Hôm nay,  

Âu Châu Bất Trắc

10/02/201000:00:00(Xem: 8625)

Âu Châu Bất Trắc

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long RFA

... khủng hoảng Hy Lạp có thể lan ra toàn khối Euro và chấn động cho cả Liên hiệp Âu Châu...

Vừa bước vào năm mới, kinh tế thế giới đã có đầy dấu hiệu bất trắc. Đầu máy kinh tế mạnh nhất là Hoa Kỳ thì thất nghiệp còn cao, lại bị bội chi quá nặng nên liệu tăng thuế có giải quyết nổi vấn đề không" Kinh tế Nhật Bản thì chưa ra khỏi suy trầm, Trung Quốc lại đang có triệu chứng nóng máy tương tự như mươi năm về trước. Nhưng, bất trắc nhất là hoàn cảnh Âu Châu với vụ khủng hoảng Hy Lạp có thể lan ra toàn khối Euro và gây chấn động cho cả Liên hiệp Âu Châu. Những bất trắc ấy khiến các thị trường chứng khoán thế giới đều tuột giá nặng. Vì vậy, Diễn đàn Kinh tế Đài RFA xin tìm hiểu riêng về hoàn cảnh nguy ngập của Âu Châu, mà mắt bão là các nước miền Nam. Phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa.Thưa ông, đáng lẽ ra, trong một chương trình chào đón Xuân Canh Dần, chúng ta có thể đề cập tới một vài tiết mục tươi vui. Nhưng như ông hay nói, kinh tế vốn là một "khoa học u ám" và tình hình bất trắc của các nền kinh tế mạnh nhất thế giới lại đang gây lo âu cho những người phải quyết định về chính sách, cho nên, chúng tôi đành phải đề cập tới đề tài này.
Trong những bất trắc nổi bất nhất, thì ngoài trường hợp của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc, thế giới đang chú ý đến Âu Châu, gồm có 27 nước Liên hiệp Âu Châu, 16 nước trong khối tiền tệ thống nhất của đồng Euro và bốn nước tại miền Nam Âu Châu, trong đó có Hy Lạp ở mép bờ khủng hoảng và có thể vỡ nợ. Chúng tôi đề nghị là ta sẽ đặc biệt nói về sự nguy ngập này của Âu Châu. Ông nghĩ sao về việc đó"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta rất nên tìm hiểu tình hình Âu Châu vì có thể rút tỉa nhiều bài học cho Á Châu và cả Việt Nam. Nói về Âu Châu thì ta có thể đi từ trong ra ngoài, từ tình hình của Hy Lạp tới các nước miền Nam và cả khối Euro rồi Liên hiệp Âu Châu, trong đó có đầu máy mạnh nhất là quốc gia đang gánh nhiều trách nhiệm nhất là nước Đức. Hoặc ngược lại, ta đi từ bối cảnh chung của toàn khối Liên Âu trước khi tiến vào trung tâm của mắt bão tại miền Nam và khả năng cứu vãn của nước Đức, với hậu quả vừa kinh tế vừa chính trị cho cả lục địa này.
Việt Long: Theo thông lệ thì xin đề nghị ông trình bày bối cảnh sâu xa, trước khi nói về trường hợp Hy Lạp. Lý do là theo như ông vừa trình bày, khủng hoảng Hy Lạp không là hiện tượng đơn lẻ và các giải pháp cứu vãn có thể ảnh hưởng đến cả khối Euro, đến đồng Euro, và toàn thể cơ chế Liên hiệp Âu Châu...
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói rằng đây là một đề tài nhức đầu nên cần xin lỗi trước quý thính giả khi phải tổng hợp lại cho ngắn gọn trong thời lượng của chương trình.
