Hôm nay,  

Chuyến Đi 3 Miền Cầu Siêu Vong Hồn

01/02/200700:00:00(Xem: 8408)

Chuyến Đi 3 Miền Cầu Siêu Vong Hồn

Bắt đầu từ ngày mồng 3 Tết, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và Tăng Đòan Làng Mai sẽ về Việt Nam trong chuyến đi kéo dài gần ba tháng, trong đó phần nổi bật nhất, và cũng là khác biệt với chuyến đi lần trứơc, là ba lễ cầu siêu cho các vong hồn đang lang thang, chưa được siêu thóat vì nhiều lý do - gọi tên chuyên môn nhà chùa là nghi thức Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan Thủy Lục Giải Oan Bình Đẳng Cứu Bạt. Để trả lời nhiều thắc mắc về nghi thức này, dưới đây là các tổng hợp thông tin liên hệ kết hợp từ khảo cứu của Thư Viện Hoa Sen, và một số dư luận từ quý Thầy trong nước ghi nhận do Phù Sa (nhóm PSN, Phù Sa Network, một trang web từ Paris).

Vào ngày 19 tháng 2 năm 2007 (tức ngày mồng 3 Tết),  Thiền sư Nhất Hạnh và Tăng Thân Làng Mai sẽ rời Paris, Pháp, để tới Sài Gòn ngày 20 tháng 2 năm 2007 (tức mồng 4 Tết). Thiền sư và Tăng đoàn sẽ về nghỉ tại chùa Pháp Vân, 1 Lê Thúc Hoạch, P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú. Sau đây là lịch trình ba nghi thức lớn:

- Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan tại Chùa Vĩnh Nghiêm Từ ngày Thứ Sáu 16-03-2007 đến ngày Chủ Nhật 18-03-2007 Pháp thoại vào lúc 9:00 giờ sáng mỗi ngày.

- Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan Thủy Lục Giải Oan Bình Đẳng Cứu Bạt Trai Đàn 

tại Chùa Diệu Đế Từ ngày Thứ Hai 02-04-2007 đến ngày Thứ Tư 04-04-2007. Pháp thoại vào lúc 18:30 mỗi ngày.

- Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan tại Học Viện PGVN tại Hà Nội, Sóc Sơn Từ ngày Thứ Sáu 20-04-2007 đến ngày Chủ Nhật 22-04-2007 Pháp thoại vào lúc 9:00 giờ sáng mỗi ngày.

Và sẽ rời Việt Nam vào ngày 9/5/2007. Chuyến bay này từ Hà Nội tới Hồng Kông.

Theo Ban Biên Tập TVHS (http://www.thuvienhoasen.org/), nghi thức này nguyên khởi từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam, có các ý nghĩa, trích như sau.

"Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan hay còn gọi là Trai Đàn Thủy Lục là một pháp hội cúng chay và cầu siêu cho những vong hồn người chết không có ai thờ tự, không có nơi nương tựa, đang sống vất vưởng ở dưới nước và ở trên cạn… 

 Tập tục cầu siêu độ này được truyền qua Việt Nam không rõ vào thời nào nhưng có thể bắt đầu từ thời đại nhà Lý.  Đó là việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là "diệm khẩu phổ thí pháp hội" có nghĩa là những đại hội về Phật Pháp để bố thí thức ăn cho loài quỷ đói. Pháp này được thực hành trên căn bản một tác phẩm mang tên là "Thí Chư Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập Thủy Pháp" do Ngài Bất Không (Amogha) dịch vào thế kỷ thứ tám, đời Đường.  Và hiện nay, trong thời khóa tụng niệm buổi chiều, các chùa ở Việt Nam thường có một nghi thức thí thực cô hồn ngắn, gọi là Mông Sơn Thí Thực Văn.  Nghi thức này bắt đầu từ đời nhà Tống tại Mông Sơn, tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Quốc, vì thế mới có danh xưng là "Mông Sơn Thí Thực".

Trong "Thiền uyển tập anh": Tăng thống Huệ Sinh (-1064) đời vua Lý Thánh tông, có để lại tác phẩm "Pháp Sự Trai Nghi" nói đến nghi thức chẩn tế. 

