Hôm nay,  

Nhìn Lại Ngày 30/4/1975: Vì Đâu Nên Nỗi?

02/05/200800:00:00(Xem: 12375)

Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt cách đây đã 33 năm.  Nhiều người Việt đến nay vẫn băn khoăn, thắc mắc vì sao cuộc chiến đã kết thúc bất ngờ và mau lẹ"

Bài phân tích sau đây được trích từ cuốn Sài Gòn Tuyết Trắng: Việt Nam tháng 4, 1975  của Vũ Thụy Hoàng.  Tác giả đã ở trong ngành báo chí 52 năm trong đó có 33 năm với báo The Washington Post.  Ống cũng là tác giả cuốn Quê Hương Thương Ghét:  Nỗi Lòng Người Việt Hải Ngoại, và cuốn Múa Bút: Thuật Viết Văn, Viết Báo, Hồi Ký để Viết Dễ, Viết Nhanh, Viết Hay.  Mỗi cuốn $20, xin gửi về Catherine Vũ, P.O. Box 5060, Springfield, VA. 22150.

*

   Nhiều người dân Sài Gòn không khỏi sững sờ nhìn thấy đa số binh sĩ trong những toán quân chiến thắng tiến vào thành phố là những thiếu niên, thân hình nhỏ bé, gày ốm.   "Nhìn họ, mình vừa tức, vừa nhục!  Tại sao quân đội mình hùng mạnh, võ khí tối tân mà lại thua thảm hại như vậy"" một cựu thiếu tá Bộ Tổng Tham Mưu quân lực miền Nam Việt Nam nhớ lại ngày mặc chiếc áo thung bước ra khỏi sở, khi xe tăng lực lượng Cộng sản đã chiếm xong cơ sở đầu não của quân đội. 

   Nam Việt Nam không những thất trận, mà còn thua một cách thê thảm và mau lẹ làm nhiều người ngỡ ngàng.  Tại sao miền Nam Việt Nam sụp đổ như thế"  Vì đâu nên nỗi"

   Câu hỏi này vẫn từng ám ảnh một số người, trong đó có nhiều người chạy ra hải ngoại.  Đã có những câu trả lời hoặc giải thích việc thua trận của miền Nam Việt Nam dưới nhiều khía cạnh và nhãn quan khác nhau.  Vì Mỹ bỏ rơi Việt Nam.  Vì Mỹ không chủ tâm đánh thắng Hà Nội.  Vì Mỹ không viện trợ đủ cho Nam Việt Nam.  Vì giới lãnh đạo miền Nam Việt Nam yếu kém, tham nhũng.  Vì cấp chỉ huy quân sự bỏ chạy.  Vì lính Việt Nam bỏ ngũ, lo chạy vợ con.  Vì cộng sản tuyên truyền giỏi và xâm nhập lũng đoạn hàng ngũ quốc gia.

   Mỗi trả lời đều có lý và đúng theo một khía cạnh của nó.  Chiến tranh Việt Nam rất phức tạp vì kéo dài quá lâu và qua nhiều chính phủ khác nhau, nên khó nói được cái nào là nhân, cái nào là quả, lý do nào là chính, lý do nào là phụ.  Mỗi cái đều có dính líu và liên hệ với nhau, như  những mắt đan của tấm lưới.  Thiết nghĩ chúng ta nên nhìn vào một số những sự kiện sau đây:

Chênh lệch lực lượng--  Khi Cộng quân mở cuộc tấn công năm 1975, Nam Việt Nam ở thế bất lợi.  Cán cân lực lượng tác chiến đã nghiêng về phía Cộng quân.  Điều này thể hiện rõ ngay từ khi hiệp định Ba Lê thành hình.  Trước năm 1973, Cộng quân ở Nam Việt Nam phải đương đầu với trên một triệu quân của Nam Việt Nam, cộng thêm trên 600.000 quân của Mỹ và đồng minh, được yểm trợ mạnh mẽ bằng phi pháo.  Khi quân đội Mỷ và đồng minh rút đi hết, để lại một lỗ trống quá lớn quân lực Nam Việt Nam làm sao lấp nổi.  Tổng Thống Thiệu nhận thấy điều đó nên khăng khăng không chấp nhận bản dự thảo hiệp định, theo đó 148.000 quân Bắc Việt (1) không rút khỏi Nam Việt Nam.  Thiệu, trong bài diễn văn từ chức ngày 21/4/75, đã nói nếu ký hiệp định hồi đó là "phản quốc, là bán đứng Việt Nam cho Cộng sản." (2)  Việt Nam chỉ miễn cưỡng ký bản hiệp định khi được Tổng Thống Nixon cam kết mật là Mỹ sẽ "phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng" nếu Cộng quân gây chiến lại (3).