- Trước hết, Âu Châu phạm sai lầm khi tưởng rằng mình bị lây khủng hoảng từ Hoa Kỳ vào năm 2008. Vụ khủng hoảng tài chính tại Mỹ là cái duyên đã mở bung cái nhân là sự bất trắc tích lũy từ đã lâu trong cơ chế kinh tế Âu Châu. Như một người bị thương hàn mà cứ đổ lỗi cho một cơn lạnh đến từ bên ngoài. Tôi xin giải thích chuyện ấy:
- Tự thân thì kinh tế và hệ thống tài chính ngân hàng của Âu Châu đã có nhiều chứng tật như Hoa Kỳ, mà còn nguy ngập hơn. Cụ thể là cũng có bong bóng đầu tư về địa ốc, có nạn tín dụng thứ cấp đầy rủi ro. Quan trọng hơn cả là sự bất cẩn của các ngân hàng khi cấp phát tín dụng và còn đi vay với phân lời rẻ để đầu tư vào nơi có triển vọng sinh lời cao hơn.
- Có hai lý do của sự bất cẩn là thứ nhất tinh thần lạc quan của Tây Âu khi tiến vào phát triển Đông Âu vừa mới được giải phóng sau khi Liên Xô tan rã. Lý do thứ hai tinh thần ỷ lại của nhiều nước trong khối tiền tệ thống nhất là khối Euro nhờ sức mạnh kinh tế và giá trị đồng bạc của nước Đức, trở thành xương sống cho đồng Euro. Các ngân hàng Tây Âu phía Bắc thì đầu tư vào ba nước Cộng hoà Baltic ở mạn Bắc. Các ngân hàng Tây Âu ở phía Nam thì đầu tư vào Đông Âu và khu vực Balkan tại miền Nam.
Việt Long: Câu chuyện quả là rắc rối và có nguyên ủy từ lâu rồi.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, nhưng đó mới chỉ là bối cảnh chung khiến hệ thống ngân hàng Tây Âu đã trải mỏng phương tiện vào nhiều khu vực rủi ro. Vấn đề còn phức tạp hơn thế vì cơ chế điều tiết lại gặp mâu thuẫn là Ngân hàng Trung ương Âu châu chỉ có thể quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng khi có sự đồng ý của tất cả 27 hội viên; trong đó lại có 16 thành viên đã thống nhất tiền tệ là khối Euro. Mâu thuẫn thứ hai về cơ chế là thỏa ước Maastricht năm 1992 lại không cho phép, tôi xin nói lại, là không cho phép xứ nào tung tiền cấp cứu xứ khác, cụ thể là nước Đức giàu mạnh không thể tiếp tục trợ cấp các nước kia như Đức đã làm khi chuộc lại Đông Đức và nâng đỡ các nước kém phát triển để họ tiến vào việc thống nhất tiền tệ.
- Nói cho gọn thì nhiều xứ nghèo yếu đã kiếm lời nhờ sự bảo trợ đã trở thành thói quen của Đức. Bây giờ, mấy xứ bất cẩn đó có thể vỡ nợ khi các ngân hàng bị phá sản, là trường hợp đã xảy ra cho xứ Ireland ở miền Bắc và nay là bốn nước ở miền Nam quanh Địa trung hải được gọi chung dưới hỗn danh "Club Med", là hệ thống du lịch lấy tên từ biển Địa trung hải, Mediterranean Sea! Bốn xứ đó là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi và Hy Lạp. Đà khủng hoảng còn đe dọa các xứ khác, kể cả Pháp và Bỉ. Cùng với Đức, tất cả đều nằm trong khối Euro và đấy mới là vấn đề.
Việt Long: Bức tranh toàn cảnh mới khiến người ta thấy tầm nghiêm trọng của vấn đề. Nhưng vì sao các quốc gia trên lại có thể bất cẩn trong đầu tư và chi thu đến như vậy" Vì ỷ vào sức yểm trợ của kinh tế Đức hay sao"


