Hôm nay,  

Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch-Qua Lăng Kính Thủy Học

05/04/200700:00:00(Xem: 7458)

- Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Tháng 04/2007

* Lời Mở Đầu

Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (MK:DSNM) là tựa đề một quyển sách của Nhà văn Bác sĩ Ngô Thế Vinh (NTV) mới vừa được nhà xuất bản Văn Nghệ Mới phát hành tại California, Hoa Kỳ trong tháng 1 năm 2007.  Qua “Lời Dẫn Nhập” của tác giả NTV, đây là một “ký sự” bao gồm “... những hình ảnh và các trang bút ký sống động của tác giả viết về các chuyến đi... ‘quan sát thực địa’ từ Vân Nam Trung Quốc xuống các quốc Lào Thái Cam Bốt và Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam [ĐBSCL]” trong các năm 2000 và 2001.  Nhưng các chuyến đi “quan sát thực địa” của tác giả dường như không chỉ có bấy nhiêu, vì tác giả NTV đã “Tường trình từ Vân Nam đến với con đập Mạn Loan” vào tháng 09/2002 và đi “Từ cầu Mỹ Thuận 2000 tới cây cầu Cần Thơ 2008” vào tháng 09/2006!

MK:DSNM không chỉ bao gồm “những hình ảnh và các trang bút ký” mà dường như còn mang cả một “thông điệp riêng tư của tác giả” để cảnh báo rằng: “Tiếp theo chuỗi những con đập thủy điện khổng lồ Vân Nam đã và đang gây tác hại trên đời sống của hơn 60 triệu cư dân hạ nguồn, thì sự cố nầy [việc vận chuyển 300 tấn dầu từ Chang Rai lên một giang cảng tỉnh Vân Nam] được coi như một đòn giáng chí tử thứ hai trên sinh mệnh của con sông Mekong, khi dòng sông được khai thác sử dụng như một thủy lộ chiến lược vận chuyển dầu khí từ Trung Đông tiếp tế cho các tỉnh vùng kỹ nghệ tây nam Trung Quốc thay vì phải đi qua eo biển Malacca.”  Với sự phụ họa của “Nhóm Bạn Cửu Long” (www.vietecology.org), những dự án thủy điện và thủy vận mà Trung Hoa đã, đang, và sẽ thực hiện trong lưu vực sông Mekong được hình dung như là một thứ “chất độc da cam/dioxin dã man” đã, đang, và sẽ tiếp tục gieo rắc “hậu quả kinh hoàng” trên khắp ĐBSCL, cũng như chất da cam đã bị cáo buộc là tác nhân của hầu hết bệnh tật đang xảy ra trên khắp ba miền của đất nước, từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau.  ”Cho dù chưa có dự án nào tới giai đoạn kết thúc, nhưng nơi các quốc gia hạ nguồn và nhất là Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt đầu chịu những hậu quả ‘nhãn tiền’: như những cơn lũ bất thường trong mùa mưa... sông Cửu thì đang cạn dòng, thêm ngập mặn, ngày càng ô nhiễm và nguồn thủy sản thiên nhiên từ sông vốn rất phong phú cách đây ba thập niên thì nay hầu như không còn đáng kể...”

Nếu MK:DSNM cũng được viết theo dạng “... ‘dữ kiện tiểu thuyết- faction: facts & fiction’, với một số ít nhân vật như những hình tượng văn học và phần dự phóng là hư cấu [nhấn mạnh của HKHKTVN] để cùng với người đọc đi tới những vùng đất, nơi có con sông Mekong hùng vĩ chảy qua...” (giống như đàn anh của nó là Cửu Long Cạn Dòng-Biển Đông Dậy Sóng (CLCD-BĐDS)), chắc chúng ta sẽ cảm nhận được cái “dân tộc tính” hào hùng của một người dân Việt có “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu” lúc nào cũng canh cánh bên lòng những “ưu tư” khi nhìn về phương Bắc, cái “nhiệt tình” nóng bỏng của một nhà hoạt động môi trường đầy hoài nghi (skeptical environmentalist) lúc nào cũng canh cánh bên lòng những “quan tâm” về hậu quả của các dự án mà không màng đến phúc lợi của chúng, cái “lãng mạn” cách mạng của một nhà văn lớn lúc nào cũng canh cánh bên lòng những “dự phóng cho tương lai” trong tình huống bi thảm nhất (worst-case scenario), và cái “lòng nhân đạo” không biên giới của một “lương y như từ mẫu” lúc nào cũng canh cánh bên lòng những “âu lo” cho an nguy không những của cư dân mà còn cho cá Pla Beuk và Irrawaddy Dolphin ở “Lưu Vực Dưới.” 

