Hôm nay,  

Vì Sao Việt Nam Vẫn Phải Là Bài Học?

01/11/200800:00:00(Xem: 8570)

Vì Sao Việt Nam Vẫn Phải Là Bài Học"
Nguyễn Xuân Nghĩa

...phía Hoa Kỳ coi thường danh dự, tự ái và chính nghĩa của người quốc gia...
Những gì đã thực sự xảy ra tại Việt Nam"
Năm đó, Hoa Kỳ có bầu cử Tổng thống, với một cuộc chiến dang dở đang bị dân chúng phản đối.
Năm đó, một nhân viên ngành tình báo Hoa Kỳ trở về Mỹ sau nhiều năm phục vụ ở vị trí trọng yếu nhất là giúp đồng minh tổ chức cơ sở dân sự từ hạ tầng lên. Đặt chân lên đất Mỹ, ông thấy dân tình hoang mang không biết vì lý do chiến lược nào về quyền lợi mà Hoa Kỳ lại tham chiến ở một nơi xa xăm đó, và họ tin rằng khó tìm ra một giải pháp khác vì lãnh đạo cũng không hiểu gì về cuộc chiến này.
Ông gửi một tờ trình lên ứng cử viên đang ra tranh cử vì thấy nhân vật này đang cố tìm một chiến lược khác.
Sau đó, ông trở thành thiện nguyên viên không công cho ban tham mưu tranh cử. Và được mời vào trình bày trước Tiểu ban Soạn thảo Chương trình hành động. Đây là một cơ chế của Ủy ban Quốc gia của đảng nhằm đưa ra một chương trình hành động của liên danh tranh cử nếu họ đắc cử. Không là một đại biểu và cũng chẳng tham dự Đại hội đảng vào mấy ngày sau, ông chỉ nghe nói rằng Tiểu ban bị phân hoá vì đa số muốn triệt thoái lập tức, bất kể hậu quả, và một số người còn lại thì ủng hộ quan điểm của chính quyền sắp mãn nhiệm là phải tiến hành đàm phán hầu để lại một xứ sở tự do.
***
Năm đó là 1968. Ứng cử viên ra tranh cử bên Dân Chủ là Phó Tổng thống Hubert Humphrey của Chính quyền Lyndon Johnson. Nhân vật đầy thiện chí đó là ông Rufus Phillips, mới từ Việt Nam về từ tháng Bảy. Năm đó, Hoa Kỳ bị chấn động vì vụ ám sát Robert Kennedy và mục sư Martin Luther King. Đường phố nước Mỹ nổi lên nhiều cuộc biểu tình bạo động vì mục sư King bị giết, rồi tới phong trào phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Năm đó, đảng Dân Chủ họp Đại hội tại Chicago, từ 26 đến 29 tháng Tám.
Năm đó, miền Nam cũng vừa đứng dậy sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân.
Là một thường dân đã từng qua Việt Nam làm việc từ 1954, và phụ trách việc xây dựng nông thôn, ông Phillips thẳng thắn trình bày quan điểm xuất phát từ kinh nghiệm còn nóng hổi ở tại chỗ. Quan điểm ấy là Hoa Kỳ không nên bỏ rơi Việt Nam, đảng Dân Chủ không nên gây ảo tưởng về một viễn ảnh hòa bình mà phải thẳng thắn giải thích cho dư luận biết sự thể là Việt Nam quan trọng dường nào, hầu tìm hậu thuẫn của quần chúng cho một giải pháp thực tiễn hơn...
Rufus Phillips kể lại những chuyện ấy trong cuốn "Why Vietnam Matters" vừa do nhà Naval Institute Press xuất bản vào tuần qua. Chúng ta nên tìm mua cuốn sách này vì những chuyện cũ của Việt Nam và vì thời sự trước mặt của Hoa Kỳ.
