Ấn Độ: Mô Hình Phát Triển Mới Cho Việt Nam
Một cảnh khai thác mỏ than ở VN.
Mai Thanh Truyết
Việt Nam nằm giữa hai anh khổng lồ cả về dân số lẫn đất đai, một ở Đông Á, và một Nam Á. Đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Trong quá trình lịch sử, Việt Nam đã chịu quá nhiều ảnh hưởng từ hai quốc gia kể trên về tôn giáo, triết học, văn hóa, đời sống và cấu trúc xã hội. Dĩ nhiên, vấn đề phát triển quốc gia cũng không nằm ngoài hai ảnh hưởng trên. Từ đó, tầm nhìn từ phía bên ngoài cũng như não trạng tiếp cận với các quốc gia Tây phương của ba quốc gia nầy có nhiều điểm tương đồng cần phải lưu tâm.
Dù mỗi quốc gia chịu sự chi phối và quản trị dưới một chính thể chính trị khác nhau, nhưng khi quan niệm sống còn trong cộng đồng thế giới đã thôi thúc lãnh đạo của từng nước phải biết tiếp cận ra ngoài, và phải mở cửa để đi vào dòng chính của tiến trình toàn cầu hóa. Từ quan niệm trên, Việt Nam đã mở cửa vào năm 1986, và Ấn Độ (AĐ), 1990.
Tuy thời gian mở cửa và hội nhập khác nhau, nhưng qua những đặc thù của từng quốc gia, cùng cung cách tiếp cận với thế giới bên ngoài, chúng ta có thể hình dung được mô hình phát triển nào tương đối đem lại nhiều phúc lợi hơn cho người dân. Thêm một lý do nữa để mang hai quốc gia trên so sánh là cả hai từ nguyên thủy đã phát xuất từ nông nghiệp làm căn bản và mức tăng trưởng đều đặn trong chu kỳ 10 năm trở lại đây.
So sánh về một số dữ kiện xã hội, kinh tế, dân số, lao động, và phát triển cùng lợi tức của người dân dưới đây cho chúng ta thấy mức độ phát triển của từng quốc gia một, để từ đó hy vọng rút tỉa ra được con đường mà Việt Nam sẽ phải đi để tránh khỏi tụt hậu phía sau. Tụt hậu không phải vì kém tri thức, không phải vì thiếu tài nguyên, không phải vì khác điều kiện tiếp cận với thế giới bên ngoài cùng các công nghệ tiên tiến mới. Mà tụt hậu là vì có một chính sách phát triển không thích hợp với thời đại mới: thời đại của thông tin trên mạng lưới.
Bài viết nầy đặt trọng tâm vào cung cách phát triển của Ấn Độ trong vòng 10 năm trở lại đây và những chính sách dự kiến phát triển quốc gia cho tương lai. Từ đó có thể cho chúng ta thấy một số khơi mở của Ấn Độ trên cái nhìn tổng thể về toàn bộ vấn đề xã hội đặc thù và phương cách giải quyết song hành với việc phát triển.
Định mức sự phát triển quốc gia cho đến nay vẫn còn căn cứ vào thuyết “tam khu” của Colin Clark, trong đó gồm khu nông nghiệp, khu công nghiệp, và khu dịch vụ. Từ đó qua sự phát triển, và qua từng giai đoạn, chỉ số phát triển của một quốc gia được tính toán qua tỷ lệ của từng khu vực.
Tiến trình phát triển quốc gia nói chung được ghi nhận vào các giai đoạn sau đây: 1- Trước hết từ nguyên thủy, Ấn Độ chọn nông nghiệp làm chính cho giai đoạn ban đầu; 2- Khi mức sản xuất nông nghiệp đáp ứng được cán cân cung cầu trong nước, từ đấy sẽ đẩy mạnh công nghiệp sản xuất; 3- Và sau giai đoạn công nghiệp, dịch vụ sẽ là trọng tâm trong phát triển. Do đó, đối với một quốc gia một khi tỷ lệ dịch vụ và công nghiệp sản xuất càng cao, sự phát triển của quốc gia đó càng tăng thêm mức bền vững và giảm thiểu được nguy cơ khủng hoảng.
