Hôm nay,  

Bảo Vệ Môi Trường Của Chúng Ta

04/03/200900:00:00(Xem: 5667)

Bảo vệ môi trường của chúng ta
Đức Gyalwang Karmapa thứ 17

Đức Gyalwang Karmapa thứ 17.
Kể từ khi loài người xuất hiện trên trái đất lần đầu tiên, chúng ta đã tận dụng trái đất này. Người ta cho rằng 99% tài nguyên trên thế giới này đến từ môi trường thiên nhiên. Chúng ta đang vắt kiệt trái đất. Lợi ích mà trái đất đã đem lại cho chúng ta là vô hạn, nhưng chúng ta đã làm được gì cho trái đất" Chúng ta luôn luôn đòi hỏi từ trái đất, nhưng chưa bao giờ hoàn trả bất cứ điều gì. Chúng ta chưa từng yêu quí hay có những suy nghĩ nhằm bảo vệ trái đất. Bất cứ khi nào có cây cối hay các loài khác sinh sôi từ lòng đất là chúng ta đốn ngã. Nếu có dù chỉ một chút đất đai bằng phẳng, chúng ta tranh giành nó. Đến ngày nay, chúng ta vẫn còn nhớ mãi những cuộc chiến tranh và xung đột liên miên về đất đai. Trên thực tế, chúng ta chưa hề thực hiện bất cứ điều gì cho trái đất. Bây giờ đã đến thời điểm trái đất đang khó chịu với chúng ta; thời điểm mà trái đất muốn bỏ mặc chúng ta. Trái đất sắp cư xử tồi tệ với chúng ta và bỏ rơi chúng ta. Nếu trái đất bỏ mặc chúng ta, chúng ta có thể sống ở đâu đây" Có những chuyện nói về việc đi đến những hành tinh khác, nơi chúng ta có thể sống, nhưng chỉ có một vài người giàu là có thể đi. Điều gì sẽ xảy ra cho tất cả chúng ta, những chúng sinh không đủ khả năng để ra đi"
Chúng ta nên làm gì bây giờ khi tình hình đã trở nên nghiêm trọng như vậy " Những chúng sinh sống trên trái đất này và các yếu tố của thế giới thiên nhiên này cần phải cùng chung tay góp sức -- trái đất không được bỏ mặc chúng sinh, và chúng sinh không được  bỏ mặc trái đất.  Bên này sẽ cần phải nắm tay với bên kia. Vì vậy, chẳng phải biểu tượng của Monlam trông giống như hai bàn tay nắm với nhau sao " Hình dạng của nó tương tự với những thiết kế trong lá cờ Mơ Ước của Đức Gyalwang Karmapa thứ 16 cho hoà bình và sự an tĩnh, là  lá  cờ  được sử dụng thường xuyên tại các Karma Kamtsang. Nếu tôi được tự mình thiết kế  mọi thứ thì tôi ngờ là những thiết kế này sẽ không mang đến bất cứ năng lực gia trì nào, nhưng bằng cách sử dụng kiểu mẫu thiết kế của các vị Karmapa tiền thân thì điều này có thể đem đến năng lực gia trì. Đây là một biểu tượng của lễ hội Kagyu Monlam mà chúng ta gìn giữ vì lợi ích của toàn thế giới. Chúng ta sẽ không bỏ mặc trái đất! Nguyện cho có hòa bình trên trái đất! Nguyện cho trái đất được duy trì trong nhiều ngàn năm! Đây là những lời cầu nguyện của chúng ta ở lễ hội Kagyu Monlam, đó là lý do tại sao hình ảnh này là biểu tượng của Monlam. Tôi cũng nghĩ rằng hình ảnh này cũng có thể trở thành một biểu tượng của những con người có tình yêu cho trái đất và muốn bảo vệ trái đất.
