Hôm nay,  

Nhân Dịp Khai Mạc Các Lớp Diễn Xuất Đầu Tiên Trong Cộng Đồng:vấn Đề Sự Thật Trong Diễn Xuất Kịch Ảnh Hiện Đại

14/11/200900:00:00(Xem: 6889)

Nhân Dịp Khai Mạc Các Lớp Diễn Xuất Đầu Tiên Trong Cộng Đồng:Vấn Đề Sự Thật Trong Diễn Xuất Kịch Ảnh Hiện Đại

Lê Kim Đính
Người Việt đã có một truyền thống lâu dài về diễn xuất từ mấy ngàn năm nay qua các tuồng hát Chèo, hát Bội, tuồng cổ, tuồng cải lương vân vân. Những vở tuồng này thường lấy ở trong các điển tích lịch sử, kể cả lịch sử Trung Quốc, hoặc trong các câu chuyện dân gian đã được truyền tụng từ đời này qua đời khác.
Một đặc điểm của những tuồng hát này là lối diễn xuất bằng "ký hiệu" hay những "ước lệ" đã được định sẵn giữa diễn viên và khán giả. Những "ký hiệu" hay những "ước lệ" này - chẳng hạn như cách múa cây côn, cách vị nguyên soái đi diễu một vòng trên sân khấu, hoặc cách một tiểu thư nâng cây quạt lên để che mặt vân vân -- được biểu hiện qua cách dùng ngôn ngữ, dáng điệu, cử chỉ, y phục đặc biệt, kể cả lối dùng mặt nạ hoặc cách tô son, điểm phấn theo những quy ước gần như bắt di, bất dịch, hoặc thay đổi rất ít qua các thời đại để truyền đạt những cảm xúc nhất định hay để diễn tả các tình tiết của vở tuồng cho khán giả thưởng thức. Tuồng cổ của Trung Quốc và của Nhật bản - chẳng hạn như tuồng "Nô" - cũng có những đặc điểm tương tự.
Các diễn viên trong các vở tuồng này cũng không qua một lớp huấn luyện nào. Thường thường các diễn viên  - gọi là "đào hát" hay "kép hát" - xuất thân chỉ là những người giúp việc vặt trong các gánh hát, sau này được tuyển chọn để đóng những vai phụ và nếu xét thấy "có tài" thì dần dần được cất nhắc lên cho đóng những vai quan trọng hơn và có thể trở nên những "đào chính" hay "kép chính". Đó là phương pháp "học nghề" phổ biến trong xã hội cổ xưa.
Trường hợp các tuồng Chèo -- thường được diễn trong một góc sân đình nhân những dịp hội hè cho dân quê ngày xưa - diễn viên vì phải thường xuyên đi lưu diễn nên chỉ được "trang bị" rất sơ sài: trang phục bình thường, con chiến mã lắm khi chỉ được tượng trưng bằng một cây gậy kẽp giữa hai vế đùi - mặc dầu vậy người diễn tuồng vẫn kích thích được trí tưởng tượng của khán giả khiến nhiều người mê mải thức đến khuya để xem Chèo mà không biết chán!
Các tuồng hát nói trên và lối diễn xuất đặc biệt của nó vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Nhưng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, các tuồng hát này đã bắt đầu dần dần phải nhường chỗ cho những vở kịch chịu ảnh hưởng của Tây phương và tiếp đó - với sự xuất hiện của những kỹ thuật mới -- là giai đoạn cực thịnh của phim ảnh được trình chiếu cho quần chúng trong các rạp hát hoặc trên các "màn ảnh nhỏ" của máy vô tuyến truyền hình ngày nay.
Thời gian qua, người Việt chúng ta đã có nhiều nhà viết kịch và cũng đã có nhiều vở kịch xuất sắc, từ Vi Huyền Đắc đến Vũ Khắc Khoan đến Trần Lê Nguyễn (không kể những kịch bản dịch lại hoặc phỏng theo những kịch bản nổi tiếng của Tây phương hay của Trung Quốc). Chúng ta cũng đã đi vào ngành điện ảnh với nhiều bộ phim do người Việt thực hiện. Khởi thủy là những cuốn phim làm từ khoảng cách đây cả hơn nửa thế kỷ, hình ảnh và âm thanh lúc mờ, lúc tỏ, các tài tử thường xuất thân từ các vai đào kép cải lương, với những điệu bộ và cách ăn nói cũng "cải lương" không kém.
