Hôm nay,  

Tết Về Lại Nhớ Đua Ghe Trên Sông Cà Ty, Phan Thiết

25/01/201000:00:00(Xem: 4987)

Tết Về Lại Nhớ Đua Ghe Trên Sông Cà Ty, Phan Thiết

Mường Giang
Mấy hôm nay trời hình như trở gió, mang một chút lành lạnh từ chốn xa xôi nào đó về thành phố biển Hạ Uy Di, làm cây lá ven đường cũng lao xao khiến người lính già xa quê chợt nao nao gợi nhớ những tết năm xưa ở quê nhà trước ngày 30-4-1975.
Thì ra mùa xuân đã tới tự hôm nào với nổi háo hức của các em học sinh trở lại trường, sau những ngày nghĩ giáng sinh và tết dương lịch, một kỷ niệm mà lâu rồi tôi đã bỏ quên trong tiềm thức mù sương cát bụi. Dường như tháng này ở Phan Thiết quê tôi đang vào đông mùa tết, là khoảng thời gian mùa hoa vông lại nở, làm rực đỏ cả một góc trời trên dòng sông Muờng Mán mà khúc chảy ngang qua thành phố thường được gọi với cái tên thân thuơng Cà Ty.
'Trên Mường Giang nắng đẹp một chiều nào thuyền ai lướt trôi
Lắng không gian theo nhịp chèo êm êm nhạc khúc yêu đời.
Vui lại đây trời nước xanh xanh tình vương thắm lá
Lòng bể khơi khơi ngàn tiếng tơ hòa
Người thương yêu sống thiết tha mặn mà.. ' ' '
(Về Phan Thiết, nhạc và lời Đoàn Thanh 1954)
Nguyễn Thông khi tới tị địa tại Bình Thuận đã dựng Ngọa Du Sào nằm trên đường Trưng Nhị sát bờ sông. Ông viết 'Nơi tôi ở nằm về phía tây nam cầu Thắng bắc ngang sông Phan Giang'. Cầu Thắng còn được gọi là Thắng kiều, hoàn toàn làm bằng gổ kể cả các trụ cầu cũng là các cọc gổ lớn được bắt chéo vào nhau cắm sâu dưới đất. Cầu này về sau được Công Binh Mỹ tân tạo nên cũng gọi là cầu Mỹ, nối liền hai đường Võ Tánh (Đức Nghĩa) và Trần Cao Vân (Phú Trinh). Còn cầu Quan được xây dựng sau cầu Thắng tại địa điểm cầu giữa ngày nay.
Mường Giang phát nguồn từ cao nguyên phía Tây dài 27 km, chảy theo hướng Đông-Nam, quanh năm suốt tháng nước chảy xanh ngắt, như đôi mắt đẹp của những người con gái đất PhanThành. Sông lững lờ xuôi ngược, qua những thôn làng ruộng rẫy, nương dâu và vườn cây ăn trái của các xã Mường Mán, Phú Hội, Phú Lâm, Phan Thiết, trước khi tìm về biển rộng tại cửa Thương Chánh, nhấp nhô sóng vỗ bạc ghềnh.
Đến chơi Bình Thuận xưa nay, khách xa ai cũng mến Lầu Nước, Sông Mướng, Cát Động và những mối tình thơ của người miền biển. Nhìn tấm bản đồ cỗ của Phan Thiết, lập trong giai đọan từ năm 1697 tới 1725 ta thấy có ghi tên sông Cà Ty. Như con người, mỗi giòng sông ở trên cõi đời này đều mang một cái tên, và cũng tuỳ theo chủ của nó, cái tên đẹp, xấu, thô lậu hay hoa mỹ được chào đời.
Và cũng không phải tự dưng mà người Bình Thuận lại chọn Tháp Nước làm một biểu tượng thân thương của tỉnh nha, dù thực chất nó không cao lớn đồ sộ như nhiều công trình kiến trúc khác. Tháp thường được gọi qua các tên khác như Lầu Nước, Château D'eau.. được xây dựng theo kiến trúc Đông Phương, qua dáng vẽ rất là quý phái sang trọng, xa nhìn không khác gì một hoa sen đang chớm nở. Tháp nước soi bóng xuống dòng sông Cà Ty, từ xa có thể nhìn rõ qua mái tháp lợp ngói đỏ au, nổi bật giữa những tàn lá xanh của những hàng vông như những chứng nhân bao đời của lịch sử.
