Hôm nay,  

Tướng Võ Nguyên Giáp Và Các Hải Đảo Hoàng Sa, Trường Sa

27/12/200700:00:00(Xem: 13194)

Đầu tháng 12 năm 2007, khi nhà nước Việt Nam tiết lộ và lên tiếng phản đối quốc hội Trung quốc thông qua quyết nghị thành lập thành phố Tam Sa bao gồm ba quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (Maccsfield Bank) và Nam Sa (Trường Sa) đặt trung tâm hành chánh của thành phố tại đảo Woody trong quần đảo Hoàng Sa Trung quốc chiếm năm 1974 và thống thuộc tỉnh Hải Nam, người Việt Nam trong và ngoài nước một lòng bày tỏ sự tức giận của mình trước manh tâm lấn đất của Trung quốc.

Và khi nhớ lại “Lời Di Chúc” của vua Trần Nhân Tôn con dân Việt Nam không khỏi giật mình trước lời cảnh giác cách đây 8 thế kỷ của vị anh quân nhà Trần về tai họa phương Bắc hôm nay đang biến thành sự thật. Vua Trần Nhân Tôn căn dặn: "Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra nơi biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu."

Theo tuần báo The Economist số ngày 15 – 21/12/2007 (1) thì chính  phủ Trung quốc không (hoặc chưa) chính thức phổ biến quyết định này vì ngại tạo sự xúc động đối với các nước lân bang. Tuy nhiên sự quản lý thành phố Tam Sa được Trung quốc quy định rõ ràng đặt Việt Nam trước một thực tế cần phản ứng mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền của quốc gia, và trước mắt là bảo vệ tính mạng của 700 quân nhân hải quân đang đồn trú tại huyện Trường Sa (gồm thị trấn Trường Sa và hai xã Sinh Tử Tây và Sinh Tồn) thuộc tỉnh Khánh Hoà, và bao gồm 29 đảo lớn nhỏ (2). Với chính sách dùng vũ lực như họ đã làm năm 1974 đối với Hoàng Sa và năm 1988 đối với Trường Sa, cái ngày Trung quốc đưa tàu chiến ra dùng sức mạnh để chiếm huyện Trường Sa của Việt Nam sẽ không còn xa nếu Hà Nội vẫn chỉ phản ứng bằng nước bọt một cách hèn nhát như hiện nay. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hà Nội chỉ tuyên bố chủ quyền mà không có một động thái nào mạnh hơn để giành lại chủ quyền các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thậm chí trước họa xâm lăng, thanh niên và sinh viên yêu nước quốc nội muốn bày tỏ sự bất mãn của mình trước tòa đại sứ Trung quốc tại Hà Nội và tòa lãnh sự tại Sài gòn cũng bị công an nhà nước đe dọa và ngăn cản. Sau hai tuần lễ (9/12 & 16/12/2007) Hà Nội để cho sinh viên biểu tình trong giới hạn, đến tuần thứ ba (chủ nhật 23/12/2007) họ đã  triển khai một lực lượng an ninh áp đảo để chận đứng các cuộc biểu tình chống Trung quốc của nhân dân.

Theo nhận xét của giáo sư Carl Thayer tại Úc châu thì Hà Nội đã để cho sinh viên biểu tình một cách “nhỏ giọt” để nhắn gởi Trung quốc chớ nên đi quá bước trong lúc này. Nhưng theo một vài nhà quan sát khác tại Sài gòn và Hà Nội thì thái độ của các lực lượng an ninh cho thấy hình như có một sự dùng dằng chưa dứt khoát trong nội bộ đảng.

Sự dùng dằng này có thể do sự bất đồng ý kiến giữa những người cầm đầu công an và quân đội trong Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam trước sự lấn đất lấn đảo của Trung quốc. Sự bất đồng này nếu có cũng là điều tất nhiên, vì quân đội mặc dù được nhồi nắn như là lực lượng vũ trang bảo vệ đảng, quân đội cũng mang trong tiềm thức ý niệm bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ. Cho nên sẽ không phải là một  điều ngạc nhiên nếu phe quân đội trong bộ máy lãnh đạo tại Hà Nội có khuynh hướng phản ứng mạnh mẽ đối với Trung quốc (hơn là lực lượng công an) và là một điều khó khăn cho quân đội nếu được huy động đàn áp sự bày tỏ tinh thần cứu nước của nhân dân.