   Lực lượng Cộng quân Bắc Việt chẳng những không rút đi, mà còn được tiếp tục tăng cường và bổ sung bằng quân xâm nhập mới, cùng chiến cụ tối tân hơn, để chuẩn bị cuộc chiến.  Cộng quân được trang bị và hiện đại hóa hơn.  Họ tổ chức "những binh chủng cơ động," tập luyện "tác chiến hợp đồng binh chủng," đưa "xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, pháo tầm xa, pháo cao xạ vào tới rừng cao su Nam Bộ."  Cộng quân còn xây dựng cả hệ thống đường xâm nhập 20.000 cây số, trong đó có đường Đông Trường Sơn mới hoàn thành, rộng tám thước, chạy hai chiều trong cả bốn mùa.  Lính từ bắc vào nam đi xe cơ giới, và có 10.000 xe vận tải hỗ trợ cho chiến trường (4).  Cạnh đường Đông Trường Sơn là 5.000 cây số ống dẫn dầu chạy từ Đồng Hới tới Lộc Ninh.  Một hệ thống giây điện thoại liên lạc thẳng với Hà Nội đã được thiết lập (5).  Riêng năm 1973 Cộng quân xâm nhập thêm 75.000 quân với 400 chiến xa.  Một trung đoàn hỏa tiễn SAM cùng 13 trung đoàn phòng không được đưa thêm vào riêng trong khoảng thời gian từ đầu năm đến cuối tháng 4/1973 (6).   Khi mở cuộc tấn công năm 1975, Cộng quân có 19 sư đoàn, cộng thêm những trung đoàn pháo binh, thiết giáp, cao xạ và đặc công (7).  Cộng quân đã dốc toàn lực vào chiến trận, đưa hết lực lượng thiết giáp vào nam (8), đưa sáu trong số tám sư đoàn trừ bị chiến lược vào chiến trận (9).  Với lực lượng và hệ thống tiếp liệu như trên, Cộng quân đã trở thành một đạo quân hiện đại (10).

  Trong lúc Cộng quân tăng cường mạnh mẽ như thế, lực lượng Nam Việt Nam chỉ nhận được chiến cụ do Mỹ để lại, và được thay thế theo nguyên tắc "một đổi một" của hiệp định Ba Lê.  Quân viện của Mỹ cho Việt Nam lại dần dần bị cắt giảm, làm khả năng tác chiến của Nam Việt Nam giảm đi tới 60%, theo lời Thiệu (11).

   Với cán cân lực lượng mất thăng bằng đó, Văn Tiến Dũng nhận định:  "Ta thế ngày càng chủ động và mạnh lên, địch ngày càng bị động và yếu đi." (12)

Chủ động chiến trường-- Chiếm ưu thế về quân sự, Cộng quân lại duy trì được thế chủ động vẫn thường nắm giữ trên chiến trường.  Muốn tung ra chiến dịch tấn công, Cộng quân chỉ việc chọn  địa diểm, định ngày giờ, rồi tập trung quân và đồ tiếp liệu để tấn công.  Khi Nam Việt Nam và đồng minh mở cuộc tấn công, Cộng quân thường lẩn tránh nếu thấy mình yếu thế, và chỉ giao tranh nếu thấy đương đầu được với địch hoặc không thể tránh né được.  Mỹ Việt hành quân xong, Cộng quân quay trở về.  Cộng quân còn lợi điểm là muốn nghỉ ngơi, dưỡng sức chỉ việc kéo quân qua Miên, Lào.  Trước hè 1973 họ còn sợ phi cơ Mỹ oanh tạc, sau này họ ngang nhiên đi lại dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. 

   Khi mở những trận đánh lớn, Cộng quân thường phối hợp đánh phá và quấy rối ở các vùng khác để làm kế nghi binh, đánh lạc hướng địch nhận biết chiến trường chủ yếu và cầm chân lực lượng địch khỏi tiếp cứu nhau.  Sau đó Cộng quân cắt đường, cô lập mục tiêu, mở cuộc tấn công và chờ đánh quân tiếp viện. 

Cũng vậy, năm 1975 Cộng quân gia tăng đánh phá ở vùng Pleiku, Kontum, quấy rối ở Gia Nghĩa, gia tăng áp lực ở Quảng Trị, trong lúc chọn Ban Mê Thuột làm mục tiêu tấn công.  Để đánh Ban Mê Thuột, Văn Tiến Dũng dùng lực lượng tấn công đông gấp năm lần rưỡi quân trú phòng, sau khi đã cắt các đường giao thông đi tới thành phố (13).  Tướng Phú và Bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn biết được ý đồ của địch thì đã quá trễ.  Và cho dù có đoán trước được cuộc tấn công của địch, Ban Mê Thuột có thể cầm cự lâu hơn, nhưng số mạng Ban Mê Thuột có lẽ không thay đổi (14).  Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, người chỉ huy cuộc rút quân khỏi Pleiku, cũng cho rằng nếu đoán trúng được ý định của địch, cùng lắm cả sư đoàn 23 từ Pleiku kéo về thì Ban Mê Thuột cũng chỉ làm được như Xuân Lộc mà thôi (15).

   Thế chủ động của Cộng quân còn được dễ dàng vì Cộng quân chỉ lo tấn công, không phải lo nhiều về phòng thủ.  Cộng quân ở miền nam không có lãnh thổ, căn cứ, đường sá, cầu cống để bảo vệ, trong lúc Nam Việt Nam phải rải mỏng quân khắp nơi để phòng thủ các cơ sở hạ tầng đó.  

    Trong khi ấy Bắc Việt, nơi phát xuất các nguồn lực chiến tranh của Cộng quân, không sợ bị xâm chiếm, chỉ bị Mỹ oanh tạc hạn chế trước năm 1973.

