Hôm nay,  

Kuku, Nhật Ký Dọc Đường...

05/07/200900:00:00(Xem: 6645)

Kuku, Nhật Ký Dọc Đường...

Lưu Dân (Sydney - Australia)
Bài 2
Ngày 3 (12.04 Letung - Kuku): Trời quen đất lạ…
"Số 1, có! Số 2, có!... Số 22, có! Đủ rồi. Nhổ neo, bác tài!"
Chiếc ca-nô tốc hành tách bến, phóng ra khơi như một mũi tên xé nước, mang theo đoàn người hành hương trở về con đường ký ức. Mọi người đã tươi tỉnh hẳn sau một đêm sạc pin đầy đủ ở khách sạn bến tàu Terempah và chầu điểm tâm mì xào ớt. Chất cay tươi này (để phân biệt với thứ "chất cay lỏng" mà đám các ông cắt củm mang theo như mèo giấu... của hiếm) dường như đã tô thêm một tí màu hồng trên đôi má của các bà các cô để bù lại khuôn mặt "người tình không chân dung" trên đoạn đường chiến binh hôm qua.
Tháng Ba bà già đi biển có khác! Không một cơn gió mạnh hoặc một gợn sóng lăn tăn nào suốt cả tiếng đồng hồ đi tàu. Mặt nước êm và phẳng như một miếng thạch trong veo khổng lồ. Nếu không có âm thanh động cơ, tiếng cười đùa của hành khách và vệt sóng trắng xóa sau đuôi tàu, bạn sẽ không bị coi là... kẻ "té giếng" nếu ngỡ mình đang là Lưu Thần - Nguyễn Triệu đi lạc vào cõi thiên thai vì khung cảnh tĩnh mịch và diễm ảo của vùng quần đảo này.
Chiếc ca-nô tốc hành (với khoảng 30 chỗ ngồi và dụng cụ an toàn hải hành đầy đủ, do tài công và hoa tiêu địa phương dẫn đường), được thuê bao riêng cho chúng tôi suốt chặng đường Terempah - Letung - Kuku - Terempah - Matak trong 3 ngày sau đó. Phương tiện này khá thuận tiện vì chúng tôi cần phải di chuyển liên tục đến nhiều địa điểm khác nhau trong vùng.
"Letung kia rồi!" Trần Lão Gia chỉ tay về một hòn đảo phía xa sau khi được hoa tiêu thông báo sắp đến nơi. Thật ra, anh trưởng đoàn chẳng biết tí ti gì về quần đảo Anambas trong thực tế và cũng chẳng giây mơ rễ má đến kỷ niệm thời tỵ nạn với vùng này (vì ổng là dân "cựu Bidong" ở tận bên Mã Lai) nhưng có lẽ là người am tường địa hình nhất trong nhóm. Từ khoảng 6 tháng trước chuyến đi, ngày nào ổng cũng chúi mũi vào màn hình computer tra cứu bản đồ, tham khảo những dữ kiện địa lý, đối chiếu với hồi ức của những người từng tạm cư tại đây... Và để chắc ăn, ổng còn mang theo cả máy đo tọa độ từ vệ tinh để xác định những vị trí cần biết; như các điểm chuẩn trên đảo, địa điểm các ngôi mộ hoặc di tích thuyền nhân Việt Nam...
Khoảng 15 người trong nhóm đã từng đến Letung nhưng hầu như chẳng ai nhận ra hòn đảo này từ xa. Mãi đến khi chúng tôi bước chân lên cầu tàu, những hình ảnh và kỷ niệm từ ngăn kéo ký ức khóa kín 25-30 năm trước mới tái hiện, dồn dập đến ngộp thở vì xúc động.
Tấm bảng "Selamat Datang" trên cổng chào ở cầu tàu đã tạo nên cảm giác êm ả và gần gũi. Vài đứa bé mình trần bóng láng đang tắm biển dưới chân cầu tàu vẫy tay chào "Hello" với nụ cười rạng rỡ làm rụng tim các bà mẹ trong đoàn. Mấy bịch bánh kẹo, ô mai xí muội "cho đỡ buồn miệng dọc đường" của Kim Vân (từ Melbourne, Úc), Xuân Hương (Munich, Đức), Trang Đài (California, Mỹ), Ngọc Thúy (Paris, Pháp)... được lôi ra hết để kết bạn với các thiên thần nhỏ tuổi. Món quà làm quen này đã xô ngã tức khắc hàng rào bất đồng ngôn ngữ giữa chúng tôi và người dân địa phương. Những bàn tay nắm chặt, ánh mắt ấm áp, cử chỉ thân thiện của họ vẫn như ngày nào họ từng cưu mang hàng trăm, hàng ngàn đoàn người tỵ nạn lếch thếch, tơi tả, hấp hối... đến đây từ vùng đất xa xôi không cùng chủng tộc, văn hóa, lịch sử... Thoáng chốc, khoảng thời gian mấy mươi năm xa cách bỗng thu ngắn lại như mới hôm qua...
(Một nhận xét nữa, đáng ghi lại: Dù sống cách xa "văn minh thành thị" nhưng hầu hết trẻ em trên những hòn đảo này rất lễ phép, biết chào khách và không bám theo xin xỏ hoặc quấy rầy như thường thấy ở những nơi khác. Nhiều em còn từ chối nhận quà khi không được cha mẹ cho phép. Giỏi quá!)
Letung không đổi thay nhiều so với 27 năm trước, khi tôi và những người bạn cùng ghe đến đây sau bốn ngày vượt biển. Tiệm tạp hóa ngay ở cầu tàu - nơi người chủ ghe của chúng tôi mua thùng mì gói đầu tiên trên đất liền với giá 1 chỉ vàng để "mừng sống" cho cả ghe - nay là một quán cà-phê, cũng với mái tôn che phủ ra ngoài và vài cái bàn bày dưới hàng hiên. Tôi vào hỏi thăm (bằng miệng và... bằng tay) mới biết người chủ cũ đã qua đời và cái tiệm bây giờ do con gái của ông quán xuyến. Tôi gọi một ly cà-phê và mua gói Garam để nhớ lại hương vị cũ, dù không mấy thích gout cà-phê Nam Dương và cũng không ghiền thuốc lá. Tôi cũng xin phép ra căn chòi vệ sinh phía sau (bây giờ đã xây vách kín đáo) để sờ tay vào chiếc cột từng móc bộ đồ vượt biên te tua và lấm lem ói mửa sau khi được một người địa phương tặng cho chiếc áo lành lặn... Tô mì gói ngon nhất đời và chiếc áo ân nghĩa đó đã nuôi sống và giữ ấm tình người trong tôi đến tận hôm nay.
Sự tiếp đón ân cần lúc đầu bởi các viên chức và người dân Letung đột ngột trở thành khó thở với sự xuất hiện của "Thằng Mặt Đen" (xin miễn nêu tên, sợ "văng miểng" các nhóm đến đây lần sau), một nhân vật cắc ké trong hệ thống chính quyền địa phương cấp xã nhưng lại là người có thẩm quyền sinh sát về chuyến đi của chúng tôi. Y là "Xếp Bến Tàu", người có quyền cho phép các chuyến tàu - đặc biệt là những đoàn du khách quốc tế - cập bến và rời cảng Letung.
