Hôm nay,  

Một Chuyến Tây Du

01/08/200900:00:00(Xem: 7736)
Một chuyến Tây Du
Tam Giang HOÀNG ĐÌNH BÁU
Cuối cùng tôi quyết định đi Âu Châu vào ngày 18-5-2009 sau mấy tháng liên lạc với chị tôi ở Đức qua điện thoại và internet. Hành lý du lịch của tôi lúc nào cũng gọn nhẹ. Nhân lúc gặp mùa cúm heo, sợ phiền toái ở phi trường nên tôi lại gọn nhẹ thêm bằng cách không mua bất cứ thứ gì ở Cali làm quà cho chị tôi và các cháu bên đó. Sau 14 giờ bay, phi cơ hạ cánh ở phi trường quốc tế Frankfurt. Theo tôi, phi trường Frankfurt là phi trường hiện đại, sạch sẽ nhất mà tôi đã đi qua trong chuyến Tây Du nầy. Cảnh sát ở phi trường Frankfurt kiểm tra hành lý và Passport của tôi cũng nhanh chóng hơn so với phi trường LA ở California. Vì biết trước nhà ga xe lửa nằm trong khu vực phi trường nên tôi lững thững kéo hành lý đi xuống tìm nhà ga. Ở Đức, cảnh sát ít biết tiếng Anh nên cần gì thì cứ việc đến các quầy  “Information Service” là có ngay. Tôi điều chỉnh đồng hồ đúng với giờ địa phương và đổi tiền đô qua tiền euro là xong. Lúc đó một trăm đô đổi được 60 euro tại phi trường.
Từ nhà ga Frankfurt đến thị trấn Góttingen, nơi chị tôi ở, khoảng cách trên 300 cây số. Xe lửa tốc hành rời ga lúc 12 giờ trưa, chạy đúng 3 giờ 30 phút là đến nơi. Mỗi ga, tàu chỉ dừng đúng 2 phút vừa đủ cho khách lên xuống. Tôi hơi lo sợ vì thấy tàu chạy quá nhanh, nếu đến ga Góttingen mà không biết để xuống thì không hiểu phải làm sao đây, nhưng người khách ngồi bên cạnh tôi là một sinh viên Pháp du học ở Đức cho tôi biết hãy nhìn đồng hồ, xe lửa sẽ đến ga Góttingen không trật một phút nào.
Xuống ga tôi gọi taxi, đưa địa chỉ cho người tài xế. Anh ta xem xong địa chỉ gật đầu rồi cho xe chạy. Tôi yên tâm ngả lưng ra sau thở một hơi dài, trút hết mọi ưu tư, lo âu cho anh ta. Thế rồi xe dừng trước căn chung cư, anh chị tôi, đôi thân gầy guộc, đầu tóc bạc phơ, đứng  lấp ló sau cánh cửa sổ chờ đợi tôi.
 Sau bốn ngày tâm sự, ăn uống và gặp mặt các con cháu xong, tôi nghĩ ngay đến chuyện phải đi tìm bạn bè. Ở Âu Châu tôi có 3 người bạn cùng khoá Đệ Nhất Bảo Bình của trường Hải Quân Nha Trang  nhưng đã trên 50 năm chưa hề gặp mặt lần nào. Đó là các bạn Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Nguyên đang ở Pháp và Nguyễn Thành Sắc đang ở Đức. Tôi xin phép anh chị để đi Pháp thăm bạn bè. Anh chị tôi không vui lắm vì xa nhau lâu, vừa mới gặp nhau có bốn ngày lại đòi đi nữa. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác. Chủ đích của tôi là vừa đi tìm bạn bè vừa đi du lịch một mình để được hưởng cái tự do, thoải mái với bao điều mới lạ xảy đến từng giờ, từng phút, từng giây. Hơn nữa phần đông bạn bè trong khoá đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, khó mà có thể làm một chuyến du lịch đơn thương độc mã như tôi ngày hôm nay.
 Tôi lấy danh sách Bảo Bình với số điện thoại mà Chí Toàn thường cập nhật và gửi đến anh em hằng năm rồi gọi ngay Nguyễn Minh Thành nhưng không gọi được, lý do chưa quen cách gọi từ Đức qua Pháp nên phải nhờ anh chị tôi giúp. Cuối cùng gặp Thành bên kia đường dây:
- Alô. Cho tôi gặp Nguyễn Minh Thành. Tôi Hoàng Đình Báu đây.
- Cụ Báu ơi! Cụ Bân có gửi email báo cho tôi biết cụ qua Đức.
- Tôi đang ở Đức muốn qua Pháp thăm cụ có được không"
- Sao lại không. Khi nào qua"
- Ngày mai.
- Ừ. Qua sớm chứ tuần sau tôi đi chơi xa rồi. Qua bằng phương tiện gì"
- Tôi ở miền Nam nước Đức, qua Pháp bằng xe lửa tiện hơn.
- Khi nào cụ mua vé xong gọi tôi. Nhớ mua vé xe lửa đi Paris mà ga cuối cùng là ga Paris Est nhe.
- Đáp nhận.
