Hôm nay,  

Người Mỹ Thực Tế

08/01/200800:00:00(Xem: 9738)

Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1787, trong đó không hề có một chữ "Thượng Đế" (God). Thời kỳ đó cách nay đã hơn hai thế kỷ, người dân Mỹ khi đó tuyệt đại bộ phận là dân Anglo-Saxon di cư từ vương quốc Anh sang tìm tự do tôn giáo hoặc mưu cầu một sự đổi đời, làm giàu. Với dân số gần 4 triệu khi Liên Bang Hoa Kỳ được thành lập, nguời Mỹ khi đó có nhiều tôn giáo khác nhau nhưng tất cả đều là Thiên Chúa giáo,  chỉ khác nhau hệ phái. Thế nhưng khi viết hiến pháp, họ đã có tầm nhìn xa đến cả mấy thế  kỷ. Họ không áp đặt tôn giáo, không kỳ thị tôn giáo.

Thực tế khác biệt về hệ phái tôn giáo  trong số những người đầu tiên lập nghiệp ở xứ sở mới va kinh nghiệm chiến tranh tôn giáo  ở lục địa cũ (old continent) đã cho họ những bài học quý giá. Họ vẫn là những tín đồ sùng tín ngày nào, nhưng họ thực tế hơn, nhìn xa, trông rộng hơn. Bản hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 chính là viên gạch quan trọng xây dựng nên một nước Mỹ đa nguyên, đa văn hóa. Và đó không chỉ là sáo ngữ mà thực sự chính là nguyên tố căn bản tạo nên một đất nước bao  dung, phong phú mà ta biết như ngày hôm nay. Nước Mỹ chắc chắn không phải hoàn hảo,  nhưng nếu so sánh nước Mỹ và các nước đương thời khác ta không thể không thán  phục óc tiến bộ của họ.

Vào thời kỳ nước Mỹ lập quốc, những nước Á Đông chung quanh Việt Nam và cả chính nước Việt Nam ta khi đó, có mấy nước phân biệt được rạch ròi tôn giáo và quyền lực" Nếu một nhóm dân có một niềm tin khác với vương triều đương thời và  được để yên cho hành đạo, sinh hoạt thì đã là điều may mắn. Có triều đại phong kiến Á  Đông nào không muốn áp đặt tư tưởng, niềm tin của mình lên tất cả thần dân" Hiến pháp Hoa Kỳ phản ánh óc thực tế, tiến bộ của những người viết ra nó vậy.

Nội chiến Mỹ kéo dài bốn năm, để lại bao nhiêu tổn thất nặng nề, với số người chết hơn 600 ngàn, trở thành cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử Mỹ. Vị tổng thống Mỹ thời đó, ông Lincoln không phải chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất mà ông còn là người thực tế và khôn ngoan. Ông Lincoln không đánh miền Nam vì miền Nam có chế độ nô lệ, mặc ông dù  chính ông tin vào lẽ công bằng, tin vào tương lai nước Mỹ sẽ không thể duy trì chế độ  nô lệ lâu dài. Ông hiểu rằng không thể thay đổi tư tưởng, quan niệm một bộ phận người dân một sớm một chiều, và cũng không thể chủ quan, vội vã ép buộc người khác theo chân lý của mình. Điều đó không phù hợp đối với một vị tổng thống như ông vì ông là tổng thống của tất cả chứ không phải chỉ những người cùng niềm tin với ông, và điều đó cũng không thực tế vì con người vốn chỉ thích nghi với hoàn cảnh và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc sống thực tiễn quanh mình chứ hiếm khi vì lý lẽ của người đối lập với mình.

Sử sách Mỹ kể về những biến cố dẫn đến cuộc nội chiến thảm khốc có không ít những lời chỉ trích, phê phán những người đã gây ra cuộc đẫm máu ở Kansas năm 1856 (bleeding Kansas). John Brown, nhân vật chính trong biến cố là người chống chế độ nô lệ nhờ niềm tin vào Thượng Đế, vào lẽ công bằng, có thể khẳng định ông là người dũng cảm, là người đi trước thời đại. Nhưng lịch sử vẫn đánh giá khắt khe ông vì ông thiếu thực tế, ông quá khích, vì ông cho rằng niềm tin vào chân lý của ông biện hộ cho việc ông làm. Ông và bốn người con của mình đến Kansas đánh giết một nhóm người ủng hộ nô lệ và cũng là di  dân như ông đến đây để mong biến Kansas thành một tiểu bang có chế độ nô lệ. Bạo lực bùng nổ giữa hai phe và góp phần trực tiếp dẫn đến cuộc nội chiến 5 năm sau. Một cuộc nội chiến có thể tránh được nếu những thành phần ôn hoà làm chủ được tình thế lúc đó. Tổng thống Lincoln chỉ quyết định tiến đánh miền Nam khi họ tuyên bố tách khỏi Liên Bang ngay sau khi ông đắc cử tổng thống năm 1860.

