Hôm nay,  

Các Dự Luật Trưng Cầu Dân Ý Trong Cuộc Bầu Cử 11-2010

14/10/201000:00:00(Xem: 8154)

Các Dự Luật Trưng Cầu Dân Ý Trong Cuộc Bầu Cử 11-2010

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân
Trong cuộc bầu cử vào ngày 2 tháng 11 sắp tới, cử tri trên toàn California sẽ có cơ hội bỏ phiếu cho một số dự luật trưng cầu dân ý (propositions) có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi thành phần dân cư trên toàn tiểu bang. Tuy số lượng dự luật có phần ít hơn so với các kỳ bầu cử khác, các dự luật lần này không kém phần phức tạp và mưu mẹo chính trị. Mặc dầu mỗi người có khuynh hướng bỏ phiếu khác nhau, mọi người cần hiểu rõ ý nghĩa của mỗi dự luật để có thể tự quyết định cho mình một sự chọn lựa thích hợp theo ý muốn của mình.
Bài viết này không cốt ý khuyên mọi người nên bỏ phiếu theo một chiều hướng nào đó, mà chỉ để giải thích về ý nghĩa, mục đích hay ảnh hưởng của mỗi dự luật đối với đa số mọi thành phần trong số cử tri gốc Việt.
Dự Luật 19 – Hợp Thức Hóa Chất Cần Sa
Dự luật này nhằm hợp thức hóa việc sử dụng hay mua bán cần sa tương tự như thuốc lá hay rượu bia như hiện nay. Dự luật có những điều khoản chính như cho phép những người trên 21 tuổi được quyền sử dụng, trồng cấy hay sở hữu thuốc cần sa để sử dụng cho riêng mình; chính quyền địa phương có thể cho phép và quản lý các hoạt động trồng cấy hay buôn bán thuốc cần sa giống như thuốc lá. DL vẫn cấm sử dụng thuốc cần sa tại những nơi công cộng, trường học hay khi có mặt của trẻ em. Tuy nhiên, DL chỉ cấm việc sử dụng thuốc cần sa hay trong sở làm chỉ khi nào khả năng bị tê liệt (impaired) chứ không hẳn là thuần tuý sử dụng mà chưa bị say thuốc cần sa.
Năm 1996, cử tri tại Tiểu Bang California đã thông qua DL 215 nhằm cho phép việc trồng cấy hay sử dụng cần sa cho mục đích làm giảm đau theo nhu cầu y khoa. Tuy nhiên luật liên bang vẫn cấm việc sử dụng chất cần sa cho dầu vào mục đích y khoa, đặc biệt là dưới thời các tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa. Đến tháng 3 năm 2009, Bộ Tư Pháp dưới chính quyền Tổng Thống Obama đã tuyên bố là họ sẽ không truy tố việc sử dụng chất cần sa vì lý do y khoa theo luật của tiểu bang.
Đề nghị trong DL 19 còn đi xa hơn DL 215, tức là cho phép sử dụng chất cần sa cho cả mục đích giải trí hay thương mại chứ không hẳn là cho lý do y khoa. Việc sử dụng chất cần sa vào những mục đích thêm này vẫn bị ngăn cấm bởi luật liên bang hiện nay. Do đó, chưa biết chính quyền liên bang sẽ đối phó như thế nào nếu DL 19 được thông qua.
Những thành phần hỗ trợ việc hợp thức hóa chất cần sa đã từ lâu cho rằng chất cần sa không nguy hiểm hơn thuốc lá hay rượu bia là bao nhiêu. Do đó, nếu hợp thức hóa chất cần sa sẽ giảm thiểu được các tệ nạn xã hội liên quan đến việc sử dụng cần sa trái phép như băng đảng, chi phí cảnh sát hay tòa án hay nghiện ngập mà không được chữa trị đúng mức. Thêm vào đó, nếu hợp thức hóa thì tiểu bang hay chính quyền địa phương có thể thâu được thêm một số lợi nhuận đáng kể qua thuế má hay lệ phí sử dụng.
Những thành phần chống đối thì cho rằng việc hợp thức hóa cần sa chỉ là bước đầu để hợp thức hóa nhiều chất ma túy khác. Hơn nữa, chất cần sa vẫn còn có đặc điểm gây nghiện ngập hay rất nguy hiểm hơn thuốc lá hay bia rượu.