Đứa cháu chở tôi ra ga xe lửa mua vé ngay lập tức. Có vé tôi liền gọi Minh Thành :
- Cụ Thành ơi. Vé xe lửa mua xong. Ngày mai 9 giờ sáng xe lửa sẽ đến ga  Paris Est.
- Được rồi. Đây là ga chính, khi hành khách xuống hết cụ hãy xuống và đứng ngay tại chỗ. Đừng đi theo họ và cũng đừng đi đâu cả. Tôi sẽ đến đón cụ. OK" Ngày mai sẽ gặp nhau.
Chuyến tàu khởi hành từ Góttingen lúc 5 giờ sáng và đi qua vùng Alsace-Lorraine ráp gianh giữa  Đức và Pháp. Làng mạc giữa Pháp và Đức cũng na ná như nhau, toàn nhà gạch mái ngói cũ kỹ từ thế kỷ trước nằm giữa những xưởng xe hơi mới cất hiện đại, lộng lẫy nổi tiếng của Đức và Pháp như Mercedes, Volkswagen, Peugeot, Citroen v.v. Thỉnh thoảng đoàn xe dài như con rắn khổng lồ chạy qua những cánh đồng lúa mì chín vàng hay những thửa ruộng nho xanh mướt. Cuối cùng xe chạy vào nhà ga chính của thành phố Paris hoa lệ. Ga chính là nơi xe lửa đi và đến Paris từ khắp mọi hướng của Âu Châu.
Như lời dặn của cụ Thành, tôi là người khách xuống xe sau cùng rồi đứng đợi ngay bên toa số 19 trong đoàn xe gần cả trăm toa. Năm phút sau, sân ga vắng tanh chỉ còn một mình tôi bên cạnh đoàn xe ngủ yên mà bóng dáng Thành chẳng thấy đâu. Tôi lo lắng. Mười lăm phút sau, tôi kéo hành lý đi về phía đầu toa xe với hy vọng may ra tìm được một ai đó để hỏi đường ra ga. Tôi lầm lũi đi, bất chợt ngẩng đầu lên thì thấy ngay Thành cũng đang lẩn thẩn đi về phía tôi. Thấy tôi Thành la lớn:
- Tôi bảo cụ ra đứng đầu toa xe, sao chờ mãi không thấy "
Tôi phân bua:
- Cụ bảo tôi xuống đứng ngay toa xe mà chờ mãi chẳng thấy cụ đâu. 
 Chỉ ba tiếng ‘ngay đầu toa xe’ hay ‘ngay toa xe’ mới hôm qua mà nay mỗi người nói một cách. Trí nhớ của tuổi già mờ ảo như mây khói thật! May quá! Nếu không thì tôi phải mua vé xe lửa trở về lại Đức.
Cuối cùng hai đứa mừng quá ôm nhau mà quên đi cái lẩm cẩm của mình. Không biết có ông tây bà đầm nào nhìn thấy cảnh hai ông già Việt Nam mò mẩm tìm nhau giữa kinh đô ánh sáng nầy không" Cụ giành kéo hành lý tôi ra ga. Tôi đi bên cạnh cụ giữa rừng người đủ mọi màu da, sắc tộc, đủ mọi ngôn ngữ, đang ngược xuôi huyên náo. Mặt trời chan hòa ánh nắng nhưng khí trời vẫn còn se lạnh càng làm cho Paris thêm mượt mà và lãng mạn. Tôi nhìn Thành thấy anh khác xưa nhiều lắm. Tóc đã bạc trắng, dáng đi như cua bò ngày nào vẫn còn nhưng giờ đây đã hết vẻ lanh lợi. Vì đường xá Paris chật hẹp, xe cộ qua lại đông đúc mà nhà cụ lại ở tận ngoại ô nên cụ không dám lái xe lên Paris đón tôi. Cụ bảo tôi theo cụ mua một xấp vé xe bus và metro dự trù cho chuyến thăm viếng 4 ngày của tôi. Sau đó cụ đưa tôi lên xe bus đi một vòng quanh Paris rồi chỉ cho tôi những nơi mà ngày mai, ngày mốt, ngày kia... chúng tôi sẽ đến thăm. Như vậy là cụ đã chuẩn bị cho tôi một chương trình du ngoạn Paris khá chu đáo. Nhưng cái bụng không chịu nghe cái đầu. Tôi nói nhỏ với cụ:
- Thôi mình đi kiếm cái gì ăn đi.
Cụ Thành ngồi bên cạnh tỉnh bơ như ông già Ba Tri. Không biết cụ có nghe tôi nói gì không, hay cụ đang suy tính một điều gì đó. Một lúc sau cụ lặng lẽ rút trong áo lạnh một ổ bánh mì ba-gét dài đã bẻ đôi đưa tôi một nửa rồi cụ nói:
- Này cụ ăn thử bánh mì Tây xem có bằng bánh mì Cali không "
Tôi nghĩ thầm. Đâu có phải tôi qua Pháp để ăn bánh mì nguội kẹp trong nách cả nửa ngày mà lại ngồi ăn trên xe bus đầy người ta như vậy. Ở bên Mỹ không có ai làm như vậy. Định nói như thế nhưng thấy cụ năn nỉ:
- Ăn thử đi mà. Chút nữa xuống xe mình vào tiệm ăn.
