Hôm nay,  

Hội-thảo ‘35 Năm Nhìn Lại’ Về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

15/04/201000:00:00(Xem: 4856)

Hội-Thảo ‘35 Năm Nhìn Lại’ Về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Đã Thu Hút Nhiều Diễn-Giả Đến Từ Xa

Tâm Việt
Thứ Sáu tuần qua, 9/4/2010, đã diễn ra tại Câu Lạc Bộ Lục Quân và Hải Quân Hoa Kỳ (Army and Navy Club) ngay trung-tâm thủ-đô Washington một cuộc hội-thảo nguyên ngày mang tên “35 Năm Nhìn Lại: Trả Lại Sự Thật cho Lịch Sử.”  Trả lời ký-giả Bạch Mai trên VATV, cựu-Đại-sứ Bùi Diễm, một người chủ chốt trong Ban Tổ Chức, cho biết hội-nghị có hai mục-đích: một là để nói lên cuộc đấu tranh kiên cường và can trường của Quân-lực VNCH trong chiến-tranh VN (mà báo chí Tây-phương và CS cố tình dè bỉu và xuyên tạc) và hai là để đề cao thế-hệ 2 của con em chúng ta hiện đang tiếp-tục tranh đấu cho lý-tưởng tự do và dân-chủ, bảo vệ cho nếp sống của chúng ta qua phục-vụ trong Quân-lực Hoa-kỳ.
Nhiều người về từ các tiểu-bang và Canada
Từ sáng sớm, tầng 2 của Câu Lạc Bộ Lục Quân và Hải Quân Hoa Kỳ đã nhộn nhịp tiếng cười và chào hỏi nhau giữa những người xa xứ, phần lớn là cựu-quân-nhân nhưng cũng không thiếu thành-phần trẻ, đến từ các tiểu-bang, gần cũng như xa (Cali, Texas, Arizona, Michigan v.v.) và có cả mấy phái-đoàn đến từ Canada (như phái-đoàn Liên-hội Cựu-chiến-sĩ đến từ Toronto hay đoàn thu hình VOT, Vietnamese Overseas Television, đến từ Vancouver, British Columbia), thậm chí có cả người từ Pháp qua (như hai ông bà Nguyễn Xuân Lam). 
Mặc dầu đông song mọi sự đã diễn ra trong vòng trật tự và người ta tính đã có khoảng chừng 200 người về dự để nghe 5 nhóm hội-luận (panels) về các đề-tài như “Tết Mậu Thân 1968,” “Trận An Lộc,” “Mặt trận Quảng Trị,” “Quân-đội miền Nam sau Hiệp-định Ba-lê” và “Những bài học từ cuộc chiến VN.”  Đặc-biệt, trong cử tọa người đã để ý thấy có khoảng 5-6 vị tướng Mỹ, một vị tướng VN (Trung-tướng Nguyễn Duy Hinh) và 3-4 vị đại-sứ Mỹ bên cạnh Ô. Bùi Diễm.
Đúng 9 giờ, MC duyên dáng Lê Thùy Lan, trong một bộ áo dài tím lợt, đã có thể mời cử-tọa ngồi đầy kín phòng đứng dậy làm thủ-tục chào cờ, mặc-niệm.  Sau đó, cựu-Đại-sứ Bùi Diễm đã đọc diễn-văn khai mạc gọn ghẽ và lập-tức liền ngay sau là vào đề-tài 1 trong ngày.
Hội-luận 1: Tết Mậu Thân
Điều-hợp hội-luận này là Tiến-sĩ John Carland, thuộc Phòng Quân-sử Bộ Quốc-phòng Hoa-kỳ.  Ông giới-thiệu diễn-giả đầu tiên là Tiến-sĩ Sử-học Erik Villard, hiện cũng đang phục-vụ tại Phòng Quân-sử của Ngũ-giác-đài, nói về “Bão lửa trên sông Mekong: Tết Mậu Thân ở Vùng IV Chiến-thuật.”  Ông cho biết đối-phương có mấy mục-tiêu ở đây song đều không đạt được: họ đánh Cần-thơ và tìm cách giết Tướng Toàn nhưng đã thất bại trong khi phía VNCH đánh bật tất cả những mũi tiến-công; rồi khi đánh Mỹ-tho thì Việt Cộng lại không biết là Tổng-thống Thiệu đang về ăn Tết ở ngay đây.  Dù CS đánh nhiều mục-tiêu song phía VNCH tuyệt-đối không có đơn-vị nào rã ngũ mà ngược lại đã chống trả rất mãnh-liệt.
