Hôm nay,  

Tự Do Ngoại Thương Bị Đe Dọa

11/04/200700:00:00(Xem: 7479)

...đàn áp người dân chủ sẽ dẫn tới nhiều thiệt hại cho dân chúng Việt Nam trong mối giao dịch với Hoa Kỳ...

Cách đây một tuần, Hiệp định Thương mại Song phương giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn kịp được ký kết, nhưng còn có thể bị Quốc hội Mỹ bác bỏ trong tương lai. Đồng thời, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng vừa đề nghị trừng phạt Trung Quốc việc phá giá và trợ cấp xuất khẩu giấy vào thị trường Mỹ. Các biến cố trên làm thế giới nói tới xu hướng bảo hộ mậu dịch rất mạnh trên chính trường Hoa Kỳ với hậu quả tai hại cho luồng trao đổi ngoại thương trên thế giới. Diễn đàn Kinh tế đài RFA tìm hiểu về xu hướng này qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, sau 10 tháng thương thuyết, Hiệp định Thương mại Song phương giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn cuối cùng đã được hai bên ký kết ngày mùng một tháng này nhưng dư luận quốc tế vẫn cho rằng văn kiện này có thể sẽ bị Quốc hội Mỹ bác bỏ vì xu hướng bảo hộ mậu dịch rất mạnh trong Quốc hội khoá 110 của Hoa Kỳ. Trong chương trình tuần này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về xu hướng ấy, với những hậu quả có thể xảy ra cho Việt Nam và các nước đối tác với kinh tế Mỹ.

Vì vậy, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là ta sẽ tìm hiểu sơ lược về bối cảnh giao thương giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ trước khi phân tách xu hướng bảo hộ mậu dịch tại Mỹ.

Trước khi nói đến Hiệp định Thương mại Song phương Mỹ-Hàn, ta sẽ phải nhắc tới một yếu tố đặc thù của Hoa Kỳ là đạo luật rộng quyền thương thảo mậu dịch người Mỹ gọi là "trade promotion authority", hoặc như trước đây, là "fast track". Đạo luật này đã được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2002 và có hiệu lực năm năm, đến cuối tháng Sáu năm nay. Theo đạo luật tôi dịch nôm na là rộng quyền thương thảo thì Đại diện Thương mại thuộc Hành pháp Mỹ có toàn quyền thương thảo các thỏa ước cho tới khi hoàn thành Hiệp định. Sau đó, bản Hiệp định được chuyển qua Lập pháp phê chuẩn trong thời hạn 90 ngày, với tinh thần gọi là "trọn gói", tức là bác bỏ hay chấp thuận toàn bộ văn kiện, chứ không đi vào việc cứu xét từng điều khoản. Đạo luật ấy vì vậy cho phép Hoa Kỳ mở rộng quan hệ mậu dịch song phương với các nước theo thủ tục ngắn gọn... Trước đấy, Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton không vận động nổi đạo luật này dù đảng Dân chủ của ông khi đó đang chiếm đa số trong Quốc hội. Năm 2002, Chính quyền của Tổng thống George Bush đã phải thỏa hiệp qua biện pháp bảo hộ ngành thép của Mỹ mới vận động được Quốc hội thông qua đạo luật rộng quyền mậu dịch trong thời hạn năm năm.

Hỏi: Và thời hạn năm năm ấy sẽ kết thúc vào ngày 30 tháng Sáu này phải không"

Thưa vâng, chính vì vậy mà phía Hoa Kỳ đã phải ráo riết hoàn tất bản Hiệp định Mỹ-Hàn hầu Tổng thống Bush kịp thời chuyển qua Quốc hội nội trong 90 ngày trước khi đạo luật kia đáo hạn. Nhờ chênh lệch giờ giấc mà hai Chính phủ Hoa Kỳ và Nam Hàn đã đạt thỏa thuận có 25 phút trước khi ông Bush kịp ký kết văn kiện để xin Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Đây là văn kiện quan trọng vì, thứ nhất kích thước của bài toán mậu dịch Hoa Kỳ và, thứ hai vì tính chất trắc nghiệm phản ứng của Quốc hội khoá 110 vừa được dân Mỹ bầu lên tháng 11 năm ngoái. Thế giới và cả Việt Nam nên theo dõi văn kiện này vì hai lý do ấy.