Đói quá, tôi đành ngắt một miếng bánh mì bỏ vào miệng nhai. Bánh mì Pháp ngon thiệt. Chẳng mấy chốc khúc ba-gét gầy và dài gần nửa mét biến mất. Xe bus dừng, cụ đưa tôi vào một tiệm bán bánh mì thịt nguội. Cụ nói tiếng tây với mụ đầm già bán hàng một hồi rồi đem ra hai khúc bánh mì thịt nguội. Cụ khoe với tôi:
- Cụ có biết hai khúc bánh mì nầy bao nhiêu không"
Tôi trả lời:
- Bên Cali khoảng 2 đôla.
Cụ nói:
- Đáng lý hai khúc này phải trả 6 euro tức 8 đôla, nhưng tôi bảo với mụ đầm già rằng hai đứa tôi chỉ còn có 5 euro thôi vậy yêu cầu mụ ta lấy hai miếng phô mai  ra có được không. Mụ ta gật đầu. Thế là hôm nay hai đứa mình ăn bánh mì thịt nguội rẻ được 2 đồng.
Tôi mỉm cười nói với cụ:
- Cụ Thành ơi! Không biết cụ đùa hay thật chứ làm kiểu cắc cớ nầy hoài chắc tôi phải trốn về lại Mỹ thôi. Bên Cali người ta không bán kiểu đó đâu cụ ạ!
Cụ cười :
- Ở Pháp cái gì cũng đắt đỏ. Mình tiết kiệm đồng nào đỡ đồng đó mà.
Vậy là sau khi ăn thêm một ổ bánh mì nữa tôi mới thấy êm bụng. Tiếp đến, cụ đưa tôi về nhà. Trên xe bus, cụ kể về gia đình và cuộc sống ở Pháp hơn 30 năm nay. Cụ nói ngày xưa lúc phục vụ hải tuần ở Đà Nẳng, chút nữa cụ và Lê Thượng Chiêu đã là anh em cột chèo với nhau. Từ đó cụ sống độc thân cho đến ngày nghỉ hưu. Bây giờ tôi mới biết cụ là em ruột của HQ Trung Tá CK Nguyễn Minh Công (K7), hiện đang ở Houston, Hoa Kỳ. Cụ giải ngũ trước năm 1975 và đi tàu buôn. Đến năm 1975 tàu của cụ đang ở Singapore và được người cô ở Pháp bảo lãnh. Người cô nầy là con gái của cựu thủ tướng Nguyễn Văn Tâm thời Bảo Đại. Đến Pháp, cụ đi học và lấy bằng hàng hải viển dương rồi đi làm cho các tàu buôn và cuối cùng là sĩ quan hải hành cho một chiếc tàu dầu lớn của Pháp. Cụ đã nghỉ hưu, mua nhà rồi cưới vợ để tận hưởng những ngày còn lại. Cụ đùa với tôi: « Moa lù khù nhưng cưới con vợ ngon lành lắm! Nhớ về nói với các bạn BB bên Mỹ giùm moa. »
Về căn nhà hai phòng ngủ trong một khu chung cư mới cất thuộc vùng Chilly Mazarin nằm ở phía Nam ngoại ô Paris và cách trung tâm Paris 17 km. Gặp bà xã cụ đang chuẩn bị làm bữa ăn tối đãi khách. Cụ giới thiệu tôi với bà xã, đúng như cụ nói, bà xã cụ cũng là một trong những bà nội tướng trẻ đẹp của Đệ Nhất Bảo Bình.
Óc tiếu lâm của cụ vẫn như xưa. Cụ đưa tôi một đống mền gối, khăn trải giường và đưa tôi vào một căn phòng có sẵn một tấm nệm dựng bên vách rồi bảo tôi tự làm giường để  xem học tập cải tạo ở Việt Nam có khác học tập cải tạo bên Pháp không, rồi cụ chụp hình gửi cho các bạn bè. Tôi vừa làm giường vừa kể chuyện Cung A Phòng của Hải J. Cụ ngơ ngác không biết Cung A Phòng là gì. Khi được giải thích cụ cười khoe : « Moa ở Paris trên 30 năm, cung điện nào moa cũng đến, về nói với Hải J qua đây một lần cho biết. » Nhưng tôi bảo Hải J còn là tài tử , đạo diển và nhà sản xuất phim truyện nhiều tập ‘Đi Hết Một Dòng Sông’ và sẽ trình chiếu vào kỳ họp khóa năm 2011. Liệu cụ có qua tham dự không" Cụ hơi do dự và không trả lời. Xong phòng ngủ, cụ đưa tôi ra nhà bếp bắt tôi rửa rau, thái hành, lột tỏi. Cũng chưa hết, cụ đưa tôi cây chổi dài bắt tôi quét rồi chùi sàn nhà cho bóng. Vợ cụ nhìn tôi cười nghiêng ngả. Thật là hạnh phúc quá phải không các bạn"
Ngày hôm sau, vợ chồng cụ và tôi đi ‘mero’ lên Paris. Ba người chúng tôi lội bộ từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều dọc theo đại lộ sầm uất và đẹp nhất nước Pháp là Champs Elysées rồi ghé thăm Tour Eiffel, Arc de Triomphe. Chúng tôi chỉ đi ngắm các cửa hàng sang trọng và các cô đầm cao giò chứ không mua xắm gì hết. Ngày kế tiếp tôi và cụ lại đi nhà thờ Le Sacré Coeur nổi tiếng trên ngọn đồi Montmarte. Ở đây cụ Thành có quen với mấy họa sĩ người Việt vẽ chân dung cho khách đến xem từ nhiều năm nay. Mỗi bức chân dung bằng tờ giấy học trò vẽ trong vòng một tiếng giá khoảng 30 euro. Chiều về hai đứa mệt nhừ nhưng lại được bà xã cụ bồi dưỡng bằng đĩa gà xé phay và tô cháo gà. Ăn xong tôi nhờ điện thoại cụ gọi cho Nguyễn Nguyên:
- Alô. Cho tôi gặp anh Nguyễn Nguyên.