Nói đến quân đội cộng sản Việt Nam không thể không nói tới đại tướng Võ Nguyên Giáp, mặc dù lúc này ông không còn là một nhân vật trong bộ máy quyền lực. Ông là người chỉ huy lực lượng vũ trang đánh thắng Pháp tại Điện Biên Phủ, buộc người Pháp phải ký Hiệp Định Geneva rút lui khỏi Việt Nam năm 1954 và trở thành một danh tướng trong quân sử thế giới, và cũng là người hoạch định kế hoạch chận đứng cuộc xâm lăng của Trung quốc qua biên giới Việt-Trung tháng 2 năm 1979.

Năm 1958, khi cuộc bầu cử để thống nhất đất nước theo Hiệp Định Geneva không xẩy ra, Hà Nội quyết định thôn tính miền Nam Việt Nam bằng vũ lực, đại tướng Võ Nguyên Giáp lại một lần nữa cầm quân trong chức vụ bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội và tên ông lại được thế giới nhắc nhỡ qua các cuộc tổng nổi dậy Mậu Thân, cuộc bao vây cứ điểm Khe Sanh năm 1968 và chiến dịch Đông Xuân năm 1972 tấn đánh Việt Nam Cộng hòa qua vĩ tuyến 17 bằng quân chính quy. (3).

Danh tiếng của tướng Võ Nguyên Giáp đối với thế giới là cái gai của Lê Duẫn và Lê Đức Thọ nên hai nhân vật này luôn luôn mưu mô trù dập ông, nhưng khi Hồ Chí Minh còn sống, Duẫn và Thọ không làm được gì tướng Giáp.

Sau khi ông Hồ Chí Minh qua đời (tháng 9/1969) hành động đầu tiên của nhóm Duẫn,Thọ là khiển trách tướng Võ Nguyên Giáp đã thất bại trong chiến dịch Đông Xuân năm 1972 và dùng đa số trong Bộ Chính trị tước chức Tư Lệnh quân đội của Giáp giao cho Văn Tiến Dũng (tuy vậy tướng Giáp vẫn còn vững với ghế Ủy viên Bộ Chính trị và bộ trưởng quốc phòng). Qua đại hội 4 của đảng cuối năm 1976, tướng Giáp tụt thang từ số 5 xuống số 6 trong Bộ Chính trị. Tháng 2/1980 ông mất chức bộ trưởng quốc phòng.

Và giọt nước làm đầy ly nước. Tại hội nghị Trung ương đảng tháng 12 năm 1980, tướng Võ Nguyên Giáp đã ủng hộ quan điểm đứng giữa không thiên về Liên Xô hay Trung quốc của Trường Chinh dù Trung quốc vừa tấn công qua biên giới Việt Nam hơn một năm trước (4) chống lại chủ trương thân Liên xô và xa Trung quốc của Lê Duẫn. Lê Duẫn quyết định tước hết quyền hành và ảnh hưởng của tướng Giáp.

Sau đại hội 5 của đảng tháng 3 năm 1982, tướng Giáp mất ghế ủy viên Bộ Chính trị (5). Đến tháng 7 năm 1991, một tháng trước ngày sinh nhật thứ 80 của ông, tướng Giáp mất luôn ghế Ủy viên Trung ương đảng.

Tuy nhiên tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn tư thế trong việc bảo vệ sự an toàn của xứ sở, nhất là trước sự lấn chiếm của người Trung Hoa. Tháng 2 năm 1979,  với chức vụ Bộ trưởng quốc phòng, ông đã giúp tướng Văn Tiến Dũng, tư lệnh các lực lượng vũ trang tổ chức cuộc chống giữ biên giới. Tướng Võ Nguyên Giáp đã làm nhiệm vụ động viên tinh thần binh sĩ một cách có hiệu quả góp phần không nhỏ trong việc ngăn chận quân đội Trung quốc tiến xa hơn vào đồng bằng sông Hồng.

Tuy hồi hưu không còn giữ chức vụ gì chính thức, tướng Võ Nguyên Giáp đã chứng tỏ là một người vẫn thao thức đến các vấn đề trọng đại của đất nước. Những năm gần đây ông đã lên tiếng về vụ chuyên quyền trong bộ máy lãnh đạo đảng (6), lên tiếng về nạn tham nhũng, và gần nhất lên tiếng bảo vệ các di tích lịch sử của thành phố Hà Nội. Trong tinh thần đó cùng với quá khứ chiến đấu chống Pháp, chống Trung quốc và tiếng tăm trên thế giới ông không thể nào không lên tiếng trước vụ Trung quốc sát nhập toàn bộ quần đảo Trường Sa.

