Hôm nay,  

Sách Mới: Giới-thiệu “phù-thuật” Của Bs Lê Văn Lân

23/07/200900:00:00(Xem: 8838)

Sách Mới: Giới-Thiệu  “Phù-Thuật” Của Bs Lê Văn Lân

Nguyễn Ngọc Bích
Duyên của tôi với Bác-sĩ Lê Văn Lân chủ-yếu là một cái duyên văn nghệ.  Tôi được làm quen với ông lúc đầu là qua những tác-phẩm của ông như Bút-khảo về Ăn mà tôi được đọc khi tôi còn cố gắng làm những tổng-kết văn-học hải-ngoại hàng năm cho các báo.  Rồi sau khi được làm quen với ông trong mấy sinh-hoạt của nhóm Duyên Văn mà ông là một trong những thành-viên sáng-lập ở Phila, tôi lại còn được vinh-dự giới-thiệu tập chuyên-đề rất giá trị của ông về Chiếc Bảo-ấn cuối cùng (của Vua Bảo Đại, nhà vua cuối cùng của Triều Nguyễn) khi ông về ra mắt ở Thủ-đô.  Sau này, khi ông đã về hưu ở Austin, Texas, thì tôi lại vẫn được ông tặng cho những tác-phẩm giá trị như hai tập Bút khảo về Xuân.
Nếu tôi đã có dịp tiếp tay ông khi ông cần ra mắt sách ở vùng Thủ-đô thì ngược lại, lần tôi đi Austin, Texas, vào tháng 9 năm 2000 để dự Đại-hội lần thứ 15 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ, tôi lại được hân-hạnh ông nói chuyện về cuốn Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm của tôi vừa ra năm đó tại Hội Cao-niên Austin.
Thành thử như người ta nói, “đồng-thanh” dễ “tương-ứng” cũng như “đồng-khí” dễ “tương-cầu.”  Hai người miệt mài nghiên cứu về Việt-nam thì cũng dễ đến với nhau, tìm đến nhau để học hỏi của nhau—mà tôi chủ-yếu học từ ông, từ cái kho lẫm khá mênh mông mà không biết ông tích-luỹ từ bao giờ.
Chủ-nhật này, ông ra mắt cuốn sách mới nhất của ông viết về Phù-thuật Việt-nam, một lãnh-vực đầy bí ẩn mà người ít tò mò nhất chắc cũng không khỏi phân vân muốn biết nó là cái gì.  Nghe chữ “phù-thuật” có thể có người sẽ cho là cái gì xa xôi lắm, huyền-bí lắm, ngoài kinh-nghiệm sống của ta, vì thế có lẽ ta nên “diễn Nôm” ngay: “phù-thuật” là tiếng Hán-Việt cho một hiện-tượng mà hầu hết chúng ta đều đã từng trải, từng kinh-nghiệm, đó là chuyện “bùa chú,” chuyện “ma xó” của người Mường, chuyện “bùa ngải” của người Miên Nam-bộ (Khmer Krom), chuyện “shaman” của người Trung-Á (Mông-cổ, Uy-gua Hồi-hột, v.v.).
Kinh-nghiệm bản-thân
Diễn Nôm như thế thì chắc ta không còn thấy xa lạ nữa.  Riêng cá-nhân tôi, chẳng hạn, từ nhỏ tôi đã có không ít kinh-nghiệm về bùa chú như sau.
Khi còn nhỏ, tôi dễ bị đau ốm.  Xem tử-vi, người ta cũng bảo mẹ tôi cần phải đi cúng kiếng cho tôi vì ngày xưa, trong một kiếp trước nào đó, tôi đã có tội đánh rơi đánh rớt cái bình hoa gì đó ở trên Thiên-đình nên bị Thiên-hoàng phạt.  Thế là mẹ tôi đi sắm lễ, mỗi mồng một ngày rằm (ít nhất cũng đến khoảng tuổi lên 10) đều cúng kiếng cho tôi rất cẩn thận, còn bắt tôi thuộc lòng câu khấn “rất linh thiêng” để trừ tà.  Không rõ chuyện đó có hiệu-nghiệm thật hay không nhưng có điều chắc là tôi rất thích và do đó rất tin tưởng, ít nhất một tháng hai lần cũng được ăn chuối, ăn oản rất khoái.  Và có lẽ cũng vì tin tưởng phần nào nên bệnh tật của tôi cũng thuyên giảm—hay tôi khoái quá mà quên đi lúc nào không hay.
Chính mẹ tôi cũng được chữa mẹo kiểu đó.  Cụ hồi đó còn khá trẻ và đẹp nhưng cứ ít bữa lại bị thiên-đầu-thống (một loại đau đầu, nhức đầu kinh niên).  Đi hỏi thầy lang hay thầy bùa (tôi cũng không rõ nữa), mẹ tôi được chỉ là do có nhiều tóc quá ở trên đầu, nếu cắt bớt hay cạo hẳn bớt đi thì sẽ hết.  Quả như rằng, tóc mẹ tôi hồi còn trẻ rất đẹp và dài đến quá chân.  Nhưng để chữa thiên-đầu-thống, cái mẹo của mẹ tôi là cho người cạo trọc chỏm đầu xong quấn khăn (nhung) lên để che chỗ bị cạo, và hình như cũng qua sự tin tưởng mãnh-liệt (một loại tự-kỷ ám-thị) nên hết luôn thiên-đầu-thống.  Chuyện cắt tóc ở chỏm đầu này, mẹ tôi gần như giữ đến cuối đời--một bí mật mà rất ít ai biết, có lẽ chỉ trừ một vài người con tò mò như tôi mà thôi.
Lớn lên, tôi tự cho mình là con người mới, không còn tin ở những điều “nhảm nhí” như bùa chú v.v.  Nhưng đến khi tôi, đang ở tuổi “teenager,” sửa soạn đi du học Mỹ, mẹ tôi lại thuyết phục tôi--hoặc là thế, hoặc là tôi muốn chiều mẹ--để cho cụ kiếm cái bùa đeo vào cổ trước khi lên đường sang Mỹ.   Cái bùa này, tôi đeo một thời-gian khá lâu, có lẽ cũng phải vài năm, cho đến một hôm tự-nhiên nó rụng đi đâu mất và tôi cũng không thấy cần mất công đi tìm nó nữa.