Yểm trợ của Mỹ-- Nắm được ưu thế về quân sự và giữ được chủ động trên chiến trường, Hà Nội biết rằng ưu thế đó có thể bị đảo lộn nếu không lực hùng mạnh, ghê gớm của Mỹ can thiệp.  Cộng quân đã biết sức mạnh của không quân Mỹ trong kỳ chiến tranh, và trong cuộc tấn công năm 1972 khi Cộng quân tung nhiều chiến xa vào trận chiến.  450 chiến xa và 50.000 Cộng quân đã bị Không Quân Mỹ dội bom trong cuộc tấn công này (16). Khi bàn thảo mở chiến dịch Tây Nguyên, đánh Ban Mê Thuột, Hà Nội đã đắn đo, suy nghĩ về khả năng can thiệp của Mỹ.  Khi thấy chiếm được Phước Long rồi mà Mỹ bỏ qua không can thiệp, Lê Duẩn cho rằng Mỹ một khi rút đi sẽ khó trở lại tham chiến nữa.  Do đấy Bộ Chính Trị Hà Nội mới chấp thuận mở chiến dịch đánh lớn dự trù cho hai năm 1975-76  (17).

   Mỹ không trở lại tham chiến làm Hà Nội nức lòng, trái lại làm Nam Việt Nam nhụt chí, mất tự tin trong cuộc kháng cự chống trả Cộng quân.  Sau khi rút khỏi miền Trung, Nam Việt Nam càng ngoảnh trông về phía Mỹ, trông đợi những đoàn máy bay B.52 tới dội bom xuống đoàn quân Bắc Việt khơi khơi tiến trên các trục lộ.  Giới lãnh đạo Nam Việt Nam tin vào lời cam kết của Mỹ sẽ hành động tức thời và mạnh mẽ để cứu nguy cho Nam Việt Nam.  Quân dân lúc thường vẫn nghĩ "Mỹ đời nào bỏ." Trông đợi vào Mỹ, nhiều người Việt ở miền Nam còn coi Mỹ như vạn năng.  Việc gì Mỹ nhúng tay vào thì thành công.  Việc gì Mỹ bỏ thì không còn mấy hy vọng thành tựu.  Nay càng trông càng không thấy B.52, tinh thần quân dân trở nên nao núng.  Câu "Mỹ đời nào bỏ" được thay thế bằng câu "Mỹ bỏ đi là hết." Tâm trạng này cùng với những tin đồn đại về việc chia cắt đất đai, đã đẩy Nam Việt Nam mau tới chỗ sụp đổ.

Chán ghét chiến tranh-- Vụ Mỹ không tham chiến trở lại là hậu quả của tình trạng chán ghét chiến tranh đã lên cao.  Hồi Mỹ mới tham chiến, 70% dân Mỹ tán thành việc gửi quân qua Việt Nam.  Nhưng dần dần phong trào phản chiến lan rộng vì số thương vong ngày một cao, số thanh niên bị gọi nhập ngũ ngày một đông, chiến phí ngày một tăng vọt, thất vọng trước sự hùng mạnh của một đại cường quốc mà không diệt được địch quân bé nhỏ của một nước hậu tiến.  Đến năm 1968 sau vụ tấn công Tết Mậu Thân, số người Mỹ ủng hộ việc tham chiến tụt xuống 45%.  Đến năm 1975 khi Cộng quân khởi đầu cuộc tấn công, số người Mỹ chống đối việc viện trợ thêm cho Nam Việt Nam lên tới 78%.

   Những cuộc biểu tình với hàng trăm ngàn người tham dự được tổ chức tại các thành phố lớn.  Từ 1967-71 năm nào cũng có những cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.  Cuộc biểu tình năm 1969 có từ 250.000 đến nửa triệu người.  Họ ngăn chặn nhân viên vào công sở làm việc.  Chính phủ phải huy động 9.000 binh sĩ và 3.000 cảnh sát để phòng bị (18).  Đến đầu thập niên 1970 việc chống đối chiến tranh Việt Nam ăn sâu vào nền văn hóa chính trị Mỹ, ảnh hưởng đến mọi giai tầng xã hội Mỹ (19).

   Việc chống đối chiến tranh không phải chỉ có trong phe tả, mà ở cả phe hữu.  Một số người hăng hái chống Cộng cũng phản đối vì cho rằng Mỹ chưa thẳng tay đánh mạnh với Cộng sản như đánh thẳng ra miền Bắc Việt Nam hoặc oanh tạc đê điều Hà Nội để sớm kết thúc chiến tranh. 

   Trước khí thế lên cao của phong trào phản chiến, Nixon khi ra tranh cử năm 1968 cũng phải ám chỉ sẽ chấm dứt chiến tranh.  Kỳ vận động tranh cử năm 1972 Nixon cố làm hết cách để có "hòa bình trong danh dự" là bằng chứng biểu hiệu ước muốn của hầu hết người Mỹ muốn rút khỏi Việt Nam (20).

   Cử tri Mỹ qua lá phiếu đi bầu đã ảnh hưởng mạnh đến chính quyền, đến đường lối của chính phủ.  Tổng Thống Lyndon Johnson quyết định không ra tranh cử năm 1968 cũng vì vấn đề Việt Nam.  Khi tinh thần phản chiến ăn sâu vào quốc hội, ảnh hưởng còn mạnh hơn nữa.