Ngày nay, nhiệt độ trên khắp thế giới đã thay đổi trầm trọng, và việc này đã tạo ra một mối nguy cho chính thế giới này.  Thời xưa, người Kagyupas chúng ta chỉ ở trên các vùng núi xa, ẩn dật trong hang động - trong các cuộc nhập thất đầy vui vẻ  an lạc -  và chúng ta không có nhu cầu cần phải làm những việc như đào đất, đốn nhiều cây, hoặc khai thác đá. Nhưng sau này, cho dù đó là tăng thêm hoạt động của mình để đem lại lợi lạc cho chúng sinh cũng như cho việc hoằng pháp, hoặc cho dù đó là bởi vì, như ta vẫn  hay nói, 'càng thiền quán về Mahamudra, bạn càng trở nên tích cực hơn' - thì các thiền giả Mahamudra cũng đã trở nên quá bận rộn. Những người có bổn phận đi theo con đường tu tập của Dòng Thực Hành trên những đỉnh cao đầy đá và tuyết không thể làm nổi điều đó. Họ đi xuống thung lũng, và việc xây dựng thêm nhiều tu viện đã trở nên cần thiết.
Ngày nay, rất nhiều tu viện Kagyu nói rằng, "Chúng tôi đang xây một toà tu viện mới" và họ  chẳng hề ân hận khi đốn tất cả cây cối hay các khu rừng  thiên nhiên xung quanh. Điều này có thể tạo ra những tác hại vô cùng lớn cho môi trường. Một số tu viện thậm chí còn bán gỗ lấy từ các khu rừng phía sau tu viện. Khi chúng ta làm điều đó, chúng ta không thấy  ra ngay những tổn hại mà chúng ta đang tạo ra, nhưng những việc làm của chúng ta sẽ  gây ra nhiều vấn đề cho toàn bộ môi sinh một vài năm sau đó. Khi những thứ có thể gọi là tinh tuý của trái đất, tinh túy của các vùng, bị tổn hại, thì điều này sẽ gây ra những tác hại vô cùng to lớn đối với môi trường, và sau đó thì chúng ta lại nghĩ rằng, "Chết rồi, chúng ta đã làm gì nhỉ ""  Nhưng nếu sau này chúng ta mới nghĩ về điều đó, thì quá trễ. Mất hai mươi hay ba mươi năm để cho một  cái cây phát triển; nó không phát triển ngay khi ta trồng.
Vì lý do đó, tại tất cả các tu viện của chúng ta ở Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, chúng ta cần phải hiểu rõ rằng nếu chúng ta không thể hình dung được tất cả chúng sinh trong suốt không gian vô hạn, thì điều đó cũng không quan trọng. Nhưng chúng ta đang sống trên trái đất này, và tất cả mọi người có thể nhìn thấy nó. Nếu trái đất của chúng ta bị tiêu diệt bởi biến đổi khí hậu, thì sẽ chẳng ai trong số Kagyupas chúng ta sẽ còn tồn tại. Sẽ không có bất kỳ Karma Kamtsang nào cả. Tất cả chúng ta sẽ biến mất. Không có chuyện các vị Hộ Pháp của chúng ta hay Mahakala Bernakchen sẽ cứu chúng ta; cũng không  có chuyện chúng ta sẽ được tồn tại trong khi phần còn lại của thế giới sẽ bị tiêu diệt. Điều đó sẽ không xảy ra. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải bảo vệ môi trường sống của ta. Chúng ta nên cung cấp kiến thức cho các tu viện về việc làm thế nào để bảo vệ môi sinh. Chúng ta không nên luôn luôn chỉ khai thác và xây cất, mà cũng phải làm một cái gì đó để bảo vệ môi trường sống của ta. Kinh điển và Mật điển nói rằng việc gìn giữ các tu viện và các nơi linh thiêng cho sạch sẽ có lợi ích vô cùng. Điều đó cũng đúng với Trái Đất: Trái đất đang ở tình trạng vô cùng nguy ngập và trái đất cần được chúng ta quan tâm, vì vậy chúng ta phải cố gắng giúp bảo vệ môi trường sống cho tất cả chúng sinh trên thế giới. Thậm chí nếu chúng ta không thể làm bất cứ điều gì khác, thì cũng không phải là  điều quá khó để giải thích về  những điều căn bản mà chúng ta cần làm để bảo vệ thế giới. Bạn nên giáo dục người dân về việc này và nói cho họ biết rằng, "Đây chính là cách thức để làm." Cho dù chúng ta là thành viên của tăng đoàn hay là  người thế tục, nếu chúng ta quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sống của ta trong từng ngày, thì  đều  là  việc rất tốt.