Vào những ngày sắp tết trở trời mang về thành phố cái hơi hám lành lạnh của gió bấc, cũng là lúc đàn chim én từ ngoài biển bay vào làm tổ dưới mái tháp và không ngừng nhảy nhót bay lượn khắp vòm trời Phan Thiết, làm tăng thêm nổi háo hức của mùa xuân sắp trở về.
Nhớ Phan Thiết qua quảng đời niên thiếu của thời học trò, chắc là không ai có thể quên được những cuộc tình hò hẹn trong Vườn Bông lớn nằm bên bờ bắc sông Cà Ty trong chu vi các con đường Nguyễn Hoàng, Hải Thượng Lãn Ông, Phan Tôn và Bà Triệu. Cái đặc điểm nhất trong Vườn Bông Lớn ngoài Lầu Nước còn có những hàng Vông, mà tới nay nhiều nhà nghiên cứu bản địa, cũng chưa đoán được dụng ý gì của những người có trách nhiệm lúc đó khi xây dựng vườn hoa Vông.
'Văn như Siêu-Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.'
Hai câu thơ chữ Hán trên của vua Tự Đức viết để khen tặng bốn danh nhân Văn Học nước nhà lúc đó là Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương. Ông Nguyễn Văn Siêu cũng là người được triều đình nhà Nguyễn chỉ định làm chủ công trình xây dựng Tháp Bút và Đài Nghiên bên bờ hồ Gươm vào năm 1864 để làm biểu tượng tinh thần cho sĩ phu VN lúc đó. Chính ông đã cho trồng 5 gốc Vông quanh Tháp Bút, chắc chắn cũng không ngoài ý nghĩa trên.
Và cũng không biết do một ngẩu hứng nào mà khi xây dựng vườn bông, tháp nước tại Phan Thiết, trong vườn chỉ có độc nhất hoa Vông ". Thực tế thì cây Vông cũng có rất nhiều công dụng như lá dùng gói nem và chế các loại thuốc an thần mất ngủ, hạ huyết áp, trị phong thấp, cam tích.. Riêng gổ Vông ngoài công dụng làm guốc, phao.. còn được dùng để tạc tượng ông Tổ ngành Hát Bội và làm gậy tang (khi mẹ chết). Thân Vông non còn được các nhà vườn làm trụ để các dây tiêu, trầu ký sinh..
Cà Ty là con sông thiêng của quê tôi dùng chỉ khúc sông ở hạ nguồn, chảy qua thành phố Phan Thiết, hiện có ba chiếc cầu xinh xắn bắt ngang nối đôi bờ bến mộng, giống như những cái tên Bạch Hổ, Trường Tiền, Kim Long trên giòng sông Hương nơi đất thần kinh hoa mộng:
'Trăng sáng Mường Giang đẹp biết bao
lăn tăn nước gợn ánh đèn màu
thuyền con lơ lững chèo xuôi mái
buồn lòng cô gái hát nghêu ngao.. ' ' '
Là dân bản địa sinh và lớn lên ở Phan Thiết, thật tình nhiều người không biết phải gọi dòng sông thân thương của quê hương mình bằng một cái tên gì cho hợp lý, bởi vì chính nó đã có quá nhiều tên gọi từ trong sách vở cũng như ngoài đời. Nhưng dù viêt gì chăng nữa thì cũng nhờ có sông Cà Ty chảy qua mà thành phố Phan Thiết đẹp hẳn lên, không khác gì người con gái đất Phan Thành xinh xắn hiền dịu nhờ mái tóc huyền óng ả tuôn chảy che khuất cả bờ lưng.
