Hôm nay,  

Lợi Ích Của Việc Học Tiếng Việt Như Là Một Ngoại Ngữ

17/10/200900:00:00(Xem: 6759)

Lợi Ích Của Việc Học Tiếng Việt Như Là Một Ngoại Ngữ
 
Luật Sư Nguyễn Quốc Lân  Ủy Viên Giáo Dục, Học Khu Garden Grove

Phong trào dạy tiếng Việt đã được cộng đồng lưu ý nhiều hơn trong nhiều năm qua, đặc biệt là qua nhiều cuộc vận động đòi các trường công lập mở lớp dạy Việt ngữ trong chương trình ngoại ngữ. Trong các nỗ lực này, những lợi ích của việc dạy và học Việt ngữ như là một ngoại ngữ vẫn chưa được trình bày một cách thoả đáng.
Việc học Việt ngữ như là một ngoại ngữ có nhiều điểm khác với phong trào dạy Việt ngữ tại các trung tâm Việt ngữ nơi có đông người Việt nam. Phong trào dạy Việt ngữ này thường chỉ nhắm vào các trẻ em Việt nam với mục tiêu duy trì tiếng Việt và văn hoá Việt nam. Tuy đây là đối tượng và mục tiêu tốt, song chương trình dạy và học Việt ngữ cũng cần phải nhắm vào các đối tượng không phải người Việt nam và các mục tiêu khác bên cạnh duy trì và phát huy Văn hóa Việt. Phương pháp dạy Việt ngữ như là một ngoại ngữ cũng có thể khác đi vì đối tượng có thể không phải là người Việt nam hay không có kiến thức căn bản về môi trường hay văn hoá Việt nam, kể cả các trẻ em Việt Nam tại hải ngoại không biết hay hiểu tiếng Việt. Phương thức giảng dạy này cũng giống như giảng dạy tiếng Pháp hay Tây Ban Nha cho tất cả các học sinh theo học một ngoại ngữ.
Việc hiểu biết thêm về các lợi ích của việc học tiếng Việt như là một ngoại ngữ do đó là một bước nhận thức rất quan trọng nhằm giúp đỡ những người quan tâm đến phong trào giảng dạy Việt ngữ thích ứng hơn với phương thức cũng như mục tiêu giảng dạy.
Những lợi ích cho cá nhân và xã hội
Những lợi ích cho cá nhân và xã hội hầu như là một bởi vì những lợi ích cho một cá nhân nào đó thường cũng là lợi ích cho cộng đồng hay xã hội liên hệ. Ví dụ, một người lính cứu hoả biết nói tiếng Việt thì xã hội nói chung cũng được lợi ích là có được một người lính chữa lửa biết xử dụng ngôn ngữ đó khi cần thiết. Những lợi ích này có thể là cơ hội kiếm việc làm, làm việc cho chính phủ, hành nghề chuyên môn, phục vụ cho an ninh quốc gia, giao thương quốc tế, nghiên cứu trong các chuyên khoa, phong phú văn hoá, thăng tiến sự hài hoà trong xã hội hay duy trì và phát huy văn hoá Việt nam.
Tiếng Việt đã trở nên một ngôn ngữ quan trọng tại tiểu bang California và nhiều nơi khác trên toàn quốc Hoa Kỳ. Riêng tại California, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ quan trọng thứ tư sau Anh ngữ, Tây Ban Nha (Spanish) và tiếng Hoa.
Cơ hội tìm kiếm việc làm Tại những nơi có đông người Việt nam, một người biết thêm được tiếng Việt có thể sẽ kiếm được việc làm dễ dàng hơn, đặc biệt là trong các công việc dịch vụ vào có liên hệ thường xuyên với khách hàng người gốc Việt nam. Một học sinh, nếu biết được chút ít tiếng Việt có thể dễ kiếm được việc làm hơn tại các cửa hàng dịch vụ chẳng hạn. Trường hợp này cũng chỉ tương tự như bất cứ người Việt Nam hay da trắng nào biết thêm tiếng Tây Ban Nha thì dễ kiếm việc làm hơn tại hầu hết mọi nơi trên toàn California, đặc biệt là tại những nơi có đông người gốc La Tinh.
