Hôm nay,  

Việt Nam: Đi Về Đâu?

14/05/200700:00:00(Xem: 12739)

  Nhắc đến Việt Nam, có thể nói có rất nhiều ý kiến, nhận xét khác nhau. Không chỉ người trong nước suy nghĩ khác người ở nước ngòai, mà ngay cả trong nước hoặc ở hải ngọai với nhau cũng có những nhận định thuộc lọai "chín người mười ý." Người thì bảo trong nước bây giờ thay đổi nhiều lắm, nhà cửa, đường xá, xe cộ mới nhiều vô xuể, người khác lại bảo Việt Nam vẫn thế, có thay đổi chăng là tầng lớp giàu có thêm nhiều quyền lợi, địa vị. Có người bảo đất nước bây giờ tham nhũng tràn lan, người khác lại bảo Nhà Nước mỗi ngày một chống tham nhũng quyết liệt và có hiệu quả hơn. Có người bảo đất nước thay đổi nhanh chóng, người khác bảo còn quá chậm. Người nói Việt Nam vẫn là Cộng Sản, người khác nói bây giờ chỉ có tư bản đỏ chứ không còn chủ nghĩa gì ráo. Lại cũng có người nói Việt Nam thân Tàu, người khác nói Việt Nam thân Mỹ. Người thì cho rằng phe bảo thủ trong nước cản trở bước phát triển của đất nước, người khác phản đối cho rằng Cộng Sản muôn đời vẫn thế, chẳng có chuyện bảo thủ kình với cởi mở. Người nói ở Việt Nam sẽ có cách mạng màu, người khác bảo còn lâu...

Chỉ có thể kể sơ lược điển hình vài ý kiến trái ngược nhau. Câu hỏi đặt ra, ai nói đúng" Hay là tất cả đều đúng" Một bức tranh sau khi xé làm trăm mảnh, việc ghép nối lại không phải là dễ vì ngòai việc tìm cho đủ trăm mảnh vụn của bức tranh, người ta còn phải ráp nối chúng lại cho ra được bức tranh nguyên thủy. Có được một trăm mảnh vụn thôi chưa đủ và đấy chưa phải là cái khó nhất. Thách đố nhất chính là tìm ra được vị trí từng mảnh vụn để đặt cho đúng chỗ; hai mảnh vụn có khi rất giống nhau nhưng nếu đảo ngược vị trí sẽ không còn ra được bức tranh nguyên thủy nữa, hoặc nguy hiểm hơn là tạo ra một bức tranh mới, không  giống bức tranh ban đầu mà mình không hề hay biết. Kết luận sai lầm lắm khi chỉ vì liên kết sai chuỗi sự kiện, lẫn lộn giữa nguyên  nhân và biểu hiện.

Bài viết này chỉ tập trung vào những lãnh vực lớn như kinh tế, xã hội, và chính trị và chỉ đề cập một cách khái quát, không chủ đích đi vào chi tiết, số liệu, dẫn chứng, vì bài viết không chỉ là những suy nghĩ tản mác đây đó của người viết về đất nước, mà còn mạo muội thử đi tìm một đánh giá, nhận xét khách quan nhất, gần sát nhất với tình hình thực tế ở trong nước gói gọn  trong khuôn khổ một trang báo. Dựa trên một giả địch không quá hồ đồ là bất cứ người dân Việt yêu nước nào trên thế giới,  trong hay ngòai nước, đều trông đợi một ngày thật sớm đất nước có dân chủ, tự do, cường thịnh, sánh vai cùng bạn bè khắp  năm châu, thiết nghĩ có được một cái nhìn chính xác, hay ít nhất là gần nhất với "thế giới khách quan," xác định đựoc hiện trạng đất nước, tâm tưởng người trong nước là một điều không thể thiếu. Muốn hành động đúng thì trước hết phải có nhận thức đúng.

