Hôm nay,  

Kosovo - Hậu Quả Vô Lường

21/02/200800:00:00(Xem: 7969)

Trật tự cũ tan thành muôn mảnh, báo hiệu nhiều chấn động kinh hoàng...

Việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập hôm 17 vừa qua không được dư luận Hoa Kỳ chú ý, nên dư luận ít thấy sự hình thành của một "trật tự mới", với biên cương được vẽ lại, và súng đạn sẽ lên tiếng. Một trật tự thảm khốc.

Ngay sau khi Kosovo đòi độc lập, hôm 19, dân Serb sống tại đây cũng lại đòi quyền tự trị để được sáp nhập vào Cộng hoà Serbia của họ. Và đòi hỏi bằng bạo động. Nếu nhìn theo lối chớp nhoáng - và hời hợt - của truyền thông Hoa Kỳ, thì trong lãnh thổ Serbia, có Kosovo đòi tách riêng thành một nước vỏn vẹn hai triệu dân. Rồi trong lãnh thổ Kosovo nhỏ bằng chiếc khăn tay, một thiểu số người Serb chừng hơn trăm ngàn dân cũng đòi tự trị, để sát nhập vùng sinh sống của họ vào đất Serbia.

Mà tiến trình hợp tan ấy không chỉ giới hạn trong Kosovo, hay trong Liên bang Nam Tư cũ. Nó đang trở thành giải pháp phổ biến tại nhiều nơi khác của Âu châu và sẽ gây chấn động cho toàn thế giới. Chuyện ấy, dư luận Hoa Kỳ và cả các ứng cử viên tổng thống tại Mỹ không cần biết, hoặc chưa kịp biết, mặc dù biến cố châm ngòi cho nạn đất chuồi này là một thành tích của Tổng thống Bill Clinton, năm 1999.

Thế chiến thứ nhất bùng nổ từ một biến cố rất nhỏ, một vụ ám sát bất ngờ xảy ra trong vùng Balkan. Trong vùng Balkan đó, khi Liên bang Nam Tư bắt đầu tan rã cùng sự sụp đổ của đế quốc Xô viết cách đây gần hai chục năm thì một vùng đất cũng rất nhỏ đã gánh chịu những tai ương đầu tiên mà dư luận khi ấy không để ý. Đó là đất Kosovo.

Nội chiến của Liên bang Nam Tư, những vụ thanh tẩy chủng tộc hay tàn sát lương dân thật ra không khởi sự từ xứ Bosnia hay Croatia mà ngay tại Kosovo. Lãnh tụ mới nổi của Cộng hoà Serbia là Slobodan Milosevic đã đi ngược phép dung hoà của Tito mà thẳng tay đàn áp mọi mầm mống phân hoá, "cát cứ" nói theo chữ Cộng sản. Bị đàn áp trước tiên là cộng đồng thiểu số người Albanian theo Hồi giáo trên đất Kosovo.

Họ bị tước đoạt quyền tự trị, báo chí bị đóng cửa, giáo sư bị đuổi việc và đất Kosovo lăn xuống vực thẳm mà ít ai biết. Khi đó, thế giới chỉ nói tới chiến tranh Nam Tư, tới những nỗ lực tuyệt vọng của Milosevic để duy trì Liên bang đang bị rã thành từng mảnh, và những hành động trả thù của các sắc dân bị đàn áp.

Gần 10 năm sau, Kosovo mới trở thành thời sự.

Đây là vùng đất thiêng của dân Serb, địa danh lịch sử ghi dấu cuộc kháng chiến của tổ tiên chống lại Đế quốc Ottoman và trận tử thủ năm 1389. Milosevic cần khơi dậy tinh thần ái quốc của dân Serb để củng cố chế độ độc tài nhuốm mùi Bôn-sơ-vích của mình, nên tăng cường ách thống trị của dân Serb - thiểu số - trên đất Kosovo. Nạn đàn áp và tàn sát lại tái diễn, và Hoa Kỳ thời Tổng thống Bill Clinton thấy là không thể ngồi yên. Ông càng phải làm gì đó vì dư luận đang ồn ào về vụ Monica Lewinsky.

Thế rồi, năm 1999, khi can thiệp vào Kosovo vì lý do chính đáng của lòng nhân chứ chẳng vì quyền lợi chiến lược của nước Mỹ, Clinton đã rút chốt cho một trận động đất.

Trước hết, Liên hiệp quốc không thể làm gì cho Kosovo vì lá phiếu phủ quyết của Liên bang Nga trong Hội đồng Bảo an. Không vào cứu vớt dân Kosovo dưới lá cờ Liên hiệp quốc, Clinton dùng lá chắn của Minh ước NATO, và kéo theo các nước Âu châu.