Phần lớn chúng ta tụ họp ở đây hôm nay, dù chúng ta có được sinh ra tại Tây Tạng hay không, thì ta cũng đều có liên hệ đến Phật Giáo Tây Tạng, văn hoá và ngôn ngữ Tây Tạng. Tương tự, hầu hết chúng ta đến đây từ Ấn Độ, Nepal, Bhutan, và Sikkim. Vì lý do này, tất cả chúng ta cần phải đưa ra một vài suy nghĩ về  việc bảo vệ môi sinh của Tây Tạng để bảo vệ chính chúng ta. Điều này là bởi vì hầu hết nước uống trong khoảng tám nước châu Á, bao gồm Ấn Độ, là đến từ Tây Tạng. Nếu môi trường của Tây Tạng bị huỷ hoại thì điều này cho thấy nguy cơ gây tác hại lớn đến châu Á. Nếu các hệ sinh thái trong nước Tây Tạng hiện không hoạt động đúng đắn, nó sẽ gây ra nhiều vấn đề như hạ lũ dọc theo sông Yangtse. Khi các con sông vĩ đại này tràn bờ thì sẽ gây thiệt hại khủng khiếp, lũ lụt và các mối nguy khác. Hiện giờ chính phủ Trung Quốc có kế hoạch trồng rừng ở Tây Tạng. Ấn Độ và các quốc gia khác cũng đang có các mối quan tâm lớn về  môi sinh của Tây Tạng, bởi vì đây là một vấn đề rất quan trọng.
Bất cứ khi nào chúng ta cất tiếng, chúng ta đều nói rằng, đất nước Tây Tạng thuộc về người Tây Tạng, nhưng chúng ta, những người Tây Tạng, đang làm gì cho Tây Tạng" Chúng ta đang bảo vệ môi trường sống của Tây Tạng hay thay vào đó chúng ta đang hủy diệt nó" Theo truyền thống, người Tây Tạng giữ một số tín ngưỡng cổ xưa. Nếu có một ngọn núi hùng vĩ, chúng ta coi đó là nơi ở của một số vị thần linh - vì vậy nơi đó sẽ được tôn kính, không ai được xâm phạm, phá hoại hay khai thác đá. Nếu có một khu rừng hùng vĩ, hay một tảng đá hoặc vách đá có một hình thù khác biệt, đó cũng là nơi các thần linh cư ngụ. Niềm tin này khá hữu ích. Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi không dám đi chơi trên những ngọn núi linh thiêng, nơi các vị thổ thần cư ngụ. Đừng nói là làm phiền họ - chúng tôi thậm chí không dám đi bộ ở đó. Chúng tôi cũng không được phép nhúng tay mình trong dòng suối mang lại nước uống. Điều này để tránh làm ô nhiễm chúng và chọc giận các long thần (nagas). Nếu chúng tôi phải rửa tay hoặc chân, chúng tôi phải múc nước từ dòng suối và rửa ở một nơi khác. Chúng tôi không được phép tắm, rửa, giặt giũ, hay sử dụng bất cứ loại hóa chất nào ngay trong dòng suối, trong bất kỳ trường hợp nào. Ít nhiều đã có những truyền thống tương tự như vậy ở khắp nơi. Ngày nay nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, nói, "Đó chỉ là niềm tin mù quáng. Đó chỉ là niềm tin tôn giáo." Việc bảo vệ môi trường theo cách nhìn truyền thống này đang suy giảm trầm trọng. Nay cách nhìn truyền thống đã biến mất, nhưng lại chưa được thay thế  bằng một nền giáo dục hiện đại về  bảo vệ môi trường.
Ở Tây Tạng, điều được quan tâm chính yếu hiện nay là phát triển kinh tế và làm giàu. Con người tự hỏi liệu nên xây một nhà máy chế biến nông sản, xây những ngôi nhà vĩ đại, hay mua ô tô. Đó là tâm lý phổ biến hiện nay. Ngày nay, họ sử dụng một lượng gỗ kinh khủng để xây dựng những căn nhà thật đẹp theo phong cách Tây Tạng - nhiều hơn trước đây rất nhiều. Trước đây, chỉ có các tu viện mới khắc chạm và trang trí như vậy, nhưng ngày nay nhiều nhà ở của người dân bình thường có các cửa sổ, các khung cửa…được chạm khắc cầu kỳ. Nó có vẻ đẹp đẽ đấy, nhưng nó làm tốn biết bao nhiêu gỗ và đá. Nếu tất cả các khu rừng đều bị đốn hết, thì chẳng còn gì để ngăn giữ hay chuyể n đổi được dòng nước lũ; không có gì để kiềm chế nạn động đất.