Thế nhưng MK:DSNM, dù không phải là một “dữ kiện tiểu thuyết,” lại có nhiều “thông tin” và dữ kiện rất chuyên ngành, để “... qua các thông tin có được ấy, để thấy rằng sự suy thoái của con sông Mekong là do những bước ‘khai thác tự hủy’ như một phản ứng dây chuyền với tàn phá sinh cảnh, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường... tất cả đã và đang diễn ra nhanh và sớm hơn dự kiến của nhiều người.”  Liệu các thông tin và dữ kiện chuyên ngành trong MK:DSNM - mà quan trọng nhất là dữ kiện thủy học - có đầy đủ, chính xác, và khả tín (adequate, accurate, and reliable) để “dự phóng” như tác giả NTV đã trình bày hay không"

* Mekong Nghẽn Mạch"

Trong phần “Thắt nghẽn mạch sống – Trung Quốc ngăn sông,” chương “Thay kết từ câu chuyện của dòng sông,” tác giả NTV viết: “Chiến lược ngăn sông Mekong để xây 14 con đập bậc thềm Vân Nam của Trung Quốc đã có từ thập niên 70, đây có thể coi là một đòn giáng chí tử trên mạch sống của dòng sông. 

Trong ba thập niên vừa qua, Trung Quốc đã ào ạt khai thác con sông Lan Thương [tên Trung Quốc của con sông Mekong], bằng cách xây các đập thủy điện khổng lồ chắn ngang dòng chính làm ảnh hưởng tới nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và cả gây ô nhiễm cho hạ nguồn.  Tuy chỉ mới có 2 con đập hoàn tất [Mạn Loan 1500 MW, Đại Chiếu Sơn 1350 MW], 2 đang xây [Tiểu Loan 4200 MW, Cảnh Hồng 1350 MW] trong dự án Mười Bốn Con Đập Vân Nam, vậy mà chưa bao giờ trong Mùa Khô, mực nước con sông Mekong lại có thể xuống thấp đến như vậy. [Hình II]  Ở một số nơi, có những khúc sông hầu như cạn dòng và đã trơ đáy.  Nguồn cá và nông nghiệp đã trực tiếp bị ảnh hưởng.  Không chỉ đơn giản vì ‘thiếu mưa’, sự kiện sông Mekong cạn dòng năm 1993 mà không vào Mùa Khô, trùng hợp với thời điểm Trung Quốc bắt đầu lấy nước vào con đập thủy điện đầu tiên Mạn Loan ngang dòng chính sông Mekong trên Vân Nam.  Để có đủ nước vận hành 2 đập thủy điện Mạn Loan và Đại Chiếu Sơn, Trung Quốc đã thường xuyên đóng các cửa đập khiến mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất.  Tại Lào, trong tháng 3/2004, tổ chức du lịch đã phải hủy bỏ 10 chuyến du ngoạn trên sông chỉ vì những khúc sông quá cạn.  Phía bên Thái Lan, Odd Bootha 38 tuổi, anh lái đò bến Chiang Khong Bắc Thái Lan đã phải than thở: “Nếu Trung Quốc cứ xây thêm đập thì sông Mekong chỉ còn là một con lạch.”

