Hôm nay,  

Cuộc Bầu Cử Mới Nhất

10/11/200900:00:00(Xem: 6900)

Cuộc Bầu Cử Mới Nhất

Vũ Linh

...Cơ hội cho đảng Cộng Hòa đã đến...

Ngày bốn tháng 11 vừa qua, nước Mỹ đã tổ chức bầu cử tại khoảng hơn một chục nơi, để bầu thống đốc, dân biểu và quyết định về một vài vấn đề có tính cách địa phương. Phần lớn các vụ bầu bán này không đáng chú ý vì mang nặng ý nghĩa địa phương. Nhưng có thể nói đến ba vụ bầu đáng bàn vì ảnh hưởng vượt qua khuôn khổ địa phương.
Đó là các vụ bầu thống đốc tại hai tiểu bang Virginia và New Jersey, và vụ bầu dân biểu liên bang tại hạt 23 (23rd district) của tiểu bang Nữu Ước.
Hai cuộc bầu thống đốc tại Virginia và New Jersey dĩ nhiên đã gây chấn động mạnh và được truyền thông làm rùm beng.
Virginia là tiểu bang khá đặc biệt trong lịch sử Mỹ. Đây gần như là “cái nôi” của nước Mỹ, đã đóng vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thành lập quốc gia này. Tám tổng thống Mỹ xuất thân từ tiểu bang, kể cả vị tổng thống khai quốc, George Washington.
Gần với chúng ta hơn, tiểu bang Virginia từ mấy thập niên qua vẫn là tiểu bang bảo thủ, bầu cho Cộng Hòa nhiều hơn. Nhưng trong thời gian mấy năm gần đây, đảng Dân Chủ đã ngày càng lấn át đảng Cộng Hòa. Đương kim thống đốc là Dân Chủ. Cũng như hai thượng nghị sĩ, trong đó có TNS Jim Webb, là một cựu quân nhân tham chiến tại Việt Nam và có bà vợ là người gốc Việt. Gốc là Cộng Hoà nhảy qua Dân Chủ, ông Webb cũng được nhắc nhở nhiều như có thể là ứng viên phó tổng thống của ông Obama trước khi ông này lựa TNS Joe Biden. Khi Virginia bầu cho Barack Obama thì coi như màn kết của tiến trình ngả theo Dân Chủ của tiểu bang, vì Obama là ứng viên Dân Chủ đầu tiên chiến thắng tại Virginia trong hơn bốn chục năm qua. Virginia từ màu đỏ - Cộng Hòa - ngả qua màu tím, rồi thành màu xanh dương - Dân Chủ - với vụ Obama đắc cử.
Đương kim thống đốc Tim Kaine không được ra tái tranh cử. Phe Dân Chủ đưa một dân biểu địa phương, ông Creigh Deeds ra tranh cử, trong khi phe Cộng Hòa đưa bộ trưởng Tư Pháp của tiểu bang, Robert McDonnell ra. Kết quả như ta đã biết, ông quan tòa thắng ông chính trị gia. Hành pháp Virginia trở lại đảng Cộng Hòa vì dưới chức vụ Thống đốc, hai chức vụ quan trọng nhất cũng được đảng Cộng Hoà chiếm luôn!
New Jersey là thành đồng của Dân Chủ từ mấy chục năm qua, nằm sát nách tiểu bang Nữu Ước, trong khu vực Đông Bắc Mỹ, là địa bàn của giới cấp tiến Mỹ. TNS Obama đã thắng lớn tại tiểu bang này, dĩ nhiên.
Bên Dân Chủ đưa đương kim thống đốc Jon Corzine ra tái tranh cử. Bên Cộng Hòa đưa Công Tố Viện Liên Bang Chris Christie ra. Ngoài ra còn một ứng viên độc lập tham gia cuộc chiến. Kết quả, Cộng Hoà chiếm được New Jersey với tỷ lệ rất lớn dù thống đốc Corzine - một tỷ phú nguyên Chủ tịch tổ hợp đầu tư Goldman Sachs - đã chi tiền gấp năm đối thủ cho cuộc tranh cử.
