Hôm nay,  

Thượng Viện Và Cải Tổ Y Tế

29/12/200900:00:00(Xem: 8094)

Thượng Viện Và Cải Tổ Y Tế

Vũ Linh

...các chính trị gia đều có giá, chỉ cần trả đúng giá là có thể mua được...
Cuối cùng thì Thượng Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết thông qua dự luật cải tổ y tế. Một cách khá hấp tấp để các thượng nghị sĩ kịp về nhà ăn Giáng Sinh và Tết tây với gia đình. Với đúng 60 phiếu của khối Dân Chủ và không một phiếu nào của khối Cộng Hòa.
Một lần nữa, TT Obama có dịp vui mừng vì chương trình cải tổ y tế quy mô của ông tiến lên thêm được một bước quan trọng. Ông hy vọng sau mấy ngày lễ, thượng viện sẽ tái nhóm với hạ viện và hai bên sẽ thỏa thuận một dự luật chung quyết để ông kịp ký trước ngày ông ra đọc diễn văn trước quốc hội để báo cáo tình trạng liên bang - State of the Union - cuối tháng Giêng năm tới.
Với khối Dân Chủ kiểm soát đa số tuyệt đối tại cả hai viện, có nhiều hy vọng kế hoạch cải tổ y tế sẽ được thông qua như dự định.
Khối truyền thông và cử tri ủng hộ TT Obama cũng vui mừng vì sắp được thấy một biến cố mà họ cho là “lịch sử”.
Thật ra, cải tổ y tế nếu đúng theo kế hoạch TT Obama đưa ra hồi tháng Sáu thì quả là có tính lịch sử, nhưng nhìn vào kế hoạch vừa được thượng viện thông qua, cũng như nhu cầu tiếp tục điều chỉnh với dự luật của hạ viện, thì luật cải tổ y tế dường như đã mất phần lớn tính “lịch sử”, ngoại trừ chi phí cao tới mức “lịch sử”.
Kế hoạch của TT Obama đưa ra có tính “lịch sử” vì ba mục tiêu chính:
- Cung cấp bảo hiểm cho toàn dân Mỹ;
- Thành lập một hình thức bảo hiểm công, cạnh tranh với các hãng bảo hiểm tư, để ép các hãng này giảm chi phí bảo hiểm;
- Giúp giảm chi phí y tế toàn diện cho dân Mỹ.
Nếu nhìn vào ba mục tiêu trên thì chắc chắn không ai có thể chê bai hay chống đối kế hoạch cải tổ của TT Obama. Cả ba yếu tố đều hợp tình, hợp lý, lại còn mang nặng tính nhân đạo. Do đó những người ủng hộ TT Obama thường đề cao tối đa ba mục tiêu đó và không ngần ngại bôi bác những người không đồng ý là “vô nhân”. Nhưng họ phớt lờ những lý luận khác biệt và bỏ qua những yếu tố tiêu cực của cải tổ.
Trước hết, ta hãy thử nhìn vào ba mục tiêu chính nêu trên để xem thượng viện đã đi được bao nhiêu xa.
Theo những phân tích của truyền thông, hiện nay có khoảng 15% dân Mỹ không có bảo hiểm. Với kế hoạch của thượng viện, con số này sẽ giảm xuống còn khoảng 6%. Nói cách khác, chế độ bảo hiểm toàn dân vẫn chưa thực hiện được mặc dù có tiến bộ vì số người không có bảo hiểm giảm được 9% - từ 15% xuống 6% - hay khoảng 20 triệu dân Mỹ cũng vẫn chưa có bảo hiểm, không kể hơn một chục triệu thường trú nhân bất hợp pháp. 