Bên kia giọng người đàn bà trả lời:
- Dạ. Ông Nguyên không còn làm ở đây.
- Vậy xin cô cho tôi biết ông Nguyên làm ở đâu "
- Tôi không biết nhưng ở đây có cô Tata biết chỗ ông Nguyên làm nhưng phải đến 7 giờ tối cô mới vào.
Đến 7 giờ tối tôi gọi lại:
- Alô, tôi muốn gặp cô Tata
- Tôi Tata đây. Xin lỗi ông là ai"
- Tôi là Báu bạn anh Nguyên bên Mỹ qua, muốn gặp anh Nguyên.
- Xin lỗi Tông Tông không muốn gặp ai cả.
- Nhờ cô nói với Tông Tông, anh em bên Mỹ nhờ tôi qua đây gặp Tông Tông.
Chần chừ một lúc Tata nói :
- Tôi cho ông số điện thoại để ông gọi Tông Tông nhưng nhớ đừng nói tôi cho ông số điện thoại nầy và ông nên gọi Tông Tông lúc 8 giờ tối.
Tôi cám ơn, cúp máy rồi nhìn Thành hỏi:
- Cụ ở đây bao năm mà cụ có gặp Nguyễn Ngố lần nào chưa" Còn Tata, Tông Tông là cái quái gì "
- Tata là cô, Tông Tông là chú. Tiếng Pháp dùng để gọi thân mật mà.
- Vậy mà tôi tưởng Tông Tông là Tổng Thống !
Cụ nói thêm:
- Tôi biết hắn đi tàu dầu và ở Paris nhưng thật sự chưa bao giờ gặp hắn. Lúc còn ở trường Nha Trang có lần tôi gọi hắn Nguyễn Ngố liền bị hắn rượt chạy trối chết đến nay vẫn còn sợ.
- Vậy thì chút nữa mình gọi  Nguyễn Nguyên cho lịch sự nhe.
Đúng 8 giờ tối, tôi gọi:
- Alô, Cho tôi gặp ông Nguyễn Nguyên.
- Xin cho biết ai đang gọi tôi"
- Báu đây. Tôi qua Pháp đang ở nhà Nguyễn Minh Thành.
- Báu nào vậy"
- Báu Hoàng tức Heo Nọc đây!
- ĐM! Làm sao ông biết số điện thoại của tôi"
- Vậy mới tài. Ngày mai tôi và Thành muốn đến nhà thăm ông có được không"
- Thôi mình gặp nhau ở Sàigon Restaurant tiện hơn.
- Mấy giờ"
- Từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30.
- Sao khó vậy" Từ Mỹ qua tìm ông mà chỉ gặp có một tiếng thôi sao "
- Thì hai tiếng đủ chưa"
Tôi đưa điện thoại cho Thành và Nguyên nói chuyện về địa điểm gặp mặt ngày mai. Đó là tiệm ăn Việt Nam ở quận 13 Paris. Toàn Paris có tất cả 20 quận mà quận 13 là quận có nhiều người Á châu sinh sống nhất. Ngoài các tiệm cà phê nổi tiếng lâu đời như ‘Le Chat Noir’ hay ‘Cafe Flore’ của người bản xứ. Người Việt cũng mở nhiều tiệm ăn, quán phở, quán rượu, quán cà phê để cho những tâm hồn lãng tử xa quê hương như Nguyễn Nguyên đến nhâm nhi để hoài niệm quá khứ và buông thả cuộc đời.
Xong chuyện  giữa Nguyên và Thành tôi hỏi Thành:
- Ê. Cụ quên đưa tôi đi thăm Cung A Phòng Paris!

- Tôi đã lên chường trình rồi. Sau khi gặp Nguyễn Nguyên, chúng mình sẽ đi thăm Cung A Phòng. Ngày xưa tôi là thổ công ở đây mà. Độc thân đi tàu về, không gia đình, không vợ con, thuê căn phòng nhỏ trong khu phố Latin buồn quá cứ lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm suốt ngày.