Dự Luật 20 –  Vẽ Lại Khu Vực Dân Biểu Liên Bang
DL 20 nhằm sửa đổi hiến pháp tiểu bang để giao trách nhiệm vẽ lại khu vực dân biểu liên bang về tay Ủy Hội Công Dân Vẽ Lại Khu Vực Dân Cử (Citizens Redistricting Commission) đã được thành lập theo DL 11 được cử tri thông qua năm 2008. Trước đó, việc vẽ lại khu vực dân cử cho các chức vụ dân cử tiểu bang như dân biểu hay thượng nghị sĩ là do Nghị Hội Tiểu Bang quyết định và được phê chuẩn bởi Thống Đốc.  Năm 2008, cử tri thông qua DL 11 để sửa đổi hiến pháp tiểu bang và giao trách nhiệm này cho một ủy hội công dân được thành lập với mục đích vẽ lại khu vực dân cử mà thôi. Tuy nhiên, DL 11 không bao gồm việc vẽ lại khu vực dân biểu liên bang. DL 20 này nhằm mục đích giao thêm trách nhiệm vẽ lại khu vực dân biểu liên bang vào tay ủy hội này cùng với những tiêu chuẩn cũng giống như các khu vực dân cử tiểu bang.
Theo hiến pháp tiểu bang, các khu vực dân cử theo số dân phải được vẽ lại mỗi 10 năm một lần để điều chỉnh khu vực đại diện sao cho số cư dân cho mỗi khu vực đại diện sẽ tương đương với nhau theo nguyên tắc phiếu bầu của mỗi người dân sẽ đồng đều nhau. Trên nguyên tắc, khi vẽ các khu vực này, kết quả không được thiên vị hay gây bất lợi cho cá nhân, đảng phái, sắc dân, cộng đồng hay quyền lợi chính trị. Trên thực tế, thế lực nào được giao cho trách nhiệm này đều có khuynh hướng vẽ đường ranh giới theo quyền lợi của mình.
Trước khi thông qua DL 11 năm 2008, các vị dân cử tại tiểu bang đã hùa với nhau vẽ lại các khu vực dân cử của chính họ mà có dụng ý chung là bảo vệ cơ hội tái đắc cử cho chính họ, cho đảng đang nắm giữ ghế đó hay quyền lợi của phe nhóm nào đó. Kết quả là các khu vực được vẽ lại một cách ngoằn ngoèo, mập ốm, dài ngắn rất quái dị mà không theo một nguyên tắc căn bản nào địa lý, ranh giới thành phố hay quận hạt, cộng đồng sắc dân, hay ảnh hưởng kinh tế. Dựa trên kết quả này, các khu vực có đông người Việt Nam như khu Little Saigon đã bị chia thành nhiều khu vực dân biểu khác nhau và do đó ảnh hưởng chính trị của khối cử tri gốc Việt bị phân tán ra.
DL 11 nhằm thay đổi thực trạng đó và buộc ủy hội công dân phải vẽ lại các khu vực dân cử dựa trên các tiêu chuẩn như không thiên vị đảng phái nào, những vị dân cử tại chức hay ứng cử viên cũng như cố gắng giữ các đơn vị thành phố, quận hạt hay cộng đồng có quyền lợi chung trong cùng một đơn vị dân cử. Chỉ có điều thiếu xót là DL 11 đã không bao gồm cả việc vẽ lại các khu vực dân biểu liên bang trong cuộc bầu cử năm 2008. DL 20 được đưa ra lần này nhằm điều chỉnh thiếu sót đó.
DL 20 nếu được thông qua sẽ làm tăng thêm cơ hội là các khu vực dân cử tiểu bang và liên bang sẽ có lợi hơn cho khối cử tri gốc Việt vì nơi nào có đông cư dân gốc Việt, các khu vực đó sẽ dễ được gộp vào cùng một đơn vị dân cử và do đó khối cử tri gốc Việt có thể chọn người đại diện cho mình một cách hiệu quả hơn.