“Đi từ đồng bằng sông Cửu Long, một vùng bằng phẳng mênh mông, đến Huế là một địa-hình khác hẳn,” G.S. Nguyễn Ngọc Bích mở đầu bài nói của ông về “Tết Mậu Thân ở Huế.”  “Tại đây,” ông tiếp, “từ núi xuống đến biển rất gần” nên địch-quân đã có thể lợi-dụng được sương mù dầy đặc hôm 31/1/1968 đi bằng thuyền dọc theo sông Hương để đánh vào cửa Tây và Tây-bắc Cổ-thành, chiếm gần hết thành phố trong một thời-gian tương-đối ngắn.  Tuy-nhiên, địch cũng gặp chống cự ở một số địa-điểm và nhất là ở thành Mang Cá, do Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ-huy.  Chỉ mấy ngày sau là quân xâm-lược do Đại-tá Lê Minh cầm đầu đã phải điện về Hà-nội xin thêm quân-cụ, đạn dược và viện-binh.  Hà-nội hứa nhưng đã không giữ lời hứa làm cho tình-hình ngày càng bất lợi cho phía CS.  Cuối cùng, đến ngày 22/2, Lê Minh phải cho lệnh rút lui.  Nhưng trong thời-gian ở Huế, địch-quân đã dựng ra những tòa án gọi là “nhân-dân” xử tử nhiều quân cán chính của miền Nam, rồi đến khi rút lui đã giết vô tội vạ người già, đàn bà, trẻ con và cả người ngoại-quốc, tu-sĩ Công-giáo, gây nên những sự tàn-sát ghê tởm nhất trong chiến-tranh VN mà trách-nhiệm, theo ngay lời của Lê Minh, là thuộc về phía CS.
Cựu-Đại-tá Trần Minh Công của Cảnh-sát Quốc-gia đã mô-tả cuộc tấn-công của CS vào Sài-gòn và cuộc chống trả oanh-liệt của Quân-lực VNCH cũng như của Cảnh-sát, đã bẻ gẫy được âm-mưu thâm độc mà gần thành công của đối-phương là cho nổ Đinh Độc Lập.  Nhưng phía Quốc-gia không phải là đã không có những thiệt-hại như một số sĩ-quan cấp tá của ta bị hỏa-tiễn Mỹ bắn lầm hoặc hình ảnh không hay của tướng Loan thẳng tay bắn một tên sĩ-quan VC vừa mới giết nguyên một gia-đình sĩ-quan Cảnh-sát của ta, từ người chủ gia-đình cho đến vợ và con nhỏ.
Bình-luận các bài nói trên của ba diễn-giả là Tiến-sĩ James Robbins, tác-giả một cuốn sách sắp ra, This Time We Win: Rethinking the Tet Offensive (“Lần này mình được: Xét lại cuộc Tổng-công-kích Tết [của VC]”).
Hội-luận 2: Trận An Lộc
Sang đến năm 1972, bộ-binh Mỹ coi như đã rút hết khỏi VN và những người còn lại cũng không được quyền tác-chiến nữa.  Vì thế nên khi CS tung hết 12 sư-đoàn từ miền Bắc vào (chỉ để lại có 1 sư-đoàn ở phía Bắc vĩ-tuyến thứ 17) trong Mùa Hè Đỏ Lửa, tập trung vào 3 điểm, Quảng-trị, Kontum và An-lộc, thì lúc đầu, nhất là ở Quảng-trị họ đã tiến như chẻ tre (“Đại-lộ Kinh-hoàng,” giết khoảng 30 nghìn thường-dân).
Áp-lực mạnh nhất của địch là ở An-lộc sau khi đã tràn ngập được Lộc-ninh với xe tăng, hỏa-tiễn, đại-pháo đi theo bộ-binh, nhưng đến An-lộc đã gặp một sự chống trả phi thường của quân dân ta (trong hơn hai tháng ròng rã) để biến nơi đây thành một thứ thánh-địa với những chiến-tích anh-hùng như được mô tả qua câu “An Lộc địa, sử xanh ghi dấu, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.”  Nói đến đây, Trung-tá Nguyễn Văn Lân, chỉ-huy phó Tiểu-đoàn 81 Biệt Cách Dù, đã không nén được xúc-động của mình. 