Những dữ kiện về Ấn Độ
Từ thời đại Đồ Đá, trên đất nước Ấn Độ hiện tại đã thấy có dấu vết của con người vào khoảng 9000 năm trước đây. Vào 550 (trước Thiên chúa), đã xuất hiện nhiều đấc chế độc lập có tên là Mahajanapadas trên dảy đất Nam Á nầy. Từ thế kỷ 16, Ấn Độ bị xâu xé bởi các quốc qia Tây phương và sau cùng chịu sự kiểm soát của Anh Quốc.
Vào thế kỷ 20, phong trào dành độc lập khởi động dưới sự lãnh đạo của Mahatma Gandhi, một lãnh tự chủ xướng bất bạo động. Và ngày 15 tháng 8 năm 1947, người Anh phải trả lại độc lập cho Ấn Độ và quốc gia nầy trở thành một nước cộng hòa ngày 26/1/1950.
Diện tích: 3.287.590 km2 (bằng 1/3 diện tích Hoa Kỳ).
Dân số: 1.166.079.217 (2009); mức tăng trưởng 1,5%/năm; mức sinh sản 21.7/1.000; tử xuất 57/1000; tuổi thọ trung bình 69.8; mật độ dân số 386/km2.
Mức phát triển tăng trưởng: từ 2001 – 2008, 9%, 2009, 7.1%.
Tỳ lệ dân số tiếp nhận nguồn nước sinh hoạt: 89%;
Tỷ lệ dân số có nhà vệ sinh: 33%
Lợi tức đầu người (GDP): hạng 139/178 với $1.033 (IMF – 2009), hay 131/170 với $1.068 (WB 2008). So với Việt Nam: 137/178 với $1.052 (IMF-2009), hay 132/170 với $1.052 (WB – 2008).
Ngân sách quốc gia: 55 ngàn tỷ Rupees (2008-2009) (1US$ = 44 Rupees)
Nhìn chung, mức tăng trưởng của của Việt Nam và Ấn Độ trong 10 năm trở lại đây đã đứng đầu trong vùng Á Châu, Việt Nam (chỉ sau Trung Cộng) với mức tăng trưởng trung bình là 7%. Nếu so sánh với mức lạm phát, mức tăng trưởng thực sự của Việt Nam và Ấn Độ sẽ là 4,1%, và 4,5% (mức tăng trưởng trừ đi mức lạm phát). Do đó, cả Việt Nam và Ấn Độ đều có mức tăng trưởng ngang nhau và cũng có lợi tức đầu người tương đương dù dân số Ấn Độ cao gấp 14 lần dân số Việt Nam.
Tỷ lệ sinh sản của cả hai quốc gia nầy còn cao, do đó, theo ước tính vào năm 2025, AĐ sẽ qua mặt TC với 1,5 tỷ, và Việt Nam sẽ đạt đến mức 120 triệu nhân khẩu.
Lợi tức và Mãi lực của người dân
Vào năm 1980, lợi tức đầu người của Việt Nam là $180, AĐ $280/năm. Nhưng cho đến năm 2004, lợi tức AĐ, $520, trong lúc đó lợi tức của Việt Nam là $450. Tỷ lệ tăng trưởng theo lợi tức trong khoảng thời gian nầy là 2,9, và 2,5 lần cho AĐ và Việt Nam.
Dĩ nhiên Việt Nam vẫn còn chậm bước dù đã mở cửa trước AĐ gần 5 năm.
Bài viết có mục đích truy tìm cách lý giải tại sao Việt Nam vẫn còn chậm bước mặc dù có những điều kiện không khác biệt so với quốc gia đông dân trên.