Sáng hôm sau hai đứa tôi thức dậy ăn sáng, uống cà phê rồi ra xe bus ngay. Đến nhà hàng Sàigòn lúc 9 giờ, chúng tôi vào gọi hai ly nước cam ngồi chờ. Đúng  hẹn Nguyễn Nguyên đi bộ tới. Vẫn cái dáng cao, tướng hơi ngố, vai mang cái túi vải đen tỉnh bơ, tự nhiên đi vào nhà hàng rồi đến ngồi bên hai đứa tôi. Chúng tôi bắt tay chào hỏi rồi cụ Thành lấy máy ảnh ra chụp. Nguyên dơ tay lên:
- ĐM! Làm gì quan trọng vậy mấy cha"
Cụ Thành:
- Lâu ngày gặp nhau sao lại không chụp được" Không cho chụp thì tụi nầy về. Heo Nọc cất công từ Mỹ lặn lội qua biết bao nhiêu chặng đường, từ máy bay  cho đến xe lửa, xe hơi, xe bus rồi chui xuống hầm metro để mong gặp được ông mà ông nói vậy sao đặng"
- Ừ thì moa nói vậy vì sợ tụi toa không có nhiều thì giờ thôi.
Thấy có khách lạ của Tông Tông đến, cô hầu bàn đến bên Nguyên:
- Tông Tông uống gỉ"
- Một chai rượu vang và đồ nhậu.
- Thưa đồ nhậu gì"
- Đùi ếch chiên bơ và thịt bò lúc lắc.
Nhìn sắc mặt của Nguyên tôi chợt hỏi:
- Có bịnh gì không mà sao tôi thấy ông có vẻ hơi xanh"
- Moa chỉ có bệnh nhậu lai rai khi gặp bạn bè thôi.
Chúng tôi cụng ly mừng 50 năm mới gặp lại nhau. Chúng tôi tâm sự đủ điều. Nguyễn Nguyên trông gầy và yếu hơn xưa nhiều lắm. Cái hăng hái và bộc trực vẫn còn nhưng bớt khí thế, hình như trong con người anh thiếu một cái gì đó.
Tôi đăm chiêu một lúc rồi hỏi:
- Vợ con Nguyên có ở chung không"
Nguyên không nhắc đến bà xã mà chỉ nói đến mấy đứa con. Nguyên lấy trong túi xách mang theo lôi ra cuốn an-bum nhỏ đưa tôi xem hình mấy đứa con mặt mày như tây trắng thứ thiệt. Nói qua chuyện quá khứ, Nguyên có vẻ hãnh diện nói đến công ty hàng hải của Pháp mà Nguyên đã phục vụ trong những năm qua. Chức vụ cuối cùng là thuyền phó tàu dầu lớn của Pháp trước khi về hưu. Nguyên còn cho tôi xem hình ảnh Nguyên lúc làm thuyền phó đẹp trai, oai phong với bộ đồ “demi saison”  trên chiếc tàu dầu gần trăm ngàn tấn nầy. Để cho tôi hiểu thêm. Nguyên nói “Người Việt Nam đi tàu Pháp chức vụ lớn nhất là thuyền phó thôi”. Ngồi bên cạnh hai ông sĩ quan hàng hải Pháp gốc Việt đã từng đi khắp năm châu bốn bể, vào ra biển Manche như đi chợ, tôi cảm thấy hảnh diện là đã có những người bạn như thế. Tình cảm của khoá nhen nhúm và chúng tôi cụng ly nhiều lần để nhắc nhở đến những bạn bè hiện còn lưu lạc bốn phương trời, ai còn ai mất. Nguyên xúc động nhắc đến những lần tàu ghé bến Florida hay San Francisco bên Hoa Kỳ mà chỉ gặp được vài bạn ở San Jose như Lập, Kim Khánh v.v. mà thôi.  Khi đã vãn chuyện và thức ăn cũng vừa hết, Nguyên nhìn đồng hồ rồi gọi người hầu bàn đến:
- Cô tính hết cho tôi. Tôi sẽ thanh toán sau.
- Dạ.
Tôi và Thành suy nghĩ không biết ông bạn mình là nhân viên của nhà hàng hay là ông chủ nên được đối xử đặc biệt như vậy.
Ăn uống xong, chúng tôi bắt tay nhau từ giã nhưng Nguyên lại theo hai đứa tôi lên xe bus để tiễn đưa chúng tôi thêm một đoạn đường.
Ngồi bên tôi, Nguyên tâm sự:
 - Bây giờ moa tu rồi. Khi về bên đó cho moa gửi lời thăm tất cả.
Tôi hỏi:
- Có bao giờ bạn định qua Mỹ gặp anh em không"
Nguyên không trả lời.
Khi Nguyên đi rồi, tôi thấy trào dâng một điều gì đó trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nầy. Tuy không thân nhau nhưng khi nhắc đến bạn bè cùng khoá, chúng tôi đã để lại cho nhau những cảm xúc sâu xa. Nghe giọng nói của Nguyên trầm ấm, không vội vã, không cao bồi, ít chửi thề hơn lúc còn trẻ chứng tỏ dù trước đây có như thế nào, tuổi già và thời gian còn lại cũng chẳng còn bao lâu nữa mà xa lánh nhau, giận hờn nhau để làm gì.
