Hôm nay,  

Ngày Về Nguồn - Một Tâm Thức Hoạt Dụng Lời Phật Dạy

05/07/200800:00:00(Xem: 7015)
(Bài Đọc Một)

Đoàn thể Tăng già đầu tiên từ thời Đức Phật, đó là năm anh em Kiều Trần Như, sau khi nghe bài pháp Tứ Diệu Đế đã trở thành các bậc Thánh, các vị Tỳ Kheo, các Thanh Văn Tăng, các bậc xuất gia, các trang thiện nam tử, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Những bậc ly dục, ly ác bất thiện pháp. Những bậc sống hạnh viễn ly rừng núi, thiền định độc cư. Những bậc sống đời thong dong tự tại như loài tê giác thênh thang trong rừng già và ý nghĩa Tam Bảo cũng được hình thành ngay trong giờ phút đó: Phật Bảo là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Pháp Bảo là bài Kinh Tứ Diệu Đế. Tăng Bảo là năm vị Tỳ Kheo: Kiều Trần Như (Kondanna), Bạt Đề (Bhaddiya), Thập Lực (Vappa), Maha Nam (Mahanama) và Át Bệ (Assaji). Cũng kể từ ngày đó, Đức Phật là bậc Thầy giáo dục, dạy dỗ đàn học trò, đệ tử suốt quãng đời còn lại cho đến ngày công viên quả mãn. Để thấy được tấm lòng của Bậc Đạo Sư, vị Thầy cao cả vì lòng thương tưởng đến hàng đệ tử hậu học, vì sự thánh thiện tự thân trên con đường tu tập, vì sự thông suốt Phật pháp để làm phương tiện chuyển mê khai ngộ, là chiếc bè đưa người qua bến sông sinh tử mà Đức Phật đã ân cần dặn dò, thăm hỏi trước khi nhập Niết Bàn:

"Này các Tỳ Kheo, các con đã thấu hiểu hết những lời Như Lai thuyết giáo" Đối với Phật pháp, các con còn có chỗ nào nghi hoặc chưa hiểu, các con hãy nói lên chỗ nghi ngờ chưa hiểu của mình, chưa thông suốt của mình. Nếu các con không dám trực tiếp hỏi thẳng Như Lai thì các con hãy nhờ bạn của mình thay mình để hỏi. Hỏi vì lợi ích cho mình, vì lợi ích cho bạn đồng học và rất nhiều người về sau. Các con hỏi để Như Lai trả lời trước khi Như Lai nhập Niết Bàn."

Từ tâm của Đức Phật được trang trải đến cho hàng đệ tử. Tinh thần giáo dục của Đức Phật được trao truyền đến từng người học trò và bổn phận trách nhiệm của một bậc Thầy cao cả không quên nhắn nhủ, khích lệ đệ tử quán triệt con đường tiến thân của chính mình.

Để khơi dậy một tâm thức hoạt dụng lời Phật dạy, chúng ta hãy thanh thản chiêm nghiệm đời sống của Đức Phật đối với hàng đệ tử của Ngài. Nơi đó, biết bao suối nguồn yêu thương được tuôn chảy, bao nhiêu tâm tình được truyền trao và bao nhiêu lời khuyến tấn dạy dỗ chí thành chí thiết. Đức Phật không bao giờ dùng sức mạnh để đối xử với mọi người, không bao giờ bắt ép bất cứ một ai, dù đó là người đệ tử thân tín của Đức Phật. Từ tâm của Đức Phật được ban trải, được biển lộ, được thi thiết tự nhiên. Có lần vào ngày bố tát - tụng giới chúng Tăng đã vân tập đầy đủ, Đức Thế Tôn cũng thiền tọa đúng giờ. Thay vì Đức Phật trùng tuyên giới trong giờ bố tát ấy, thì Đức Phật ngồi im lặng. Thời gian trôi qua, đại chúng lo âu, Ngài Mục Kiền Liên nghi ngờ, liền vận thần thông dùng thiên nhãn quán chiếu trong đại chúng, thấy có vị phạm giới mà không đi ra, lập tức Ngài Mục Kiền Liên đến nắm y vị Tỳ Kheo ấy kéo ra ngoài. Thấy vậy Đức Phật dạy:

"Này Mục Kiền Liên, con chớ có làm như vậy. Không nên có thái độ, hành động không xứng đáng là một vị Tỳ Kheo. Con chớ có dùng sức mạnh đối với bất cứ ai. Trong đây, nếu có vị Tỳ Kheo nào phạm giới thì con hãy dùng mọi phương tiện để cho vị Tỳ Kheo ấy biết mình phạm giới mà tự giác đi ra, hoặc sám hối đúng pháp để được thanh tịnh lại. Con phải chỉ vẽ nhu nhuyến, từ hòa, ái ngữ, không được thô lỗ, cộc cằn. Con phải chỉ dạy cho vị Tỳ Kheo ấy tự biết mình có lỗi mà sám hối."

