Hôm nay,  

Cuộc Chiến Chống Khủng Bố

17/02/200900:00:00(Xem: 7074)

Cuộc Chiến Chống Khủng Bố

Vũ Linh
...Obama có vẻ như muốn chấm dứt ‘cuộc chiến’ với khối Hồi Giáo quá khích...
Một trong những hành động đầu tiên của tân TT Obama là 12 tiếng đồng hồ sau khi nhậm chức ký ngay sắc lệnh đóng cửa trại tù Guantanamo cũng như tất cả các trại tù bí mật khác ở ngoài nước Mỹ trong vòng một năm, cấm nhân viên an ninh Mỹ sử dụng một số biện pháp chống khủng bố, như tra tấn tù khủng bố và dẫn độ các tù nhân qua các xứ khác. Đồng thời TT Obama cũng ra lệnh ngưng truy tố các tù nhân này ra trước các tòa án quân sự đặc biệt để chuẩn bị chuyển những tù này qua tòa án dân sự.
Tất cả những quyết định này không có gì đáng ngạc nhiên vì đều đã được ứng viên Obama hứa hẹn trong mùa tranh cử. Những quyết định này cũng làm giới cấp tiến và truyền thông vui mừng và hết lời ca ngợi như một sự phục hồi của tinh thần thượng tôn luật pháp cũng như để bảo đảm việc tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người, cho dù đó là nhân quyền của những tên khủng bố chủ trương giết người vô tội bất cứ ở đâu và bằng bất cứ cách nào.
Tuy nhiên cũng có nhiều người lo ngại vì quyết định vội vã hấp tấp này đã được lấy mà không hề có sự tham khảo các viên chức hay chuyên gia về vấn đề chống khủng bố.
Trại tù Guantanamo là một trại đặc biệt nằm trong khu quân sự thuộc quyền kiểm soát của Hoa Kỳ trên đất Cuba, mới được thành lập sau khi Mỹ quyết định đánh quân khủng bố Al Qaeda và Taliban tại Afghanistan, với mục đích dùng để giam giữ các quân khủng bố bị bắt tại mặt trận, bị coi như là tù binh đặc biệt, không thể bị bắt và giam giữ trong khuôn khổ luật pháp bình thường, trong một nhà tù dân sự trên đất Mỹ.
Các trại tù bí mật khác thì được báo chí khui ra cách đây hơn hai năm, cho là đã được mở ra tại một vài quốc gia đồng minh tại Trung Đông và Đông Âu, nhưng đến nay vẫn không được chính phủ Mỹ hay bất cứ chính phủ nào khác xác nhận hay phủ nhận, do đó cũng chẳng ai biết có thật hay không, bao nhiêu, và ở đâu.
Việc tra tấn tù nhân được viện dẫn qua chuyện sử dụng hình thức nhận nước (water boarding). Tù nhân bị bịt mắt, bắt nằm ngửa, đầu dốc ngược mặt che khăn, rồi bị đổ nước lên mặt liên tục, để họ có cảm giác đang bị chết đuối. Báo chí làm lớn chuyện hình thức “tra tấn” khiến có ký giả của đài truyền hình Fox News đã đích thân thử nghiệm: "không nguy hiểm đến tính mệnh, nhưng dù biết trước cũng thấy sợ lắm!" Như vậy có phải là "tra tấn" hay không thì cũng còn tùy... luật sư hay các nhà ngôn ngữ!
Thật ra, trong mấy ngàn tù bị bắt nhốt tại Afghanistan, Iraq, và Guantanamo, chỉ có ba người phải chịu “cực hình” ấy. Đó là Khalid Sheik Mohammed, nhân vật đứng hàng thứ ba của Al Qaeda, kiến trúc sư của kế hoạch tấn công 9/11, Abu Zubaydah, Tư Lệnh Quân Sự của Al Qaeda, và Abu al-Nashiri, thủ phạm vụ đặt bom chiến hạm USS Cole ngoài khơi Yemen. Hình thức này đã bị chính phủ Mỹ cấm sử dụng từ hơn ba năm nay, nhưng vẫn là đề tài sốt dẻo để chửi Bush.