Nói về sự anh-dũng của Quân-lực VNCH, Tiến-sĩ Jim Willbanks đưa ra những con số như sau: Quân Bắc-Việt và VC lên đến 35 nghìn 500 người trong khi phía VNCH chỉ có khoảng 6.500 quân để chống cự.  Mặc dù đã có những hôm địch-quân bắn tới 7000 đạn đại-pháo vào An-lộc, một địa-bàn có lúc thu hẹp xuống còn chỉ có 7 km2, vậy mà quân dân ta vẫn đứng vững và cuối cùng, địch-quân phải chịu 10 nghìn người thiệt mạng và 15 nghìn người bị thương.  (Sau khi An-lộc được giải tỏa và khoảng 12 nghìn dân đổ đi tỵ nạn, CS đã bắn bừa đại-pháo vào đám người vô tội này, giết chết khoảng 2000 người).
Đến phần bình-luận của Trung-tá Dù Bùi Quyền, ông cho biết là phía VNCH, dù chiến-thắng, cũng đã phải trả một giá khá đắt, đó là 2.280 tử vong và trên 3.000 thương-binh. 
Hội-luận 3: Tái-chiếm Quảng-trị
Điều-hợp-viên của phần hội-luận này là sử-gia George “Jay” Veith.  Thuyết-trình-viên đầu tiên là ông Dale Andrade, sử-gia thâm-niên tại nha Quân-sử của Bộ Quốc-phòng Hoa-kỳ, tác-giả của ba cuốn sách về VN (Ashes to Ashes, viết về chiến-dịch Phụng Hoàng, một viết chung với Kenneth Conboy về gián-điệp và biệt-kích mang tên Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam, và một về Mùa Hè Đỏ Lửa, America’s Last Vietnam Battle).  Ông nêu ra tin tức tình-báo cho biết từ tháng 1/1972 là Hà-nội đã rục rịch đưa toàn-quân vào đánh miền Nam.  Áp-lực của Hà-nội mạnh tới mức Trung-tá Phạm Văn Đỉnh, chỉ-huy-trưởng Trung-đoàn 56 BB, một anh-hùng của trận Mậu Thân ở Huế, đã phải quyết-định đầu hàng ở Camp Carrol.  Sau đó, vì bất đồng với tướng Hoàng Xuân Lãm, tướng Đỗ Kế Giai cũng đã quyết-định rút lui khỏi Quảng-trị và sau đó, đã bị bỏ tù.  Tình-hình vô cùng khó khăn từ 30/3 đến đầu tháng 5/1972.
Đầu tháng 5, Tướng Ngô Quang Trưởng được lệnh tái-chiếm Cổ-thành Đinh Công Tráng ở Quảng-trị.  Lúc đầu, Nhảy Dù được lệnh tấn-công lên phía Bắc từ sông Mỹ-chánh.  Lúc đầu, hỏa-lực của đối-phương mạnh đến nỗi một số Dù và lính trẻ bỏ hàng ngũ chạy nhưng đến giữa tháng 5 và đầu tháng 6 thì một số chiến-xa của địch bị phá hủy nên các anh em thấy lên tinh-thần.  Đến gần giữa tháng 7 thì tuy bị địch chống trả dữ dội, Tiểu-đoàn 51 và 52 Dù đã tìm được một đường phá vỡ được chiến-tuyến của địch. Sáng ngày 25/7/72, một tiểu-đội tình nguyện leo lên thành Đinh Công Tráng nhưng vì có một anh lính hăng quá hô “VNCH muôn năm” khi cắm cờ nên liền bị địch bắn hạ.  Về sau phải kêu không-quân ném bom xuống mới phá vỡ được một phần tường của thành cổ.
Sau khi Nhảy Dù được lệnh rút lui vì kiệt quệ thì Thủy-quân Lục-chiến được đưa vào thay thế và đó là phần trình bầy của cựu-Đại-tá TQLC Phạm Văn Chung.  Ông ngậm ngùi nhớ lại 21 năm quân-ngũ, và theo ông, trong 5 tháng chiến-đấu ở Quảng-trị, cả hai bên đã mất đến một con số khổng-lồ nhân-mạng.  Phía Cộng-quân, chẳng hạn, mất 18 nghìn tử vong, với đa-phần là những thanh-niên 15, 16 và 17 tuổi đời.