Ngay từ khi Dinh Bình Thuận được thành lập năm 1697, vối bốn đạo Phan Rang, Phố Hải, Phan Thiết và Ma Ly, thì con sông chảy qua miền đất Hamu Li'Thit được gọi là sông Phan. Đến đời Tự Đức lại gọi là sông Mường Mán hay sông Bao Lân. Từ đó tới nay, cái tên này vẫn được lưu giữ nhưng người Phan Thiết cẩn thận hơn, dùng thêm cái tên xa xưa Cà Ty để chỉ khúc sông phiá hạ nguồn, từ Phú Hội Phú Mỹ ra tới cửa Thương Chánh. Tóm lại dù có gọi dòng sông bằng một cái tên gì chăng nữa, thì tự nó suốt ba trăm năm qua cũng đứng làm nhân chứng cho các giai đoạn thăng trầm thê thiết của lịch sử cũng như những nét kiêu sa thơ mộng của dòng sông đã trao gởi với cuộc đời.
Viết về dòng sông nơi chôn nhau cắt rún, đó đây như còn phảng phất trong sương sớm, chiều tàn, giữa những trưa hè cảnh đời im vắng trên con nước chảy lặng lờ, là hình ảnh cũa những chí sĩ yêu nước Phan Thành như Nguyễn Thông, Trà Quý Bình, Trần thiện Chánh, Trương gia Hội.. đứng lặng lẽ trước Ngọa Du Sào, bên này bờ sông, nhìn núi xa mờ, nhìn mây tan tác, mà thương khóc cho đất nước trong buổi nhục hèn. Cũng trên bến sông buồn trăm năm sau đó, nhà thơ Phạm đình Thừa trước nỗi cát lở sông bồi của một dòng sông, như chính nổi trôi của thân phận đời, đã viết những câu thơ thật buồn :
'chút biển mặn, một thời thơ dại cũ,
là hành trang trên vạn nẽo luân hồi
Để một hôm oan khiên đà say ngủ
tôi với em vượt vùng cát sông bồi'
Người xưa và kẻ nay, những bậc đại trượng phu toan tính sự đời, nuôi dưỡng hùng chí, đều ra tâm sự với dòng sông, với con nước lúc lớn, lúc ròng:
'Mường Giang tiếng gọi sông
người đi nhớ thương dòng
ôm quê vào giấc mộng
thơ sóng dậy biển đông'
(Cát Biển)
Dòng sông xưa, cầu quan mấy nhịp" tất cả đều nguyên vẹn nhưng tất cả cũng thay đổi nảo nề. Trên sông ghe thuyền vẫn tấp nập nhưng tiếng gọi đò không còn. Bến xưa Văn Thánh, nơi cắm sào của những chàng trai Phan Thiết một thời bỏ tình, bỏ hết ra đi vì nước non, nhưng hởi ơi khi chiến tranh tàn chàng trở lại, mới biết tuổi xuân của mình đã hy sinh vô nghĩa vì Pháp ra đi thì Việt Cộng trở lại, cả hai đều bạo ngược tham tàn. Hoá ra chừng nào nước non mới hết giặc, vậy chẳng hy sinh vô nghĩa là gì"


Dòng sông như bí mật của một đời người, ngày xưa người Phan Thiết làm sao biết được những gì có ở thượng nguồn con sông, cùng lắm là ai có dịp đi xe lửa Sài Gòn - Phan Thiết, chạy ngang chiếc cầu sắt bắt vắt vẽo ngang sông, nhìn xuống cầu sâu thăm thẳm để thấy dòng nước trong veo, từ đây sẽ chảy về Phan Thiết thế thôi. Giờ thì bí mật đã bật mí với các con suối thượng nguồn, nào suối Vàng, suối Vận, suối Thi, Yôtô, Cầm Hang, Yau, Ngư.. làm nên các con sông nhỏ Rao-Ét, Mán, Linh.. tất cả kết lại mới nên một dòng sông Cà Ty nơi hạ nguồn thơ mộng, chia đôi bờ Phan Thiết.
Cửa sông giờ rộng mênh mang, bờ này nhìn sang bờ kia chập chờn sương khói vì tất cả những xóm nhà chồ hai bờ bến cũ đã bị đuổi dời, cũng như chính cái xóm nhà lá khao khít lấn chen của khu 6 Cồn Chà Đức Thắng, với hơn 600 hộ cũng không còn. Bên kia sông thuộc Vĩnh Phú, Hưng Long nay là bến kè để thuyền bè đậu, trên đê là đường xe chạy. Bên này sông, nay gọi là bến cá Phan Thiết như quảng cáo trên báo chí.
