Vui Buồn Trong Năm
Nguyễn Xuân Nghĩa & RFA
....nhìn lại một năm kỳ lạ chưa từng thấy...
Có lẽ năm nay là năm mà người ta mua thuốc an thần nhiều nhất - trừ phi là thuốc nhức tim... Năm nay cũng là năm hào hứng nhất cho giới làm truyền thông vì có quá nhiều biến cố bất ngờ không ai có thể đoán trước khi treo tấm lịch 2008.
Ta hãy nhẩn nha kể lại...
****
XĂNG VÀ DẦU
Đầu năm dương lịch, mùng một tháng Giêng 2008, một quái chiêu trên thị trường buôn bán thương phẩm (commodity - nguyên nhiên vật liệu, khoáng sản và lương thực) đã "chơi bạo lấy tiếng" khi mua dầu thô với giá 100 đô la một thùng. Một kỷ lục có giá trị tâm lý hơn là thực tế vì sau đó giá đã hạ. Lần trước, gần ba chục năm trước, dầu thô lên tới giá cao nhất là khoảng từ 92 đến 97 đồng mà thôi, tính theo hiện giá ngày nay. Thành thử, giá dầu một trăm là chuyện hy hữu!
Nhưng, đến giữa năm thì giá kỷ lục ấy đã bị vượt qua: ngày 11 tháng Bảy, dầu thô được bán với giá chưa từng thấy trong lịch sử cổ kim, là 147 đồng một thùng. Với giá ấy, xăng dầu tại Mỹ bật lên mức bất thường cho dân Mỹ là gần bốn đồng một galông và gây tranh luận om xòm trên thị trường và ngoài chính trường.
Thế rồi, đến cuối năm, dầu thô sụt mất ba phần tư, từ đỉnh cao 147 đồng nay chưa đạt tới 40 đô la một thùng. Giá hôm 19 chỉ còn chừng 35 đồng. Xăng dầu tại Mỹ cũng hạ giá, làm hạ hỏa cơn sốt năng lượng lẫn các cuộc tranh luận về tội ác của kỹ nghệ dầu hoả hay về nhu cầu đào thêm dầu của Mỹ.
Thế rồi, chuyện xăng dầu nóng lạnh ấy cũng bị thời sự vứt qua một bên...
KHỦNG HOẢNG TÀI CHÁNH
Chuyện đáng nhớ nhất không phải là tổ hợp đầu tư Bear Sterns bị phá sản hồi tháng Ba mà là đại gia Lehman Brothers xụp đổ vào trung tuần tháng Chín sau 158 năm hiện hữu.
Đấy là "điểm lật", biến cố châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chánh Hoa Kỳ rồi toàn cầu. Từ điểm lật ấy, nhiều cơ sở tài chánh khác theo nhau đổ giàn, trong đó có Fannie Mae và Freddie Mac. Rồi Wall Street trở thành đồng nghĩa với bất cẩn, bất lương và bất lực. Toàn bộ hệ thống tài chánh và ngân hàng Mỹ đã thay thịt đổi da, ra màu nhợt nhạt, cho đến cuối năm vẫn chưa liền sẹo.
Đầu năm 2008, nhìn thấy trước nguy cơ suy trầm kinh tế sau sáu năm tăng trưởng, Chính quyền Bush xin Quốc hội cho phép kích cầu kinh tế với ngân khoản 143 tỷ đô la, cụ thể là trả lại cho mỗi người thọ thuế 600 bạc (hay 1.200 cho một hộ gia đình). Vô hiệu!
Kinh tế học giải thích lý do: dân chúng không đổi thói quen tiêu thụ nếu chỉ được một liều thuốc bổ nhất thời như vậy - họ lấy tiền kích cầu để trả nợ, hoặc thủ thân, hơn là kích thích tiêu thụ. Người ta chỉ đổi thói chi tiêu khi thấy lợi tức có thay đổi lâu dài, hơn là khi có một món bở bất ngờ - và chỉ một lần, nhận được vào khoảng tháng Năm, tháng Sáu.