Bình-luận về trận Quảng-trị, sử-gia quân-sử Nguyễn Kỳ Phong (tác-giả 2 tác-phẩm về chiến-tranh VN, trong đó có cuốn Từ Điển Chiến Tranh VN và Người Mỹ và Chiến tranh VN: Liên hệ Quân sự Chính trị 1945-1975, bên cạnh hai cuốn quân-sử dịch từ tiếng Anh về chiến-dịch Hạ Lào Lam Sơn 719 của Trung-tướng Nguyễn Duy Hinh và về những ngày cuối của VNCH của Đại-tướng Cao Văn Viên) cho biết năm 1972 là một năm quân-đội miền Nam chịu khá nhiều tử vong (42 nghìn người so với 46 nghìn người năm 1967).  Mặc dầu vậy, lệnh tổng-động-viên vẫn được áp-dụng và Quân-lực VNCH vẫn bành-trướng.  Riêng chỉ trong trận tái-chiếm Cổ-thành, phía VNCH đã có 3.000 tử vong và 9.000 thương-binh, nghĩa là còn nặng hơn cả trận An-lộc.
Hội-luận 4: Quân-đội miền Nam sau Hiệp-định Ba-lê
Với những chiến-công lẫy lừng trong quân-sử như được mô-tả lại trên đây, không ai có thể nói được rằng Quân-lực VNCH đã không chiến-đấu một cách oai-dũng và anh-hùng khi có đủ phương-tiện.  Vậy chuyện gì đã xảy ra đem đến sự nhanh chóng sụp đổ của miền Nam vào mùa Xuân 1975"  Đành rằng phía chúng ta cũng có lỗi (như quyết-định hấp tấp của TT Thiệu cho rút quân từ Cao-nguyên Trung-phần) song một nguyên-nhân căn-bản hơn có lẽ phải đi tìm ở chỗ khác.  Được điều hợp bởi ký-giả kỳ cựu Sol W. Sanders (ông đã bắt đầu đi làm tin về VN từ năm 1950 ở Hà-nội), thuyết-trình-viên đầu tiên trong phần hội-luận này là sử-gia “Jay” Veith, một chuyên-gia về người Mỹ mất tích (ông đã có hai cuốn sách về vấn-đề này).  Ông trình bầy về một cuốn sách mà ông đang hoàn-tất mang tên tạm là Black April: The Defeat of South Vietnam-1975 (“Tháng Tư Đen: Cuộc chiến-bại của Miền Nam VN-1975”).  Dựa trên nhiều nguồn văn-khố chưa từng được khai thác, khoảng 50 cuốn sách tiếng Việt, phần lớn là hồi-ký chiến-tranh của các tướng lãnh miền Bắc, miền Nam, và khoảng vài trăm bài báo cả của Mỹ lẫn hai miền Nam-Bắc VN, không kể các cuộc phỏng vấn cá-nhân, ông Jay Veith mong tạo dựng lại được những quyết-định then chốt của tất cả các phía để đưa ra một hình ảnh đầy đủ và trung thực nhất về những ngày cuối cùng của VNCH.  Trong khi chờ đợi, ông cho rằng ông đã có đủ tài-liệu để chứng minh được rằng những quan-niệm sau đây về kết thúc của cuộc chiến là hoàn-toàn hoang đường, dựa vào huyền-thoại: 1/ Hà-nội mãi đến gần cuối năm 1974 mới quyết-định đánh dứt điểm; 2/ Phía Quân-lực VNCH thua vì yếu và chiến-đấu không hữu hiệu; 3/ Quân-viện cắt giảm của Mỹ không ảnh-hưởng gì đến chuyện sụp đổ miền Nam; và 4/ Sở dĩ Hà-nội chiếm được miền Nam dễ dàng là vì không gặp sự chống trả nào đáng kể.  Tất cả những quan-niệm đó, theo ông, đều là bịa đặt.  Và ông đã dùng được ngay những tài-liệu xuất phát từ Hà-nội để chứng minh ngược lại.