Việc tuyển lựa tài tử cũng rất đơn giản: muốn trở thành diễn viên, nhất là muốn "đóng phim" chỉ cần có sắc đẹp, nghĩa là chỉ cần bảnh trai hay bảnh gái. Nếu đã có được điều kiện này thì chỉ cần dượt qua một vài lần là đóng phim hay đóng kịch được rồi. Sau đó, nghề dạy nghề, các diễn viên tài tử này sẽ trở thành chuyên nghiệp.
NHU CẦU "HIỆN THỰC TÂM LÝ" (THEATRICAL REALISM)
Gần đây có nhiều cuốn phim do người Việt thực hiện đã được các nhà phê bình điện ảnh nhiệt liệt ca ngợi. Mặc dầu vậy, đối với người Việt chúng ta, nghĩa là những người hiểu được ngôn ngữ Việt, thì ai cũng nhận thấy là - ngoại trừ một số nhỏ -- phần nhiều các diễn viên của chúng ta - nhất là các diễn viên màn ảnh - cho đến nay thường vẫn có lối đóng cứng nhắc, biểu lộ cảm xúc một cách máy móc, không lôi cuốn được khán giả. Câu phê bình thường là: các diễn viên này dóng phim mà như là "đóng kịch." Nhưng nói như vậy cũng không công bằng. Vì đóng kịch cũng không được cứng nhắc, và không thể "đọc" vai của mình như học sinh đọc bài.
Đem so với lối diễn xuất của các tài tử trên sân khấu Tây phương - và nhất là trong các phim Mỹ - thì chúng ta thấy rõ là một trời, một vực: Một đằng "đóng phim như thật", một đằng thì "vẫn cười, vẫn khóc," nhưng vẫn không dấu được vẻ giả tạo, vẫn "không thật."
Đó là vì chúng ta chưa nắm vững được tầm quan trọng của nhu cầu "Hiện Thực Tâm Lý"ù (psychological realism) hay "hiệïn thực sân khấu" (theatrical realism), hoặc nói một cách giản dị là vấn đề Sự Thật (truth, vérité, verismo) chưa được chú trọng đúng mức trong nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu và trên màn bạc hiện nay.
Đây là một quan niệm diễn xuất đã được nghiên cứu phân tách kỹ lưỡng từ lâu và đã được liên tục cải tiến làm đảo lộn tất cả những lề lối diễn xuất từ trước đến nay. Nghệ thuật diễn xuất mới này được đem ra thực hành và phổ biến mạnh mẽ nhất ở Hoa Kỳ. Nhờ vậy Hoa Kỳ đã làm bá chủ thế giới từ gần một thế kỷ nay về bộ môn diễn xuất, nhất là diễn xuất điện ảnh. Và chính vì vậy mà Hollywood trở nên thủ đô điện ảnh toàn cầu và Broadway được coi là trung tâm kịch nghệ thế giới.
Thế nhưng thủy tổ của nghệ thuật diễn xuất hiện đại này lại là một người Nga. Đó là ông Constantin Stanislavski, xuất thân từ một gia đình quý tộc ở bên Nga từ hồi mệnh danh là "tiền Cách Mạng." Các bậc thầy về ngành diễn xuất ở Hoa Kỳ - như Lee Strasberg, Stella Adler, Elia Kazan, Harold Clurman, Robert Lewis, Sanford Meisner, và Uta Hagen - sau này mặc dầu chia ra làm nhiều "môn phái" với những quan niệm diễn xuất có phần nào dị biệt nhưng tất cả đều là những môn đệ của Stanislavski.