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói chung, các nước Âu châu có tinh thần gọi là "xã hội chủ nghĩa" khi ban phát phúc lợi xã hội cho dân chúng, thực chất là chủ trương bao cấp, còn mạnh hơn Hoa Kỳ cho tới khi có Chính quyền Barack Obama. Một số quốc gia thì còn tăng chi quá đáng. Thí dụ như năm 2008, ngân sách Hy Lạp mất gần 20% của Tổng sản lượng GDP chỉ riêng cho các khoản chi xã hội ấy, là kết quả của 10 năm tăng chi liên tục. Của Pháp thì tỷ lệ này lên tới 17,5%, của Ý là 17,7%. Đấy là các quốc gia có mức công chi và bội chi cao nhất Âu Châu vì mục tiêu xã hội của họ. Khi tăng chi quá số thu và bị bội chi thì Nhà nước phải đi vay, càng muốn vay nhiều thì càng phải trả phân lời cao.
- Nhưng vay ai bây giờ, và với phân lời nào thì đủ cho giới đầu tư thấy an toàn mà tiếp tục mua công khố phiếu của họ" Vì vậy, trị giá trái phiếu của các xứ này mà bị đánh sụt là giới đầu tư hốt hoảng, là chuyện xảy ra từ cuối năm ngoái cho Hy Lạp. Xứ này lại còn cạo sửa thống kê để hạ thấp số bội chi cho phù hợp với tiêu chuẩn của Liên Âu nên càng mất tín nhiệm trên thị trường vay mượn. Lồng vào đó là tình trạng sổ sách bấp bênh của các ngân hàng đã đầu tư quá mạnh vào khu vực Balkan và bị lỗ quá nặng.
- Kết cuộc thì thế giới đang tự hỏi xem quốc gia này có bị vỡ nợ hay chăng" Nghĩa là sẽ lại như xứ Iceland năm ngoái đã chính thức thông báo là xin tạm hoãn trả nợ quốc trái. Cuối năm ngoái, dân Hy Lạp biểu tình vì đòi phúc lợi nên chính quyền thuộc đảng trung hữu bị đổ. Đảng trung tả lên thay càng hết dám giảm chi mà chỉ nghĩ đến giải pháp tăng thuế, làm sản xuất càng dễ suy sụp. Thành thử, Hy Lạp bị ép ở hai mặt là động loạn xã hội bên trong, khi các chủ nợ gõ cửa đòi nợ ở bên ngoài, nên chưa biết sẽ xoay trở ra sao. Tình trạng này mà kéo dài thì các nước kia sẽ bị vạ lây.
Việt Long: Nói riêng về Hy Lạp thì xứ này có những giải pháp thoát hiểm nào, chứ chẳng lẽ cứ ngồi chờ chết sao"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Họ có giải pháp tôi xin ví von là "chuyển bại thành liệt" vì tinh thần vô trách nhiệm của chính quyền và tính ỷ lại của dân chúng. Nói ngắn gọn thì Hy Lạp sẽ trông chờ quốc tế và tự đánh mất chủ quyền. Về các giải pháp thì thứ nhất, Hy Lạp có thể hạ quyết tâm chấn chỉnh chi thu. Cụ thể là giảm chi ít ra phân nửa với hậu quả là thất nghiệp tăng gấp đôi, tới hơn 20%, và các chính phủ sẽ nối nhau rụng như sung. Vì vậy, chẳng chính quyền nào dám làm cách mạng như thế, nhất là chính quyền trung tả hiện nay. Giải pháp thứ hai, là tự bước ra khỏi khối Euro để có toàn quyền in bạc trả nợ với hậu quả là lạm phát phi mã, các khoản công trái sụt giá. Tiền Hy Lạp mà mất giá thì cũng có lợi cho xuất cảng và trước khi gia nhập khối Euro nhiều xứ khác cũng đã áp dụng biện pháp đó. Nhưng bây giờ thì khó vì khi ấy ai dám cho xứ này vay tiền nữa, với phân lời bao nhiêu mới đủ" Giải pháp thứ ba là chính phủ đành tuyên bố vỡ nợ và sẽ không tìm ra chủ nợ mới, mà cũng chẳng thể buôn bán ngay với các nước trong khối Âu Châu vì chẳng xứ nào muốn bán hàng cho Hy Lạp để thu về giấy lộn vô giá trị. Hy Lạp coi như sẽ tiêu diệt nền kinh tế của mình.
Việt Long: Xin hỏi ngay ông một câu rất thời sự là tình trạng tăng chi rồi đi vay cũng là hoàn cảnh bất trắc của Hoa Kỳ ngày nay. Vụ Hy Lạp không làm nước Mỹ và dân Mỹ suy nghĩ sao"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi còn nhớ lời phát biểu rất chính đáng của một kinh tế gia nổi tiếng Hoa Kỳ là ông Larry Summers. Rằng "không thể là siêu cường khi là một xứ ngập nợ!" Nhưng ông ta nói vậy trước khi làm Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia cho Tổng thống Obama! Thực tế thì Hoa Kỳ có ưu thế mà xứ khác cho là bất công, là vai trò ngoại tệ dự trữ của đồng Mỹ kim. Nghịch lý là khi Mỹ bị khủng hoảng rồi tăng chi vô trách nhiệm năm ngoái thì vẫn tiếp tục có người mua công khố phiếu Hoa Kỳ nhiều hơn, vì dù lời ít thì vẫn an toàn hơn công khố phiếu của nhiều xứ khác! Dù sao, vụ Hy Lạp cũng là một hồi chuông cảnh báo có lợi cho chính trường và dư luận Hoa Kỳ.