Nhiều nhà cửa, nhất là các xóm nhà chồ ở Bình Hưng, Hưng Long, Phú Trinh, Đức Nghĩa.. bị giải toả để kè bờ và mở rộng dòng sông cho phù hợp với tình trạng thuyền bè mỗi ngày mỗi nhiều. Một chiếc cầu treo dài 106 m, đã được bắt ngang sông Cà Ty, để thay thế chiếc cầu sắt cũ đầu đường Nguyễn Hoàng. Nói chung là thế, nói gì thì nói, đổi gì thì đổi nhưng còn lâu mới nhận chìm được những nét đặc dị của người Phan Thiết đã có và tồn tại suốt 300 năm qua. Dối trá, mị hoặc, hành động bất nhơn bất nghĩa giờ ai cũng biết, nên tất cả rồi cũng sẽ như đám mây trời bảng lảng, chới với mù sương tận thượng nguồn con sông Mường Mán, mà ta thường bắt gặp một cách tình cờ.
 Đây cũng là bến của nguồn nước uống và có nhiều thuyền câu. Sóng nưóc vẫn lung linh, đôi bờ phố thị nghiêng mình soi bóng cùng dòng sông gợi cảm. Hỡi ôi sông còn đó nhưng những xóm chài, xóm nhà chồ ven sông nay chỉ là một thời nhung nhớ, giống như hình ảnh của những sĩ phu Bình Thuận yêu nước Nguyễn Thông, Trần Thiện Chánh, Trà Quý Bình, Trương Gia Hội.. một thời làm thơ đối nguyệt, luận bàn thế sự, gởi trao gắn bó cùng hồn đất hồn người Phan Thiết, sóng nước Cà Ty, lưu danh thiên cổ, cùng bến sông xưa, cầu quan mấy nhịp.
Nhưng sông Cà Ty ngày nay khác sông xưa nhiều lắm vì dòng sông đã bị thu hẹp lại. Dọc theo hai bờ vẫn còn nhiều ngôi nhà thấp lè tè, mọc trên những võ sò, xà bần, rác, lấn ra giữa dòng nước. Thêm vào đó là những chiếc xáng hút cát ầm ỹ ngày đêm để bán, làm cho con sông càng lúc càng khó coi vì bồi lở thất thường, khiến cho người bản xứ khi chứng kiến thêm nát lòng vì bị xoí mòn bao kỷ niệm đẹp. Cà Ty ngày nay cũng nằm trong tour du lịch, nên muốn hốt bạc, tư bản đỏ của đảng phải làm đẹp dòng sông bằng tiền viện trợ khổng lồ của quỷ Liên Hiệp Quốc, như xây lại ngư cảng Cồn Chà thuộc phường Đức Thắng, công trình kè bờ sông Cà Ty, từ hai phía Cồn Cỏ-Lò Heo chạy ra tới cửa biển và làm cây cầu treo nối liền đường Nguyễn Hoàng và phố Gia Long, trung tâm Phan Thiết.
Ngày xưa các vạn mành đèn Nam Nghỉa, mành chà Thủy Tú, câu khơi Nam Hải, câu thúng Đức Long, rớ Phú Trinh vào các dịp cúng Ông hay có Ông lụy, thường tổ chức các cuộc đua ghe trên sông Cà Ty. Tuy nhiên nhộn nhịp và hào hứng nhất vẫn là cuộc đua ghe vào dịp Tết Nguyên Đán. Và môi lần có đua ghe, những bạn nghề trong hội Nam Nghĩa lại ngậm ngùi thương tiếc bà Chút là một mạnh thường quân, đã tận tình giúp đỡ và bảo trợ hội nhà, khiến cho thời đó, hội ghe Nam Nghĩa luôn giật giải nhất trong nhiều năm liền.