Hầu hết các tài tử nổi danh nhất nước Mỹ (và nhất thế giới) - từ những tài tử thuộc thế hệ trước như James Dean, Marlon Brando, Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor, Paul Newman... cho đến những tài tử đang nổi tiếng hiện thời như Al Pacino, Martin Sheen, Jack Nicholson, Martin Landau, Warren Beatty, Harvey Keitel vân vân -- cũng đều xuất thân từ những "lò đào tạo" dựa theo phương pháp của Stanislavski, nổi tiếng nhất là "lò" "Actors Studio" do các môn đệ của Stanislavski lập ra ở New York vào năm 1947.
TỪ BAN KỊCH NGHỆ THUẬT MẠC TƯ KHOA ĐẾN "ACTORS STUDIO"
Constantin Stanislavski (1863 - 1938) -- tên thật là Konstantin Sergeyevich Alexeiev, Stanislavski là tên hiệu - xuất thân trong một gia đình giầu có ở bên Nga. Thân phụ ông được bầu làm chủ tịch các nhà buôn lớn ở Mạc Tư Khoa, một chức vụ rất có uy tín thời đó. Ôâng Stanislavski từ năm lên 4 tuổi đã mê xem hát kịch và đóng kịch.Thời gian này các nghệ sĩ sân khấu Nga còn bị coi rẻ như một giai cấp bần cùng trong xã hội. Mặc dầu vậy, ông vẫn được gia đình ủng hộ và giúp đỡ để theo đuổi ý nguyện của mình. Đầu tiên là ông được gia đình cho phương tiện để lập ra một rạp hát ngay trong khu nhà nghỉ mát của gia đình ở Liubimovka. Kế đó, ông lại được gia đình giúp để lập ra một rạp hát thứ hai ngay trong khu biệt thự của gia đình ở thủ đô Mạc Tư Khoa (hay Mát-cơ-va).
Đồng thời với công việc diễn xuất và dàn dựng các vở kịch, ông luôn luôn chăm chỉ ghi chép những nhận xét và cảm nghĩ của ông về vấn đề diễn xuất. Những ghi nhận này về sau được đúc kết  thành sách để truyền lại cho những thế hệ sau các bí quyết về diễn xuất gọi là "Hệ Thống Stanislavski" ("Stanislavski System") và "Phương Pháp Stanislavski" hay nói gọn là "Phương Pháp" ("Method Acting" hay "The Method"). Đó là những điều chúng ta sẽ nói thêm ở đoạn sau.
Năm 25 tuổi, Stanislavski đã nổi tiếng là một diễn viên tài tử xuất sắc. Năm 1888 ông lập ra Hội Văn Hóa Nghệ Thuật ("Society of Art and Literature") để giảng dạy về mọi ngành ca, nhạc, kịch, kể cả kịch hát cổ điển opera. 
Những năm cuối cùng của thế kỷ thứ 19 là một thời kỳ văn nghệ cực kỳ sôi động và hào hứng ở Nga cũng như ở khắp Âu châu. Leo Tolstoy đưa ra một quan niệm nghệ thuật mới trong cuốn "Nghệ Thuật Là Gì"" ("What Is Art"") xuất bản năm 1898. Quan niệm về "hiện thực tâm lý" ("psychological realism") được Alexander Pushkin xướng xuất từ mấy chục năm trước cũng bắt đầu có ảnh hưởng lan rộng.
Trong không khí này, Ban Kịch Nghệ Thuật Mạc Tư Khoa ("Moscow Art Theatre") được thành lập năm 1898 để phổ biến các tác phẩm kịch nghệ nổi tiếng - như các vở kịch nặng về tâm lý của Anton Chekhov - và nhất là để biểu diễn những kỹ thuật diễn xuất mới do Stanislavski nghiên cứu và sáng tạo ra. Trong thời gian xẩy ra cuộc chiến tranh Nhật Nga, Ban Kịch Mạc Tư Khoa của Stanislavski đi biểu diễn ở các nước Đông Âu và Đức đã được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh và được các nhà phê bình ca ngợi và tán dương là "các thiên thần kịch nghệ Nga Sô."
