Hôm nay,  

Sách Mới Của Gs. Nguyễn Tiến Hưng: Chuyện “mở Cửa Bắc Kinh, Đóng Cửa Sàigòn”

07/04/201000:00:00(Xem: 9579)

Sách mới của Gs. Nguyễn Tiến Hưng: chuyện “Mở Cửa Bắc Kinh, Đóng Cửa Sàigòn”
Ngày Quyết Định Số Phận VNCH: 31-5-1971

Tổng trưởng kế hoạch VNCH Nguyễn Tiến Hưng và Ngoại trưởng  Kissinger, 1975 trong trang báo Mỹ tường thuật cuộc họp báo sau cùng của sứ giả VNCH ở Washinton D.C.

Nguyễn Xuân Nghĩa giới thiệu:
Trên cột báo này, những ngày qua đã có loạt bài về trận chiến mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.  Trước đà bành trướng của Trung Hoa Cộng Sản ngày nay, nhiều người có thể trông đợi vào Hoa Kỳ như một sức mạnh có khả năng quân bình tương quan lực lượng ngoài Đông hải. Có thể lắm, nếu đó là vì quyền lợi của Hoa Kỳ. Trong khi chờ đợi, hãy nhìn lại trang sử cũ của chính chúng ta, khi Hoa Kỳ dùng Việt Nam làm bàn đạp để nói chuyện với Trung Quốc. Rồi cho bàn đạp này tuột xuống biển đỏ...
Ngay từ cuối năm 1967 - trước khi tranh cử Tổng thống năm 1968 - Richard Nixon đã viết trên tờ Foreign Affairs (số tháng 10) rằng "Về dài [Hoa Kỳ] không thể mãi mãi để Trung Quốc nằm bên ngoài cộng đồng các quốc gia để nghiền ngẫm sự hoang tưởng, ôm ấp hận thù và đe dọa các nước láng giềng". Sau khi đắc cử, ông thận trọng chuẩn bị việc giải vây và kéo Trung Quốc ra khỏi tình trạng bế quan toả cảng, để sẽ đứng cùng phe với Hoa Kỳ. Mục đích của Nixon là giải toả tình trạng cô lập của quốc gia đông dân nhất địa cầu - khi đó có hơn 500 triệu dân - hầu lập thế liên minh Mỹ-Hoa trong mối quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Xô viết. Ông thành công mỹ mãn, với cái giá là đẩy một đồng minh là Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ra khỏi Liên hiệp quốc. Còn đồng minh kia, "tiền đồn thế giới tự do" là VNCH, thì bị đẩy xuống biển.
Là Giáo sư Kinh tế tại một đại học Hoa Kỳ ở miền Đông, ông Nguyễn Tiến Hưng đã từng làm Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng Hoà. Tỵ nạn tại Hoa Kỳ, ông vừa dạy học vừa thu thập các chứng liệu về mối quan hệ giữa VNCHø với Hoa Kỳ, và đã xuất bản hai cuốn sách. Thứ nhất là cuốn "The Palace File", được Cung Thúc Tiến dịch sang Việt ngữ thành "Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập", kể lại sự bội tín của Hoa Kỳ với miền Nam tự do. Cuốn thứ hai, "Khi Đồng Minh Tháo Chạy" nói rõ hơn về những tình tiết bội phản. Cuốn thứ ba, ra mắt vào tháng Năm 2010, tập trung về khung cảnh lịch sử và tâm tư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Trong dịp tháng Tư để đánh dấu 35 năm sau biến cố 1975, xin giới thiệu cuốn "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu"  sẽ được tác giả Nguyễn Tiến Hưng cho ra mắt tháng tới. Đây là cuốn sách có giá trị và rất đáng tham khảo.
Sau đây, là một chương trích từ cuốn sách về những đổi chác của Tổng thống Richard Nixon khi cần bắt tay Trung Quốc. Hoặc nói như Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng: "Mở cửa Bắc Kinh, Đóng cửa Sài gòn".