Đua ghe là môt nghệ thuật, chẳng những phải luyện tập thường xuyên mà còn phải có một chiếc ghe đua tốt mới mong giật giải. Theo kinh nghiệm, thì ghe đua phải dùng gỗ bằng lăng nhẹ dẻo để đóng với mũi nhọn, thân dài, lái thon, sao cho giống như một con thoi trên khung cửi, mới có thể vượt được gió ngược, nước chảy. Ngoài ra những vật dụng để chèo chống như dầm phách, dầm ngang, dầm xẹo, chèo dọc, cũng phải dùng gỗ bằng lăng để đẽo mới không bị nhót hay vênh. Đặc biệt nhất là cây chèo dọc, phải được trau chuốt bằng loại gỗ bìa, là thứ gỗ có độ dẻo rất đáng kể, chịu được sức uốn mạnh. Mắt thuyền là mắt phượng, có đuôi dài, con ngươi tròn viền trắng, tạo cho con thuyền đua một vẽ đẹp hùng tráng mạnh mẽ.
Đua ghe tại Bình Thuận, Phan Thiết được manh nha từ hình thức chèo Bá Trạo cúng đưa Ông. Rồi thời gian từ hình thức chèo hát tượng trưng, tiến đến đội đua ghe của từng Dinh, Vạn bao gồm các tay trạo thiện nghệ, cường tráng và có đầy đủ kinh nghiệm của ngư phủ dầy dạn sóng gió, từ người chèo dọc chỉ huy, cho tới các trạo bơi dầm, tạo nên một sức mạnh vô địch trong khi đua. Bước vào cuộc, các ghe đua sắp hàng ngang tại lằn ranh xuất phát và khởi hành theo pháo lệnh. Hai bên bờ dồn dập tiếng trống lân, lẫn với tiếng người hò reo dậy trời cổ võ, trong cảnh cờ xí rợp trời. Trên làn nước xanh sóng cuộn tuôn bờ, các tay trạo hò reo giành nhau từng kẽ hở để mong đem lại chiến thắng vẻ vang cho hội nhà.
Từ sau tháng 5-1975 đua ghe tại Phan Thiết được mở rộng, không còn thu hẹp trong ý nghĩa chèo đua để mừng Ông Nam Hải qua các cuộc tế lễ hay mừng ngày tết Nguyên Đán, mà là một cuộc thi đua thể thao, giữa các làng xã ven biển, từ Tuy Phong vào tới La Gi, Hàm Tân và ra tận đảo Phú Quý. Nhưng cũng vì thi đua quá trớn để đạt chỉ tiêu nên các cuộc đua ghe sau này luôn luôn xảy ra cố sự. Ngay khi vào cuộc theo tiếng trống dồn dập, các trạo dầm đã hối hả cực lực hò khoan để đưa chiếc ghe lướt sóng giật giải. Nhưng đằng sau bức tranh đẹp của miền biển mặn, là cả một sự hiểm nguy chết người, dành cho những nghệ nhân trên ghe đua, được gây ra bởi những tên 'gà nhà' của các đội.
Sinh trưởng và có mặt khắp các nẻo đường Bình Thuận từ mấy chục năm qua, nên tụ nhiên thấy náo nức khi đối diện với quê hương mình. Hạ Uy Di cũng là vùng biển mặn, khiến cho người xóm biển cứ bâng quơ tìm về đất trời quê củ. Rồi cũng bắt đầu từ đó, qua nổi vui của một kẻ tha hương, bổng cảm thấy thật ấm áp với mùi biển muối mặn mòi, làm như mình có nợ với Phan Thiết, nên cứ nhớ, viết và lâng lâng đi lạc trong mảnh vườn ấu thơ, kỷ niệm của một thời.
Trong mùi hương của cảm nhận, người tha phương lại dừng chân trước khoảnh khắc của thời gian, vào những lúc bình minh, ban trưa, hoàng hôn và đêm tối, rồi theo âm vang của sóng biển, những cánh chim lưng trời hát vang khi bay về núi, mà nhớ. Quê tôi là thế đó, nên yêu tha thiết, từ cái mùi nước mắm mằn mặn thơm thơm, cho tới những âm thanh bất tận của sóng biển, hình bóng thân quen của những tàu thuyền đánh cá, con đò ngang lắt lẻo trên sông, các phiên chợ tỉnh hay quê đều đầy ắp tiếng người, hàng dừa xanh gió lộng, đồi cát trắng im lìm, tiếng chào hỏi trên đường, vó câu của những xe ngựa và nổi ngậm ngùi của bóng đèn chài trong màn sương khói, bảng lảng lúc ra khơi.