Đến khu Chinatownn của Paris để thấy người Việt, người Hoa, người Miên mua bán tấp nập tại khu siêu thị lớn nhất tại đây gọi là ‘Tang Frère’ do người Miên gốc Hoa làm chủ nhưng tôi thấy vẫn  không sao tấp nập và đa dạng bằng khu phố Bolsa ở Little Sài Gòn miền Nam California.
Chúng tôi lại đi metro để đến khu vực “Đèn Đỏ” mà cụ Thành từng quen biết. Cụ nói:
- Nghề nầy xưa như trái đất nhưng vẫn tồn tại lâu đời ở đây. Đây là những con phố hẻm ăn thông với nhau giống như khu Đèn Đỏ Amsterdam bên Hòa Lan. Chỉ khác một điểm là ở đây những con phố hẹp hơn và mới xế trưa mà trời đã lạnh vì thiếu ánh nắng. Còn bên Amsterdam, những phố nằm dọc hai bên bờ những con kinh đào. Ban đêm đây là thế giới của những kẻ ăn chơi.
Trở lại phố đèn đỏ Paris, dọc hai bên ngõ phố là các cửa hàng đủ loại như bánh, trái cây, đồ tạp hóa, dụng cụ sex, nhưng cái gì cũng đắt hơn ở ngoài phố chính. Khu nầy cũng có các phòng trình diễn nghệ thuật (life show) về sex. Qua cửa sổ thấp thoáng những cô gái với những chiếc váy thật ngắn hoặc những chiếc áo mà không thấy đủ vải che. Cụ Thành nói nhỏ: “ Về bên ấy nhớ nói với các cụ Bảo Bình là hai đứa mình chỉ cởi ngựa xem hoa thôi nhé.”
Tôi bảo:
- Chuyện nầy không cần giải thích và thanh minh cụ ạ! Thằng Hải J nó nghe thấy nó cười cho đấy.
Ngày thứ 4 cũng là ngày cuối cùng tôi ở Paris. Sáng dậy, tôi cùng vợ chồng Thành tập dưỡng sinh xong ăn sáng. Bữa ăn đơn giản gồm bánh mì tây, thịt nguội và phô mai ‘cammenbert’ mùi hơi nặng nhưng béo ngậy. Ăn xong làm thêm một tách cà phê đậm rồi hai đứa đi bộ ra thăm làng. Tôi thích thú có dịp so sánh làng của Pháp với làng Việt Nam khác nhau như thế nào. Đầu tiên chúng tôi đi qua cánh đồng lúa mì đang độ làm đòng, cũng có vài chỗ lúa đã chín vàng. Chẹn lúa mì thẳng đứng còn chẹn lúa nước cong vòng, hạt lúa mì lớn hơn hạt lúa nước nhưng chẹn lúa mì ngắn lại ít hạt hơn chẹn lúa nước. Lúa của ta cần nước trong lúc lúa mì không cần nước mà cần sương nắng thôi. Nhà cửa cũng đủ loại lớn nhỏ nhưng hầu hết là nhà gạch và biệt thư. Đường xá trong làng cũng quanh co và ít được tráng nhựa nhưng sạch sẽ. Thành đưa tôi đến khu vực hành chánh rất khang trang, chung quanh có hồ cá thả sen và trồng tre như ở quê nhà nhưng chỉ thiếu con trâu và em bé ngồi trên mình trâu. Một vài ông già Pháp đang lang thang trong ngỏ hẽm, không hiểu họ có biết rằng có hai ông bạn già An-nam-mít không mời mà đến thăm ngôi làng của họ hay không.
Chiều đến, vợ chồng cụ Thành mời tôi ra nhà hàng ‘Courtepaille’. Nhà hàng sang trọng và lịch sự nằm trên ngọn đồi đầy hoa hồng đủ màu sắc. Món ăn cũng biểu hiện văn hóa Pháp như thịt bò, khoai tây chiên cùng rượu chát đỏ. Chúng tôi cũng đã chụp nhiều tấm hình lưu niệm tại nhà hàng nầy và trở về lúc 12 giờ đêm.
  Ngủ dậy sớm tôi xếp chăn mền gối vào một nơi ngăn nắp để cụ chụp hình. Cụ thích thú nói rằng như vậy là tôi đã học tập tốt, lao động tốt cụ mới chịu đưa tôi ra ga Paris Est để về lại Đức. Tôi cám ơn cụ ông, cụ bà đã cho tôi thời gian và lòng hiếu khách, tôi hứa khi nào qua Cali tôi sẽ nhờ Hải J dẫn cụ ông lên Los Angeles thăm Cung A Phòng. Hai chúng tôi cười vang. Cụ bà nghe nói cũng cười theo. Tôi chia tay vợ chồng Thành thật vô cùng cảm động.
Tôi về Đức ở nhà cháu gọi tôi bằng cậu ở thành phố Karlsruhe gần thành phố Haidach của Nguyễn Thành Sắc. Tôi gọi điện thoai cho Sắc mấy lần nhưng không được. Hôm sau đứa cháu chở tôi đến nhà Sắc thì người Đức ở gần đó bảo rằng ông Sắc không còn ở chỗ nầy từ lâu và họ cũng không biết bây giờ ông Sắc ở đâu. Tôi xem như bỏ cuộc tìm Sắc.