*
- "Gái của ông ấy chứ đâu phải của tôi," Tổng thống Nixon sửa lời Chủ tịch Mao khi họ đùa cợt với nhau trong lần họp mặt đầu tiên tại Bắc Kinh. Khi Mao khen Kissinger đã khôn ngoan bảo mật được chuyến đi Trung Hoa để sắp xếp cho cuộc viếng thăm này, Nixon nói thêm: (1)
- "Trông ông ta không có giống một điệp viên, ông ta là người duy nhất bị quản thúc mà có thể đi Paris 12 lần và đi Bắc Kinh một lần mà không ai biết, có lẽ trừ ra hai cô gái."
- "Mấy cô ấy đâu có biết", Kissinger tiếp lời, "tôi chỉ dùng chuyện đó để che giấu."
- "Ở Paris à"" Mao hỏi.
- "Bất cứ ai sử dụng được gái đẹp làm bình phong phải là nhà ngoại giao giỏi nhất của mọi thời đại." Nixon cười đùa.
- "Vậy là các ông hay sử dụng gái"" Mao hỏi. Nixon sửa lời, nói rằng đó là các cô gái của Kissinger, "Nếu như tôi mà dùng gái làm bình phong thì đã nguy to rồi."
- "Đặc biệt là trong năm tranh cử như năm nay." ông Chu họa thêm.
Mọi người đều phá ra cười trước khi bắt đầu vào cuộc bàn luận.
Đầu xuôi thì đuôi lọt: mới vừa gặp nhau mà đã bông đùa thân mật được như vậy thì chắc là mọi việc sẽ êm ả. Nhưng đang khi Bắc Kinh cười thì Sàigòn cũng cười, mà là cười ra nước mắt. Kể lại về giai đoạn nầy, Tổng Thống Thiệu nói lên tâm tư của ông lúc ấy: "Hoa Kỳ đã kiếm nhân tình mới, và Nixon đã tìm thấy Trung Cộng. Ông ta không muốn cô nhân tình cũ cứ lẽo đẽo theo mình nữa. Việt Nam bây giờ đã già và xấu xí rồi."
 Sự kiện Nixon đã táo tợn đảo lộn hai mươi năm thù nghịch với Trung Quốc cũng làm cho các đồng minh ở Á Châu hết sức kinh ngạc. Nhưng làm sao bỏ được cô nhân tình ấy" Tất nhiên là phải làm mọi chuyện cho khôn khéo, phải thầm đi từng bước, từng bước.
Về việc Hoa Kỳ bắt tay với Trung Cộng và bỏ rơi Miền Nam thì chúng tôi cũng đã đề cập tới trong hai cuốn sách Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập (HSMDĐL) và Khi Đồng Minh Tháo Chạy (KĐMTC), nhưng từ năm 2005 tới nay đã có thêm nhiều dữ kiện qua những tài liệu mới giải mật để soi sáng hơn sự kiện này.
Sau khi nghiên cứu những thông tin nội bộ Hoa Kỳ với những hồi ký của hai ông Nixon, Kissinger, và hồ sơ mật tại Dinh Độc Lập, chúng tôi đã thấy có thể trả lời được ba câu hỏi: thứ nhất, vào ngày tháng nào đã có sự đảo ngược về chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam"; thứ hai, diễn tiến của hai động tác "mở cửa Bắc Kinh, đóng cửa Sàigòn" ra sao"; và thứ ba, phương cách nào để bỏ rơi Miền Nam êm thắm"