Dự luật của thượng viện cũng bỏ hẳn kế hoạch thành lập một hình thức bảo hiểm công để cạnh tranh với các hãng bảo hiểm tư. Đây là hàng rào cản quan trọng nhất vì khối bảo thủ trong đảng lo sợ hình thức bảo hiểm công sẽ giết chết bảo hiểm tư và chỉ là bước đầu đi đến “xã hội hoá” hệ thống y tế Mỹ. Việc hủy bỏ hình thức bảo hiểm công là một nhân nhượng quan trọng của khối cấp tiến trước sự chống đối của phe Cộng Hòa cũng như của khối bảo thủ ngay trong đảng Dân Chủ.
Việc giảm chi phí y tế thì hiện nay không ai có được câu trả lời rõ rệt và chắc chắn. Một phúc trình của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội CBO ước tính một phần năm các bệnh viện nhận Medicare sẽ bị lỗ vốn và có thể không nhận Medicare nữa. Nếu lượng định này đúng thì chi phí y tế chỉ có thể tăng mà không thể giảm. Theo thăm dò dư luận, chỉ có 16% dân Mỹ tin là chi phí y tế sẽ giảm nhờ cải tổ y tế.
Trong ba mục tiêu chính, ta thấy rõ mục tiêu đầu đã được thực hiện một phần khá lớn, đưa đến kết quả tương đối khả quan là thêm khoảng 9% dân Mỹ sẽ được bảo hiểm y tế. Mục tiêu thứ hai không đạt được vì hình thức bảo hiểm công đã biến mất, và mục tiêu thứ ba thì còn là câu hỏi to lớn vì ít ra trong năm năm nữa ta mới biết được chi phí y tế giảm hay tăng.
Người ta không thể không cảm thấy có cái gì đó không ổn. Một kế hoạch được rao bán rầm rộ suốt nửa năm trời như là một cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong gần nửa thế kỷ nay, trải qua những cuộc cãi vã ồn ào từ trong quốc hội ra đến dân gian, qua truyền thông và qua các cuộc tranh luận đủ cấp từ tỉnh đến tiểu bang đến liên bang, mà kết quả thực tế là chỉ cung cấp bảo hiểm thêm cho chưa tới 10% dân Mỹ. Con voi đẻ ra trứng gà"
Cái trứng gà này cũng rất là đắt giá.
Theo thủ tục đầu phiếu, phải cần 60 phiếu của thượng viện mới thông qua được dự luật. Hiện nay, phe Dân Chủ có 58 phiếu, và hai phiếu tuy mang tiếng độc lập, nhưng thiên về phe Dân Chủ. Do đó, muốn dự luật được thông qua, phe cấp tiến cần có đầy đủ số phiếu của tất cả khối Dân Chủ và độc lập, không thể mất phiếu nào, vì phe Cộng Hòa đã nhất trí chống lại.
Thượng viện cho đến nay đã thông qua được dự luật vì kiếm được đủ đúng con số 60, không thiếu mà cũng không thêm được một phiếu nào.


Việc kiếm được đủ con số mầu nhiệm này đã đưa ra mặt trái của tính dân chủ của thể chế chính trị Mỹ: tất cả chỉ là một cuộc trả giá như trong chợ cá, và tất cả các chính trị gia đều có giá, chỉ cần trả đúng giá là có thể mua được. Truyền thông tiết lộ rằng Chủ Tịch Thượng Viện Harry Reid phải đi đêm với hai thượng nghị sĩ của Louisiana và Nebraska để “mua” phiếu của hai vị này với giá trên 100 triệu đô cho mỗi người, chu cấp cho mỗi tiểu bang qua một vài chương trình được “đi chui” vào dự luật cải tổ. Ít nhất là năm thượng nghị sĩ khác đã thay đổi ý kiến sau khi điều đình với Chủ Tịch thượng viện.
Điều này gây chấn động lớn. Thứ nhất trong khối cử tri của hai tiểu bang bất mãn vì họ thấy hai vị dân cử của mình có vẻ lập trường lỏng lẻo, bị đồng tiền mua chuộc. Thứ nhì trong khối các thượng nghị sĩ Dân Chủ khác thấy mình bị hớ, đã ủng hộ dự luật mà không đòi hỏi quà bánh gì. Và thứ ba trong khối Cộng Hòa khi thấy những trò mua phiếu công khai lộ liễu của khối Dân Chủ.
