Hôm nay,  

Việt Nam, Từ Trong Và Ngoài

19/03/200500:00:00(Xem: 13748)
Mấy ngày qua, dư luận trong và ngoài nước, trước hết từ bên ngoài, rất xôn xao về bài nói chuyện của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh ở trong nước về tình hình Việt Nam. Đất nước đã tới các ngã rẽ lớn.
Sau khi đã phỏng vấn một số nhân vật trong nước như ông Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê hay Hoàng Minh Chính về bài phát biểu này, hôm nay đài Á Châu Tự Do đưa ra một cái nhìn của một chuyên gia từ ngoài nước, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, phụ trách mục chuyên đề hàng tuần Diễn đàn Kinh tế cho đài RFA kể từ ngày thành lập. Cuộc phỏng vấn do Việt Long thực hiện.
Hỏi: Thưa quý thính giả... Ông Nguyễn Xuân Nghĩa của mục Diễn Đàn kinh tế hẳn không không xa lạ gì với quý vị. Nhưng ngoài lãnh vực kinh tế, ông còn là một nhà nghiên cứu, am tường nhiều lãnh vực khác và hiểu biết sâu rộng về Việt Nam. Hẳn nhiên ông đã phải biết và tìm hiểu sâu xa về bài nói chuyện của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh hôm mùng hai tháng 11 năm ngoái, một bài nói chuyện đã gây sôi nổi ở trong nước lẫn bên ngoài. Thì thưa ông, trước hết, ông vui lòng nói với thính giả những cảm nghĩ sơ khởi của ông về bài nói chuyện của một người thực ra là một đồng nghiệp của ông trong địa hạt kinh tế...
-- Như mọi người thiết tha đến Việt Nam, tôi có được biết và đã đọc bài phát biểu này. Tuy nhiên, trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn về một bài phát biểu và trao đổi hơn 30 trang - hoặc nói chính xác hơn, hơn 21.700 chữ, chưa kể những phần không được ghi trọn vẹn – tôi xin phép được tự giới hạn trong một lãnh vực mà mình quan tâm. Nhận xét sơ khởi của tôi thuộc về phương cách và hình thức, trước khi ta nói đến nội dung.
Hỏi: Thưa vâng. Nhưng trước hết, ông muốn nói đó là phương cách gì, ở khía cạnh nào trong bối cảnh bài nói chuyện của ông Doanh"
-- Trước hết là về loại sinh hoạt nội bộ của giới cầm quyền. Như những kẻ có bệnh, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam luôn thăm dò sự chẩn đoán về bệnh tình của mình. Họ hỏi ý kiến mọi người am hiểu, các chuyên gia ở trong và ngoài nước, và gọi đó là tinh thần “trọng thị”. Nhưng sau đấy giấu biệt những chẩn đoán ấy và vẫn làm theo ý mình. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi thấy lãnh đạo Hà Nội có thể bình tĩnh hay bình thản hoặc tủm tỉm ngồi nghe những lời nghịch nhĩ nhất, miễn là lời trực ngôn không được phổ biến ra ngoài. Khi một Ủy viên Bộ Chính trị đích thân mời một chuyên gia kinh tế trong nước trình bày nhận xét của mình về hiện tình và những nguy cơ của đất nước thì đấy cũng chỉ là sự thường. Điều bất thường là chúng ta ở bên ngoài, sau đó mới là dư luận trong nước, lại được biết về những lời chẩn đoán ấy của một người am hiểu là Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Hỏi: Như vậy, phải chăng điều ông chú ý trước tiên là việc bài nói chuyện bị tiết lộ ra ngoài"
-- Ông Lê Đăng Doanh không thể là người tiết lộ lời phát biểu của mình, chẳng phải vì ông đã về hưu và hết sợ mà vì quy tắc sơ đẳng của giới chuyên gia tư vấn là khi được tham khảo thì trả lời theo công tâm; sau đó, việc sử dụng hay phổ biến là của người hỏi, dại gì mà tiết lộ"
Hỏi: Thưa... xin nói rõ thêm lời ông, là ông Lê Đăng Doanh nghỉ hưu trong chức vụ Viện trưởng viện nghiên cứu và quản trị kinh tế, nhưng vẫn là tư vấn của bộ kế họach và đầu tư, và vẫn giảng dạy kinh tế ở nhiều đại học. Mời ông nói tiếp.