***
Năm 1968 đó, Rufus Phillips có dịp nghe những định đề của Tiểu ban soạn thảo Chương trình Hành động về cuộc chiến Việt Nam. Thí dụ khiến người đọc ngày nay lập tức liên tưởng đến Iraq hay Afghanistan: "cuộc chiến lấy mất tài nguyên cần thiết cho nhiều nhu cầu quan trọng hơn ở nhà; cuộc chiến khiến ta mất uy tín trước quốc tế; rằng mục tiêu của chúng ta phải là một chiến thắng quân sự, trong khi đấy chỉ là một cuộc nội chiến trong đó Việt Cộng là lực lượng chính trị độc lập và có chính nghĩa; rằng ta có quyền áp đặt một hình thái chính quyền lên các lực lượng không Cộng sản ở trong Nam; và rằng Việt Nam là một ngoại lệ, ngoài xứ này ra, Hoa Kỳ không bị thách đố ở bất cứ một nơi nào khác..."
Hãy đọc lại mà xem, chúng ta phải rùng mình vì những định đề như vậy, của một đảng đã tung quân vào tham chiến tại Việt Nam mới hơn năm năm về trước. Và nay tìm cách rút lui sau những sai lầm và ngộ nhận tai hại.
Khi ấy, tác giả Rufus Phillips mới nêu câu hỏi: Đạo đức của Hoa Kỳ là gì khi bỏ rơi một dân tộc đang khốn khổ và còn bị đe dọa hơn người Mỹ" Đạo tắc của nước Mỹ là gì khi ép những người không cộng sản phải lập chính phủ liên hiệp với phe Cộng sản - y như Liên Xô vừa thi hành tại Tiệp Khắc trong "mùa Xuân Praha""
Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ thất bại trong cách thi hành thì phải sửa lại những sai lầm đó hơn là tìm cách bỏ cuộc. Thực tế tại chỗ cho thấy lãnh đạo Cộng sản tại Hà Nội không muốn chiến thắng bằng quân sự mà chỉ muốn chiến thắng chính quyền quốc gia ở trong Nam và chính Hoa Kỳ ở hậu phương, bằng đấu tranh chính trị và tuyên truyền, trong khi Mặt trận Giải phóng miền Nam chỉ là lực lượng thiểu số ở trong Nam. Chúng ta nên tìm một giải pháp khác để đối phó với thử thách đó hơn là tháo chạy khỏỉ Việt Nam.
Tiểu ban nghe ông trong sự lặng thinh. Tác giả cảm thấy rằng đấy là lần đầu tiên những người làm chính sách được nghe tới một lý do đạo đức của việc yểm trợ miền Nam, từ một người đã trực tiếp tham dự ở tại chỗ.
Dù là Phó tổng thống, đã có một thời gian rất lâu, tới cả năm, mà ông Humphrey bị nội các Johnson gạt ra ngoài những quyết định liên quan tới Việt Nam. Nay bước ra tranh cử, ông ở vào một vị trí rất khó là phải đứng xa chính quyền Johnson về chuyện Việt Nam đồng thời tìm ra một giải pháp khác để thanh toán hồ sơ này. Trong hoàn cảnh ấy, ông Rufus Phillips lại nêu ý kiến, rằng nếu vì lý do tranh cử mà đảng Dân Chủ đưa ra kế hoạch đàm phán với Mặt trận Giải phóng Việt Nam trong tư thế ngang hàng với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, thì Humphrey có thể thắng cử. Nhưng miền Nam sẽ bị Cộng sản thôn tính...
Hubert Humhrey thực sự là người có thiện chí và thực tâm khai thông bế tắc. Vì vậy, một nhóm tư vấn lập tức được thành lập, gồm có Rufus Phillips và sáu bảy nhân vật dày kinh nghiệm về Việt Nam, để soạn thảo ra một "Chiến lược Chính trị cho Việt Nam". Nhóm người này làm việc quên nghỉ và soạn ra một tài liệu 23 trang về chiến lược và từng biện pháp thi hành, trong đó, một mục tiêu được khẳng định từ đầu là "miền Nam không thể bị Bắc Việt tấn công nữa, phải được yểm trợ để đảm nhiệm phần lớn trách nhiệm đương đầu với lực lượng Cộng sản ở trong Nam..."