Quả thật, khúc sông Mekong ở ngay phía dưới đập Mạn Loan (Manwan) đã “cạn dòng” do việc trữ nước cho hồ chứa vào năm 1993; nhưng đây có lẽ là thời điểm duy nhất mà sông Mekong bị... “nghẽn mạch.”  Thật vậy, năm 2003, Kỹ sư Nguyễn Minh Quang (NMQ), một chuyên viên thủy lợi quen thuộc với ĐBSCL và cũng là thành viên của Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (HKHKTVN), đã dùng mực nước đo đạc hàng ngày tại trạm Chiang Saen để nghiên cứu ảnh hưởng thủy học của các đập thủy điện ở thượng nguồn.  Ông kết luận: “Dữ kiện đo đạc từ 1961 đến 2000 cho thấy việc xây cất và điều hành đập Manwan đã có ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng thủy học (mực nước và lưu lượng) ở trạm quan trắc Chiang Saen, cửa ngỏ của hạ lưu vực sông Mekong.  Việc đóng đập Manwan có lẽ làm cho mực nước cao nhất và thấp nhất trong mùa khô tại trạm nầy hạ thấp đến mức kỷ lục trong năm 1992 và 1993.  Tuy nhiên, lưu lượng trong mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4) tại trạm nầy tăng đáng kể sau khi đập Manwan hoàn tất, kể từ năm 1994:  lưu lượng cao nhất trung bình tăng từ 979 m3/sec đến 1.490 m3/sec hay 52%, lưu lượng thấp nhất trung bình tăng từ 477 m3/sec đến 807 m3/sec hay 69%, và lưu lượng trung bình trung bình tăng từ 654 m3/sec đến 1.055 m3/sec hay 61%” (Quang M. Nguyen. June 28, 2003. “Hydrologic Impacts of China’s Upper Mekong Dams on the Lower Mekong River.” www.mekonginfo.org).

Mực nước đo đạc hàng ngày tại trạm Chiang Saen từ 2001 đến 2006 cũng không có một dấu hiệu nào cho thấy sông Mekong “cạn dòng” trong tháng 3 năm 2004 như lời tác giả NTV.  Theo dữ kiện của Ủy hội sông Mekong (MRC) (www.mrcmekong.org), mực nước tại trạm nầy đã xuống đến mức thấp nhất 0,88 m vào ngày 27 tháng 3; thế nhưng mực nước nầy vẫn còn cao hơn mực nước thấp nhất hàng năm quan sát được từ năm 1960 đến 1986 khi mà các đập ở thượng nguồn chưa được xây cất.  Trong khoảng thời gian nầy, mực nước thấp nhất hàng năm tại Chiang Saen giao động từ 0,22 m đến 0,81 m, cho đến năm 1987 thì đạt 0,97 m.

Còn lời than thở của anh lái đò Odd Bootha ở bến Chiang Khong"  Trên phương diện thủy học, lời than thở cũng chỉ là... lời than thở!

* Những Cơn Lũ Bất Thường ở ĐBSCL

“Nhóm Bạn Cửu Long” rất chính xác nhưng tế nhị khi đánh giá những cơn lũ “bất thường” ở ĐBSCL trong mùa mưa.  Đây là những cơn lũ, mà theo lời Phó giáo sư Đào Công Tiến (ĐCT), nguyên hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh, “... vốn hiền lành trở nên hung tợn, tàn phá nhiều hơn, xói lở sông ngòi, khu dân cư” (TTCN. “Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long.  Đề phòng tác hại lâu dài của đê bao.”  Báo Tuổi Trẻ ngày 15 tháng 10 năm 2005).  Nhưng gán cho “những con đập thủy điện khổng lồ [của Trung Hoa] chắn ngang dòng chính sông Mekong” là thủ phạm của những cơn lũ “bất thường” ở ĐBSCL thì hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.

Trên thực tế, không ai có thể chối cãi rằng tình hình lũ lụt ở ĐBSCL càng ngày càng trở nên “bất thường” sau tháng 4 năm 1975; nhưng chưa có một nghiên cứu khoa học nào liên kết “tình trạng bất thường” với việc xây cất và điều hành các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.  Ngược lại, kết quả nghiên cứu năm 2003 của NMQ cho thấy: “Ảnh hưởng của việc xây cất và điều hành đập thủy điện Manwan đối với tình trạng thủy học ở trạm Chiang Saen thì chưa nhận thấy ở trạm Tân Châu và Châu Đốc, là hai trạm quan trắc cuối cùng của hệ thống trạm quan trắc trong hạ lưu vực sông Mekong.  Nhận xét nầy phù hợp với sự liên kết rất lỏng lẽo (very weak correlation) giữa mực nước ở hai trạm Chiang Saen và Tân Châu.  Hệ số liên kết (correlation coefficient) giữa hai trạm Chiang Saen và Tân Châu là 0,46 cho mực nước cao nhất hàng năm và 0,12 cho mực nước thấp nhất hàng năm.  Sự liên kết được xem là hoàn hảo nếu hệ số liên kết bằng 1.”