   Khi Mỹ rút hết quân khỏi Việt Nam do hiệp định Ba Lê, việc chống đối chiến tranh vẫn không tắt hẳn.  Sau hiệp định Ba Lê, hai phía Việt Nam vẫn còn những cuộc đụng độ, và phi cơ Mỹ đã bí mật oanh tạc các căn cứ Cộng quân ở Miên, Lào.  Trước viễn ảnh chiến tranh có thể tái diễn và nguy cơ Mỹ bị lôi vào chiến cuộc trở lại, quốc hội Mỹ liền thông qua quyết nghị Quyền Chiến Tranh, buộc tổng thống phải thông báo cho quốc hội trong vòng 48 giờ việc đưa quân tham chiến ở nước ngoài, và việc tham chiến đó, nếu không được chấp thuận, phải chấm dứt trong 60 ngày.  Tổng Thống cũng có thể xin gia hạn thêm 30 ngày nữa sau thời hạn 60 ngày với lý do phối trí để rút quân được an toàn.  Nixon cho rằng quyết nghị đó hạn chế quyền của tổng thống, nên phủ quyết.  Nhưng quốc hội với đa số lớn đã bác quyền phủ quyết của Nixon.  Đạo luật Quyền Chiến Tranh có hiệu lực, triển vọng Mỹ tái chiến ở Việt Nam trở nên khó khăn.  Rồi Nixon, người được các giới Việt Nam cho là có lập trường cứng rắn với Cộng sản, phải từ chức vì vụ Watergate vào tháng 8/1974.

   Vụ Watergate cũng bắt nguồn từ chiến tranh Việt Nam.  Khi phong trào phản chiến lên cao, Nixon muốn theo dõi và thu thập tin tức về những nhóm phản chiến. Một toán "thợ ống nước" được thành lập để bịt lại những chỗ xì tin tức cho báo chí như vụ tiết lộ tài liệu của Ngũ Giác Đài về Việt Nam.  Toán thợ ống nước sau đó đột nhập vào trụ sở đảng Dân Chủ ỏ tòa nhà Watergate và bị phát giác.

   Ngoài việc Nixon ra đi, quân viện Mỹ cho Việt Nam cũng giảm dần.  Năm 1973 Việt Nam được Mỹ viện trợ  1 tỷ 6.  Năm 1974 xuống còn 1 tỷ 1.  Tới tài khóa 1975, Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự Mỹ đề nghị 1 tỷ 600 triệu Mỹ kim, nhưng Bộ Quốc Phòng đưa sang quốc hội có 1 tỷ 400 triệu.  Các ủy ban tại quốc hội cắt xuống còn một tỷ, và sau cùng quốc hội chấp thuận có 700 triệu (21). Nhưng với vật giá gia tăng và lạm phát vì giá dầu tăng vọt, số ngân khoản trên chỉ có mãi lực bằng 20% số ngân khoản được cấp phát của năm trước (22).

Tại Việt Nam tinh thần phản chiến không bộc lộ công khai và rộng lớn vì những vụ biểu tình dù nhỏ cũng bị nhà cầm quyền dập tắt ngay, nhưng tâm trạng chán ghét chiến tranh và ước vọng hòa bình thể hiện dưới nhiều hình thức thụ động và tế nhị. 

   Cuộc bầu cử tổng thống năm 1967 cho thấy một phần ước vọng hòa bình của người dân.  Luật sư Trương Đình Dzu, một ứng cử viên ít được biết đến trong chính trường, đã bất ngờ về hạng nhì trong 11 liên danh tranh cử, vượt hẳn trên một số chính khách có tên tuổi khác và chỉ đứng sau liên danh Thiệu-Kỳ.  Dưới chiêu bài hòa bình, Dzu chủ trương ngưng bắn, đình chỉ oanh tạc miền Bắc Việt Nam và thương thuyết với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.  Trong một cuộc bầu cử bị chính quyền chi phối nhiều, và việc cổ võ hòa bình bị coi là thân Cộng, Dzu đứng hạng nhì làm nhiều người ngạc nhiên và cho thấy nhiều người Việt mong mỏi chiến tranh chấm dứt.  Dzu đã thắng phiếu nhiều ở miền quê, nơi người dân phải chịu đựng những tai họa chiến tranh nhiều nhất.

   Nhạc Trịnh Công Sơn, bị coi là phản chiến, đã thịnh hành khắp các thôn xóm qua tiếng hát đượm buồn, gợi cảm của Khánh Ly.  Những lời ca diễn tả tang tóc của chiến tranh đã phù hợp với tâm trạng của nhiều người.

   Đối với nhiều thanh niên và binh sĩ, tình trạng mệt mỏi, chán ghét chiến tranh được ẩn núp dưới những hình thức thích ứng.  Công chức, tư chức thường tìm kế để khỏi động viên, để được hoãn dịch.  Thanh niên tìm cách tránh nhập ngũ.  Một số bị gọi vào lính, rồi sau đào ngũ để lo cho gia đình.  Số đào ngũ mỗi tháng từ 15.000 đến 20.000 (23) tức là mỗi năm mất đi khoảng 200.000 quân.  Rồi còn nạn vắng mặt lâu ngày không có phép, chạy chọt để làm lính ma, lính kiểng, có chỗ ngồi ở hậu cứ. 

