Hôm nay,  

Chỉ Thị 319 Của Thủ Tướng Chống Lạm Phát

10/03/200800:00:00(Xem: 11216)

Chỉ Thị 319 Của Thủ Tướng Chống Lạm Phát: ‘Bình Tĩnh, Quyết Liệt Trong Chỉ Đạo’, Hay Hốt Hoảng, Lúng Túng Và Chống Đối Lẫn Nhau!

Ưu tiên bảo vệ ích lợi phe nhóm của các đại gia!

Bộ Tài chánh và Ngân hàng Nhà nước chống phá nhau!

Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Sinh Hùng ai cầm đầu thực sự chính phủ"

 Cảnh báo của Quĩ tiền tệ Quốc tế

“Kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây có dấu hiệu tăng trưởng "nóng" mà biểu hiện là lạm phát và nhập siêu cao. Theo đánh giá của IMF, trong bối cảnh hiện nay, không thể giảm thâm hụt ngân sách, lạm phát nhanh chóng trong thời gian ngắn. IMF khuyến nghị, Việt Nam nên tiếp tục duy trì, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

 Các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là nhà cung cấp vốn lớn cho nền kinh tế, vì vậy họ cần nhận được thông điệp rõ ràng của Việt Nam sẽ cam kết ưu tiên đảm bảo an toàn cho nền kinh tế trước mắt, đồng thời đặt mục tiêu phát triển kinh tế trung và dài hạn thay vì phát triển ngắn hạn, tạm thời để đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần biết những ưu đãi, ưu tiên về chính sách mà họ sẽ nhận được nếu tiếp tục đầu tư lâu dài vào Việt Nam.“[1]

Trên đây là lời cảnh báo và khuyến cáo trong Thông điệp của Vụ trưởng Vụ châu Á của IFM David Burton đã được Đại diện Cao cấp của IFM tại VN, B. Bingham, chuyển tới Phó Thủ tướng (PTT) Thường trực và Ủy viên Bộ chính trị (BCT) Nguyễn Sinh Hùng ngày 3.3.08. Ngoài ra IFM còn lưu ý chính phủ CSVN:

“Việt Nam cần rà soát lại những dự án đầu tư trong thời gian qua, nên tập trung cho những dự án đảm bảo hiệu quả cao thay vì đầu tư đồng loạt và dàn trải như trong thời gian qua. Việc có quá nhiều ngân hàng nhỏ xuất hiện, các tập đoàn kinh tế nhà nước mở rộng các loại hình kinh doanh trong thời gian qua thay vì tập trung vào chuyên môn chính đã tác động không tốt tới thị trường tài chính trong nước và giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. “[2]

Trên đây mới chỉ là sự tường thuật của tờ báo điện tử Chính phủ, nghĩa là nội dung thực sự về những cảnh báo của IFM đối với chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn đã được tờ báo này giảm bớt đi nhiều. Một số việc cần lưu ý ở đây là, cho tới nay không thấy một tờ báo nào của chế độ -kể cả tờ CS- đã đưa tin về việc này. Theo thông lệ của IFM, Quĩ Tiền tệ Quốc tế phải cử đại điện của mình tới gặp đại diện cấp cao của một chính phủ chỉ khi nào tình hình tài chánh và tiền tệ của nước đó đã rơi vào tình trạng nguy kịch.

Mặc dầu tờ điện tử Chính phủ chỉ thông tin rất giới hạn về cuộc gặp của đại diện IFM ở VN với PTT Nguyễn Sinh Hùng, nhưng qua đó người ta cũng thấy, IFM đã cảnh báo và lưu ý nhà cầm quyền CSVN về một số điểm chính: 1. Hiện nay tình trạng lạm phát ở VN đã tới mức độ nguy kịch và trong ngắn hạn chưa thể giải quyết được. 2. Trong tình hình như thế thì chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cần phải có thông tin rõ ràng và minh bạch về các chính sách kinh tế, tài chánh và tiền tệ để không gây hoang mang cho nhân dân, các giới kinh doanh, nhất là những nhà đầu tư nước ngoài ở VN. 3. Chế độ CSVN nên chấm dứt các dự án công trình không có hiệu quả kinh tế, phải biết sử dụng tiền viện trợ và tiền vay của nước ngoài một cách hiệu quả và cần chấm dứt việc để các tập đoàn kinh tế nhà nước, tức kinh tế quốc doanh, được tự do thành lập các ngân hàng, vì việc này sẽ dẫn tới các hệ lụy rất xấu cho toàn bộ nền kinh tế, tài chánh của VN!

