Hôm nay,  

Đêm Thắp Nến Tưởng Niệm 40 Năm Biến Cố Mậu Thân-Huế

09/01/200800:00:00(Xem: 7209)

Ảnh bìa trái: Thượng Tọa Thích Bổn Đạt, Chủ Tịch HDDDDH GiáoHội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Canada. Ảnh giữa, trên: Nữ danh ca Khánh Ly trong chương trình văn nghệ thắp nến tưởng niệm 40 năm biến cố Mậu Thân – Huế – dưới: Thanh niên Thiện Nguyện Pháp Vân với đồng phục mầu trắng trong đêm thắp nến tưởng niệm 40 năm biến cố Mậu Thân – Huế. Ảnh bìa phải: Bé Quỳnh Trâm với “Oh! Canada và Quốc Ca VNCH” mở đầu cho phần nghi lễ truy điệu và thắp nến tưởng niệm 40 năm biến cố Mậu Thân – Huế.

Điện thoại reo liên hồi, những người ở rất xa, vừa biết tin giờ chót có Đêm Thắp nến Tưởng niệm 40 năm (1968-2008) biến cố Mậu Thân ở Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Pháp Vân (Canada) và muốn tham dự. Tiếng nói đầy xúc động đầu giây "….Ba em mất tích Tết năm ấy, xác vùi mô rồi…Tết hằng năm vẫn làm giỗ ; chú tôi tìm thấy xác ở Bãi Dâu; cô có phải người Huế Không, cô có biết ông VNP, ông cuả cháu cũng bị chôn sống năm ấy, cháu đang ở rất xa tận Windsor, nhưng sẽ về chùa làm giỗ, giỗ chung của Huế mà…" Tôi giật mình thảng thốt, người anh họ, con dì tôi đây, tôi biết anh là nạn nhân năm ấy, nhưng không biết có con cháu ở đây. Chưa kịp hỏi thêm, điện thoại đã cúp, biết ai mà hỏi, thẫn thờ tôi giữ ống nghe giây lâu…rưng rưng với tâm trạng bàng hoàng của đêm Tết Mậu Thân năm nào. Điện thoại còn reo, nhiều người cần tin tức giờ chót, lộ trình đi, giá vé, muốn đóng góp, một người Huế xin được hát bài hát chủ đề: chuyện một chiếc cầu đã gẫy của Trầm Tử Thiêng …còn nhiều nữa mà tôi lặng câm. Đã 40 năm qua mà xúc động còn nguyên!

Buổi lễ Tưởng Niệm 40 năm Mậu Thân bắt đầu đúng giờ như thông báo trên báo chí 7giờ tối . Hội trường đông kín người, lặng lẽ và trang nghiêm. Có sự hiện diện của cơ quan truyền thông báo chí, Thời Báo, Saigon Canada, Viet times, Đài truyền thanh Tiếng nói Việt Nam Đài truyền Hình Việt Hải Ngoại và đài truyền hình SBTN. Hai bài Quốc ca Canada và Việt Nam như vút cao giữa thinh không với giọng hát của bé Quỳnh Trâm . Phút mặc niệm hơn bao giờ hết như có chút nghẹn ngào u uất bên hình ảnh thê lương của nạn nhân biến cố Mậu Thân năm 1968. trên toàn miền Nam Việt Nam và rõ nét nhất vẫn là Huế.

Quí Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và Sa Di gồm 15 vị đến từ Hoa Kỳ, Ottawa, Montreal, Kitchener, Hamilton, Toronto và Mississauga, trong y đạo mầu vàng trang nghiêm trên hai dãy ghế hàng đầu. Thượng Tọa Thích Bổn Đạt được mời phát biểu đôi lời cảm niệm về biến cố Mậu Thân.