Vào năm 1789 sau khi đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu Vua Quang Trung đã ban sắc lệnh làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hữu công và tiến cúng cô hồn tử sĩ, kể cả mấy vạn quân Thanh đã tử trận. 

Vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà cũng thiết đàn siêu độ cho quan quân tử sĩ và những oan hồn uổng tử vì chiến cuộc do Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành chủ tế với bài văn tế viết bằng quốc âm Tướng Sĩ Trận Vong và Cô Hồn Thập Loại (1802). 

Vào năm Giáp ngọ, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho tổ chức trai đàn tại chùa Linh mụ cầu cho quốc thái dân an, cho các quân linh tử trận được siêu thoát. 

Và vào những năm đầu thập niên 70, do chiến tranh gây ra nhiều cảnh chết chóc hãi hùng, khoa nghi chẩn tế được thực hiện rất nhiều, nhất là tại Huế.  Hầu như tháng nào ở đây cũng có ít nhất một đàn… 

Theo niềm tin của người dân, nghi thức Trai đàn nhằm cầu siêu cho người chết được siêu thoát và qua đó cũng cầu an cho người sống được an lạc. Trong tín ngưỡng dân gian này không thể thiếu vai trò của Phật giáo vì người dân quan niệm đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ.

Theo giáo lý nhà Phật, Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, sự từ bi này không chỉ đối với người sống mà còn với người chết, không chỉ từ bi với con người mà còn từ bi với các loài chúng sinh không phải con người, từ bi bình đẳng đến cả các vong linh khổ não, các oan hồn uổng tử vất vưởng, không nơi nương tựa, lang thang khắp mọi nơi, mọi cõi, lang thang ở bụi dậm, bờ ao.  Chính vì lòng từ bi đó mà người ta lập ra Trai đàn để cầu siêu cho các vong hồn được siêu thoát, hoá giải mọi tai ương hận thù mà người dân tin là có thể xảy đến, để cuộc sống được ấm no, yên ổn…

Trong Phật giáo Nguyên Thuỷ không có kinh cầu siêu, kinh cầu an mà chỉ về sau các nhà sư Phật giáo Bắc tông, do nhu cầu phát triển nên uyển chuyển áp dụng các loại kinh khác nhau cho hai mục đích vừa nêu, ví dụ như dùng kinh A Di Đà và kinh Địa Tạng để cầu siêu cho người quá vãng, dùng phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa và kinh Dược Sư để cầu an cho người lâm bệnh, v.v… Phải chăng, ý nghĩa căn bản của cầu siêu và trai đàn chẩn tế phổ độ là để biểu tỏ tấm lòng chân tình thương mến người thân quá vãng, thương xót đồng bào tử nạn, thương xót những cô hồn đói lạnh và nhất là để an tâm cho người sống" 

Trong pháp hội "Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan" được hoà thượng Nhất Hạnh dự trù tổ chức tại ba miền Việt Nam vào đầu năm 2007 có mục đích, theo lời hoà thượng: "để cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của cuộc chiến tranh, dù đã qua đời hay còn tại thế…, để cầu nguyện cho tất cả những người thân đã từng chết đi một cách oan ức, trong rừng sâu, ngoài biển cả, trong trại tù, ngoài côn đảo và dưới những hố chôn tập thể, để cùng cầu nguyện cho nhau, cho những người đã khuất và những người còn đang tiếp tục gánh chịu oan nghiệt, và để tất cả cùng có cơ hội chữa lành những vết thương rướm máu lâu ngày chưa lành, để nối kết lại tình đồng bào ruột thịt, và làm vơi đi những oan khổ uất ức đã được chứa chất lâu nay"…"

Đặc biệt, mạng lưới Phù Sa- Info (www.phusa.info/) từ Paris với bài viết nhan đề  "Giải oan  hay Không giải oan"" được một vị tôn túc gửi tới tòa sọan, ghi nhận thêm một số thông tin từ dư luận một số quý Thầy trong nứơc, trích như dứơi đây, nhưng nhiều chi tiết ngòai chủ đề Giải Oan, đều được cắt bỏ cho gọn:

"Để tìm hiểu thêm về chuyến Hoằng pháp tại quê hương Việt Nam vào đầu năm Đinh Hợi sắp tới của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cùng Phái đoàn Phật giáo Quốc tế (Tăng thân Làng Mai) đặc phái viên của Phù Sa có mặt tại Việt Nam đã hỏi chuyện một vị Thượng tọa đang hành đạo tại Sài Gòn, và được Ngài cho biết như sau. Để tránh những rắc rối có thể xảy ra với Thượng Tọa, Phù Sa xin phép không nêu tên Ngài ra đây.