Trong kỳ bầu cử này, một dự luật khác, Dự Luật 27, cũng được đưa ra nhằm lấy lại quyền vẽ lại khu vực dân cử này từ Ủy Hội Công Dân và giao trở lại cho Nghị Hội California  như trước năm 2008.
Dự Luật 27 – Hủy Bỏ Ủy Hội Công Dân Vẽ Lại Khu Vực Dân Cử và Giao Thẩm Quyền Này Trở Lại Nghị Hội Tiểu Bang California
Vì DL 27 có quan hệ đối nghịch với DL 20 nên được trình bày không theo thứ tự trong bài viết này.  Để chống lại DL 11 năm 2008 và DL 20 trong kỳ bầu cử này, các thành phần bảo vệ các thế lực dân cử tiểu bang hiện tại đã đưa ra DL 27 để giành lại thẩm quyền vẽ lại các khu vực dân cử này. DL 27 không đề cập gì đến các tiêu chuẩn chống thiên vị các đảng phái, viên chức tại chức hay giữ các cộng đồng sắc dân trong cùng một khu vực dân cử như đã được đề ra trong DL 11 năm 2008 hay DL 20 trong kỳ bầu cử này.
DL 27 nếu được thông qua chỉ có lợi cho các thế lực dân cử hay đảng phái đang tại chức để giữ vững quyền lợi chính trị của họ và có thể rất có hại cho quyền lợi chính trị của các cộng đồng thiểu số, trong đó có cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Nếu cả hai Dự Luật 20 và 27 được thông qua, dự luật nào có số phiếu thuận sẽ được công nhận có hiệu lực.
Quyền lợi của các cộng đồng thiểu số, trong đó có cộng đồng Việt Nam, có thể được bảo vệ nhiều hơn nếu tiến trình vẽ lại các khu vực dân cử được dựa trên các tiêu chuẩn được đưa ra trong DL 11 năm 2008 và DL 20 năm nay. Do đó, DL 27 cần phải được bác bỏ càng nhiều càng tốt.
DL 21 – Phụ Thâu Lệ Phí Đăng Bộ Xe Cộ Để Tài Trợ Cho Hệ Thống Công Viên Tiểu Bang hay Các Chương Trình Bảo Vệ Môi Trường Hoang Thú
DL 21 cho phép tiểu bang phụ thâu thêm 18 dollar mỗi năm cho mỗi xe đăng bộ để tài trợ cho việc bảo trì và điều hành hệ thống công viên tiểu bang và các chương trình bảo vệ môi trường hoang thú. DL 21 nếu được thông qua sẽ cho phép các chủ xe đã trả phụ phí này được ra vào các công viên tiểu bang miễn phí và trị giá có thể từ $5 đến $15 mỗi lần xử dụng.
DL 21 dự trù cho phép tiểu bang thâu thêm khoảng 500 triệu dollars để bù vào khoảng 300 triệu dollars tiền điều hành hệ thống công viên tiểu bang, trong đó khoảng 150 triệu đến từ lệ phí thâu khi vào cửa. Số tiền còn lại sẽ được dùng vào các chương trình bảo trì hay nâng cấp hệ thống công viên hay bảo vệ môi trường thiên nhiên hay hoang giã.
Các thành phần hỗ trợ thì cho rằng số tiền này cần thiết để bù vào số tiền tài trợ mà tiểu bang không thể cung cấp hằng năm để bảo trì và nâng cấp hệ thống công viên tiểu bang. Các thành phần chống đối thì cho rằng đây chỉ là một hình thức thuế mới để cho phép tiểu bang trốn chánh trách nhiệm tài trợ cho nhu cầu này.


Đối với những người hay thăm viếng công viên thì DL này có thể tốt vì chỉ cần ra vào một công viên tiểu bang khoảng 2 lần một năm là có thể huề vốn với số tiền phụ thâu. Tuy nhiên đối với những người không bao giờ ra vào công viên tiểu bang thì đây là số tiền phụ thâu đóng thêm mà họ không được hưởng gì hết. Số tiền phụ thâu này bất lợi cho người nghèo nhiều hơn là người giàu vì cùng là số tiền phụ thâu $18, số tiền lệ phí này có tác dụng lớn hơn đối với người nghèo hơn là đối với người giàu.