   Dân quê ở đồng ruộng thường phải đi hàng hai: ngày theo Quốc gia, tối theo Cộng sản, để được an thân.

   Mỹ Việt không hiểu nhau-- Mỹ, Việt là đồng minh với nhau trong gần suốt cuộc chiến, nhưng trong nhiều trường hợp không hiểu được ý của nhau.  Không hiểu nhau, thì hành động không đúng ý mong muốn của bên kia.

   Mỹ can dự vào Việt Nam, đài thọ chiến phí và vũ khí từ đầu thập niên 1950 vì Mỹ muốn theo chiến lược "be bờ" toàn cầu để ngăn chặn làn sóng đỏ khỏi tràn xuống vùng Đông Nam Á.  Người Việt thấy Mỹ viện trợ, rồi sau tham chiến ở Việt Nam, thì coi đó là trách nhiệm của Mỹ, công việc Mỹ phải làm, chứ không nương theo sự cộng tác đó để vươn lên chỗ tự lực, tự cường.

   Nhiều người Việt thấy Mỹ đổ quân ào ạt vào Việt Nam khoảng giữa thập niên 1960 và bỏ tiền xây dựng nhiều căn cứ và cơ sở ở Việt Nam như Cam Ranh, Đà Nẵng, Long Bình thì cho rằng Mỹ không bao giờ bỏ Việt Nam.  Các cơ sở đó to thật đối với Việt Nam, nhưng có thấm gì so với những cơ sở khác tại Mỹ.

   Mỹ đưa ra chương trình Việt Nam hóa chiến tranh là để sửa soạn rút chân ra khỏi bãi lầy.  Việt Nam ban đầu không hiểu được ý định của Mỹ, vẫn nghĩ rằng Mỹ có rút sẽ để lại "một lực lượng trú phòng" tại Việt Nam.  Thiệu và Nixon gặp nhau ở đảo Midway vào tháng 6, 1969, rồi loan báo bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam.  Các chiến lược gia Việt Nam sau đấy vẫn muốn Mỹ duy trì khoảng 200.000 quân tác chiến và yểm trợ tại những căn cứ Đà Nẵng, Cam Ranh và Vũng Tàu, khi chương trình Việt Nam hóa chiến tranh được hoàn tất vào cuối năm 1972 (24).  Như Mỹ từng để quân ở Đại Hàn, ở Âu châu, Việt Nam hy vọng lực lượng trú phòng đó sẽ là một bảo đảm cho Nam Việt Nam nếu Bắc Việt xâm lăng.

   Để thử lửa chương trình Việt Nam hóa, quân lực Việt Nam mở cuộc hành quân qua Kampuchia năm 1970 và Hạ Lào năm 1971.  Cả hai cuộc hành quân đều không đạt kết quả mong muốn.  Cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh vào Tchepone ở Lào suýt thành thảm bại nếu không có không quân Mỹ cứu kịp (25 ).  Thế mà cả Thiệu lẫn Nixon đều cho là thành công.  Mỹ khen có tính cách xã giao, khuyến khích và để có cớ rút đi.  Mỹ, khi li dị hoặc sa thải nhân viên, vẫn công khai có lời lẽ ca ngợi, tâng bốc.  Việt Nam được Mỹ khen, không nhìn thấy nhược điểm của mình, không nhận thức được thực trạng mối liên lạc giữa mình với Mỹ.

   Khi hiệp định Ba Lê sắp ra đời, thấy quân Mỹ phải rút đi mà Cộng quân Bắc Việt còn nằm lại ở miền nam sẽ là mối nguy lớn, Nam Việt Nam đòi Mỹ cam kết sẽ hành động mạnh nếu Cộng quân gây chiến lại.  Hiệp định Ba Lê được ký kết.  Mỹ hài lòng vì đạt được "hòa bình trong vinh dự" như lời Nixon.  Thiệu, dù biết không ký không được, cũng an tâm vì có lời cam kết.

   Lời cam kết không được thi hành vì người cam kết không còn tại chức.  Dù còn ở lại, Nixon cũng không dễ gì thực hiện lời cam kết khi quốc hội và dân chúng Mỹ vì quá chán ghét chiến tranh đã hạn chế quyền tổng thống đưa quân đi tham chiến ở nước ngoài.  Tổng Thống Gerald Ford, người kế vị Nixon, khi nghe Alexander Haig yêu cầu can thiệp để cứu Nam Việt Nam, đã nói dân Mỹ "không còn lòng dạ nào tiếp chiến nữa." (26)

   Nam Việt Nam có thể phải bám vào lời cam kết đó vì không còn gì khác để níu kéo Mỹ.  Nhưng việc trông cậy vào lời cam kết còn cho thấy Nam Việt Nam không am hiểu tình hình chính trị Mỹ.  Tại Nam Việt Nam tổng thống dễ dàng chi phối quốc hội.  Tại Mỹ quốc hội thường gây khó khăn cho tổng thống.  Với những cuộc biểu tình khổng lồ chống đối chiến tranh, với một quốc hội không muốn Mỹ trở lại tham chiến, tổng thống Mỹ có dám vì Việt Nam đi ngược lại"