Tưởng thế là hết với chuyện bùa ngải.  Nhưng không!  Vài tháng trước khi mất miền Nam, nhà tôi, nhân có dịp đi thăm một “cậu” ở Thủ-đức với mấy người bạn và bà chị, lại hỏi về chuyện của tôi.  “Cậu,” qua một người phụ nữ mà “Cậu” nhập vào, phán một câu thật lạ lùng.  “Người nam này,” Cậu nói, “thông minh, giỏi giang lắm nhưng Triều-đình lộn xộn nên con đường trước mặt không bằng phẳng lắm.”  Vì vậy nên để giữ mình, giữ thân, “Cậu” lại cho tôi một lá bùa để đeo cổ.  Về nhà, nhà tôi mất công không ít thuyết phục tôi đeo vào, cho rằng phòng dữ vẫn hơn.  Trước chiều mẹ, giờ chiều vợ, tôi đành đeo vào song cũng không mấy tin tưởng.  Chả bao lâu, nước mất nhà tan, người không muốn tin cũng phải thành tin.  Và đúng ngày 30/4 năm 75, vợ chồng tôi thành lang thang trên mặt biển—có lẽ cũng nằm trong số những “thuyền-nhân” đầu tiên rời khỏi VN sau khi Cộng-sản vào thành.
Và cũng như cái bùa kia, tôi đeo cái bùa chú của “Cậu” cho trong nhiều năm như một thói quen, đi tắm đi bơi cũng đeo như một thứ “bửu-bối.”   Cho đến một ngày nọ, nó cũng theo chân cái bùa trước, rớt rụng đi lúc nào không hay.
Người ta có thể cho tôi là như vậy không còn “mê-tín dị-đoan” nữa.  Nhưng có thật không"  Biết bao người trong chúng ta giờ đây, tuy không đeo bùa chú nữa nhưng vẫn đeo tượng Phật, tượng A-di-đà, tượng Chúa (trên thập-giá), tượng Phật-bà Quan-âm hay tượng Đức Mẹ Vô nhiễm, và tin rằng đeo như thế ta có được sự chở che!  Về tín ngưỡng thì có thể khác nhau nhưng về lòng tin vào một đấng thiêng liêng, vào một sức mạnh tâm-linh nào đó có thể che chở, bảo bọc cho ta thì những sự đeo đó có khác gì nhau"  Có khác chăng có lẽ chỉ là một đằng là ta thờ Chúa, thờ Phật, và một đằng là ta theo Đạo-giáo mà tin tưởng ở những đấng thần-linh khác, cũng có thể qua bùa chú, phù-thuật mà quan phòng, che chở cho ta.
Cuốn sách về “Phù-thuật” của B.S. Lê Văn Lân
Cuốn sách về phù-thuật của B.S. Lê Văn Lân ra mắt Chủ-nhật này dẫn ra vào thế-giới “bùa, một khu rừng rậm u linh” (trang 17) để từ đó đưa ta vào một “vấn đề của mọi nơi và mọi thời đại” (trang 20), dù là Đông hay Tây, dù là Thiên-chúa-giáo, Phật-giáo hay cả (nhất là) Hồi-giáo (“Sésame!  Sésame!  Ouvre-toi!”  “Hột mè!  Hột mè!  Hãy mở ra!”), rồi đi vào những lãnh-vực như phân-tâm-học, tiềm-thức (cá-nhân hay tập-thể), tâm-lý-học phân-tích v.v.
Nhưng bao trùm hơn cả là ảnh-hưởng của vu-học (shamanistic studies) Trung-hoa mà đúng hơn có lẽ phải nói là của vu-học Trung-Á, vì Lão-tử, tác-giả cuốn Đạo-đức-kinh (mà có thể tên gốc là Đức-đạo-kinh), đã để lại cuốn sách trước khi ông rời khỏi Trung-hoa đi về phía Tây, tức là vào vùng Tân-cương bây giờ.  Đây là nội-dung của Phần II trong cuốn sách: “Nguồn gốc quan-niệm từ Trung-hoa”).  Phần III đi vào “Sự du nhập và truyền-bá Đạo-giáo trong bối-cảnh Việt-nam qua lịch-sử và văn-hoá” trong đó ta có những định-nghĩa về “bùa” (trang 65) và “chú” (trang 66) rồi “Quan-niệm về linh-hồn và ma quỷ trong… lễ nghi tam giáo VN” (Chương II của Phần III) để kết với “Đạo-giáo [và] “Phù-thuật” ở VN (Chương III) với những hình-thức lên đồng, hầu bóng và cung văn đàn hát nhộn nhịp không thua gì Rock của Mỹ sau này.
