Hôm nay,  

Vì Sao Mỹ Kim Mất Giá?

25/11/200900:00:00(Xem: 17526)

Vì Sao Mỹ Kim Mất Giá"
Nguyễn Xuân Nghĩa & RFA

...dù Mỹ kim mất giá, Việt Nam vẫn đang bị sức ép về ngoại hối rất nặng...

Trong khi giá Mỹ kim tăng vọt trên thị trường chợ đen ở Việt Nam, các quốc gia khác trên thế giới lại e là tiền Mỹ sụt giá nên gây bất lợi cho họ. Mà vì sao đô la Mỹ lại mất giá như vậy, câu hỏi đã được nêu lên nhiều lần, do đó Diễn đàn Kinh tế yêu cầu nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày cho lý do qua cuộc trao đổi sau đây với Việt Long.
Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Từ mấy ngày qua, tỷ giá đô la Mỹ trên thị trường chợ đen tại Thành phố Sài Gòn đã mấp mé 19.900 đồng và gây biến động phức tạp cho việc giao dịch. Trong khi ấy, trên các thị trường tài chính quốc tế, đồng đô la Mỹ lại mất giá nặng so với nhiều ngoại tệ khác. Kỳ trước, khi nói về tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, ông có trình bày sơ lược vì sao đô la Mỹ mất giá. Kỳ này, tôi xin đề nghị là ta sẽ tìm hiểu thêm về nạn mất giá đó. Và nếu có thể thì giải đáp câu hỏi là còn mất giá bao lâu nữa"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Dưới tiêu đề "Dự báo Kinh tế", chương trình chuyên đề hôm 14 tháng 10 - tức là cách đây hơn một tháng - có đề cập tới trường hợp Việt Nam ở phần cuối. Khi đó, chúng ta dự đoán là đồng bạc Việt Nam sẽ còn sụt giá so với tiền Mỹ và phải hai vạn đồng mới ăn một Mỹ kim dù đô la đang mất giá so với nhiều ngoại tệ khác. Chuyện ấy đang xảy ra. Bây giờ, nếu có tìm hiểu thêm là vì sao Mỹ kim mất giá thì cũng là điều cần thiết, vì chương trình tuần trước chưa thể trình bày hết nội vụ.
- Đây là vấn đề khá rắc rối cho nên để hiểu rõ về lý do, tôi xin được xếp loại hai yếu tố. Thứ nhất là nguyên do ngắn hạn thuộc về chu kỳ kinh tế. Thứ hai là nguyên do dài hạn về cơ cấu khiến đô la vẫn còn mất giá, sau khi loại yếu tố ngắn hạn đó chấm dứt.
Việt Long: Chúng ta sẽ khởi đi từ nguyên nhân ngắn hạn. Trong kỳ trước, ông có giải thích là vì suy trầm kinh tế, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã cắt lãi suất ngắn hạn tới gần số không và sau đó còn in bạc để bơm thêm vào kinh tế. Đấy có phải là yếu tố thuộc về chu kỳ không" Một số thính giả có hỏi thêm về việc ông gọi là "in bạc bơm tiền vào kinh tế" nên nhân dịp này, xin đề nghị ông trình bày chi tiết ấy cho rõ hơn.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta không quên kinh tế Mỹ bắt đầu bị suy trầm - là tăng trưởng chậm hơn trong hai quý liền - kể từ tháng 12 năm 2007. Một trong các lý do suy trầm là sự đình đọng của thị trường gia cư từ năm 2006 và nạn bể bóng tín dụng thứ cấp sau đó. Khi ấy, từ giữa năm 2006 đến tháng 10 năm 2008, hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ đã liên tục hạ lãi suất ngắn hạn từ 5,25% xuống tới 1%. Đến ngày 16 tháng 12 năm 2008, tức là sau vụ khủng hoảng tài chính hồi tháng Chín, lãi suất ấy còn được hạ tới biên độ cực nhỏ là từ 0% đến 0,25%. Thực tế là lãi suất bằng số không, thậm chí là số âm.
Việt Long: Tức là hạ lãi suất để doanh nghiệp có thể vay với lãi suất rẻ nên dễ đầu tư và sản xuất phải không" Mà lãi suất rẻ là làm cho tiền rẻ, tức là làm đồng bạc mất giá"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, nhưng kịch bản bất thường đã xảy ra, là lãi suất hạ tới đáy rồi mà doanh nghiệp vẫn không dám đi vay vì các cơ sở tài chính còn do dự không dám cho vay.