   Vấn đề tái can thiệp đã được đề cập đến nhiều lần và nhiều viên chức Mỹ đã cho thấy quân Mỹ khó có thể trở lại Việt Nam.  Ngay sau khi hội kiến với Nixon ở San Clemente vào tháng 4/1973 để bàn về vấn đề Việt Nam sau hiệp định Ba Lê, Tổng Thống Thiệu đã được Nixon xác nhận lời cam kết sẽ can thiệp nếu Bắc Việt xâm lăng.  Thiệu cũng tỏ ý tin tưởng là không lực Mỹ sẽ oanh tạc Việt Cộng ở Kampuchia, thì đại sứ Mỹ Ellsworrth Bunker nói liền triển vọng Mỹ tái chiến ở Việt Nam "rất xa vời."  (27)  

   Việt Nam như một cô gái đã trao cả số phận mình trong tay một công tử hào hoa và nghĩ cuộc tình bền chặt mãi mãi.  Khi chàng trai bay nhảy trở về nguyên quán, nàng vẫn nghĩ chàng sẽ trở lại và cứ đợi chờ.

   Người dân Mỹ quen với những thể thức dân chủ như bầu cử tự do, tự do ngôn luận, tự do báo chí, trong lúc nhà cầm quyền Nam Việt Nam, vì phải đương đầu với cộng sản trong những công tác địch vận, phá hoại và khuynh đảo, nên nhìn những định chế đó như cản trở và nguy hại cho quyền hạn và địa vị của mình.  Người dân Mỹ vì vậy nhìn những chế độ ở Nam Việt Nam là độc tài, thiếu dân chủ.

   Nhiều hình ảnh trên truyền hình và các phương tiện truyền thông cho thấy những khía cạnh tham nhũng, thối nát, độc tài, vi phạm nhân quyền ở Nam Việt Nam, mà không cho thấy được những điều tương tự ở miền Bắc Việt Nam.

   Nhiều người Mỹ đã không nhạy bén mau lẹ để nhận biết những mánh lới che đậy của đối phương.  Phải qua nhiều năm họ mới biết Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là do Hà Nội thành lập, chỉ huy, và cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam do Hà Nội chủ trương.

Sách lược của Mỹ cũng không thuần nhất, thiếu dứt khoát và không rõ rệt.  Mỹ sang giúp Nam Việt Nam sau năm 1954 chỉ cốt giúp phòng vệ trong trường hợp Bắc Việt xâm lăng miền Nam Việt Nam.  Khi Bắc Việt không xua quân qua sông Bến Hải mà tiến hành cuộc chiến phá hoại nhằm lật đổ chế độ ở Nam Việt Nam thì Mỹ lo giúp Nam Việt Nam chống trả cuộc chiến tranh du kích.  Khi Bắc Việt đẩy mạnh chiến tranh du kích và phối hợp với trận địa chiến, Mỹ cho Bắc Việt nếm đòn chiến tranh bằng cách dội bom dần dần lên phía bắc theo kiểu leo thang, lúc oanh tạc, lúc đình chỉ.  Cuộc oanh tạc nhằm ngăn chặn nguồn xâm nhập người và chiến cụ từ bắc vào nam, nhằm đánh bại ý đồ xâm chiếm miền Nam Việt Nam, chứ không nhằm đánh bại Bắc Việt.  Khi kết quả không đạt như ý muốn, chiến tranh vẫn tiếp diễn, Mỹ thương thuyết để có "hòa bình trong danh dự" mà rút đi.  Rút ra rồi, Mỹ không muốn trở lại bãi lầy vừa thoát.

Giới lãnh đạo Nam Việt Nam tất nhiên có trách nhiệm trong việc miền Nam sụp đổ.  Các nhà lãnh đạo miền Nam, chính trị cũng như quân sự, vì quá lệ thuộc vào Mỹ, quá trông đợi vào Mỹ, nên có nhiều bất động, ít sáng kiến trong việc hoạch định chính sách, không thích ứng mau lẹ trước những thay đổi và biến chuyển của tình hình, ít dự phóng cho tương lai và thiếu những kế hoạch dự phòng trong trường hợp khẩn cấp.

   Mỹ bắt đầu rút chân khỏi Việt Nam từ năm 1969 mà giới lảnh đạo Nam Việt Nam không cải tổ quân đội cho thích hợp với vai trò mới trên chiến trường, ngoài việc tiếp nhận vũ khí và chiến cụ của Mỹ.  Họ vẫn nghĩ Mỹ không rút đi hết.  Năm 1969 giới lãnh đạo miền Nam nghĩ Mỹ để lại 200.000 quân trú phòng.  Đến năm 1971 khi quân Mỹ ở Việt Nam còn 200.000, Tổng Thống Thiệu còn nghĩ Mỹ để lại Việt Nam ít là 50.000 quân sau năm 1973.  Thiệu cũng nói Việt Nam cần không lực Mỹ yểm trợ trong nhiều năm nữa (28).  Đến khi Mỹ rút rồi thì vẫn trông đợi vào "phản ứng tức thời và mạnh mẽ" của Mỹ trong việc đương đầu với Cộng sản. 