Giữa những sĩ quan quân đội và viên chức hành chánh cao cấp nhất đảo ra cầu tàu đón tiếp chúng tôi với thái độ niềm nở lịch sự, "Thằng Mặt Đen" đứng chống nạnh ưỡn ngực, khuôn mặt lạnh tanh làm ra dáng quan trọng, thỉnh thoảng đưa tay sửa lại chiếc mũ nỉ đen thêu chữ Harbour Master vàng chóe và đôi mắt láo liên dưới cặp kính râm cứ liếc xéo về phía nhóm phụ nữ. Vài người trong đoàn lân la đến làm quen nhưng y cứ hất mặt lên, chẳng muốn bắt chuyện dù y cũng võ vẽ vài câu tiếng Anh. Chúng tôi bắt đầu chột dạ và thầm thì cảnh giác cho nhau. Vài người hồi tưởng đến hình ảnh của những hung thần một thời trong các trại tỵ nạn...
Với một cử chỉ dứt khoát, "Thằng Mặt Đen" ra lệnh chiếc ca-nô tốc hành của chúng tôi không được tách bến vì... lý do an toàn. Quả vậy, lúc đó một cơn mưa rào bỗng ập xuống như trút nước. Nhưng mưa rào trong tháng hè ở vùng nhiệt đới là chuyện thường ngày mà! Dù sao, nó đã là lý do đủ để "Thằng Mặt Đen" biểu diễn uy quyền. Y trịnh trọng đưa tay sửa lại bảng tên trên túi áo đầy huy hiệu và chiếc mũ Harbour Master trên đầu lần nữa trước khi leo lên xe Honda phóng đi mất dạng. Chúng tôi đứng lóng nhóng ở bến tàu trong khi Edi, người hướng dẫn đoàn, hối hả đi... chạy thuốc.
Cơn mưa đi bất chợt như khi nó đến. Chỉ dăm phút sau, trời sạch như lau và biển lặng như tờ. Và "Thằng Mặt Đen" cũng trở lại, khuôn mặt giãn ra được một chút. Y khoát tay cho tài công tách bến. Edi và chúng tôi thở phào. Một bước khó khăn đã qua, nhưng chúng tôi biết còn nhiều bước khác sẽ đến, vì Letung là "hậu cứ hành quân" của chuyến trở về Kuku và chuyện dài bực mình này còn... hồi sau sẽ rõ. Dù sao, "được một bửa là anh mừng một bửa" cái đã, mọi rắc rối ngày mai cứ chờ đấy!
(Về sau chúng tôi mới biết "Thằng Mặt Đen" là quý tử độc nhất của một đại gia ở Letung, học hành chẳng ra gì - cái chức Habour Master là do... tiền định - và y mắc bệnh "hám danh mê quyền" đến điên rồ. Ra thế, xí xóa cho kẻ tội nghiệp ấy thôi!)
Chiếc ca-nô lại phóng mình ra biển với những tiếng cười và chuyện kể rôm rả. Ai nấy đều đã quên bản mặt đăm đăm như bị táo bón của Xếp Bến Tàu như quên một lỗ ổ gà dọc đường. Tàu ghé đảo Air Raya rước hai người hướng đạo địa phương đến Kuku vì họ biết rành các thủy lộ tránh đá ngầm và cũng đã từng sống ở Kuku trong thời gian có người VN tỵ nạn. Họ mang cả dao rựa (thấy mà khiếp!) để phát hoang mở đường cho chúng tôi đến những địa điểm muốn đến.
Theo hướng chỉ của người dẫn đường, Kuku hiện ra mờ mờ từ phía chân trời sau khoảng nửa giờ hải hành. Chúng tôi yêu cầu tài công giảm tốc độ để mọi người có thể ngắm nhìn hòn đảo một thời từng là mảnh đất hồi sinh của mình. Ai nấy đều chồm ra ngoài khung cửa sổ, tất cả máy chụp hình giương cao lên để bấm những tấm ảnh để đời, bất chấp các quy định về an toàn di chuyển. Viên tài công mỉm cười thông cảm và chia sẻ. Mấy khi một đoàn khách thế này có dịp về thăm lại nơi chốn đầy ắp kỷ niệm như vậy...
Kuku không phải là một địa danh du lịch nổi tiếng hay một vùng dân cư trù phú. Nó chỉ là một rẻo đất đảo rộng chừng vài chục cây số vuông mà ngay cả một số người địa phương chưa hề nghe tên. Nhưng đối với gần trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam, Kuku nằm tận trong ngăn sâu ký ức bồi hồi vì nó từng là nơi đặt chân đầu tiên của họ trên đường vượt biển tỵ nạn cách đây hơn một phần tư thế kỷ. Vì vậy Kuku đối với họ là một kho tàng kỷ niệm của cả đời người. Nó đồng nghĩa với sự sống sau chuyến hải hành thập tử nhất sinh, đồng nghĩa với nhân phẩm và tự do, đồng nghĩa với những giọt nước mắt ngậm ngùi tưởng tiếc các bạn đồng thuyền nằm lại và nụ cười hy vọng của cuộc đời mà họ có hôm nay...
Nhớ lại, nhân chuyến Về Bến Tự Do lần thứ nhì hồi tháng 8.2005 - sau khi hai tượng đài tưởng niệm thuyền nhân ở các trại tỵ nạn Bidong (Mã Lai) và Galang (Nam Dương) bị đập bỏ vì áp lực từ Hà Nội - VKTNVN đã có dịp tiếp xúc với Thống đốc của Tiểu bang Tanjung Pinang để bày tỏ lòng tri ân của người tỵ nạn VN với Chính phủ Nam Dương và đồng thời xin phép đến thăm Kuku. Chính vị Thống đốc rất thân thiện này, một Tiến sĩ tốt nghiệp từ Bỉ có sự hiểu biết sâu sắc về hoàn cảnh của người tỵ nạn từ Việt Nam, cũng không biết Kuku nằm ở đâu, dù nó thuộc quyền quản trị hành chánh của ông.
Trước chuyến đi lần này, không ai trong chúng tôi biết rõ - hoặc nhớ lại - một cách chính xác địa hình địa vật trên đảo. Những chi tiết trong hệ thống định vị thế giới trên mạng Google cũng chỉ cung cấp vài nét thông tin đại khái. Thậm chí, không có cả địa danh Kuku trong bản đồ của quần đảo Anambas. Thôi thì kẻ bàn ra người tán vào rối tung cả lên, mạnh ai nấy làm... thầy bói.
Ký ức của các "cựu Kuku" lại càng mù mờ hơn. Các ông bà cải nhau ỏm tỏi cả tháng trời trên email về vị trí của các điểm chuẩn trên đảo như sân trực thăng, nhà thương, văn phòng Cao ủy, ghềnh đá "Bác Hồ" v.v... Chẳng ai nhường ai, nhưng hầu như tất cả đều "ngậm ngùi thừa nhận" rằng có thể thời gian đã gặm mất một mảng lớn bộ nhớ của họ rồi. Trong đoàn, người có "tuổi đảo" cao nhất chỉ 6-7 tháng, trong khi thời gian xa cách ai cũng tròm trèm hai chục năm dư. Có thánh mới dám vỗ ngực xác nhận được ở đâu trên bãi biển xinh đẹp đến ngẩn ngơ đó là nơi... "tao đã đào lỗ chôn bầu tâm sự".