Là tay phản chiến và lạnh cẳng khi đụng tới chuyện đao binh, Clinton nhập trận Kosovo theo kiểu "sạch", chỉ không tập chứ không thả quân. Nhưng với ưu thế quân sự ấy, trước một kẻ thù đang bị thế giới nguyền rủa, 60 ngày nã pháo các đơn vị Serb trên đất Kosovo mà chưa ngã ngũ. Hoa Kỳ thời Clinton bèn mời Liên bang Nga vào dàn xếp một giải pháp với Serbia cho Kosovo. Và chơi trò láu cá.

Dưới quyền lãnh đạo của Boris Yeltsin, Liên bang Nga thời ấy thấy mình hết đất, và chỉ còn một đồng minh thất thế là Cộng hoà Serbia. Hoa Kỳ mời Nga vào dàn xếp một giải pháp cho Kosovo: Serbia rút quân và đặt Kosovo dưới quyền quản lý của lực lượng hỗn hợp NATO và Nga. Sự cam kết bên dưới là Kosovo vẫn thuộc lãnh thổ Serbia. 

Sau đó, sự thể không tiến hành như vậy. Các đơn vị Nga bị đẩy ra ngoài lực lượng NATO tại Kosovo (Kosovo Force - KFOR), NATO toàn quyền quản lý và trao lại của nợ Kosovo cho Liên hiệp quốc lo việc bình định, với sự yểm trợ của Liên hiệp Âu châu. Vì đất nước vừa ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1998, Tổng thống Yetlsin đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhưng nỗi đau ấy dẫn tới sự xuất hiện của Vladimir Putin, nhân vật có kinh nghiệm về tình báo và có hậu thuẫn của thành phần an ninh và quân đội!

Cho nên, nói tới bài toán Kosovo ngày nay là phải nói tới sự thất thế và hậm hực của nước Nga thời ấy, xảy ra trước sự hồn nhiên của người dân Hoa Kỳ.

Lãnh đạo nước Mỹ vào thời Bill Clinton thật ra cũng chẳng hồn nhiên như vậy. Họ có dự kiến khác. Vì Liên bang Xô viết đã tan rã, NATO không còn đối thủ, người ta có thể vẽ lại bản đồ của thế giới và góp phần hình thành những quốc gia mới, quy tụ quanh một sắc tộc đa số thay vì nhập nhằng sống dưới chế độ toàn trị của một ý thức hệ. Đấy cũng là một cách phân vùng lại Liên bang Nam Tư để từng nước Cộng hoà độc lập có thể xuất hiện. Giải pháp tuyệt vời ở nét gọn và sạch!

Thật ra, đây chỉ là một tái diễn của tinh thần chủ quan Tây phương khi vẽ lại bản đồ Âu châu sau Thế chiến thứ nhất rồi bản đồ thế giới sau Thế chiến thứ hai.

Ranh giới quốc gia được quốc tế công nhận là những gì không thể dời đổi. Bên trong từng "quốc gia" đó, nhiều nhóm thiểu số sẽ phải bị hy sinh vì nguyên lý "chủ quyền quốc gia". Thực tế là bên trong từng nước, nhiều cộng đồng sắc tộc bị dời chuyển, sống xa quê hương và là thiểu số trong vùng đất lạ. Ngày nay, họ đang muốn tái thống nhất với đồng bào hay đồng đạo ở bên kia những biên giới nhân tạo. Một sự trả thù của phản ứng văn hoá hay tín ngưỡng trước những đặt để của các cường quốc.

Nổi cộm mà không duy nhất là phản ứng của dân Albanian trên đất Kosovo của lãnh thổ Serbia: họ không muốn là công dân hạng hai của Cộng hoà Serbia mà đòi được độc lập. Bên trong Kosovo, dân Serbia cũng chẳng chịu là công dân hạng hai của Cộng hoà Kosovo chưa thành hình, họ đòi tự trị và sát nhập địa phương sinh sống của mình vào cố quốc Serbia!

Nhưng không chỉ Kosovo mới gặp vấn đề ấy, hầu hết các nước đã bị chế độ Xô viết cai trị đều ôm mối nợ sắc tộc này, và chiều hướng tái phân để sát nhập ấy đang gây khó cho… Liên hiệp Âu châu!