Không lỗi lạc như Lincoln, nhưng tổng thống Nixon vẫn được không ít sử gia đánh giá cao về đường lối ngoại giao thực tế trong thời gian đương nhiệm. Nhắc đến Nixon, người ta liên tưởng ngay đến chiến tranh Việt Nam và Watergate. Cánh tả phê phán ông dối trá dân Mỹ, xem ông là một tay xảo quyệt, kéo dài một cuộc chiến không thể thắng, khoét sâu hố chia rẽ trong xã hội Mỹ. Cánh hữu trách cứ ông đã trói buộc quân đội Mỹ chiến thắng Cộng Sản khi giới hạn chiến tuyến trong miền Nam Việt Nam và đã nhân nhượng với Cộng Sản.

Thời gian trôi qua, người ta có thời gian để đánh giá ông khách quan hơn. Biến cố Đông Âu và Liên Bang Xô Viết sụp đổ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thôi thúc nhiều nhà nghiên cứu truy tìm nguyên do sự kiện lịch sử này. Và đã xuất hiện nhiều nhận xét về ông mang tính tích cực hơn. Người ta đánh giá cao chuyến đi Bắc Kinh 1972 trong chiến lược hoà hoãn  đồng thời chia rẽ khối Cộng Sản của ông với tham mưu của cố vấn Kissinger. Trong các tổng thống Mỹ cận đại là đảng Cộng Hoà, ông Nixon thuộc trường phái thực tế. Ông cũng "bất cộng đái thiên" với Cộng Sản như tổng thống Reagan, hay mạnh mẽ như tổng thống  George W. Bush chống khủng bố Hồi giáo, nhưng ông không chịu ảnh hưởng của tư tưởng  trường phái tân bảo thủ (neo-conservative), mà ông là người thực tế, hay nói trại đi ông là  một chính trị gia thực dụng.

Chính sách ngoại giao của ông xuất phát từ lập trường chống  chủ nghĩa bành trướng Cộng Sản, và vì thế mà ông chọn sách lược bao vây, chia rẽ khối  Cộng Sản, mà đứng đầu là Liên Bang Xô Viết, để nó suy yếu dần và cộng hưởng với nhiều điều kiện khác cuối cùng nó sẽ sụp đổ. Nhưng để tránh thế giới rơi vào nguy cơ thế chiến  thứ 3 với những thứ vũ khí ghê gớm gâp bội lần 2 quả bom nguyên tử rơi xuống đất nước  Phù Tang năm 1945, ông dùng chính sách ngoại giao hoà hoãn với khối Cộng Sản. Cứng  mềm, cương nhu cùng song hành không phải chỉ là sách lược chiến tranh trong Tôn Tử  Binh Pháp, mà có thể nói nó còn là quy luật sống của nhân loại từ thời tạo thiên lập địa.

Ta  có thể chọn thái độ ca ngợi hay chê trách người Mỹ, nhưng ta khó có thể phủ nhận là  người Mỹ có óc thực tế. Hành động của họ không quá khó hiểu nếu ta không quên truy tìm  mọi động cơ xuất phát từ lợi ích của họ. Điều đó có thể phũ phàng với nhiều người nhưng  nó thật rất tự nhiên và sòng phẳng. Và nếu ta thành tâm suy niệm lại tất cả những gì ta làm,  đã có bao nhiêu hành động của ta không thực sự xuất phát từ quyền lợi" Quyền lợi ở đây  không chỉ là tiền tài, danh vọng, mà còn là cái tôi, lòng kiêu hãnh...

Đã có không biết bao  nhiêu ví dụ về những việc làm của một cá nhân, một tổ chức, hay lớn hơn nữa là một quốc  gia mà nếu chỉ nhìn bề mặt thì nó có vẻ bắt nguồn từ một mục tiêu cao cả, nhưng khi nhìn sâu hơn và khi ta có thời gian để đánh giá toàn diện hơn thì ta phát hiện động cơ sâu xa  chính là quyền lợi cá nhân, phe nhóm hay của riêng dân tộc này đối với dân tộc kia.