Hiện nay có quá nhiều nhà máy chế biến thịt. Trước đây những nhà máy như thế này không tồn tại ở Tây Tạng, chúng không được cần đến. Giờ đây nhà máy chế biến nông sản làm việc rất dễ dàng - có các nhà máy chế biến thịt lợn, gà, vịt, và gia súc. Họ tiêm thuốc làm cho động vật béo hơn, và sử dụng rất nhiều loại thuốc. Các nhà máy chế biến nông sản này ngày càng lớn hơn, và tất cả các loại thú nuôi này sản sinh ra rất nhiều phân cũng như khí methane, làm ô nhiễm môi trường không khí vốn trong lành. Chúng ta cần phải thực sự suy nghĩ về tất cả những điều này. Tây Tạng, mái nhà của thế giới, vốn sạch sẽ và tinh khiết. Đó là đất nước tươi đẹp của chính chúng ta. Ngay cả khi những người khác không thể bảo vệ nó, chúng ta phải tránh không tự mình phá hoại nó. Nếu chúng ta chăm sóc nó tử tế, chúng ta, những người Tây Tạng, sẽ không lãng phí vinh dự và trách nhiệm của mình. Chúng ta đã mất rất nhiều những gì chúng ta từng có, và nếu chúng ta phá huỷ nhiều hơn những gì ta đang có trong tay, sẽ không có gì còn lại mà bạn có thể gọi là người Tây Tạng. Ngay cả nếu có được một thỏa thuận và chúng ta có thể đạt được tự do cho Tây Tạng, chúng ta sẽ quay trở lại loại quê hương nào đây" Đến lúc đó chúng ta có thể đã huỷ hoại nó. Nếu chúng ta biến nó thành đất hoang xấu xí, việc giành được tự do cũng không giúp chúng ta đạt được được hạnh phúc.
Một trong những lý do để tất cả những điều này xảy ra - và đó là sai lầm của riêng của chúng ta - là chúng ta đã không quan tâm cho lắm đến kiến thức. Càng quan tâm đến kiến thức về môi trường, chúng ta sẽ càng yêu mến và chăm sóc cho môi trường sống của ta. Tây Tạng có một môi trường tuyệt vời - được các đỉnh tuyết sơn bao quanh nên nó được bảo vệ khỏi môi trường ô nhiễm bên ngoài. Trách nhiệm để tất cả mọi người được giáo dục và bảo vệ sự trong sạch, tinh khiết của môi trường thiên nhiên ở đó là của chính chúng ta. Tất cả chúng ta phải bảo vệ môi trường của toàn thế giới cho tương lai; và đặc biệt là bảo vệ  Tây Tạng và dãy Himalaya. Tây Tạng có lẽ là nguồn nước uống quan trọng nhất của toàn bộ thế giới. Chúng ta phải xem xét kỹ việc này, đặc biệt là trong mỗi tu viện của chúng ta. Tôi nghĩ rằng bất cứ tu viện nào ở Ấn Độ, Nepal, hoặc Tây Tạng, nếu tạo được các mối quan tâm về việc bảo vệ môi sinh thì đều rất tốt. Tôi không phải là một chuyên gia về các vấn đề môi sinh, nhưng có một vài điểm [căn bản]  mà chúng ta cần phải hiểu và làm theo. Nếu bạn có thể thực hành những điều này trong các tu viện của bạn và cung cấp kiến thức cho các tu sĩ cũng như các vị gia chủ có liên liên kết với tu viện của bạn, thì  điều đó sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta trong cương vị  của cộng đồng và của cá nhân.