Dẫn độ (rendition) các tù khủng bố là trường hợp bắt được quân khủng bố Trung Đông rồi trả về nguyên quán cho các đồng minh “ít tôn trọng nhân quyền”, như Ai Cập, Ả Rập Saudi, Jordan... để họ bị tra tấn. Giải pháp này bị tố giác là hình thức bán cái chuyện tra tấn, vả lại cũng đã bị cấm từ lâu rồi.
Sau ngày 9/11, TT Bush đã lấy những quyết định mạnh bạo để chống khủng bố Hồi Giáo quá khích nhằm bảo đảm nước Mỹ không bị tấn công lần nữa. Không ai chối cãi được sự thành công của ông qua sự kiện là suốt hơn bẩy năm sau biến cố 9/11, không có một người Mỹ nào thiệt mạng vì khủng bố tấn công trên đất Mỹ.
Tuy nhiên sự thành công đó đã được trả bằng một giá khá đắt. TT Bush bị tố cáo đã đi quá trớn, vi phạm Công ước Geneva về tù binh, đàn áp nhân quyền các tù khủng bố, và tệ hơn nữa, vi phạm quyền bí mật riêng tư (privacy rights) của công dân Mỹ qua chuyện nghe lén điện thoại, đọc lén điện thư email.
Phe Dân Chủ, cấp tiến và truyền thông tố cáo TT Bush có thể cũng đã lạm quyền, vi phạm Hiến Pháp. Chuyện này, chúng ta, người dân tỵ nạn bình thường, khó có thể nhận định chính xác được. Chỉ biết là TT Bush có một tiểu ban gồm các chuyên gia luật pháp thượng thặng đặc biệt cố vấn cho ông về tính hợp hiến của các hành động của ông. Hơn thế nữa, nếu thật sự các hành động của ông vi phạm Hiến Pháp, chắc chắn ông đã bị Quốc Hội do phe đối lập kiểm soát từ năm 2006 tìm cách giải nhiệm mà khỏi cần đợi ông hết nhiệm kỳ.
Vấn đề tù khủng bố thực sự hết sức phức tạp, cho đến nay vẫn chưa ai đưa ra được một giải pháp thỏa đáng hay một nhận định công bằng không phe phái.
Trên phương diện pháp lý, phần lớn các tù khủng bố bị bắt là tại Afghanistan hay Pakistan. Cuộc chiến Afghanistan khác với cuộc chiến Iraq ở chỗ nước Mỹ, qua quyết định của Quốc Hội và Liên Hiệp Quốc chính thức tuyên chiến với nhóm cầm quyền Taliban. Do đó, những tù binh bị bắt tại mặt trận đều là những tù binh chiến tranh, không thuộc thẩm quyền pháp lý của các tòa dân sự Mỹ.
Với tư cách tù binh chiến tranh, đúng theo công ước Geneva về vấn đề tù binh chiến tranh, các tù nhân bị tạm giam, không thể bị tra tấn để lấy tin, không thể bị xử án gì, và khi chiến tranh chấm dứt thì sẽ được trao trả lại cho phe đối phương, hay cho trở về quê quán.
Trên căn bản này thì TT Bush rõ ràng là đã vi phạm công ước quốc tế khi dùng biện pháp mạnh để lấy cung và lấy tin.
Nhưng ngược lại, các tù nhân này cũng không hẳn là tù binh chiến tranh. Họ không mặc quân phục, không thuộc các đơn vị quân đội chính quy nào. Cuộc chiến chống khủng bố cũng là một cuộc chiến mơ hồ chẳng ai định nghĩa được giới hạn, hay khi nào thì chấm dứt để các tù binh có thể được trả về nguyên quán. Khi tấn công Nữu Ước, các tên khủng bố không đánh một mục tiêu quân sự nào mà chỉ cố tình giết dân vô tội. Luật quốc tế về tù binh chiến tranh khó có thể được áp dụng.