Hỏi: Lý do thứ nhất là vì kích thước của bài toán mậu dịch, thế thì trị giá của văn kiện này sẽ là bao nhiêu tiền mà quan trọng như vậy"

So sánh tương quan thì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Nam Hàn đứng hàng thứ 11, hai bên buôn bán với nhau chừng gần 80 tỷ một năm, gấp 10 so với Việt Nam, và Hiệp định Song phương Mỹ-Hàn quy định hai nước sẽ hạ thấp hàng rào hải quan chừng 95% trong thời hạn ba năm, với kết quả có thể là nâng cao khối lượng buôn bán chừng 25% một năm, chừng hai chục tỷ Mỹ kim. Vì hai nền kinh tế không có tính chất tương tranh, tức là trực tiếp cạnh tranh với nhau, nên về dài thì đà gia tăng trao đổi ấy có lợi cho cả hai. Nếu so sánh thì đây cũng là Hiệp định Thương mại có ảnh hưởng lớn nhất cho kinh tế Mỹ kể từ bản Thỏa ước Tự do Mậu dịch Bắc-Mỹ NAFTA mà Hoa Kỳ đã ký với Canada và Mexico năm 1993. Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ rằng văn kiện này sẽ gặp nhiều trở ngại và khó được phê chuẩn vì yếu tố thứ hai, vì trào lưu bảo hộ mậu dịch trong Quốc hội Mỹ.

Hỏi: Chúng ta bắt đầu tìm hiểu yếu tố thứ hai đó. Vì sao ông cho là Quốc hội Mỹ có thể bác bỏ bản Hiệp định này"

Không chỉ bác bỏ Hiệp định Thương mại Mỹ-Hàn mà còn có thể xét lại hàng loạt các hiệp định thương mại mà Chính quyền Bush đã thông qua với nhiều quốc gia khác và sẽ còn gây sức ép rất mạnh với các nước đang đạt thặng dư mậu dịch với Mỹ, đứng đầu là Trung Quốc với mức xuất siêu là hơn 230 tỷ Mỹ kim.

Lý do ở đây, như chúng ta đã nhiều lần cảnh báo trên diễn đàn này, là một số thành phần dân Mỹ lại không thấy lợi lộc gia tăng nhờ tự do mậu dịch, hoặc ít ra là không gia tăng nhanh và nhiều như thành phần chủ đầu tư Mỹ hoặc như công nhân hay nông gia của các nước nghèo. Họ hoài nghi trào lưu toàn cầu hoá và còn chống lại nguyên tắc tự do mậu dịch nên dùng lá phiếu tác động vào chính trường, vào Quốc hội. Quốc hội khoá 110 vừa nhóm họp vào đầu năm nay tại Hoa Kỳ có khuynh hướng bảo hộ mậu dịch rõ rệt và sẽ gây trở ngại cho Hành pháp Mỹ đang bị suy yếu vì hồ sơ Iraq, đồng thời có thể không cho tái tục đạo luật rộng quyền ngoại thương kể từ mùng một tháng Bảy này trở đi.