Những bước phát triển của Ấn Độ
Từ những năm đầu của thập niên 80, AĐ bắt đầu gữi sinh viên ồ ạt qua các nước Tây phương đặc biệt là Anh Quốc và Hoa Kỳ, và có thể nói cho đến ngày nay, AĐ đã dành địa vị độc tôn ở Á Châu về việc cung cấp dịch vụ và công nhân chuyên nghiệp cho Tây phương. Thung lũng về điện tử ở vùng San Jose (California) từ năm 2001 trở đi bị khốn đốn vì hàng trăm ngàn chuyên viên cao cấp trong ngành nầy đã đồng loạt trở về AĐ. Dĩ nhiên, AĐ trở thành trung tâm cung cấp dịchvụ điện toán cho toàn cầu. Năm 2008, AĐ có khả năng cung cấp 4 triệu công nhân loại nầy cho thế giới. Và chính mức tăng trưởng của AĐ đã góp phần lớn vào dịch vụ điện toán trên.
Trước khi bắt đầu mở cửa năm 1990, AĐ vẫn còn đeo đuổi chính sách “tự quản” “tự túc”, nghĩa là cố gắng tạo đủ sản phẩm vật chất để xử dụng cho nội địa. Do chính sách phát triển khép kín trên đã làm chùng bước mọi ý muốn đầu tư của những nhà đầu tư ngoại quốc. Do đó công nghiệp sản xuất của AĐ không thể nào phát triển và theo kịp đà tiến bộ chung trên thế giới.
Mặc dù AĐ có nhiều lợi thế khi chuyển sinh viên và chuyên viên ra ngoại quốc vì họ thông thạo Anh ngữ, nhưng AĐ chỉ đẩy mạnh vai trò dịch vụ và tin học mà không phát triển các công kỹ nghệ sản xuất các mặt hàng gia dụng. Trong lúc đó nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong cán cân sản xuất. Điều nầy tạo ra hai giai cấp bất bình đẳng trong xã hội: AĐ có 7% dân số có trình độ Tiến sĩ và 42% dân số không biết chữ.
Nhưng từ khi có chính sách đổi mới, mọi sự bắt đầu thay đổi, luật đầu tư giản dị hơn, chính sách thuế quan có phần dễ dãi và giảm bớt phiền toái cho thương nhân ngoại quốc...và đó là hai điều kiện đầu tiên để thu hút đầu tư. Và cũng từ đó, nạn chợ đen và tham nhũng cũng giảm dần theo mức độ du nhập của ngoại quốc vào chính quốc gia nầy. Và cũng từ mốc thời gian trên, các công ty đa quốc gia ồ ạt chiếm lĩnh thị trường và hôm nay, thủ phủ Karnataka ở phía Nam AĐ trở thành một thung lũng silicon mới của Á Châu, có thể nói nơi đây là một trung tâm điện tóan có dịch vụ trên toàn thế giới hiện nay.
Đồng thời với đầu tư ngoại quốc, AĐ đã đẩy mạnh cuộc cách mạng xanh trong kỹ nghệ sản xuất, với mục đích làm giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường, và sau nữa dần dần đẩy lui nạn đói nghèo qua chính sách mở cửa tiếp cận với hầu hết các quốc gia trên thế giới để áp dụng việc đẩy mạnh công nghệ tiên tiến cho nhu cầu trong nước. Đây là một chính sách thật sự mềm dẽo, và là một bài học cho những quốc gia còn mang nhiều định kiến về ý thức hệ chính trị trong giao thương kinh tế và phát triển.
Kết quả, sau 20 năm đổi mới AĐ có mức dự trử ngoại tệ nặng cho năm 2008 là 800 tỷ Mỹ kim. Tuy nhiên với mức lợi tức đầu người cho năm 2004 là $520 và mãi lực tính theo đầu người là $2.900/năm, 35% dân số AĐ vẫn phải chịu sống dưới mức đói nghèo tuyệt đối theo định nghĩa của LHQ là $1/ngày/người. Do đó, AĐ cần phải đẩy mạnh hơn nữa về kỹ nghệ sản xuất và dịch vụ để thu hút lực lượng lao động cho nông nghiệp hiện đang chiếm tỷ lệ 60% trên cả nước.