Ngày Họ Chu Bật Đèn Xanh
Chuyện viếng thăm Trung Hoa vào tháng 2, 1972 của Nixon là thành quả của hai năm bí mật tiếp xúc giữa Washington và Bắc Kinh (từ hè 1969 đến hè 1971). "Nixon cho rằng chính sự cứng rắn của chúng ta trong vấn đề Việt Nam đã dọn đường cho chiến lược (của Hoa Kỳ) mặc dù thỉnh thoảng nó cũng gây ra một chút chậm trễ," Kissinger viết trong Hồi ký, ông cho rằng "Chỉ khi Hoa Kỳ tỏ ra mạnh mẽ ở Á Châu thì mới có thể làm cho người Trung Hoa kính trọng." (2) Bởi vậy, lúc này thì Trung Hoa đã kính trọng, đi tới chỗ muốn hòa hoãn.
Trước khi nhậm chức Tổng Thống, chính Nixon cũng đã tuyên bố "Cuộc chiến ở Việt Nam là một sự đương đầu - chẳng phải giữa Việt Nam Cộng Hòa và Việt Cộng hay giữa Hoa Kỳ và Việt Cộng - mà chính là giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng."
Như vậy, đối với Kissinger thì cuộc chiến ở Việt Nam cũng chỉ là để phục vụ cho chiến lược Hoa Kỳ ở Á Châu, đó là đi tới chỗ hòa hoãn với Bắc Kinh. Còn với Nixon thì Hoa Kỳ đã chiến đấu với Trung Cộng chứ không phải Bắc Việt trên chiến trường Việt Nam.
Ngay từ 1969, năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Nixon đã nhắn nhủ Bắc Kinh qua mối lái. Đầu năm 1970 thì hai bên bắt đầu nháy mắt, trong một cuộc họp tại Tòa Đại sứ Trung Hoa ở Warsaw (Ba Lan) vào ngày 20 tháng 1, 1970, Đại sứ Hoa Kỳ Walter Stoessel bắn tiếng: (3)


- "Hoa Kỳ sẵn sàng xem xét gởi một đại diện sang Bắc Kinh để thảo luận trực tiếp với đại diện của các ngài, hoặc tiếp đón một đại diện của chính phủ các ngài để bàn luận... về những vấn đề mà chúng ta có thể đồng ý với nhau."
- "Chúng tôi sẵn sàng xem xét và thảo luận bất cứ ý kiến hay và gợi ý nào." Đại sứ Trung Cộng Lei Yang đáp lại, "để thực sự cải thiện mối bang giao giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ. Những cuộc nói chuyện này có thể tiếp tục ở cấp Đại sứ hoặc cao hơn nữa, hoặc qua những kên khác do hai bên đồng ý."
Sau khi Tổng Thống Nixon tỏ ý là ông muốn thăm viếng Trung Hoa trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Time (tháng 10, 1970) thì hai tháng sau tín hiệu phúc đáp được phát đi từ Bắc Kinh (ngày 18 tháng 12). Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Edgar Snow của tuần báo Life, Chủ tịch Mao có ý kiến: "Lúc này thì vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa sẽ phải giải quyết với Nixon... và (chúng tôi) sẽ vui lòng tiếp chuyện với ông ta (Nixon) với tư cách một người đi du lịch hay tư cách một Tổng Thống."
Ông Snow thuật lại lời của một nhà ngoại giao Trung Hoa cao cấp nói rằng "Nixon đang rời bỏ Việt Nam rồi." Kissinger đồng ý với nhận xét này, và bình luận rằng như vậy thì "Ở quảng trường Thiên An Môn người ta còn hiểu rõ đường hướng chính sách của Hoa Kỳ về Việt Nam còn hơn là ở công viên của đại học Harvard," (nơi mà phong trào phản chiến đang lên mạnh). (4)
Ngày 10 tháng 5, Kissinger gửi Chu Ân Lai một thông điệp: "Tổng Thống Nixon đề nghị một cuộc gặp gỡ mật sơ khởi giữa Phụ Tá An Ninh Quốc Gia, Tiến sĩ Kissinger và Thủ tướng Chu Ân Lai, hay bất cứ quan chức cao cấp nào cũng được." Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra tại Hoa Lục.