Tóm lại, cuộc gặp của đại diện IFM tại VN với PTT Nguyễn Sinh Hùng này 3.3 đã tự nó nói rõ tình hình lạm pháp nguy kịch và những nghi ngờ của IFM về các chính sách giải quyết lạm phát và nhất là IFM cảnh báo những nguyên nhân gây ra tệ trạng lạm phát hiện nay ở VN. Nếu chính quyền CSVN không lưu ý các khuyến cáo này thì IFM, trong tư cách là một tổ chức quốc tế có uy tín theo dõi tình hình tiền tệ và tài chánh trên thế giới, có thể thông báo cho Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu và các chính phủ cũng như các nhà đầu tư quốc tế ngưng viện trợ, ngưng cho vay hoặc giảm đầu tư vào VN. Nếu xẩy ra trường hợp này thì tài chánh và kinh tế VN sẽ rơi vào tình trạng tổng khủng hoảng! Thái độ trên đây của IFM đối với chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm mọi người nhớ lại các khuyến cáo tương tự và những áp lực mạnh sau đó của IFM tới nhiều nước ASEAN và Đông Á cũng như nhiều quốc gia Nam Mĩ trong thập niên 90 của thế kỉ trước!

Tình hình lạm phát nghiêm trọng

Trái với khẳng định của Nguyễn Tấn Dũng vào giữa năm 2007 là “quyết không để mức lạm phát cao hơn mức tăng trưởng kinh tế“, mức lạm phát vào cuối năm qua đã lên tới trên 12% trong khi mức tăng trưởng kinh tế vẫn là 8%. Đây là mức lạm phát cao nhất từ cả chục năm nay. Hiện nay tốc độ lạm phát đang gia tăng rất nhanh, theo số liệu của chế độ thì chỉ trong hai tháng đầu của năm 2008, mức lạm phát đã leo tới trên 6%, tức là đã đạt tới 70% mức lạm pháp cả năm 2008 mà QH đã cho phép (8,5-9%).[3] Trong cuộc phỏng vấn của tờ Thời báo Tài chánh (London) nhân dịp chuyến thăm Anh vào đầu tháng 3, Nguyễn Tấn Dũng đã tiên đoán là mức lạm pháp trong năm nay sẽ lên tới 12%.[4] Không ai tin ở những con số do ông Dũng đưa ra. Một số chuyên viên dự đoán những con số cao hơn nhiều.

Thật vậy, trong những ngày qua báo chí trong nước đã liệt kê giá cả gia tăng kỉ lục của  hàng loạt hàng hóa, nhất là các nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày cho nhân dân, như thực phẩm tăng 29,06%, lương thực tăng 17,71%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 16,36%...[5] Tựu trung là giá tiêu dùng trong tháng 2.08 so với một năm trước đó đã tăng lên 15,67%.[6] Riêng giá vàng đã tăng vọt lên 40,41%. Điều này phản ảnh tâm lí của người dân, nhất là những giới có tiền của, đã không còn tin vào đồng bạc VN nữa nên đã đổ xô vào mua sắm tích trữ các quí kim.

Cụ thể hơn nữa, báo chí ở trong nước đã tường thuật giá cả tăng chóng mặt từ ngày này sang ngày khác. Thí dụ: Theo ước tính của Ban quản lý chợ Hôm [ngay thủ đô Hà nội], mỗi ngày có khoảng nửa vạn người đến chợ, mua bán. Tại đây, chiều 29/2, giá nhiều mặt hàng vẫn cao kỷ lục so với trước Tết. Cụ thể, cá chép (loại dưới 1,5 kg) tăng từ 25.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; thịt lợn thăn tăng từ 65.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; rau muống tăng từ 3.000 đồng lên 12.000 đồng/mớ; rau cải tăng từ 2.500 đồng lên 6.000 đồng/mớ…[7] Tình hình này có nghĩa là hàng triệu công nhân và những người sống nhờ đồng lương đói rách sẽ phải vật lộn hàng ngày với vật giá đắt đỏ!

