Hôm nay,  

Bệnh Viện 1 Dã Chiến Quảng Ngãi – KBC 4322

11/08/200800:00:00(Xem: 9668)

Tấm ảnh thời quân y viện.

Lời giới thiệu: Trên Đặc san Quân Y Việt Nam phát hành năm 2000 có bài viết về bệnh viện dã chiến, một tổ chức quân y yểm trợ chiến trường. Tác giả là Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải tại San Jose. Nhân dịp đại hội kết hợp y, nha, dược lần thứ 6 tại Bắc Cali, chúng tôi đăng lại tài liệu này để gởi tặng các chiến hữu quân y nhớ về kỷ niệm xưa. Mới ra trường năm 1965, ông Hải mang cấp bậc Trung úy y sĩ. 10 năm sau ông làm Y sĩ Trưởng bệnh viện Dã chiến số 1 với cấp bậc Trung tá. Binh nghiệp của ông chấm dứt cùng với lịch sử của bệnh viện. Sau đây là bài viết của tác giả Nguyễn Hoàng Hải.

*****

Tôi tốt nghiệp khóa 12 Quân y hiện dịch  cuối năm 1965 và được chỉ định ra phục vụ tại Bệnh Viện 1 Dã Chiến tại Quảng Ngãi.

Khoảng thời gian này, tình hình chiến sự Quảng Ngãi rất sôi động, phương tiện giao thông bị trở ngại. Người bạn đồng khóa với tôi là bác sĩ Lê Hữu Sanh cũng vừa mới tử trận ở đây. Anh thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến . Thi hài anh được mang về Bệnh viện 1 Dã chiến,  bác sĩ Võ Thương và bác sĩ Trần Minh Đức “tu chỉnh” lại, trước khi được chở về Saigon.

Ra trình diện Bệnh viện 1 Dã Chiến khoảng đầu năm 1966 và cuộc đời binh nghiệp nối liền với sự mất còn của bệnh viện này cho tới ngày 24 tháng 3 năm 1975. Ngày cuối cùng của tiểu khu Quảng Ngãi.

Bệnh viện 1 Dã Chiến nằm tại ngoại vi của thành phố Quảng Ngãi, trên đường Phan Bội Châu, giữa phi trường Quảng Ngãi và Bộ Chỉ huy Sư đoàn 2 Bộ binh cũng như Bộ chỉ huy Tiểu khu. Địa điểm này thuận tiện để tiếp nhận thương binh từ các nơi gởi về, hoặc để di tản bớt thương binh ra Tổng Y viện Duy Tân khi bệnh viện bị tràn ngập.

Đơn vị tọa lạc trên một miếng đất vuông rộng  8 mẫu. Khu trại bệnh và hành chánh chiếm 2/3 phía Đông, còn khu gia binh bên cánh phía Tây. Sau bệnh viện có bãi đậu cho phi cơ trực thăng, ngay cạnh ban Quân xa. Lúc nào cũng có xe cứu thương túc trực để chở thương binh từ bãi đậu đến phòng cấp cứu ở mặt tiền bệnh viện. Thời gian đầu, doanh trại gồm toàn nhà tranh vách phên. Có một vài nhà mái tôn vách gỗ vừa dùng làm phòng mổ vừa dùng làm trại bệnh. Đến  năm 1968 thì bệnh viện được tân trang, có tường gạch, mái fibrociment.

Nhiệm vụ chính của Bệnh viện 1 Dã Chiến là yểm trợ Quân y cho 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Tín. Ngoài ra Bệnh viện 1 Dã Chiến cũng yểm trợ cho Quân đoàn 1 với tư cách lưu động khi cần đến. Cũng trong tinh thần này Bệnh viện 1 Dã chiến đã yểm trợ giải phẫu tăng cường cho Quân y viện Nguyễn Tri Phương. Đặc biệt đã được điều động tham gia cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Khe Sanh, Hạ Lào. Trong cuộc hành quân này Bệnh viện 1 Dã Chiến đã thiết lập một phòng giải phẫu và các y vụ ở dưới đất trong hầm trú ẩn. Để thực hiện công tác này, bệnh viện đã phải chuyên chở y cụ, máy hấp, chuyên viên từ Quảng Ngãi đến Khe Sanh bằng quân xa. Đây là cuộc hành quân lớn nhất cấp Quân đoàn mà Bệnh viện 1 Dã Chiến tham dự.

Bệnh viện cũng phụ tách chương trình Quân y diện địa cho hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Tín. Trong chương trình này Bệnh viện 1 Dã Chiến đã đào tạo nhiều khóa y tá CC1 và CC2, để cung cấp y tá Quân y cho hai tỉnh này. Bệnh viện cũng chịu trách nhiệm thanh tra bệnh xá chi khu thuộc 9 quận của tỉnh Quảng Ngãi. Đó là các quận: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, và Đức Phổ.