Nhân tháng 4/2009 có Đại Hội Công Giáo ở Đức, tôi quyết định đến đó hỏi xem may ra có tin tức về Sắc. Tại đây tôi gặp anh chị Nguyễn Văn Phay cựu  sĩ quan Hải Quân khóa 24 Nha Trang và vài  cựu hải quân khác nữa tham dự đại hội. Tôi hỏi về Nguyễn Thành Sắc thì  ai cũng biết nhưng người ta không biết NT Sắc ở đâu cả. May nhờ đứa cháu mà tôi đang ở nhà có người bạn biết ông Sắc trước đó cùng làm chung sở mà nay không còn ở chỗ cũ nữa. Lần mò, cuối cùng tìm được số điện thoại của Sắc. Tôi điện thoại liền:
- Cho tôi gặp ông Nguyễn Thành Sắc.
- Xin lỗi bác là ai"
- Tôi là bạn cùng khoá của ông Sắc từ Mỹ qua thăm.
- Thưa bác con là Phi. Con sẽ gọi ba con lên nói chuyện với bác ngay.
  Một phút sau có tiếng cười:
- Alô. Tôi nghe đây, xin lỗi ai đó"
- Phải Sắc Xô đó không" Báu Heo Nọc từ Mỹ qua. Có nhớ không"
- Hiện bạn đang ở đâu"
- Ở Đức, gần thành phố bạn ở đây.
- Vậy hả. Lâu lắm mới gặp lại vui quá. Đến nhà tôi ở đi.
- Cháu Phi cho địa chỉ. Tôi hứa ngày mai tôi sẽ đến.
Lúc mới ra trường tôi, Sắc và Hàm cùng xuống tàu HQ 327, hạm trưởng là HQ đại úy Đoàn Danh Tài. Chuyến công tác đầu tiên đi Năm Căn tham dự chiến dịch Sóng Tình Thương ròng rã 3 tháng trời nên chúng tôi có nhiều kỷ niệm với nhau  lắm. Từ đó (năm 1963) không còn gặp nhau cho đến hôm nay cũng đã gần 46 năm. Chúng tôi mừng lắm nhưng phải đợi ngày mai Thứ bảy cháu mới chở đến nhà Sắc được. Nhân tiện Sắc mời tôi đến nhà ở vài hôm để tâm tình. Hôm sau tôi đến nhà Sắc ở thành phố Bretten không xa chỗ cháu tôi là bao và tôi được gia đình Sắc tiếp đón thân mật.
Sau năm 1975, Nguyễn Thành Sắc đi tù cải tạo trên 6 năm. Lúc tha về gia đình Sắc được đứa con trai lớn đã vượt biên trước đó, bảo lảnh sang Cộng Hoà Liên Bang Đức. Gia đình Sắc hiện có một trai, hai gái và hai cháu nội ngoại. Các con đều thành đạt và có công ăn việc làm. Hiện vợ chồng Sắc ở chung với gia đình đứa con gái út tên Phi Phạm. Cô Phi Phạm tính tình vui vẻ hoạt bát và luôn sốt sắng giúp đỡ bố trong việc liên lạc email với các bạn bè. Sắc đã nghỉ hưu trong lúc bà xã vẫn còn đi làm việc.
 Sắc hiện đang tu thiền và ăn chay trường nên sức khỏe không được tốt. Ban đầu Sắc muốn tôi xuống ‘ basement’ở với Sắc nhưng dưới đó lạnh nên Sắc đưa tôi lên tầng thứ ba sáng sủa và ấm áp hơn. Hôm đó hai chúng tôi nói đủ mọi chuyện. Sắc nói với tôi về kỷ niệm lúc làm hạm trưởng PC 06 do hạm trưởng Hùng ( biệt danh Hùng Hăng Rô K9) bàn giao đi hộ tống tàu buôn từ Vũng Tàu đi Kampuchia. Sau đó làm hạm phó HQ 4 mà hạm trưởng là bạn Vũ Hửu San cùng khoá và đã tham dự trận đánh Hoàng Sa với Hải Quân Trung Cộng năm 1974, cuối cùng làm hạm trưởng HQ 11 một thời gian ngắn rồi giao tàu cho hạm trưởng Phạm Đình San (K10).
Nguyên tắc tu thiền của Sắc là “Nói nhiều có tội, không nói không tội, ăn chay giảm tội.”
Tôi hỏi Sắc:
- Vậy hôm qua hai đứa mình nói nhiều chắc nhiều tội lắm phải không"
Sắc trả lời:
- Đúng! Bởi vậy đêm qua tôi phải dậy thiền thêm một xuất nữa. Ông ngủ mê nên không biết đấy thôi. Mấy năm nay tôi ít nói, ngay cả với những người thân trong gia đình. Hôm nay đặc biệt lắm tôi mới nói nhiều.
Dù sao tôi cũng cảm phục sự kiên nhẫn tu luyện của Sắc suốt hơn 10 năm nay. Mỗi người sinh ra ai cũng có một ước mơ, một lối sống cho mình nhưng tôi chỉ ngại với lối sống và ăn uống như vậy mà cơ thể lại ít hoạt động e rằng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của người bạn tôi mà thôi.