- Đặc Phái Viên (ĐPV): Xin Thượng Tọa cho biết cảm tưởng và sự trông chờ của Thượng Tọa về chuyến đi sắp tới của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Phái Đoàn Tăng Thân Làng Mai"

- Thượng Tọa (TT): Chuyến đi trước đây hai năm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và phái đoàn quốc tế Làng Mai đã mang lại nhiều lợi lạc và hạnh phúc cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam. Tôi tin chắc là chuyến đi sắp tới cũng sẽ là sự tiếp tục của chuyến đi trước, và đi sâu hơn trong việc giao lưu, truyền thông và chia sẻ về những pháp môn tu tập, có thể đem lại nhiều chuyển hóa và trị liệu cho nhiều Phật tử, nhất là cho giới trẻ tuổi. (…)

- ĐPV: Xin trở lại với chuyến viếng thăm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Theo Thượng Tọa thì những sinh hoạt nào của chuyến đi này sẽ là quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất"

- TT: Tôi nghĩ hoạt động nào cũng quan trọng như nhau. Trong bốn mươi năm qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Làng Mai Thôn đã chế tác được những pháp môn thực tập có vẻ thích hợp với xã hội phương tây, với giới trẻ và giới trí thức. Những pháp môn nầy nhìn cho kỹ thì thấy được làm bằng những chất liệu của truyền thống Phật giáo Việt Nam. Trí thức và tuổi trẻ Việt Nam cũng cảm thấy thoải mái với những giáo pháp và những pháp môn thực tập này. Trong giai đoạn toàn cầu hóa, Phật giáo Việt Nam cần phải thay đổi, phải hoàn toàn thay áo mới, mới có thể đối phó được với tình trạng mới và tiếp tục sứ mạng phục vụ dân tộc và đất nước mình. Thành ra trong chuyến viếng thăm và hoằng pháp này chắc là Thiền Sư muốn giới thiệu và đi sâu thêm vào những pháp môn thực tập ấy. Đã có dấu hiệu trong hai năm vừa qua là tuổi trẻ và giới trí thức Việt Nam rất ham mộ những pháp môn ấy. Anh đã từng đi thăm Tu Viện Từ Hiếu ở Huế và Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc chưa" Anh sẽ thấy tuổi trẻ Việt Nam thiết tha tu tập pháp môn mới thích hợp với tuổi tác và khát khao lý tưởng của họ.

- ĐPV: Thượng Tọa nghĩ sao về những Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan sẽ được cử hành tại đất nước trong chuyến đi sắp tới của Thiền Sư"

- TT: Có thể nói các Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan này là một nét đặc biệt nhất của chuyến đi. Theo những điều tôi đọc được trên Trang Nhà Làng Mai thì các Trai Đàn này được tổ chức như những pháp thực tập tập thể của toàn dân nhầm chữa trị những thương tích chiến tranh còn nằm sâu trong lòng người. Ban đầu tôi tự hỏi tại sao một vị thầy dạy Thiền mà lại tổ chức Trai đàn vốn thuộc về lĩnh vực của Mật tông, nhưng sau, tôi thấy là Thiền Sư có cái nhìn rất rộng. Trong Thiền có Mật và trong Mật có Thiền. Đó là cái nhìn nhất quán của Thiền Sư. Có lẽ vi vậy mà tổ chức Giáo Hội bên ấy mang tên là Giáo Hội Đạo Bụt Nhất Quán (Eglise Bouddhique Unifiée). Quý thầy ở Làng Mai có giải thích về những chữ này. Nhất quán đây là cái mẫu số chung của tất cả các tông phái Phật giáo. Nó làm cho tất cả các tông phái đạo Phật dù chủ trương những giáo lý khác nhau và những thực tập pháp môn khác nhau mà vẫn đi được với nhau như một dòng sông mà không có sự chống đối nhau. Đó là nghĩa của chữ "Unifiée" theo sư giải thích của quý thầy Làng Mai trong chuyến về kỳ trước. Nó không có nghĩa góp lại tất cả mọi tổ chức làm một tổ chức như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã làm cuối năm 1963 đầu năm 1964.