Luật pháp bình thường cũng khó áp dụng vì loại tù này bị bắt tại Afghanistan hay một vài xứ Trung Đông khác như Pakistan, Yemen, Ả Rập Saudi, Iraq, khi chưa có một hành động phạm pháp nào đối với Mỹ cả, hay ít nhất cũng là chưa có bằng chứng phạm tội rõ rệt. Khó có thể mang ra trước tòa xét xử như thông lệ, và kết án theo hình luật Mỹ.
Đối với một Khalid Sheik Mohammed thì tội trạng rõ ràng, có thể bị đưa ra xử án. Nhưng đối với một số lớn các tù khủng bố khác, việc giam giữ họ có tính cách phòng ngừa nhiều hơn là trừng phạt.
Lấy một ví dụ giản dị. Một tên khủng bố bị bắt vì đang học lái phản lực và có ý định cướp máy bay đâm vào một cao ốc. Đương sự mới học lái máy bay, chưa làm gì, chưa giết ai, thì làm sao truy tố ra toà" Về tội gì" Nhốt đến bao giờ" Mà nếu thả ra thì ai dám thả" Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu tên này thực hiện ý định"
Hay một tên khủng bố bị bắt tại Afghanistan và chưa hề đặt chân đến đất Mỹ, chưa phạm một tội gì với nước Mỹ. Làm sao xét xử theo luật Mỹ" Về tội gì" Mà không bắt, thì để tên này tự do chuẩn bị hành động sao"
Nếu TT Bush không làm gì và hai tên khủng bố trên hành động, giết được vài người hay vài chục người Mỹ, đảng Dân Chủ và truyền thông sẽ ca ngợi tính tôn trọng luật pháp của TT Bush hay sẽ chỉ trích ông vô tài bất lực"
Báo New York Times gần đây đã loan tin và chỉ trích chính quyền Bush lơ đãng vì một tên khủng bố trước đây bị bắt nhốt tại Guantanamo, sau đó được mang về Ả Rập Saudi trả tự do vì thiếu yếu tố kết tội. Bây giờ tên này đã trở thành phó tư lệnh Al Qaeda tại Yemen.
Nói cách khác, TT Bush nhốt tù khủng bố cũng bị chỉ trích, thả chúng ra cũng bị chỉ trích.
Trong vấn đề đóng cửa các nhà tù, điều mà phe đối lập không nói nhiều là chính TT Bush cũng không muốn có những nhà tù này, và đã muốn đóng cửa trại Guantanamo từ hơn hai năm nay rồi. Nhưng không thể đóng cửa được vì không có giải pháp nào khác cho các tù nhân. Cũng phải nói cho rõ là cao điểm số tù lên đến hơn 700 bây giờ đã xuống còn 245 người. Những tên còn lại là những tên nguy hiểm nhất, không thể trả tự do được.
Mà cũng không thẩy đi đâu khác được. Trả về các nước Trung Đông thì sẽ bị tố cáo là dẫn độ chúng về các nước đó để bị tra tấn hay thủ tiêu. Trao trả cho các nước đồng minh Âu Châu như Anh, Pháp, Đức (vì nhiều tên khủng bố có quốc tịch các nước này) cũng không được vì các nước này chẳng dám nhận những trái bom nổ chậm ấy. Mang vào Mỹ nhốt thì các tiểu bang đều nhao nhao phản đối. Một đề nghị mang tù khủng bố về nhốt tại Alcatraz, nhà tù nổi tiếng ở một hòn đảo trong vịnh San Francisco, bị bà Nancy Pelosi, dân biểu San Francisco và Chủ tịch Hạ Viện, bác bỏ ngay lập tức. Một đề nghị khác là mang tù khủng bố về nhốt tại trại tù Fort Leavenworth ở Kansas cũng đã bị Thống Đốc tiểu bang này phản đối.


Đối với phe cấp tiến thiên tả, chuyện tù khủng bố trước đây rõ ràng như ban ngày. TT Bush vi phạm công pháp quốc tế, vi phạm nhân quyền của tù binh. Do đó, phải phục hồi luật pháp, đóng cửa trại Guantanamo và các nhà tù bí mật, đưa tù ra tòa, có tội thì cho đi tù, không tội thì thả.