Nhưng có dấu hiệu cho thấy “tình trạng bất thường” của lũ lụt ở ĐBSCL có liên hệ đến việc xây cất và điều hành các đập thủy điện trên cao nguyên miền Trung, Việt Nam như đập Yali và Se San 3. “Thí dụ như việc xả lũ từ đập thủy điện Yali ở Việt Nam vào đầu tháng 8 năm 2005.  Việc xả lũ nầy đã gây lũ lụt ở hạ lưu sông Se San trong tỉnh Ratanakiri của Kampuchia (32) và có lẽ đã làm mực nước nội đồng ĐTM [Đồng Tháp Mười] đang tăng nhanh lại càng tăng nhanh hơn trong trung tuần tháng 8 (33)” (NMQ.  Tháng 9 năm 2006.  “Những Vấn đề Thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long.”  www.vastvietnam.org).  

Một sự kiện “bất thường” đã đi vào lịch sử lũ lụt ở ĐBSCL và được trình bày trong bài viết năm 2006 của NMQ:  “Một sự kiện thủy học nổi bật được quan sát lần đầu tiên trong lịch sử, đó là, trong 23 trạm của hệ thống đo đạc thủy học ở hạ lưu vực sông Mekong, do Ủy hội sông Mekong điều hành, chỉ có 5 trạm có mực nước vượt quá mức báo động do Ủy hội ấn định trong năm 2005.  Đó là các trạm Thakhek và Pakse ở Lào, Mukdahan ở Thái Lan, và Tân Châu và Châu Đốc ở Việt Nam.  Tuy nhiên, sông Mekong vượt quá mức báo động chỉ có 5 ngày ở Thakhek, 7 ngày ở Pakse, và 9 ngày ở Mukdahan, nhưng kéo dài đến 30 ngày ở Tân Châu và 60 ngày ở Châu Đốc.” 

Và trong năm 2006, một lần nữa, lịch sử thủy học hạ lưu vực sông Mekong lại ghi thêm một kỷ lục mới: mực nước tại trạm Tân Châu đã vượt mức báo động và mực nước tại trạm Châu Đốc đã vượt mức lụt do Ủy hội sông Mekong ấn định, trong khi mực nước ở tất cả các trạm quan trắc còn lại ở thượng nguồn chưa vượt quá mức báo động của chúng.  Mực nước tại Tân Châu cao hơn mức báo động 3,50 m trong suốt 88 ngày (từ 15 tháng 8 cho đến 10 tháng 11) và đạt mức cao nhất 4,17 m (xấp xỉ mức nước lụt 4,20 m) vào ngày 17 tháng 10.  Mực nước tại Châu Đốc cao hơn mức báo động 2,50 m trong suốt 89 ngày (từ 18 tháng 8 đến 14 tháng 11) và cao hơn mức lụt 3,50 m trong suốt 18 ngày (từ ngày 12 đến 29 tháng 10) và đạt mức cao nhất 3,71 m vào ngày 21 tháng 10.

Nếu những con đập thủy điện khổng lồ ở Vân Nam không phải là thủ phạm của các cơn lũ “bất thường” ở ĐBSCL, thì ai là thủ phạm"  Để bảo đảm tính khách quan, chúng ta hãy nghe sự đánh giá của các cơ quan và giới chức có thẩm quyền trong nước.  “Trong hai thập kỷ vừa qua con người đã tác động mạnh mẽ lên vùng ngập lụt của châu thổ sông Mekong.  Nhiều kênh mới đã được đào, nhiều kênh cũ đã được nạo vét, mạng lưới kênh cấp II ngày càng được đan dày đã làm tăng khả năng chuyển lũ qua các vùng ngập. 

