Hôm nay,  

Mỹ Và Vấn Đề Kỳ Thị

18/03/200800:00:00(Xem: 11042)

...thành công của ông Obama cho đến ngày hôm nay, một phần cũng nhờ cái áo giáp ”thép đen”...

Lâu nay rất nhiều người tin rằng nước Mỹ là nước văn minh tiến bộ nhất thế giới, chẳng những về kỹ thuật và khoa học, mà còn trên đủ mọi phương diện khác. Như văn hóa, với thành quả văn chương, phim ảnh, âm nhạc, truyền thông gần như khống chế cả thế giới; hoặc kinh tế với một chế độ tư bản, kinh tế thị trường hữu hiệu nhất, hay xã hội với một chế độ an sinh tương đối công bằng nhất, không cực hữu cũng chẳng cực tả. Về quân sự, nưóc Mỹ có một quân đội hùng mạnh tân tiến nhất. Còn về chính trị, Hoa Kỳ có một thể chế chính trị bảo đảm bình đẳng, tự do và dân chủ tuyệt đối cho mọi công dân.

Có thật vậy không"

Ở đây, chúng ta khoan bàn về những vấn đề khác mà hãy thử xem lại những “tiến bộ” về chính trị của Mỹ.

Nếu nói về tự do có tiếng nói trong những vấn đề chính trị, thì không ai chối cãi được nước Mỹ cực kỳ tự do, ai muốn nói gì thì cứ nói, đàn ông đàn bà, người già trẻ em, da trắng da đen, giàu nghèo,… đều có quyền ngang nhau. Muốn ca tụng hay sỉ vả bất cứ chuyện gì, bất cứ ai, cũng được, không bao giờ sợ bị bắt đi học tập cải tạo tư tưởng cả, mặc dù đầu óc méo mó khùng điên.

Thậm chí dở hơi như cái anh Ralph Nader (năm nay 74 tuổi, còn già hơn McCain) cũng được ra tranh cử tổng thống bốn lần, lần nào cũng được bảo đảm quyền nói lăng nhăng và cũng được năm bảy phần trăm dân Mỹ hoan hô vỗ tay.

Thế nhưng nếu nói về ảnh hưởng và quyền lực thực tế trong chính trị thì vấn đề cần phải được xét lại. Tính bình đẳng giữa tất cả các công dân dường như chỉ mới có trên lý thuyết thôi.

Năm 1920, Hiến Pháp Hoa Kỳ được chính thức tu chính để cho phụ nữ có quyền bỏ phiếu trong các cuộc đầu phiếu chính trị. Chúng ta không có tài liệu chính xác, nhưng chắc chắn nước Mỹ là một trong những nước đầu tiên cho phụ nữ được bình đẳng với các vị tu mi nam tử trên phương diện chính trị. Nhưng phải đợi đến 82 năm sau, đến năm 2008, thì nước Mỹ mới hy vọng - chưa có gì chắc chắn - có được một nữ lưu lên lãnh đạo. Để rồi báo chí Mỹ nhốn nháo đặt vấn đề, từ những vấn đề quan trọng nhất như “đàn bà có làm tổng tư lệnh quân đội được không"”, cho đến những vấn đề dấm dớ nhất như “thế thì gọi ông chồng bà tổng thống là gì"”
Trong khoảng thời gian hơn tám mươi năm đó, cả thế giới, mặc dù đi sau Mỹ, nhưng rõ ràng đã đến trước từ lâu rồi. Tại Âu Châu, bà Thatcher của Anh đã nắm quyền từ hơn hai chục năm trước. Tại Á Châu, bà Gandhi của Ấn Độ đã làm thủ tướng từ hơn bốn mươi năm trước, cùng lúc với bà Golda Meir làm thủ tướng Do Thái. Gần đây hơn, Phi Châu đã có bà Johnson-Sirleaf của Liberia, Nam Mỹ có bà Bachelet của Chile, đều là tổng thống được dân bầu đàng hoàng. Ngay cả khối Hồi giáo thường bị cho là có chánh sách hủ lậu với phụ nữ, cũng đã có bà Bhutto làm thủ tướng Pakistan trong thập niên 80 rồi.