Nhưng đó là chuyện khi họ còn ở trong thế đối lập.
Bây giờ, với TT Obama, họ đã nắm quyền, đến lúc phải có quyết định và chịu trách nhiệm về những quyết định đó. Mọi sự bất thần trở nên “tế nhị” hơn, hết còn rõ ràng như trước nữa.
Tuần báo Newsweek, một thứ cơ quan ngôn luận của Obama trong thời tranh cử, đã từng là một trong những tờ báo công khai chống chính sách tù khủng bố của TT Bush và PTT Cheney mạnh mẽ nhất. Ngay trong tuần lễ đầu sau khi TT Obama nhậm chức, đã viết một bài dài phân tách về vấn đề, nhưng với một luận điệu hoàn toàn khác lạ.
Bây giờ Newsweek cho rằng chính sách của PTT Cheney coi vậy chứ cũng không phải là không hiệu nghiệm và dễ dẹp bỏ. Trái lại, TT Obama cần có thái độ thực tiễn, cân nhắc kỹ lưỡng. Newsweek cũng cảnh giác chuyện hơn bẩy năm qua đã không có một dân Mỹ nào chết vì khủng bố, do đó, TT Obama sẽ khó tránh trách nhiệm nếu lật ngược chính sách Bush-Cheney và có chuyện gì xẩy ra.
Hiển nhiên là phe cấp tiến sau khi đã nắm quyền thì đã vội vã kéo thắng tay, thay đổi giọng ca. Bây giờ họ đã ý thức được tính khúc mắc của vấn đề tù khủng bố.
Ví dụ như mấy tên khủng bố bị mang về Mỹ nhốt, đưa ra tòa dân sự Mỹ, vì thiếu yếu tố kết tội, tòa kết luận trắng án. Chuyện gì sẽ xẩy ra" Thả chúng ra trên đất Mỹ, để chúng được ở hợp pháp vì chính phủ Mỹ đã mang chúng vào mà bây giờ không xứ nào khác nhận" Rồi cấp việc làm hay oeo-phe để nuôi chúng" Và đúng theo luật pháp Mỹ, Nhà Nước Mỹ cũng không có quyền nghe lén điện thoại của chúng, đọc lén email của chúng, hay theo dõi chúng. Rồi nếu chẳng may một buổi sáng đẹp trời nào đó, chúng ôm bom tự vận trong một đám đông dân Mỹ thì sao" Ai chịu trách nhiệm" Có trường hợp đã xảy ra tại Mỹ là một luật sư thuộc loại thiên tả đã nhân danh quyền biện hộ của bà để gặp riêng nghi can trong tù và lén lút giúp cho nghi can vượt ngục. Có nên tái diễn vụ đó với một tay khủng bố tự sát hay không"
Luật pháp của Mỹ rất là quy củ, đặt rất nặng các yếu tố nhân đạo và tôn trọng nhân quyền các tù nhân.
Có một câu chuyện điển hình cho luật pháp Mỹ.
Năm 2001, một tháng trước biến cố 9/11, một công dân Pháp gốc Maroc tên là Zacarias Moussaoui bị bắt vì vi phạm luật di trú, ở quá hạn. Anh này cũng bị nghi ngờ vì không biết ở đâu mà có tiền đi học lái máy bay 747, mà lại không muốn học cất cánh hay đáp xuống đất, mà chỉ muốn học điều khiển máy bay lúc đang bay trên trời thôi. Anh bị bắt cùng với nhiều hồ sơ tài liệu cá nhân và một cái laptop. Nhưng khi cảnh sát xin phép chánh án để xem các hồ sơ đó cũng như mở computer để coi các hồ sơ hay emails trong đó thì bị tòa cấm vì muốn bảo vệ quyền bí mật riêng tư của anh trong khi cảnh sát không có bằng chứng về tội ác nào của anh Moussaoui này.