(Một khám phá thú vị: Địa danh Kuku có nghĩa là "cậu", phiên âm theo tiếng Hoa. Nó bắt nguồn từ một câu chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ khi một thương nhân người Hoa đến đây khai hoang trồng dừa. Ông là một người tốt bụng, thường giúp đỡ dân nghèo nên được mọi người thương mến gọi bằng "cậu". Sau khi ông qua đời - hoặc bỏ đi nơi khác, chẳng ai rõ - người ta đặt tên rừng dừa này là Kuku.)
Bây giờ, Kuku đang ở trước mặt...
Anh trưởng đoàn Trần Đông lúi húi dò tìm trên máy định vị để xác định tọa độ của Kuku, gương mặt căng thẳng chợt giãn ra sau một tiếng "Đúng!" cụt ngủn. Mấy tháng trời xẩu mình với cả chục tấm bản đồ chi chít, ổng đã "tìm được em rồi". Cậu út Tuấn Hùng leo hẳn lên mui tàu để quay phim, tấm lưng trần lực lưỡng và mái tóc lồng lộng trong gió trông hệt một Robinson Crusoe thời đại. Cô nương Oanh Oanh chìa máy thu âm để ghi lại cảm xúc của từng người trong "giờ phút lịch sử" đó. Anh Nguyễn Triệu (từ Melbourne, Úc; không phải là bạn của Lưu Thần khi... lạc thiên thai) rưng rưng nhìn lên đỉnh đảo như để lắng nghe một tiếng gọi trìu mến từ quá khứ tuy đã xa nhưng đang rất gần. Kim Vân (từ Melbourne, Úc), cô bé mười mấy tuổi khi ở Kuku, căng mắt tìm chiếc cầu tàu mà gia đình cô đổ bộ lên cách đây hơn phần tư thế kỷ sau chuyến vượt biển thừa chết thiếu sống. Bác Hồ (từ Atlanta, Mỹ) - dạ phải, ông đã cao tuổi và mang... họ Hồ - đứng vịn thành tàu mà tròng mắt đỏ hoe, nhớ lại thời trung niên gian truân trên đảo. Và niên trưởng Tôn Thất Vinh (từ Paris, Pháp) cũng bồi hồi rút ra chiếc mũ mà ông cất kín trong ba-lô từ đầu cuộc hành trình. Chiếc mũ ấy là kỷ vật duy nhất còn lại của ông sau gần 30 năm rời Kuku và bây giờ, người cựu tỵ nạn 71 tuổi ấy đội lại lên đầu như một lời chào tái ngộ...
Một cảm giác hụt hẫng bỗng phủ tràn trong tâm tưởng của các "cựu Kuku" khi chiếc ca-nô tiến dần vào bờ. Hàng dừa cao vút đâu rồi" Bãi biển thênh thang ngày xưa sao bây giờ chỉ còn chút xíu" Các dãy lều tạm cư và cầu tàu chẳng còn dấu vết nào cả ư" Cả một khu vực rộng lớn vang động âm thanh và xôn xao bóng người bây giờ chỉ là một vạt rừng xanh ngăn ngắt, hoang vu và lạnh lẽo...
Nước cạn, ca-nô không thể ủi bãi vì sợ đá ngầm làm gãy chân vịt. Chúng tôi, từng nhóm nhỏ 4-5 người, phải leo xuống chiếc xuồng của dân địa phương chờ sẵn để được dắt vào bờ. Tôi lên chuyến "taxi" thứ nhất với ý định sẽ bấm những tấm hình của đoàn người tỵ nạn đầu tiên "trở về mái nhà xưa" kể từ khi những thuyền nhân VN cuối cùng rời Kuku cách đây hai thập niên. Độ xốp của bãi cát làm tôi lún sâu đến mắt cá và té nhủi vào một bụi cỏ khi hấp tấp phóng xuống từ mũi xuồng, mặt mày lấm lem và chiếc máy ảnh đeo trên vai cũng trở thành vô dụng từ đó. (Cám ơn các bạn cùng chuyến đã "viện trợ" cho tôi những tấm hình trong loạt bài phóng sự này. Món nợ đó sẽ được trả lại đầy đủ bằng... mì xào ớt trong chuyến Kuku lần sau!) Tôi không tiếc chiếc máy ảnh còn khá tốt (dù biết "Lệnh Bề Trên" ở nhà sẽ cằn nhằn khi trở về, vì "bả" thương nó lắm) nhưng chỉ tiếc đã không ghi lại được những tấm hình ý nghĩa đó.
Chúng tôi được biết khi những thuyền nhân VN cuối cùng rời đảo, cả trại tỵ nạn đã được "hỏa thiêu" như một biện pháp tổng vệ sinh phòng ngừa bệnh dịch. Từ ấy, Kuku lại trở thành một đảo hoang cho đến nay.
Không ai nhìn ra cảnh cũ vì mọi dấu vết đã bị thời gian xóa sạch gần hết. Rừng cây và cỏ dại đã lấn ra tận mé nước khiến bãi biển bị thu hẹp lại. Những gốc cổ thụ nghiêng đổ ngổn ngang làm lạc hướng ký ức của những người tìm về. Ngoài khung cảnh thiên nhiên, vài di tích nhân tạo còn nhận dạng ra được là bãi đáp trực thăng trên đỉnh đồi, nền chùa um tùm cỏ dại bên bờ suối và những chiếc cọc bê-tông rêu phong của khu bệnh xá...
Căn nhà khá rắn chắc từng là văn phòng Cao ủy Tỵ nạn LHQ ở đầu ghềnh phía tay mặt (từ ngoài biển nhìn vào) cũng chẳng còn gì ngoài vài chiếc trụ xi-măng cô đơn giữa những đợt sóng miên man không dứt. Mấy xác ghe vượt biên trơ sườn bị chôn vùi dưới lớp cát dầy bởi hàng vạn đợt thủy triều còn ráng nhú mũi lên như những nấm mồ chứng nhân chưa siêu thoát của một thời dâu bể...
Chúng tôi tập họp trên bãi cỏ tranh bên bờ biển, nghe Trần Lão Gia phổ biến (lần thứ... một trăm) các quy định của đoàn về an toàn và cấp cứu trước khi được những người địa phương dẫn đường lên đồi trực thăng, điểm chuẩn để định hướng các vị trí cần đến trên đảo.
Ngày 3 (12.04 Kuku): Phép lạ giữa đời...
Trong đoàn trở về Kuku có ba nhóm tìm kiếm phần mộ người thân và hỏa thiêu hài cốt nếu tìm thấy. Các thành viên khác trong đoàn - ngoài mục đích thăm viếng, cầu nguyện và thu thập di vật thuyền nhân - cũng nhân chuyến đi này tự nguyện "đỡ đần một tay" với các nhóm đó, dù đa số không quen biết nhau trước khi lên đường.