Phản ứng đối với hai cuộc bầu cử không có gì bất ngờ. Phe Cộng Hòa khua chiêng gõ trống, rầm rộ ca khúc khải hoàn, làm như ngày mai sẽ là ngày đưa đám toàn thể đảng Dân Chủ và TT Obama. Phe Dân Chủ nhún vai, coi như chuyện nhỏ của hai cái làng bên Phi Châu.
Thật ra, cả hai phe đều đi quá trớn.
Chiến thắng của phe Cộng Hòa mang nhiều ý nghĩa lớn lao. Tuy chưa phải là một cuộc trưng cầu dân ý về cá nhân hay về chính sách của TT Obama, nhưng cũng phản ảnh một sự thất vọng nơi cử tri Mỹ. Họ đã đặt niềm tin quá nhiều vào những hứa hẹn của ứng viên Obama, để rồi bây giờ, nhìn lại chẳng thấy “thay đổi” gì ghê gớm, chẳng thấy hoàn cảnh của họ khá hơn năm ngoái. Kinh tế vẫn lủng củng, thất nghiệp cao nhất từ 26 năm nay, cải tổ y tế vẫn còn cãi nhau, chiến tranh Iraq và Afghanistan vẫn còn đó, khủng bố Al Qaeda vẫn đe dọa. Có gì thay đổi" Có chăng là những cái vung tay quá trán của TT Obama và phe Dân Chủ: họ xài tiền như vừa trúng số độc đắc, mà quên mất cuối cùng thì vẫn chỉ là tiền thuế của người dân è cổ ra đóng thôi.
Kết quả là Virginia lại trở về màu đỏ. Tiến trình ngả qua màu xanh có vẻ đã bị lật ngược. Và New Jersey từ màu xanh bao lâu nay, bỗng chuyển qua màu đỏ.
Hiển nhiên, cử tri tại hai tiểu bang này đã gửi một thông điệp rõ rệt cho TT Obama. Chúng tôi không còn bị mê muội như cách đây một hai năm trước đâu. Chúng tôi nhìn vào thực tế và không lấy gì làm vui với những thành quả của tổng thống.
Nhưng nếu Cộng Hòa nghĩ rằng ngày tận thế của Dân Chủ đã bắt đầu thì họ sẽ vỡ mộng sớm. Chiến thắng của Cộng Hòa do những yếu tố trên ảnh hưởng thật, nhưng không phải chỉ có vậy. Phe Cộng Hòa còn được lợi thế nhờ cái ông ứng viên Dân Chủ ở Virginia vừa tranh cử yếu ớt, vừa chuyên chú vào việc sỉ vả đối phương mà không có chương trình gì tích cực và cụ thể, trong khi ứng viên Dân Chủ tại New Jersey lại là một người bị chống đối mạnh mẽ từ trước vì đã tăng thuế gia cư quá mạnh trong thời gian qua để bù đắp lỗ hổng ngân sách của tiểu bang.
Ngược lại nếu phe Dân Chủ coi thường kết quả hai cuộc bầu cử này, đánh giá sai lạc ý nghĩa của lá phiếu cử tri, thì chắc chắn là họ sẽ phải trả giá trong cuộc bầu cử của cả nước vào năm tới. Nếu hai tiểu bang Dân Chủ này có thể ngả qua phe Cộng Hoà được thì rất nhiều tiểu bang khác cũng có thể mời các vị dân cử Dân Chủ khác đi về câu cá.
Kết quả hai cuộc bầu cử có thể sẽ làm một số không ít các vị dân cử Dân Chủ các nơi khác - nhất là các vị trong các tiểu bang bảo thủ đã từng bỏ phiếu cho McCain- đâm ra nhát tay, uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói “yes, we can” với TT Obama.
Lá phiếu tương lai của họ trong những vụ biểu quyết về cải tổ y tế cũng như các chương trình vĩ đại khác của TT Obama sẽ cần phải được cân nhắc, tính toán cho kỹ hơn. Có nhiều hy vọng là cái thế “thừa thắng xông lên” của TT Obama đã bị hãm lại. Và đó là tin mừng cho phe Cộng Hòa và khối bảo thủ.