Cũng trên cái nền xưa tháp cũ này, qua lớp vôi tường của dân tộc, khiến ta phải náo nức trước cái màu xanh bất chợt của đất trời rực nắng thơm hương, đã trải dài qua những con đường quê, mà lặng lẽ xúc động. Tất cả làm nhớ một thời chinh chiến cũ, bước chân lính giẫm mòn núi rừng sông biển quê hương, rồi hôm nay phải chạm mặt với Phan Thiết đang say tỉnh trong vùng giặc chiếm, qua lớp sơn yên ả thanh bình. Tháp nước cứ sừng sững giữa trời ẩm ướt, làm cho kẻ xa nhà mỗi lần nhớ quê lại khóc. Phố biển muôn đời hò hẹn với dòng sông Cà Ty hiền hòa, mơ mộng lúc ngồi thuyền xuôi nước, có thể ngửi được cái hương vị bánh căn truyền thống của Phan Thành, để khách nghe được tiếng lòng xao động.
'Vậy mà cũng đã bao năm,
cùng nhau khóc chuyện, thế nhân đổi dời
Anh làm Cát Biển trùng khơi
Tôi dòng sông nhỏ, một đời mênh mông
ngẩn trông mây nổi bềnh bồng
đường quê, nhớ buổi qua sông đợi đò
thuở nào xây mộng trăng mơ
bây giờ cô quạnh, đôi bờ hoang liêu
nổi xưa tóc bạc thêm nhiều
mà người muôn dặm, chim chiều vẫn bay
năm nào quán khách vào đây
chuyện trò, thơ nhạc, ngất ngây miên trường
đêm cùng đêm khóc quê hương
gỏ bờ ly, hát khúc tương tư sầu
nay Anh trôi giạt về đâu "
để cho triều nước hằn sâu cát buồn
bâng khuâng đếm giọt mưa tuôn
mưa trên gác xếp tưởng chân ai về
thôi về nối lại đam mê
để còn đeo đẳng trăm bề vấn vương
Đạm Tiên nấm đất bên đường
Mường Giang-Cát Biển, ngàn phương sẳn dành..
Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Đầu Giêng 2010
Mường Giang

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mấy tuần lễ này, giữa cái vui tưng bừng của Lễ Giáng Sinh, của ngày đầu năm mới 2008, và cũng là những ngày rạo rực đón Tết Con Chuột
Thực tế, nếu chỉ nói hay viết về một chương trình ca vũ nhạc kịch với những giọng ca điêu luyện hay các điệu vũ quyến rũ, và ngay cả màn thoại kịch
Trong những ngày lưu  lạc tha hương, hai tiếng “Quê hương” như một nhắc nhở đêm ngày, những hình ảnh thân thương
Câu hỏi thời thượng trong mùa bầu cử tổng thống hiện nay là: Hillary Clinton (Dân chủ, New York) hay Barack Obama (Dân chủ, Illinois)"
Chúng tôi nhận được bài viết này do một nhân vật ở Hà Nội gửi. Chính ông cho biết mỉnh là một giáo sư tiến sĩ đang giảng dậy tại một Đại học ở Hà Nội
Những dịp chuyển sang một năm mới, một thế kỷ mới, một ngàn năm mới, con mắt mỗi người tự nhiên mở rộng tầm nhìn
Hoa mai là loại hoa nở đầu tiên trong mùa Xuân. Nói đến mùa Xuân người ta liên nghỉ đến hoa mai
Khoảng 80 Tăng Ni Cư Sĩ đã họp Đaị Hội Bất Thường tại Quận Cam các ngaỳ cuối tuần qua
Mạng ''Chứng nhân lịch sử'' vừa treo giải ''Lưỡi Vàng'' cho những câu nói hay nhất trong năm con Lợn - Đinh Hợi. Phải là những câu nói xuất sắc
Năm 1991, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm, rất nhẹ. Nhưng dư luận nước Mỹ lúc đó đều nghe thấy những hồi chuông báo tử
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.