DL 22 – Cấm Tiểu Bang Vay Mượn hay Sử Dụng Các Ngân Quỹ Dành Riêng Cho Các Công Trình Giao Thông, Tái Phát Triển Hay Các Dự Án Công Cộng Khác
DL 22 nhằm mục đích ngăn cấm chính quyền tiểu bang không được vay mượn hay phân phối các ngân quỹ đến từ các ngân quỹ đặc biệt từ chính quyền địa phương để trang trãi cho các chi phí dành riêng cho giao thông, phát triển đô thị hay lợi ích công cộng. Trong nhiều năm gần đây, vì tình trạng thiếu hụt ngân sách, tiểu bang có khuynh hướng vay mượn hay phân tán các ngân quỹ đến từ các thứ thuế đặc biệt như thuể xăng nhớt để trang trãi cho các dự án phát triển giao thông để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt tài chánh. Để đối phó với tình trạng này, cử tri đã thông qua nhiều dự luật, như DL 1A năm 2004 và 2006, để ngăn cấm tiểu bang không được vay mượn hay xâm phạm vào các nguồn ngân quỹ dành cho các dự án giao thông. Tuy nhiên các dự luật này không giới hạn thẩm quyền của tiểu bang xâm phạm và các ngân quỹ tương tự trong các cấp chính quyền địa phương.
Năm ngoái, tiểu bang đã quyết định thuyên chuyển một số ngân quỹ này từ chính quyền địa phương sang xử dụng cho các chương trình giáo dục trong khi tiểu bang lại còn cắt giảm tài khoá cho các cơ quan chính quyện địa phương này. Chính sách này đã gây tê liệt hay khó khăn cho nhiều cơ quan chính quyền địa phương vì tình trạng thiếu hụt ngân sách tiểu bang và địa phương nói chung.
DL 22 nhằm ngăn cấm chính quyền tiểu bang xâm phạm vào các ngân quỹ này tương tự như mục đích của của dự luật 1A đối với các ngân quỹ riêng trong chính quyền tiểu bang. Các thành phần hỗ trợ thì cho rằng dự luật này cần thiết để bảo vệ các nguồn ngân quỹ riêng của chính quyền địa phương để trang trãi cho các dự án để cần thiết. Các thành phần chống đối thì cho rằng nếu không có khả năng vay mượn hay hoán chuyển này thì tình trạng thiếu hụt về tài chánh sẽ trầm trọng hơn và có thể đưa đến chi phí cho tiêủ bang nhiêù hơn vì phải vay mượn từ các nguồn khác.
DL23 – Tạm Gián Đoạn Thi Hành Luật Tài Giảm Chất Thải Trong Khí Quyển Cho Tới Khi Mức Thất Nghiệp Giảm Xuống 5.5%
DL 23 nhằm mục đích tạm ngưng thi hành  Đạo Luật Giải Pháp Tình Trạng Hâm Nóng Toàn Cầu (California Global Warming Solutions Act – AB 32) được Nghị Hội Tiểu Bang thông qua năm 2006. Đạo luật này đặt mục tiêu là đến năm 2020, mức độ chất thải trong không khí phải xuống tới mức độ vào năm 1990. Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan chính quyền tiểu bang phải đề ra và thi hành các biện pháp tài giảm việc thải chất độc này từ bây giờ.
Các thành phần hỗ trợ DL 23 thì cho rằng việc thi hành Đạo Luật AB 32 đã gây tốn kém nhiều trong việc đầu tư và các kỹ thuật cần thiết để giảm thiểu mức đào thải chất độc vào khí quyển và do đó ảnh hưởng nhiều đến tiến trình phát triển kinh tế. Họ lập luận rằng đợi đến khi mức thất nghiệp xuống tới còn 5.5% rồi mới thi hành các điều luật này thì mới ích lợi hơn trong việc kích thích nền kinh tế.
Các thành phần chống đối DL 23 thì cho rằng đây chỉ là một phương thức để cho các đại công ty mà đa số có trách nhiệm gây ra tình trạng phế thải chất độc này vào bầu khí quyển để cho họ tự do tiếp tục làm như vậy mà không bị ràng buộc bởi luật lệ và tiêu chuẩn của tiểu bang. Họ cho rằng phải mất nhiều năm nữa thì may ra mức độ thất nghiệp mới xuống đến mức 5.5%.