Điều đáng quan tâm đầu tiên là xe hơi. Thường thì ngay khi hoàn thành ba năm tu tập, một lama sẽ sắm một chiếc xe tải nhỏ. Chúng tôi có một tiểu sa-di tại Tsurphu. Có người hỏi cậu, 'Cậu muốn làm gì"' Cậu trả lời "Tôi muốn trở thành một lama", 'Cậu sẽ làm gì khi là một lama"'  "Tôi sẽ tu tập 3 năm, mua một chiếc xe tải nhỏ và cuốn sách của Karma Chakme, và sau đó tôi sẽ đi du lịch."  Cậu ta đã thấy các lama làm như vậy. Vì thế, đó là cái mà bọn trẻ nghĩ các lama sẽ làm. Mỗi lama mua xe riêng của mình, và tự đổ nhiên liệu. Vì lượng cung dầu của thế giới giảm đi, giá cả gia tăng liên tục. Thế thì tại sao chúng ta lại cần xe ô tô riêng cho mỗi lama" Ai cũng muốn một có một chiếc xe hào nhoáng sử dụng nhiều nhiên liệu, hoặc nếu không  như vậy thì  họ không cảm thấy như họ có vị thế của một lama. Tôi phải tự hỏi làm thế nào điều này phù hợp với cuộc sống của những vị thầy ngày trước, những vị đã nêu gương về việc có ít lòng ham muốn và luôn hài lòng với những gì mình có. Các lama là các hành giả, cho dù họ có là tu sĩ hay không. Điều đó có nghĩa rằng họ nên là người có ít lòng ham muốn, là những người luôn luôn hài lòng với những gì họ có. Họ không nên đuổi theo tám pháp thế gian này, cho dù chúng có thể đến với họ một cách tự nhiên. Ngày nay thì không phải như vậy. Đây có một vấn đề. Chúng ta cần phải nghĩ lại xem liệu chúng ta có nên mua rất nhiều xe hơi như vậy hay không, đặc biệt là những loại xe sử dụng nhiều nhiên liệu. Chúng ta nên tự kiềm chế. Việc sử dụng những chiếc xe như thế cũng mang lại cái nhìn tiêu cực cho người dân địa phương. Phần lớn chúng ta ở Ấn Độ là người tị nạn. Những người dân địa phương sẽ cảm thấy ghen tỵ vì chúng ta lái những chiếc xe ô tô hào nhoáng hơn xe của họ. Điều này xem ra thật không hay.  Điều này là không cần thiết.
Điều thứ hai đáng quan tâm là việc ở vùng xa xôi của Tây Tạng, mọi người đang sử dụng điện từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Điều này là điều tốt. Việc làm ra điện rất tốn kém, và sử dụng điện mà không quan tâm đến các tác động môi trường là phá hoại. Ở tu viện Tsurphu không có điện, nhưng sau đó họ lắp đặt tấm bảng năng lượng mặt trời. Tấm bảng năng lượng mặt trời vẫn còn rất đắt tiền. Cung cấp một lượng điện năng cho cả một tòa nhà lớn là rất tốn kém. Nhưng năng lượng mặt trời và năng lượng gió rất lợi ích, vì chúng không tốn chi phí vận hành, và chúng không gây tổn hại cho môi trường. Ở Tây Tạng, mặt trời chiếu gay gắt vì đây là nóc nhà của thế giới - vì vậy nhiều người ở đó sử dụng điện năng lượng mặt trời. Trong các tu viện của chúng ta, chúng ta là những nhóm đông người, và chúng ta có các hóa đơn điện với số tiền lớn. Vì đằng nào thì chúng ta cũng đang trả các hoá đơn đó, chúng ta phải suy nghĩ về việc làm thế nào để bảo tồn điện. Đừng có thắp đèn cả ngày một cách vô lối khi mặt trời đang chiếu rọi và tiết trời tươi sáng.
Điều đáng quan tâm thứ ba là việc trồng cây. Tỳ kheo chúng ta không được phép đốn bất kỳ loại cây trồng nào có rễ và cho trái. Đây là tâm nguyện vô cùng vĩ đại của Đức Phật. Nhưng không chỉ chư tỳ kheo; tất cả chúng ta phải giữ điều này trong tâm trí. Dưỡng khí (khí oxy) cho tất cả các sinh hoạt trên thế giới này đều do cây và cây do ta trồng tạo ra. Vì vậy, nếu chúng ta có thể trồng, dù chỉ một cái cây, nó sẽ giúp cho rất nhiều sinh vật sống sót. Đôi khi tôi nghĩ rằng thậm chí trồng một cái cây còn có ích hơn là thực hiện phóng sinh.