- Khi ấy, chương trình phát thanh mùng ba tháng 12 năm ngoái có nói đến biện pháp tiền tệ bất thường khi lãi suất đã hạ tới mức thấp nhất mà chưa thể kích thích được kinh tế. Biện pháp ấy có thuật ngữ chuyên môn là "quantitative easing" mà Nhật gọi là "lượng đích kim dung hoà hoãn chính sách". Chúng ta dịch nôm na cho dễ hiểu là "tăng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng". Nôm na là không chỉ hạ lãi suất cho đồng tiền trở thành rẻ hơn, là biện pháp định phẩm, mà còn định lượng, tức là bơm thẳng tiền vào doanh nghiệp.
Việt Long: Mà vì sao mình lại nói đến cách gọi của người Nhật"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Câu trả lời là vì biện pháp đặc biệt hãn hữu này xuất phát từ Nhật Bản khi họ thất bại trong kích thích sản xuất để chặn đà giảm phát từ năm 1991. Kết quả là Nhật phải áp dụng giải pháp này kể từ năm 2001. Các xứ khác thì toàn dùng tiếng Anh. - Dù không nói ra từ ngữ chuyên môn đó, hôm mùng một tháng 12 năm ngoái, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ có thông báo chính sách ấy. Hai tuần sau, lãi suất cơ bản Mỹ được hạ tới số không. Khi ấy, mục Diễn đàn Kinh tế phải lập tức giải thích tại sao và như thế nào. Cũng cần nói là chính sách ấy đã được Ngân hàng Trung ương ECB của Âu Châu và Ngân hàng Trung ương của Anh quốc áp dụng. Sau này, nhiều xứ khác cũng thi hành biện pháp này mà không gọi đích danh như vậy.
Việt Long: Xin hỏi thêm về biện pháp mà ông giải thích là bơm thẳng tiền vào doanh nghiệp: cụ thể thì Ngân hàng Trung ương làm như thế nào, vì sao lại gọi đó là in bạc bơm tiền vào kinh tế"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin phép đi vào chuyên môn một chút. Khi lãi suất đã hạ tới tột cùng mà lượng tiền vay mượn vẫn chưa nhúc nhích thì Ngân hàng Trung ương phải dùng biện pháp giúp cho hệ thống ngân hàng có dư dôi tiền tệ và cho vay dễ hơn. Khi được bơm tiền để cho vay thì các ngân hàng thực tế đã phát hành tiền tệ. Không khác gì là in thêm bạc bơm vào kinh tế.
- Về thực tế, Ngân hàng Trung ương có thể mua Công khố phiếu trên thị trường mở và trả bằng thủ tục bút toán, một lời giao kết. Ngân hàng Trung ương cũng có thể cho các ngân hàng vay thêm tiền, hoặc mua lại một số tài sản, kể cả ngoại tệ, của các ngân hàng. Họ cũng có thể kết hợp ngần ấy ngả pháp lý, về kinh tế thì chỉ là bơm tiền bằng thể thức bút ghi kế toán, chứ không in bạc ra rồi chở tới phát cho các ngân hàng tung ra lưu hành. Vì vậy mới gọi là "tăng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng". Thực tế thì từ năm ngoái đến nay Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng khối tiền tệ lưu hành gấp đôi, là điều chưa từng thấy từ khi định chế ra đời năm 1913.
Việt Long: Làm sao mình có thể biết là Ngân hàng Trung ương Mỹ đã bơm thêm bao nhiêu tiền  vào kinh tế bằng biện pháp nâng mức lưu hoạt đó"


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bằng cách nhìn vào sổ sách kế toán của định chế này. Thí dụ như kết số tài sản của Ngân hàng Trung ương Mỹ từ 900 tỷ năm ngoái đã tăng lên hơn hai ngàn tỷ đô la tính đến giữa năm nay thì sai số đó có nghĩa là khối tiền tệ lưu hành có thêm hơn ngàn tỷ đô la. Khi cơ quan này vừa thông báo là sẽ còn mua lại 1.250 tỷ đô la trái phiếu gia cư nữa thì mình biết là họ sẽ bơm thêm 1.250 tỷ Mỹ kim vào kinh tế.
Việt Long: Nhưng nếu cứ in tiền ra như vậy thì người ta không sợ lạm phát sao"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói ra thì hơi rắc rối, nhưng Ngân hàng Trung ương mong thị trường e sợ lạm phát nên hết ghìm tiền nữa mà đem ra tiêu xài hay đầu tư, nhờ vậy sẽ phục hoạt kinh tế. Cũng thế, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo là sẽ còn duy trì khá lâu lãi suất cực thấp hiện nay thì cũng để thị trường tin như vậy mà kích hoạt sản xuất với hậu quả là càng làm Mỹ kim mất giá. Bao giờ tình hình kinh tế khả quan hơn thì lãi suất mới được nâng và khi ấy, Mỹ kim mới hy vọng giảm đà mất giá. Nhưng, với mức thất nghiệp vẫn còn quá cao như hiện nay thì có lẽ còn lâu ta mới thấy lãi suất cơ bản nhúc nhích. Có thể là phải qua năm 2011.