Nhóm thứ nhất là "Băng 3T", gồm 3 anh em cột chèo: Triệu (từ Melbourne, Úc), Tài và Tước (từ Sài Gòn, Việt Nam). Triệu là người chèo lái, "rước" người chị đầu, Tài và Tước là hai người chèo mũi, "ẵm" hai cô em sau. Do một cơ duyên tình cờ từ mấy tháng trước, ba anh em cùng hẹn đến Kuku vì một lý do rất xa và rất gần...
Cách đây gần đúng 27 năm, anh Triệu cùng người vợ mới cưới, chị Cecile Hoàng Thu Minh, đến Kuku sau một chuyến vượt biên gian nan vào đầu tháng 6.1982. Mối tình đầy trắc trở và thử thách qua thời gian dài đã bắt đầu kết hoa đơm trái trên hòn đảo tỵ nạn này, một nơi thiếu hụt mọi bề mà đôi vợ chồng son coi như thiên đường trăng mật của họ.
Nhưng định mệnh oan nghiệt đã cướp đi mạng sống của chị - và chiếc bào thai vừa tượng hình trong bụng - sau gần 2 tháng đến đảo, giữa lúc ước mơ về một tương lai hạnh phúc vừa chớm nở. Cơn sốt rét cấp tính đã quật ngã chị - và xô luôn cả anh vào trũng xoáy khủng hoảng - sau mấy tuần chống chọi trong tuyệt vọng với căn bệnh. Chị được chôn cất vội vàng, chỉ vài giờ sau khi trút hơi thở cuối cùng vào buổi sáng, vì lúc ấy chuyến tàu Cao ủy Tỵ nạn LHQ đang chờ ngoài bãi Kuku và dự định sẽ nhổ neo vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày để đưa nhóm thuyền nhân ở đây về trại tỵ nạn Galang.
Mọi chuyện đều gấp rút. Anh bối rối không biết phải làm gì nên cứ chống chọi với hoàn cảnh được tới đâu hay tới đó, theo từng phút trôi qua. Rất may, chuyến tàu đã hoãn lại đến ngày hôm sau vì một lý do gì đó nên anh và một số người đi cùng ghe có cơ hội lên đồi thăm chị lần cuối để đốt nén nhang từ biệt... Phần mộ của chị nằm cạnh bãi đáp trực thăng do những người bạn và nhân viên Cao ủy Tỵ nạn LHQ chung tay giúp anh thiết lập. Họ đã che chắn chung quanh ngôi mộ bằng những thân cây lớn để chống mưa lũ xói mòn và cắm một chiếc thánh giá bằng gỗ đơn sơ ghi tên người quá vãng...
Trong nỗi đau khổ tận cùng lúc đó, anh hầu như không còn tâm trí nào để ghi nhận hoặc làm dấu nơi an nghỉ nghìn thu của người bạn đời. Anh như một kẻ mất hồn, ai bảo sao làm vậy, chứ không chủ động được việc gì trong nghi thức tang lễ hoặc mai táng cho chị. Anh chỉ mang máng nhớ rằng, theo lời chỉ dẫn của các cô bác cùng ghe, anh đã chôn theo trong quan tài những di vật (gương, lược, áo quần...) và để luôn chiếc nhẫn cưới trên ngón tay áp út của chị như lời kết nguyền một đời tình nghĩa phu thê. Anh cũng ghi chép các chi tiết cá nhân của chị và bỏ vào một cái chai được bịt kín để chôn trước đầu mộ, với hy vọng mai sau sẽ trở về tìm lại - hoặc có ai tình cờ tìm thấy mà biết gốc tích của người nằm dưới lòng đất và đốt giùm một nén nhang siêu thoát...
Nhìn lên đỉnh đồi phủ mờ mây trắng như một giải khăn tang nghìn trùng xa cách khi chiếc tàu Cao ủy rời xa dần Kuku, anh đã thầm nói lời từ biệt với chị và hẹn ngày trở lại. Và hôm nay, hăm bảy năm sau, anh đã giữ tròn lời hẹn...
Nhóm thứ nhì là "Nhà họ Huỳnh", gồm hai anh em Thế Trung - Thế Minh và Bảo Thanh (vợ của Thế Minh) từ Sydney, Úc. Sự tham gia của ba anh em vào chuyến đi cũng là một chuyện ngẫu nhiên. Chỉ vài tuần trước khi lên đường, Minh tình cờ nghe được bản tin trên một đài phát thanh địa phương về chuyến đi Kuku. Ngăn kéo ký ức từ lâu phủ bụi bỗng như được thổi một làn gió mạnh, hiện ra nguyên vẹn những kỷ niệm của một thời thơ ấu...
Hai anh em Trung và Minh ngày ấy chỉ là những thiếu niên 14 - 16 tuổi, ăn chưa no lo chưa tới, nhưng đã nhận biết và nếm trải cuộc đời tỵ nạn gian truân trên hòn đảo này. Hơn nữa, Kuku là nơi gửi thân của người cha vì một cơn bạo bệnh sau khi ông thực hiện ước mơ của đời mình là đưa được mấy đứa con đến bờ tự do. Không một ngày chần chờ, Trung và Minh thu xếp nhanh gọn công việc và ghi danh tham gia chuyến đi ngay sau đó. Để cho chắc ăn, nhóm "Nhà họ Huỳnh" này còn nằng nặc đòi được... đóng tiền trước vì sợ "lỡ tàu". Họ đã chờ đợi cơ hội này từ bao nhiêu năm rồi...
Trung - Minh - Thanh lên đường với sự chuẩn bị khá đầy đủ và một tâm trạng náo nức, tin tưởng. Trước ngày đến điểm "tập kết" ở Singapore, cả ba cũng đã ghé Mã Lai để báo tin cho người bà con duy nhất còn sống của giòng họ về ý định bốc mộ và hỏa thiêu di hài của cha. Mấy anh em còn nhớ khá rõ vị trí mộ phần của cha bên ngôi chùa cạnh dòng suối và những mốc điểm dễ nhận quanh đó. Họ cũng có thời gian lưu lại đảo khá lâu sau cái chết của cha và hàng ngày đều đến thắp nhang cầu nguyện. Trong ba nhóm tìm mộ, có lẽ Nhà họ Huỳnh là nhóm có triển vọng thành công cao nhất.
Nhóm thứ ba là "Bố vợ con rễ" từ Atlanta, Mỹ: David Lý và... Hồ Tặc (vâng, chính "bác" đấy! Thật ra, bác tên Hồ Tắc, nhưng anh chị em trong đoàn cứ thuận miệng gọi trại đi cho... khỏi phạm húy. Được cái là bác không hề giận mà còn cười khanh khách khi "bị" so sánh với... người kia). Bác Hồ Tắc tham gia chuyến đi là để "hỗ trợ tinh thần cho thằng rễ" về Kuku tìm mộ của mẹ và cũng để thăm lại đảo Air Raya (kế cận Kuku), nơi bác được vớt vào sau chuyến vượt biển hãi hùng ba mươi năm trước.