Giữa lúc vật giá đang gia tăng chóng mặt thì vào cuối tháng 2.08 chính phủ lại công bố biện pháp tăng giá xăng dầu, nói thoái thác là nhà nước chấm dứt chính sách bù lỗ các sản phẩm này. Mỗi lí xăng tăng giá thêm 1.500 đ, mỗi lít diezel tăng 3700 đ. [8] Nghĩa là giá các loại xăng dầu đã tăng thêm từ trên 11% tới 36%. Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ hai nội vài tháng.

Việc giá xăng dầu tăng đột ngột và quá mạnh đang tạo một cú xốc lớn cho toàn bộ kinh tế và xã hội. Vì việc này ảnh hưởng tới tất cả mọi ngành. Nhưng chịu cảnh thua thiệt nhất vẫn là những người nghèo, những người ăn lương và các nông dân.

Nguyên nhân lạm phát và các biện pháp theo Chỉ thị 319

Về nguyên nhân trực tiếp dẫn tới lạm phát phi mã hiện nay thì chính Nguyễn Tấn Dũng vào cuối tháng 10.07 đã tiết lộ, chỉ trong vòng nửa năm đầu của 2007, chính phủ của ông đã ra lệnh cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bỏ ra trên 140.000 tỉ đồng (bằng gần 70% tổng số dự thu cho Ngân sách Nhà nước năm 2008) để mua khoảng 9 tỉ Mĩ kim nhằm gia tăng quĩ dự trữ ngoại tệ.[9] Việc chỉ trong một thời gian rất ngắn đã tung vào thị trường một khối tiền đồng rất lớn khiến đồng bạc VN bị mất giá và đã gây nên áp lực lạm phát nhanh và cao. Đây là một sai lầm nghiêm trọng về kiến thức và thực hành trong chính sách tiền tệ và tài chánh của chính phủ. Ngoài ra nhập siêu cao trong ngoại thương, nhất là với Trung hoa, khiến phải tung tiền nhiều để trang trải gánh nặng này. Chỉ nội trong hai tháng đầu năm nay mức nhập siêu đã lên trên 4 tỉ Mĩ kim (cao gần bằng cả năm 2006); riêng trong năm 2007 nhập siêu đã lên tới trên 12 tỉ Mĩ kim.[10] Đây là chưa kể tới việc tung rất nhiều tiền vào các dự án đầu tư phí phạm và bỏ tiền lớn giúp các công ti quốc doanh kinh doanh, kể cả đầu cơ bất động sản cũng đã làm gia tăng áp lực lạm phát. Đây là các lí do chính đưa đến tình trạng bùng nổ lạm phát từ cuối năm 2007 ở VN.  Tuy hiện nay nhiều nước trên thế giới và cả các nước ở Á châu cũng rơi vào tình trạng lạm pháp, nhưng hầu như chỉ riêng lạm phát ở VN lại ở mức cao nhất!

Nếu đủ can đảm và có tầm nhìn thực tế thì Nguyễn Tấn Dũng đã phải thấy tình trạng lạm phát cao đang bung ra từ cuối hè 2007, do đó đáng lẽ ra phải có những biện pháp sớm và hợp lí để ngăn chặn vật giá leo thang. Nhưng ngay cả tại Kì họp thứ 2 của QH vào cuối tháng 10.7 ông Dũng chỉ đưa ra những lời lạc quan tếu và các hứa hẹn xuông. Phải đợi tới đầu năm nay nội các của Nguyễn Tấn Dũng mới đưa vấn đề lạm phát ra thảo luận. Trước cuộc họp của Thường trực Chính phủ vào ngày 28.2 thì NHNN đã đưa ra quyết đính sẽ phát hành 20.300 tỉ đồng tín phiếu vào giữa tháng 3 để buộc các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng cổ phần (tư) phải mua để giảm bớt lưu lượng tiền trong thị trường, đồng thời các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất để thu hút tiền đồng trở lại.[11] Nhưng Ủy viên Trung ương đảng (TUĐ), Bộ trưởng Tài chánh (BTTC) Vũ Văn Ninh đã lên tiếng trên báo chí công kích NHNN không được áp dụng các biện pháp này. [12]  Chính vì thế chỉ vài ngày sau NHNN đã lại phải làm công việc ngược lại là “bơm ra tới 39.000 tỷ đồng.“ [13]