-- Tôi tạm kết luận là trong nội bộ giới lãnh đạo Hà Nội có người, hay nhiều người, muốn cho phổ biến nội dung ra cho dư luận. Vì sao thì mình không biết nhưng có thể suy đoán được. Tôi sở dĩ kết luận như vậy vì ngay sau khi bài phát biểu của mình bị tiết lộ, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh vẫn bình thản trả lời một cuộc phỏng vấn của quý đài mà không bị phiền nhiễu như nhiều người khác. Phương cách xuất hiện bài nói chuyện này vì vậy cho thấy một số chuyển biến trong tư duy của giới lãnh đạo, của người đã yêu cầu ông Lê Đăng Doanh phát biểu, hoặc của một số người ngồi nghe. Đó là về phương cách.
Hỏi: Vâng. Thế còn về hình thức, chắc ông muốn nói tới cách thức ông Doanh trình bày bài nói chuyện, thì ông có nhận xét ra sao"
-- Tôi chợt nhớ đến các ông vua đi cầy vào thời phong kiến. Thời Tiền Lê chẳng hạn. Ngôn từ Tiến sĩ Lê Đăng Doanh sử dụng khi nói chuyện với cấp lãnh đạo của hơn 80 triệu dân Việt Nam vào đầu thế kỷ 21 làm ta liên tưởng đến các ông vua ngồi xổm dưới gốc đa. Ngôn ngữ ấy nôm na dễ hiểu, đầy những từ “mày tao chi tớ”. Ông Doanh hiển nhiên là biết cách xưng hô hay nói năng lịch sự và biết cách truyền đạt tư tưởng tùy đối tượng. Nhất là khi suốt phần nói như ứng khẩu rất dài này ta không biết đối tượng ấy gồm những ai. Điểm lý thú là những người ông Lê Đăng Doanh lịch sự gọi là “ông” hay “bà” đều bị ông đả kích hoặc châm biếm. Chúng ta phải nhìn lại Hà Nội như đất ngàn năm văn vật.
Điểm thứ hai về hình thức, và ta đang đi vào nội dung, là - ngược với nhiều giới kinh tế xã hội chủ nghĩa - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu lên loại thí dụ rất thiết thực, sống động, thậm chí bi hài của đời sống. Ông ta không nói theo kinh điển từ tháp ngà xã hội chủ nghĩa, mà có quan tâm, theo dõi và hiểu rõ đời sống người dân. Đây là ngoại lệ hiếm có, và đáng quý, cho nên bài phát biểu mới có sức thuyết phục cao.
Hỏi: Bây giờ, bước sang phần nội dung. Ông nhận xét ra sao về nội dung phát biểu"

-- Đi từ đời sống lên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu ra các vấn đề sống động của thế giới và éo le của người dân Việt Nam, với con số và thí dụ cụ thể của một nhà khoa học, để khuyên đảng đừng tự mê hoặc nữa. Nhưng càng lên đến địa hạt cao hơn, tột cùng là chính trị và hệ thống lãnh đạo, tác giả càng uyên áo và nhẹ nhàng trong ngôn từ. Thuốc đắng dã tật, nhưng đắng quá có khi vật thầy. Ông khéo chẩn bệnh hầu bệnh nhân khỏi bị “sốc” mà vật chết thầy thuốc. Tôi nhớ đến Hàn Phi đời Tần bên Tầu, về thuật thuyết phục lãnh đạo, mà cảm thương giới chuyên gia trí thức Việt Nam, hơn hai ngàn năm sau Hàn Phi Tử và Tần Thủy Hoàng Đế. Ta có thấy sôi nổi bức xúc về lời phát biểu của ông Doanh thì cũng nên thông cảm với câu “ý tại ngôn ngoại”. Chẳng hạn như dân chủ hóa là tốt, nên đảng ta hãy thử dân chủ hoá từ trong đảng ra xem sao... Đấy là nhận xét chủ quan và đại lược của tôi về nội dung, đúng sai thì chưa biết. Cái chuyện "ý tại ngôn ngọai" còn thể hiện rõ hơn ở bài quý đài phỏng vấn ông Doanh sau khi bài thuyết trình đã bị tiết lộ. Tất nhiên, vì an nguy của bản thân, ông Doanh không thể minh thị xác nhận những điều đã nói và bị ai đó cho tiết lộ, cho nên ý chính của ông phải được hiểu ra bên cạnh những lời nói...
