Hôm nay,  

Tôi Đưa Con Sang Đông

05/09/200700:00:00(Xem: 10927)

Sinh viên Nam Phương được bố là nghệ sĩ Nam Lộc tiễn tới tận cổng Đại Học Brown (ảnh). Câu này nghe quen quen phải không thưa quý vị" Vâng, tôi đang mượn tạm cái tựa đề bản nhạc "Tôi Đưa Em Sang Sông" của hai nhạc sĩ Nhật Ngân và Y Vũ để đặt tên cho bài tùy bút của mình hôm nay. Đây cũng là một nhạc phẩm nỗi tiếng từ gần 4 thập niên qua mà tôi đã hân hạnh được giới thiệu nhiều lần trên sân khấu ca nhạc. Điển hình là vừa mới tuần qua trong chương trình thu hình của trung tâm Asia, hai người em của nữ ca sĩ Như Quỳnh đã hát nhạc phẩm này trong phần trình diễn chung với cô chị. Hôm đó có một thân hữu đề nghị tôi nên giới thiệu là "Tôi Đưa Chị Sang Sông" thì mới đúng với hoàn cảnh hiện tại của Như Quỳnh. Còn một cái tên nưã mà tôi cho là nghịch ngợm nhất được đặt cho bài hát này cách đây khá lâu của một ký giả chuyên viết chuyện phiếm, đó là: "Tôi Đưa Ông Sang Xem"!

Nhưng dù đưa em, đưa chị, đưa ông hay đưa con ... thì cuộc tiễn đưa nào cũng chan hoà nước mắt và ngậm ngùi lúc vẫy tay từ giã. Tôi viết bài tùy bút này để riêng tặng  những phụ huynh cùng một hoàn cảnh như vợ chồng chúng tôi, đang lưu luyến đưa con vào đại học. Đối với tôi đây là lần đầu tiên điều này xẩy ra ở trong đời nên không tránh khỏi niềm xúc động. Cô con gái chưa đầy 18 tuổi, như con chim non sửa soạn bay ra khỏi tổ về một nơi cách xa ngàn dặm với ngôi nhà mà cháu đã sống từ khi lọt lòng mẹ. Và đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi để cháu tự quyết định cuộc đời và sự nghiệp của mình. Quyết định này đúng hay sai, đành chỉ biết cầu mong Bề Trên phù hộ và che chở cho cháu mà thôi.

Tổ ấm của gia đình chúng tôi là ngôi nhà mua được từ hơn 25 năm qua, nằm trong vùng Los Angeles, chỉ cách trường USC khoảng 10 miles và UCLA chừng 25 dặm mà thôi. Cá nhân tôi nếu được chọn lựa thì tôi muốn cháu học ở gần nhà, hoặc cùng lắm là Stanford, Berkeley ở miền Bắc hay UC San Diego ở miền Nam California, thế nhưng cháu đã quyết định theo học tại đại học Brown, nằm ở một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Rhode Island, miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Mấy tuần qua mẹ cháu đã chuẩn bị khăn gói cho con mọi thứ cần dùng, từ cái bàn chải đánh răng, khăn rửa mặt, cho đến tấm chăn dầy cộm và cái khăn quàng cổ bằng len cùng đôi giầy lội tuyết, mà trong suốt cuộc đời sống ở vùng nắng ấm California chẳng bao giờ mình cần đến.

Hôm đưa cháu sang Đông, ngồi trên máy bay, rảnh rỗi nhìn bản đồ của trường Brown, tôi thấy từ khu ký túc xá nơi cháu được chỉ định để sống đời sinh viên, lại là khu ở xa trường nhất. Và để đến các lớp học mỗi ngày, hình như cháu phải cuốc bộ tối thiểu cũng phải từ 2 đến 3 miles với chiếc backpack nặng trĩu trên vai. Rồi còn phải ghé nhà ăn, thư viện, phòng thí nghiệm v..v.., không hiểu một đứa con gái gầy gò nặng chưa đầy 90 pounds sẽ thích ứng thế nào với hoàn cảnh mới, nhất là trong mùa Đông giá lạnh, mưa bão và tuyết phủ đầy đường! Ông bạn Mỹ trắng ngồi bên cạnh, nhìn tôi loay hoay với tấm bản đồ của thành phố Providence tò mò hỏi thăm, sau khi biết tôi đưa con đến Brown thì ông bắt tay chúc mừng và nói, rằng tôi đã trở thành một "Proud parent"  vì cháu được nhận vào một trong những trường Ivy League! Ông bạn Mỹ này quả thật khéo lời, chứ cha mẹ nào có con vào đại học mà chẳng là pround parents. Thực tình tôi cũng chẳng nhận ra sự khác biệt giữa các trường đại học là bao, bởi vì trường nào cũng đào tạo ra những sinh viên giỏi giang, và trường nào cũng có những nhân tài xuất chúng, nếu thông minh và chăm chỉ học hành. Tôi quan niệm, nhiều khi học ở gần nhà, lúc trái gió, trở trời có cha, có mẹ, có chị, có em thì cũng đỡ lo hơn! Thế nhưng quan niệm trên đã không thay đổi được quyết tâm của cháu, có lẽ ý định này đã âm thầm nằm trong dự trình học vấn của các cháu từ lâu.  Thôi thì cứ nghe theo lời nói cuả người xưa: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính hoặc trời sinh, trời dưỡng hay thực tế hơn nữa là: Đi cho biết đó, biết đây. Ở nhà với... "Bố" biết ngày nào khôn! Cứ tự an ủi mình như vậy cho bớt lo âu.