- Trở lại chuyện Hy Lạp thì khi xứ này cân nhắc ba giải pháp cùng tự sát như vậy, các nước Âu Châu cũng phải suy nghĩ hơn thiệt và bàn tính về giải pháp tung tiền cấp cứu. Lý do là nếu phân lời trái phiếu Hy Lạp vọt lên trời thì lần lượt các nước khác - theo thứ tự về mức độ nguy kịch là Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi và Pháp - đều mắc cạn vì lãi suất sẽ tăng và họ sẽ lại gặp bài toán kiểu Hy Lạp. Vì vậy, người ta chỉ còn giải pháp thứ tư là cấp cứu quốc tế.
Việt Long: Có phải là giải pháp ấy nghĩa là các nước khác đưa tiền cho Hy Lạp chuộc nợ với điều kiện là từ nay xứ này sẽ phải chấn chỉnh chi thu hay không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thật ra, giải pháp này cũng không đơn giản.
- Xưa kia, khi Mexico hay Argentina bị khủng hoảng và gặp nguy cơ phá sản thì Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Hoa Kỳ đã tung tiền và phối hợp cấp cứu. Ngày nay, Hoa Kỳ ưu tiên lo chuyện nhà, lại trong một năm có bầu cử nên nhiều phần sẽ bó tay. Điển hình là Tổng thống Obama từ chối không tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Âu Châu và Hoa Kỳ tại Madrid vào tháng Năm này. Còn lại thì Quỹ Tiền tệ IMF cũng khó là giải pháp vì hai lý do. Thứ nhất, cơ chế này sẽ đặt điều kiện chẩn chỉnh rất khắt khe và càng dễ gây ra khủng hoảng chính trị như đã xảy ra cho Indonesia năm 1989. Thứ hai, nhiều hội viên ngoài Âu Châu ngồi trong Hội đồng Thống đốc để quyết định về chín sách của IMF chưa chắc đã đồng ý với việc cấp cứu một thành viên của khối Euro sau này sẽ cạnh tranh với họ.
Việt Long: Như vậy, suy đi tính lại thì có lẽ chỉ còn cường quốc kinh tế Âu Châu cuối cùng là nước Đức mà thôi" Có phải vậy không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là nhiều phần sẽ như vậy sau khi nước Đức đã một mình chuộc lại Đông Đức, và yểm trợ nhiều xứ khác. Lần này, chắc chắn là Đức sẽ phải có điều kiện rõ ràng hơn về luật lệ và dù sao sẽ tăng cường vai trò quốc tế của mình, là điều chúng ta sẽ tìm hiểu sau khi ăn Tết mà chúng tôi xin cầu chúc là thật vui vẻ, an lành tới toàn thể quý thính giả.
Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “DDOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”
The New Economics Foundation (NEF) của Anh, đã đưa ra khái niệm Happy Planet ln "Tốc độ của cả hạm đội không phụ thuộc vào con tàu nhanh nhất
Tôi được sinh ra và lớn lên một phần tư thế kỷ trong xã hội không cọng sản. Tôi được đi học mà chẳng biết “hiến chương nhà giáo” là gì
Thời gian từ đầu năm 2007 cho đến nay tất cả các cơ quan truyền thông báo đài trên cả nước Việt Nam tập trung ráo riết tuyên truyền cuộc vận động
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, thế giới của những người yêu dân chủ VN, lai được chứng kiến phiên tòa phúc thẩm xét xử hai công dân dân chủ ưu tú
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về phần thứ hai của loạt bài diễn giải Tâm Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nói về Sắc và Không.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Ngày nay Little Sàigòn đã trở thành thủ phủ của người Việt mà khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam
Hàng năm người Hoa Kỳ dành ngày Thứ Năm trong tuần lễ cuối của tháng Mười Một để cử hành lễ Tạ Ơn.  Ngày lễ Tạ Ơn cũng còn được gọi là "Ngày Gà Tây"
Tuần qua, Bắc Kinh hủy bỏ chuyến thăm viếng của Tổng trưởng Tài chính Đức là ông Peer Steinbruck được dự trù từ lâu cho tháng 12 tới đây
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.