Hiện nay trước quốc tế, Trung quốc nêu những bằng chứng do họ ngụy tạo để nói rằng họ có chủ quyền lịch sử về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và trong riêng tư Trung quốc viện dẫn các lời tuyên bố vô trách nhiệm của những người lãnh đạo cộng sản trước đây như Thứ trưởng bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm (7) ,  và nhất là công hàm ngày 14/9/1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng theo lệnh ông Hồ Chí Minh ký công nhận lãnh hải 12 hải lý theo bản tuyên bố của Trung quốc ban hành ngày 4/9/1956 (8). Trung quốc biện minh rằng công hàm đó công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung quốc vì khoản 1 và 4 của bản tuyên bố nói rõ rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung quốc (9). Trong khi đó bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm của chính quyền Việt Nam nói công hàm 14/9/1958 ký trong thời kỳ chiến tranh với Việt Nam Cộng hòa và không mang ý nghĩa đó (10).

Vào lúc ông Phạm Văn Đồng ký công hàm 1958, tướng Võ Nguyên Giáp đang là Ủy viên thứ năm của Bộ Chính trị (trong số 12 ủy viên, đứng sau Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt và ngay trước Phạm Văn Đồng) và là một nhân vật có uy tín trong bộ máy quyền lực, chắc hẵn tướng Giáp biết rõ bối cảnh của công hàm 14/9/1958.

Hôm nay những nhân vật chính yếu liên quan đến công hàm 14/9/1958 đều đã qua đời trừ tướng Võ Nguyên Giáp. Vì vậy tướng Giáp cần lên tiếng bác bỏ luận cứ của Trung quốc. Sự lên tiếng của tướng Võ Nguyên Giáp sẽ có trọng lượng đối với thế giới và giúp chuyển cán cân trong cuộc giành lại đất đai của tổ tiên, nếu không phải lúc này thì cũng cho thế hệ mai sau.

Với tuổi đã cao (11), tướng Võ Nguyên Giáp không lên tiếng bênh vực quyền lợi quốc gia lúc này thì không còn lúc nào khác. Lịch sử sẽ ghi nhận ông là một người yêu nước hay là một người cộng sản chỉ biết hiến dâng cuộc đời cho quyền lợi của đảng mà không quan tâm đến quyền lợi lâu dài của quốc gia dân tộc tùy theo sự chọn lựa của ông vào lúc này .

Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, huống chi là một danh tướng như tướng Võ Nguyên Giáp.

Chúng ta hãy chờ xem.

Trần Bình Nam

Dec. 26, 2007

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

(1) The Economist, “Dispute in the South China Sea: Whale and Spratlys” trang 51

(2) Theo  bản tin BBC ngày 20/12/2007 lấy nguồn từ báo Thanh Niên trong nước và tờ Á châu Tuần san tại Hồng Kông.

(3) Trước sự chiến đấu anh dũng của quân đội Việt Nam Cộng hòa, tướng Võ Nguyên Giáp đã thất bại trong cả hai cuộc tấn công, phải chờ đến khi Hoa Kỳ cắt viên trợ, quân đội cộng sản mới chiếm được miền Nam năm 1975.

(4) Trong cuộc tấn công tháng 2/1979 kéo dài hơn một tháng này, Trung quốc nói để trả đũa vụ Việt Nam tấn công lật đổ Polpot tại Cambodia, nhưng thật ra còn do sự kèn cựa về chủ quyền quần đảo Trường Sa Hà Nội đang kiểm sóat một phần, trong khi Trung quốc nói ông Hồ Chí Minh đã nhường cho họ qua công hàm ngày 14/9/1958 do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký (theo tác giả Cecil B. Currey, trong cuốn “The Genius of Viet Nams General Vo Nguyen Giap, trang 308)

(5) Cùng một tài liệu “The Genius of Viet Nams General Vo Nguyen Giap, trang 315)

(6) Vụ Tổng Cục 2.