Hỏi: Đi thêm vào chi tiết, thì ông nhận xét thế nào về những phát biểu của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh"
-- Theo dõi những kiến nghị, thảo luận và tranh luận của chuyên gia hay trí thức các nước độc tài và lạc hậu, như tại Trung Quốc hay Liên Xô và Đông Âu, đôi khi tôi có cảm nghĩ bi quan là trí thức và chuyên gia xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn thua kém họ. Lần này, tôi thấy lạc quan hơn chút ít khi có người lên lớp cho giới lãnh đạo hiểu rõ vài ba quy luật sơ đẳng về sức mạnh kinh tế, về quyền lợi thiết thực và pháp quyền của quốc gia, với minh diễn rõ ràng. Ông Doanh nói về kinh nghiệm hay lời răn của các nước khác - từ Singapore, Kazhakstan đến Ấn Độ hay Tiệp Khắc - với lời kể là “thằng này nó nói”, “thằng kia nó chửi”, về những lầm lẫn giữa hình và bóng của Việt Nam. Ông ta còn khéo dạy cho đương kim Thủ tướng Hà Nội về mộng mị vớ vẩn như đòi bắt kịp các nước trong tổ chức OECD, với thu nhập đồng niên trên 10.000 đô la một người. Nói ra điều đó, ông Doanh hẳn là thấy đau lòng, như nhiều người chúng ta ở ngoài này. Nhưng, không hiểu rằng các ông lãnh đạo ngồi trên có biết ai là “ông”, và ai là “thằng” không"
Hỏi: Nói một cách cụ thể, thì ông thấy những nhận xét kinh tế nào của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là đáng chú ý nhất, hay xác đáng nhất"
-- Tôi khó trả lời vì phải đi vào lý luận chuyên môn, nhưng thấy rằng kinh tế thực ra chỉ toát lên từ đời sống, từ những người có quyết định kinh tế mà khỏi cần biết hay học về kinh tế. Quyết định ấy tùy thuộc vào nhận thức và thông tin của các tác nhân kinh tế. Nhiều lập luận kinh tế của ông Doanh đã phơi bày ra sự lẩn thẩn của hệ thống lãnh đạo. Khi luận bàn về mô hình sinh hoạt của Đảng, ông có nói đến sự lạc hậu của một cơ chế muốn kiểm soát tất cả mà tầm nhìn của bản thân lại thu hẹp dần. Đấy là cách giải thích xác đáng về nhiều vấn đề kinh tế tại Việt Nam, loại vấn đề mà giới lãnh đạo ngồi trên bệ không thấy được vì tự bịt tai bịt mắt hài lòng với đám quân sư quạt mo quạt giấy - chữ của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - và những kẻ trục lợi nhờ hệ thống chính trị này. Từ bài phát biểu, người ta hiểu ra rằng đây là một hệ thống khống chế kinh tế của một thiểu số đang đẩy Việt Nam vào chỗ tụt hậu so với thế giới.
Hỏi: Ngoài những vấn đề nội bộ của Việt Nam thì theo nhận định của ông, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh có nêu ra những kết luận hay dự đoán gì đáng chú ý về thế giới bên ngoài không"
-- Việt Nam đang tụt hậu và mối nguy cho xứ sở đang xuất phát từ Trung Quốc. Thuần về kinh tế mà nói thì đấy là lời cảnh báo đáng chú ý. Từ bên ngoài, người ta đã có thể thấy điều ấy, nhưng đây là một lần hãn hữu mà ta nghe thấy lời cảnh cáo như vậy từ bên trong. Người dân có thể mập mờ nhìn ra mối nguy từ Trung Quốc qua những trao đổi mua bán hàng ngày. Nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói ra điều ấy từ giác độ khác, và nói ra với những người đang cầm quyền, trong đó có những người vẫn coi mô hình Trung Quốc là khuôn vàng thước ngọc mà không biết sợ.