Trong cuộc sống hằng ngày, ta có thể nhận ra cá tính thực tế của người Mỹ trong nhiều phương diện. Một thí dụ nhỏ nhưng gần với đời thường là khi một gia đình người Mỹ vào  một nhà hàng gọi món ăn. Hoặc là mỗi người tự trả riêng hoặc nếu có ai đó muốn trả tiền  cho tất cả mọi người thì người ấy sẽ nói trước. Dù là anh em, cha mẹ và con cái đi ăn chung cũng thế, họ luôn sòng phẳng nhưng rất thực tế.

Người Việt ta có thói quen hiểu ngầm, biết nhưng không nói ra. Duy có điều, ngày càng nhiều người nhận ra điều này không còn là thượng sách, thiếu thực tế vì thật ra mọi người đâu có phải luôn đồng lòng, nghĩ giống  nhau đâu. Ngoài mặt ta có thể vì tình cha con, anh em, huynh đệ mà không nghĩ ngợi những thứ cho là nhỏ nhặt, nhưng có phải ta luôn thực sự nghĩ thế đâu. Tình cảm thực sự không đơn giản chỉ được đánh giá qua những cử chỉ "hào hiệp" tức thời. Chẳng phải ngay cả  người Việt cũng có những vụ án anh giết em, con giết cha, chồng giết vợ chỉ vì tiền đó  sao" Sao lại có thể cho rằng chỉ có người Mỹ thiếu tình cảm gia đình mới sinh ra những  chuyện tồi tệ"

Chấp nhận thực tế là một bước quan trọng trong quá trình hiểu mình, hiểu  người, để rồi sau đó ta đón nhận nó và cuối cùng là trân trọng nó. Thực tế chính là công  nhận sự thật, điều mà người không có hoặc thiếu thực tế không dám nhìn nhận nó hoặc  không muốn tìm hiểu nó.

Cách mạng có khi là giả hiệu, nhưng ngay cả khi cách mạng mang lại thay đổi chính đáng, ích nước lợi dân thì nó vẫn không bằng không có cách mạng, vì cách mạng luôn kéo theo sự thay đổi lớn lao trong cuộc sống đối với mọi tầng lớp dân chúng.

Trong lịch sử có thể nói chưa có nước nào không có cách mạng mà vẫn phát triển vì lịch sử nhân loại không bằng phẳng, không đơn giản mà đầy dẫy những đấu tranh của những tầng lớp bị trị, nghèo đói giành quyền sống, quyền tự do, độc lập. Nhưng một điều chắc chắn là nước Anh, mà cụ thể hơn là người Anglo Saxon, dân tộc đầu tiên tiên lập nghiệp, xây dựng  và góp phần lớn nhất trong việc tạo nên một nền văn hóa đa nguyên ở Mỹ, có ít cách mạng nhất và cách mạng ít đẫm máu nhất.

 Hiệp ước Magna Carta 1215 và Cách Mạng Huy Hoàng (Glorious Revolution) 1688 theo thứ tự đem lại nhiều quyền hơn cho quý tộc và nghị viện Anh, giảm bớt quyền lực của hoàng gia, và tránh được tối đa sự đổ máu. Đó chính là những cột mốc đánh dấu sự dịch chuyển quyền thế từ cao xuống thấp trong xã hội Anh nói riêng và cả nhân loại nói chung. Người Anglo-Saxon thực tế nên họ biết ngồi lại thương thảo với nhau, không ngoan cố, "thắng không kiêu," người ngồi trên biết lùi khi đến lúc, kẻ dưới biết tiến vừa phải, không quá khích.

Cách mạng Pháp 1789 kéo theo nó biết bao hỗn loạn, giêt chóc một phần vì người Pháp thiếu óc thực tế như người Anh, mà cách mạng thì dễ quá đà vì những người vừa lên nắm quyền thì tự phụ, còn đám dân đen thì thiếu thực tế, tưởng cách mạng là đổi đời, là từ nghèo ra giàu. Gần đây hơn, ta còn thấy điều đó ở Nga năm 1917, Trung Hoa những năm 1911, 1965, và cả ở Việt Nam...