Năm ngoái, tôi có nói chuyện về việc thực hiện phóng sinh, từ bỏ việc ăn thịt, và trở thành người ăn chay để  nguyện cho sự trường thọ của Đức Dalai Lama, cho bản thân mình, và cho nhiều lama của chúng ta, những người đã cao tuổi, để họ có thể tiếp tục trụ  thế  với chúng ta một thời gian dài. Năm nay tôi nghĩ rằng mỗi tu viện của chúng ta nên trồng một ngàn cái cây, nếu không thể trồng nhiều hơn. Khi tôi nói trồng cây, điều này không có nghĩa là bắt buộc phải được thực hiện ngay gần tu viện. Bạn có thể liên kết với những nhóm trồng rừng hoặc giúp đỡ ai đó đang trồng cây. Đây là nói  tới các tu viện có các nguồn lực để làm như thế. Nếu bạn không có nguồn lực, thì đó là một vấn đề khác. Tuy nhiên có một số tu viện có nguồn lực dồi dào và muốn làm một cái gì đó cho sự trường thọ của các lama. Gợi ý cụ thể của tôi cho năm nay là việc mỗi tu viện trồng ít nhất một hoặc hai nghìn cây là một điều rất tốt. Nếu các tu viện không thể l àm thì các  nhà sư có thể tự mình trồng. Các nhà tài trợ cho việc này cũng sẽ  được hoan nghênh nhất. Hầu hết các nhà sư đều không nói là họ có nhiều tiền, và tôi không biết họ chi tiêu những gì họ có vào việc gì.  Thật sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể trồng một khu rừng xanh tươi vì lợi ích của tất cả các chúng sinh, đặc biệt là ở Tây Tạng. Tây Tạng có một diện tích rất lớn, nên chúng ta có thể trồng số cây nhiều như chúng ta muốn. Nếu các tu viện phải đốn cây, thì sẽ là  điều tốt lành nếu họ trồng số cây nhiều hơn số họ đốn. Nếu có bất cứ điều gì có thể làm cho các vị thổ thần và long thần nổi giận, thì đó chính là việc đốn cây mà không trồng cây.
Thứ tư là một việc không phải là trách nhiệm của chúng ta trong cương vị của những nhà sư, vì nhà sư thì không nuôi trồng. Nhưng khi người nông dân trồng trọt, họ sử dụng các loại phân bón hóa học để làm cho cây trồng phát triển thật nhanh. Khi họ làm như vậy, tôi nghe nói, đầu tiên cây trồng phát triển rất tốt, nhưng sau đó đất mất hết chất màu và trở thành giống như cát. Phân bón hóa học vắt kiệt đất. Điều này xảy ra như vậy. Có rất nhiều trang trại ở Tây Tạng. Khi trồng trọt, chúng ta không nên nghĩ rằng đây là cánh đồng riêng của chúng ta và chúng ta có thể làm bất cứ cái gì chúng ta muốn. Đó là một điều đáng để suy nghĩ. Thứ nữa là việc sử dụng phân bón hóa học sẽ làm cạn kiệt sự màu mỡ của các cánh đồng trồng trọt. Các nhà sư không nhất thiết tự mình làm việc trên các cánh đồng, nhưng họ có nhiều bạn bè và người thân làm việc này. Trừ khi chúng ta sử dụng toàn bộ nỗ lực tập thể, sẽ rất khó khăn để bảo vệ môi trường.