Tại Phi Luật Tân và Nam Dương, hai cuộc cách mạng từ quần chúng lên -khác với “cách mạng” từ các đồng chí hay các tướng tá xuống- đã đưa bà Corazon Aquino và bà Sukarno Megaputri lên làm tổng thống. Thậm chí đến cả cái xứ Trung Quốc cộng sản cũng thế: nếu Đặng Tiểu Bình không cao tay ấn hơn thì Giang Thanh cũng đã là người đàn bà thứ ba – sau Hoàng đế Võ Tắc Thiên và Thái hậu Từ Hy - lên nắm quyền sinh sát trên hơn một tỷ các đấng con trời rồi. Dĩ nhiên bà Giang Thanh, cũng như hai bà hoàng kia, đều chẳng được ai bầu hết, mà đã lọt vào đỉnh cao của quyền lực qua phòng the của hậu trường.

Bà Hillary Clinton của Mỹ ngày nay cũng đang tính leo lên tột đỉnh quyền uy bằng một sự phối hợp phương thức của bà Giang Thanh và bà Thatcher. Vừa dựa hơi ông chồng, vừa dùng khả năng cá nhân tranh cử trong dân chủ đàng hoàng.
Điều may mắn cho phụ nữ Hoa Kỳ là lần đầu tiên có một bà có đủ tầm vóc để tranh cử ngang ngửa với bất cứ ông nào, và thực sự có hy vọng đắc cử, trở thành tổng thống “phụ nữ” đầu tiên của Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ có hy vọng chạy theo kịp sự tiến bộ của Liberia và các nước nhược tiểu khác, sẵn sàng chấp nhận một phụ nữ làm tổng thống.

Điều không may là chính người phụ nữ đó lại có quá nhiều hành trang.

Phải có tầm vóc thì mới đánh nhau ngang ngửa với mấy ông được, nhưng chính cái tầm vóc đó làm nhiều người đâm ra ghét hay sợ. Bà Hillary là người đàn bà Mỹ được nhiều người nể phục nhất, nhưng đồng thời cũng là người bị ghét hay sợ nhất, với một tỷ lệ rất cao.

Và đây chính là thế bí của bà Hillary. Thiên hạ thường cho rằng làm tổng thống là một công việc cực kỳ khó khăn đòi hỏi một sự bình tĩnh, cứng rắn đặc biệt, những khả năng mà một nữ nhi không thể có được. Bà Hillary muốn vượt qua bức tường này nên đã phải cố chứng tỏ mình cứng rắn hơn người. Không ngờ cố gắng này lại mang lại cho bà một hình ảnh của một nữ hung thần, dữ dằn, đầy tham vọng đáng sợ và đáng ghét.

Cuộc tranh cử tổng thống hiện nay sẽ cho ta biết khối người nể phục nhiều hơn, hay khối người ghét sợ nhiều hơn. Hoa Kỳ có thể đã sẵn sàng để đàn bà lãnh đạo. Nhưng với bà Hillary, chẳng có gì bảo đảm Hoa Kỳ sẽ có bà tổng thống năm nay.
Điều thật đặc biệt nữa cho cuộc bầu cử tổng thống năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, chẳng những một phụ nữ có hy vọng làm tổng thống, mà ngay cả một người “da đen” cũng có hy vọng lên làm tổng thống.

Năm 1965, tổng thống Johnson ban hành luật bình đẳng chính trị cho dân da màu, cho phép khối người này có đầy đủ quyền bầu bán tranh cử như bất cứ một công dân Hoa Kỳ nào khác.

Và bây giờ, hơn bốn mươi năm sau, người ta mới thấy được một ứng viên tổng thống da đen với hy vọng thực sự chứng minh được quyền bình đẳng đó.

Vấn đề kỳ thị màu da ở Mỹ còn nghiêm trọng hơn chuyện kỳ thị nam nữ, không cần biết Mỹ đã làm những luật gì, cũng như không cần biết mấy ông bà chính khách Mỹ tuyên bố lăng nhăng chuyện gì, hay báo chí Mỹ tự bào chữa thế nào.


Trong suốt mấy trăm năm, dân da trắng Mỹ vẫn nhìn mấy anh da đen như là nô lệ ngang hàng với loài gia cầm - người ta vẫn còn nhớ những bảng ghi “cấm chó và da đen” của thập niên 50. Ngày nay, tình trạng đã tiến bộ rất xa, nhưng một phần lớn khối dân da trắng vẫn cảm thấy có cái gì không ổn đối với dân da đen. Sự kỳ thị màu da, bất chấp mọi thứ luật lệ được phát minh ra và bất chấp mọi lời bào chữa, vẫn tiềm tàng đâu đó. Trong đầu óc mấy ông bà “Mỹ trắng” cũng như trong đầu óc mấy ông bà “Mỹ đen”.