Nói cách khác là đảo ngược chiến lược Mỹ hoá cuộc chiến và giảm dần quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam hầu đem lại chính nghĩa cho chính quyền miền Nam và giảm bớt sự chống đối của dư luận Mỹ. Điểm quan trọng nhất, được tác giả nhắc tới nhiều lần - trong suốt cuốn sách - là phía Hoa Kỳ coi thường danh dự, tự ái và chính nghĩa của những người quốc gia.
Phải thay đổi cách ứng xử với đồng minh thì mới có chiến thắng chính trị!
Khốn thay, những ý kiến xác đáng ấy bị chìm trong những tính toán tranh cử. Sau đó là lịch sử. Đại hội đảng Dân Chủ tiến hành trong hỗn loạn và phân hoá, Humphrey thất cử vì một đòn phép vào giờ cuối của Richard Nixon, với sự tham gia của Tổng thống Thiệu vài ngày trước khi cử tri đi bầu: Hoà bình chưa ở trong tầm tay như đảng Dân Chủ tuyên bố vì Sàigòn từ chối tham dự hoà đàm!
Cũng vì quyết định đầy ân tình ấy, vào ngày mùng một tháng 11, 1968, giúp Nixon thắng cử, mà ông Thiệu vững tin rằng Hoa Kỳ (Richard Nixon) sẽ không bỏ rơi Việt Nam. Điều kỳ lạ là Nixon thắng cử với hứa hẹn là có kế hoạch giải quyết chiến tranh, mà còn cầm cự được thêm bảy năm! Sau này, Henri Kissinger có đọc được tài liệu 23 trang của nhóm chuyên gia về Việt Nam soạn cho đảng Dân Chủ, nhưng ông vứt qua một bên - bảy năm đó không cải thiện được tình hình cho miền Nam.
***
Mà không chỉ phía Hoa Kỳ mới có sự hoang mang và hỗn loạn về Việt Nam. Ngay tại Sàigòn, tình hình cũng không khá hơn.
Sau trận Mậu Thân, miền Nam đã đứng vững và đứng vững nhất là ông Thiệu. Không tin rằng Hoa Kỳ sẽ triệt thoái khỏi Việt Nam và lẽ tồn vong của miền Nam tùy thuộc vào hậu thuẫn chính trị của người dân, hơn là sức yểm trợ của Hoa Kỳ, Tổng thống Thiệu lặng lẽ củng cố quyền lực và loại bỏ dần mọi khả năng đề kháng của các nhóm đối lập. Dù được nhiều người thông báo, kể cả Đại sứ Bùi Diễm, ông Thiệu không ý thức được rằng Hoa Kỳ sẽ rút quân. Miền Nam cứ thế rơi vào hỗn loạn trong khi ông Thiệu tự cô lập dần với quần chúng và các lực lượng đối lập.
Việc ông ra tái tranh cử trong tư thế độc diễn vào năm 1971 - vì không có liên danh đối lập - là một thí dụ.
Người Mỹ ở tại chỗ không thể không biết điều ấy. Đại sứ Ellsworth Bunker là người biết rõ nhất. Nhưng, mục đích của ông là giúp ông Thiệu tồn tại trong thế yếu để hoàn toàn lệ thuộc vào các quyết định của Hoa Kỳ, trong đó có quyết định triệt thoái dần.
Đâm ra, nhìn lại toàn cảnh thì Tướng Kỳ là người tạo ra sự "ổn định" cho Hoa Kỳ đổ quân vào, Tướng Thiệu là người tạo ra sự ổn định cho Hoa Kỳ rút quân ra!
***
Vì mục tiêu cô lập ông Thiệu trong thế suy yếu, Hoa Kỳ không hề lên tiếng can thiệp hay can ngăn khi ông loại bỏ một đối thủ là Dân biểu Trần Ngọc Châu, Tổng thư ký của Hạ viện. Hai người vốn là bạn thân, đồng khoá và đồng ngũ từ rất lâu cho tới khi ông Châu ra khỏi quân đội với rất nhiều thành tích và bước vào nghị trường với nhiều triển vọng chính trị.