Mặt khác các hệ thống giao thông đường bộ cũng được đan dày và tôn cao nhưng khẩu độ cầu cống chưa đủ đã làm ách tắc việc thoát lũ, làm dâng mực nước lũ một số vùng, trong đó đáng chú ý ở vùng ĐTM và TGLX [Tứ giác Long Xuyên] của Việt Nam” (Phân viện Khảo sát Quy hoạch Thủy lợi Nam bộ. 1999.  Đề tài: Nghiên cứu Khoa học cấp Nhà nước, Xây dựng Cơ sở Dữ liệu Thống nhất cho Mô hình Toán Tính lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long, Báo cáo Tổng kết Đề tài. Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam).  Phó giáo sư ĐCT, trong tờ Tuổi Trẻ ngày 15 tháng 10 năm 2005, cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân, song cái chính là sự tác động của con người vào tự nhiên để kiểm soát lũ thiếu tuân thủ qui luật.  Các hệ thống kênh mương dẫn lũ về sớm, rồi hệ thống giao thông, bờ kênh lại làm lũ rút chậm hơn bình thường.  Việc phát triển đê bao cục bộ tràn lan đến mức không còn là... cục bộ làm con lũ vốn hiền lành trở nên hung tợn, tàn phá nhiều hơn, xói lở sông ngòi, khu dân cư.”

* Cửu Long Cạn Dòng"

Ở nhiều nơi trong MK:DSNM, tác giả NTV trình bày một số “thông tin” và “dữ kiện” thủy học để minh chứng rằng những con đập thủy điện ở Vân Nam chính là nguyên nhân của tình trạng “sông Cửu cạn dòng” đang xảy ra ở ĐBSCL.  Nhưng những thông tin và dữ kiện nầy không phù hợp với các dữ kiện thủy học đo đạc ở các trạm quan trắc hoặc được công bố trong các tài liệu chuyên môn.

Trong phần “Con đập đầu tiên, con đập lịch sử,” chương “Tường trình từ Vân Nam đến với con đập Mạn Loan,” tác giả viết: “Chỉ riêng với con đập Manwan mà đã giữ tới 20% nguồn nước trên dòng chính khúc sông Mekong chảy qua Vân Nam.”  Nhưng con đập Manwan, thực sự, giữ được bao nhiêu nước của sông Mekong"  Theo tài liệu “Downstream Implications of China’s Dams on the Lancang Jiang (Upper Mekong) and their Potential Significance for Greater Regional Cooperation, Basin-Wide” (E.C. Chapman and He Daming. 1996), hồ chứa Manwan có dung tích 0,92 tỉ m3 tổng cộng và 0,25 tỉ m3 khả dụng.  Theo tài liệu Overview of the Hydrology of the Mekong Basin (MRC. November 2005), sông Mekong có lưu lượng trung bình 15.000 m3/sec, trong đó, thượng lưu vực (tức khúc sông Mekong ở Trung Hoa) chiếm 16%; như vậy, lưu lượng nước trung bình của sông Mekong chảy qua Vân Nam là 2.400 m3/sec hay khoảng 75,68 tỉ m3/năm.  Do đó, hồ chứa Manwan chỉ có thể giữ khoảng 0,3-1,2% số lượng nước sông Mekong chảy qua Vân Nam hàng năm.  Trong mùa khô, vẫn theo tài liệu của Chapman và Daming, lưu lượng nước trung bình từ tháng 11 đến tháng 4 của sông Mekong tại đập Manwan là 689 m3/sec hay 10,86 tỉ m3/mùa khô.  Do đó, hồ chứa Manwan chỉ có thể giữ khoảng 2,3-8,5% số lượng nước sông Mekong chảy qua Vân Nam trong mùa khô.

Trong phần “Mae Nam Khong – sông Mẹ cạn dòng,” chương “Lào PDR.Com đi ra từ lãng quên,” tác giả viết: “Bây giờ mới là giữa tháng Chạp [2000] - vừa hết Mùa Mưa, chưa vào cao điểm Mùa Khô (khoảng tháng 4 tháng 5) vậy mà khúc sông Mekong chảy qua Vạn Tượng như đã khô cạn với ngổn ngang những cồn và bãi...  Dòng chảy của con sông Mekong nơi hạ lưu sẽ ra sao khi cả chuỗi 14 con đập bậc thềm Vân Nam (khởi đầu 7 nay 14) được hoàn tất trong hai thập nhiên [niên] đâu của thế kỷ 21.”  Rất tiếc, vì thiếu dữ kiện mực nước tại trạm quan trắc Vientiane (Vạn Tượng), nên “thông tin” về mực nước của khúc sông Mekong chảy qua Vạn Tượng vào giữa tháng 12 năm 2000 mà tác giả NTV cung cấp không thể được kiểm chứng một cách trực tiếp. 