Diễn-giả thứ hai, cựu-Đại-tá Hoàng Ngọc Lung (Phòng II Tổng-tham-mưu, tác-giả cuốn Intelligence, “Tình-báo,” và The Tet Offensive, trong bộ Quân-sử mà Nha Quân-sử của Mỹ đã đặt hàng ngay sau năm 1975), đã bằng hình ảnh và những con số chính-xác chứng minh được là địch-quân đã có những tăng cường về súng ống, khí-giới, xăng nhớt, khả-năng vận-tải, khả-năng phòng không v.v. sau Hiệp-định Ba-lê để làm áp-đảo phía Quân-lực VNCH ngày càng bị giảm quân-viện tới mức không thể đương đầu hữu hiệu được nữa.  Chính sự chênh lệch về cán cân lực-lượng này, theo ông, là một nguyên-do chính của sự sụp đổ miền Nam vào năm 1975 chứ không phải là yếu-tố nào khác.
Tiếp nối là bài nói chuyện chi-tiết của cựu-Đại-sứ Bùi Diễm, người đã đại diện chính-quyền miền Nam ở Washington từ năm 1967 đến 1972.  Sau khi về VN, ông vẫn được Tổng-thống Thiệu chỉ-định làm Đại-sứ lưu-động, nhờ vậy mà ông có tay đi thương-lượng về viện-trợ với phía Hoa-kỳ.  Theo ông, quân-viện ngày càng giảm của Mỹ là một quyết-định chung của cả Hành pháp lẫn Lập pháp Hoa-kỳ nên rất khó, cuối cùng là không thể đảo ngược được.
Bình-luận về những vấn-đề đã được nêu ra, Tiến-sĩ Stephen Hosmer (trước kia là của Rand Corporation) cho rằng VNCH đã phải chuyển từ thế tiến-công sang thế thủ một cách rất đột ngột sau Hiệp-định Ba-lê; một mình không có khả-năng ngăn Bắc-Việt đưa quân và quân-cụ vào bằng các đường biển hay đường Trường-sơn; và cũng không có khả-năng ép buộc Hà-nội phải tôn trọng những điều khoản của Hiệp-định Ba-lê.  Trong những điều-kiện đó thì miền Nam thua là cũng dễ hiểu.
Diễn-giả buổi trưa: Đại-sứ John Negroponte
Giữa bốn hội-luận trên, Đại-sứ John Negroponte, một nhà ngoại-giao kỳ cựu của Mỹ và một người bạn rất thân của VN, đã đưa ra những nhận-định của ông về quan-hệ Mỹ-Việt của ngày hôm nay.  Ông cho biết sau 13 năm làm việc về các vấn-đề VN, 4 năm làm việc ở Sài-gòn và trước đó làm việc ở Qui-nhơn, ông cho rằng người Mỹ đã lầm ở VN vì cho rằng VN cũng như là Mỹ (đem 200 năm lịch-sử của Mỹ phóng lên lịch-sử lâu dài và nhân-bản của VN).  Đó chính là lý-do của những sự ngộ-nhận và thảm-kịch về mọi phía, như cho chiến-tranh VN là bất chính (TT Reagan đã chữa lại và cho đó là một “chính-nghĩa cao cả”), như cho Tết Mậu Thân là một chiến-bại về phía Đồng-minh và VNCH, như cho là QLVNCH không chiến-đấu, như cho là Miền Nam thua vì tham nhũng.  Và đó cũng là lý-do chúng ta cần phải đi tìm sự hàn gắn các vết thương.  Song chuyện này không dễ như chúng ta thấy những trắc trở vẫn còn sau bao nhiêu năm nỗ lực của cả đôi ba bên.
Ủng-hộ cho cuộc hội-thảo “35 Năm Nhìn Lại” chúng ta cũng có một số video chào mừng ngắn ngủi nhưng rất ý nghĩa, từ Tướng McMaster và Đại-tá Dù Lương Xuân Việt, hai vị này hiện đang chiến-đấu ở Á-phú-hãn, và Trung-tá Hải-quân Lê Bá Hùng, hạm-trưởng của chiến-hạm hạt nhân USS LASSEN.  Tướng McMaster thì ca tụng lòng quả-cảm và sự chiến-đấu anh-dũng của QLVNCH trong chiến-tranh trong khi phát biểu của ĐT Lương Xuân Việt nói lên sự hãnh-diện là thế-hệ 2, con em của những chiến-sĩ VNCH (mà thân-phụ của ông là một).  Ông cho rằng các quân-nhân người Mỹ gốc Việt (như các anh em trong Hội VAAFA, Vietnamese Americans in the Armed Forces Association) đã và đang sẵn sàng đảm nhiệm những trách nhiệm bảo vệ tự do cũng như bảo vệ nếp sống của chúng ta, cho đời con cháu chúng ta.