Một bế tắc chung cho các quốc gia đang phát triển là vì không phát triển đồng bộ tử thành thị đến nông thôn, hay vì sự thành thị hóa nông thôn còn quá chậm, cho nên mức cách biệt giữa giàu và nghèo càng cách xa. Sau 20 năm đổi mới, mức chêng lệch giàu nghèo của dân chúng ở các thành phố và nông thôn càng cách xa hơn gấp nhiều lần.
Nhìn chung, trong thời gian đầu khi mở cửa, AĐ chú trọng vào việc tập trung đào tạo chất xán “cao cấp” mà không chú trọng nhiều việc phát triển công nghệ sản xuất và dịch vụ ở hạ tầng cơ sở cho nên sự phát triển không cân đối và đạt được chỉ tiêu như ý muốn so với nội lực thực sự của AĐ. Và phát triển bắt đầu tăng nhanh khi AĐ đã chuyển hướng và đẩy mạnh dịch vụ cùng đầu tư ngoại quốc.
Triển vọng tương lai
Từ những khuyết điểm do phát triển gây nên sau 20 năm, chính sách phát triển của Ấn Độ đặt trọng tâm vào việc giải quyết các vấn đề xã hội và dân sinh cùng việc bảo vệ môi trường để nhìn về triển vọng tương lai. Đó là:
- Khai mở nhiều công ty nhỏ và trung bình ở vùng nông thôn hay các thành phố chậm phát triển;
- Cải thiện nông nghiệp trong đó ảnh hưởng đến 2/3 dân số bằng cách hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, phân bón và thuốc trừ sâu rầy. Điều nầy làm tăng lợi tức nông dân lên đến 4,7% trong những năm gần đây;
- Chính phủ trung ương cải thiện một số phúc lợi cho nông dân qua các chương trình Liên Hiệp Quốc giúp đở về y tế, giáo dục, vệ sinh công cộng…;
- Tăng cường hệ thống điện và nước sinh hoạt cùng mở mang đường xá cho vùng nông thôn (tứ năm 1997 đến 2007, Ấn Độ khai mở 35.000 đường xá cho nông thôn);
- Đẩy mạnh công cuộc phát triển bền vững ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa và đáp ứng Nghị trình-21 do LHQ đề ra;
- Cải tổ hành chính để đạt được hiệu quả cao để tăng phúc lợi cho toàn dân, nhứt là người nghèo ở thành phố và nông thôn.
Tất cả việc làm trên nhằm nhắm vào các mục tiêu cốt lõi sau:
- Giải quyết nạn nghèo đói;
- Nam và nữ bình đẳng trong giáo dục cũng như giải quyết nạn mù chũ trong dân chúng;
- Giảm thiểu tình trạng trẻ em chết non và nạn tử xuất của các bà mẹ trong khi sinh sản;
- Giáo dục kế hoạch hóa gia đình, và hạn chế tình trạng nhiểm HIV;
- Khuyến khích và đẩy mạnh phát triển bền vững;
- Phối hợp với các quốc gia Tây phương trong việc trao đổi thương mại, kinh tế, và phát triển bình đẳng và theo chiều hướng đặc thù dài hạn của quốc gia chứ không chạy theo lợi nhuận vô kế hoạch.
Từ những chính sách và mục tiêu phát triển trên, nhìn chung chúng ta thấy rõ là những người quản lý đất nước Ấn Độ đã có tầm nhìn nhân bản, tập trung vào việc nâng cao phúc lợi cho người dân và có ý thức thách nhiệm cao về công cuộc gìn giữ môi trường chung cho toàn cầu.