Ngày quyết định:
 - 31 Tháng 5, 1971.
- Mở cửa: Chỉ chưa đầy một tháng sau, phúc đáp từ Bắc Kinh đã tới: "Ngày 31 tháng 5, 1971, chúng tôi nhận được một thông điệp kỳ thú nhưng bí ẩn của ông Hilaly, Đại sứ Pakistan," Kissinger kể lại. Thông điệp này nói tới "Một bức điện văn dài đang được mang tay đến từ Pakistan... Hilaly tin chắc rằng Trung Hoa đã chấp nhận trên căn bản đề nghị của chúng tôi." Và đúng như vậy, chỉ hai ngày sau (2 tháng 6), thông điệp của ông Chu đã tới, xác định là chính phủ Trung Hoa chấp thuận đề nghị tiếp một sứ giả của Hoa Kỳ: "Thật khó mà diễn tả ra được hết cái cảm giác nhẹ nhõm hẳn đi của tôi lúc ấy." (5)
- Khép cửa: Sao nó ăn khớp với nhau đến thế" Cùng ngày 31 tháng 5, 1971, trong khi Tòa Bạch Ốc nhận được tin tức từ Bắc Kinh thì ông Kissiger đang mật đàm ở Paris. Lịch sử sẽ phải ghi nhận ngày này là ngày quan trọng nhất trong cuộc hòa đàm vì nó đánh dấu bước ngoặt của chính sách Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam. Trong suốt thời gian hòa đàm bí mật, vấn đề cả hai bên Bắc Việt và Hoa Kỳ đều rút quân khỏi Miền Nam là vấn đề chính yếu, và cũng là vấn đề sống còn của Miền Nam.
Trong cuộc họp với phái đoàn Bắc Việt hôm ấy, ông Kissinger đã nhượng bộ về nguyên tắc căn bản này.
Ngày 31 tháng 5, ông tới họp với ông Xuân Thủy ở căn nhà số 11 Rue Darthe, vùng Choisy-le-Roi ngoại ô Paris để đề nghị một kế hoạch hòa bình mới. Ông Kissinger tiết lộ rằng dù Tổng Thống Nixon vẫn hoài nghi và e ngại về kế hoạch Hoa Kỳ rút quân đơn phương này nhưng sau cùng thì cũng đã đồng ý: "Đề nghị này đánh dấu bước ngoặt chủa chính sách chúng ta về Việt Nam... vì chúng ta đã đề nghị điểm thứ nhất là đặt ra một ngày tháng cho việc rút quân. Chúng tôi đã bỏ đi đòi hỏi của chúng tôi về việc hai bên cùng rút," và đồng ý như vậy chỉ với một "điều kiện là Hà Nội không mang thêm quân vào các nước Đông Dương nữa."
Ông nói tới "bước ngoặt"  là vì từ đầu tới lúc đó, như chính Nixon đã tuyên bố khi đem ra lập trường hòa đàm sau khi lên chức Tổng Thống: "Chúng tôi đã gạt bỏ việc Hoa Kỳ triệt thoái đơn phương, hoặc việc chấp nhận tại Paris những điều khoản che giấu một sự thua trận."
Ngày 2 tháng 6, 1971 vừa nhận được thông điệp từ Bắc Kinh, Nixon liền mời Kissinger vào phòng khách Lincoln trong Bạch Cung uống một ly rượu mạnh và chúc mừng: "Henry, chúng ta hãy nâng ly để chúc mừng không phải cho cá nhân chúng ta hay sự thành công của chúng ta, hay cho những chính sách của chính phủ đã giúp chúng ta có bức điện tín này, và có được đêm nay. Chúng ta hãy nâng ly để chúc mừng cho những thế hệ tương lai sẽ có được cơ may sống trong hòa bình với những điều chúng ta đã làm." (7) Bởi vậy cho nên "từ nỗi đắng cay và sự chia rẽ do cuộc chiến thất vọng này, chúng ta có thể lại trỗi dậy với một niềm tin tưởng của toàn dân vào tương lai đất nước chúng ta."