Ngày hôm sau cháu Phi đưa tôi và Sắc đi một vòng dạo phố Bretten rồi ghé thăm nhà người con trai trưởng. Sắc đi đứng không được nhanh vì hai chân yếu. Lâu ngày gặp nhau, đi chơi ngoài phố làm Sắc vui lắm. Anh luôn miệng hỏi thăm đến tất cả các bạn bè cũ. Bà xã Sắc và cháu Phi hứa sang năm (2010) sẽ qua Nam Cali thăm đại gia đình Bảo Bình vì trước năm 1975 chị Sắc cũng đã quen một số anh chị trong khoá.
Chiều về cháu Phi trổ tài nấu các món ăn Ý như món spaghetti và món thịt bò hầm rượu vang đỏ. Trong lúc mọi người đang thưởng thức các món ăn ngon lành thì Sắc lủi thủi ngồi một mình bên các thức ăn chay thường ngày.
Nhìn lại bạn bè mới đó mà đã thay đổi nhiều, có người đã vĩnh viễn ra đi, có người đang nằm giường bệnh, có người nay ốm mai đau.
Thời gian trôi qua nhanh. Mới đó mà tôi đã ở Âu Châu được 3 tuần lể.
Những ngày sau cùng tôi lên Egelsbach gần thành phố Frankfurt và ở nhà anh chị Nguyễn Văn Phay. Gia đình anh Phay là gia đình người Việt thành công về mọi mặt ở Đức. Anh chị Phay có hai trai một gái. Hai trai đã thành một bác sỉ và một luật sư, cô gái út vừa mới 20 tuổi đã đậu bachelor và hiện đang làm việc tại New York. Ngoài công việc làm hằng ngày, anh chị còn tích cực tham gia các sinh hoạt cộng đồng ở Âu Châu với các cuộc vận động cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Dù bận rộn, anh chị Phay cũng đã dành một ngày đưa tôi đi thăm thành phố Frankfurt. Frankfurt là thành phố lớn thứ 5 của Đức sau Berlin, Hamburg, Munich và Cologne. Thành phố nầy nằm hai bên bờ sông Main thuộc Tây Nam nước Đức, dân số khoảng 5 triệu người. Nhà ga Frankfurt là nhà ga lớn nhất và đẹp nhất Âu Châu còn phi trường Frankfurt là một trong những phi trường lớn nhất thế giới. Ngày hôm đó tôi được đi thăm khu phố cổ ở quảng trường Romerberg sau đó đến thăm Maintower, toà nhà cao tầng duy nhất mà dân chúng có thể vào cửa tự do với tầng quan sát nhìn toàn cảnh thành phố ở độ cao 200 mét.
Sáng sớm hôm sau anh Phay đưa tôi ra phi trường Frankfurt để tôi đáp máy bay về lại Mỹ.
Đúng như người ta thường nói, có bắt đầu phải có kết thúc. Những hẹn hò, những ước mong, qua lời nói, qua từng cái bắt tay, từng cái ôm vai, những nụ cười ròn rã, những đôi mắt tròn xoe để rồi để lại cho nhau những bùi ngùi và nhung nhớ.
Mùa thu lại sắp đến. Những chiếc lá vàng đang chờ cơn gió thoảng để rơi. Biết ai trong cuộc chơi nầy sẽ đếm tiếp những tháng ngày còn lại. Những chiếc lá vàng rồi cũng sẽ lướt trên những mái tóc vừa chớm bạc hay đã bạc phơ.
Mùa thu lúc nào cũng là mùa của tình yêu lúc tuổi đã xế chiều.
Tam Giang HOÀNG ĐÌNH BÁU

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đại hội thanh niên sinh viên thế giới kỳ VI được tổ chức ở Mã Lai, số người tham dự hơn 200
Chịu đựng được bao đày ải trong tù đã là hay. Nhưng ngẩng đầu đứng thẳng trước đe dọa của gông cùm, họng súng thì thật xứng là anh hùng
Tết Mậu Tý năm nay đánh dấu 40 năm ngày Cộng sản Việt Nam lợi dụng  Đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc Tết Mậu Thân (1968)
Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ
Vào ngày này cách đây bốn năm, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đó là tựa đề trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt nam ngày 28/09/2007, để trả lời câu hỏi trên, tôi chọn cách tìm hiểu từ nội tình Việt nam ta
Đường vào Bạch Cung có thể ví như một cuộc chạy đua đường trường 50 vòng và với khoảng 15 vận động viên ở mức khởi hành
Một Thư Mời, ký tên Thầy Thích Hạnh Đạo, đề ngày 6-1-2008 nhân danh Đại Hội Bất Thường của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất
Vào ngày đầu năm dương lịch, quân phiến loạn tại Philippines đã bất ngờ tấn công một mỏ đồng tại khu vực Nam Cotabato ở miền Nam đảo Mindanao
Ngày 2 - 12 - 2007, Quốc vụ viện Trung quốc tuyên bố, lấy đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thành lập chung vào huyện Tam Sa, thuộc đảo Hải Nam
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.