Trần Ngọc Châu là người mà tác giả Rufus Phillips biết rõ và rất quý trọng vì ông am hiểu hình thái chiến tranh của Cộng sản sau khi đã tham gia kháng Pháp trong hàng ngũ Việt Minh ở vào tuổi thanh niên. Xuyên qua cuốn sách "Why Vietnam Matters", người đọc có một chân dung khác về nhân vật này.
Sai lầm của ông Châu không phải là đề nghị một giải pháp chính trị khác biệt với ông Thiệu, khi ông dự trù là Mỹ sẽ rút. Sai lầm của ông là đã tiếp xúc với người anh ruột bên hàng ngũ Cộng sản. Hai anh em đều cố tranh thủ lẫn nhau trong hoàn cảnh đấu tranh chính trị lồng vào khuôn khổ gia đình.
Sai lầm thứ hai, ông có cho phía Hoa Kỳ biết về việc tiếp xúc ấy thei kiểu tương kế tựu kế, nhưng ông Thiệu lại không biết. Lấy lý cớ Trần Ngọc Châu tiếp xúc với địch, ông cho người vào bắt Tổng thư ký Hạ viện ngay trong Quốc hội và dựng lại Toà án Mặt trận để tuyên xử ông Châu, bất chấp phản ứng của Quốc hội và phán quyết của Tối cao Pháp viện.
Suốt giai đoạn ấy, từng chi tiết của vụ xử án Trần Ngọc Châu được truyền thông Mỹ loan tải hàng ngày. Và bên trong, những người Mỹ biết rõ việc làm của ông Châu thì muốn can thiệp, lại gặp sự cản trở của chính Đại sứ Bunker, dù Bunker biết rõ là Trần Ngọc Châu vô tội! Thêm một lần nữa, Hoa Kỳ ba đầu sáu tay đã lại đánh nhau đằng sau hậu trường. Ngoài tiền trường sân khấu, có người vào tù!
May mà không bị giết như anh em ông Diệm ông Nhu...
Ông Trần Ngọc Châu bị giam cho tới khi miền Nam sắp thất thủ và sau đó bị Cộng sản cho đi học tập cải tạo. Người anh của ông thì bị đuổi khỏi đảng và bị kỷ luật nặng vì đã tiếp xúc với người em để bị "Ngụy" bắt giữ! Cách cư xử của người quốc gia quả là có khác: sau này, khi cả hai người đều lưu vong trên đất Mỹ, ông Thiệu tự ý liên lạc lại với ông Châu và đến thăm viếng tận nhà để nối lại tình bạn sau một giai đoạn cực kỳ nhiễu nhương. Thắng hay bại đều ngậm ngùi như nhau!
Và nếu đọc lại hồi ký "Why Vietnam Matters", chúng ta còn thấy ra rất nhiều chuyện éo le khác... Vì những chuyện ấy, kinh nghiệm Việt Nam có để lại nhiều bài học cần nhớ, mà không riêng cho người Mỹ (081031).
_________________
"Why Vietnam Matters - An eyewitness account of lessons not learned" của Rufus Phillips, do Naval Institute Press xuất bản. Tác giả sẽ đi một vòng quảng bá cuốn sách tại một số nhà sách của Hoa Kỳ trong những ngày tới (ngày 02, thán 11, 2008: lúc 5:00 PM tại Politics and Prose Bookstore - 5015 Connecticut Ave NW - Washington, D.C.; hai ngảy 14-15 tháng 11, 2008 do Vietnamese Student Associations of New England Summit tổ chức tại Đại học Harvard University - Cambridge, Mass.; ngày 16 tháng 11, 2008 lúc 3:00 PM tại Arlington Central Library, 1015 Quincy Street, Arlington, VA 22201; ngày 22 tháng 11, 2008 lúc 10:00 AM tại Pritzker Military Library, 610 North Fairbanks Court - Chicago, Illinois...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.