David cũng là một cựu thuyền nhân tỵ nạn, nhưng anh đến trại Bidong ở Mã Lai chứ không phải Kuku. Gia đình anh chia nhau thành nhiều toán vượt thoát khỏi Việt Nam bằng đường biển và đã đến các trại khác nhau. Mẹ anh và một người dì đến Kuku, quãng năm 1980, khi ấy David còn là một cậu bé chưa đầy 10 tuổi. Mẹ anh đã vĩnh viễn nằm lại trên đảo sau một cơn bệnh - và người dì, bây giờ chẳng còn nhớ gì nhiều về vị trí chôn cất của chị vì bà cũng chỉ tạm cư trên hòn đảo này trong thời gian rất ngắn. Chi tiết duy nhất mà bà còn nhớ và kể lại cho David là mẹ anh được chôn trong một miếng đất bằng, cạnh một cây cổ thụ, bên suối nước nhỏ...
David, một kỹ sư họa đồ kiến trúc nhưng bỏ nghề để làm... đầu bếp và hiện là chủ của nhiều nhà hàng nổi tiếng ở Atlanta, cũng tình cờ biết tin về chuyến đi Kuku khi "mò" lên internet và được giới thiệu đến Văn khố Thuyền nhân VN. Dù không mảy may hy vọng tìm được mộ mẹ nhưng David vẫn nhất định tham dự chuyến đi vì một sự thôi thúc lạ kỳ trong lòng. Bao nhiêu năm qua anh ao ước có dịp đến Kuku để thắp một nén nhang cho người mẹ mà anh chỉ còn nhớ hình ảnh lờ mờ trong ký ức tuổi thơ. Hành trang anh mang theo trong chuyến đi tìm mộ chỉ là một tờ giấy viết tay ghi tên họ, ngày tháng sinh tử của mẹ bằng tiếng Hoa (mà chính anh cũng không biết đọc) và hai chiếc va-ly lớn chứa đầy vàng mả để cúng vong cho những thuyền nhân Việt Nam nằm lại ở xứ người...
Nghe chuyện của David, mọi người trong đoàn đều cảm động nhưng cũng vui mừng về tấm lòng của một đứa con, dù lớn lên ở đất nước thực dụng mà các giá trị tinh thần bị xếp hạng dưới xa sự thành công về vật chất nhưng vẫn giữ trọn đạo hiếu nghĩa với đấng sinh thành.
Sau màn điểm danh và dặn dò, chúng tôi xếp hàng một đi lên đồi theo những người hướng dẫn địa phương. Bao nhiêu cãi cọ trong nhóm trước ngày lên đường chỉ trong phút chốc đã "gửi gió cho mây ngàn bay" vì chẳng ai dám hó hé gì nữa về trí nhớ chắc như cua gạch của mình về địa hình trên đảo. Cứ ngậm miệng mà bước theo mấy ông Nam Dương đen nhẻm này cho chắc ăn!
Vượt qua một bãi cỏ tranh khá rộng - mà chúng tôi được cho biết từng là bệnh xá và khu barracks cũ - nhóm dẫn đường bắt đầu chặt cây đốn cành mở lối lên đồi. Đường dốc và ẩm ướt nên họ vạt cho mỗi người chúng tôi một cây gậy đi rừng, như kiểu gậy của các hướng đạo sinh, dài khoảng hơn một mét, vừa để chống tay nghỉ mệt vừa để chống... thú rừng. (Hú vía, chúng tôi đã không gặp một con kỳ đà hoặc khỉ đột nào cả, dù vài người đã kể lại một cách quả quyết về sự hiện diện của các giống thú này trên đảo). "Cái chân thứ ba" đó đã nhiều phen cứu nguy những bàn thua trông thấy khi một số người trong đoàn suýt trượt ngã hoặc mất thăng bằng qua các khúc quanh trơn trợt. Vậy mà những người dẫn đường cứ tỉnh queo vọt tới, chân trần phom phom và vai vác cả chục ký hành lý...
Dù mệt lè cả lưỡi khi lên đến bãi đáp trực thăng (có lẽ chỉ ông già viết bài này cảm thấy như vậy thôi, chứ các bạn trẻ trong đoàn vẫn còn... gân lắm!), chúng tôi nhanh chóng bày ra lễ phẩm để cầu nguyện tập thể cho vong linh thuyền nhân VN nằm lại trên đảo. Tuy đã từng vài lần tham dự những nghi thức tương tự nhưng tôi chưa hề chứng kiến "một buổi lễ cầu nguyện quốc tế" không giống ai nhưng lại hòa hợp đến trọn vẹn như thế! Ngoài kinh kệ chuông mõ được Ban tổ chức chuẩn bị sẵn từ Úc, chiếc chiếu hoa mới toanh trải trên nền xi-măng giữa trời thay cho bàn lễ là của Đình Chấn đưa sang từ Đức, vàng mả và lễ phẩm cúng vong do bạn trẻ David đóng thùng mang theo từ Mỹ, bánh kẹo và hoa quả do các chị mua ở chợ Terempah từ hôm trước, thậm chí có cả những ổ bánh chưng (thứ thực phẩm mà người vượt biên thường mang theo) và mấy lít rượu đế của Tài và Tước mang từ Việt Nam... Và cả những cành hoa rừng Kuku nữa! Tất cả những lễ phẩm này đều không có sự xếp đặt trước, mỗi người cứ tùy lòng mà lo liệu, nhưng lại ăn khớp như một lời đồng thanh mời gọi những linh hồn mồ côi cùng về chứng tri buổi lễ cầu nguyện...
Giữa lúc cả đoàn đang quây quần làm lễ, chúng tôi bỗng nghe tiếng kêu thảng thốt "Anh Triệu ơi... Anh Triệu!" của Tài từ sau lưng đồi, cách địa điểm cầu nguyện không xa. Mọi người dừng ngay các việc đang làm và hướng mắt về phía tiếng kêu với vẻ lo ngại hiện lên khuôn mặt. Trong đầu, ai cũng thoáng nghĩ đến chuyện rủi ro hoặc tai nạn. Nhưng dường như tiếng kêu không phải là sự báo nguy vì nó toát ra một âm thanh ngạc nhiên và mừng rỡ. Chắc là...
Anh Triệu cũng đoán thế! Anh, Tước và tôi cùng vài người địa phương cầm dao rựa và gậy gộc băng tới nơi phát xuất tiếng kêu, chỉ cách bãi trực thăng khoảng trăm mét bên mé phải, vừa mở đường vừa gọi tên để định hướng. Tiếng đáp của Tài vọng lại mồn một cả góc rừng yên tĩnh đã làm xúc động cho cả đoàn: "Tìm thấy mộ rồi, anh Triệu ơi!"