Vói mục tiêu giải mã bát quái đồ "bức tranh" nguyên thủy về đất nước Việt Nam hiện nay, bài viết sẽ giới hạn phân tích ba mảng vấn đề riêng biệt mà rất lệ thuộc vào nhau. Tư tưởng của Đảng viên, hay tầng lớp lãnh đạo nói chung, suy nghĩ của người dân và cuối cùng là đánh giá của thế giới về Việt Nam hiện nay. Ba vấn đề sẽ được phân tích song song vì chúng đan xen, ảnh hưởng, và lệ thuộc lẫn nhau một cach mật thiết.

Nội bộ Đảng CSVN cũng giống như bất cứ đảng phái nào khác ở chỗ trong đó luôn có những suy nghĩ, nhận định khác nhau vì nó cơ bản là một tổ chức giữa con người với nhau. Có những nhóm ôn hòa, nhóm giáo điều, bảo thủ. Trong quá trình thay đổi, cải cách, nội bộ Đảng cũng giống như người dân ngòai Đảng đã và đang xuất hiện nhiều nhóm lợi ích khác nhau, lắm lúc chống đối nhau. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự chia rẽ đó thôi thì sẽ dẫn đến ngộ nhận về tình hình trong nước. Các phe nhóm trong Đảng dù có khi  quyền lợi đối chọi nhau, nhưng tất cả đều nương tựa vào nhau, đòan kết để tồn tại và "phát triển." Các ban ngành, từ công an, mật vụ,  bộ đội đến kinh tế, giáo duc.... tất cả đẽu dựa vào nhau trong quan hệ quyền lực tập trung trong tay Đảng. Một chi yếu sẽ kéo  theo các chi khác xuông theo. Ví dụ như bộ đội, công an yếu thì an ninh không bảo đảm, dẫn đến kinh tế khó "ổn định phát triển." Kinh tế yếu thì bộ đội, công an đói (hoặc sẽ đói hơn). Đến như giáo dục cũng nằm trong liên minh mật thiết này vì ở đó Đảng kiểm sóat,  "định hướng tư tưởng" lớp trẻ, thành phần tri thức vốn hay suy nghĩ đi ra ngòai phạm vi.

Gần đây, việc di dời đài tưởng niệm chiến thắng của Hồng quân Nga trước Đức Quốc Xã ở Estonia không chỉ gây phản ứng ở Nga mà cả ở Việt Nam cũng có phản ứng gay gắt trên báo chí. Cách nay lâu hơn một chút là những buổi trả lời phỏng vấn trực tuyến của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết do báo đài tổ chức. Rồi nhân ngày 30-4, hàng lọat những bài phát biểu, bài viết đăng trên báo chí. Nếu ta chịu khó suy nghĩ một chút, với bấy nhiêu tư liệu ta đã có thể phác họa được phần lớn tư duy, não trạng của Đảng CSVN hiện nay vì báo chí trong nước dù là thời đổi mới, hội nhập nhưng vẫn luôn là cái loa phát thanh (mouthpiece) của Đảng, và điều này báo chí trong nước không giấu diếm, vẫn luôn tự hào là "công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà Nước."