Ban Kịch Nghệ Thuật Mạc Tư Khoa chỉ có một dịp độc nhất được đi lưu diễn ở Hoa Kỳ vào thời gian 1922 - 23. Mặc dầu diễn bằng tiếng Nga nhưng ban kịch vẫn thu hút được khán giả nô nức đi xem và nhất là đã làm say mê các diễn viên trẻ của Mỹ vào thời gian đó. Hai môn đệ của Stanislavski và cũng là 2 diễn viên trong ban kịch là Richard (hay Ryszard) Bolesvsky và Maria Ouspenskaya quyết định ở lại Mỹ sau chuyến lưu diễn. Hai nhân vật người Nga này là 2 người đầu tiên phổ biến nghệ thuật diễn xuất mới của Stanislavski ở Hoa Kỳ.


Những người kế tiếp phổ biến và bồi đắp thêm vào lý thuyết diễn xuất của Stanislavsky là người Mỹ, trong số này có nhiều người gốc Do Thái gia đình mới từ Ău châu sang định cư ở bên Mỹ - như trường hợp của Lee Strasberg, Stella Adler, Elia Kazan, Harold Clurman vân vân. (Đó là một lý do tại sao người gốc Do Thái có ảnh hưởng lớn ở Hollywood và ở Broadway về sau này).
Năm 1931, Harold Clurman, Cheryl Crawford, và Lee Strasberg lập ra ban kịch The Group Theatre cũng được nổi tiếng một thời nhưng đến năm 1941 thì phải đóng cửa vì thiếu ngân khoản, vì tranh chấp nội bộ, bà vì sức thu hút của Hollywood.
Sau chiến tranh, năm 1947, Robert Lewis, Elia Kazan, và Cheryl Crawford lập ra lò đào tạo tài tử nổi tiếng Actors Studio ở New York - sau này có thêm sự tham dự của Lee Strasberg - mục đích để phổ biến và cải tiến thêm về những lý thuyết diễn xuất của Stanislavski.  Ngoài các lớp học, Actors Studio còn là nơi để các hội viên (tức là các tài tử chuyên nghiệp đã được thâu nhận làm hội viên) dùng làm chỗ gặp gỡ để tập dượt thêm. Năm 1967, một Actors Studio West được lập ra ở West Hollywood, California, với 3 đồng chủ tịch hiện nay là Martin Landau, Ellen Burtsyn, và Harvey Keitel.
Thời gian sau ở New York lại còn có thêm Stella Adler Conservatory do giáo sư kiêm tài tử Stella Adler lập ra và được coi như là hậu duệ "chính thống" của Stanislavski. Các nguyên tắc diễn xuất và tập dượt của Stanislavski cũng được giảng dạy để phát bằng cấp Master of Fine Arts ở New School for Social Research và ở Pace University, New York, Ngoài ra, lý thuyết Stalinovski cũng có ảnh hưởng lớn vào càc chương trình kịch nghệ và huấn luyện diễn viên ở nhiều nơi khác.
Trong khi ở Nga phong trào "hiện thực xã hội chủ nghĩa" (socialist realism) được chính quyền khuyến khích và áp dụng trong mọi ngành nghệ thuật, từ hội họa, kiến trúc, đến diễn xuất kịch ảnh thì ở bên Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới lại xẩy ra một cuộc cách mạng tự phát - đó là cuộc cách mạng "hiện thực tâm lý" (psychological realism) - đã tự nhiên nỗ bùng và lan rộng làm đảo lộn tất cả những lề lối diễn xuất cũng như những thói quen thưởng thức nghệ thuật sân khấu và điện ảnh từ trước đến nay.
THẾ NÀO LÀ "PHƯƠNG PHÁP" VÀ "HỆ THỐNG" STANISLAVSKI"
Constantin Stanislavski là người đầu tiên có công ghi chép và phân tách tỉ mỉ những nhận xét của ông trong khi dàn dựng kịch bản và về cách diễn xuất của những tài tử nổi danh đương thời - như Maria Yermolova và Tommaso Salvini -- để từ đó tìm ra những bí quyết diễn xuất mới.