Ngay bên dưới sườn đồi khá dốc, Tài đứng đó, trước một tấm bia đá ghi rõ họ tên người chị vợ quá cố, khuôn mặt còn ràn rụa thương cảm và vui mừng. Anh Triệu, sau thời gian đăng đẳng chôn kín nỗi sầu thương trong lòng, đã không ngăn giữ được nữa cảm xúc của mình. Anh gần như ngã khụy xuống, để mặc cho dòng nước mắt tái ngộ dâng trào. Một số người khác trong đoàn cũng vừa kéo đến, chúng tôi ôm nhau chia sẻ niềm hạnh phúc đoàn tụ của anh, dưới bóng những thân cây cao che rợp nắng trưa và tiếng chim hòa điệu bản đàn thôn dã...
Vì sợ không đủ thời gian trên đảo trong ngày đầu tiên nên Tài đã tách đoàn để tranh thủ tìm mộ chị Cecile Hoàng Thu Minh lúc mọi người còn đang chuẩn bị lễ cầu nguyện. Dù chưa đến Kuku lần nào (thật ra, đây là lần đầu tiên hai anh em cột chèo Tài và Tước rời Việt Nam ra nước ngoài) nhưng những câu chuyện nghe kể lại trong gia đình và lòng thương cảm đối với người "chèo lái" mà họ coi như anh ruột, Tài đã quyết định "xé lẻ" để thực hiện ý định của mình. Hơn nữa, anh cũng có một ít kinh nghiệm về chuyện đi tìm mộ ở Việt Nam nên đã khá dễ dàng xác định được địa điểm chôn cất của người chị vợ. Và kết quả đã đến một cách không ngờ...
Ngay cả anh Triệu cũng không ngờ. Trước chuyến đi, anh chỉ mơ hồ hồi tưởng những chi tiết rời rạc về vị trí mộ phần của người vợ đầu (anh đã tục huyền khi định cư ở Úc nhiều năm sau khi đoạn tang) vì lúc mai táng anh hầu như không còn thần trí để ghi nhớ mọi chuyện. Những di vật còn lại của biến cố bi thương trong đời đó mà anh mang theo trong chuyến đi chỉ là vài tấm hình đã phai màu của những người bạn cùng ghe đang đứng cầu nguyện trước ngôi mộ của chị, lúc đó không có cả tấm bia đá được khắc tên rõ ràng như bây giờ. Với anh, sự tìm thấy ngôi mộ - và tấm bia anh chưa một lần nhìn thấy - là cả một phép lạ, dù nó đã nằm trong tiềm thức của anh từ hơn phần tư thế kỷ qua.
Anh Triều kể lại rằng sau khi rời đảo một cách vội vàng vì hoàn cảnh không cho phép nấn ná thêm, anh được biết những người bạn còn ở lại đã lập tấm bia cho chị theo ước nguyện của anh. Anh đã viết thư kể chuyện này cho gia đình chị nhưng lại quên bẵng chi tiết quan trọng đó khi chuẩn bị lên đường về Kuku. Nhưng Tài lại nhớ và nhờ đó, đã tìm được. Ký ức của anh, như một cuốn phim cũ được quay chậm lại, dần dần hiện ra nguyên vẹn và rõ ràng, dù qua màn lệ nhòe nhoẹt dưới mái đầu đã nhuốm phong sương...
Ngày rời Kuku 27 năm trước trên chiếc tàu Cao ủy đi đến trại Galang cùng khoảng 450 người khác, anh đã dõi mắt lên đỉnh núi và khấn thầm trong lòng: "Anh đã đưa em đi. Anh sẽ đưa em về!" Ngày mai, anh Triệu và chúng tôi sẽ trở lại để cùng bốc mộ chị đưa về đất mẹ, về với gia đình và bạn bè theo ý nguyện của anh.
Trong khi anh Triệu vẫn còn chưa nguôi thương cảm, Tài và Tước đã chu đáo sắp xếp những phong bánh và bình sữa cho đứa cháu chưa ra đời trên chiếc hộp giấy đơn sơ trước phần mộ của người chị vợ. Hai anh em cột chèo cũng kịp thời thông báo qua điện thoại di động về tin vui này đến những người thân ở Hoa Kỳ và Việt Nam đang ngày đêm cầu nguyện và mong đợi. Những tiếng nấc nghẹn hạnh phúc và lời tạ ơn vọng lại từ cả hai bờ đại đương đến khu rừng tịch mịch mênh mông này khiến ai cũng rưng rưng...
Lúc ấy, buổi lễ chung tại bãi trực thăng cũng vừa dứt. Anh Trưởng đoàn cùng mọi người kéo đến hiệp lời cầu nguyện cho Cecile. Trước phần mộ của chị, anh Trưởng đoàn đốt nén nhang khấn vái: "Chị Thu Minh ơi, tôi thay mặt cho cả đoàn xin được chúc mừng cho chị. Anh Triệu và gia đình đã tìm kiếm chị từ bao nhiêu năm nay đến bây giờ mới đủ duyên lành để hội ngộ. Kính cầu nguyện cho linh hồn chị yên nghỉ ở nước Chúa. Ngày mai, chúng tôi sẽ trở lại và kính xin được rước hài cốt của chị về với gia đình. Xin được báo tin với chị và mong chi giúp cho đoàn tìm được các mồ mả thuyền nhân VN khác trên đảo..."
Chúng tôi đứng bên nhau cùng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn người quá cố được thảnh thơi nơi cõi vĩnh hằng và chúc mừng sự đoàn tụ của anh chị, trong ý nghĩa thiêng liêng về sự kết hợp của Thiên Chúa. Những bản thánh ca, lời kinh Lạy Cha và Kính Mừng cất lên, dịu dàng và an ủi, như thấp thoáng trong bóng mát cây rừng Kuku nụ cười xum họp của Cecile.
Sau nghi thức ngắn ngủi nhưng đầy xúc động, chúng tôi xuống đồi tiếp tục tìm kiếm những ngôi mộ khác. Nắng gắt buổi trưa và năng lượng bị tiêu hao trong chuyến leo đồi buổi sáng đã làm cho nhiều người thấm mệt nhưng ai nấy vẫn tỏ ra "dư sức qua cầu" sau tin vui của Băng 3T. Lại nữa, cả đoàn vừa được bơm một liều vitamin độc đáo và đúng lúc: một chục ổ bánh chưng và dưa món do Tài và Tước cắc củm mang (lén) sang từ Sài Gòn để "đãi" anh chị em... Việt kiều trên đất khách. (Quý hóa lắm, cái tình đồng bào rất đậm đà trong lối nghĩ và cách thương cho nhau! Cám ơn hai bạn nhiều nhé. Có dịp sang Úc, tôi sẽ mời lại món kangaroo nướng khói độc đáo của quê hương thứ hai của tôi!).
Thật ra, công ty du lịch đã chuẩn bị phần ăn trưa đầy đủ cho đoàn nhưng chúng tôi nhường mấy chục hộp mì xào ớt đó cho khoảng 20 người địa phương đi cùng để thưởng thức hương vị quê nhà ở nơi "trời quen đất lạ" này.
