản lượng, và đấy là vấn đề cực kỳ nguy kịch mà họ khó kịp điều chỉnh. Từ chuyện đó, chúng ta mới chú ý đến yếu tố tiêu thụ và đây là trọng tâm của chương trình kỳ này của chúng ta.
Việt Long: Bây giờ, sau phần bối cảnh ấy, chúng ta mới đi vào nội dung của vấn đề, là vai trò của tiêu thụ.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước khi có Trung Quốc ra khỏi thời hoang tưởng của Mao Trạch Đông thì các nước Đông Á đều thấy chung một số đặc tính. Đất chật, người đông, kinh tế lại nặng về canh nông hơn là công nghiệp. Vì vậy, họ chọn chiến lược xuất khẩu để tạo ra việc làm, để gia tăng thu nhập và kiến thức về tổ chức sản xuất.
- Họ vận dụng sức tiết kiệm rất cao của người dân để lấy vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở và vào bộ máy công nghiệp hoá. Chiến lược ấy nghĩa là người dân thắt lưng buộc bụng, được tiêu thụ rất ít và thực tế góp phần cho hiện tượng mà ta gọi là "Sự kỳ diệu Đông Á".
- Sau khi tiến vào giai đoạn cải cách thì Trung Quốc và Việt Nam cũng học theo chiến lược của Đông Á và cũng đạt mức tăng trưởng rất cao như các nước Đông Á kia, cụ thể nhất là như Đài Loan hay Đại Hàn. Nhưng, hậu quả của chiến lược đó cũng khiến tiêu thụ nội địa bị kềm hãm, người dân lao động cực nhọc với lương bổng thấp để có sức cạnh tranh về xuất cảng. Và giờ đây, khi thế giới đang đi vào chu kỳ tái quân bình toàn cầu thì các nước này mới thấy rằng thị trường nội địa quá nhỏ không thể tạo ra sức kéo và cứ lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu thì sản lượng sẽ suy giảm và bất công xã hội càng dễ gây ra động loạn.
Thị trường nội địa
Việt Long: Nghĩa là ông đang trở về một khuyến cáo đã được nói tới nhiều lần trên diễn đàn này, là phải gia tăng sức mua của thị trường nội địa"


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy. Singapore là một đảo quốc có dân số chỉ năm triệu nên phải tự chuyển hóa thành một trung tâm chế biến và tài chính cho luồng giao dịch quốc tề và tổng sản lượng lệ thuộc tới 188% vào xuất khẩu. Một quốc gia có gần 90 triệu dân như Việt Nam thì có thị trường nội địa đủ lớn cho yêu cầu sản xuất, nếu xứ này biết xây dựng hạ tầng cơ sở cho sự chuyển vận nội địa và cho dân chúng có cơ hội tiêu thủ thành quả tăng trưởng một cách đồng đều và công bằng hơn. Điều ấy là một sự cần thiết về kinh tế lẫn xã hội và đạo lý. Tôi xin lấy thí dụ của hai quốc gia đi trước để làm gương, đầu tiên là Đài Loan, sau đó là Nam Hàn.
Việt Long: Trước khi nói về trường hợp Đài Loan thì nói về Việt Nam, bất kỳ chính quyền nào cũng phải có cách gia tăng thu nhập của người dân thì mới gia tăng được sức tiêu thụ, phải không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đúng. Và quyềt định gia tăng sức tiêu thụ đó nắm trong tay Nhà nước và liên quan đến thí dụ như hối suất của đồng bạc hay là chế độ thuế khoá, chế độ lương bổng của dân. 
Việt Long: Mời ông bắt đầu sang trường hợp Đài Loan.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Mặc dù luôn luôn bị Trung Quốc đe dọa thôn tính và trong khi Việt Nam bị tai họa chiến tranh rồi cách mạng, trong các năm 1960-1980, Đài Loan đã nghiến răng thắt lưng buộc bụng để xuất khẩu và hết lệ thuộc vào viện trợ Mỹ. Trong 25 năm liền, xứ này đầu tư và xuất khẩu rất mạnh và kềm hãm tiêu thụ. Nhưng vì là đảo quốc nhỏ chỉ có hai chục triệu dân, họ không đi vào công nghiệp nặng mà từ sau thập niên 1980 đã đầu tư vào khu vực chế biến cao cấp, với sức đầu tư dù sao không thể quá 30% tổng sản lượng.
- Phần còn lại là sức đóng góp của tiêu thụ tư nhân, từ dưới 50% Tổng sản lượng nay đã là 60%. Cơ cấu kinh tế Đài Loan trở thảnh quân bình hơn và đồng thời xã hội cũng dân chủ hơn vì tư nhân giữ vị trí quan trọng hơn trong sinh hoạt kinh tế. Chúng ta nên chú ý tới hai biến chuyển song hành, là tiến trình dân chủ hóa và khả năng tiêu thụ của tư nhân, đều khởi sự từ đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước.
Việt Long: Ông vừa nêu ra một hiện tượng rất đáng chú ý. Trường hợp Nam Hàn cũng như vậy sao"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nam Hàn cũng thường xuyên bị đe dọa chiến tranh từ phía Bắc Hàn Cộng sản, đất đai lại khô cằn và khó trồng trọt hơn Việt Nam gấp bội, cho nên sau Đài Loan chừng một chục năm họ cũng học theo chiến lược Đông Á. Khi chiến tranh Việt Nam lên tới cao độ vào đầu thập niên 1970, Nam Hàn vọt tiến lên nhờ xuất khẩu và đầu tư rất mạnh nhờ tiết kiệm rất cao. Nghĩa là cũng thắt lưng buộc bụng để tìm lực đẩy.