Lịch sử có vô vàn sự kiện diễn tiến liên tiếp nhau. Nhưng nếu ta nhìn vào những thuộc địa của Anh 2, 3 thế kỷ trước và bây giờ là những đất nước giàu có như Mỹ, Canada, Úc và so sánh những nước này với các thuộc địa của Pháp, Tây Ban Nha thì ta thấy gì" Người Pháp và Tây Ban Nha chú tâm truyền bá văn hóa, tôn giáo của họ đến các thuộc địa hơn là phát triển thương nghiệp, kiến thiết thuộc địa. Ngoài những lý do khác thì đó là những  nguyên nhân quan trọng góp phần trì hoãn sự phát triển các thuộc địa của Pháp và Tây Ban  Nha so với các thuộc địa của Anh.

Đến ngày hôm nay, người dân những nước một thời là  thuộc địa tâm tư thế nào đối với những người da trắng đô hộ họ ngày xưa, ta có thể thấy là lòng thương ghét đối với người Pháp và Tây Ban Nha cũng gần giống với người Anh.  Tốn bao nhiêu xương máu, tâm trí để "giáo hóa" dân bản xứ để rồi không gặt hái được hơn tình cảm dân thuộc địa mà còn đẩy các xứ thuộc địa lâm vào tình trạng trì trệ so với  các thuộc địa của Anh thì có thể xem là thành công được chăng" Người Anh thực tế, họ  chỉ chú trọng thương mãi và hiểu rằng truyền bá tôn giáo, văn hóa có thể tạo được cảm  tình của một bộ phận dân chúng nhưng cũng tạo sự chia rẽ, thù ghét của những bộ phận  dân chúng khác. Văn hoá, tôn giáo mỗi nơi khác nhau, nhưng khát vọng cuộc sống hằng  ngày được ấm no, sung túc thì đâu cũng thế. Như vậy, phát triển thương mại không phải là  dung hòa và thực tế nhất đó sao" Trong những di sản người Mỹ thừa kế được từ người Anh thì tính thực tế phải được liệt vào hàng đầu.

Ta có thể tin vào đấng toàn năng, nhưng ta không thể phủ nhận thực tế cuộc sống muôn mặt. Ta có thể rơi vào tâm trạng hoang mang, cô đơn khi nhận ra thực tế không như những quan niệm, lập trường ta ấp ủ, nhưng thực tế khách quan không chờ đợi ta công nhận nó hay không. Lịch sử loài người mặc dù luôn được đánh dấu bởi những sáng tạo, phát minh vĩ đại của con người, nhưng từ ngày khai thiên lập địa bốn tỉ năm trái đất hiện hữu vẫn chủ yếu là quá trình thích nghi của loài người với thiên nhiên. Loài người tồn tại và phát triển là vì biết thích nghi với hoàn cảnh, không như biết bao loài thú khác vì không thích nghi mà phải diệt vong. Chẳng  phải Darwin đã đưa ra thuyết "sự tồn tại của những loài biết thích nghi nhất" là cùng một ý đó sao"

Tôn giáo và khoa học không mâu thuẫn vì tôn giáo nói đến cái bao la, vô hạn và vô hình còn khoa học thì nói đến cái hiện hữu, cái giới hạn. Cuộc sống vốn đa diện, phong phú, trong  đó có những cái vừa mâu thuẫn vừa tương hỗ nhau cùng tồn tại nhưng nó hé mở cho ta  một cái nhìn, ở đó ta giữ được những niềm tin kín đáo, sâu thẳm nhất mà vẫn đồng  hành tiến bộ trong hoà bình cùng nhân loại. Thực tế tức là linh động, không câu chấp, gượng ép thế giới khách quan vào trong cái túi hiểu biết bé nhỏ và định kiến chủ quan của ta, mà uyển chuyển thích ứng với cuộc sống muôn mặt. Nếu ai đó bảo rằng văn minh  Á Đông với bao túi khôn của tiền nhân, trong đó có Kinh Dịch bàn về sự biến thiên  vô cùng trong vũ trụ và kết luận rằng không phải chỉ có người Mỹ mới hiểu sâu sắc về thực  tế thì cũng không sai vậy. Nhưng ta đã ứng dụng nó chưa, hay ứng dụng một cách hiệu  quả chưa"

Bài viết gom nhặt những suy nghĩ tản mạn của người viết để chia sẻ cùng bạn đọc, mà không có ý biến nó thành một bài nghiên cứu nên đã không trích dẫn những tài liệu tham  khảo vốn có thể làm cho bài viết trở nên khô khan.

Tháng 1, 2008 West Palm Beach

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.