Những lời kết của Ô. Hoàng Đức Nhã
Lẽ ra còn một phần hội-luận thứ 5 nói về “Những bài học từ chiến-tranh VN.”  Nhưng vì hội-thảo đã kéo dài quá giờ nên đến phần này, Ban Tổ Chức đã phải quyết-định xin lỗi các diễn-giả dự-trù (ông Rufus Phillips, tác-giả cuốn sách Why Vietnam Mattered, và G.S. Nguyễn Ngọc Linh, cựu-Tổng-giám-đốc Thông tin, TGĐ Hệ-thống Phát thanh Quốc gia và TGĐ Việt-nam Thông-tấn-xã) cũng như Tiến-sĩ Nguyễn Liên Hằng, điều-hợp-viên, và Tiến-sĩ Steve Maxner, Giám-đốc Trung-tâm VN ở Lubbock, Texas, bình-luận-viên.
Để kết, Ông Hoàng Đức Nhã, cựu-Tổng-trưởng Bộ Dân-vận và nguyên là Phụ-tá TT Nguyễn Văn Thiệu, một nhà bình-luận viết rất đều đặn trên báo Ngày Nay ở Houston, TX, về các vấn-đề quốc-tế, đã được mời lên để đưa ra những nhận-định chót cho hội-thảo “35 Năm Nhìn Lại: Trả Lại Sự Thật cho Lịch Sử.”  Tuy nói ngắn gọn, ông Nhã đã cho rằng ta không nên quên lả VNCH đã cố gắng xây dựng một xã-hội tiên-tiến, dân-chủ và nhân-bản trong một hoàn-cảnh chiến-tranh khốc liệt.  Đó mới là điểm son của miền Nam tự do: Về kinh tế, tìm ra dầu hỏa ở ngoài biển khơi gần Côn-đảo; về giáo-dục, xây dựng được một nền giáo-dục không thua nước kém ngoài; về canh nông, tìm ra các giống Lúa Thần Nông; về công-bằng xã-hội, thực-hiện chương-trình Người Cày Có Ruộng; về xã-hội, định cư và tái-định-cư cho khoảng 10 triệu người tỵ nạn chiến-tranh v.v.  Những thành-tựu này cho đến ngày hôm nay ta vẫn có quyền hãnh diện vì không mấy quốc-gia có thể thực-hiện được những chuyện tương-tự trong một khung cảnh chiến-tranh.
Đến chiều cùng ngày (9/4), Cộng-đồng VN vùng Hoa-thịnh-đốn đã đứng trong vai chủ để tổ-chức một buổi Dạ Tiệc tại nhà hàng Fortune (Thần Tài) nhằm cung-cấp cơ-hội cho mọi người gặp nhau trong thân-tình, nhất là cho những người trong cộng-đồng gặp và trao đổi với các diễn-giả đến từ xa.  Nhân dịp này, hãng truyền hình SBTN cũng góp phần bằng cách bảo trợ một phần cho hai ca-sĩ chuyên-nghiệp về hát giúp vui, đó là nữ-ca-sĩ Thiên Kim và nam-ca-sĩ Lâm Nhật Tiến.  Nhân dịp này, ca-sĩ Thu Hà đến từ San Jose cũng đã góp tiếng hát qua hai bài hát quê hương.
(Bên cạnh cuộc hội-thảo “35 Năm Nhìn Lại” có một biến-cố khá ngậm ngùi, đó là cựu-Đại-tá Nhảy Dù Phan Văn Huấn, người đã nhận về để trình bầy về trận An-lộc chung với Trung-tá Lân, chẳng may bị tai-nạn xe hơi tối hôm trước, gẫy mất ba cái xương sườn và phải vào nhà thương cấp-cứu.  Người lái xe còn bị nặng hơn và một người khác đi chung xe thì chỉ bị nhẹ.  Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đại-tá và anh bạn lái xe chóng hồi phục.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.