Công việc phục vụ trong chính phủ
Trong các khu vực có đông người Việt nam, ví dụ như Orange County, San Jose hay Houston, Texas, có nhiều nhân viên chính phủ thường phải tiếp xúc thường xuyên với các cư dân hay khách hàng Việt nam. Các công việc này thường có những trách nhiệm quan trọng trong guồng máy chính phủ như cảnh sát, lính cứu hoả, y tá, nhân viên bệnh viện, v..v.. Trong các vai trò này, người nói không cần phải thông thạo tiếng Việt nhiều như chỉ cần hiểu biết vừa đủ để xử dụng trong các trường hợp cần thiết. Thử tưởng tượng, trong các trường hợp khẩn cấp, những người liên hệ chỉ cần hiểu hay nói được những chữ đơn giản như “cảnh sát,” “nước,” “đau tim” cũng có thể cứu được mạng sống con người.
Công việc trong các ngành nghề chuyên môn
Bên cạnh các nhân viên chính phủ, các nhân viên trong các ngành nghề chuyên môn cũng thường hay có nhu cầu xử dụng tiếng Việt, ví dụ như bác sĩ, luật sư, chuyên viên kế toán, cố vấn gia đình, v..v.. Trong các dịch vụ chuyên môn, những lời cố vấn hay hướng dẫn cần thiết nếu phải được thông dịch lại thì có thể bị mất đi tính chất chính xác hay hiệu quả. Đối với những người chuyên môn này,  kiến thức về Việt ngữ, cho dầu là kém cỏi hay không thông thạo, cũng có thể giúp họ hiểu được những hoàn cảnh văn hoá hay tế nhị trong các trường hợp đặc biệt.
An ninh quốc gia
Việc giảng dạy hay học hỏi tiếng Việt cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với nền an ninh quốc gia tại Hoa Kỳ, đặc biệt là trong các lãnh vực an ninh hay tình báo có liên quan đến tiếng Việt.  Hiện nay, hầu hết các thông dịch viên tại toà án hay các chuyên viên về Việt ngữ tại các cơ quan công quyền đều do những người được hấp thụ kiến thức Việt ngữ từ những năm trước 1975 hay tự học lấy tùy theo kinh nghiệm bản thân. Trong hơn 30 năm qua, hầu như không có một chương trình huấn luyện Việt ngữ một cách có quy mô để đào tạo các chuyên viên Việt ngữ. Những kiến thức về Việt ngữ có được từ trước đây có thể còn rất thiếu sót so với nhu cầu kiến thức Việt ngữ hiện nay với nhiều thay đổi về kỹ thuật, văn hóa và xã hội.
Thêm vào đó, cộng đồng Việt nam tại Hoa Kỳ hay hải ngoại chưa sẵn sàng tiếp nhận kiến thức Việt ngữ hay các tài liệu giảng dạy được du nhập từ Việt nam. Hậu quả là những người có trách nhiệm phiên dịch trong các vai trò quan trọng này có thể chỉ có được kiến thức Việt ngữ do tự học hay qua việc xử dụng hàng ngày. Nếu như vậy, các nhân viên trong lãnh vực an ninh quốc gia hay bảo vệ trật tự công cộng có thể khó kiếm được người có kiến thức hay khả năng để xâm nhập vào các tổ chức phạm pháp có xử dụng Việt ngữ hay hoạt động điều tra đối với các thành phần có xử dụng Việt ngữ.
Giao thương quốc tế
California có một nền kinh tế đứng hàng thứ 6 trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với các nền kinh tế trong vùng Thái Bình Dương. Nhu cầu xử dụng Việt ngữ trong giao thương quốc tế không những chỉ giới hạn đối với người Việt nam tại Việt nam và Hoa Kỳ, mà còn cả tại các vùng khác trong vùng Thái Bình Dương, ví dụ như Hồng Kông, Thailand, Singapore hay Mã Lai Á.  Việc xử dụng tiếng Việt trong nền giao thương trong nội địa California hay Hoa Kỳ cũng là một nhu cầu rất quan trọng. Do đó, việc trau dồi kiến thức về Việt ngữ là một nhu cầu thiết thực cho nền kinh tế California hay Hoa Kỳ.