Ngày 28.2 Nguyễn Tấn Dũng đã chủ tọa cuộc họp của Thường trực Chính phủ, tức là cơ quan cao nhất của nội các, gồm các Phó TT và một số bộ trưởng phụ trách kinh tế, tài chánh, đầu tư và ngân hàng để bàn về những giải pháp chống lạm phát. Nhưng trong cuộc họp báo chiều cùng ngày Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc NHNN đã vắng mặt, chỉ thấy Bộ trưởng Tài chánh Vũ Văn Ninh, và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc..[14]. Cho tới thời điểm này các biện pháp cụ thể vẫn chưa được nêu ra, chỉ thấy những ý kiến đối chọi nhau giữa một bên là Phó TT thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Tài chánh Vũ Văn Ninh và bên kia là NHNN.

Mãi tới ngày 3.3 khi Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến công du sang Anh, Đức và Ái nhĩ lan thì Phó TT Thường trực Nguyễn Sinh Hùng mới tiếp Giám đốc IFM tại VN và sau đó Nguyễn Sinh Hùng nhân danh Thủ tướng mới công bố Chỉ thị số 319 bao gồm 19 điểm liên quan tới các biện pháp chống lạm phát.[15] Một việc rất trí trá của Nguyễn Sinh Hùng là chỉ công bố Chỉ thị 319 sau khi đã tiếp đại diện IFM và thay vì nhìn nhận sự thực là IFM đã báo động và khuyến cáo chính phủ VN trước tình trạng lạm phát nguy kịch, thì tờ điện tử Chính phủ đã đưa hàng tít lớn trong cuộc gặp đại diện IFM “Việt Nam đã có giải pháp đúng đắn kịp thời điều hành chính sách kinh tế vĩ mô“ [16]

Trong đó có các biện pháp tiền tệ, Chỉ thị 319 nêu ra các biện pháp nhằm giới hạn mức tiền lưu thông trong thị trường, nhưng đồng thời lại không muốn gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc cho vay. Đối với các lãnh vực kinh tế và tài chánh thì Chỉ thị một mặt đòi chấm dứt các công trình đầu tư kém hiệu quả, giảm chi ngân sách, nhưng mặt khác lại chủ trương tiếp tục mua ngoại tệ giúp các nhà đầu tư (nước ngoài) và phải bỏ tiền ra cứu thị trường chứng khoán đang bị suy sụp nghiêm trọng. Đối với thị trường bất động sản thì Chỉ thị yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cho vay các công trình bất động sản “các dự án tốt, đầu tư đúng và lành mạnh“.

Về mặt lí thuyết, Chỉ thị 319 cho thấy  có vẻ như sẽ có sự hoạt động đồng bộ của các cơ quan nhà nước phụ trách tiền tệ, kinh tế, tài chánh và ngoại thương. Nhưng phân tích kĩ thì Chỉ thị này chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn trong chính sách của từng cơ quan và giữa các cơ quan chính với nhau. Báo chí trong nước đã chế diễu Chỉ thị này là vừa nhấn ga vừa hãm thắng![17] Điển hình như đòi NHNN phải tìm cách giới hạn mức tiền lưu thông, nghĩa là phải tăng lãi suất, phát hành trái phiếu, đồng thời bắt các ngân hàng tư phải tăng mức dự trữ…Nhưng mặt khác lại đòi NHNN phải tiếp tục “hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại để bảo đảm khả năng thanh toán“. Nguy hiểm hơn nữa là Chỉ thị 319 còn thể hiện tình “cao su“, co dãn tùy thích và giải thích tùy tiện. Trong một thể chế toàn trị hiện nay ở VN thì cơ quan nào sẽ có quyền quyết định tối hậu về việc xét xem công trình đầu tư nào phải ngưng lại, công trình đầu tư nào cần được tiếp tục" Cuối cùng vẫn đưa tới tình trạng là, chỉ những nhân vật nào có quyền lực nhất sẽ bao che cho các vây cánh của mình tiếp tục làm ăn tự do, mặc cho thua lỗ và tham nhũng tiền bạc hàng ngàn tỉ đồng như vụ PMU 18 trước đây ba năm và vụ Tổng công ti Xây dựng miền Trung Cosevco hiện nay! Một lưu ý quan trọng nữa là, Chỉ thị 319 cho thấy ưu tiên bảo vệ lợi ích phe nhóm. Cụ thể nhất ở đây là Chỉ thị đã ra lệnh phải cứu Thị trường chứng khoán (TTCK) và tiếp tục giúp các dự án bất động sản. Ai cũng biết TTCK mới được thành lập ở VN và qui tụ phần lớn tài sản của các đại gia, tức là tiền bạc của những người đang có quyền và tiền của chế độ toàn trị. Chỉ nội trong 5 tháng vừa qua các cổ phần của TTCK đã mất tới trên 55% trị giá.[18] Chỉ thị 319 ra lệnh cho các quan tài chánh và ngân hàng phải bơm tiền để giữ cho thị trường này không bị sập. Với quyết định này thì chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đang đứng về phía những người đang đói khổ do nạn lạm phát đưa tới hay đứng về phía những đại gia" Dư luận nhiều giới ở trong nước rất bất bình và thất vọng về việc này. Mặt khác, việc Chỉ thị 319 khuyến khích giúp đỡ các dự án bất động sản cũng đã chỉ rõ ưu tiên bảo vệ phe nhóm lợi ích. Ai cũng biết trong các năm qua phần lớn bất động sản gồm các đất đai, biệt thự, khách sạn và các cao ốc đắt tiền là sự đầu cơ của các quan lớn đang làm giầu nhanh qua tham nhũng. Các bất động sản này lại không phải chịu một loại thuế nào, cho nên các đại gia cứ tự do tung tiền đen để mua tích lũy các bất động sản và tạo dựng các giá cao giả tạo để kiếm lời thật cao và nhanh.  Nay Chỉ thị khuyến khích tài trợ dễ dãi tiếp cho “các dự án tốt, đầu tư đúng và lành mạnh“ trong các hoạt động bất động sản đã cho thấy, cuối cùng dưới chế độ toàn trị hiện nay thì chính sách chống lạm pháp lại nhắm bảo vệ lợi ích của một thiểu số đang có quyền và tiền!