Hỏi: Có phải là vì đảng Dân chủ vừa chiếm đa số tại cả hai viện Quốc hội Mỹ hay không"

Thưa chỉ một phần thôi. Nói chung thì chừng hai phần ba giới dân cử bên đảng Dân chủ và một phần ba bên đảng Cộng hoà ngả theo xu hướng bảo hộ mậu dịch mà họ gọi là "mậu dịch công bằng". Khi đảng Cộng hoà bị thất thế trong cuộc bầu cử năm ngoái thì họ không dám lấy rủi ro làm mất lòng quần chúng trong cuộc bầu cử vào năm 2008 tới đây. Chỉ còn Chính quyền Bush là cố vớt vát tinh thần tự do mậu dịch nhưng bị suy yếu nặng vì vụ Iraq, nên ta có thể nói là xu hướng bảo hộ mậu dịch đang là đặc tính "lưỡng đảng", có sự đồng thuận của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Họ sẽ lấy đủ mọi lý do phản bác hay cản trở những cam kết đã có của Chính quyền ông Bush.

Trở lại chuyện cụ thể là Hiệp định Mỹ-Hàn mình vừa đề cập tới thì nếu nông gia Mỹ có lợi nhờ sẽ bán thịt qua Hàn Quốc thì công nhân kỹ nghệ xe hơi sẽ lại kịch liệt chống vì một năm Mỹ bán có chừng 4.000 xe hơi qua Nam Hàn trong khi nhập khẩu 800 ngàn xe Hàn Quốc vào Mỹ. Ba đại gia về xe hơi của Mỹ tại Detroit của bang Michigan đều đang bị điêu đứng vì không thể cạnh tranh nổi với xe ngoại quốc, kể cả xe Nhật hay Hàn Quốc ráp chế tại Mỹ, và họ đòi chính quyền phải bảo vệ. Bên kia, các công đoàn hay nông gia Hàn Quốc cũng muốn chống vì e sợ sự cạnh tranh của hàng Mỹ. Cho nên lực cản hiện đang mạnh hơn lực đẩy và điều này không chỉ giới hạn trong mậu dịch Mỹ Hàn mà mở rộng qua nhiều ngành khác, với nhiều xứ khác nữa.... Chi tiết đáng chú ý là với Hiệp định Thương mại Mỹ-Hàn, nhiều giới chức dân cử Mỹ đã đả kích hàng rào bảo hộ mậu dịch của Nam Hàn với ngôn ngữ thời Chiến tranh lạnh, khi gọi đó là "bức màn sắt"!

Hỏi: Chúng ta bắt đầu bước qua phần liên hệ đến Việt Nam. Theo sự phân tách của ông, thì liệu Việt Nam có bị ảnh hưởng bất lợi gì từ trào lưu bảo hộ tại Mỹ không, sau khi ký kết Hiệp định Thương mại và có quy chế mậu dịch bình thường và vĩnh viễn với Hoa Kỳ và trở thành hội viên thực thụ của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ đầu năm nay"

Tôi xin có nhận xét tổng quát trước rồi chuyện Mỹ sau. Thứ nhất, trào lưu bảo hộ mậu dịch hoặc chặn đà bành trướng của toàn cầu hóa không là hiện tượng đặc thù của Mỹ mà đang là xu hướng phổ biến trong các nước công nghiệp tiên tiến, kể cả Liên hiệp Âu châu hay Nhật Bản và gặp phản ứng mạnh từ các nước tân hưng, mới phát triển lên hàng ngũ công nghiệp, như trường hợp Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay cả Nam Hàn. Yếu tố ấy mới giải thích vì sao vòng đàm phán Doha về tự do mậu dịch mới tan vỡ và khó có thể vớt vát nổi. Thượng đỉnh G-8 và Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới vào tuần này có thể cho chúng ta cơ hội kiểm chứng điều ấy.

Thứ hai, và ta đi dần vào sự ngộ nhận tai hại từ phía Việt Nam, khi một cơ chế quốc tế và đa phương như WTO bị bế tắc vì vòng đàm phán Doha như diễn đàn này đã nói nhiều lần, thì các nước đều tìm thỏa thuận song phương với tương quan mạnh hay yếu của từng nước. Điều này bất lợi cho các nước nghèo vì họ mất một diễn đàn có thế mạnh là WTO.