Ông đúc kết những nhận xét và suy tư thực nghiệm đó thành một hệ thống, gọi là "Hệ Thống Stanislavski" ("Stanislavski System" hay nói gọn là "The System"), trình bầy trong 3 cuốn sách được dịch sang tiếng Anh nhan đề là "Dựng Một Nhân Vật" ("Building A Character"), "Tạo Một Vai Trò" ("Creating A Role"), và quan trọng nhất là cuốn "Chuẩn Bị Một Diễn Viên" ("An Actor Prepares") (xb 1936) được coi như là cuốn "thánh kinh" của các diễn viên suốt từ đó đến nay.
Cuốn "An Actor Prepares" được viết dưới hình thức một cuốn nhật ký của một môn sinh tên là Kostya theo học về nghệ thuật diễn xuất mới dưới sự chỉ dẫn của một giảng viên tên là Tortsov. Tortsov dùng những tỷ dụ cụ thể để dạy Kostya về "Hệ Thống Stanislavski" - theo định nghĩa là "một cố gắng phân tách có hệ thống về trật tự tự nhiên của sự thật sân khấu" ("a systematic analysis of the 'natural' order of theatrical truth").
Cuốn sách đề cập đến đủ mọi khía cạnh của ngành diễn xuất: luyện tập cơ thể, cách đi, cách đứng, cách ngồi, cách nhẩy múa, cách thư giãn các bắp thịt, cách tập trung tư tưởng, cách ăn nói, luyện giọng, cách vận dụng trí tưởng tượng, vai trò của tiềm thức vân vân, và nhất là cách vận dụng "ký ức cảm xúc" ("affective memory") để "sống trong khoảnh khắc" ("live in the moment") và "sống thực sự" ("live truthfully") đúng với vai trò của mình trong vở kịch.
Nghệ thuật diễn xuất hiện đại khác hẳn lề lối diễn xuất cũ ở một điểm quan trọng là trong diễn xuất hiện đại vấn đề chuẩn bị nội tâm của diễn viên được chú trọng đặc biệt. Trước kia người ta tưởng rằng những cảm xúc của con người - như buồn, vui, giận dữ, sợ hãi vân vân - có thể diễn tả hoàn toàn bằng những giáng điệu, cử chỉ, vẻ mặt, tóm lại là những biểu lộ bên ngoài. Nhưng theo Stanislavski thì những biểu lộ bên ngoài như vậy không đủ và có vẻ hoàn toàn giả tạo đối với khán giả. Ông cho rằng muốn diễn tả một cách thực sự những cảm xúc như vậy người diễn viên phải vận dụng đến cả sức mạnh nội tâm của mình, có nghĩa là phải tìm trong tiềm thức của mình những cảm xúc chính mình đã trải qua trong cuộc đời của mình và "kéo" những cảm xúc đó từ trong đáy sâu quá khứ xa xăm đưa ra ngoài ánh sáng thực tại để diễn viên có thể "thực sự" sống trong khoảnh khắc với những cảm xúc đó trong vai trò của mình.
Đó là ý nghĩa của "ký ức cảm xúc" ("affective memory"), một quan niệm then chốt trong "hệ thống" Stanislavski.
Điều này về sau đã gây nên những bất đồng ý kiến quan trọng trong số những môn đệ nổi tiếng của Stanislavski, đặc biệt là giữa Stella Adler và Lee Strasberg.
Theo Stella Adler thì quan niệm này đôi khi có thể có hại cho thần kinh của diễn viên, nhất là khi cần phải diễn tả những cảm xúc đau buồn, và nhất là vì quan niệm này quá gò bó. Theo Adler thì trong cuộc đời của mình không ai có đủ những kinh nghiệm cảm xúc mà con người có thể có và bởi vậy diễn viên phải vận dụng đến "trí tưởng tượng" của mình ("imagination") và "óc sáng tạo" của mình ("creativity") để "giả tỉ" là mình đang thực sự ở trong hoàn cảnh của vai trò và nếu như vậy thì mình sẽ cảm xúc ra sao. Đó là ý nghĩa của chữ "what if" theo quan điểm của Stella Adler để thay thế cho nhu cầu vận dụng "ký ức cảm xúc."