- ĐPV: Theo Thượng Tọa thì chính quyền có thấy được tầm quan trọng của các Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan nầy không và có yễm trợ cho những Trai Đàn này không"

- TT: Theo những tin tức tôi thăm dò thì ở cấp cao cũng có những vị thấy được tầm quan trọng của những Trai Đàn này. Tôi được biết là thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng viết thư cho cựu Thủ Tướng Chính Phủ đề nghị về sự thiết lập những Trai Đàn Chẩn Tế như thế từ hơn một năm rưỡi nay. Đại khái Thiền Sư đã nói với Thủ Tướng là thống nhất lãnh thổ xong thì phải tìm mọi cách thống nhất lòng người, như đại đế A Dục Vương ngày trước đã từng làm ở Ấn Độ. Nếu lòng người chưa thống nhất thì đất nước vẫn chưa có đủ sức để đối phó với tình trạng mới đang trở nên càng ngày càng khó khăn. Tôi còn nhớ đầu năm 2005 trong chuyến đi đầu của thiền sư Thích Nhất Hạnh một vị nhân sĩ ở Huế  đã xá tôi và nói: "Tôi nói xin thầy tha lỗi, lâu nay cứ nói thống nhất mà chưa thấy thực sự có thống nhất. Giờ phút mà máy bay của Sư Ông đáp xuống phi trường Phú Bài này, nhìn ánh mắt rực rỡ của hàng ngàn người dân ra đón chào sư ông, tôi mới có cảm tưởng là đất nước mới bắt đầu có thống nhất thật sự" Câu nói này chứng tỏ rằng người dân đang thực sự mong chờ một sự thống nhất thất sự, nghĩa là môt sự thống nhất nhân tâm. Tổ chức những Trai Đàn để mọi người có thể tìm tới với nhau, ý thức được rằng những oan khổ xưa nay bây giờ đã được thừa nhận, để cùng cầu nguyện với nhau trong tình đồng bào ruột thịt, đó là một pháp môn thực tập rất vi diệu, nó đem người Nam về lại với người Bắc, nó đem đồng bào hải ngoại về lại với người đồng bào quốc nội, nó có thể đóng góp rất nhiều cho sự thống nhất nhân tâm và chữa lành những vết thương còn che kín và rướm máu trong lòng người. Nhưng cũng còn có những người trong chính quyền và trong đảng, nhất là trong giới công an, chưa thấy được điều đó nên họ vẫn e ngại không muốn yễm trợ công tác Phật sự này.

- ĐPV: Tại sao họ lại e ngại"

- TT: Họ sợ xáo trộn, mất an ninh. Cái sợ trong họ rất lớn. Họ nghĩ là nếu trong Trai Đàn Chẩn Tế mà nhắc tới những oan khổ trong quá khứ có thể gây ra nhiều cảm xúc,  rồi từ cảm xúc sinh ra trách móc, chống đối và xáo trộn. Họ chủ trương rằng những nỗi khổ niềm đau ấy, cứ để cho người ta quên  đi, đừng nhắc lại làm gì. Cái người ta muốn quên đi thì mình không nên nhắc lại. Trong khi đó thì chủ trương của Làng Mai là khi những khổ đau oan trái ấy được đưa lên vùng ý thức, được chính thức công nhận thì những thương tích kia mới có thể bắt đầu được trị liệu một cách thực sự. Cái khác nhau là ở chỗ đó.