Thứ ba, và ngược với nhận xét của một vị dân cử Mỹ đối với Việt Nam, quan hệ đôi bên không phải là một cuộc hôn nhân vĩnh viễn tốt đẹp để Việt Nam cứ tưởng rằng từ khi đã qua cửa ải WTO và PNTR với Mỹ thì mình muốn làm gì cũng được, kể cả vi phạm nhân quyền hay nhục mạ vị Đại sứ Mỹ và các Dân biểu Hoa Kỳ đang công du tại Việt Nam.

Hỏi: Một cách cụ thể thì những rủi ro gì có thể xảy ra cho nền kinh tế Việt Nam"

Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể. Hiệp định Thương mại Song phương giữa Hoa Kỳ và Peru có thể bị cản trở vì Dân biểu Dân chủ nổi tiếng phản chiến là ông John Murtha đã tìm ra yếu tố bất ngờ là vì nền an ninh của Mỹ. Lý do là một doanh nghiệp của xứ UAE, Liên hiệp các Tiểu vương Hồi giáo, có đầu tư vào Peru, nếu doanh nghiệp Dubai Ports World này từ đó đầu tư vào Mỹ thì có thể đe doạ an ninh của các thương cảng Hoa Kỳ. Giới quan sát cho rằng đây chỉ là lý cớ chính trị trong nội tình Hoa Kỳ nhưng vẫn gây thiệt hại cho Peru và xứ UAE, vốn là hai đồng minh của Hoa Kỳ tại Nam Mỹ và Trung Đông.

Vốn đang mở mang quan hệ bình thường với Hoa Kỳ, Việt Nam không phải là không có vấn đề tồn đọng trong mối giao thương với thị trường Mỹ. Bây giờ khi tự gây thêm vấn đề về tự do và nhân quyền với chính người dân của mình, lãnh đạo Việt Nam mặc nhiên tạo ra nền tảng đồng thuận giữa xu hướng lý tưởng và đòi hỏi dân chủ với xu hướng bảo hộ mậu dịch trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Các xu hướng này sẽ nêu vấn đề ngay tại Quốc hội và gây sức ép với bộ Ngoại giao và Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội để đòi hỏi nhiều điều kiện phụ trội khác như đã từng thấy trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mà Việt Nam chẳng có cái thế chính trị hay cái lực kinh tế như Trung Quốc.

