Vì Sao Việt Nam Vẫn Phải Là Bài Học"
Nguyễn Xuân Nghĩa
...phía Hoa Kỳ coi thường danh dự, tự ái và chính nghĩa của người quốc gia...
Những gì đã thực sự xảy ra tại Việt Nam"
Năm đó, Hoa Kỳ có bầu cử Tổng thống, với một cuộc chiến dang dở đang bị dân chúng phản đối.
Năm đó, một nhân viên ngành tình báo Hoa Kỳ trở về Mỹ sau nhiều năm phục vụ ở vị trí trọng yếu nhất là giúp đồng minh tổ chức cơ sở dân sự từ hạ tầng lên. Đặt chân lên đất Mỹ, ông thấy dân tình hoang mang không biết vì lý do chiến lược nào về quyền lợi mà Hoa Kỳ lại tham chiến ở một nơi xa xăm đó, và họ tin rằng khó tìm ra một giải pháp khác vì lãnh đạo cũng không hiểu gì về cuộc chiến này.
Ông gửi một tờ trình lên ứng cử viên đang ra tranh cử vì thấy nhân vật này đang cố tìm một chiến lược khác.
Sau đó, ông trở thành thiện nguyên viên không công cho ban tham mưu tranh cử. Và được mời vào trình bày trước Tiểu ban Soạn thảo Chương trình hành động. Đây là một cơ chế của Ủy ban Quốc gia của đảng nhằm đưa ra một chương trình hành động của liên danh tranh cử nếu họ đắc cử. Không là một đại biểu và cũng chẳng tham dự Đại hội đảng vào mấy ngày sau, ông chỉ nghe nói rằng Tiểu ban bị phân hoá vì đa số muốn triệt thoái lập tức, bất kể hậu quả, và một số người còn lại thì ủng hộ quan điểm của chính quyền sắp mãn nhiệm là phải tiến hành đàm phán hầu để lại một xứ sở tự do.
***
Năm đó là 1968. Ứng cử viên ra tranh cử bên Dân Chủ là Phó Tổng thống Hubert Humphrey của Chính quyền Lyndon Johnson. Nhân vật đầy thiện chí đó là ông Rufus Phillips, mới từ Việt Nam về từ tháng Bảy. Năm đó, Hoa Kỳ bị chấn động vì vụ ám sát Robert Kennedy và mục sư Martin Luther King. Đường phố nước Mỹ nổi lên nhiều cuộc biểu tình bạo động vì mục sư King bị giết, rồi tới phong trào phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Năm đó, đảng Dân Chủ họp Đại hội tại Chicago, từ 26 đến 29 tháng Tám.
Năm đó, miền Nam cũng vừa đứng dậy sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân.
Là một thường dân đã từng qua Việt Nam làm việc từ 1954, và phụ trách việc xây dựng nông thôn, ông Phillips thẳng thắn trình bày quan điểm xuất phát từ kinh nghiệm còn nóng hổi ở tại chỗ. Quan điểm ấy là Hoa Kỳ không nên bỏ rơi Việt Nam, đảng Dân Chủ không nên gây ảo tưởng về một viễn ảnh hòa bình mà phải thẳng thắn giải thích cho dư luận biết sự thể là Việt Nam quan trọng dường nào, hầu tìm hậu thuẫn của quần chúng cho một giải pháp thực tiễn hơn...
Rufus Phillips kể lại những chuyện ấy trong cuốn "Why Vietnam Matters" vừa do nhà Naval Institute Press xuất bản vào tuần qua. Chúng ta nên tìm mua cuốn sách này vì những chuyện cũ của Việt Nam và vì thời sự trước mặt của Hoa Kỳ.