Như một nhân chứng lịch sử Thượng Tọa làm sáng tỏ thêm vụ thảm sát ở Huế vào Tết Mậu Thân và như nói dùm những người Huế hiện diện, gia đình của các nạn nhân nỗi oan khiên đau xót mà ám ảnh không bao giờ nguôi. Thượng Tọa nhấn mạnh phải có Tự Do Tôn Giáo, phải tôn trọng Dân Chủ, Nhân quyền, lấy tình thương yêu sang suốt mà đối xử, để lịch sử Việt Nam không phải lâm cảnh thảm sát tàn khốc, không có những mồ chôn tập thể như biến cố Mậu Thân mà người Việt Nam nào cũng xót xa kinh hoàng mỗi lần nhớ đến. Cuộc tổng tấn công và thảm sát Tết Mậu Thân 1968 được lược chiếu qua clip video làm sống lại một ngày Tết Mậu Thân kinh hoàng, đã được xem bao nhiêu lần mà hôm nay tiếng nấc vẫn nghẹn ngào, nước mắt vẫn ràng rụa giữa tiếng AK lẻ tẻ và tiếng pháo kích xé trời …trên màn ảnh . Nghi lễ Cầu Nguyện và Thắp Nến, phần chính của buổi Tưởng Niệm thật tôn nghiêm và cảm động: cảm nghĩ về biến cố đau thương Mâu. Thân 1968 của hai thế hệ, một nhân chứng trên Quê Huế, một của thế hệ thứ hai mà chuỗi ngày sống trên đất nước người dài hơn trên Quê Hương Việt Nam. Trước bàn thờ nghi ngút trầm hương, chân dung Đức Phật Thích Ca Từ Bi sáng đuốc Trí Tuệ chiếu rọi, các con Phật trong lễ phục mầu vàng tôn kính chắp tay, trước Hội trường 10 cháu nam nữ trong đồng phục áo dài trắng, áo sơ- mi trắng, quần tây dài mầu đen hai tay cầm nến hướng lên lễ đài và tất cả quan khách trong hội trường cùng đứng dậy, Nến được chuyền đến tay mọi người lặng lẽ và kính cẩn.

Sau hồi chuông thanh thoát, lời cầu nguyện do một vị sư tuyên đọc vừa cất lên, đèn hội trường phụt tắt và ánh nến đồng loạt thắp sáng trong tay mọi người trân trọng và thành kính . Lời cầu nguyện theo ánh nến lung linh như thắp sáng trí tuệ để đồng lòng cầu xin (nguyên văn):

Ngưỡng lạy mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng thùy từ chứng minh.

Hôm nay, chúng con vân tập về đây, thiết lập đàn tràng truy niệm những nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc trên Quê Hương Việt Nam, đặc biệt hướng vọng đến những vong linh đã bỏ mình trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968 tại Huế.

Kinh Phật dạy, những thống khổ của thế gian nếu có hình tướng sẽ trùm lấp cả sơn hà vũ trụ. Khổ đau ấy là do túc nghiệp sâu dày, tương oan tương báo trùng trùng của chúng sanh, phát sinh từ cội gốc của tham lam, sân hận, si mê và kết thành nghiệp quả qua những tác động khủng khiếp của thiên tai cũng như hành vi vô minh của con người.

Mùa xuân Mậu Thân cách đây 40 năm , thay vì đón chào một năm mới an vui, hang vạn người, hàng ngàn gia đình đã lâm vào cảnh tang tóc vì chiến tranh : nhà cửa ruộng vườn tan hoang, con mất cha, vợ mất chồng, thân bằng quyến thuộc phải cắt ruột chia lià nhau. Những ngày kinh hoàng với đạn bom và khói súng mù mịt. Những đêm khủng khiếp với những cuộc tàn sát bí mật hoặc công khai, cá nhân hay tập thể. Những xác người không toàn thây. Bãi Dâu là mồ chôn hàng loạt với những thi thể vô tội chất chồng ngổn ngang. Tiếng khóc vang trời, máu rơi tràn đất. Tất cả những nỗi oan khiên và tàn bạo ấy đều do con người, do chính con người, nhân danh chủ nghĩa, ý thức hệ, thậm chí vì tư thù hoặc tham vọng cá nhân, đã gieo rắc cho kẻ khác.