Sau vụ 9/11, người ta mới khám phá ra anh này có thể là người thứ hai mươi được chỉ định tham gia vào vụ 9/11 (người ta còn nhớ có 19 tên khủng bố bị chết trong vụ này. Có bốn máy bay bị cướp, mỗi máy bay có năm tên khủng bố, ngoại trừ một chiếc máy bay chỉ có bốn tên, thiếu một tên, có thể là Moussaoui). Nếu như các quan tòa Mỹ cho phép FBI coi computer của Moussaoui, có lẽ FBI đã khám phá ra âm mưu và ngăn chặn được vụ 9/11. Moussaoui cũng đùa giỡn với các tòa Mỹ trong bốn năm trời mà không thể bị kết tội gì, cho đến khi cuối cùng anh ta quyết định nhận tội toan tính cướp máy bay, với ước mơ được trở thành kẻ tuẫn đạo, và bị kết án chung thân.
Câu chuyện trên chứng minh là với những tên tù nguy hiểm và cứng rắn, áp dụng chế độ luật pháp “bình thường” chưa chắc đã là điều tốt. Có thể là tốt cho các đương sự nhưng lại gây rủi ro lớn lao cho những người vô tội. Và ai cũng biết các tù khủng bố Hồi Giáo đều là những tên quá khích cực kỳ nguy hiểm, sẵn sàng thí mạng.
Bây giờ nếu các tù khủng bố được hưởng chế độ “bảo vệ nhân quyền” của luật pháp Mỹ và được thả ra, thì bao nhiêu tên sẽ là một Moussaoui mới" Và TT Obama có chịu trách nhiệm không"
Một vấn đề hết sức sơ đẳng khác. Luật pháp Mỹ bắt buộc cảnh sát khi bắt người phải đọc cái gọi là Miranda rights, đại khái kê khai các quyền căn bản của người bị bắt, như là có quyền giữ im lặng không trả lời khẩu cung, có quyền có luật sư biện hộ… Nếu không được nghe cảnh sát đọc những quyền này thì khi ra tòa, người bị tình nghi sẽ được tha bổng ngay.
Các tù khủng bố bị quân nhân Mỹ hay đồng minh bắt tại mặt trận Afghanistan và Iraq, chưa bao giờ được nghe đọc Miranda rights gì hết. Như vậy quan tòa sẽ tự động trả tự do cho họ hết thì sao"
TT Bush hiển nhiên đã có những biện pháp tuy hữu hiệu nhưng cũng quá đáng.
Hình thức tra tấn nhận nước trước đây đã được Khmer Đỏ áp dụng, bây giờ Mỹ lại áp dụng thì quả là khó chấp nhận. Tình trạng biên chế của các tù cũng phải được ấn định lại cho minh bạch hơn. Phải có sự ấn định tội trạng rõ ràng cũng như phải có thời hạn giam giữ rõ rệt. Những tù cải tạo dưới chế độ Việt Cộng đều hiểu rõ bị giam giữ không có tội rõ ràng cũng như không biết ngày ra là một sự hành hạ tinh thần còn nặng nề hơn tra tấn thân xác.
TT Obama đã đáp ứng nguyện vọng của đa số dân Mỹ, là nhẹ tay hơn.
Cùng lúc với những quyết định trên, TT Obama cũng đã gửi những thông điệp thật rõ ràng. Ông dành cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên cho đài À Rập Al Arabiya để lên tiếng ông không coi Hồi Giáo là kẻ thù, nhắc lại cái tên Hussein của ông và đạo Hồi của hai ông bố ruột và bố ghẻ của ông, và nhắc lại thời niên thiếu của ông đi học tại một trường Hồi giáo ở Indonesia, là một xứ Hồi giáo. Đây là một hành động hoàn toàn trái ngược lại chủ trương tuyệt đối tránh né nói về liên hệ Hồi giáo của ông khi ông còn đang tranh cử. Nhưng cũng là một sự... khiếm nhã đối với binh lính Hoa Kỳ và ba vị tiền nhiệm. Từ thời Bush cha, ngần ấy lần Hoa Kỳ ra quân là để cứu dân Hồi giáo, từ Kuweit tới Bosnia-Herzeghovia tới Kosovo hay Afghanistan và Iraq. Trong khi ấy, các quốc gia Hồi giáo khác thì nín thinh, hoặc nạp tiền cho các lực lượng quá khích để họ khỏi gây khủng bố ở nhà!