Khi theo dõi các cảnh ông nói gà bà nói vịt, trống đánh xuôi kèn thổi ngược của các cơ quan  và các nhân vật có trách nhiệm trong việc chống lạm pháp, nhiều chuyên viên VN và quốc tế còn có các quan ngại khác đó là sự không minh bạch, thiếu thông tin chính xác, vai trò phụ thuộc của NHNN và đặc biệt là chính sách phục vụ lợi ích phe nhóm của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. [19]

Thật vậy, các biện pháp của NHNN ban bố vào tháng 2 nhằm giảm bớt và khống chế lưu lượng tiền đồng trong thị trường, như bắt các ngân hàng phải tăng lãi suất, gia tăng mức dự trữ, mua trái phiếu… Nhưng các biện pháp này đã bị PTT Nguyễn Sinh Hùng và BTTC Vũ Văn Ninh chỉ trích công khai trên báo chí.[20] Lí do đằng sau của nó là các ngân hàng quốc doanh –trong đó phần lớn là của các Tổng công ti nhà nước, nhưng đã biến dạng thành những công ti của gia đình và phe nhóm của các đại gia có quyền tiền!- Ngày 6.3 Nguyễn Sinh Hùng triệu tập cuộc họp chính phủ với sự có mặt của PTT Hoàng  Trung Hải, BTTC Vũ Văn Ninh, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu… để bàn về việc thực hiện Chỉ thị 319 do chính Nguyễn Sinh Hùng mượn danh Thủ tướng kí. Trong cuộc phỏng vấn của tờ Tuổi trẻ Nguyễn Sinh Hùng đã cho biết: “Tôi có chỉ đạo cho thống đốc NH Nhà nước mức trần huy động 12%/năm là hiện nay, còn từ nay đến cuối năm phải điều chỉnh xuống., “[21]   và “Thống đốc NH Nhà nước sẽ được giao trọng trách này để điều hành hợp lý, làm sao dòng ngoại tệ chảy vào đầu tư trong sản xuất, mua cổ phần, cổ phiếu... không được tắc“, [22]

Vì thế trong cuộc họp báo chiều 7.3 của Bộ Tài chánh và NHNN, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến đã ngoan ngoãn cho biết NHNN “sẽ tiếp tục sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để đảm bảo khả năng thanh toán“. Ngoài ra NHNN cũng sẽ ấn định mức lãi suất trên thị trường là 9-10% thay vì 12% như trước đây. Ngoài ra ông Tiến còn cho biết:

“NHNN tiếp tục thực hiện biện pháp bán tín phiếu NHNN vào ngày 17/3/2008 như đã công bố. Trong trường hợp NHTM nào gặp khó khăn về nguồn vốn, NHNN sẽ xem xét lùi thời gian cụ thể đối với từng NHTM”.[23]

Như vậy, những biện pháp chính của NHNN đưa ra vào giữa tháng 2 nhằm chống lạm phát đã bị PTT Nguyễn Sinh Hùng và BTTC Vũ Văn Ninh làm giảm và có thể làm mất cả hiệu lực! Tệ hại hơn nữa là điều này cho thấy, trong chế độ toàn trị NHNN chỉ được coi là người giữ túi tiền cho các người có quyền lực chứ chẳng có quyền hành gì cả! Tình trạng này sẽ rất khó chống lạm phát có hiệu quả! Trong một xã hội dân chủ đa nguyên và theo kinh tế thị trường thực sự thì vai trò của NHNN có vai trò rất quan trọng trong chính sách tiền tệ. Nó là cơ quan độc lập đối với chính phủ, mọi quyết định của NHNN chỉ được cân nhắc trên lợi ích chung của quốc gia chứ không bị chi phối của một nhóm nào.

Tóm lại, trái với tuyên bố tự tin và nẩy lửa của Nguyễn Tấn Dũng trước khi đi Tây Âu là “Bình tĩnh, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành giá cả, tiền tệ“[24], các sự kiện trên đây đã chứng tỏ là, chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng đang rất hốt hoảng, hoang mang và lúng túng trong việc đề ra các giải pháp chống lạm phát. Chính tình hình này đang đưa tới những chống đối lẫn nhau ngay trong Chính phủ và BCT. Vì thế, ngày 7.3 nhóm lãnh đạo đã phải cho một chuyên viên viết một bài dài trên tờ CS điện tử để tìm cách làm giảm hoang mang và giao động trong nhân dân và trong đảng về Chỉ thị 319. [25]

Nhưng có lẽ mục tiêu này chẳng thuyết phục được mấy ai. Thật vậy, chiều 6.3  sau hai giờ phỏng vấn và nghe PTT Nguyễn Sinh Hùng giải thích về Chỉ thị 319 liên quan tới các chính sách chống lạm phát tại tờ Tuổi trẻ, chuyên viên kinh tế Nguyễn Vạn Phú đã nhận xét:

“…. tùy theo từng người đang có quan tâm đến những lĩnh vực khác nhau, văn bản 319 do Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành ngày 3-3 sẽ có ý nghĩa khác nhau. Người đang đầu tư vào chứng khoán sẽ yên tâm với câu "không để thị trường đi xuống"; người đang tham gia thị trường bất động sản sẽ chú ý đến dòng "tạo điều kiện phát triển lành mạnh thị trường bất động sản"; ngay cả nhà đầu tư tài chính nước ngoài cũng được cam kết "tiếp tục thực hiện mua ngoại tệ cho các nhà đầu tư”.

Trong khi đó, cuộc chiến kiểm soát lạm phát chắc chắn phải trả giá - ít nhất bằng một tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn, các cơ hội làm ăn ít hơn và ngay cả các dự án đầu tư công, ngoài chuyện bị xà xẻo, ăn chặn cũng là nguồn tạo công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp, sẽ bị thắt chặt hơn trước. Không thể ảo tưởng về một gói giải pháp kiềm chế lạm phát làm hài lòng tất cả mọi người; sẽ có ngành, có lĩnh vực phải chịu khó khăn hơn năm ngoái.

Vì thế, người dân hiện đang rất cần một "văn bản 319" khác, trong đó Chính phủ cam kết bằng những lời văn dễ hiểu nhất rằng sẽ thực thi chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà đi đầu là các hoạt động chi tiêu của Chính phủ.“ [26]

Trong phần kết thúc Nguyễn Vạn Phú đã cho mọi người thấy rõ lòng dân và ý đảng đang đi ngược chiều nhau xuyên qua Chỉ thị 319:

 “Trong tình hình giá cả leo thang như hiện nay, người dân đã tự họ thắt lưng buộc bụng từ lâu - họ cũng cần thấy một hành động tương tự của những người nắm hầu bao đất nước một cách cụ thể và quyết liệt.“ [27]