Đây là giá trị của chất liệu yêu thương kính trọng, là đại bi tâm tươi mát gởi tặng đến tất cả, đâu chúng ta không thấy cái ân đức mà nhớ ơn để đền ơn ! Ấy là cội nguồn, là tự tánh thiện của con người chúng ta.

Đoàn thể Tăng già thời Đức Phật đã thấm nhuần giáo pháp và sống trong giá trị cao thượng của giáo pháp. Sống đúng ngôn từ Đức Phật giảng dạy - khẩu giáo. Sống đúng thân hành - thân giáo Đức Phật thể hiện qua tứ oai nghi - đi, đứng, ngồi, nằm: "Đi như tượng vương, đứng thẳng tắp như vách tường, ngồi vững vàng như chuông úp và nằm bên hông phải như sư tử chúa." Từ đây, chúng ta thấy cái ân, cái nghĩa, cái từ hòa chiếu cố của Đức Phật đến hàng đệ tự như thế nào.

Một hôm, có vị Tỳ Kheo bị bịnh kiết lỵ, thân thể mềm nhũn như sợi bún gần như kiệt sức, Đức Phật hay tin Ngài đích thân đến thăm. Từ xa, vị Tỳ Kheo thấy Đức Thế Tôn đi đến, ý muốn ngồi dậy đảnh lễ, nhưng Đức Phật dạy, hãy cứ tự nhiên, đừng cố gắng mà hao tổn sức lực trong khi đang bịnh. Rồi Đức Phật thuyết pháp Thất giác chi: (Trạch pháp giác chi. Tinh tấn giác chi. Hỷ giác chi. Khinh an giác chi. Niệm giác chi. Định giác chi. Xả giác chi) bằng ngôn giáo từ hòa, an ủi, khích lệ làm vị Tỳ Kheo phấn chấn tâm tư, thân liền khỏe mạnh, tâm được an tịnh.

Đó chính là tánh đức Từ bi, là suối nguồn yêu thương được vỗ về chăm sóc mà không phân biệt ngôi vị Thánh phàm, duy chỉ có một lòng cứu độ. Ai trong chúng ta có sống thật, sống chân thành, sống hy sinh vì người khác thì mới thấy được cái ân, cái đức, cái tấm lòng tôn kính mà Đức Phật đã thể hiện đến với chúng Tăng qua những cử chỉ, lời nói, hành động thường nhật. Có lần trên con đường hóa độ, ngồi nghỉ trong khu nhà trống, Đức Thế Tôn thấy y của một vị Tỳ Kheo bị rách, Ngài bèn lấy kim chỉ và dạy các vị Tỳ Kheo hãy căng tấm y và cùng nhau khâu lại tấm y rách ấy cho vị Tỳ Kheo kia. Đức Phật tự tay khâu chỉ, vá kim một cách cẩn trọng. Vá xong, Đức Phật trao y lại cho vị Tỳ Kheo một cách tự nhiên, bình thường. Cái ân ấy, cái đức ấy ai trong chúng ta hôm nay có nghĩ nhớ để biết ơn và đền ơn " Dầu biết rằng, Đức Thế Tôn không bắt ai phải biết ơn để trả ơn cho Ngài, nhưng trong cuộc sống này, trong lẽ sinh tồn cộng trú, tương quan tương duyên với nhau, chúng ta đâu muốn mình là kẻ vong ân bội nghĩa.

Chính vì giá trị cao quý, tất yếu của sự nhớ ơn và đền ơn mà Tứ Trọng Ân được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để chúng ta phải ghi lòng tạc dạ, đừng xao lãng bốn ân sâu nặng ấy: Ân hóa độ cao dầy của Đức Phật. Ân sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ. Ân khai sinh giới thân huệ mạng của Thầy Tổ và Ân cúng dường, cung cấp bảo bọc của đàn na thí chủ pháp giới chúng sanh. Có lẽ nào chúng ta không nhớ về cội nguồn, nơi đã sinh thành một đời sống tâm linh cao thượng. Nơi mà cội cây Bồ Đề được ươm mầm, trồng trọt, vun quén để có tàn cây tỏa rộng cao mát hôm nay. Nơi mà tự chốn uyên nguyên suối nguồn đã mang giọt nước tươi mát đến cho mọi người để làm vơi bớt nỗi đói khát đốt cháy thân tâm của con người trên thế gian này. Đó chính là tánh đức Từ bi mà Đức Phật đã trang trải. Một đời sống dung dị, bình thường; bình thường đến độ mà người gặp Đức Phật, nhưng không nhận ra Đức Phật đang ở trước mặt mình. Đức Phật có thể sống một mình, đi khất thực một mình và làm mọi công việc một mình, không cần sự nhờ vả của ai. Có lần trên con đường du hóa, đến lúc chiều tối Đức Phật vào nhà một người thợ làm đồ gốm xin được tá túc qua đêm. Người thợ làm đồ gốm bằng lòng chỉ cho một căn phòng ngoài để Đức Phật tạm trú qua đêm. Nhưng cũng cùng trưa hôm đó, trong căn phòng đã có vị du sĩ đến xin trú ngụ trước và đang tọa thiền nơi góc phòng bên phải. Thấy vậy, Đức Phật lên tiếng xin vị du sĩ cho phép được cùng ở chung, đến khi biết ra thì vị du sĩ này nghe danh Đức Phật và đi tìm Đức Phật để xin được xuất gia làm đệ tử của Ngài. Sau thời thuyết pháp hóa độ, người du sĩ kia đắc quả Thánh, thành Tỳ Kheo trong Tăng đoàn của Đức Phật. Giản dị là nếp sống của các bậc Thánh. Đơn sơ là lẽ đạo của Thánh hiền. Đó chính là cái ân, cái đức mà chúng ta hôm nay phải học, phải noi theo tấm gương của bậc Thầy cao cả, của Bậc Đạo Sư tôn quý nhất trên thế gian này.