40 năm nhìn lại, người con Phật vận dụng lòng từ bi và trí tuệ của mình để quán chiếu thực tại thống khổ của thế gian, xin nhất tâm nguyện cầu các vong linh nạn nhân chiến tranh, đều xóa bỏ oán kết, tịnh tâm hướng thiện, siêu sinh về những cảnh giới an lạc, hạnh phúc. Đồng thời trong niệm tỉnh thức và lòng thành hướng về Quê Hương, trong sự trang nghiêm thanh tịnh của đạo tràng này, chúng con xin:

o Thắp ngọn nến này, ngọn nến của Từ Bi, nguyện trang trải niềm thương yêu đến với muôn loài; tất cả mọi người thương yêu nhau hơn, chuyển hóa niềm sân hận thù ghét thành tình thương rộng lớn; những kẻ ác sẽ hồi tâm hướng thiện; những người hiếu chiến sẽ buông bỏ bạo lực; những kẻ độc tài sẽ yêu chuộng tự do.

o Thắp ngọn nến này, ngọn nến của Trí Tuệ,nguyện khai mở sự hiểu biết cho bao kẻ lầm lạc si mê; tất cả mọi người sẽ cảm thông nhau hơn, chuyển hóa sự vô minh cố chấp bằng sự bừng sáng của tuệ giác, thắp sáng lương tri của những kẻ còn đầy tham vọng; những ai u tối sẽ được bừng sáng; những người sai lầm sẽ thấy rõ đường đi; khai thông tất cả những bế tắc và những ám chướng ngăn trở con đường dẫn đến giác ngộ.

o Thắp ngọn nến này, ngọn nến của Hùng Lực, nguyện đem sự an bình vô ngại đến cho cuộc đời; tất cả mọi người, ở mọi nơi, trên khắp hành tinh này, sẽ không còn hãi sợ lo âu nữa; chuyển hóa tất cả sự nhu nhược và nhút nhát thành lòng can đảm, hiên ngang; những kẻ tham tàn bạo ngược sẽ hối cải quay đầu; khơi dậy lòng dũng cảm bất khuất của con người trước cường quyền bạo lực; ngọn lửa vô úy, ngọn lửa của đại hung đại lực sẽ bừng tỏa khắp nơi, triệu con tim sẽ uy dũng đứng dậy; muôn người như một, theo gương tiền nhân, không còn hãi sợ nữa, tất cả cùng đứng dậy cho một tương lai tươi sáng của Dân tộc và Đạo pháp muôn đời.

Nam mô Nhiên Đăng Phật

Nam mô Siêu Lạc Độ Bồ Tát Ma ha tát.

Lời cầu nguyện vừa chấm dứt thì ban hợp ca bốn nam và bốn nữ cũng trong đồng phục trắng , đứng giũa là ca sĩ Khánh Ly trong mầu áo tím . Trước mặt ban đồng ca có hai cháu nhỏ nam nữ mặc quốc phục cầm hai lá cờ vàng ba sọc đỏ đưa cao và vẫn trong ánh nến lung linh hội trường , bài hợp ca Một Ngày Việt Nam của Trầm Tử Thiêng vang lên hùng hồn và cảm động …Bài hát chấm dứt, ánh nến tắt . Mọi người an tọa , giải lao 15 phút để vào phần văn nghệ với chủ đề " Chuyện một chiếc cầu đã gãy".

Bài hát chủ đề mở đầu chương trình Văn nghệ do giọng ca của bé Thư Văn, thế hệ thứ ba Hải ngoại, diễn cảm và trong thanh theo tâm sự vơi đầy của chiếc cầu gãy mà bé chưa thấy lần nào nhưng sao đầy xúc cảm của cha mẹ trên bước đường lưu vong.

Khánh Ly với nhiều bài ca theo chủ đề, tôi thích nhất là bài " Tôi cố bám lấy đất nước tôi " nhưng "vô Vọng " Khánh ly diễn tả rất "đạt" niềm vô vọng bi thương của tác giả Nguyễn Đình Toàn và của tất cả chúng ta, người Việt Nam Tỵ nạn ; và bài hát của Nam Lộc, Khánh Ly song ca với Minh Luân, khán thính giả xót xa vời vợi vì hai câu " Tự Do ơi, Tự do ơi…Tự do tôi đổi bằng nước mắt…bằng máu xương." Giọng ca mới của Minh Luân tròn trịa và bay cao trong những bản hùng ca quê hương nhận những tràng pháo tay vang vang. Bé Quỳnh Trâm với "Tìm thấy Quê Hương" và Thư Văn với "Yêu cái đèn cù"…các cháu thế hệ thứ ba cũng làm hài lòng các bậc ông bà cha mẹ trên xứ người …Chương trình văn nghệ đóng lại với thêm "một ngày Việt Nam" để màn ảnh hạ xuống cho thấy cờ vàng ba sọc đỏ tiến lên kỳ đài Phu Vân Lâu, khi thành phố Huế hát khúc chiến thắng sau biến cố Mậu Thân.