Nếu có ai đó trông chờ vào nhóm ôn hòa trong Đảng sẽ sớm có ngày công khai nhìn nhận những sai lầm trong hơn nửa thế kỷ Đảng cầm quyền thì đó chỉ là giấc mộng. Ôn hòa và bảo thủ, tả khuynh và hữu khuynh trong Đảng chỉ khác nhau về mức độ và chính sách ở chỗ này chỗ kia một chút, chứ đường lối và tư tưởng luôn là một. Những "công trạng," trang sử vinh quang của Đảng vẫn luôn được đánh giá giống như nửa thế kỷ trước. Chống Pháp, chống "Mỹ ngụy", Cách Mạng tháng 8... tất cả đều giữ nguyên giá trị dù là đối với Đảng viên ôn hòa hay bảo thủ. Có khác chăng chỉ là những chính sách rải rác đây đó như vụ cải cách ruộng đất 53-55, chính sách đối xử với quân cán chính VNCH sau 75, và chích sách "đánh tư bản mại bản" trong Nam... Chính sách "Hòa hợp hòa giải"  đối với những người ở bên kia chiến tuyến đối với Đảng CSVN vì thế không cần hao phí thời gian phân tích có thật lòng hay không. Người CS luôn xem lý tưởng của họ là chân lý, việc họ làm là chính nghĩa. Như vậy hòa hợp hòa giải đối với họ gần như đồng nghĩa với việc tha thứ, hoặc nếu có xa hơn một chút thì là thông cảm phần nào "lỗi lầm" của "ngụy" mà thôi. Người Việt Quốc Gia hay bất kỳ  người Việt Nam nào khi quá giáo điều tin vào lý tưởng của mình cũng nghĩ như thế.

Nhưng nói vậy không có nghĩa phe ôn hòa không có khả năng ảnh hưởng hướng đi của con tàu Việt Nam trong tương lai. Chính sách đổi mới, cải cách ở Việt Nam tuy được bắt đầu một cách bị động, bởi những yếu tố khách quan, thời thế chứ không phải từ sự sáng  suốt, bản lĩnh tự chủ của Đảng như báo chí vẫn huyênh hoang, nhưng một khi cánh cửa đã hé mở thì khó đóng trở lại được. Dân Việt Nam, và cả Đảng viên trong suốt thời gian dài sống trong bóng tối của nghèo đói, cô lập, nay khi bắt đầu thở được không khí tự do một chút, được nhìn ra ánh sáng bên ngòai, nếm vị ngọt của coca-cola thì không bao giờ muốn quay ngược lại nữa. Từ đây ta có thể hiểu  được sâu sắc việc Đảng CSVN quyết tâm chống tham nhũng vì nó không chỉ đi đôi với niềm tin của người dân vào Đảng, mà ngay cả quyền lợi của Đảng và sự sống còn của Đảng cũng tùy thuộc vào sự hiệu quả của công cuộc tiễu trừ quốc nạn này. Quyền lợi của Đảng  là quyền lợi của tập thể 2 triệu Đảng viên, còn tham nhũng chỉ là lợi ích của thiểu số. Giống như khối OPEC, dĩ nhiên các thành viên luôn  tìm cách bán dầu vuợt rào, nhưng tất cả vẫn phải quyết tâm chống việc bán dầu vượt quota cho phép đó vì lợi ích chung.

Tham nhũng là một quốc nạn có thật, nhưng nhìn kỹ có thể thấy thâm ý của Đảng là lợi dụng việc kêu gọi toàn dân chống tham nhũng để "đánh lạc hướng" dư luận. Trong cuộc sống, địa vị kinh tế chi phối rất nhiều tư tưởng của người dân. Kẻ thành công, thành đạt trong đường công danh, sự nghiệp thường có khuynh hướng ủng hộ chế độ, hoặc ít ra là không tham gia vào những nhóm chống đối chế độ. Thành phần bị rớt lại, không may mắn như người khác thường có tư tưởng bất mãn, dễ ngả về với phe chống đối chế độ.  Khi phát động phong trào chống tham nhũng trong các kỳ Đại Hội Đảng và kỳ họp Quốc Hội, Đảng CSVN rất khôn khéo biết cách xoa  dịu sự căm phẫn của người dân vào đám quan tham đăng trên báo đài mỗi ngày và thực hiện phương pháp "một mũi tên giết 2 con chim," Đảng nhân đó mà lèo lái dư luận vào việc chống quốc nạn tham nhũng mà quên đi dân tộc nạn là chính Đảng độc tài tòan trị.