   Thái độ quá trông đợi này phải chăng là hậu quả của quá khứ phải dựa nhiều vào người ngoài, trước là Pháp, sau là Mỹ.  Xuất thân từ quân đội và chế ngự sân khấu chính trị Nam Việt Nam từ sau Tổng Thống Diệm, các tướng lãnh miền Nam đã ở trong những lực lượng từng đóng giữ vai trò bổ túc trong gần suốt cuộc chiến.  Quân đội Nam Việt Nam hình thành lúc đầu là để bổ sung cho lực lượng viễn chinh Pháp trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất.  Lớn mạnh lên và được Mỹ huấn luyện sau năm 1954, quân đội miền Nam lại cũng đóng vai phụ thuộc trên chiến trường từ năm 1965 cho tới ngày Mỹ rút.

   Về mặt chính trị, Thiệu cũng như nhiều chính trị gia và tướng lãnh khác đều biết sự tồn tại của mình tùy thuộc nhiều vào Mỹ.  Vụ Thiệu-Kỳ đứng chung nhau trong kỳ bầu cử năm 1967 cũng có bàn tay Mỹ (xem chương 5)  Trong vụ bầu cử tổng thống năm 1971 Mỹ cũng cố sắp xếp để trước là Dương Văn Minh, sau là Kỳ tham gia bầu cử để khỏi có độc diễn.  (xem chương 8)

   Ngoài việc củng cố địa vị của Thiệu, Mỹ đã cài người trong các cơ cấu chính trị, quân sự và hành chánh của miền Nam, cùng theo dõi các hoạt động của chính phủ Nam Việt Nam.  Mỹ đã "mua chuộc, hối lộ và bán" nhiều nhân vật trong guồng máy chính quyền miền Nam.  Phủ Tổng Thống và Phủ Thủ Tướng đều bị Mỹ đặt máy ghi âm để nghe lén các cuộc thảo luận và chuyện trò.  Nghiệp đoàn và các đảng phái đối lập cũng bị Mỹ mua chuộc chi phối. (29)

   Tại các phủ bộ khác, những chương trình, kế hoạch dễ được thực hiện nếu được Mỹ tán thành yểm trợ về ngân sách.

   Trong hoàn cảnh đó, các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam không đủ lực để có đường lối hành động độc lập, không dám  làm gì mất lòng Mỹ, hoặc đi ngược lại đường lối Mỹ đã vạch ra.

   Về mặt quân sự, quân đội lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Mỹ, từ võ khí, quân trang, quân dụng, cho tới cả phi pháo yểm trợ lúc có cuộc hành quân lớn.  Cố vấn Mỹ trong nhiều trường hợp là người thực sự điều khiển trận đánh, vì giữ vai trò quyết định trong việc làm kế hoạch hành quân và xin phi pháo yểm trợ.

  Theo Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá, tư lệnh sư đoàn 25 Bộ Binh, tâm trạng của các chỉ huy trưởng không phải là tâm trạng chiến đấu.  Khi trận đánh trở nên gay go, họ không muốn chiến đấu nữa.  Họ muốn dựa vào Mỹ.  Khi không có Mỹ giúp, họ bỏ chạy.  Đó là bịnh mà quân đội Nam Việt Nam mắc phải (30).

   Vì quá trông đợi vào Mỹ, giới lãnh đạo Việt Nam không có cả kế hoạch dự phòng trong trường hợp khẩn cấp.  Vụ rút quân khỏi Pleiku không được trù liệu từ trước, không có hoạch định với chi tiết rõ rệt, mà chỉ được quyết định và thi hành trong hai ngày.  Rút quân bình thường đã là khó.  Rút quân trong trường hợp vội vã, hấp tấp với lực lượng của cả một quân đoàn, cộng thêm với thân nhân và gia đình đông đảo của binh sĩ, trong lúc địch lại có lực lượng hùng hậu bố trí sẵn ở gần, làm sao thoát hỏi thảm họa"

   "Có nghĩ rồi mà không dám nói ra," như lời Đại Tướng Cao Văn Viên nói với Thiệu, "vì sợ bị coi là đi ngược lại chính sách của tổng thống, là chủ bại."  Câu nói của Viên hé lộ người lãnh đạo không cởi mở để dễ dàng đón nhận những ý kiến trái ngược với mình, và do đấy cộng sự viên không dám trình bày ý kiến mà giữ thái độ ù lì, bất động.   Thiệu tập trung quyền hành trong tay, liên lạc thẳng với các tướng quân đoàn.  Bộ Tổng Tham Mưu không có điều hành chiến trường, mà chỉ là "hộp thư" chuyển lệnh của tổng thống  (31).

   Đảo chánh cũng là mối quan tâm khiến các nhà lãnh đạo phải lo đề phòng, nên khó dồn hết tâm lực vào việc nước. Những cuộc chính biến và biểu tình từ sau vụ đảo chánh Ngô Đinh Diệm hẳn đã làm người cầm quyền lo củng cố địa vị và phòng ngừa biến động.