- ĐPV: Thượng Tọa có nghĩ là cũng có những người trong Bộ Công An có thể thấy được và hiểu được thiện ý và chủ trương của Làng Mai không"

- TT: Có thể là họ thấy được và hiểu được nhưng họ vẫn sợ như thường. Vì vậy họ đã không muốn cho Làng Mai và cho các thầy trong Giáo Hội sử dụng từ Giải Oan. Họ nói bốn chữ Trai Đàn Chẩn Tế là đủ rồi, không cần nói đến giải oan. Có oan gì đâu mà giải"

- ĐPV: Lạ thật, trong ba mươi năm chiến tranh, làm sao mà không có oan ức" Trai Đàn cầu siêu cho nạn nhân của ba mươi năm chiến tranh thì phải có công năng giải oan chứ"

- TT: Trai Đàn cũng là để giải oan, từ xưa tới nay vẫn thế. Người ta không thấy rằng từ giải oan là một từ rất phổ thông trong Phật giáo: Suối Giải Oan, Chùa Giải Oan. và tất cả những Trai Đàn chẩn tế từ xưa đến nay đều có mục tiêu giải oan. Trong mấy mươi năm chiến tranh khốc liệt vừa qua, có ai trong chúng ta mà đã không gánh chịu ít nhiều oan ức" Người Miền Bắc cũng đã từng chết oan, người Miền Nam cũng đã từng chết oan, người Cọng Sản cũng đã từng chết oan, người chống cọng cũng đã từng chết oan. Chiến sĩ cũng đã từng chết oan mà thường dân cũng đã từng chết oan. trong Nam cũng như ngoài Bắc, trong rừng sâu cũng như ngoài biển cả. Oan ức khổ nhục phải được công nhận thì mới có cơ hội trị liệu, cơ hội giải oan. Thông bạch của Đạo Tràng Mai Thôn đăng báo Giác Ngộ cũng đã bị kiểm duyệt hai chữ giải oan. Nghe đồn thầy Pháp Ấn tranh thủ lắm mới giữ được hai chữ Bình Đẳng. Bài Phổ Cáo Quốc Dân trên mạng Làng Mai nêu rõ những khổ đau tủi nhục oan khuất mà nhiều triệu người đã phải chịu đựng vẫn chưa được phép đăng lên báo chí, dù là báo chí Phật giáo. Theo tôi biết, bài Phổ Cáo Quốc Dân ấy đã được Làng Mai viết rất nhẹ nhàng để có thể được chấp nhận ở quốc nội  nhưng vẫn không được (hoặc chưa được) chấp nhận để đăng lên báo chí.

- ĐPV: Như vậy thì đồng bào làm sao được thông báo rằng sẽ có những Trai Đàn Giải Oan như thế"

- TT: Tôi không biết, nhưng tôi cũng trông chờ một phép lạ nào đó để tất cả đồng bào mình  đều được biết là có những Trai Đàn như thế để mọi người dân có cơ hội thiết lập bàn thờ và cùng cầu nguyện. Tôi nghĩ là nếu Phật sự này mà không thành tựu được như mong muốn là tại vì người ta quá sợ. Riêng tôi, tôi không thấy lý do gì  để họ lo sợ như thế. Tôi không thể tưởng tượng ra được là thiền sư Thích Nhất Hạnh lại muốn gây xáo trộn và làm mất an ninh. Thầy đi tới đâu là có an ninh tới đó. Những buổi thiền hành ở Rome, Firenze, Frankfurt, New York và Paris với hàng ngàn người tham dự, v.v... đều chứng tỏ như thế.

- ĐPV: Các vị tôn đức trong Giáo Hội nghĩ thế nào, có ai không đồng ý với thiền sư Thích Nhất Hạnh không"

- TT: Theo tôi thấy thì phần lớn các vị tôn đức trong Giáo Hội đều thấy được giá trị và sự cần thiết của những Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan. Đây là lần đàu tiên mọi người có thể chính thức đến với nhau để cầu nguyện cho tất cả các đồng bào nạn nhân, không phân biệt Nam Bắc, chủng tộc, già trẻ, gái trai, cọng sản, chống cọng, v.v... Tác dụng trị liệu sẽ lớn lắm, và sự thực tập này sẽ có ảnh hưởng rất sâu rộng trong việc thống nhất nhân tâm.  Đọc trên trang nhà Làng Mai chúng tôi thấy Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết thư mời các vị Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng Chính phủ và ông Chủ Tịch Quốc Hội tới dự lễ bạch Phật dâng hương tại các Trai Đàn. Tôi rất ấn tượng về hành động này vì đây là một hành động rất xây dựng, bày tỏ rất nhiều thiện chí. Nếu các lãnh đạo nước bỏ qua cơ hội, thì đó là một uổng phí một mất mát lớn. Theo tôi thì nhà nước phải cho phổ biến rộng rãi tin tức về các Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan để toàn thể quốc dân đều biết mà tham dự vào sự thực tập. Tôi nghĩ cấm sử dụng hai chữ giải oan sẽ là một vết đen trong lịch sử ; hành động ấy chứng tỏ những vị ấy không nắm được vững vàng truyền thống văn hóa Việt Nam. Các vị Tôn Túc trong Giáo Hội từ Bắc vào Nam đều thấy rõ như thế, nhưng họ ngại không nói ra đó mà thôi.