*          *          *

Theo dõi tiến trình lập các quyết định và cách thức công bố và thi hành các chính sách chống lạm phát trong thời gian gần đây của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các giới quan sát đặt một dấu hỏi lớn về vai trò và thế đứng thực sự hiện nay của Nguyễn Tấn Dũng. Tại sao sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 28.2 Nguyễn Tấn Dũng đã không tự đứng ra giải thích các quyết định chống lạm pháp, mặc dầu việc này đang trở thành vấn đề bức xúc nhất ở VN" Không những thế, tại sao Nguyễn Tấn Dũng không tự mình kí và công bố Chỉ thị 319 mà lại để cho PTT Thường trực Nguyễn  Sinh Hùng kí thay và kí vào đúng lúc Nguyễn Tấn Dũng đi Tây Âu"

Các sự kiện này đã khiến cho giới quan sát đặt câu hỏi là: Ai đang là người có thực quyền giữ quyết định trong chính phủ hiện nay, Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Sinh Hùng" Mặc dầu vào mùa hè 2006 ông Hùng chỉ được một số phiếu rất thấp trong cuộc bầu các phó thủ tướng của Quốc hội. Nhưng ông Hùng có liên hệ tốt với phe bảo thủ ở trong BCT và dưới thời Phan Văn Khải ông cũng đã từng là Bộ trưởng Tài chánh đã chi rộng rãi cho các tổng công ti nhà nước và Ban Quản trị Tài chánh của Đảng.  

Ai cũng biết, Nguyễn Tấn Dũng là người thích nói lớn, nói mạnh, nhưng nạn lạm phát đang trở nên nguy kịch như hiện nay thì đúng ra người đứng đầu chính phủ phải dám đứng ra quyết định và nhận trách nhiệm. Nhưng tại sao Nguyễn Tấn Dũng đã không dám làm việc này hay là đã không đủ khả năng và cũng không có quyền lực trong giới lãnh đạo hiện nay" Có thể thời gian tới câu hỏi này sẽ có giải đáp.

GHI CHÚ

[1]. Chính phủ (CP) điện tử 3.3

[2]. Như trên

[3]. Tuổi trẻ (TT) 29.2

[4] . BBC 3.3

[5] . Thanh niên (TN) 28.2

[6] . TN 28.2

[7] . Tiền phong (TP)1.3

[8] . Nhân dân (ND) 25.2

[9] . Âu Dương Thệ, kẻ nói dối không đi được xa:  Lạm phát chóng mặt!, trong www.dcpt.org, muc Thời sự 2007

[10] . Nguyễn Vạn Phú, ra khơi gặp bão, Thời báo Kinh tế Sài gòn (TBKTSG) số 11, 6.3; Ngọc Lan, giảm nhập siêu-đang nghiên cứu!, TBKTSG số 11,6.3

[11] . PTT Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận điều hành vĩ mô chưa khớp, Vietnam Net (VNN) 26.2

[12] . Như trên; Hải Lý, tiền đang ở đâu, TBKTSG số 10,28.2! Sài gòn giải phóng (SGGP) 28.2

[13] . VNN 28.2

[14] . CP 28.2

[15] . Nguyên văn Chỉ thị 319 xem trong CP 3.3

[16] . CP 3.3

[17] . Vân Anh-Anh Minh, chống lạm phát: không thể vừa nhấn ga vừa đạp phanh!, VNN 6.3

[18] .Lao động 5.3; Tuổi trẻ 5.3; Tiền phong 5.3

[19] . Nhóm nghiên cứu VN của ĐH Havard, lựa chọn thành công- bài học từ Đông Á và ĐNA cho tương lai VN, trong www.dcpt.orgphần thời sự; UNDP, khâu phối hợp có vấn đề, BBC 4.3, TS Vũ Quang Việt, không sai lầm chính sách, nhưng yếu kém trong dự báo", Tiền phong 3.3,…

[20] .Xem VNN 26.2, TBKTSG số 10,28.2, SGGP 28.2

[21] . PTT Nguyễn Sinh Hùng, TT 6.3

[22] . Như trên

 

[23] . Như trên

[24] . ND 29.2

[25] . TS Trần Anh Phương, lạm phát và chống lạm phát ở nước ta hiện nay, Cộng sản 7.3

[26] . Nguyễn Vạn Phú, TT 7.3,

[27] . Như trên

(Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử: www.dcpt.org     hay    www.dcvapt.net)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.