Đêm cuối cùng trước khi từ giã cháu, nhìn hình ảnh bịn rịn, quyến luyến giữa hai mẹ con, tôi chợt nhớ đến hàng trăm câu chuyện gởi con vượt biên của người tỵ nạn mà tôi đã chứng kiến hoặc được nghe kể lại trong suốt hơn 30 năm làm việc trong lãnh vực định cư. Lần đầu tiên tôi chia sẻ những mẩu chuyện này một cách chi tiết với nhà tôi và các cháu, đồng thời so sánh nỗi khổ đau của những bậc cha mẹ đã phải cắn răng  trao con để nhờ người khác đưa các cháu vượt biển Đông tìm tự do. Những đứa bé chỉ mới 10, 12 tuổi đầu đã phải bước vào vùng sóng gió, bão bùng, đối diện với những cơn thịnh nộ của của biển cả cùng sự tàn độc của bọn thủy khấu. Hy vọng sống còn chỉ độ chừng 50%, và nhiều em dù có sống sót thì cũng phải trải qua biết bao nhiều điều đắng cay, tủi nhục! Nhưng cũng chính từ những hoàn cảnh khổ đau đó đã tạo nên bao tấm gương thành công cùng những người tài đức trong xã hội.  

Tôi cũng không quên nhắc lại ngày các cháu còn nhỏ, tôi có đưa hai cháu đi thăm 3 đứa trẻ vị thành niên người Bosnia mồ côi cả cha lẫn mẹ sau cuộc dội bom lầm của quân đội Mỹ vào ngôi làng cuả họ ở Kosovo. Tội nghiệp 3 chị em sống sót, đứa mù mắt, đứa mất mũi, đứa cụt chân, cả ba đã được một bác sĩ chỉnh hình gốc tỵ nạn ở thành phố Santa Barbara bảo trợ đem về nuôi nấng và chữa trị.

Những mẩu chuyện nói trên đã bất ngờ nhắc lại sự may mắn vĩ đại mà Thượng Đế đã ban cho mẹ con cháu cùng những phụ huynh và học sinh đồng cảnh ngộ. Tôi chợt thấy trên đôi mắt cháu tuy lóng lánh những giọt lệ xúc động nhưng sáng rực niềm tin và hạnh phúc. Tôi mong niềm tin đó sẽ đưa cháu đến sự thành công trong việc học và hạnh phúc đích thật cuả cháu, chính là biết lo cho hạnh phúc của những ngươi bất hạnh, thiếu may mắn hơn mình.

Trong suốt bao năm qua, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng có ngày mình lại dùng những câu chuyện tỵ nạn nói trên để dành cho con dùng làm hành trang vào đời. Và cũng chưa bao giờ trong cuộc đời tôi lại cảm thấy những lời dậy bảo của Mẹ tôi quan trọng và thiết thực hơn bây giờ. Ngày còn sinh tiền cụ vẫn dặn dò chúng tôi là, hãy cứ làm điều thiện thì con cái sẽ được hưởng phúc đức. Ngẫm lại bản thân, tôi thực sự không rõ mình đã làm được bao nhiều điều thiện, nhưng chắc chắn chưa bao giờ tôi đối xử sai trái hay độc ác với ai. Hy vọng việc đó cũng đủ để các con tôi nhận được những điều lành. Món quà duy nhất tôi tặng cô con gái vừa bước vào đời là bức tượng Phật Bà Quan Âm để cháu tìm sự che chở và cầu nguyện hằng đêm.

Kính chúc quý vị phụ huynh bình an trong tâm hồn và vững tin vào tương lai. Xin Thượng Đế ban phước lành cho tất cả chúng ta.

Mùa tựu trường, tháng Chín 2007

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kể từ ngày 18/6/2007, ông Nguyễn Minh Triết sẽ công du Hoa Kỳ với tư cách đại diện cho nước CHXHCNVN. Là vị nguyên thủ quốc gia
Thành viên của Hiệp Hội Ký Giả Truyền Thông Báo Chí Chuyên Nghiệp tin tưởng rằng khai sáng thông tin cho công chúng
Chuyến thăm viếng của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ từ ngày 18/6 đến 22/6/2007 xem như đã dàn xếp xong
Chiều thứ bảy sau khi hoàn tất Khóa Huấn Luyện Sư Phạm thiện nguyện cho Trung Tâm Giáo Dục Hông Y Nguyễn Văn Thuận
Khi "nhập gia" Huê Kỳ vì phải "tùy tục" mà mỗi năm cứ đến ngày 17 tháng 6 , người Việt Nam tổ chức ngày Father's Day để nói lên lòng biết ơn của con cái đối với
Trong sự trân trọng niềm tin của tất cả quí vị quan tâm đến tình hình tại Việt Nam trong và ngoài nước, trong tinh thần chia sẻ
Tôi lớn lên trong thời Đệ Nhị Cộng-Hòa, Bố tôi là một viên-chức về hành chánh của Bộ-Nội-Vụ, trụ sở ông làm việc nằm ở góc đường Nguyễn-Du
Sau những đòn phép úp mở từ cả hai bên, cuối cùng Hoa Kỳ cũng tiếp đón Chủ tịch Nước của Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết.
Nhà nước Việt Nam là một trong các Chế độ Cộng sản bị Tổng thống George W. Bush lên án trước lương tâm nhân loại trong buổi lễ khánh thành
Tính cho đến nay, đã có tổng cộng 18 ứng viên chính thức ghi danh tranh cử tổng thống Mỹ, trong đó có 10 ứng viên Cộng Hòa và tám ứng viên Dân Chủ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.