Nhân dịp hòa giải ngược, TT Obama cũng lên tiếng muốn gặp TT Iran. Nhưng ông lập tức bị hố to khi TT Iran cho biết chỉ nói chuyện sau khi Mỹ xin lỗi về những “tội ác” quá khứ của Mỹ.
Cách tiếp cận hòa hoãn của TT Obama hoàn toàn trái ngược với kiểu hung hãn “anh ở phe chúng tôi hay anh chống chúng tôi” (you are with us or against us) của TT Bush. TT Obama có vẻ như muốn chấm dứt “cuộc chiến” với khối Hồi Giáo quá khích.
Có thể đây là cách đối phó hữu hiệu hơn, khó ai biết được. Vấn đề là cuộc chiến này không do Mỹ (TT Bush) phát động, do đó Mỹ (cho dù là TT Obama) cũng không chấm dứt được. Chấm dứt hay không là quyết định là của Al Qaeda và nhóm Hồi giáo cực đoan. Chỉ mong sao chính sách này không có kết quả giống như chính sách hoà hoãn của TT Carter, đã đưa đến chuyện Hồi Giáo lật đổ Hoàng đế Iran, khai sanh ra khuynh hướng Hồi giáo quá khích dưới “Giáo chủ” Ayatolla Khomeini.
Chúng ta cũng chỉ có thể hy vọng TT Obama sẽ không quên an ninh của người dân vô tội vốn quan trọng hơn nhân quyền của mấy tên khủng bố. Không thể vì “nhân quyền” của mấy ông đó mà vội vã lấy quyết định có thể đưa đến đại họa.
Nếu chẳng may, trong mấy năm tới, bất ngờ có một vụ nổ bom chết dân Mỹ, và thủ phạm bị khám phá ra là một cựu tù đã bị TT Bush nhốt tại Guantanamo, và sau đó được TT Obama thả ra thì sao" Chắc chắn TT Obama sẽ là tổng thống một nhiệm kỳ, nhưng quan trọng hơn nữa, có người vô tội đã mất mạng.
Việc TT Bush đi quá xa trong các biện pháp mạnh không phải là lý do để TT Obama đi quá xa trong chiều hướng ngược, để những tên khủng bố có quyền lãnh oeo-phe, ung dung đi dạo phố trong khi chuẩn bị giết chúng ta, để rồi sau khi hành động, bị bắt vào tù sống trong tiện nghi với tiền thuế chúng ta đóng và được các luật sư nhiều phần là đảng viên Dân Chủ biện hộ bằng cách gây cho dân Mỹ cái mặc cảm phạm tội. (8-2-09)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
Đông Tiến là con đường tiến về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời của đất nước Việt Nam thân yêu từ hải ngoại
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước
Tin tức không làm ai ngạc nhiên là mấy ngày qua bà con dân oan các tỉnh thành phía Nam lại rủ nhau về Sài gòn tiếp tục "khiếu kiện đông người"
Những nước khác thì sao không biết, riêng Việt-Nam, sự hưởng-ứng nầy không phải là một thiện-chí của bạo-quyền Cộng-sản mà là một thủ-đoạn
Dù cho khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước của đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã bị người đời bác bỏ không thương tiếc
Luật Sư Nguyễn Quang Trung thay mặt các dân cử gốc Việt, phát biểu tại phiên họp Hội Đồng Thành Phố về dự án mở sòng bài
Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề trên qua cuộc trao đổi sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.
Phong Trào Xanh Việt Nam - Green Vietnam Movement - Chủ Động Ứng Phó Với Thảm Trạng Ô Nhiễm Môi Sinh Ở Việt Nam.
Thế kỷ hiện nay có nhiều biến động. Qua các yếu tố, chính yếu là vật chất, thế giới chúng ta đang sống, ngày càng thu nhỏ lại
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.