***
Năm 1968 đó, Rufus Phillips có dịp nghe những định đề của Tiểu ban soạn thảo Chương trình Hành động về cuộc chiến Việt Nam. Thí dụ khiến người đọc ngày nay lập tức liên tưởng đến Iraq hay Afghanistan: "cuộc chiến lấy mất tài nguyên cần thiết cho nhiều nhu cầu quan trọng hơn ở nhà; cuộc chiến khiến ta mất uy tín trước quốc tế; rằng mục tiêu của chúng ta phải là một chiến thắng quân sự, trong khi đấy chỉ là một cuộc nội chiến trong đó Việt Cộng là lực lượng chính trị độc lập và có chính nghĩa; rằng ta có quyền áp đặt một hình thái chính quyền lên các lực lượng không Cộng sản ở trong Nam; và rằng Việt Nam là một ngoại lệ, ngoài xứ này ra, Hoa Kỳ không bị thách đố ở bất cứ một nơi nào khác..."
Hãy đọc lại mà xem, chúng ta phải rùng mình vì những định đề như vậy, của một đảng đã tung quân vào tham chiến tại Việt Nam mới hơn năm năm về trước. Và nay tìm cách rút lui sau những sai lầm và ngộ nhận tai hại.
Khi ấy, tác giả Rufus Phillips mới nêu câu hỏi: Đạo đức của Hoa Kỳ là gì khi bỏ rơi một dân tộc đang khốn khổ và còn bị đe dọa hơn người Mỹ" Đạo tắc của nước Mỹ là gì khi ép những người không cộng sản phải lập chính phủ liên hiệp với phe Cộng sản - y như Liên Xô vừa thi hành tại Tiệp Khắc trong "mùa Xuân Praha""
Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ thất bại trong cách thi hành thì phải sửa lại những sai lầm đó hơn là tìm cách bỏ cuộc. Thực tế tại chỗ cho thấy lãnh đạo Cộng sản tại Hà Nội không muốn chiến thắng bằng quân sự mà chỉ muốn chiến thắng chính quyền quốc gia ở trong Nam và chính Hoa Kỳ ở hậu phương, bằng đấu tranh chính trị và tuyên truyền, trong khi Mặt trận Giải phóng miền Nam chỉ là lực lượng thiểu số ở trong Nam. Chúng ta nên tìm một giải pháp khác để đối phó với thử thách đó hơn là tháo chạy khỏỉ Việt Nam.
Tiểu ban nghe ông trong sự lặng thinh. Tác giả cảm thấy rằng đấy là lần đầu tiên những người làm chính sách được nghe tới một lý do đạo đức của việc yểm trợ miền Nam, từ một người đã trực tiếp tham dự ở tại chỗ.
Dù là Phó tổng thống, đã có một thời gian rất lâu, tới cả năm, mà ông Humphrey bị nội các Johnson gạt ra ngoài những quyết định liên quan tới Việt Nam. Nay bước ra tranh cử, ông ở vào một vị trí rất khó là phải đứng xa chính quyền Johnson về chuyện Việt Nam đồng thời tìm ra một giải pháp khác để thanh toán hồ sơ này. Trong hoàn cảnh ấy, ông Rufus Phillips lại nêu ý kiến, rằng nếu vì lý do tranh cử mà đảng Dân Chủ đưa ra kế hoạch đàm phán với Mặt trận Giải phóng Việt Nam trong tư thế ngang hàng với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, thì Humphrey có thể thắng cử. Nhưng miền Nam sẽ bị Cộng sản thôn tính...
Hubert Humhrey thực sự là người có thiện chí và thực tâm khai thông bế tắc. Vì vậy, một nhóm tư vấn lập tức được thành lập, gồm có Rufus Phillips và sáu bảy nhân vật dày kinh nghiệm về Việt Nam, để soạn thảo ra một "Chiến lược Chính trị cho Việt Nam". Nhóm người này làm việc quên nghỉ và soạn ra một tài liệu 23 trang về chiến lược và từng biện pháp thi hành, trong đó, một mục tiêu được khẳng định từ đầu là "miền Nam không thể bị Bắc Việt tấn công nữa, phải được yểm trợ để đảm nhiệm phần lớn trách nhiệm đương đầu với lực lượng Cộng sản ở trong Nam..."