Một công tác bất ngờ khác, xin ghi lại đây để nhắc lại chuyện đã từng xảy ra trong một thời đã qua. Đó là công tác “giám định tuổi tác”. Số là thời đó có một số thanh niên muốn trốn quân dịch đã man khai ngày sinh. Nhiều người đã có vợ con rồi, trông già rõ ràng mà vẫn khai chưa tới 18, là tuổi phải đi quân dịch! Để đối phó với nạn này, Tư lệnh Sư đoàn 2 lúc đó là Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn yêu cầu cho Bệnh viện 1 Dã Chiến dùng kiến thức y khoa để ấn định tuổi tác.

Bệnh viện đã phải thỉnh ý kiến của Ban kỹ thuật Cục Quân Y và giáo sư Trần Ngọc Ninh, để ấn định tuổi dựa trên tiêu chuẩn cốt hóa của các xương cổ tay và đầu gối. Công việc tương đối giản dị. Sư đoàn 2  bắt những nghi can man khai ngày sinh, đưa đi chụp hình cổ tay và đầu gối, sau đó gởi sang Bệnh viện 1 Dã Chiến để giám định. Chúng tôi đã giám định khoảng hai ngàn trường hợp trong công tác này.

Sau đó một tệ nạn khác đã xảy ra, bây giờ họ lại man khai ngày sinh cho già hơn 42 tuổi là được miễn dịch. Nhiều thanh niên trẻ măng, chưa mọc râu mà theo giấy khai sinh do quận, xã cấp là đã 44, 45 tuổi rồi. Lần này thì chịu thua! Lúc đó chưa dùng y khoa để xác định được.

Bệnh viện 1 Dã chiến nằm đối diện Bệnh viện Dân y. Vì bên dân sự thiếu hụt nhân viên nên các y sĩ thuộc Bệnh viện Dã chiến sang giúp điều trị tại Bệnh viện Dân y, lúc đó bác sĩ Trần Gia Khải làm Trưởng ty y tế.

Về chỉ huy và thống thuộc, Bệnh viện 1 Dã Chiến thuộc loại “Năm Cha Ba Mẹ”. Một mặt trực thuộc Cục Quân Y, nghĩa là điều động nhân viên và thăng thưởng là do Cục Quân Y phụ trách. Mặt khác cũng thuộc sự đôn đốc và chỉ huy của các cơ quan địa phương gồm có: Quân đoàn 1, Sư đoàn 2 và Tiểu khu Quảng Ngãi. Sau này từ năm 1968-1969 trở đi, cấp Liên đoàn được thành lập thì Bệnh viên 1 Dã chiến lại có một xếp mới nữa là Liên đoàn 71 Quân Y. Tuy có nhiều xếp, bệnh viện vẫn phải tự lực cánh sinh, khi có chuyện không ai bảo vệ mình cả. Năm Cha Ba Mẹ là thế!.

Trên lý thuyết Bệnh viện 1 Dã Chiến gồm có 4 đơn vị lưu động 100 giường, có thể độc lập hoạt động như một bệnh viện giải phẫu nhỏ. Lúc nào cũng ở trong tình trạng sẵn sàng để có thể được điều động  thích ứng với nhu cầu hành quân thuộc phạm vi Quân đoàn 1.

Quân số của bệnh viện theo nguyên tắc cũng được phân phối tương đương để có thể thi hành được nhiệm vụ trên. Nghĩa là các nhân viên, chuyên viên, dụng cụ giải phẫu, tê mê, cái gì cũng phải có từ 4 đơn vị trở lên. Quân số theo bảng cấp số là 320 người.

Trên thực tế, chưa bao giờ quân số đạt được tới con số này,Máy đánh thuốc mê, máy hấp dụng cụ chỉ có 3 cái là nhiều. Thường thì một cái bị hư , còn 2 cái là dùng được. Trong thường hợp tham gia hành quân như Hành quân Lam Sơn 719 thì một máy hấp gửi theo toán giải phẫu lưu động lên Khe Sanh, và bệnh viện chỉ còn một cái để dùng. Nếu bị trục trặc thì chạy sang hấp nhờ bệnh viện Dân Y.

Chuyên viên tê mê là một vấn đề nan giải, chỉ được cung cấp tối đa là 2 chuyên viên. Bệnh viện phải tự túc huấn luyện thêm để có đủ người cho nhu cầu giải phẫu.

Vì bản chất là Bệnh viện 1 Dã Chiến nên việc đào tạo y sĩ giải phẫu là “ưu tiên số 1”. Tất cả các y sĩ sau một thời gian phục vụ tại Bệnh viện 1 Dã Chiến đều trở thành y sĩ giải phẫu hết.

Khoảng năm 1966-1967, Bệnh viện 1 Dã Chiến được Cục Quân Y chỉ định phải gửi một chi nhánh 100 giường vô Chương Thiện. Chi nhánh này về sau trở thành Bệnh viện Tiểu khu Chương Thiện. Lẽ ra chi nhánh này phải do một Bệnh viện Dã Chiến trong Nam phụ trách mới đúng lý.