- Hai chục năm sau, họ trở thành một xứ "tân hưng", có nền công nghiệp tiên tiến nhờ các tập đoàn "chaebol" và sự yểm trợ của chính quyền. Trong giai đoạn ấy, tiêu thụ bị kềm hãm và chỉ đóng góp dưới 50% vào tổng sản lượng.
- Nhưng lãnh đạo của họ sáng suốt nhìn ra yêu cầu quân bình trong xã hội nên điều chỉnh tỷ giá đồng bạc cho cao hơn để nâng sức mua của người dân và đồng thời cải tổ cơ chế chính trị cho dân chủ hơn. Thời điểm bản lề của họ là Thế vận hội Hán Thành năm 1988 là khi Nam Hàn trở thành một nước dân chủ tiên tiến, và tỷ lệ tiêu thụ bắt đầu vượt qua ngưỡng 50% tổng sản lượng.
- Nhờ vậy mà khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ năm 1997-1998, dù xuất khẩu có sa sút xứ này vẫn vượt qua khó khăn với chính sách kích thích tiêu thụ nội địa. Ngày nay, Nam Hàn có mức tiêu thụ bằng 55% tổng sản lượng, xuất khẩu bằng 53% và đầu tư bằng 30%.
Việt Long: Như vậy, chúng ta có thấy ra một điều có thể gọi là quy luật, khi mức tiêu thụ nội địa gia tăng thì cũng là lúc mà người dân, tức là nhà tiêu thụ, có thêm nhiều quyền hạn, trước tiên là quyền hạn kinh tế, sau đó cũng là quyền hạn chính trị. Có phải như vậy không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: Quyền hạn kinh tế là quyền được tự do chọn lựa khi mua bán với giá cả quy định tự do và minh bạch. Khi tiến vào lao động sản xuất mà công lao không được đền bù xứng đáng - thí dụ như vì đồng lương bị bóp nghẹt, hối suất hay tỷ giá bị quy định quá thấp, hay giá cả bị kiểm soát - thì người dân không có tự do và thực tế là bị bóc lột. Trong hoàn cảnh đó, nếu thiểu số có chức có quyền mà thao túng thị trường để trục lợi thì họ dễ thành tỷ phú hưởng thụ trên đầu trên cổ đa số người dân ở dưới. Đó là tình trạng của Trung Quốc và Việt Nam ngày nay, một tình trạng bất công vì tự do có hạn chế.
- Ngược lại, khi dân được hưởng thành quả lao động và có quyền tiêu thụ, thị trường nội địa sẽ giữ vai trò quân bình lại sự thăng giáng của thị trường quốc tế như ta đã thấy trong hai năm qua. Nhưng song song, quyền tiêu thụ gia tăng cũng cho người dân có tiếng nói trong các quyết định kinh tế và đấy là một điều kiện cụ thể cho phép xứ sở dân chủ hoá trong sự ổn định. Bài toán về cải cách rất khắt khe ngày nay của Trung Quốc, với sức tiêu thụ bị kềm hãm trong khi xuất khẩu sa sút, là một bài học mà Việt Nam nên thấy trước và kịp thời cải cách cho đông đảo người dân được hưởng thành quả của tăng trưởng mà chính họ, chứ không phải nhà nước, mới là động lực.
Việt Long: Ông có vẻ hơi lạc quan khi nói đến những điều Nhà nước cần làm để gia tăng quyền lực kinh tế cho người dân. Nhưng trong những quốc gia mà chính quyền không muốn cho người dân có thêm quyền hạn kinh tế để tăng quyền hạn chính trị, thì làm sao họ có thể thực hiện những điều đó"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trong trường hợp đó thì quốc gia đó sẽ bị khủng hoảng. Kinh tế sẽ bị khủng hoảng, và nếu nền kinh tế lại nằm dưới một chế độ chính trị hà khắc, thì khủng hoảng kinh tế sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị. Đó là điều chúng ta không muốn Việt Nam sẽ gặp trong nay mai.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nghĩa Hình Tướng: Bát Nhã Tâm hay còn gọi là Trí Tuệ Tâm, dược ví như thanh gươm vô cùng rắn chắc, và sắc bén như kim cương
Lệ phí giao dịch $8 sẽ được bớt cho các khách hàng nào dùng Wells Fargo ExpressSendSM lần đầu cho tới ngày 29 tháng Hai, 2008
 Lê Công Phụng, Đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn vửa mở cửa hàng  chào khách đã nói những điều không thật và nói sai thực tế 
Cộng đồng người Việt ở Canada có khoảng hai trăm ngàn người nhưng  Liên Hội Người Việt Canada
Ông bà nào cũng tuyên bố chung chung ủng hộ tự do, dân chủ, tranh đấu nhân quyền… Toàn rượu nhạt trong bình cũ...
Sau hơn một tuần lễ kể từ ngày chính phủ Hoa Kỳ đạt thỏa hiệp trục xuất với Cộng Sản Việt Nam 22 tháng Giêng, 2008, chúng tôi vẫn tiếp tục
Đinh Từ Bích Thúy sinh năm 1962 tại Sàigòn, rời Việt Nam tháng Tư 1975, tốt nghiệp cử nhân danh dự song khoa văn
Năm đó, Vân Quỳnh còn rất bé. Cùng với người chị lớn là Quỳnh Giao, ba chị em tên Vân, con gái Dương Thiệu Tước
Tổng cục Thống kê tại Việt Nam vừa cho biết là chỉ số giá tiêu dùng đã tăng gần 2,4% so với tháng 12. Và nếu so với tháng Giêng năm ngoái
Thụy Khuê là môt nhà nghiên cứu và phê bình văn học nổi tiếng. Bà sinh năm Giáp Thân, 1944, tại Hải Hậu, Nam Định
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.