Nghiên cứu chuyên môn
Việc trau dồi kiến thức về Việt ngữ, đặc biệt là từ cấp trung học, sẽ góp phần chuẩn bị nền tảng cho các chuyên khoa nghiên cứu chuyên môn tại các trường đại học hay viện nghiên cứu cao cấp.  Muốn nghiên cứu về các ngành chuyên môn như tâm lý học, xã hội học, văn chương, lịch sử, chính trị, nhân văn ..v..v.. có liên hệ đến Việt nam, người sinh viên cần phải có sẵn một số kiến thức căn bản về Việt ngữ trước khi có thể bắt đầu các công trình nghiên cứu trong lãnh vực chuyên môn. Việc trau luyện Việt ngữ cho mục đích này tốt nhất là phải thực hiện được ở cấp trung học. Nếu đợi lên đến đại học rồi mới học Việt ngữ thì hầu như khó có sinh viên nào có thể có đủ thời giờ để khởi sự các công trình nghiên cứu với vốn liếng Việt ngữ hiện có của mình.
Nếu có được chương trình giảng dạy Việt ngữ tại cấp trung học và được bổ túc thêm ở cấp đại học, chẳng bao lâu chúng ta sẽ có những công trình nghiên cứu cho luận án tiến sĩ hay cao học với các đề tài như so sánh truyện Thuý Kiều với Shakespeare, liên hệ giữa các trận đánh quân Nhà Minh của Trần Hưng Đạo đối với cuộc thôn tính Âu Châu bởi đạo quân Mông Cổ, bí mật chiến tranh Việt nam trong văn khố mật thư của Hoa Kỳ, hay tâm lý khủng hoảng của người di dân Việt nam tại Hoa Kỳ chẳng hạn.
Với những công trình nghiên cứu này, nền văn hóa và văn minh Việt nam mới có cơ hội được giới thiệu và phát huy ngang hàng với nền văn minh hay văn chương Âu Tây thay vì như phạm vi khuôn khổ của cộng đồng Việt nam.
Phát triển văn hoá
Nền văn hoá Việt nam là một văn hoá quan trọng tại California. Văn hoá Việt nam đã góp phần quan trọng vào việc làm phong phú thêm nền văn hoá đa dạng của California và Hoa Kỳ. Việc đào tạo chuyên viên tiếng Việt sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì và làm thăng tiến một di sản quan trọng này.
Trở ngại chính trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam trong nền văn minh thế giới là thiếu các chuyên viên có khả năng làm việc này mà có vốn liếng cần thiết về Việt ngữ. Chúng ta cần phát triển sự phổ thông của tiếng Việt để tạo cơ hội cho các chuyên viên thuộc đủ mọi ngành phát triển chuyên môn của mình dựa trên căn bản tiếng Việt sẵn có.
Sự hoà đồng trong xã hội đa chủng


Cộng đồng và văn hoá Việt nam đang trở thành một nhân tố quan trọng trong xã hội đa chủng tại Hoa Kỳ, đặc biệt là tại California. Trong hoàn cảnh này, sự lớn mạnh của cộng đồng Việt nam không khỏi tránh được những đố kỵ, hiềm khích hay kỳ thị gây ra bởi sự thiếu hiểu biết, thông cảm hay bất đồng về ngôn ngữ hay văn hoá.
Việc giảng dạy Việt ngữ cho các học sinh thuộc mọi chủng tộc sẽ góp phần quan trọng vào việc trồng cấy và vun xới sự cảm thông và hiểu biết giữa các văn hoá hay sắc dân khác nhau. Đây là những nhân tố quan trọng trong việc làm thăng tiến sự hoà đồng trong xã hội đa chủng như tại Hoa Kỳ.
Kiến thức về một ngôn ngữ thường đi đôi với sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử hay con người của ngôn ngữ đó.
Quan hệ với gia đình và cộng đồng
Đối với người Việt nam, kiến thức về Việt ngữ sẽ giúp các trẻ em có một quan hệ mật thiết hơn đối với gia đình, phụ huynh, họ hàng, cộng đồng hay những người chung quanh. Đây là một yếu tố quan trọng để giúp các em dễ hấp thụ những phong tục tập quán như siêng năng, cần cù, hiếu học và chịu khó ngõ hầu các em có thể siêng năng học hành hơn, phấn khởi để học hành hơn hay tự tin hơn về bản chất người Việt nam của mình.
Các cuộc nghiên cứu về học sinh Việt nam cho thấy nếu các em càng xa rời nền văn hóa hay cộng đồng Việt nam thì đức tính siêng năng và hiếu học của các em càng giảm đi và do đó trình độ học vấn của các em sẽ sút giảm đi. Do đó, kiến thức về Việt ngữ là một phương tiện quan trọng để giúp các em làm tăng trưởng những quan hệ với gia đình, cộng đồng hay văn hoá Việt nam.