- ĐPV: Thượng Tọa có vẻ như một người thông hiểu rất nhiều về đường lối của Làng mai, xin Thượng Tọa cho biết ThượngTọa đã từng đến Làng Mai lần nào chưa"

- TT: Tôi không phải là đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cũng chưa từng theo học với Ngài. Tôi cũng chưa tới Mai thôn. Nhưng tôi đã đọc hết những sách của Thiền Sư. Tôi nghĩ Thiền Sư là người có khả năng nói chuyện với tuổi trẻ và gây cảm hứng cho tuổi trẻ, nhất là tuổi trẻ Phật giáo. Đi thăm Tu Viện Từ Hiếu và Tu Viện Bát Nhã, tôi thấy các đệ tử xuất gia của Thiền Sư phần lớn đều mang theo được cái năng lượng lý tưởng và một phần nào cái tinh thần thực tập của Thiền Sư và điều này làm cho tôi có đức  tin. Một ngày nào đó tôi cũng muốn có cơ hội qua Mai Thôn Đạo Tràng tu học chừng một năm để nắm vững được tất cả những pháp môn bên ấy. Nhưng bây giờ vì có quá nhiều trách vụ, tôi chưa thực hiện được mơ ước ấy.

- ĐPV: Trong chuyến về  nước của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cách đây hai năm, Thượng Tọa có đến tham dự những sinh hoạt của tăng đoàn Làng Mai không" Và Thượng Tọa cảm nhận như thế nào về cách thức tu tập và hoằng pháp của Thiền Sư và tăng thân Làng Mai"

- TT: Tại TPHCM tôi có đi tham dự, ở Huế cũng vậy, nhưng tôi không theo Phái Đoàn Làng Mai đi suốt chuyến được vì có quá nhiều công việc ở đây. Tuy nhiên tôi có theo dõi tất cả mọi hoạt động của phái đoàn và nghe hết những băng giảng của Thiền Sư tại  Hà Nội và Bình Định. Tôi rất nể phong thái của Thiền Sư. Vẫn chiếc áo nâu mộc mạc đi giữa rừng áo vàng của chư tăng Thừa Thiên, các thầy và sư cô ngoại quốc nhìn thấy thương quá, cũng áo nâu, cũng nón lá đi bộ cùng khắp Huế, ít khi sử dụng xe máy... Vài thầy và sư cô Tây phương nói tiếng Việt được, rất dễ thương. Có một thầy người Hà Lan hô canh ngồi thiền buổi sáng rất thiền vị (…)"

Đọc qua diễn giải của Thư Viện Hoa Sen, và về ý kiến của vị thầy trong nứơc, thực tế, việc đi giải oan của Thiền Sư Nhất Hạnh và Tăng Đòan Làng Mai không có gì mới lạ. Vì nếu độc giả tới các chùa đều thấy hàng ngày có nghi thức Mông Sơn Thí Thực, đề hướng công đức về tất cả các cô hồn mà không phân biệt người Bắc hay Nam, người nữ hay nam.

Thêm nữa, không chỉ cô hồn mà còn phải hướng tâm lành tới tất cả các cõi, như phần Hồi Hướng tất cả các nghi thức nhật tụng đều ghi:

Phổ nguyện pháp giới chư chúng sanh

Tốc vãng vô lượng quang Phật sát.

(Xin nguyện cho khắp tất cả các chúng sanh các cõi

Mau chóng vãng sanh vào cõi Phật A Di Đà.)

Do vậy, một nghi thức tôn giáo rất bình thường, nhưng chưa được thực hiện công khai vì hòan cảnh lịch sử sau ba mươi năm cũng là quá chậm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thứ Ba hàng tuần là ngày họp của hội đồng thành phố San Jose và tối ngày 20.11.2007
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.