Rã ngũ để lo cho thân nhân là một yếu tố nữa làm Nam Việt Nam mau sụp đổ.  Trước kia trong những cuộc tấn công hay chiến đấu phòng vệ, người lính Nam Việt Nam ít phải lo cho thân nhân nên chiến đấu với nhiều quả cảm.  Nhưng vào năm 1975 khi phải rút chạy, họ không muốn bỏ rơi vợ con, hoặc để vợ con bị địch sát hại, nên lo tìm kiếm vợ con để mang theo.  Cảnh quân dân lẫn lộn rút khỏi Pleiku, cảnh thành phố Đà Nẵng đông nghẹt dân và lính từ những vùng khác kéo về, đã làm mất khả năng tác chiến của đơn vị đi cùng.  Tình trạng đó sau lan sang các vùng khác.

   Sự suy sụp tinh thần trong một số trường hợp đã biến đổi người lính ưu tú trở thành tàn bạo.  Trong lúc hoảng sợ, chạy Việt Cộng, có binh sĩ thiết giáp cán đè lên chiến hữu (32), có anh lính Thủy Quân Lục Chiến bắn sĩ quan Bộ Binh theo kiểu hành quyết để giữ chỗ trên tàu (33), có binh sĩ  thám báo đạp đàn bà trẻ con để leo lên máy bay ra khỏi Đà Nẵng  (34 ).

Quân dân không nhiệt tình lắm với cuộc chiến là một yếu tố.  Không bị kiềm tỏa và kiểm soát chặt chẽ như ở những vùng địch, nhiều người dân miền Nam coi cuộc chiến đấu chống Cộng là công việc của chính quyền.  Chính quyền là guồng máy công chức và quân đội.  Nhưng đa số công chức và binh sĩ không gắn bó với chế độ, không coi mình là người của chế độ, mà chỉ muốn là kẻ bàng quan, làm xong công việc mình phải làm để cấp trên khỏi xài xể, khiển trách hoặc thuyên chuyển.  "Tà tà" là danh từ phổ thông trong giới công bộc nhà nước và trong hàng ngũ quân nhân.  "Ăn giải gì"" là câu nhiều người bảo nhau để lơ là với công việc. 

   Tìm cách trốn tránh công việc và tìm chỗ nhàn hạ bằng nhiều mưu kế khác nhau đã được nhà văn Lê Văn Phúc  diễn tả trong cuốn "Tôi Làm Tôi Mất Nước."

   Quân dân xa vời và cách biệt với chính quyền vì cho rằng mình phải khổ cực để phục vụ cho một giai cấp được nhiều ưu đãi.  Thanh niên bị nhập ngũ không vui lòng khi thấy những con nhà lãnh đạo, con các tướng không hề khoác áo nhà binh, nói gì áo trận.  Không thấy tin tức nào nói con các tướng đi trận, trong khi đọc sách báo thấy Trung Uy Bernard De Lattre de Tassigny của Pháp tử trận ở Ninh Bình, trong lúc bố làm tổng tư lệnh quân đội viễn chinh tại Đông Dương.  Bảo Đại muốn lấy lòng tướng De Lattre đã đề nghị lấy  Bernard về làm võ phòng, nhưng De Lattre không chịu.  Trung Úy hải quân John McCain đi oanh kích Bắc Việt và bị bắn rơi, bị tù sáu năm, trong lúc bố làm đô đốc, rồi làm tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương chỉ huy những cuộc oanh kích Bắc Việt.  Đại úy Charles Robbs vẫn lên đường sang Việt Nam làm đại đội trưởng Thủy Quân Lục Chiến kỳ Tết Mậu Thân, trong lúc vợ mới cưới được mấy tháng đang mang bầu mà bố vợ là Tổng Thống Lyndon Johnson quyền thế nhất thế giới.

   Việc tưởng thưởng trong quân đội cũng có nhiều hoen ố.  Có những quân nhân ngồi văn phòng hay hậu cứ mà lên lon nhanh, đoạt huy chương anh dũng bội tinh dành cho chiến binh ngoài mặt trận, trong khi người chiến sĩ vào sinh ra tử, lập nhiều chiến tích lại bị cướp công.  Có binh sĩ Thủy Quân Lụ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Doanh nghiệp phải đảm bảo là không đồng lõa với nạn chà đạp nhân quyền... Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và được hưởng quan hệ kinh tế
Tân-Tư-Bản Đại-Địa-Chủ-Đỏ, Big New Red Capitalist Landlords, ở Việt Nam đã, đang và sẽ thu gom tích tụ ruộng đất canh tác của người Nông Dân Việt Nam Nghèo
Cuộc biểu tình khiếu kiện suốt 26 ngày đêm (từ 23-6 đến 18-7 năm 2007) của nông dân miền Nam trước Văn Phòng 2 Quốc Hội
Dân Mỹ là một dân tộc rất mê thể thao. Từ football đến baseball, bóng rổ, hockey, v.v… Thể thao trong quan niệm Mỹ không những rèn luyện thể xác
Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, trước khi chính thức rời Hà Nội vì đã mãn nhiệm, hôm 30/7 vừa qua
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm"
San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc
Nhà giàu, học giỏi, mà thành khủng bố tự sát" Sao không ứng cử tổng thống" Vụ khủng bố hụt tại London và phi trường Glasgow
“Độc tài, độc đảng là bà đẻ của tham nhũng vì hệ thống cai trị dựa trên sự bao che và tuỳ tiện để bảo vệ đặc lợi cho đảng cầm quyền.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.