Chương trình đã đến hồi kết thúc mà một số người còn ngồi lại thẫn thờ nhắc thêm chuyện xưa…Ca"m động biết chừng nào khi đi thu lại những nến đã dùng xong, có người rưng rưng xin giữ lại đôi nến để về nhà để lên bàn thờ người thân , nạn nhân của cuộc thảm sát như một kỷ niệm đầy xúc động mà nhà chùa Pháp Vân đã tổ chức Tưởng Niệm cho thân nhân của họ, một lễ giỗ lớn mà cộng đồng hải ngoại dành giây phút nghĩ về nạn nhân trong biến cố đau buồn 40 năm qua tưởng đã chìm vào lãng quên. Một việc làm đầy ý nghĩa tình đồng bào mà trung tâm văn hóa Pháp Vân đã dành cho họ trong dịp sắp bước vào đầu năm Mậu Tý đáng nhớ…

Bao giờ được tham dự môt chương trình nào ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp Vân tôi cũng ngưỡng mộ tinh thần thiện nguyện đẹp ngời của các bác trong ban ẩm thực và các thanh niên nam nữ trong ban trật tự và tiếp tân… Lần này mọi người có được 40 DVD về Huế của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hòa vừa sáng tác để gây quĩ cho tổ chức lễ Tưởng Niệm 40 năm Mậu Thân hôm nay. Hoan hô tinh thần hoài niệm Huế của anh. 500 dĩa trái cây phục vụ quí khách không đủ, may nhờ 500 bánh bông lan của một bác đem đến sau cùng tặng buổi lễ, cả mâm cháo nấm nóng thơm mùi chay tịnh cho ấm lòng những người làm việc sau buổi lễ bế mạc … cảm động biết bao những tấm lòng vàng!

Gần 10 giờ đêm, gió bớt lạnh hơn những hôm trước nhiều, mọi người ra về trong niềm nhớ Quê Hương vấn vương hơn cả bao giờ.

YLa ghi nhanh  (Pháp Vân:  http://www.phapvan.ca)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một hiện tựơng đang làm nức lòng giaó dân Việt Nam: nhiều ngàn người Công Giáo Hà Nội trong đêm 18-12-2007
Thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, từng bước chúng biến đất nước nầy thành một nhà tù vĩ đại, từng bước chúng muốn biến vua quan nước này
Từ thế kỷ 17, năm 1686, chúa Nguyễn Đàng Trong đã tổ chức một Hải Đội Hoàng Sa để thường xuyên tuần tiểu đảo Bãi Cát Vàng, tức Hoàng Sa
Quê nhà Cần Thơ lọt thỏm giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long cho nên chỉ hiểu biết tận tường đất nước con người như mùa màng
Thưa quý thính giả, trong khi Hà Nội tiếp tục im lặng và chưa có một hành động cụ thể nào trước việc Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn chủ quyền Việt Nam
Trước sự kiện Trung Cộng tuyên bố chủ quyền và thiết lập hệ thống chính quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, giới thanh niên trong nước đã lên tiếng
Về tâm lý học, con người thường tin vào những điều mình muốn tin. Nhưng sự thật đôi khi không làm hài lòng ý muốn đó.
Ngày 2-11-2007 Quốc Vụ Viện Trung Quốc (TQ) thông qua việc thiết lập đơn vị hành chính huyện Tam Sa thuộc tỉnh đảo Hải Nam
Hành động cấm dân chống Tàu xâm lược của Nhà nước Cộng sản Việt Nam trong hai Cuộc biểu tình tại Sài Gòn và Hà Nội ngày 9 và 16-12
Ông Trương Văn Ba, một cư dân tại Hawaii, đã trở về Việt Nam để vận động cho cuộc dân chủ hóa đất nước bằng phương pháp ôn hòa
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.