***
Quyết định của thượng viện là bước tiến quan trọng, nhưng chưa phải là cuối cùng. Thượng viện vẫn còn cần thương lượng với hạ viện để có thể đưa ra một dự luật chung kết cho cả hai viện biểu quyết.
Đây cũng là một bước gay go.
Giữa hai dự luật của thượng viện và hạ viện, có nhiều khác biệt lớn cần phải được đả thông, quan trọng nhất là:
- Hình thức bảo hiểm công: thượng viện đã phải loại bỏ điều này, trong khi hạ viện vẫn còn giữ; làm sao dung hợp bây giờ"
- Tài trợ phá thai: hạ viện ngăn cấm trong khi thượng viện lại cho phép, dưới hình thức cá nhân mua thêm bảo hiểm phá thai riêng rẽ, và phải ký hai chi phiếu riêng mỗi tháng, một để mua bảo hiểm thường và một để mua bảo hiểm phá thai;
- Kinh phí của kế hoạch rất lớn trong cả hai dự luật, tuy xê xích chút ít, nhưng xấp xỉ trên dưới một ngàn tỷ trong mười năm tới; hạ viện chủ trương đánh thuế “nhà giàu” trong khi thượng viện đòi đánh phụ phí trên các chương trình bảo hiểm đắt tiền -gọi là Cadillac plan. Điều khúc mắc là phần lớn các chương trình bảo hiểm của các công đoàn tranh đấu được đều nằm trong loại chương trình đắt giá này. Cả hai dự luật đều dự trù cắt giảm khoảng 500 triệu tiền Medicare và Medicaid.
Cả ba khác biệt này đều có thể đánh bại kế hoạch cải tổ nếu không có được sự thỏa thuận của cả hai viện.
Trong hạ viện, nhiều dân biểu đã công khai bày tỏ bất mãn trước kế hoạch hủy bỏ bảo hiểm công mà họ coi như yếu tố then chốt của cải tổ. Ngược lại, cũng có một khối 41 dân biểu bảo thủ coi vấn đề chống phá thai là then chốt (trong đó có dân biểu gốc Việt Cao Quang Ánh) và cho rằng giải pháp ký hai chi phiếu chỉ là xảo thuật kế toán trong khi sự thật là Nhà ước sẽ trả tiền phá thai. Chương trình bảo hiểm gọi là Cadillac plan được coi là quyền lợi quan trọng của các công đoàn, mà việc đánh phụ phí sẽ tạo chống đối mạnh trong các dân biểu thân các khối công đoàn. Việc cắt giảm Medicare và Medicaid đụng chạm đến quyền lợi của hai khối cử tri người già và người nghèo sẽ khiến cho nhiều vị dân cử phải tính toán lại.
Điều khó khăn lớn dĩ nhiên là vấn đề số phiếu.
Tại thượng viện, đã có đúng 60 phiếu không hơn không kém thông qua dự luật. Tại hạ viện, dự luật được thông qua bởi một đa số đúng 5 phiếu (220-215). Nói cách khác, nếu những điều chỉnh do hai viện thương lượng với nhau gây bất mãn cho MỘT thượng nghị sĩ Dân Chủ hay BA dân biểu Dân Chủ thôi, thì cải tổ y tế sẽ gặp bế tắc ngay. Và đây là điều rất có thể xẩy ra khi ta nhìn vào hậu thuẫn của dân chúng Mỹ đối với kế hoạch cải tổ.