Dù cho chư vị đệ tử của Đức Phật còn sinh tiền, hay sau khi nghe bài pháp Đức Phật thuyết giảng, giáo hóa rồi, xả bỏ báo thân, tất cả đều được lợi ích, tất cả đều hướng tâm trên con đường tối thượng. Chẳng hạn như một hôm có người thanh niên đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, đảnh lễ xong quỳ gối ngồi sang một bên, Đức Phật hỏi nguyên do và ý muốn gì. Người thanh niên ấy đáp là muốn xuất gia làm đệ tử với Đức Thế Tôn. Nghe vậy, Đức Phật hỏi người thanh niên muốn xuất gia mà đã có y bát chưa, đã trong sạch thân tâm chưa, và Đức Phật thuyết một bài pháp ngắn về công đức của người xuất gia. Nghe xong, người thanh niên lấy làm hạnh phúc, tâm tư cởi mở một nguồn hỷ lạc rạt rào trong lòng. Người thanh niên đảnh lễ Đức Thế Tôn xin về nhà để sắm y bát và sẽ trở lại gia nhập vào hàng Tăng đoàn, nhưng sau đó thì người thanh niên xả bỏ báo thân mà chưa được xuất gia. Thấy vậy, các vị Tỳ Kheo bạch Phật: Vì sao người thanh niên lại xả bỏ báo thân đột ngột như vậy, và được thác sinh về thế giới nào " Đức Phật dạy: Người thanh niên sau khi phát tâm xuất gia, ấy là một nhơn duyên thù thắng, lại nghe được giáo pháp công đức của người xuất gia tăng thêm niềm tin trong Phật pháp, công đức gấp đôi, nhờ phước lành này mà tâm thức của người thanh niên thác sinh lên cung trời hưởng phước lạc. Còn sự xả bỏ báo thân dưới mọi hình thức đều giống nhau, có nghĩa là phương tiện để kết thúc một sự sống, điều quan trọng là gìn giữ tâm tư thanh tịnh, không phiền, không nhiệt mà thanh thản tự tại. Đó là lời Phật dạy, là cái ân, cái đức mà chúng ta là hàng đệ tử phải nhớ để báo đền trong muôn một.

Truyền thống Phật giáo Tây Tạng thừa sự, cúng dường, đảnh lễ tôn kính vị Thầy Bổn sư của mình thì cũng giống như thừa sự, đảnh lễ tôn kính một đấng Thế Tôn. Ơn Thầy giáo dưỡng, khai sinh giới thân huệ mạng đâu không mong có ngày đền đáp.

Ngày Về Nguồn là dịp để Tăng chúng, pháp lữ thăm hỏi với nhau và cùng nhau ôn lời Phật dạy, lặp lại ý Tổ khuyên mà tô bồi vun quén cho đạo tình ngày thêm thắm đượm. Đó là cái ân, cái đức chúng ta là người con Phật xin nguyện đáp đền.

San Diego, ngày 29 tháng 6 năm 2008

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1975, VNCH thua trận. Ít lâu sau đó MTGPMN cũng tiêu vong, không kèn không trống, không Cáo phó, Thiệp tang gì cả
Doanh nghiệp phải đảm bảo là không đồng lõa với nạn chà đạp nhân quyền... Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và được hưởng quan hệ kinh tế
Tân-Tư-Bản Đại-Địa-Chủ-Đỏ, Big New Red Capitalist Landlords, ở Việt Nam đã, đang và sẽ thu gom tích tụ ruộng đất canh tác của người Nông Dân Việt Nam Nghèo
Cuộc biểu tình khiếu kiện suốt 26 ngày đêm (từ 23-6 đến 18-7 năm 2007) của nông dân miền Nam trước Văn Phòng 2 Quốc Hội
Dân Mỹ là một dân tộc rất mê thể thao. Từ football đến baseball, bóng rổ, hockey, v.v… Thể thao trong quan niệm Mỹ không những rèn luyện thể xác
Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, trước khi chính thức rời Hà Nội vì đã mãn nhiệm, hôm 30/7 vừa qua
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm"
San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc
Nhà giàu, học giỏi, mà thành khủng bố tự sát" Sao không ứng cử tổng thống" Vụ khủng bố hụt tại London và phi trường Glasgow
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.