Đấy là bài học về kích cầu: một liều thuốc bổ về tiền tệ không có ảnh hưởng bằng việc hạ lãi suất hoặc thuế suất, vốn sẽ gây ảnh hưởng lâu dài hơn với tâm lý của nhà đầu tư hay giới tiêu thụ. Yếu tố thời gian hay thời cơ là then chốt!
KÍCH CẦU NHƯ MƯA
Nói về kích cầu thì năm 2008 là năm thấy nhiều kế hoạch được ban hành ở nhiều nơi nhất, kể từ tháng Chín.
Vụ khủng hoảng tài chánh khiến cả Hoa Kỳ lẫn Âu Châu lật đật tung ra biện pháp đối phó, và sau mấy tuần tranh luận sảng, Quốc hội Mỹ đồng ý với kế hoạch cứu nguy tài chánh trị giá 700 tỷ. Mà cũng vô hiệu, vì chính trường chậm lụt đã bị thị trường vượt qua, và rớt xuống vực.
Nạn ách tắc tín dụng bùng nổ, không ai dám vay ai hoặc dám cho ai vay nên bộ máy sản xuất như bị trụy tim, chết đứng.
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã thấy trước nguy cơ cạn kiệt thanh khoản, cho nên từ tháng Chín năm trước đã hạ lãi suất liên ngân hàng từ đỉnh cao 5,25% xuống dần, xuống dần và xuống nữa. Đến cuối năm 2008, lãi suất đó bò ngang mặt đất: được rớt vào biên độ 0% - 0,25%. Chuyện hy hữu là Ngân hàng Trung ương còn báo trước rằng lãi suất ấy sẽ được duy trì dưới đó rất lâu.
Nói cho dễ hiểu, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ chính thức thông báo chánh sách "lãi suất số không", thuật ngữ kinh tế gọi là "diệcp" ZIRP - cho nhau vay mà khỏi tính tiền lời. Để mong rằng lãi suất hạ sẽ khiến người ta vay mượn nhiều hơn. Ngoài hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ, nhiều ngân hàng trung ương khác tại Âu Châu và Nhật Bản cũng đi vào chánh sách ấy. Chuyện vô cùng hiếm hoi.
QUY Y VÀ HY VỌNG
Nhưng hy hữu hơn thế là quyết định in bạc để bơm tiền, thuật ngữ kinh tế gọi là "tăng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng", "quantitative easing" - QE, gọi là "quy y" chăng"..
Sau khi hạ lãi suất tới sàn, nạo sát tới xương mà chưa thấy kết quả, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã mở rộng (gia tăng) bảng kết số tài sản bằng cách lấy tiền mua thẳng các chứng phiếu tài chánh trên thị trường, chủ yếu là trái phiếu. Gia tăng kết số tài sản có nghĩa là in thêm giấy bạc, và mục là để bơm thêm tiền và giảm bớt phân lời trái phiếu hay lãi suất dài hạn. Từ tháng Chín đến cuối năm, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã nâng kết số tài sản lên 900 tỷ rồi 1.200 tỷ Mỹ kim, kín đáo nhưng còn lớn hơn kế hoạch cấp cứu 700 tỷ...
Xin được nói thêm một chút: loại biện pháp lãi suất số không và in tiền mua giấy nợ là chuyện chưa hề thấy trong kinh tế học, trừ có một lần tại Nhật sau khi Nhật Bản bị 10 năm giảm phát từ 1992 tới 2001. Vì vậy, sau này, trong học trình kinh tế, con em của chúng ta sẽ học thêm về khủng hoảng tài chánh và biện pháp vô cùng bất thường của năm 2008.
Nói cách khác, chúng ta đang nằm giữa mắt bão và chóng mặt vì những con xoáy ở chung quanh có khi sẽ nhận chìm tất cả.
Có khi thôi!