Việc đàn áp người dân chủ sẽ dẫn tới nhiều thiệt hại cho dân chúng Việt Nam trong mối giao dịch với Hoa Kỳ. Nông gia, ngư dân và công nhân hay ngành dệt sợi, bán tôm cá, giày dép hay vật dụng điện tử Việt Nam sẽ bị thiệt thòi lớn vì lãnh đạo chính trị đã gây ra chuyện kỳ cục ấy. Đây không chỉ là một sai lầm lớn về đạo đức dân tộc mà còn là một dại dột nặng về chính trị và những kẻ hữu trách cần phải bị trừng phạt. Nên giải oan cho cha Lý và xin lỗi những người bị xúc phạm chứ không phải cứ chửi Mỹ là xen lấn vào chuyện nội bộ Việt Nam mà đã là xong!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đảng CSVN đang rối beng lên về tình trạng cán bộ tham nhũng quyền lực, nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến dân te tua. Tình trạng này được báo của Trung ương đảng “vạch áo cho người xem lưng” cả trong hai lĩnh vực...
Số lượng người nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ cao kỷ lục đang khiến cho hệ thống nhập cư vốn đã quá tải càng thêm phần căng thẳng. Dữ liệu mới đây của chính phủ cho thấy các viên chức biên phòng đã thực hiện 2.05 triệu vụ bắt giữ trong năm tài chánh kết thúc vào tháng 9. Đây là năm thứ hai liên tiếp mà số vụ bắt giữ như vậy cao hơn 2 triệu. Trong quá khứ, các con số tăng và giảm dựa trên những thay đổi quan trọng về kinh tế và chính sách, như các đợt suy thoái kinh tế và siết chặt biên giới trong thời kỳ đại dịch. Nhưng chưa bao giờ số vụ bắt giữ vượt quá 1.7 triệu, và cũng chưa bao giờ duy trì ở mức cao như vậy trong mấy năm liên tục.
Hai việc đang làm cho Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng mất ăn mất ngủ là “tình trạng xa rời Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” và “tham nhũng quyền lực” ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ chống tham nhũng, thanh tra và thi hành kỷ luật...
Lúc còn tại thế, có lúc ông Phạm Văn Đồng đã phải đối diện với một câu hỏi khó: “Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về sự kiện thuyền nhân hồi 1975, nhất là hồi 1978, 1979… Về nguyên nhân và trách nhiệm trong những sự kiện ấy, với những hiện tượng bán bãi thu vàng và khá nhiều tầu, thuyền bị hải tặc bão tố và chìm trong đại dương…
Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ báo cáo thường niên trước Quốc hội: Những diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc...
Tại sao chính sách Hoa Kỳ phải giúp đỡ những quốc gia khác, kể cả những quốc gia chống đối quyền lực của Hoa Kỳ? Có anh hàng xóm tức giận muốn qua đốt cháy nhà mình, mình lại đem tiền qua giúp đỡ; đôi khi lại mang con qua xây dựng hàng rào, chuồng gà, sơn quét nhà cửa cho anh ta. Chuyện thật ngược đời. Đảng Cộng Hòa nói: Không được. Đảng Dân Chủ nói: Được. Đáng giúp đỡ. Còn bạn, nghĩ sao? Ngày 18 tháng 10 năm 2023, Hãng thông tấn ABC News đưa tin: “Chính quyền Biden đang soạn thảo gói viện trợ nước ngoài trị giá 100 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ cho Israel cũng như các ưu tiên an ninh hàng đầu khác.” Dự thảo này phải được quốc hội phê chuẩn. Chắc hẳn sẽ gặp khó khăn vì Đảng Cộng Hòa giữ đa số ở hạ viện. 100 tỷ là số tiền khá lớn, trong lập luận của đảng Cộng Hòa, tại sao không dùng số tiền này để phát triển kinh tế nước Mỹ? Xây dựng những công trình nội địa mang lợi ích đến cho người dân? Trong lập luận của đảng Dân Chủ, giúp người tức là tự giúp mình
Lại một lần nữa, cộng đồng tình báo quốc tế cho thấy khả năng dự báo hoàn toàn sai lạc khi nhận định rằng xung đột Trung Đông không có dấu hiệu leo thang trong khi chiến tranh Ukraine đang tiếp diễn. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn khi thiếu chuẩn bị các biện pháp phòng thủ cần thiết, vì ông tin tưởng tuyệt đối ưu thế quân sự của 170.000 quân Do Thái so với 40.000 chiến binh Hamas. Chính ông Ehud Barak, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng 80% dân chúng cũng đồng quan điểm, cho rằng Thủ tướng Netanyahu phải chịu trách nhiệm chính trị cho thảm hoạ hiện nay.
Thái độ chán học Mác và ngán nghe theo lời Bác dậy lan tràn trong sinh viên, học viên các trường Đảng đã làm cho tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng tăng cao đe dọa sự tồn vong của chế độ...
Nhà báo Xuân Ba kể lại: “Đêm chuyển về sáng một ngày tháng tư năm một ngàn chín trăm tám tư, Vũ Bằng thều thào với Long kiếm cho ba cái điếu?! Trời đất, bệnh nặng vậy mà hút chi? Nhưng ông cứ kéo cái điếu về phía mình kéo một hơi rồi ho sặc sụa... Vũ Bằng sau hơi thuốc dim lim vẻ như khỏe lại? Nhưng rồi cứ lịm dần, lịm dần... Nhà văn Vũ Bằng trút hơi thở cuối cùng lúc bốn giờ ba mươi sáng. Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần!”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.