(7) Theo tài liệu "Chủ quyền tuyệt đối của Trung quốc trên quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa " của Bộ Ngoại giao Trung quốc (Beijing Review, Feb. 18, 1980), Hà Nội đã "dàn xếp" vấn đề này trong quá khứ. Họ bảo rằng: Hồi tháng 6 năm 1956, hai năm sau ngày chính phủ của Hồ Chí Minh đã tái lập tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Ung Văn Khiêm đã nói với Li Zhimin, Thường vụ viên của Toà Đại Sứ Trung quốc tại Bắc Việt, rằng "theo những dữ kiện của Việt nam, hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa là một bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung quốc".

(8) Link http://www.tranbinam.com/binhluan/ToanDan_NgheChang.html

(9) Công bố của chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải

* Một: Lãnh hải của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung quốc đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung quốc

* Hai: Lãnh hải của Trung quốc đại lục và duyên hải của các đảo được tính theo đường thẳng nối liền những điểm mốc ven bờ làm đường biên cơ sở, thủy vực từ đường biên cơ sở này hướng ra ngoài 12 hải lý là lãnh hải của Trung quốc. Phần nước thuộc đường biên cơ sở này hướng vào bên trong, bao gồm vịnh Bột Hải, phần trong hải vực Quỳnh Châu, đều là phần nội hải của Trung quốc. Các đảo thuộc đường biên cơ sở này hướng vào trong, bao gồm đảo Đông Dẫn, đảo Cao Đăng, đảo Mã Tổ, đảo Bạch Khuyển, đảo Điểu Khưu, đảo Kim Môn lớn nhỏ, đảo Nhị Đảm, đảo Đông Định đều thuộc về các đảo thuộc nội hải của Trung quốc.

* Ba: Tất cả phi cơ và thuyền bè quân dụng của ngoại quốc, chưa được chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho phép, không được tiến nhập vào lãnh hải vào không gian trên lãnh hải. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào vận hành tại lãnh hải của Trung quốc, phải tôn trọng pháp lệnh hữu quan của chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

* Bốn: Dựa trên nguyên tắc quy định 2, 3 áp dụng cho cả Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung quốc. Đài Loan và Bành Hồ địa khu hiện nay đang bị Mỹ dùng vũ lực xâm chiếm. Đây là hành vi phi pháp xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn của lãnh thổ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đài Loan và Bành Hồ đang chờ đợi để thu hồi, chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa sử dụng tất cả những phương pháp thích đáng tại một thời điểm thích đáng để thu phục những khu vực này, đây là chuyện nội bộ của Trung quốc, không cho phép ngoại quốc can thiệp. (DCV - Nguồn Hoa ngữ do tác giả Trần Đông Đức dịch)

(10) Theo bài báo “Saigon - Hanoi - Paracels Islands Dispute – 1974” của Frank Ching đăng trên tờ Far Eastern Economic Review ngày Feb. 10, 1994 thì Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã thú nhận: "Các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã có tuyên bố lúc trước về Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên tinh thần sau: Lúc đó, theo Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương, các lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 về phía nam, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã phải tập trung tất cả các lực lượng quân sự cho mục tiêu cao nhất để chống lại cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ, nhằm bảo vệ nền độc lập quốc gia. Việt Nam đã phải kêu gọi sự ủng hộ của bè bạn trên toàn thế giới. Đồng thời, tình hữu nghị Trung-Việt rất thân cận và hai nước tin tưởng lẫn nhau. Đối với Việt Nam, Trung quốc đã là một sự ủng hộ rất vĩ đại và trợ giúp vô giá.

Trong tinh thần đó và bắt nguồn từ những đòi hỏi nêu trên, tuyên bố của các nhà lãnh đạo của chúng tôi [ủng hộ Trung quốc trong việc tuyên bố chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa] là cần thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho sự đấu tranh bảo vệ độc lập và tự do cho tổ quốc.

Đặc biệt thêm nữa là cái tuyên bố đó đã nhắm vào sự đòi hỏi cần thiết lúc bấy giờ để ngăn ngừa Hoa Kỳ dùng những hải đảo này để tấn công chúng tôi. Nó không có dính dáng gì đến nền tảng lịch sử và pháp lý trong chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa Và Trường Sa (tuyên bố trong một buổi họp báo tại Hà Nội ngày 2/12/1992, được loan tải bởi Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 3/12/1992)"

(11) Tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/6/1911, năm nay 96 tuổi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.