Theo Lee Strasberg và những người chủ trương diễn xuất theo "Phương Pháp" Lee Strasberg ở Actors Studio thì họ cho rằng như vậy là không đi đúng "Hệ Thống Stanislavski") (sau này đổi tên là "Diễn Xuất theo Phương Pháp", "Method Acting" hay "The Method"). Chính vì vậy Stella Adler đã quyết định tách khỏi "lò" Actors Studio để lập ra "lò" Stella Adler Conservatory (cũng ở New York). Đồng thời, để dứt khoát giải quyết vấn đề, Stella Adler sang Paris để thụ huấn lại Stanislavski trong vài tuần lễ (vì Stanislavski lúc đó đang có lờp dạy ở Paris). Lúc trở về bà Adler đưa ra bằng chứng tuyên bố "sư phụ" Stanislavski đã thay đổi quan điểm và hoàn toàn đồng ý với mình về tầm quan trọng của "trí tưởng tượng" và "óc sáng tạo" trong diễn xuất. Có nghĩa là bà Stella Adler vẫn là môn đệ chính thống của Stanislavski!
Chúng ta được biết rằng các diễn viên Mỹ về sau này tùy trường hợp linh động xử dụng cả hai phương pháp. Riêng tác giả của "Hệ Thống Stanislavski" thì có lần ông đã nói: "Tôi mong rằng các bạn sẽ sáng tạo ra phương pháp riêng của các bạn. Đừng theo phương pháp của tôi một cách mù quáng. Các bạn hãy chế ra những gì thích hợp nhất cho các bạn. Nhưng tôi chỉ xin các bạn một điều: Hãy luôn luôn sẵn sàng đập tan tất cả những khuôn sáo cũ!" ("Create your own method. Don't depend lavishly on mine. Make up something that will work for you! But keep breaking traditions, I beg you."
"LIGHT! ACTION!"
Ngoài Stanislavski, các môn đệ của ông - như Ryszard Boleslawski, Lee Strasberg, Sanford Meisner, Robert Lewis, Stella Adler, Uta Hagen, Elia Kazan v.v. - cũng đã viết rất nhiều sách về vấn đề diễn xuất. Nhưng trong diễn xuất, cơ thể con người vẫn là "dụng cụ sáng tạo đầu tiên" ("primary material of creation") bởi vậy tất cả các hoạt động trên sân khấu hay trong phim trường, kể cả các cảm xúc cần được biểu lộ đều phát hiện qua thân thể người ta, qua dáng điệu, vẻ mặt. Nghệ thuật diễn xuất mới chú trọng hơn về khía cạnh nội tâm, nhưng vẫn phải thực hành, phải tập dượt.
Bởi vậy, dù có đọc nát tất cả những cuốn sách nói trên chúng ta vẫn không thể hiểu được một cách đầy đủ và sâu sắc về nghệ thuật diễn xuất nếu không thực tập, bởi lẽ giản dị là vì diễn xuất là một nghệ thuật thực hành. Bởi vậy  mới có "Actors Studio" và các "lò" đào tạo dirễn viên khác ở New York, ở California, và nhiều nơi khác.
Và bởi vậy chúng ta mới có các lớp huấn luyện diễn xuất như những lớp diễn xuất đầu tiên sắp khai giảng nay mai trong cộng đồng (của Hội bất vụ lợi Star Search Broadcast).
Dĩ nhiên là "năng khiếu" hay "tài thiên phú" vẫn là điều quan trọng và không phải ai cũng có thể trở thành các ngôi sao sáng màn bạc hay trên sân khấu sau khi đã qua các lớp huấn luyện diễn xuất. Nhưng huấn luyện diễn xuất, đối với các trẻ em còn nhỏ tuổi (như trường hợp các lớp của Star Search) cũng là huấn luyện cơ thể, huấn luyện để biết cách ăn nói chững chạc, đi đứng khoan thai, để tăng đức tính tự tin v.v. tức là những đức tính cũng rất quan trọng cho các em trên sân khấu đường đời nay mai của các em.
Và dù trên sân khấu đường đời hay trên sân khấu nhỏ, như Stanislavski đã nói, "điều quan trọng là chúng ta phải sống thực" ("Live Truthfully").

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.