Từ hai ngày nay, khi các ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ đang tranh luận xem Obama có ăn cắp văn của người khác trong những bài diễn văn của mình không, hoặc Obama và Hillary, ai đứng bên trái của ai, v.v… thì Ngoại trưởng các nước trong Liên hiệp Âu châu lại rối trí trong một hội nghị khẩn cấp về chuyện Kosovo, do Bill Cliton để lại cho họ.

Khi dân Kosovo tuyên bố độc lập, thì ngược với lập trường của Anh, Pháp, Đức, cả chục nước tại Âu châu đã chống lại quyết định ấy. Nhưng đồng thời, nhiều sắc dân sống rải rác khắp nơi lại ủng hộ quyết định ấy. Mà Liên hiệp Âu châu không thể có phán quyết nào nếu không được sự đồng ý của tất cả 27 nước hội viên.

Hãy chỉ nói về Hungary.

Dân Hung Gia Lợi ở đây và ở Romania, Slovakia lẫn… Serbia nồng nhiệt hưởng ứng việc Kosovo độc lập. Cộng hoà Serbia có xứ Vojvodina là nơi sinh sống của 350 ngàn dân Hung. Sau Kosovo, đất Vojvodina cũng đòi tự trị, và - tại sao không - độc lập, để sát nhập vào xứ Hungary ở phương Bắc. Tại Romania ở phía Đông, dân Hung chiếm 7% dân số và hôm 18 đã lên tiếng yêu cầu là được quyền tự trị, biết đâu sẽ có ngày thống nhất với Hungary! Tại phía Tây có Cộng hoà Slovakia, mới năm nào tách rời khỏi Cộng hoà Tiệp-Khắc, cũng gặp "Hung nạn" trong ruột. Người Hung chiếm 10% dân số xứ này và nay cũng muốn theo gương Kosovo mà đòi hồi quy cố quốc.

Chỉ một chuyện đó cũng cho thấy Hungary ủng hộ tiền lệ Kosovo độc lập, nhưng Serbia, Romania và Slovakia thì phải chống đến cùng. Đến chết. Nếu chịu khó tìm hiểu, những hoàn cảnh éo le ấy thật ra lại là trường hợp phổ biến! Đảo Corse của Pháp - quê hương của Napopéon - đã chẳng đòi tự trị đó sao"

Liên bang Nga không thể để một nước có cùng tộc Slav, da trắng, theo Chính thống giáo như mình, là Cộng hoà Serbia bị mất dân mất đất như vậy sau khi bị Hoa Kỳ làm mất mặt. Vladimir Putin sẽ phải trả đòn. Một số người cho rằng Nga sẽ xúi hai địa phương ly khai trong lãnh thổ Goergia vùng dậy theo gương Kosovo để trừng phạt xứ Georgia nay đã ngả theo Tây phương. Nhưng đó là chơi… dại. Trong lãnh thổ Nga, có cả chục trường hợp mà dân địa phương lại thành thiểu số vì chánh sách di dân từ thời Stalin. Nếu Nga công nhận quyền tự trị của Abkhazia và Nam Odessa tại Georgia thì rất nhiều địa phương trong Liên bang Nga cũng sẽ đòi tự trị và độc lập như thế! (Cột báo này không đủ chỗ liệt kê những vấn đề còn rắc rối hơn thời Xuân Thu bên Tầu!)

Chưa ai biết Putin sẽ trả thù như thế nào, Liên hiệp Âu châu đang nghe ngóng chuyện ấy trong khi vất vả gìn giữ sự thống nhất bên trong. Nhiều phần là chủ nghĩa quốc gia bị dồn nén sẽ gây sức bật rất lớn. Nếu châm thêm yếu tố tôn giáo - đạo Hồi của dân Albanian tại Kosovo và nhiều tỉnh của Liên bang Nga - thì ta có hợp chất của một thùng thuốc súng! Cũng vì vậy mà ta nên hiểu vì sao Hà Nội lật đật lên tiếng tại Hội đồng Bảo an của Liên hiệp quốc theo cung bậc của Nga: chống việc Kosovo độc lập!

Trong khi ấy, lãnh đạo Mỹ, dư luận Hoa Kỳ và các ứng cử viên tổng thống lại đang bận tâm vì những chuyện trọng đại hơn nhiều!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đâu phải tự nhiên mà người Cộng sản Việt Nam rộ lên “phong trào” bàn về “hòa hợp dân tộc” sau 3 năm thi hành Nghị quyết 36
Khoa học tân tiến nhất của loài người ngày nay đã tìm đến Nguyệt cầu, Hoả tinh, và đã có các phi hành gia bay bổng ra ngoài tầng khí quyển
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.