Theo các thăm dò dư luận, khi mới được tung ra thì kế hoạch được sự tích cực hậu thuẫn của hơn hai phần ba dân Mỹ. Nhưng qua các tranh luận trong suốt sáu tháng qua, người dân đã ngày một thấy rõ hơn những vấn đề của cải tổ y tế sẽ tạo ra: thứ nhất là một thâm thủng ngân sách vĩ đại bất chấp những xác định ngược lại của TT Obama; thứ hai là lợi điểm của chương trình cải tổ không đáng kể (tăng bảo hiểm y tế cho chưa tới một phần mười dân Mỹ, hay là khoảng ba chục triệu người); thứ ba là trong khi tác hại có thể rất lớn (cắt nửa tỷ Medicare và Medicaid một năm).
Những thăm dò dư luận mới nhất cho thấy chỉ còn dưới một phần ba dân Mỹ (32%) hiện nay ủng hộ cải tổ y tế mà thôi.
Nếu ta nhớ lại 33 thượng nghị sĩ và tất cả 435 dân biểu đều phải ra tranh cử lại vào cuối năm 2010, thì không ngạc nhiên nếu có vài vị dân cử coi nặng các thăm dò dư luận trên và thay đổi ý kiến để bảo đảm cái ghế của mình. Chưa chi đã thấy một dân biểu Dân Chủ của Alabama đã bỏ đảng Dân Chủ để nhẩy qua Cộng Hoà!.
Nếu TT Obama không lật ngược được sự bất mãn của dân chúng, thì tỷ lệ thiểu số một phần ba dân chúng ủng hộ cải tổ sẽ có thể ngăn cản việc thông qua dự luật cải tổ trong ngắn hạn, hoặc xa hơn nữa, trả lại đa số tại quốc hội cho khối bảo thủ vào năm tới 2010 để họ biểu quyết hủy bỏ hay thay đổi đạo luật.
Cuộc “chiến” cải tổ y tế vẫn tiếp diễn. Chúng ta sẽ còn có dịp thấy nhiều đổi chác, mua bán phiếu, và thay đổi trong quốc hội trước và sau khi một dự luật chung được lưỡng viện biểu quyết, có thể trong tháng Giêng năm tới. (27-12-09)
(Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
19/07/2007. Em hy vọng tất cả mọi người hãy nhớ lấy hôm nay mà kể từ đây em sẽ gọi là NGÀY DÂN HẬN. Và cũng xin thưa với tất cả các Đảng viên Cộng sản
Hai Tổng thống Bush và Musharraf đang ngờ, đang chờ, đang nhờ nhau" Sau khi một số Nghị sĩ Cộng Hoà bày tỏ sự hoài nghi về chiến lược Iraq
Sau 28 ngày màn trời chiếu đất, đói khát, bệnh hoạn, những người dân cùng khổ rủ nhau lên trước tòa nhà gọi là Quốc Hội của thành phố mang tên Hồ Chí Minh
Vừa nghe thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam: Trong đợt thi vào lớp 10 ở TP. HCM mới đây, có tới 13.000 học sinh (mười ba ngàn) đạt kết quả điểm thì cao
Dường như đảng Cộng sản Việt Nam không biết chán khi nói đi nói lại các vấn đề : Tư tưởng đảng viên đã mòn; Nội bộ Đảng đã ruỗng; Cán bộ thích làm quan
Sau 26 ngày dầm mưa dãi nắng, chịu đựng đói khát lên khiếu kiện mất nhà mất đất ở
Quốc hội Châu Âu ra Quyết Nghị định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam và tố cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo...
Ngày hôm qua 18, Tổng thống Bush đã tránh được một viên đạn giấy từ Thượng viện phóng ra khi viện trên của Quốc hội Mỹ vẫn không hội đủ
Cho tới 11 giờ đêm Thứ Hai 17-7, khoảng 300 công an CSVN sắc phục, vũ trang vẫn đang bủa vây đoàn dân oan biểu tình tại Saigon.
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam tới nay, lúc nào đảng Cộng Sản cũng nói tới chuyện ‘ cách mạng, giải phóng ‘, khiến cho ai đã nghe rồi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.