Duy trì và phát huy văn hoá Việt nam
Đây là một mục tiêu quan trọng mà cộng đồng Việt nam đã hết sức hỗ trợ trong hơn ba thập niên qua. Mặc dầu ngôn ngữ không là một cứu cánh duy nhất, nhưng là một công cụ quan trọng để góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát huy văn hoá Việt nam.
Những lợi ích về học vấn
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng việc trau dồi một ngoại ngữ, đặc biệt là từ những lớp nhỏ, thường hay đi đôi với sự phát triển về trí thông minh, trình độ học vấn hay khả năng thích ứng với môi trường chung quanh. Kết quả thường là các em học giỏi hơn hay có điểm thi cao hơn.
Một cuộc nghiên cứu tại Học Khu Garden Grove cho thấy trình độ học vấn của học sinh Việt nam thường đi đôi với mức độ thông thạo Việt ngữ của các em. (Lynn Saito, 2002). Nhiều cuộc nghiên cứu tương tự khác của Giáo Sư Carl L. Bankston và Min Zhou đối với cộng đồng và học sinh Việt Nam tại Lousiana, nơi có đông học sinh Việt Nam, cũng cho thấy nhiều kết quả tương tự.
Các kết quả cuộc nghiên cứu này cho thấy rằng khi các em có thể nói chuyện hay hiểu sơ sơ tiếng Việt để các em có thể quan hệ thường xuyên với phụ huynh hay bà con họ hàng.  Kết quả nghiên cứu này còn cho rằng mức điểm học vấn của các học sinh Việt nam có thể ảnh hưởng ngược với mức độ Mỹ hóa (assimilation) của các em hay phụ huynh của các em.
 Điều đó có nghĩa rằng ngày nào các em còn thông hiểu tiếng Việt, ngày đó các em còn duy trì được mối liên hệ thường xuyên với bố mẹ, họ hàng, hay sinh hoạt cộng đồng, và theo đó các em có cơ may học giỏi hơn.
Học Giỏi tiếng Anh hơn
Nhiều phụ huynh hay nhà giáo dục thường hay cho rằng việc học một ngoại ngữ như Việt ngữ sẽ có ảnh hưởng bất lợi đối với khả năng tiếp thu Anh ngữ. Kết quả nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy kết quả trái lại.  Ví dụ, một cuộc nghiên cứu của Giáo sư Bialystok đã cho thấy các học sinh khoảng 4 hay 5 tuổi có học thêm một ngoại ngữ có khả năng đọc và hiểu Anh ngữ cao hơn các học sinh khác. (Bialystok, 1997).
Kết quả cuộc nghiên cứu này có thể giúp nhiều phụ huynh Việt nam bớt lo lắng khi phân vân không biết nên khuyến khích con em của mình nên hay không nên nói tiếng Việt ở nhà vì sợ rằng khi đến trường các em sẽ thua kém các bạn cùng lớp. Thực ra, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ hiện nay đang khuyến khích và nhiều học khu đang mở ra những chương trình dạy ngoại ngữ cho các em ở cấp lớp 1 đến lớp 5. Các chương trình này dựa trên những nghiên cứu giáo dục cho thấy rằng nếu các em được tiếp thu được một ngoại ngữ từ lúc nhỏ, các em có khả năng tiếp thu, lưu giữ, và xử dụng được nhiều hơn. Và đồng thời các em này có khả năng học giỏi hơn các em khác.
Ngay cả khi các em học học hoàn toàn trong tiếng ngoại quốc hay nửa Anh ngữ nửa ngoại ngữ (half & half immersion program), các em có khả năng không thua kém gì đối với các học sinh khác. (Thomas, Collier, and Abbott, 1993) Một cuộc nghiên cứu khác tại Louisiana cho thấy các học sinh có lớp học ngoại ngữ hàng ngày có khuynh hướng được điểm thi cao hơn trong các phần thi Anh ngữ so với các em không có học một ngoại ngữ nào. (Rafferty, 1986)
Nhiều cuộc nghiên cứu khác đã cho thấy một sự liên hệ mật thiết giữa khả năng học Anh ngữ và một ngoại ngữ.  (Barik & Swain, 1975; Genesee, 1987; Swain, 1981) Uỷ Ban Chấm Thi Vào Đại Học (College Entrance Examination Board) cũng nhận thấy rằng các học sinh có học khoảng từ 4 năm ngoại ngữ trở lên thường có điểm cao hơn trong phần Anh ngữ trong các bài thi Scholastic Aptitude Test, thường được gọi là SAT.