DL 24 – Hủy Bỏ Một Số Đạo Luật Giảm Thuế Thương Mại
Dự luật 24 đề nghị hủy bỏ một số dự luật giảm thuế đã được thông qua vào những năm 2008 và 2009 trong các thỏa thuận để thông qua các dự luật ngân sách hàng năm.  Hầu hết các điều luật này cho phép tiền lỗ của các công ty được chuyển đến các năm truớc hay sau đó hay các chi nhánh trong cùng một công ty để trừ bớt tiền thuế đóng cho tiểu bang.
Việc hủy bỏ các điều luật giảm thuế này có thể đem lại khoảng 1.3 tỷ dollar mỗi năm vào ngân quỹ tiểu bang. Số tiền tăng thuế này sẽ giúp tăng thêm ngân quỹ cho chính sách giáo dục vì hiến pháp tiểu bang qui định rằng khoảng ½ tiền thuế thâu được phải được dùng tài trợ cho các chương trinh giáo dục tại tiểu bang.
Các tổ chức công đoàn giáo chức đang ra sức vận động cho dự luật này trong khi các tổ chức thương mại đang vận động chống đối dự luật để bảo vệ các điều khoản giảm thuế này.
DL 25 – Đổi Tỉ Số Phiếu Nghị Hội Thông Qua Tài Khóa Từ 2/3 Xuống Đa Số Bình Thường
DL 25 đề nghị thay đổi Hiến Pháp California để cho phép Nghị Hội được thông qua tài khoá hàng năm bằng tỉ số đa số bình thường chứ không phải tỉ số 2/3 như hiện nay. DL 25 còn đưa ra thêm điều khoản là nếu dự luật tài khóa không được thông qua vào ngày 15 tháng 6 mỗi năm, tất cả các dân biểu hay thượng nghị sĩ tiểu bang sẽ không được trả lương hay tiền phụ cấp cho tới khi tài khoá được thông qua. DL 25 vẫn giữ nguyên tỉ số 2/3 cần thiết để thông qua các dự luật về thuế má hay lật ngược phủ quyết của thống đốc.
Trong nhiều năm qua, các dự luật về tài khóa không được thông qua đúng hạn 15 tháng 6 là vì cần phải có tỉ lệ 2/3 số phiếu tại mỗi viện trong Nghị Hội. Đảng Dân Chủ hiện nay đang nắm giữ quyền kiểm soát trong cả hai viện, nhưng không đủ túc số 2/3 cần thiết để thông qua dự luật về tài khoá. Do đó, muốn thông qua các dự luật này, Đảng Dân Chủ cần phải có sự chấp thuận của một vài thành viên từ Đảng Cộng Hòa. Khi hai đảng tiếp tục đối nghịch nhau thì các dự luật về ngân sách rất khó được thông qua.
Nhưng nếu giảm túc số thông qua xuống còn đa số quá bán, Đảng Dân Chủ có thể thông qua các dự luật về ngân sách mà không cần sự hỗ trợ của bất cứ thành viên nào của Đảng Cộng Hòa. Túc số này có thể đưa đến tình trạng là một đảng có thể thao túng và thông qua bất cứ dự luật nào về ngân sách mà không cần đếm xỉa đến quan điểm hay cân nhắc của đảng kia.
Mặc dầu Thống Đốc của tiểu bang trong nhiều năm qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cản các dự luật ngân sách mà chỉ có một chiều hay thái quá. Tuy nhiên, nếu vị thống đốc có cùng đảng với phe cầm quyền tại Nghị Hội thì không có cách nào ngăn cản được sự lạm quyền của đảng cầm quyền trong việc thông qua các dự luật về ngân sách tiểu bang.
Giữ nguyên túc số 2/3 để thông qua các dự luật về tài khoá – tức là bỏ phiếu chống lại DL 25 – là một điều tốt để bảo đảm là khi thông qua các dự luật về tài khóa, tất cả các quan điểm hay cân nhắc, cho dầu là theo quan niệm đảng phái, cần phải được xét đến và tránh việc thái quá từ sự khống chế của bất cử đảng nào.