Người dân trong nước, kẻ nghèo thì chỉ "bán lưng cho trời bán mặt cho đất" kiếm sống mỗi ngày, kẻ giàu thì lo kiếm thêm tiền. Tuổi trẻ trí  thức cũng bận rộn lo tiến thân, kiếm tiền, chăm chú học hỏi những tiến bộ ở nước ngòai qua Mạng không còn thì giờ nghĩ đến chuyện khác. Nỗi bất mãn của họ được giải tỏa phần nào qua những bài báo chống tham nhũng, tin ông này bà nọ vào tù, hay ngồi ngòai quán cafe tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp, vì họ chỉ biết hoặc nghĩ chỉ có những cách đó. Hơn 30 năm sống dưới chế độ toàn trị, họ nếu không bị nhồi sọ  thì cũng đã bị nhồi nhét biết bao nhiêu thứ giáo điều Mác Lê để rồi họ chấp nhận và quen dần với chính cái chế độ mà ban đầu rất nhiều  trong số họ đã có ác cảm. Nguy hại hơn là dân Việt Nam trong nước ngòai thông tin qua Internet đối với một bộ phận nhỏ tuổi trẻ, trí thức  chịu khó tìm tòi, còn thì đại đa số vẫn dựa vào báo đài trong nước. Những tờ báo được xem là cởi mở, dám nói trong nước như tờ Tuổi Trẻ, Lao Động không ít thì nhiều đã chiếm được niềm tin của người dân khi khai thác và đưa các tin tham nhũng, tiêu cực trong nước. Nhưng  tất cả báo chí trong nước vẫn chỉ là "công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà Nước", "báo chí Cách Mạng," báo chí có định hướng (XHCN) nên mục đích của báo không phải chống tham nhũng vì tham nhũng mà thôi mà mục đích thâm sâu hơn là tạo dựng và trì kéo niềm tin của người dân vào Đảng, hoặc ít ra là vào đường lối Đảng đã vặt sẵn cho người dân. Điều này thật tiếc là họ ít nhiều đã thành công. Ngay như những vụ xử các nhà đối lập, đấu tranh bất bạo động vì dân chủ trong nước, báo chí Quốc Doanh đã không ngượng miệng đấu tố với lối hạ sách là hạ thấp danh dự, dựng chuyện, điêu ngoa trong giọng điệu đạo đức cao cả. Họ dám làm và làm được như vậy cũng bởi một phần phần lớn ngừơi dân trong nước đã nhẹ dạ xem báo chí như là người bạn trung thành, là tiếng nói của mình đến nỗi khi những tờ báo mà họ cho là cởi mở đó đấu tố điêu ngoa những người đang đấu tranh đòi quyền lợi cho họ mà họ cũng chẳng biết.

Người dân trong nước ít nhiều đã suy nghĩ giống như những gì báo chí trong nước muốn họ nghĩ. Người ta nghĩ bây giờ đất nước cần sự ổn định xã hội, chính trị để phát triển kinh tế. Họ lấy ví dụ ở Nga sau khi CS sụp đổ, tài sản quốc gia đã vào tay nhiều đại gia, đất nước bất ổn vì mafia hòanh hành để làm con ngáo ộp với những người đanh manh nha tư tưởng "vượt rào" định hướng XHCN. Những vấn nạn trong nước thì báo chí một cách tế nhị, khôn khéo lập luận là ở nước nào cũng có, mỗi nước một hòan cảnh, không thể áp đặt (như họ đã áp đặt người dân "đồng thuận" sống dưới chế độ tòan trị độc đảng). Báo chí với cương vị là cái loa của Đảng tiếp tục mài dũa những khái niệm như "khối đại đòan kết tòan dân", "cả nước đồng thuận đường lối tiếp tục cải cách, hội nhập mà Đảng đã vạch ra" để người dân quen dần rồi đến khi họ dùng những khái niệm này để chụp mũ cho những nhà đấu tranh dân chủ trong nước, các vị chức sắc tôn giáo có tư tưởng độc lập thì người dân không thấy có gì lạ.