Sau bữa ăn "tay cầm" dã chiến trên đỉnh đồi, đoàn chia ra làm hai nhóm để tìm kiếm và ghi nhận vị trí các ngôi mộ thuyền nhân VN trên đảo. Trần Lão Gia dẫn một nhóm đi "quần" các khu vực trước đây có nhiều người được chôn cất. Tôi tình nguyện dẫn nhóm thứ nhì tìm mộ của "Nhà họ Huỳnh" theo bản đồ trí nhớ của mình căn cứ trên những chi tiết được hai anh em Thế Trung - Thế Minh kể lại. David Lý (và "bác Hồ" bố vợ) cũng theo nhóm của tôi để... cầu may, vì thật sự anh hoàn toàn không biết vị trí ngôi mộ của mẹ. Cả hai nhóm đều có người địa phương hướng dẫn và khuân vác giúp những vật dụng cúng tế.
Sau khoảng một giờ "trượt đồi" và băng qua vạt cỏ tranh cao gần đầu người, nhóm chúng tôi đến một khu rừng thưa. Tôi quyết định cho nhóm nghỉ chân tại bãi trống cạnh một con suối cạn để bà con phục hồi công lực trước khi... chống gậy lê bước đi tiếp về hướng ngôi chùa theo lời chỉ dẫn của những người địa phương. Trong lúc cả nhóm (trong đó có cả một sĩ quan cảnh sát và một người lính đi theo bảo vệ an ninh) giải lao cà-phê thuốc lá, vài người bỗng phát giác có nhiều ngôi mộ rãi rác quanh bãi đất trống này. Thật ra, đó chỉ là những hòn đá đã xanh rêu được xếp thành hình bầu dục hoặc hình chữ nhật do bàn tay con người, một phần bị lún sâu xuống đất sau bao mùa mưa nắng. Nhưng rõ ràng, đó là những ngôi mộ thuyền nhân vì một số tấm bia có sơn hoặc khắc danh tính của người chết bằng tiếng Việt và tiếng Hoa, được tạo dựng trong khoảng thời gian người tỵ nạn lưu ngụ trên đảo.
Chúng tôi quên cả mệt, lập tức giăng giây làm dấu địa điểm và bắt đầu chụp hình, đốt nhang tại những ngôi mộ tìm thấy. Út Tuấn Hùng quay phim hết toàn cảnh khu vực này, trong lúc David và những anh chị khác bày biện lễ phẩm cúng tế. Chúng tôi tiếp tục sục sạo chung quanh với hy vọng tìm thêm được các ngôi mộ khác. Tất cả đều cầu nguyện thành tiếng để mong nhờ những linh hồn bơ vơ phù trợ cho chúng tôi tìm được nơi gửi thân của họ mà thắp nén nhang tưởng niệm...
Bỗng tôi nghe một tiếng gọi lớn: "Anh Lưu Dân ơi, có một bia mộ nữa nè!" Một dòng điện nửa như rờn rợn nửa như ấm áp chạy dọc sống lưng tôi khi nhìn thấy màu sơn còn đỏ tươi trên phiến đá nằm úp mặt xuống đất vừa được lật lên. Ngay lúc đó, tôi có linh cảm một sự huyền nhiệm lạ lùng đang hiện đến...
Bất chợt, tôi buột miệng gọi: "David, lại đây! Mẹ em tên gì vậy" Có biết ngày sinh, ngày tử của bà không"" Tôi hỏi dồn dập mà không ý thức đến cả việc tấm bia mộ chỉ viết bằng tiếng Hoa, ngôn ngữ mà trong nhóm không ai biết đọc. Bác Hồ Tắc nhanh chân phóng lại, nhưng ông lắc đầu bảo: "Chắc không phải đâu, vì dì nó nói mẹ nó chôn bên cạnh một cây cổ thụ rất lớn mà..."
Dù không tin đó là ngôi mộ của mẹ mình, nhưng David cũng chạy vội đến và suýt té ngã khi anh vấp chân vào một gốc cây bị đốn lìa gần sát đất. Anh lấy ra mảnh giấy viết tay từ chiếc ba-lô đeo vai mấy ngày nay để so chiếu với những chữ trên tấm bia. Bác Hồ Tắc cẩn thận rưới bình nước uống mang theo để rửa sạch bùn đất trên tấm bia và David cũng cởi phăng chiếc áo thun đang mặc để thấm khô vết nước. Bàn tay anh run lên khi dòng chữ càng lúc càng hiện rõ ra trên tấm bia. Với vốn liếng Hán văn nghèo nàn của bác Hồ Tắc và tôi cộng lại khi so chiếu với dòng chữ trên giấy mà David mang theo từ Mỹ, chúng tôi khẳng định đây chính là ngôi mộ của mẹ anh vì tên tuổi, ngày sinh và ngày mất hoàn toàn khớp với nhau. Và gốc cây bị đốn sát đất (có lẽ đã vài năm rồi) suýt làm cho David vấp ngã chính là cây cổ thụ mà người dì ghi nhớ như một điểm mốc về vị trí của ngôi mộ.
Kết quả đến thật bất ngờ như một sự linh hiển trước mắt khiến mọi người trong nhóm chấn động đến sững sờ. Ngay từ đầu chuyến đi, không ai kỳ vọng sẽ tìm được mộ mẹ của David với những chi tiết mù mờ như thế. Ở Kuku có hàng chục con suối và cả triệu cây rừng, biết đâu mà mò. Chúng tôi cũng không có một hướng dẫn cụ thể nào về phương hướng hoặc vị trí để tìm. Ngay cả David và nhạc phụ cũng chưa hề đặt chân đến đây lần nào để có thể hình dung lại khung cảnh gần 30 năm trước. Vậy mà...
Chúng tôi đứng vòng quanh ngôi mộ, ôm nhau trong nỗi nghẹn ngào xúc cảm và chúc mừng anh đạt được ước nguyện. Và David, một doanh nhân thành công đã từng trải qua vô vàn gian nan lăn lóc trên đường đời từ thời niên thiếu mồ côi nơi xứ lạ quê người, chợt ôm mặt khóc rưng rức như một đứa trẻ thất lạc vừa tìm được mẹ...
Chúng tôi bày biện lễ phẩm để thực hiện nghi thức cầu siêu chung cho những người nằm lại nơi đây và giăng giây làm dấu mộ phần mẹ của David để ngày mai trở lại bốc mộ. Làn khói trắng êm đềm tỏa lên từ bãi đất trống giữa núi rừng trùng điệp trên bầu trời xanh thẳm của buổi trưa đáng nhớ ấy đẹp như một bức tranh thoát tục, siêu nhiên. Có lẽ không một họa sĩ nào có thể vẽ được bức tranh đó bằng màu sắc trần gian mà chỉ chúng tôi mới có thể cảm nhận được nó trong lòng...
Như đã ước định trước, tôi thổi những hồi còi báo tin cho nhóm thứ nhất nhưng không được đáp lại. Có lẽ anh Trưởng đoàn còn lặn lội phía bên kia đồi và không nghe thấy. Chặp sau, một người địa phương mà chúng tôi nhờ đi báo tin về đến và cho biết tin vui đã được nhóm của Trần Lão Gia tiếp nhận với sự phấn khởi cao độ. Ít nhất, cho đến giờ phút đó, chúng tôi đã đạt được hai phần ba mục tiêu của chuyến đi ngay trong ngày đầu tiên, một "chỉ tiêu" không người nào dám mơ ước dù ai cũng âm thầm hy vọng. Phần còn lại là... ngon như cơm sườn, vì phần mộ thân phụ của hai anh em Nhà họ Huỳnh có lẽ cũng dễ tìm được với những dấu tích và vị trí khá rõ ràng. Trước chuyến đi, Thế Trung - Thế Minh nói chắc ăn là sẽ tìm được, vì chính hai anh em đã làm mộ cho cha bằng xi-măng vững chắc, cạnh sân chùa, trên sườn đồi, rất dễ tìm...