Nói một cách ngắn gọn, cho loài người, có hai điều kiện trong thế giới này có thể làm cho chúng ta tiến bộ. Điều kiện đầu tiên là tiến bộ từ nỗi sợ hãi [do sự sợ hãi thúc đẩy]. Tất cả chúng sinh, bao gồm cả động vật, đều tiến bộ từ sự sợ hãi. Tất cả đều cảm thấy một mối nguy hiểm cho sự tồn tại của mình, đều cảm thấy sợ hãi và kinh hoàng, và tìm cách để chữa chạy cho tình trạng đó. Nhưng tôi nghĩ rằng tiến bộ nhờ vào việc bạn nhìn thấy một lợi ích hay lợi nhuận gì đó thì điều này có lẽ chỉ chúng ta là con người mới có  thể  làm được. Con người chúng ta là những chúng sinh có trí não và trí tuệ. Nhưng trong khi chúng ta có trí não và trí tuệ như vậy, nếu chúng ta chỉ lãng phí thời gian mà không làm bất cứ điều gì có ý nghĩa, thì nghĩa là sẽ có thêm một miệng ăn, một người chiếm chỗ và làm thế giới chật chội hơn. Sẽ không có lợi ích nào cả. Sống ở trên thế giới này, chúng ta cần phải chứng tỏ sự thông minh và xác định tầm nhìn của chúng ta cho tương lai. Tôi nghĩ rằng chỉ như thế thì sự tồn tại của chúng ta trên thế giới mới có ý nghĩa. Chúng ta sẽ không còn chỉ chiếm chỗ. Chúng ta sẽ có thể đem lại lợi ích cho các chúng sinh khác đang sống cùng chúng ta trên trái đất này. Bảo vệ môi trường -  Trái Đất -  là một vấn đề lớn trên thế giới hiện nay. Nhưng đó không phải là lý do tại sao tôi run lên khi ở ngôi vị này nói về việc bảo vệ  môi trường sống. Đức Phật và rất nhiều các bậc thầy thông tuệ và chứng ngộ theo Ngài đã đưa ra những lời tiên tri từ cách đây rất lâu,  về việc các chu kỳ sẽ suy thoái s ẽ xảy ra như thế nào. Môi trường sẽ suy thoái, và các chúng sinh sống trong đó cũng suy thoái. Đây là những điều các bậc thầy trước đây đã nói, nhưng chúng ta không lưu tâm.  Người ta chỉ bàn về cách những điều này được nói ra như thế này ở đây và như thế nọ ở kia.
Tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện. Trong thời gian Tây Tạng có biến động vào những năm 1950, hoá thân trước của Pawo Rinpoche quán chiếu nhờ vào các lời tiên tri của Guru Rinpoche, và nghĩ rằng, " Điều này có lẽ sẽ xảy ra." Ông đã chỉ cho vị thị giả của mình xem [những lời tiên tri] và nói: "Điều này sẽ xảy ra. Đây là những lời tiên tri của Guru Rinpoche. Chúng ta phải lẩn trốn tha hương; chúng ta không thể ở lại đây." Bất cứ khi nào ông chỉ  cho thị giả của mình xem, vị thị giả đều nói, "Vậy sẽ là như thế ! Con sẽ đi tị nạn!" Vị thị giả để  những lời tiên tri chạm vào trán mình rồi để sang một bên. Sau đó tình hình xấu đi, và thậm chí cả Karmapa [thứ  16] cũng bỏ  trốn sang Ấn Độ. Khi Pawo Rinpoche nghe được điều đó, ngài nói: "Những lời tiên tri đã tiên đoán chính xác như vậy! Ngay cả Karmapa cũng đã ra đi. Chúng ta ra đi thì tốt hơn, hay những gì sẽ xảy ra cho chúng ta (tốt hơn) ""  Vị thị giả trả lời "Làm sao như vậy được" Hiện có ba tu viện vĩ đại là Sera, Drepung và Ganden, và chính phủ Tây Tạng cũng đang ở cung điện Potala. Ra đi thật chẳng dễ dàng. Nếu ngài chuẩn bị để đi, Ngài sẽ làm hỏng cơ hội để ở lại."   Ông ta hoàn toàn từ chối làm bất cứ điều gì để ra đi. Hoặc là ông ta không có kiến thức hoặc là ông ta đã tự mãn, vì ông chưa bao giờ phải đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn như vậy. Cuối cùng thì vị thị giả đã không thể đến Ấn Độ và cực kỳ đau khổ. Ông đã bị đưa đến trại cải tạo, nơi ông bị tra tấn, đánh đập, và rốt cuộc đã chết. Điều này tương tự với chúng ta. Đức Phật và các bậc giác ngộ trước đây đã nói rất nhiều về việc chúng ta cần phải bảo vệ môi trường sống, bảo vệ  các khu rừng và cây cối như thế nào. Nhưng khi chúng ta nghe về điều đó, chúng ta chỉ chạm những lời ấy lên trán mình v à  nói "Tôi sẽ đi tị nạn!"  Khả năng hùng biện và những lời nói đẹp đẽ thường thốt lên từ môi chúng ta: "Nguyện cho như vậy! Nguyện tất cả được lợi lạc! Nguyện cho điều đó xảy ra! Nguyện (điều đó xảy ra) cho tất cả chúng sinh trong toàn thể không gian! Nguyện được là như thế !" Nhưng chúng ta không thực hành những điều đó một cách có ý nghĩa. Chúng ta vẫn đang lang thang trong biển khổ của cõi ta bà bởi vì ước nguyện của chúng ta và hành động của chúng ta đi ngược lại với nhau. Nếu chúng ta tiếp tục theo cách này, chúng ta sẽ mãi mãi ở trong cõi ta bà. Xin hãy giữ điều này trong tâm trí.