Tại hạt 23 của tiểu bang Nữu Ước, sự kiện hơi phức tạp hơn. Nơi này là thành đồng của Cộng Hoà từ mấy chục năm nay. Vị dân biểu liên bang ở đây được TT Obama mời làm Bộ Trưởng Lục Quân (Secretary of Army) nên giờ phải bầu người thay thế.
Cấp lãnh đạo Cộng Hòa tại tiểu bang, thay vì tổ chức bầu cử sơ bộ, đã tuyển chọn một bà ra làm đại diện cho Cộng Hòa để tranh cử. Các vị lãnh đạo này tính toán là với chiến thắng của TT Obama và phe Dân Chủ trong mấy năm vừa qua, có lẽ dân Mỹ đang ngả theo khuynh hướng ôn hòa cởi mở, do đó đưa một bà tương đối cấp tiến ra để lấy thêm phiếu của cử tri độc lập. Bà này có thành tích khá lạ lùng so với các chính khách Cộng Hòa: bà ủng hộ phá thai và chấp nhận hôn nhân đồng tính, đồng ý với kế hoạch cải tổ của TT Obama.
Trước sự bất ngờ của lãnh đạo đảng Cộng Hoà ở địa phương, khối quần chúng bảo thủ bất mãn và chống đối ra mặt. Một chính khách độc lập nhẩy ra tranh cử với một chương trình bảo thủ mạnh hơn nhiều. Kết quả là tranh cử tay ba. Các chính khách bảo thủ Cộng Hoà như bà Sarah Palin, công khai ủng hộ ứng viên độc lập. Rồi các thăm dò dư luận cho thấy cái bà đại diện Cộng Hòa này không có cách nào thắng cử được. Bà tức giận, bỏ cuộc và kêu gọi cử tri ủng hộ ứng viên… Dân Chủ cho bõ ghét!
Cấp lãnh đạo Cộng Hòa, từ địa phương đến trung ương chới với, đành phải quay qua hậu thuẫn ông ứng viên độc lập. Kết quả, ông Dân Chủ thắng mấy ngàn phiếu vì sự chia rẽ trong hàng ngũ Cộng Hòa. Có người nghi ngờ TT Obama đã biết trước đảng Cộng Hòa đang có vấn đề ở đây, nên lôi ông dân biểu Cộng Hoà đi, giúp cho Dân Chủ có cơ hội kiếm thêm được một ghế tại Hạ Viện liên bang! Nếu bà Cộng Hoà giả hiệu kia mà rút lui sớm hơn vài tuần, trước khi cử tri bỏ phiếu khiếm diện cho bà  thì có khi cái mưu của Obama cũng bể!
Dù sao thì phe Dân Chủ cũng làm rùm beng ngay. Quân sư của TT Obama cho rằng hai cuộc bầu cử thống đốc tại Virginia và New Jersey có tính cách địa phương không quan trọng, nhưng cuộc bầu cử dân biểu tại hạt 23 này mới thật sự quan trọng vì chứng minh dân chúng bác bỏ lập trường bảo thủ quá khích của Cộng Hòa. Thiên hạ không khỏi phì cười trước cuộc bào chữa ngớ ngẩn này.
Tổng cộng cử tri tại hạt 23 này chỉ hơn một trăm ngàn, và cũng chẳng ai biết ai là dân biểu đại diện cho mấy cái hạt tiêu này, trong khi thống đốc Virginia và New Jersey kiểm soát trên dưới hai chục triệu dân, và có tiếng nói lớn trong các cuộc bầu tổng thống nữa.
Lập luận của Dân Chủ tuy nghe khôi hài, nhưng phản ánh một vấn đề lớn trong nội bộ Cộng Hòa. Đảng đang đứng trước ngã ba đường, không biết phải nghiến răng giữ lập trường, giữ bản sắc bảo thủ, để bảo vệ phiếu của khối cử tri trung thành với tư tưởng bảo thủ, hay phải nương tay để kiếm phiếu trong khối ôn hòa độc lập đang thất vọng với Obama và sẵn sàng cho Cộng Hòa một cơ hội hồi sinh.