Tuy nhiên, thông tin nầy có vẻ không trung thực nếu dựa trên dữ kiện mực nước tại trạm Chiang Saen, cách trạm Vientiane khoảng 650 km về phía thượng lưu.  Trong tháng 12 năm 2000, mực nước thấp nhất tại trạm Chiang Saen là 2,45 m, cao hơn mực nước thấp nhất trung bình từ năm 1960 đến 2000 là 2,25 m.  Về phương diện thủy học, nếu sông Mekong “không cạn dòng” ở Chiang Saen thì nó không thể nào “cạn dòng” ở Vạn Tượng!

Trong phần “Ô nhiễm trên những xa lộ nâu,” chương “Từ cầu Mỹ Thuận 2000 tới cây cầu Cần Thơ 2008,” tác giả viết: “Có một hiện tượng khách quan là dòng chảy sông Cửu Long ngày càng yếu đi ở nhiều khúc sông nhất là vào mùa khô, dòng chảy đo được ở Nam Vang chỉ còn 1,600 m3/giây thay vì 2,000 m3/giây như trước đây, khi xuống tới ĐBSCL chắc còn yếu hơn.”  Tác giả không cho biết dữ kiện nầy được trích dẫn từ đâu, nhưng theo tài liệu Report, Analysis of Sub-Area 10V, Basin Development Plan (Viet Nam National Mekong Committee. November 2003), thì “Trong mùa khô, lưu lượng ở ĐBSCL rất thấp.  Lưu lượng trung bình hàng tháng tại Nam Vang từ tháng 2 đến tháng 4 là 2000-4000 m3/s.  Trong những năm trung bình, lưu lượng đạt mức thấp nhất 2380 m3/s vào tháng 4.  Trong những năm hạn, lưu lượng có thể thấp hơn 2000 m3/s.”  Ngay trong năm 1998, là một trong những năm hạn hán gay gắt nhất, lưu lượng sông Mekong tại Tân Châu và Châu Đốc cũng không xuống dưới 1815 m3/sec.

Có một “sự cố” thủy học lịch sử khác hiện đang xảy ra ở ĐBSCL mà có lẽ tác giả NTV chưa được biết: mực nước trong mùa khô tại Tân Châu và Châu Đốc tụt xuống thấp một cách “bất thường” kể từ năm 2001 cho đến nay!  Dữ kiện đo đạc của MRC cho thấy mực nước thấp nhất hàng năm dao động từ 0.00 đến -0.23 m tại Tân Châu (so với mực nước thấp nhất trung bình 0.27 m trong khoảng 1979-2000) và từ      -0.11 đến -0.39 m tại Châu Đốc (so với mực nước thấp nhất trung bình 0.18 m trong khoảng 1979-2000).  Nhưng sự kiện nầy thì không thể cáo buộc là do các đập thủy điện ở Vân Nam gây ra, vì mực nước thấp nhất hàng năm tại Chiang Saen vẫn duy trì từ 0.88 đến 1.30 m, cao hơn mực nước thấp nhất trung bình 0.70 m trong khoảng 1960-2000.  HKHKTVN đang tiếp tục theo dõi và nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân.

* Thay Lời Kết

Phải khẳng định rằng, không một ai có thể phủ nhận nhiệt tình của tác giả NTV với dòng sông Mekong qua MK:DSNM, nhưng những thông tin và dữ kiện thủy học mà tác giả trình bày trong quyển sách thì không đầy đủ, thiếu chính xác, và không đáng tin cậy.  Những thông tin và dữ kiện khác thì không được phối kiểm, nhưng làm thế nào để sử dụng dòng sông “... như một thủy lộ chiến lược vận chuyển dầu khí từ Trung Đông [chỉ qua lãnh thổ Thái Lan] tiếp tế cho các tỉnh vùng kỹ nghệ tây nam Trung Quốc...” mà không phải qua eo biển Malacca"