Cũng với những tư liệu là các bài trả lời phỏng vấn, diễn văn, bình luận đăng trên báo trong nước như đã nói trên thì có thể thấy ngày hôm nay Đảng đã có thay đổi, mặc dù vẫn chỉ là thay đổi một cách miễn cưỡng. Thay vào đó Đảng, qua công cụ là báo đài tăng cường tầng suất ca ngợi những gì Đảng đã làm được trong  20 năm đổi mới, coi đó như một sự nghiệp, thành quả vĩ đại không thua gì chíên thắng chống Pháp,  "chống Mỹ." Điều đó cho thấy Đảng đang biện minh cho sự lãnh đạo của mình bằng những thành quả thực tiễn, hiện tại và trong tương lai mà hơn là cứ ôn lại những "công trạng" thời chiến ngày trước của mình.

Việc thế giới đánh giá cao những thay đổi ở Việt Nam là có thật. Tù việc Việt Nam tham gia tổ chức ASEAN, WTO, bình thường hóa quan hệ  ngọai giao và thương mại với Mỹ, cho đến việc Việt Nam được ASEAN đánh giá là có nền kinh tế thị truờng là những bước đi tiến bộ và nhờ đó mà Đảng và Nhà Nước Việt Nam có thể khoe khoang với dân chúng và ít nhiều phủ dụ được lòng tin của một bộ phận dân chúng. Khách quan mà nhận xét, thế giới văn minh, phát triển không phải là không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, báo chí, bầu cử ở trong nước, nhưng những điều đó không phải là quan tâm hàng đầu trong thế giới ngày càng nhỏ lại hiện nay. Khủng bố, phát tán các lọai vũ khí hủy diệt hàng lọat, bệnh truyền nhiễm, ô nhiễm môi trường, chiến tranh sắc tộc, chiến tranh tôn giáo, nạn nghèo đói ở các nước chậm tiến... đó mới là những mối quan tâm hàng đầu trên thế giới hiện nay. Mà trong số đó, Việt Nam đã tham gia trong việc tìm giải đáp cùng với thế giới, dĩ nhiên vì điều đó không ảnh hưởng đến địa vị va quyền lợi của Đảng cầm quyền ở Việt Nam. Không những thế, tích cực tham  gia và hội nhập với thế giới và khu vực cũng chính là chính sách ngọai giao của Việt Nam hiện nay. Điều này thể hiện Đảng CSVN đã từ thay đổi trong thế bị động từ năm 1986 đến bây giờ đã biến thành hoặc ít ra là  muốn trở thành một Đảng cầm quyền, lãnh đạo quốc gia như các đảng khác trên thế giới, mặc dù vẫn thói "nói thay cho dân" là tòan dân đồng thuận, tín nhiệm Đảng CSVN lãnh đạo mà không thấy cần thiết có thêm đảng nào khác, từ đó cấm đa đảng ở trong nước.

Việt Nam đang dần xích lại gần với Mỹ hơn, mặc dù tốc độ còn rất chậm vì không chỉ Việt Nam còn nghi ngờ CIA, mà cả Mỹ cũng còn hòai nghi về chính sách ngọai giao của Việt Nam khi Việt Nam luôn tỏ thái độ phê phán những chính sách ngọai giao của Mỹ, như vấn đề Iraq, Trung Đông nói chung, hạt nhân ở Bắc Hàn... Nhưng việc Việt Nam va Mỹ xích lại gần nhau có lẽ là cái thế không thể cưỡng lại được dù là  chậm vì cả Việt Nam và Mỹ đều bảo vệ được nhiều quyền lợi của mình trong việc hợp tác trước sự lớn mạnh của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Chủ tịch danh dự Quốc Dân Đảng ở Đài Loan công du Trung Quốc thăm và nói chuyện với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, chuyện Nam Bắc Hàn tiếp tục họp bàn đi đến thống nhất trong tương lai, cho đến chuyện Mỹ lạnh nhạt với Dân Tiến Đảng ở Đài Loan vì  chủ trương độc lập  của đảng này cho thấy chủ nghĩa Cộng Sản không còn là mối đe dọa trong nhận xét của người Mỹ nữa. Không riêng gì Việt Nam, mà cả Mỹ, Trung Quốc và tòan thế giới đều cần sự ổn định để phát triển kinh tế. Những bất ổn diễn ra trên thế giới hiện nay không còn do chủ  nghĩa Cộng Sản trực tiếp tạo ra nữa. Đảng CSVN trong đường lối tiếp tục đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế rõ ràng có lợi trước xu thế này!