Vào Bắc Kinh Qua Cửa Sàigon
Ngày 27 tháng 4, 1971 tại Tòa Bạch Ốc có cuộc bàn bạc về việc ai sẽ là sứ giả đi Bắc Kinh" Thoạt đầu Tổng Thống Nixon đã tính chọn một người khác chứ không phải là Kissinger. Đây cũng dễ hiểu vì trong cuốn sách do tác giả Robert Dallek vừa xuất bản Partner in Power - Nixon and Kissinger (Harper Collins, 2007) có nói đến tương quan có tính cách ganh đua giữa hai người và Nixon cũng không muốn cho Kissinger nổi quá. Về việc chọn sứ giả, Nixon nói tới tên ông George Bush (cựu Tổng Thống Bush, ông Bush cha), nhưng Kissinger gạt phắt đi:
- "Tuyệt đối không được, ông ấy quá mềm yếu và không được tinh tế lắm."
- "Hay là để ông Nelson Rockefeller vậy"" Nixon hỏi.
- "Không, cũng không nên, vì ông ấy không có đủ tinh thần kỷ luật mặc dầu cũng có thể được." Kissinger nhận xét về Rockefeller, người chủ cũ và ân nhân của mình.
Thật ra thì Nixon cũng không ưa gì Rockefeller vì là đối thủ cũ của mình nên ông đồng ý với Kissinger và cho rằng "Rockefeller hay thất thường". Như vậy thì còn ai nữa" Kissinger bèn khôn khéo nối kết việc gửi sứ giả đi Bắc Kinh với việc kết thúc chiến tranh Việt Nam để dụ Nixon: "Thưa Tổng Thống, trước đây tôi không nói ra điều này, nhưng nếu chúng ta làm được chuyện này, chúng ta có thể kết thúc (luôn cả) vấn đề Việt Nam trong năm nay." Thế là trúng tủ rồi, và Kissinger được một cơ hội thật hiếm để trở nên nhà ngoại giao nổi tiếng. Ông hăm hở tìm mọi cách để Bắc Kinh sớm chính thức xác nhận chuyến viếng thăm của Tổng Thống Nixon để còn đi Bắc Kinh sắp xếp. (8)
Được chọn đi Bắc Kinh, Kissinger vui vẻ quá sức.
Kỳ tới: Chuyện  mật trong chuyến chuyến đi bí mật.
NGUYỄN TIẾN HƯNG
(1) Richard Nixon, The Memoirs of Richard Nixon, trang 561-562.
(2) Henry Kissinger, The White House Years, trang 716.
(3) Nh" trên, trang 684-687.
(4) Nh" trên, trang 702-703.
(5) Nh" trên, trang 726-727.
(6) Nh" trên, trang 1018.
(7) Richard Nixon, s"", trang 727.
(8) The New Yok times, 2/28/2002.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mùa Thu ở Hoa Thịnh Đốn kéo dài ba tháng, bắt đầu từ 21 Tháng 9 đến 21 Tháng 12. Mỗi năm cứ sau Halloween
Có một số độc giả nêu thắc mắc về một bản tin trên Việt Báo nói rằng Giáo Hội PGVNTN đã "tan vỡ," và cho rằng chữ này không chính xác.
Một tuần vận động thành công và nhu cầu cần thiết: Dịch các lá thư CS “chửi” Hoa Kỳ, để nộp cho QH, BNG và Hội đồng An Ninh Quốc Gia
Theo nhận xét từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Institute of Directors, một tổ chức qui tụ các công ty thương mại của người Anh
Tôi tên là Nguyễn Phương Anh , giới tính : Nam, ngày  sinh : 11/9/1972 , số giấy chứng minh nhân dân : 011537150 , ngày  cấp 13/10/2004 do công an Hà nội cấp
Kỳ nhông (hay cắc kè giông, caméléon) là một loại bò sát có đặc tính đổi màu da (các lớp vảy) tùy môi trường: giữa đám lá nó biến thành sắc xanh
Còn đúng một năm nữa, Hoa Kỳ sẽ có tổng tuyển cử để dân chúng bầu lên các cấp lãnh đạo của chính quyền liên bang và tiểu bang
Hoà Thượng Thích Quảng Độ thuật lại chuyến viếng thăm của phái đoàn Hoa Kỳ USCIRF... Đó là bản tường trình của nữ sĩ Ỷ Lan
Báo sự thật, số 120, ngày 15-10-1949 có đăng bài viết của Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước Dân chủ; Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế từ Paris vừa phổ biến bản tin ngày 1-11-2007 về một Ủy Hội Hoa Kỳ gặp HT Thiện Hạnh ở Huế về tình hình Giáo Hội PGVNTN
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.