Ta hãy bỏ qua một bên những hò hét vớ vẩn của cả hai phe, mà nhìn vấn đề sâu hơn. Kết quả cuộc đầu phiếu tại Virginia và New Jersey cho thấy Obama đang mất thế thượng phong và mất hậu thuẫn của khối độc lập, nhưng nếu Cộng Hòa không khéo, không kiếm ra được giải pháp đúng đắn, thì sẽ bị phân hóa nội bộ và khối cử tri Dân Chủ sẽ vẫn thắng như thường, như kết quả của hạt 23 đã chứng minh.
Nhìn xa hơn, qua cuộc bầu phiếu tới trong năm 2010, vấn đề sẽ vẫn không thay đổi. Vì chính sách cấp tiến cực đoan của TT Obama, đảng Cộng Hòa có cơ hội phục hồi, thu phiếu được của những người ôn hòa trong khối độc lập, và ngay cả trong hàng ngũ đảng Dân Chủ, nhưng nếu chưa tìm ra được hướng đi thì sẽ mất cơ hội, và sẽ vẫn thua. Lúc đó đảng Cộng Hòa chỉ còn có thể tự trách mình thôi.
***
Nếu ta muốn rút ra một kinh nghiệm cụ thể từ hai cuộc chiến thắng của Cộng Hòa, thì đó là vai trò của TT Obama.
Có tin nói rằng TT Obama đã không hăng hái vận động mạnh cho cuộc cải tổ y tế, cũng như không chịu lấy quyết định về vấn đề đôn quân ở Afghanistan, vì ông muốn đợi xem kết quả hai cuộc bầu này. Để xem ông vẫn còn được bao nhiêu hậu thuẫn, trước khi quyết định làm mạnh hay là nương tay.
Trong thời gian tranh cử, ông tích cực đi vận động cho hai ứng viên Dân Chủ, năm lần vào New Jersey, ba lần tới Virginia và mang uy tín cùng cảm tình cá nhân ra làm mồi nhử cử tri. Nhưng hiển nhiên là ông đã thất bại. Tuy đây không phải là trưng cầu dân ý về tổng thống, nhưng cũng có nghĩa tiếng nói của TT Obama hết còn sức mê hoặc của năm 2008 nữa.
Nhìn vào các thăm dò dư luận về hậu thuẫn của tổng thống, ta cũng thấy một hình ảnh không mấy hấp dẫn.
Trong bài “Máy Bay Obama Bắt Đầu Hạ Cánh "” ngày 14 tháng Bảy vừa qua, kẻ viết này đã có đoạn như sau: “Ngay sau lễ đăng quang, cuối tháng Giêng, tỷ lệ ủng hộ thành tích chung - overall job approval rating - leo lên gần 65% trong khi tỷ lệ chống đối chỉ khoảng 20%, theo kết quả thăm dò tổng hợp của cơ quan truyền thông Real Clear Politics (bằng cách tính trung bình của các cuộc khảo sát): Khoảng cách biệt 65-20 là xấp xỉ 45%.”
Ngày hôm nay đây, con số ủng hộ đã tuột xuống 51.5%, trong khi số chống đối lên tới 44%. Cách biệt 51.5-44 chỉ còn có 7.5%. Từ 45% tuột xuống trên 7% trong chín tháng; đó là kỷ lục rớt đài mạnh nhất trong lịch sử các tổng thống cận đại Mỹ. Cơ hội cho đảng Cộng Hòa đã đến. Nắm được hay không là chuyện ta sẽ chờ xem. (8-11-09)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi Thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đâu phải tự nhiên mà người Cộng sản Việt Nam rộ lên “phong trào” bàn về “hòa hợp dân tộc” sau 3 năm thi hành Nghị quyết 36
Khoa học tân tiến nhất của loài người ngày nay đã tìm đến Nguyệt cầu, Hoả tinh, và đã có các phi hành gia bay bổng ra ngoài tầng khí quyển
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.