DL 26 – Buộc rằng một việc gia tăng một số các lệ phí phải được thông qua bởi 2/3 tỉ số phiếu bầu tương tự như quyết định tăng tiền thuế
DL 26 đề nghị nới rộng định nghĩa của “thuế” để bao gồm một số lệ phí hay tiền phụ thâu để áp dụng tỉ số 2/3 phiếu bầu đối với vấn đề thuế má khi các cơ quan lập pháp biểu quyết việc gia tăng mức lệ phí này. Theo luật hiện nay, muốn thông qua các dự luật về thuế má cần phải có tỉ số 2/3 chấp thuận. Tuy nhiên, các món tiền lệ phí hay phụ thâu thì chỉ cần thông qua với tỉ lệ đa số quá bán là đủ. Vấn đề là nhiều món lệ phí được thâu để trang trãi cho các vấn đề chung của xã hội chứ không dùng riêng cho việc kiểm soát các dự án đó, và do đó các khoản lệ phí đó cần phải được coi la tiền thuế.
Các thành phần hỗ trợ DL 26 thì cho rằng các món tiền lệ phí thâu góp để phục vụ các mục đích chung của xã hội thì phải được coi là thuế và phải được phê chuẩn theo tỉ số áp dụng cho các vấn đề thuế má.
Các thành phần chống đối DL 26 thì cho rằng việc nâng tỉ số phê chuẩn để tăng mức thâu lệ phí sẽ gây khó khăn trong việc tăng mức thâu nhập để điều hành hay kiểm soát các vấn đề cần được kiểm soát theo luật định.
DL 27 - Hủy Bỏ Ủy Hội Công Dân Vẽ Lại Khu Vực Dân Cử và Giao Thẩm Quyền Này Trở Lại Nghị Hội Tiểu Bang California
DL 27 đã được thảo luận trên đây sau phần DL 20.
Kết Luận
Việc bỏ phiếu thuận hay chống đối với mỗi dự luật không phải là vấn đề đơn giản. Tuy nhiên mỗi người chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa và tác dụng của mỗi dự luật để tự chọn cho chính mình. Một quyết định thuận hay chống của người khác, cho dầu là bạn tốt của mìn, không chắc là một quyết định tốt cho chính mình.
Nếu không hiểu rõ ý nghĩa của mỗi dự luật, chúng ta có quyền bỏ trống và không bỏ phiếu co dự luật đó.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tính cho đến nay con số người Việt sống bên ngoài lãnh thổ VN khoảng 4,2 triệu người, 3,2 triệu người đang sống tại Mỹ và Châu Âu và Úc châu
Có lẽ phải xin lỗi em vì tôi chưa đọc hết "Tuyển tập Trần Khải Thanh Thủy" dầy gần 400 trang này. Có lẽ tôi sẽ không đọc tiếp nữa, hoặc nếu đọc
Từ một năm nay, ông Nguyễn Minh Triết và ông Nguyễn Tấn Dũng tạo nên hy vọng cho không ít bà con ta trong và ngoài nước.
Chủ Nhật vừa qua, Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương, gọi tắt là APEC, đã kết thúc tại Sydney của Australia
Vụ án Lê Phước Tuấn đả thương ông Nguyễn Quốc Huy, phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ CHXHCN Việt Nam
Đọc bài báo có tựa đề "Câu kết trong ngoài và mưu đồ chính trị nham hiểm" trên báo Quân Đội Nhân Dân, người đọc có hiểu biết một chút
Hồ Chí Minh lại đưa ra một quan điểm trái ngược: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.”
Chủ quan là nhìn một chiều theo cái muốn của cái tôi. Cái tôi nghĩ như vầy, muốn như vầy, và điều gì ngược lại hay giống như cái tôi nghĩ, cái tôi muốn, thì tạo ra rối loạn tâm tư, tạo sự bực mình hay buồn bã
Đó là ý chí quật khởi, không xu hướng mà phải “chủ hướng.” Tức không buông xuôi theo dòng thời gian mà phải nắm bắt và chủ trì thời gian. Không thụ động không bất động, mà phải hành động tiến bước
Quốc trưởng của một quốc gia được quốc trưởng của một quốc gia khác mời tới thăm viếng quốc gia bạn thì chuyến công du này
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.