Những cải thiện trong đời sống của người dân, dù nhanh chậm có khác nhau ở nơi này, nơi kia, tầng lớp này hay tầng lớp nọ, và sự bận  rộn, hối hả trong cuộc sống giống như một vết thương nghèo đói đang được xoa dầu và hút hết tâm trí của con bệnh và con bệnh đó không còn sức để mưu đồ một chuyện gì lớn lao khác. Đúng vậy, người dân Việt Nam sống trong một xã hội hối hả lo kiếm tiền, ồn ào trong bụi bặm khói xe, nhà máy thải ra và những kiến trúc, đường xá hỗn độn khắp đất nước tượng trưng cho hơn nửa thế kỷ những công trình  làm sai rồi sửa lại của Đảng CSVN khó có được thời gian tĩnh lặng để nghĩ đến những vấn đề xa hơn. Những thăm dò gần đây cho thấy học  sinh trong nước không mấy quan tâm hay có hiểu biết rõ ràng về lịch sử. Nói cách khác người dân trong nước sống cho ngày hôm nay,  còn ngay hôm qua và ngày mai sau thì họ không mấy quan tâm và cũng không có nhiều thì giờ để dòm ngó tới.

Con tàu Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục lừng lững trôi. Cuộc sống đổi thay, phong phú hơn sinh ra nhiều tầng lớp trong xã hội và nhiều nhóm lợi ích khác nhau hơn, nhưng có thể thấy đại đa số các thế lực này đều có cùng một mục đích là giữ cho con thuyền tiếp tục trôi như nó vẫn trôi 20 năm qua. Những người ở dưới gầm tàu vẫn tiếp tục mưu sống từ đồ thừa của các nhóm lợi ích trên boong tàu, cuộc sống của họ cũng được cải thiện tuy rất chậm chạp nhưng vì suốt đời chỉ ở dưới boong tàu nên họ lắm khi không biết mặt viên thuyền trưởng đang điều khiển  vận mạng của họ và họ cũng không biết là họ có thể tìm cho mình một thuyền trưởng mới!

10 tháng 5, 2007 - El Paso, TX

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi khi ta nghĩ sai, ta sẽ nói sai và làm sai. Cái sai đây không phải là phải quấy theo lý lẽ, mà cái sai đây là sai người, sai chỗ, sai thời gian và không gian.
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
Đông Tiến là con đường tiến về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời của đất nước Việt Nam thân yêu từ hải ngoại
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước
Tin tức không làm ai ngạc nhiên là mấy ngày qua bà con dân oan các tỉnh thành phía Nam lại rủ nhau về Sài gòn tiếp tục "khiếu kiện đông người"
Những nước khác thì sao không biết, riêng Việt-Nam, sự hưởng-ứng nầy không phải là một thiện-chí của bạo-quyền Cộng-sản mà là một thủ-đoạn
Dù cho khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước của đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã bị người đời bác bỏ không thương tiếc
Luật Sư Nguyễn Quang Trung thay mặt các dân cử gốc Việt, phát biểu tại phiên họp Hội Đồng Thành Phố về dự án mở sòng bài
Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề trên qua cuộc trao đổi sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.
Phong Trào Xanh Việt Nam - Green Vietnam Movement - Chủ Động Ứng Phó Với Thảm Trạng Ô Nhiễm Môi Sinh Ở Việt Nam.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.