Nếu nói không còn kỳ thị nữa, thì sao còn thấy đầy rẫy những luật lệ, hành động, lời bàn,… về chuyện khác biệt màu da" Nếu thực sự không còn kỳ thị thì sao còn đặt vấn đề ông Obama đen hay trắng"

Trên thực tế, vấn đề kỳ thị màu da của Mỹ vẫn còn đó. Chỉ khác là phần lớn mấy anh da trắng, đặc biệt là trong giới trí thức và truyền thông, đều cảm thấy “tội lỗi” và bị rơi vào tình trạng “chối bỏ tập thể” (mass denial). Đến độ sự kỳ thị chống da đen biến chứng thành kỳ thị chống … da trắng!

Thật vậy, một anh da trắng mà làm hay nói bất cứ điều gì đụng chạm đến mấy anh da đen thì sẽ bị đòn hội đồng đến chết, nếu không thì cũng bị khinh ghét như là một anh lạc hậu chậm tiêu. Ngược lại một anh da đen thì đương nhiên có quyền làm và nói bất cứ gì để sỉ vả anh trắng và khua chiêng gõ trống về “niềm kiêu hãnh” của dân da đen (black pride), như thể dân da đen mới có quyền kiêu hãnh trong khi dân da trắng hay da vàng thì phải cảm thấy hổ thẹn.

Chúng ta thấy đầy rẫy những sách báo, chương trình truyền hình, hội nhóm, trường học, học bổng, … chỉ dành riêng cho dân da đen, tuyệt đối cấm dân da trắng bén mảng đến. Hãy thử tưởng tượng có những hội nhóm chỉ dành riêng cho dân da trắng và tuyệt đối cấm dân da đen, những hội nhóm đó sẽ thọ được bao lâu trước khi bị tẩy chay, chửi bới, thưa ra tòa, bị FBI đóng cửa"

Trong các hãng xưởng cũng như trong các trường học, các luật “Affirmative Actions” đều được áp dụng chặt chẽ, bắt buộc phải có tối thiểu bao nhiêu người da màu trong hãng hay trong trường, không cần biết những người này có đủ tiêu chuẩn, hay khả năng hay không.

Trong cuộc tranh cử tổng thống hiện nay, có biết bao ông bà da đen đã công khai tuyên bố muốn bầu cho Obama vì ông này là da đen. Hãy thử tưởng tượng một cử tri trắng lên truyền hình tuyên bố “tôi sẽ bầu cho McCain vì ông này là da trắng”! Bảo đảm trong vòng hai phút thôi, ông McCain sẽ phải lên truyền hình chửi bới anh này liền.

Ngay cả chuyện “màu da” của ông Obama cũng thật là đáng ghi nhận.

Ông Obama ý thức rõ ràng nước Mỹ chỉ có hơn 10% là da đen nên ngay từ đầu cuộc vận động tranh cử, ông cố tránh không nhắc đến màu da của mình. Bà Hillary Clinton cũng nhìn thấy rõ con số 10% đó nên cho ông chồng và các đệ tử khéo léo “nhắc nhở” chuyện này cho cử tri. Ông Clinton công khai ca tụng cuộc tranh cử này lần đầu tiên đưa một ứng viên phụ nữ và “một ứng viên da đen ra tranh cử”. Thống đốc Pennsylvania, Ed Rendell, tuyên bố thẳng thừng “dân Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận người da đen làm tổng thống”.

Điều ông Clinton và rất nhiều người khác không nhắc đến là ông Obama này chỉ lai thôi.

Bà mẹ ông là Mỹ trắng rặc mà sao không ai để ý" Ông là 50% đen và 50% trắng đều nhau, tại sao không ai nói ông là “trắng” hay “xám”, mà lại nói ông là “đen”" Cái 50% trắng của ông liệng đi đâu rồi"

Chiến lược của bà Hillary thành công ở điểm khiến cho dân da đen ý thức được Obama là người cùng màu da và ùn ùn chạy theo Obama ngay. Nhưng điều bà Hillary mong đợi, là vì vậy mà dân da trắng ùn ùn chạy qua bên bà, lại không xẩy ra. Chỉ vì bà Hilary đánh giá sai lầm phản ứng ngược xuất phát từ tình trạng “chối bỏ tập thể” đã bàn ở trên.