Chúng tôi lại vượt suối băng rừng lên đồi đến ngôi chùa Phật giáo theo sự dẫn đường của những người địa phương. Trời đã ngã về chiều và không khí trong rừng cũng bắt đầu nhuốm lạnh, muỗi rừng và những thân cây ngã đổ càng làm cho đường đi khó khăn trắc trở hơn.
Ngôi chùa khá rộng ngày xưa chỉ còn trơ nền đất, không còn nhìn ra chánh điện hoặc dấu tích gì của nơi thờ phượng, ngoài hai chiếc thùng phuy cắt ngang một nửa trước đây được dùng làm bồn hoa bây giờ đã hoen rỉ trước bậc tam cấp bên cổng. Cỏ dại và cây rừng đã tràn kín cả vùng khiến chúng tôi không thể mạo hiểm đi xa hơn vài chục mét.
Với những chiếc tu huýt và đèn pin cá nhân, chúng tôi chia thành hai tốp nhỏ bắt đầu tìm kiếm. Theo sự khẳng định của hai anh em họ Huỳnh, ngôi mộ thân phụ của họ nằm ở một vị trí rất gần chung quanh nền chùa. Lớp lá dầy ẩm ướt và những tảng đá rêu phong trơn trợt khiến tốc độ tìm kiếm chậm lại, nhưng đến khi sục sạo giáp vòng khu vực chúng tôi vẫn không tìm thấy. Mỗi lần đi một lần khó, dễ gì có được cơ hội đến đây cả đoàn như thế này. Chúng tôi lại cố gắng lần nữa, soi đèn vào từng gốc cây, lật lên từng hòn đá, cạo sạch từng mảng rêu... nhưng cũng không kết quả. Đành phải ngưng thôi, ngày mai trở lại tìm tiếp.
Nhóm của anh Trưởng đoàn gồm gần chục người (cộng với 4 người dẫn đường địa phương) cũng trèo đèo lội suối mấy đợt mới đến khu vực nghĩa trang phía sau bãi trực thăng. Nhóm này cũng tìm thấy một cụm 5-6 ngôi mộ. Các bia mộ trong cụm này viết bằng tiếng Hoa nên không biết là phần mộ của ai. Sau này tra cứu lại với những bản họa đồ vẽ theo trí nhớ của những người từng ở Kuku trước đây, chúng tôi mới xác định được đây có lẽ là khu vực mai táng dành cho người Hoa. Khu nghĩa trang này cây cối um tùm chứ không được khai quang như khu vực gần chùa hoặc dưới bãi tranh. Anh Trưởng đoàn cũng đã bày ra một bàn thờ lộ thiên cúng tế cho vong linh những người nằm lại trước khi trở về họp mặt với nhóm chúng tôi.
Cả đoàn tập họp kiểm điểm quân số ở bãi biển quãng hơn bốn giờ chiều sau một ngày "đã đời" với nhang khói, bùn sình và vài chiếc áo rách vì vướng cây, ngã té. Báo cáo sơ khởi từ các nhóm cho thấy quân ta bình yên vô sự (thật ra, có vài người trầy sướt chút đỉnh), kết quả vượt chỉ tiêu (tìm thấy hai trong ba ngôi mộ muốn tìm), thu nhặt được một số di vật (gồm chai lọ, dép, chén...) và quan trọng hơn cả là hàng trăm tấm hình các ngôi mộ thuyền nhân VN ở Kuku.
(Sau chuyến đi, Văn khố Thuyền nhân VN được biết một gia đình ở California, Hoa Kỳ, đã tình cờ nhìn thấy ngôi mộ người con gái của họ tên là Bùi Thị Thu Kiều khi xem cuộc phỏng vấn chị Vân Hải - từ Paris, Pháp quốc - trên đài SBTN và xem hình ảnh chuyến đi trên trang web của Cộng đồng Người Việt ở Paris. Người cha đã nghẹn ngào kể lại rằng chính ông đã tự tay khuân 16 hòn đá từ dưới biển lên khu nghĩa trang để đắp quanh mộ phần của đứa con gái 16 tuổi qua đời hai ngày sau khi lên đảo. Lạ lùng thay, họ tên của cô gái vắn số vẫn còn tươi nét sơn trên chiếc thánh giá bằng gỗ dù đã trải qua hơn phần tư thế kỷ dãi dầu mưa nắng.)
Chúng tôi "tranh thủ nhúng nước" trên bãi Kuku, nhiều người mặc nguyên bộ quần áo lội rừng, bơi ra chiếc ca-nô tốc hành thả neo chờ đợi từ sáng để trở về hậu cứ Letung. Chẳng ai còn nhớ đến "Thằng Mặt đen" hồi sáng, vì sau những gì chúng tôi trải qua ngày hôm nay, mấy thứ vặt vãnh ấy đều là… chuyện ruồi bu.
Buổi tối, chúng tôi được các quan chức trên đảo (gồm đại diện chính quyền, quân đội và cảnh sát) thết đãi một buổi dạ tiệc tiếp tân khá linh đình. Không có mì xào ớt, cơm chiên ớt mà đầy ngập tôm hùm, ghẹ biển, cá tươi... Và có cả chất cay nữa, mà toàn là... thứ thiệt. Lại cái chàng "trùm sò" bấm đốt ngón tay lẩm nhẩm: "Thế này là đủ vốn rồi nhé! Mà chỉ mới nửa đường. Từ giờ, cuộc hành tỏi bao nhiêu là lãi đấy!" Chẳng ai hiểu anh ta hành tỏi giống gì, nhưng mọi người cứ... ngậm miệng mà nhai cái đã!
Giữa những lời chào mừng vui vẻ, bát đũa xôn xao và tiếng nhạc xập xình, chuông điện thoại của anh Trưởng đoàn cứ reo liên tục. Rất may, dù cách xa đất liền nhưng nơi đây không nằm "ngoài vùng phủ phê" mà còn lọt "trong vùng phủ sóng" nên vẫn liên lạc được với... thế giới bên ngoài. Các đài phát thanh Á châu Tự do RFA, BBC London và Little Saigon Radio gọi đến tới tấp để phỏng vấn về chuyến đi nhớ đời này. Trần Lão Gia cứ như... gà mắc đẻ, vì ổng vừa tiếp khách vừa trả lời các câu hỏi, vừa ngoắc người này vừa lôi kẻ nọ đến để kể lại những câu chuyện của họ với thính giả khắp năm châu.
Buổi tiệc rồi cũng tàn theo những đôi mắt nhướng hết lên và những bộ giò rã rời đang tìm nơi giãn gân. Lúc ấy đã gần hai giờ sáng...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.