Vì sao lại còn hy vọng lạc quan đó" Vì Nhật Bản đã mất 10 năm do dự mới đi vào giải pháp "quy y" đó. Hoa Kỳ chỉ mất ba tháng! Yếu tố thời gian là then chốt! Nhanh như Mỹ chứ không lừ đừ như Nhật, hoặc khật khùng tính toán như Âu Châu vì Liên hiệp Âu châu cần sự đồng ý của ngần ấy quốc gia hội viên (15 nước trong khối Euro hoặc 27 nước trong Liên Âu). Và cả ngàn tỷ đã được Mỹ bơm vào kinh tế như vậy....
TRỰC THĂNG THẢ TIỀN
Năm 2008 mở màn với nguy cơ suy trầm đã được báo trước từ lâu - và được chính trường tranh cử thổi lên thành "khủng hoảng" cho tới khi khủng hoảng tài chánh bùng nổ mới chịu im. Mãi tới mùa Thu, dân Mỹ mới được cơ quan có thẩm quyền xác nhận: rằng kinh tế Mỹ bị suy trầm từ tháng 12 năm 2007, tính đến cuối năm thì đã tròn 12 tháng méo mặt.
Trong suốt năm 2008, ai ai cũng nói đến viễn ảnh Tổng khủng hoảng 1929-1933. Thực tế thì Mỹ bị suy trầm nặng như thời kỳ 1981-1982, một vụ suy trầm nặng nhất từ sau Thế chiến II. Nhưng lần đó thất nghiệp tăng mạnh hơn, số ngân hàng vỡ nợ cao hơn, số nhà bị kéo nhiều hơn và sau cùng thì kinh tế đã phục hồi mạnh và mở ra kỷ nguyên thịnh vượng kéo dài hơn hai chục năm, với hai vụ suy trầm nhẹ và ngắn thời 1991 và 2001.
Ông Ben Bernanke, Chủ tịch hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, là một giáo sư kinh tế học và một chuyên gia có thẩm quyền về vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933, đề tài được ông nghiên cứu từ lâu. Ông còn nổi tiếng ở một cách phát biểu rất lạ. Trong một số hoàn cảnh ngặt nghèo, Chính quyền có thể phải lấy trực thăng rải tiền xuống cho dân chúng xài thì mới cứu nguy được kinh tế. Vì vậy, ông có hỗn danh là "trực thăng Ben".
Mà không ngờ là có ngày đã phải lấy một quyết định rất lạ lùng ấy.
Quả vậy, với loại biện pháp cấp cứu bất thường và dữ dội về phẩm - lãi suất số không - lẫn lượng - in tiền mua nợ - kinh tế Mỹ như thấy tiền rơi tựa lá thu. Và nhờ vậy, có hy vọng hồi phục kể từ giữa năm tới trở đi, sớm nhất trong các đầu máy kinh tế của thế giới (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Âu Châu và Trung Quốc).
Nhưng đó là chuyện năm tới.
Chuyện năm nay, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ coi như mất toi 40% so với đầu năm, ai cũng than như vậy. Thật ra vẫn chưa thấm vào đâu nếu ta nhìn qua thị trường chứng khoán của các nước tân hưng hay đang phát triển (Liên bang Nga, Ấn Độ, Trung Quốc hay các nước Đông Á ngoài Nhật. Họ mất trung bình 60%. Diễn giải cho dễ hiểu: bao nhiêu bạc tiền công lao dành dụm và đầu tư trong cả chục năm bỗng thành công cốc.
Nói cho phũ phàng hơn, Hoa Kỳ bị ngã mà còn có thể bò dậy, chứ các cứ khác sẽ còn nằm rất lâu ở dưới. Những ai dậy được thì sẽ ôm tiền chạy vào thị trường Mỹ. Thà cho vay không lời còn hơn là sạch cả vốn! Đô la Mỹ lên ngôi không vì Mỹ bảnh mà vì các xứ khác còn tệ hơn, kể cả Âu Châu và đồng Euro. Khi thấy Euro lên giá trong tháng 12 vừa qua, ta đừng vội lầm!