Ảnh hưởng đến trí thông minh
Có nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng các học sinh có học được một ngoại ngữ có khả năng sáng tạo và khả năng thông hiểu các vấn đề phức tạp một cách khá hơn. (Bamford & Mizokawa, 1991).  Kết quả các cuộc nghiên cứu này còn cho thấy rằng những học sinh thông thạo được một ngoại ngữ có khả năng trội hơn các em không biết ngoại ngữ trong các cuộc trắc nghiệm về trí thông minh (IQ tests) (Bruck, Lambert & Tucker, 1974; Hakuta, 1986; Weatherford, 1986)
Các kết quả này cho thấy rằng nếu các học sinh thông thạo một ngoại ngữ như tiếng Việt chẳng hạn, các em có khả năng thích ứng với các đòi hỏi của trí khôn một cách khá hơn.
Kết Luận
Nếu chúng ta nhìn nhận Việt ngữ là một ngôn ngữ quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, thì việc học hay giảng dạy Việt ngữ sẽ có lợi cho tất cả mọi người và mọi thành phần trong xã hội. Tiếng Việt đương nhiên không chỉ là một ngôn ngữ cho người Việt mà thôi, mà còn một ngôn ngữ quan trọng cho tất cả mọi người.
Việc học và hiểu biết về Việt ngữ còn tạo điều kiện cho các học sinh từ đủ mọi thành phần sắc dân có thêm phương tiện để học hành khá hơn, không những trong lãnh vực Anh ngữ mà còn cả trong các lãnh vực khác.  Không những chỉ học giỏi hơn, các em còn có thể phát triển trí thông minh của mình.
Với những ích lợi này, các trường hay học khu công cộng cần khuyến khích mở ra các chương trình giảng dạy Việt ngữ như là một ngoại ngữ , không những ở cấp trung học mà còn cả ở cấp tiểu học, để các em có thêm cơ hội phát triển trình độ học vấn của mình đến mức tối đa.
Song song với các nỗ lực của trường học, các phụ huynh cũng như các tổ chức trong cộng đồng, ví dụ như các trung tâm Việt ngữ, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy Việt ngữ để các học sinh có thêm cơ hội phát triển toàn diện khả năng của mình.
Tương lai của cộng đồng Việt nam và nền văn hóa Việt nam tại hải ngoại qua đó càng có thêm triển vọng được thăng tiến một cách sáng lạng hơn.  
 TÀI LIỆU THAM KHẢO  Bialystok, E., “Effects of Bilingualism and Biliteracy on Children’s Emergent Concepts of Print.” Developmental Psychology 30 (3): 429-440 (1997). Thomas, W.P., V.P. Collier, and M. Abbott, “Academic Achievement Through Janpanese, Spanish, or French: The First Two Years of Partial Immersion.” Modern Language Journal 77(2): 170-180 (1993). Rafferty, E.a., Second Language Study and Basic Skills in Louisiana. Baton Rouge, LA: Louisiana State Department of Education. (1986) ERIC Document Reproduction Service No. ED 283 360. Barik, H.C. and M. Swain, Bilingual Education Project: Evaluation of the 1974- French Immersion Program in Grades 2-4, Ottawa Board of Education and Carleton Board of Education. Toronto: Ontario Institute of Studies in Education. ERIC Document Reproduction Service No. ED 121 056. Genesee, F., Learning Through Two Languages. Cambridge, MA: Newbury House (1987). Swain, M. and S. Lapkin, “Candian Immersion and Adult Second Language Teaching: What’s the Connection"” Modern Language Journal 73 (2): 150:159 (1989). Saito, Lynne Tsuboi, Ethnicity Identity and Motivation – Socio-Cultural Factors in the Educational Achievement of Vietnamese american Students (LFB Scholarly Publishing, LLC: New York, 2002) (Data obtained from Garden Grove Unified School District, Garden Grove, Calif.) Bruck, M., W. E. Lambert, and R. Tucker, “Bilingual Schooling Through the Elementary Grades: The St. Lambert Project at Grade Seven.” Language Learning 24 (2): 183:204 (1974). Hakuta, K. Cognitive Development of Bilingual Children (1986). Los  Angeles: University of California, Center for Language Eduation and Research.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.