Trong MK:DSNM, chúng ta thấy nhiều chi tiết và lập luận giống như những chi tiết và lập luận trong tài liệu River at risk: the Mekong and the water politics of Southeast Asia (RAR) do Tiến sĩ (TS) Milton Osborne soạn cho Viện Chánh sách Quốc tế Lowy (Lowy Institute for International Policy) ở Australia vào năm 2004.  Đây không phải là một ngạc nhiên, vì quyển CLCD-BĐDS cũng có một số chi tiết, lập luận, và cách trình bày giống như quyển The Mekong: turbulent past, uncertain future cũng của TS Osborne xuất bản năm 2000.

Trong RAR, TS Osborne trình bày “ưu tư” của ông về tình trạng “bất thường” của mực nước sông Mekong ở Thái Lan và Lào trong tháng 3 năm 2004 dựa trên các “thông tin và dữ kiện” đăng tải trên báo The Nation (Bangkok), Asia Times Online, News Scientist, The Bangkok Post, The South China Morning Post, The Economist, và The Guardian.  Theo các thông tin và dữ kiện nầy thì các con đập thủy điện ở Vân Nam là nguyên nhân chính của tình trạng dao động lạ kỳ (bizarre) đó.  Nhưng theo kết quả nghiên cứu của MRC dựa trên dữ kiện mực nước và lượng mưa đo đạc trong nhiều thập niên, được trình bày trong buổi họp của Ủy ban Hỗn hợp MRC (MRC’s Joint Committee) tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 26 tháng 3 năm 2004, thì “... tình hình hạn hán hiện nay không có liên hệ trực tiếp đến đập Manwan hoặc các đập khác của Trung Hoa” mà do “... thiếu mưa từ năm trước” (MRC Press Release No. 03/04. 26 March 2004). 

Trong một bức thơ đề ngày 9 tháng 1 năm 2007 gởi cho tờ The Bangkok Post để lên tiếng về bài báo “Kế hoạch xây đập mới gây báo động (New dam plan sparks warning)” ngày 25 tháng 12 năm 2006, TS Oliver Cogels, Giám đốc Điều hành Văn phòng MRC viết: “Trong buổi gặp gở với giới truyền thông Thái ngày 19 tháng 12 năm 2006, tôi có nói rằng, trong khi các ảnh hưởng cục bộ phải luôn được cứu xét và khắc phục thích đáng, ảnh hưởng chung ở hạ lưu của các đập thủy điện trên sông Lan Thương ở Trung Hoa thì thường bị phóng đại trong dư luận quần chúng. 

Thật vậy, tổng số lượng nước có thể giữ lại đàng sau hai hồ chứa Manwan và Dachaoshan thì nhỏ hơn ít nhất 30 lần lưu lượng sông Mekong chảy ra khỏi Trung Hoa hàng năm.  Và mặc dù dung tích hồ Xiaowan sẽ quan trọng hơn, nó vẫn nhỏ hơn ít nhất ¼ tổng số lưu lượng hàng năm.  Hơn nữa, nếu các đập nầy không dùng cho thủy nông mà chỉ dùng cho thủy điện, chúng không ‘tiêu thụ (consume)’ nước và có khuynh hướng làm tăng lưu lượng của sông trong mùa khô và giãm lưu lượng của sông trong mùa lũ.  Chúng tôi có đủ bằng chứng (evidence) để tin rằng các con đập của Trung Hoa không có trách nhiệm đối với tình trạng hạn hán mà các quốc gia ở hạ lưu đang đối mặt trong các năm vừa qua” (www.mrcmekong.org).

MK:DSNM, phương tiện chuyên chở “thông điệp riêng tư của tác giả” - một giấc mộng lớn - để cảnh báo với mọi người rằng các con đập thủy điện khổng lồ trên sông Lan Thương ở Trung Hoa đã, đang,và sẽ làm cho sông Mekong “nghẽn mạch” ở Vân Nam và “cạn dòng" ở Tân Châu và Châu Đốc.  Qua lăng kính thủy học, giấc mộng lớn đó có lẽ chỉ là... một giấc mộng lỡ!

MekongNghenMachQuaLangKinhThuyHoc.doc

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.