-Ringu Tulku Rinpoche / Karma Choephel chuyển dịch sang tiếng Anh từ nguồn Ecobuddhism
-Buddhachannel Diffusion - www.buddhachannel.tv
Nguyễn Thanh Hà chuyển Việt ngữ (1/2009) 
Tâm Bảo Đàn hiệu đính (3/2009)
www.vietnalanda.org
Ghi chú:
Người đứng đầu truyền thống Karma Kagyu, ngài Karmapa Orgyen Tinley Dorje, là hoá thân thứ 17 của vị hoá thân (tulku) đầu tiên trong lịch sử Tây Tạng, Đức Gyalwang Karmapa.  Đức  Karmapa thứ  17 sinh năm 1985 vào một gia đình du mục xứ Kham. Ngài được phong tước vị Karmapa XVII tại đạo tràng của tổ  đình Tsurphu, phù hợp với các chi tiết rất chính xác trong tiên tri của vị thầy khai mật kinh vĩ đại, Chokyur Lingpa. Ở độ tuổi lên 10, Ngài tự mình nhận c ra đượ các v ị hoá thân cao trọng khác của dòng truyền thừa Kagyu. Vào đầu năm 2000, vị Karmapa trẻ tuổi đã làm một cuộc tẩu thoát táo bạo khỏi Tây Tạng để đến Ấn Độ. Kể từ đó Ngài sống gần Dharamsala. Ngài hành hương hàng năm đến Bồ Đề Đạo Tràng để chủ trì các nghi lễ Kagyu Monlam (lễ hội Cầu nguyện) và đến Sarnath.
(Việt Báo trân trọng cảm ơn quý cư sĩ www.vietnalanda.orgđã gửi tới bản dịch qúy giá này.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vấn đề chính danh được đặt ra nhân bài trao đổi ý kiến giữa một cơ quan truyền thông của Chính Phủ Hoa Kỳ là Đài Á Châu Tự Do
Trong các ngày 24 và 25 tháng 8 năm 2007, đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN
Bài phát biểu sau đây của Giáo sư Nhật Bản Teruo Tonooka được ông trình bày trong Đêm Hội Ngộ tại Nhà hàng Emeral Bay Seafood
Có người hay "ví von" rằng Cộng Đồng người Việt hải ngoại nói chung, ở Quận Cam nói riêng, giống như những con cua bị nhốt chung trong một cái giỏ
Trong các loại hàng tiêu thụ, thì chỉ số tăng giá đã lên cao nhất cho lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, là mặt hàng cần yếu cho đa số người dân
Hồi đó tôi chưa đủ 50 kí lô, lại hay bị xây xẩm bất ngờ, trong khi thấy các sư huynh, sư muội quật nhau rầm rầm, nên hơi hoảng.
Vào ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới tức World Trade Organization (WTO).
Từ xưa cho tới nay, đại đa số dân "sồn sồn" đều thích xem phim chưởng với những kiếm sĩ, võ sĩ Trung Hoa bay lượn như chim
Ngày 17/3/2003 tổng thống Bush ra lệnh tấn công lật đổ Saddam Hussein. Chiến trường Iraq chưa êm tiếng súng các nhà quan sát Tây phương
Mỗi khi ta nghĩ sai, ta sẽ nói sai và làm sai. Cái sai đây không phải là phải quấy theo lý lẽ, mà cái sai đây là sai người, sai chỗ, sai thời gian và không gian.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.