Mấy phần trên đây là những phần hấp dẫn hơn cả vì nó đi vào lịch-sử phù-thuật VN, được so sánh với các truyền-thống khác trên thế-giới.  Đi vào chuyên-môn hơn là những chương trong Phần IV, trong đó tác-giả giải thích các hình-thức “bùa phổ-thông theo nguyện-chúc của cuộc sống” (Chương I), “bùa ngoại-thương, cấp-cứu” (một loại bùa chữa trị như cầm máu, chữa rắn cắn) (Chương II), rồi “bùa ngải đặc-biệt của Phật-giáo, Mật-tông, Chàm, Miên” (Chương III), và một số “bùa thông-dụng khác” (dùng cho nhà cửa, cất nóc v.v.) (Chương IV).
Phần V đi vào chuyên-môn hơn nữa với “Kỹ-thuật thực-hiện một lá bùa và một lễ-đàn,” kể cả “Thư-phù” (Chương II của phần này).  Phần VI đi vào những đề-tài như “Ấn-quyết,” “Bộ Cương Đạp Đẩu Pháp” (cách đi uốn éo theo một vũ-điệu huyền-bí) và Phần VII là “Tổng-luận.”
Phần VIII gồm 6 phụ-lục, I về Lỗ Ban, II về “Những lá bùa cấm kỵ,” III về “Bí-thuật chế bùa cấm kỵ,” IV về “Tiền bùa và tiền chúc nguyện,” V về “Linh-ảnh” và VI về “Quyền-lực của cây thánh-giá và nghi-thức trừ quỷ trong đạo Công-giáo,” VII về “Hối quỷ và Trục quỷ” và VIII về một số “bùa thông-dụng.”
Có thể nói với cuốn sách mới nhất này của ông, B.S. Lê Văn Lân đã hoàn-thành một cuốn sách đầy đủ nhất về đề-tài này trong tiếng Việt.  Riêng cá-nhân tôi đã được đón B.S. Lê Văn Lân đến nhà cách đây cũng đến hơn 20 năm nói chuyện về đề-tài này khi ông mới bắt đầu đi vào lãnh-vực này.  Lần đó, chắc một số bạn cũng hãy còn nhớ ông say sưa đến như thế nào khi đi vào đề-tài.  Ông đã giữ được sự hăng say đó và đây là kết-quả bao nhiêu năm nghiền ngẫm của ông.  Ai thích thú về đề-tài này không thể tìm đâu ra được một cuốn dẫn nhập đầy đủ hơn được cuốn này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
Đông Tiến là con đường tiến về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời của đất nước Việt Nam thân yêu từ hải ngoại
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước
Tin tức không làm ai ngạc nhiên là mấy ngày qua bà con dân oan các tỉnh thành phía Nam lại rủ nhau về Sài gòn tiếp tục "khiếu kiện đông người"
Những nước khác thì sao không biết, riêng Việt-Nam, sự hưởng-ứng nầy không phải là một thiện-chí của bạo-quyền Cộng-sản mà là một thủ-đoạn
Dù cho khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước của đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã bị người đời bác bỏ không thương tiếc
Luật Sư Nguyễn Quang Trung thay mặt các dân cử gốc Việt, phát biểu tại phiên họp Hội Đồng Thành Phố về dự án mở sòng bài
Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề trên qua cuộc trao đổi sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.
Phong Trào Xanh Việt Nam - Green Vietnam Movement - Chủ Động Ứng Phó Với Thảm Trạng Ô Nhiễm Môi Sinh Ở Việt Nam.
Thế kỷ hiện nay có nhiều biến động. Qua các yếu tố, chính yếu là vật chất, thế giới chúng ta đang sống, ngày càng thu nhỏ lại
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.