Hỏi: Trên diễn đàn này, ông nhiều lần nói đến mối nguy ấy nên phải chăng vì vậy mà ông có vẻ thông cảm với lời báo động của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh"
-- Nếu Trung Quốc thành công trong cải cách, từ kinh tế lên chính trị theo kiểu của họ, mình sẽ khó thở. Có lẽ đấy là lý luận của ông Doanh. Mà nếu họ thất bại, và theo thiển kiến của tôi là có xác suất cao sẽ thất bại, thì mình càng khó thở hơn... Vì khó khăn về “biến pháp” thời Vương An Thạch mà nhà Tống đã gây hấn với Việt Nam. Việt Nam ngày nay lại không là Việt Nam thời Lý Công Uẩn và Lý Thường Kiệt nên chuyện “phá Tống bình Chiêm” sẽ không có... Trong các cuộc thảo luận hay tranh luận tại Hà Nội, có lẽ đây là lần đầu mà có người nói thầm với lãnh đạo “hãy cảnh giác với Thiên triều”. Và người nói ra không bị kỷ luật.
Hỏi: Từ chuyện ấy, ông kết luận ra sao về bài phát biểu này của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh"
-- Tôi thực sự không muốn ra khỏi khuôn khổ kinh tế, nhưng các vấn đề kinh tế của Việt Nam thì người dân trong nước đều biết, không chờ đợi lời cảnh báo của giới lý luận. Điều đáng chú ý trong bài phát biểu của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là những kết luận chính trị tổng kết về nguy cơ chệch hướng từ một thực tế kinh tế chẳng có gì đáng hãnh diện. Cho nên, tôi trộm nghĩ là để chuẩn bị cho Đại hội X vào năm tới, nhiều người đang úp mở tranh luận về hướng đi – hay về cú ngã – của Việt Nam. Chẳng hạn như đảng quyền hay pháp quyền nhà nước" Làm sao tự cải tổ mà không đổ" Bịp dân được tới bao giờ" Làm sao hiểu được tâm tư giới trẻ" Ai là bạn ai là thù trong một thế giới đổi thay và lỏng lẻo thế này" Làm sao xoay trở bên cạnh Trung Quốc" Được cảnh báo như vậy, giới lãnh đạo có sáng ra không thì tôi chưa rõ. Nếu nhận xét này là đúng thì từ nay đến đó, đến Đại hội đảng Khoá X, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều chuyện hay và mới lạ tại Việt Nam, loại vấn đề có khi nằm ngoài địa hạt kinh tế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vấn đề mà cả hai bạn thường thắc mắc với tôi đã có câu trả lời rồi đấy. Hai chủ nhật vừa qua, những gì đã xảy ra trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội
Một bản tin của Việt Báo đã nhầm lẫn tên của một nhà hoạt động trong khi tường thuật về một sinh hoạt ở San Jose. Việt Baó trân trọng cáo lỗi
Đây là một chương trình phát hình tiếng Việt ở địa phương vùng Hoa Thịnh Đốn, được thực hiện
Mỗi năm, bắt đầu về lúc giao thừa đón năm mới, hàng loạt các luật lệ mới của liên bang
Những dịp dể cho cả một dân tộc cùng nhau hướng về một tình cảm, một tư tưởngđể cùng rung động …thật là hiếm có
Tại nhà hàng Seafood Place #2 vào lúc 7 giờ tối thứ 6 ngày 28 tháng 12 năm 2007, hơn 500 Chư Tôn Đức Tăng Ni
Trung Quốc sẽ vĩnh viễn cắm cờ ở Trường Sa" Một trang web chuyên bán các loại tiền lạ cho người sưu tập toàn cầu
Năm 2007 sắp trôi qua, trong năm 2007 các hoạt động tranh đấu dân chủ nhân quyền cho Việt Nam diễn ra sôi động khắp nơi ở trong nước và trên thế giới
Anh mà giết em, thầy mà giết trò, cái cớ không phải một sớm một chiều, mà do những nguyên nhân sâu xa và tiềm ẩn. Tình nghĩa chỉ là giả nhân giả nghĩa
Trong những ngày tháng qua, có những con người quên ăn quên ngủ nóng lòng hướng về miền Trung
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.