Hiển nhiên yếu tố màu da là yếu tố hết sức quan trọng trong đời sống chính trị Mỹ hiện nay. Nhưng chỉ vì cái mặc cảm kỳ thị mà không ai dám công khai đụng đến nó hết. Obama đang mặc một thứ áo giáp chắc hơn thép. Cái ông thượng nghị sĩ già Biden, khi còn tranh cử với Obama, chỉ cần mở miệng khen Obama thông minh (articulated) là bị đòn hội đồng ngay. Thiên hạ hỏi ngay “Thế nghĩa là gì" Ý ông muốn nói dân da đen không thông minh, chỉ có Obama là trường hợp đặc biệt thôi sao"” Báo hại ông Biden phải phân trần muốn đứt hơi. Đó là ông Biden này chưa
chê Obama dốt mà đã bị đòn rồi. Còn ai dám đụng mạnh hơn nữa"

Sự thành công của ông Obama cho đến ngày hôm nay, một phần cũng nhờ cái áo giáp ”thép đen” đó, mặc dù không ai phủ nhận được tài ăn nói xuất chúng và sự thông minh thực sự của ông. Mới đây, bà Geraldine Ferraro tuyên bố thẳng thừng ông Obama sẽ không thể có sự thành công như đang thấy nếu ông là một người da trắng. Sau câu nhận định, bà Ferraro - vốn là cựu ứng viên phó tổng thống của Dân Chủ năm 1984, và cựu thần tượng của giới cấp tiến - đã bị báo chí cấp tiến tấn công đến độ phải rút ra khỏi Ủy Ban Vận Động cho bà Hillary. Trong tương lai, nếu Obama đắc cử làm ứng viên Dân Chủ, chắc chắc bên Cộng Hòa và McCain sẽ phải uốn lưỡi bẩy lần mỗi khi muốn lên tiếng đả kích ông Obama.

Trong cộng đồng tỵ nạn Việt, rất nhiều người cho rằng Obama sẽ khó có hy vọng chống lại McCain vì dân da đen chỉ là thiểu số 10% trong khi dân da trắng Mỹ vẫn là đại đa số và phần lớn những người này chưa sẵn sàng chấp nhận một người da đen làm tổng thống. Nói như vậy có thể đúng vào kỳ bầu cử tháng Mười Một. Nhưng cho đến nay, lập luận này dường như chưa phản ánh đúng sự phức tạp của vấn đề kỳ thị màu da tại Mỹ. Nếu tính số phiếu thu hoạch được bên Dân Chủ cho đến cuối tháng Hai, Obama đã thu được một triệu phiếu nhiều hơn bà Hillary (10,4 triệu phiếu của Obama so với 9,4 triệu phiếu của Hillary). Có nghĩa là khá nhiều dân da trắng đã bỏ phiếu cho Obama.

Nước Mỹ thật sự vẫn đang còn vật lộn với nạn kỳ thị nam nữ và kỳ thị da màu.
Dù sao đi nữa, ông Obama cũng như bà Hillary đều là những người đang cố lật một trang sử mới cho nước Mỹ, đập phá những bức tường kỳ thị nam nữ và kỳ thị da màu. Thành công hay không thì chưa ai biết được. Chỉ biết cái xui xẻo cho nước Mỹ là cả hai người cùng ra sức một lúc, và cũng đang đánh nhau tận tình. Cho dù thành công, cũng chỉ có được một người thành công và một bức tường bị đạp đổ mà thôi, người kia sẽ phải chờ thêm vài chu kỳ bầu cử tổng thống nữa (15-3-08).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1975, VNCH thua trận. Ít lâu sau đó MTGPMN cũng tiêu vong, không kèn không trống, không Cáo phó, Thiệp tang gì cả
Doanh nghiệp phải đảm bảo là không đồng lõa với nạn chà đạp nhân quyền... Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và được hưởng quan hệ kinh tế
Tân-Tư-Bản Đại-Địa-Chủ-Đỏ, Big New Red Capitalist Landlords, ở Việt Nam đã, đang và sẽ thu gom tích tụ ruộng đất canh tác của người Nông Dân Việt Nam Nghèo
Cuộc biểu tình khiếu kiện suốt 26 ngày đêm (từ 23-6 đến 18-7 năm 2007) của nông dân miền Nam trước Văn Phòng 2 Quốc Hội
Dân Mỹ là một dân tộc rất mê thể thao. Từ football đến baseball, bóng rổ, hockey, v.v… Thể thao trong quan niệm Mỹ không những rèn luyện thể xác
Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, trước khi chính thức rời Hà Nội vì đã mãn nhiệm, hôm 30/7 vừa qua
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm"
San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc
Nhà giàu, học giỏi, mà thành khủng bố tự sát" Sao không ứng cử tổng thống" Vụ khủng bố hụt tại London và phi trường Glasgow
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.