Ngoại trừ các giải phẫu thông thường như Laparotomies, Amputations, Débriments....Bệnh viên 1 Dã Chiến có khả năng nối các vết thương động mạch. Kỹ thuật ráp nối động mạch này là do bác sĩ Nguyễn Văn Cung , học trò của giáo sư Nguyễn Hữu, chỉ dẫn các anh em y sĩ khác.

Quảng Ngãi là một chiến trường sôi động, số thương vong khá nhiều. Ngày nào cũng có trực thăng hoặc xe tải thương đến bệnh viện. Trung bình mỗi ngày có từ 10 đến 15  ca mổ lớn và mổ nhỏ. Trong suốt 10 năm ở Quảng Ngãi tôi chưa thấy ngày nào bệnh viện được rảnh rỗi cả,  ngày nào cũng có ca mổ.

 Trung bình cứ độ 3 hay 4 tuần là chúng tôi phải di tản bớt thương bệnh binh ra Tổng Y viện Duy Tân ngoài Đà Nẵng. Nhiều thì có lần đến 250 người, tản thương bằng phi cơ C 130 làm nhiều chuyến.

Mỗi lần di tản phải mất cả ngày chầu chực từ sáng tới chiều mới xong.

Sau đây là danh sách một số các Y Nha Dược sĩ đã từng phục vụ tại Bệnh viện 1 Dã chiến mà tôi còn nhớ được:

Các Y sĩ trưởng: (theo thứ tự thời gian)

Bác sĩ Vũ Ban  1963

Nguyễn Xuân Trình 1964

Võ Thương 1965-1969

Nguyễn Hoàng Hải 1969-1975

Các Y sĩ: Hoàng Duy Long, Nguyễn Hải, Phạm Thế Hùng, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Minh Đức, Nguyễn Văn Cung, Hoàng Đình Hiển, Võ Văn Cầu, Nguyễn Ngọc Khôi, Nguyễn Bảo Anh, Nguyễn Lê Chánh, Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Mạnh Lưu, Trần Tấn Phúc, Quách Văn Trí, Quản Đức Hưng, Trần Văn Lân, Nguyễn Lương Dán, Bùi Thế Chung, Nguyễn Văn Cẩn và Nguyễn Nam.

Bác sĩ Nguyễn Nam là em trai giáo sư Nguyễn Hữu, mất tích ở Bình Sơn trên đường ra Chu Lai ngày 24/3/1975. Tôi đã tường thuật nội vụ cho bác sĩ Nguyễn Bửu là anh của bác sĩ Nguyễn Nam rõ.

-Dược sĩ: Cổ Văn Thinh, Bạch Điều Quân, Nguyễn Trí Thành, Phạm Châu Nam, Phan Lục, Lê Nguyễn

-Nha sĩ: Trần Công Đức, Phạm Đỗ Dũng Chước

-Quản lý: Thiếu tá Nguyễn Hữu Thiện, Đại úy Nguyễn Khiêm.

-Sĩ quan trợ y và Y tá trưởng: Trung úy Phạm Đức Mỹ.

Bệnh viện 1 Dã Chiến chính thức chấm dứt hoạt động ngày 24/3/1975.

Nguyễn Hoàng Hải

Viết lại tại San Jose

21 tháng 3 năm 2000

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đại hội thanh niên sinh viên thế giới kỳ VI được tổ chức ở Mã Lai, số người tham dự hơn 200
Chịu đựng được bao đày ải trong tù đã là hay. Nhưng ngẩng đầu đứng thẳng trước đe dọa của gông cùm, họng súng thì thật xứng là anh hùng
Tết Mậu Tý năm nay đánh dấu 40 năm ngày Cộng sản Việt Nam lợi dụng  Đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc Tết Mậu Thân (1968)
Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ
Vào ngày này cách đây bốn năm, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đó là tựa đề trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt nam ngày 28/09/2007, để trả lời câu hỏi trên, tôi chọn cách tìm hiểu từ nội tình Việt nam ta
Đường vào Bạch Cung có thể ví như một cuộc chạy đua đường trường 50 vòng và với khoảng 15 vận động viên ở mức khởi hành
Một Thư Mời, ký tên Thầy Thích Hạnh Đạo, đề ngày 6-1-2008 nhân danh Đại Hội Bất Thường của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất
Vào ngày đầu năm dương lịch, quân phiến loạn tại Philippines đã bất ngờ tấn công một mỏ đồng tại khu vực Nam Cotabato ở miền Nam đảo Mindanao
Ngày 2 - 12 - 2007, Quốc vụ viện Trung quốc tuyên bố, lấy đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thành lập chung vào huyện Tam Sa, thuộc đảo Hải Nam
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.