Việt Long: Bây giờ, ta bước qua phần hai là những nguyên nhân về cơ cấu khiến Mỹ kim mất giá trong trường kỳ.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khi kinh tế bị suy trầm từ năm kia và khủng hoảng tài chính năm ngoái khiến suy trầm tuột thành suy thoái thì Chính quyền đã bơm thêm 937 tỷ đô la vào kinh tế, gồm hơn 150 tỷ hồi tháng Hai năm ngoái thời Tổng thống Bush và 787 tỷ vào tháng Hai năm nay thời Tổng thống Obama. Ngay sau đó, Chính quyền Obama tiếp tục tăng chi tới mức kỷ lục nên Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách trầm trọng, có thể là hơn ngàn tỷ mỗi năm suốt 10 năm tới.
- Bội chi ngân sách ấy thường đi đôi với một thiếu hụt khác là cán cân vãng lai, vì bội chi nâng cao số cầu nội địa và đẩy mạnh nhập siêu, một yếu tố chính của nạn thiếu hụt vãng lai. Nôm na thì nước Mỹ tiêu thụ quá mức và mắc nợ ngày một nhiều hơn. Đấy là nguyên nhân cơ cấu khiến Mỹ kim mất giá.
Việt Long: Nếu tôi hiểu không lầm thì một năm nữa chẳng hạn khi kinh tế phục hồi mạnh, Ngân hàng Trung ương có thể nâng lãi suất và nguyên nhân ngắn hạn khiến Mỹ kim sụt giá sẽ không còn nữa. Nhưng vì sao loại nguyên nhân dài hạn về cơ cấu lại có thể kéo dài lâu hơn"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khi kinh tế ra khỏi chu kỳ suy trầm thì biện pháp tiền tệ như hạ lãi suất hoặc bơm tiền lưu hành sẽ được điều chỉnh và Mỹ kim sẽ bớt mất giá. Bớt thôi, và nếu có lên giá lại nhờ lãi suất gia tăng thì cũng rất chậm, phải vài năm, và không nhiều. Nhưng nguyên nhân trường kỳ là nạn bội chi ngân sách và nhập siêu thì chưa thể chấm dứt ngay và còn có thể kéo dài cả chục năm nữa. Vì vậy, về dài thì Mỹ kim sẽ còn mất giá. Điều đáng chú ý là từ đầu năm nay đô la đã sụt giá chậm so với nhiều ngoại tệ khác, nhưng nếu nạn bội chi kéo dài và trở thành trầm trọng hơn thì niềm tin của thế giới vào đồng Mỹ kim có thể suy sụp nặng khiến Mỹ kim sụt giá đột ngột và rất mạnh, là một kịch bản nhiều người đang sợ.
Việt Long: Khi Mỹ kim mất giá thì hàng Mỹ có thể trở thành rẻ hơn và dễ xuất khẩu hơn, điều ấy có giúp kinh tế Mỹ bị nhập siêu ít hơn và nhờ vậy mà Mỹ kim sẽ bớt sụt giá chăng"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trên lý thuyết thì vậy, trong thực tế thì xuất khẩu chỉ đóng góp có chừng 12% vào Tổng sản lượng Mỹ, cho nên nếu xuất khẩu có tăng thì không mạnh và chưa thể bù đắp mức thiếu hụt vãng lai, khi kinh tế xứ này cứ phải vay tiền bên ngoài ngày một nhiều hơn.
Việt Long: Chính quyền Hoa Kỳ hiển nhiên có thấy vấn đề ấy nên phải có biện pháp tiết giảm bội chi ngân sách chứ" Thí dụ như phải tăng thuế chẳng hạn"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khi vận động kế hoạch cải tổ chế độ y tế, Quốc hội Hoa Kỳ trong tay đảng Dân Chủ hiện nay có nói đến biện pháp đó. Thực tế thì nếu được thông qua, kế hoạch cải tổ này lại gây thêm bội chi nữa kể từ năm thứ tư trở đi, có thể cả ngàn tỷ. Khi ấy, có tăng thuế lợi  tức của người có tiền thì căn bản tính thuế lợi tức sẽ giảm và nguồn thu với tô suất thuế phụ trội chưa chắc đã bù nổi khoản thất thâu. Vì vậy, tăng thuế có khi đánh sụt số thu ngân sách và càng làm sản xuất suy giảm. Tại vậy mà mỗi khi có thêm tin tức về cải tổ hay bội chi ngân sách là Mỹ kim lại sụt giá.
Việt Long: Nếu như vậy, tương lai rồi sẽ ra sao"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Giới nghiên cứu kinh tế dự đoán là Mỹ kim sẽ còn sụt giá thêm, từ hơn 5% đến hơn 6% so với đồng Euro Âu châu. Nhưng đấy chưa phải là điều đáng sợ. Điều đáng sợ là thế giới còn lệ thuộc vào đồng Mỹ kim, dù sao vẫn là ngoại tệ sử dụng phổ biến nhất và chưa thay thế được, nên kinh tế toàn cầu sẽ còn gặp nhiều bất ổn vì hiện tượng này. Vì chương trình đã quá dài, chúng ta sẽ đề cập tới chuyện đó trong một kỳ khác.
Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông, liên quan đến Việt Nam, là trong chương trình phát thanh ngày 26 tháng Tám, cách đây ba tháng, khi nói đến hai yêu cầu trái ngược của Việt Nam là kích cầu để đẩy mạnh sản xuất và đạp thắng để ngăn ngừa lạm phát , ông có nói đến hiện tượng đô la hoá quá mạnh ở Việt Nam. Khi đó, ông dự báo là nếu kinh tế Mỹ phục hồi khiến năm tới Hoa Kỳ sẽ từ bỏ chính sách lãi suất bằng số không và đô la có thể lên giá. Khi ấy, Việt Nam có thể vừa bị khủng hoảng ngoại hối vì đồng bạc mất giá so với đô la và vừa bị lạm phát vì vật giá gia tăng. Trong một kỳ khác nữa, trước đó ông cũng khuyên là đừng vội bỏ đô la nếu thấy tiền Mỹ mất giá vì nạn mất giá ấy sẽ giảm nếu Mỹ tăng lãi suất. Chuyện ấy có thể xảy ra không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nhìn riêng vào Việt Nam, đồng bạc xứ này quả là đang mất giá so với đô la dù Mỹ kim vẫn đang sụt giá. Điều chúng ta không dự đoán được là Chính quyền Obama đã tăng chi rất mạnh và tiếp tục tăng chi để tài trợ một số chương trình cải tạo xã hội nên giả thuyết Mỹ kim ngưng sụt giá hoặc sẽ tăng giá có xác suất thấp hơn trong tương lai. Nhưng  ngay tại chỗ và dù Mỹ kim mất giá, Việt Nam vẫn đang bị sức ép về ngoại hối rất nặng và dân chúng vẫn ghim lại đô la hoặc dồn tiền qua vàng trong một môi trường giao dịch cực kỳ bất ổn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tính cho đến nay con số người Việt sống bên ngoài lãnh thổ VN khoảng 4,2 triệu người, 3,2 triệu người đang sống tại Mỹ và Châu Âu và Úc châu
Có lẽ phải xin lỗi em vì tôi chưa đọc hết "Tuyển tập Trần Khải Thanh Thủy" dầy gần 400 trang này. Có lẽ tôi sẽ không đọc tiếp nữa, hoặc nếu đọc
Từ một năm nay, ông Nguyễn Minh Triết và ông Nguyễn Tấn Dũng tạo nên hy vọng cho không ít bà con ta trong và ngoài nước.
Chủ Nhật vừa qua, Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương, gọi tắt là APEC, đã kết thúc tại Sydney của Australia
Vụ án Lê Phước Tuấn đả thương ông Nguyễn Quốc Huy, phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ CHXHCN Việt Nam
Đọc bài báo có tựa đề "Câu kết trong ngoài và mưu đồ chính trị nham hiểm" trên báo Quân Đội Nhân Dân, người đọc có hiểu biết một chút
Hồ Chí Minh lại đưa ra một quan điểm trái ngược: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.”
Chủ quan là nhìn một chiều theo cái muốn của cái tôi. Cái tôi nghĩ như vầy, muốn như vầy, và điều gì ngược lại hay giống như cái tôi nghĩ, cái tôi muốn, thì tạo ra rối loạn tâm tư, tạo sự bực mình hay buồn bã
Đó là ý chí quật khởi, không xu hướng mà phải “chủ hướng.” Tức không buông xuôi theo dòng thời gian mà phải nắm bắt và chủ trì thời gian. Không thụ động không bất động, mà phải hành động tiến bước
Quốc trưởng của một quốc gia được quốc trưởng của một quốc gia khác mời tới thăm viếng quốc gia bạn thì chuyến công du này
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.